Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MÙA XUÂN VÀ HỘI NHẬP VĂN HOÁ

Quỳnh Hạnh

Một câu chuyện tưởng chừng như rất xưa cũ, nhưng thực ra vẫn cón rất mới, một đề tài muôn thuở của nhiều nhà nghiên cứu xã hội- kinh tế, văn hoá, dân tộc – âm nhạc học (ethnomusicologie). Khi nào trên thế giới còn di dân, thì hội nhập văn hoá vẫn là đề tài thời sự, song song với đề tài bảo vệ văn hoá truyền thống.

Như một loại hoa, một loại cây ăn trái đang ở xứ nầy vì hoàn cảnh đành bứng gốc đi  trồng nơi khác; con người cũng thế khi qua sống ở trong một môi trường mới, hoàn cảnh khác biệt với xã hội cũ, kinh tế, văn hoá, khác với xứ cũ thì việc đầu tiên là phải thích ứng với cuộc sống nơi xứ lạ quê người. Vấn đề học sinh ngữ phải được giải quyết.

Vì lý do sinh tồn của con người, và để không bị đào thải vì lý do không đâu, thì tất cả mọi sinh hoạt văn hoá vật chất và tinh thần phải thích ứng vào quỹ đạo mới của quốc gia mà bạn mới đến.

Lịch sử cho thấy nhiều cuộc di dân của một sắc tộc, hay một phần nào của một dân tộc, đi đến đâu họ cũng mang theo di sản (patrimoine) quý báu của văn hoá tinh thần của họ, từ những bộ lạc da đỏ, những bộ tộc da đen, hay xóm làng Châu Á. Họ cũng đem theo trong lúc vội vàng khẩn cấp những hình tượng chạm khắc gỗ, tranh ảnh, đồ trang sức, hình kỹ niệm gia đình ông bà, cha mẹ, tế khí thờ phụng tổ tiên, tôn giáo, âm nhạc...

Họ đựơc dân bản xứ chấp nhận, bắt nhịp cầu thông cảm sâu xa giữa con người và con người, và đặc biệt là nhịp cầu văn hoá, nhịp cầu tri âm giữa dân tộc nầy và dân tộc khác.

Dân tộc Việt Nam chúng ta có tiếng là hiếu học, ảnh hưởng của cha mẹ và kế thừa chủng tử học sinh, nhưng vì hoàn cảnh xã hội bây giờ, chúng ta và các bạn đành phải bỏ dở sự học biết bao điều luyến tiếc. Nay có dịp định cư trên mảnh đất tự do, yên chí làm ăn, con cháu có dịp học hỏi, thi tài cùng bạn mới. Người đi trước rước người đi sau, thế hệ nầy, qua thế hệ khác. Ví dụ như làm giấy bảo lãnh, bảo trợ  tiền bạc, tinh thần...

Phải công nhận giáo dục gia đình rất quan trọng trong việc hội nhập văn hoá. Các em cháu học giỏi, đỗ đạc cao và bước đầu đánh dấu cho sự thành công nầy chính là gia đình và học đường. Thấy hình ảnh cha mẹ hy sinh làm việc cực khổ, các em phấn đấu học giỏi, được phần thưởng, học bỗng, giấy khen của nhà trường. Cha mẹ thương quí con cái, thấy con học giỏi giống hình ảnh của mình năm xưa và vì con làm thêm nữa. Thành ra giữa cha mẹ và con cái có sự nhờ qua, cậy lại, trẻ cậy cha, già cậy con, và thông cảm tinh thần. Đây chính là sự thành công.

Thầy cô giáo,  thấy cha mẹ có con học giỏi như viên ngọc quí trong nhà, thì họ hết lòng dạy thêm, ý kiến xây dựng thêm cho phù hợp hoàn cảnh xã hội mới. Phần các cháu thì học tới một mức nào đó, thì xin đi làm thêm để giúp đỡ cha mẹ phần nào. Cuộc sống vật chất từ đó cũng ổn định dần dần. Tới Tú Tài và trước nguỡng cửa Đại Học, các cháu có thể nhờ ý kiến nhà trường, cha mẹ góp ý thêm cho đỡ lạc lỏng.

Nhân dịp nầy tôi coi đây như một bông hoa mến tặng các em, cháu, chịu khó học hỏi, muốn vươn mình lên cao cho kịp đà tiến hoá của nhân loại, và đem sức mình ra phụng sự cho gia đình, xã hội, và đồng bào mình đang sống. Một bông hoa khác tri ân quí vị phụ  huynh học sinh làm việc khó nhọc để dành tiền bạc cho con em ăn học để cho con em có một ngày mai tươi sáng nơi xứ lạ quê người.

Các em học sinh ngữ Anh, Pháp... là điều đáng khen, nhưng nếu các em không quên tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Việt thì là điều đáng khen hơn nữa. Tìm về cội nguồn là điều không thể quên được khi các em ở xa quê nhà. Câu hò điệu hát  quê hương xứ sở trong các sinh hoạt hội hè, nhân dịp Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, các lễ hội truyền thống...lúc nào cũng có các em nhỏ tham dự bên cạnh cha mẹ là điều rất mừng.

Trở lại câu chuyện hội nhập văn hoá, các em cháu khi qua đây có thể chưa biết tiếng Anh, Pháp...nhưng nhờ sự chịu khó học hỏi, sự tiếp xúc giao thiệp hằng ngày, khi vào trường học các em có thể bắt kịp được các bạn cùng lớp. Tuy nhiên lúc đầu cũng hơi gay go, phải có sự tiếp tay cuả phụ huynh cả thầy giáo, cô giáo rất nhiều về phương diện sư phạm thực hành.

Nhưng đừng vì tập trung học hỏi sinh ngữ Anh, Pháp... mà quên tiếng Việt Nam. Vì quên tiếng Việt là các em mất từ từ con đường học hỏi về văn hoá Việt Nam, là một nên văn hoá lớn của thế giới... “Việt Nam là ngã tư của các dân tộc và các nền văn minh” (O.Jansé) khi nhà khảo cổ nầy nhận xét những công trình khai quật khảo cổ ở nước ta.

Không quên tiếng Việt Nam, đây là lúc nhờ sự trợ giúp của ông bà cha mẹ cho các em nói tiếng Việt Nam trong gia đình và trong lễ hội...nhờ nói tiếng Việt, các em cháu có thể thăm viếng ông bà khi ông bà đau ốm, giúp đỡ tinh thần ông bà cô đơn lúc tuổi già, xế bóng nơi xứ lạ quê người. Các ông bà thèm nói tiếng Việt và khi ốm đau có ai đó hỏi thăm bằng tiếng Việt thì ông bà đỡ buồn, đỡ bệnh, có thể đây là bệnh nhớ nhà, tình hoài hương, trông về cố quốc. Tôi còn nhớ lại bài học khi còn nhỏ:

Sinh ra ấy là cha mẹ

Trên cha mẹ còn có ông bà

Ông bà sức yếu tuổi già

Ta phải hầu hạ vào ra ân cần

Nhờ nói tiếng Việt trong những lần viếng thăm như  thế, các em cháu có thể hỏi ý kiến ông bà trong những vấn đề khó khăn của thời đại như xung đột cũ và mới , bất đồng ý kiến, tình yêu, hôn nhân tránh được nhiều ngộ nhận có thể đi đến những lầm lỡ đáng tiếc. Cuộc sống nơi xứ lạ quê người nhờ phong tục tập quán người Việt, nhờ văn hoá cổ truyền, chúng ta giúp đỡ cũng được ít nhiều cho giới trẻ.

Tới đây tôi nhớ đến bài thơ Thiền của Mãn Giác Thiền Sư, đời Lý, thế kỷ 11, trích đoạn hai câu thơ danh tiếng:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ Nhất Chi Mai

Bản dịch của cụ Ngô Tất Tố:

Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành Mai.

Cành mai của Mãn Giác Viên Thiền Sư thế kỷ 11 một lần nữa lại đến với chúng ta, thế kỷ 21.

Tôi nhớ đến cây mai trắng, Bạch Mai ở chùa Gò, Phụng Sơn Tự, thành phố Sài Gòn. Trong không khí rộn rịp của Xuân về Tết đến, nam thanh nữ tú, trai thanh, gái lịch đi chùa cầu An, cầu Phước, cầu Duyên, xin Xâm bà, hái Lộc, bói Kiều...trẻ em được mặc quần áo mới mừng tuổi ông bà cha mẹ được lì xì trong lòng hớn hở, nghe tiếng pháo giao thừa Mừng Xuân mà trong lòng vui nhộn. Đàn Tràng Phật Dược Sư với bốn mươi chín ngọn đèn thắp sáng trên những đèn Bông Sen cúng Phật chia đều trên bảy bàn Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai từ mồng tám đến Rằm tháng giêng và Lễ Thượng Ngươn:

Mỗi năm mỗi thắp đèn Trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con (ca dao), cầu An đầu năm,

Tiếp theo đó là cúng Đình Ngài, thỉnh Sắc Thần, Lễ Kỳ Yên...

“Đáo lệ kỳ An, Thần Hoàng Bổn Xứ”

Và rất nhiều lễ hội trong mùa Xuân, ngày Tết, quý bà, quý cô tay cầm cành Mai, cành Đào, cùng quí ông cúng chùa Lễ Phật. Lễ Giao Thừa, đi cúng Đình Ngài, cúng Miểu bà Thiên Hậu, văng vẳng đâu đây bài hát rất xưa nhưng không bao giờ cũ:

Hội ca cầm là hội ca cầm.

 Chúc cậu mợ giàu sang phú quí...

Hoặc những câu thơ của nhà thơ vừa là nhà đoán điềm tự sáng tác tuỳ hứng rất là dân gian trong lúc bàn Xâm cho quý bà, quý cô..

Sang xuân mới tôi kính chào cô Phúc

Phúc lộc tràn đầy phú quí hưởng giàu sang

 Thế kỷ 21 đã đến với cành Mai còn lóng lánh giọt sương bình minh của Thiên Niên Kỷ thứ ba, vẫn còn tiếp tục lan toả ánh sáng Văn Hoá Dân Gian, Vietnam Folklore tới nơi vô cùng tận của hành tinh chúng ta...

Vẫn còn chứ cành Mai của Giáng Kiều và Tú Uyên trong Bích Câu Kỳ Ngộ, mùa xuân trẩy Hội năm nào, vẫn còn cành Mai vàng phơi phới, thắm tươi hương ngát trong lòng dân tộc Việt Nam.

Quỳnh Hạnh

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002