Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


NĂM NHÂM NGỌ NÓI VỀ CÁI TRIẾT THUYẾT BẠCH MÃ LUẬN CỦA CÔNG TÔN LONG

Thinh Quang

CÔNG TÔN LONG LÀ MỘT TRONG NHỮNG NHÀ BIỆN LUẬN NỔI TIẾNG Ở THỜI NHÀ TRIỆU. Ông sinh vào năm 320 trước Công nguyên và mất vào khoảng năm 250 trước Công Nguyên. Ông là bậc hậu sinh so với Huệ Thi, nhưng tầm hiểu biết của ông so với bậc tiền bối này không thua kém gì.

Vì vậy mà khi người đời bàn về phái triết học Danh gia hay các biện giả, không thể không nhắc nhở và ca tụng đến Công Tôn Long với các mệnh đề "Ly Kiên Bạch" hoặc "Bạch Mã Phi Mã"... Qua các mệnh đề triết học này người đời thường nhắc đến các hành động và lý luận của ông như câu chuyện muốn qua bên kia biên giới lại bị lính canh ngăn chặn. Công Tôn Long hỏi:

- Tại sao ngăn chặn ta?

- Lối này cấm ngựa qua

- Vậy thì ta qua được.

- Tại sao lại qua được ? - Lính canh hỏi.

- "Ngựa ta trắng... "

- Trắng hay đen nó cũng là ngựa.

Công Tôn Long quắt mắt:

- Anh này có mắt không ngươi... "ngựa trắng đâu phải là ngựa".

Nói xong Công Tôn Long ung dung dắt ngựa qua...

Công Tôn Long có cái nhìn khác hẳn, với Huệ Thi thì nhấn mạnh cái tính chất tương đối của vạn vật trong cái hiện thực, ngựa trắng, ngựa ô, ngựa kim hay ngựa vằn cũng đều là ngựa, nhưng với Công Tôn Long thì không phải vậy. Công Tôn Long bảo:

- Chính cái "danh" gọi vốn là cái kết quả của sự phản ảnh về khái quát của những đặc tính chung nhất của muôn vật. Cái cụ thể đang tồn tại đó mới là cái tuyệt đối, chẳng những tuyệt đối không thôi mà là tuyệt đối vĩnh viễn. Rồi ông nhấn mạnh: “Nó đâu có phụ thuộc vào các vật thể hay các hiện tượng mà nó phản ảnh đó?" Cũng từ đó Công Tôn Long phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của vạn vật trong trời đất cùng các hiện tượng của thế giới khách quan.

Rõ ràng Công Tôn Long có cùng một cái nhìn và cái suy nghĩ của Platon đối với ý niệm về thế giới của Platon - trong triết học cổ đại của Hy Lạp - La Mã.

Các thiên "Bạch Mã Luận" và "Kiên Bạch Luận" nói rõ về tư tưởng của nhà triết học Công Tôn Long. Như  “Thiên Bạch Mã Luận" cho ta thấy ông muốn nhấn mạnh cái chủ yếu của nó là "Ngựa Trắng Không Phải Là Ngựa Trắng". (Bạch mã Phi Mã). Công Tôn Long bảo rằng đã dùng luận lý học mà tách rời màu sắc thoát ra khỏi con ngựa. Như vậy, đối với ông "Ngựa" và "Ngựa Trắng" là những thực thể riêng rẽ, hoàn toàn độc lập, chứ không thể xem như là một được. Thế có nghĩa nó vừa có thuộc tính, bản chất của con ngựa mà nó cũng vừa có cái đặc tính của một con ngựa cụ thể cá biệt thuần túy của nó.

Có người hỏi:

- Tại sao mà tách rời giữa cái trắng và con ngựa ra được? Ngựa nào cũng là ngựa, nó mang màu sắc gì thì gọi tên nó là vậy. Ví như Bạch Mã thì gọi là ngựa trắng, ngựa đen thì gọi ngựa ô, ngựa vàng thì gọi là ngựa kim v.v... Gọi như vậy há chẳng phải đúng hay sao?

- Đâu có vậy được. Người trước sai, người sau cũng sai nốt. "Ngựa là nói về về hình của nó. Có nghĩa là hình con ngựa. Chứ ai bảo nó là hình con vịt đâu? Còn trắng thì nói về cái màu sắc của nó. Nghĩ lại mà xem màu sắc đâu phải là hình? Vậy cho nên "Ngựa Trắng Không Phải Là Ngựa".

Với lý luận trên đây của Công Tôn Long rõ ràng cho ta thấy ông muốn tuyệt đối hóa sự không giống nhau cùng ở một vật thể mà tách rời nhau ra thành hai cái không có sự quan hệ hữu cơ giữa cái chung và cái riêng rẽ của nó. NHưng khi nhìn nó người ta có thể liên kết cái hình và cái màu sắc của nó mà gọi làm một. Con ngựa đó là ngựa trắng.

Theo lý luận của Công Tôn Long thì khi ta đòi có một con ngựa, ghì bên đối tác có thể đưa đến bất cứ con ngựa màu sắc nào, ví như ngựa ô, ngựa kim... Tuy nhiên khi ta đòi hỏi mang cho tôi một con ngựa trắng thì đối tác đó không thể mang ra các chú có màu sắc khác được...

Có người hỏi:

- Ngựa trắng cũng là ngựa, tại sao bảo là không ?

- "Ngựa nào cũng có màu sắc cả. Vì vậy mới có cái tên "ngựa trắng". Ví thử có thứ ngựa không màu, không sắc đi, thì chỉ gọi là ngựa không thôi, bởi nó chẳng có màu để gọi. Còn ngựa trắng không phải là ngựa... Có nghĩa ngựa trắng là ngựa cộng với trắng, như vậy nó chẳng phải là ngựa mà là "Ngựa Trắng".

Trong mệnh đề này, Công Tôn Long đã chỉ ra sự liên hệ và sự khác biệt, chỉ cái chung và cái riêng, cái toàn bọ và cái từng bộ phận, nhưng vì quy định bởi cái tính tuyệt đối của nó nên ông đi đến việc tách rời ra để chỉ "cái chung" và "cái riêng" hay nói một cách khác cái "toàn bộ" và cái "bộ phận" của nó một cách siêu hình. Lý luận này trở thành ngụy biện cho rằng "cẩu" đâu phải là "khuyển". Công Tôn Long lý luận kẻ "giết ăn trộm đâu phải là giết người?" Bởi "con người" là khác còn "người ăn trộm" là khác nhau. Thế thì lý luận của ông "ngựa trắng không phải là ngựa" cũng không ngoài cái ý đó. Cũng như con chó còn nhỏ thì gọi là chó con bởi gọi như vậy là gọi hình thức của nó, vậy thì "chó con” đâu phải là chó"!

Hai mươi mốt luận đề nổi tiếng được ghi nhận trong Thiên hạ sách của Trang Tử và trong Thiên Trọng Ni nơi sách Liệt Tử, trong đó có ghi ra

1. Trứng có lông.

2. Gà ba chân

3. Đất Dĩnh có cả thiên hạ.

4. Chó có thể hóa ra dê.

5. Ngựa có trứng.

6. Con cóc có đuôi.

7. Lửa không nóng.

8. Núi có miệng.

9. Bánh xe không nghiến xuống đất.

10, Mắt không trông thấy.

11.Chỉ không tới, tới không dứt.

12.Rùa dài hơn rắn.

13.Thước vuông không vuông, thước tròn không thể làm ra hình tròn.

14. Lỗ đục không quay quanh cái chốt.

15. Bóng chim bay không hề động đậy.

16. Nhanh như tên bắn mà cũng có lúc không đi không dừng.

17. Chó con không phải là chó.

18. Ngựa vàng trâu đen là ba con.

19. Chó trắng đen.

20. Con ngựa mồ côi chưa từng có mẹ.

21. Sợi dây một thước, mỗi ngày lấy đi một nửa, muôn đời không hết.

Luận về Danh và Thực của các nhà triết học cổ đại Trung Quốc quả thật phức tạp và vô cùng quan trọng. Công Tôn Long đã luận về cái "Danh"là cái tên gọi mà người ta có thể biết được người gọi ấy muốn chỉ cái gì... đâu cần phải tiếp xúc đến các vật đó. Vậy thì cái vật đó có thật. Hay đúng hơn là Danh đề chỉ thực, thực nào danh đó, danh nào thực đó. Người ta gọi là Chính Danh v.v...

Như mệnh đề số 20 nói về con ngựa mồ côi không ngoài chỉ về con ngựa mất mẹ, con ngựa không có hơi ấm của mẹ nữa đó là con ngựa mồ côi... Đó gọi gọi là chính danh. Nhưng ngược lại nó có mẹ đàng hoàng thì đâu có thể gọi nó là con "ngựa mồ côi."

Ví như năm này là năm con Ngựa, đó là cái năm mang tên con Ngựa mà người gọi là năm Ngọ, năm Nhâm Ngọ, nhưng nó không phải là con Ngựa, con ngựa chỉ là cái Danh khoác cho cái năm đó...

Tóm lại, Công Tôn Long thuộc về trường phái triết học Danh gia, chuyên về lý luận sự liên hệ giữa "danh" và "thực", chuyên gợi lên hình ảnh mâu thuẫn bằng những lập luận nghe như lẩn quẩn nhưng lại thật rõ ràng... Ngày nay, các nhà nghiên cứu về triết học Trung Hoa đều nhận thức được những nhân tố biện chứng trong tư tưởng triết học của các triết gia cổ đại của đất nước này đã đóng góp quý báu trong kho tàng của nền văn minh chung cho nhân loại.

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002