Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


CA DAO VIỆT NAM

Gặp cơn sóng gió chớ non tay chèo

Sông hồ một giải con con,

Gặp cơn sóng gió chớ non tay chèo.

Yêu nhau sinh tử cũng liều,

Thương nhau lặn suối qua đèo có nhau

(Ca dao Việt Nam)

Cứ mỗi độ Xuân về, điều đầu tiên mà ta nghĩ tới trước tiên là tuổi. Nói về tuổi thọ của một đời người, chúng ta thường chúc nhau "sống lâu trăm tuổi". Nhưng nếu một người sống đủ trăm năm thì họ sống thật được bao nhiêu năm. Theo tôi chỉ trong khoảng năm mươi năm, tính từ khi ta lớn lên cho đến khi "rửa tay, gác kiếm". Đó là quãng thời gian sống thật của một đời người, quảng thời gian mà ta đã biết thế nào là tình yêu. Trước đó thì quá trẻ, sau đó thì quá già. Trên thực tế, rất ít người có tuổi thọ là trăm năm. Theo thống kê vào năm 1990, tuổi thọ của quí ông trung bình là 71.9 và quí bà là 79. Như vậy, tuỗi sống thật cũng chỉ chừng trên dưới năm mươi tùy theo hoàn cảnh và tùy cả vào cách sống của mỗi người.

Theo thi hào Nguyễn Du trong Kim Vân Kiều thì người ta có hai con đường lựa chọn là tu để vào "cõi phúc" hay chạy theo tình để tạo "dây oan". Thật ra, "cõi phúc" và "dây oan" cũng có những cái rắc rối riêng và chỉ những người trong cuộc mới biết được. Ai sinh ra mà không phải chịu cảnh "Đời là bể khổ"? Thời gian năm mươi năm của cuộc đời, nếu không chọn con đường "cõi phúc", người ta bắt đầu vào cái lộ "dây oan". Gặp một người chia sẻ ngọt bùi và đi tới hôn nhân không dễ mà cũng không khó. Có người tìm bạn đường cả đời vẫn không thấy mà có người tự nhiên lại gặp. Do đó ta vẫn cho là duyên nợ, có duyên gặp được nhau và có nợ nên phải lấy nhau để trả nợ. Nợ nhiều hay nợ ít, theo người Việt xưa thì cũng phải trả cho hết cuộc đời.

Vì sống chết với nhau như thế, Việt Nam ta có những câu ca dao, tục ngữ, câu hò, bài hát dễ thương, trữ tình trong nhân gian, mà chúng ta không biết phát xuất ở thời gian nào, không biết tác giả là ai; có những câu hò đầy tình nghĩa vợ chồng của người phụ nữ như:

"Đi đâu cho thiếp theo cùng,

Nắng mưa thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam"

Hay:

"Vì tằm em phải chạy dâu

Vì chồng em phải qua cầu đắng cay"

Hoặc có câu tục ngữ đầy tình nghĩa phu thê "thuận vợ, thuận chồng tát bể đông cũng cạn", hay "chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa". Trong đó nói lên được sự bình đẳng, chung sức nhau để xây dựng gia đình. Trong thiên nhiên, mọi vật tạo hóa dựng nên đều có sự cân bằêng. Và nhờ sự cân bằng mà vạn vật đều vững vàng và tồn tại. Tình vợ chồng cũng thế, vợ chồng cùng chung sức như nhau thì chắc chắn gia đình sẽ không đổ vơ.õ Đó là tinh hoa của văn hóa Việt.

Khi người Việt chịu ảnh hưởng quan niệm hôn nhân của Khổng Mạnh, con cái thường phải nghe lời cha mẹ, "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nên khi được cha mẹ gả đi đàn bà cứ ngồi nguyên một chỗ dù bị đối xử như thế nào. Trong khi đó, luân lý xã hội lại cho đàn ông có quyền lấy thêm thê thiếp "Trai năm thê, bảy thiếp. Gái chính chuyên có một chồng".

Trong hôn nhân, thời Khổng Mạnh, người vợ thường chịu thua hoàn toàn nên người chồng khó có lý do bỏ vợ. Thời đó người ta sống với nhau không phải vì tình yêu mà chỉ vì bổn phận nên rất ít có trường hợp ghen tuông, giận hờn làm xáo trộn gia đình. Như vậy ta có thể hiểu được tại sao người đàn bà lại đi lấy vợ hai cho chồng. Chính vì được giáo dục chịu đựng từ đời này xuống đời kia nên đàn bà thời Khổng Mạnh không phàn nàn về bất cứ một bất hạnh nào xảy đến cho chính mình. Cũng theo quan niệm ngày xưa, con gái bị gả chồng sớm vì sợ ế, làng xóm láng giềng cười. Con gái nhà ai lấy chồng sang giàu không những làm rạng danh cho cha mẹ mà conø cho cả giòng tộc nữa. Vì vậy nên có nhiều cuộc tình tan vỡ vì không "môn đăng hộ đối". Đối với đàn ông, lấy vợ để nối dõi tông đường nên " lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống". "Tông" tốt là cái đức hạnh, do gia phong nhiều thế hệ mà có. Còn "giống" tốt là khỏe mạnh, tướng mạo phương phi. Tuy nhiên, dù tài đức vẹn toàn, nếu nàng dâu không sinh con đẻ cái, vẫn không được nhà chồng chấp nhận. Như vậy con gái lấy chồng là để đền ơn dưỡng dục của mẹ cha, và để lãnh trách nhiệm đem giòng giống cho nhà chồng. Ước nguyện có tình yêu trong hôn nhân của người con gái là điều xa xỉ và thầm kín. Sau thời Khổng Mạnh, văn hóa tây phương tràn sang, tình trạng tương quan trai gái bắt đầu thay đổi. Nếu ta muốn biết về tâm tình của người phụ nữ được bộc lộ ra từ thời nào, có lẽ cách tốt nhất là ta nhìn vào văn học sử. Khi cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời vào năm 1925, người ta mới thấy cái lãng mạn của tình yêu trai gái. Tố Tâm và Đạm Thủy yêu nhau, nhưng Đạm Thủy đã hứa hôn với một người theo ý của gia đình nên Tố Tâm phải nghe lời cha mẹ thành hôn với một người đàn ông khác. Nhưng câu chuyện không dừng ở đây mà là cái chết của người con gái sau khi lên xe hoa về nhà chồng.

Mối tình của hai nhân vât Tố Tâm và Đạm Thủy cũng ngang trái éo le và lãng mạn như chuyện tình của Romeo và Juliet trong kịch bản của văn hào William Shakespear vào thế kỷ thứ 16. Chuyện tình này vẫn còn được trình diễn ở các hý viện nổi tiếng cho đến bây giờ. Tiểu thuyết Tố Tâm đã làm rơi nước mắt của nhiều kẻ yêu nhau, nhất là giới phụ nữ. Điểm đặc biệt, nhà văn Hoàng Ngọc Phách đã nói lên được sự cần thiết của tình yêu trong hôn nhân đối với thế hệ bấy giờ. Sau đó, nhóm Tự Lực Văn Đoàn (1933) đã mạnh mẽ nói lên những xung đột giữa mới và cũ về đời sống gia đình và xã hội, điển hình là cuốn Đoạn Tuyệt của Nhất Linh (1935). Loan là một cô gái theo tân học, yêu Dũng, một thanh niên đi làm cách mạng, bị cha từ bỏ. Vì thế mà hai người không lấy được nhau. Sau đó Loan bị gả cho một người đàn ông khác , đưa đời người con gái đẹp xuống vực thẳm. Cuốn Đoạn Tuyệt là cuốn sách gối đầu giường của các thiếu nữ thời bấy giờ. Nhà văn Nhất Linh đã mở đầu việc tranh đấu cải thiện đời sống phụ nữ trong hôn nhân.

Đến đây chúng ta không thể không nhắc đến một bài thơ đăng ở báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào năm 1937, ký tên TTKH, diễn tả sự tan vỡ của một mối tình lãng mạn, sự đau khổ của một người con gái phải sống với bổn phận làm vợ mà thiếu vắng tình yêu:

"Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

Mà từng thu chết, từng thu chết,

Vẫn dấu trong tâm một bóng người".

Bài thơ này đã nổi tiếng đến bây giờ và không biết tác giả là ai. Nếu tác giả là phụ nữ, chắc bà phải là người can đảm, dám nói lên sự thật. Và nếu bà sống vào thế hệ sau, bà sẽ can đảm hơn. Bà sẽ không khóc lóc than van. Bà sẽ có nhiều lựa chọn. Hoặc là bà bỏ cuộc, hay là bà chấp nhận ở lại để tu bổ liên hệ vợ chồng đã "lạt lẽo" bấy lâu. Nhưng tiếc thay TTKH không sinh vào thế hệ sau nên bà không có quyền lựa chọn.

Nói đến thế hệ sau, tôi nhớ ngày còn ở tuổi mười lăm, mười sáu, vì đời sống trong quân đội, cha tôi bị đổi về một tỉnh nhỏ. Ông tính hiếu khách nên quen biết với hầu hết các chức sắc trong thị xã. Hồi đó một ông quận trưởng độc thân hay đến thăm nhà. Mỗi lần tới ông cho chị em tôi nhiều quà và hay nói chuyện tôn giáo với cha tôi tuy ông không phải là người có đạo.

Mẹ tôi nói:

_ Ông quận này giàu lắm, đứa con gái nào mà vớ được ông là phước bảy mươi đời.

Tôi cứng đầu trả lời:

- Không hẳn như vậy đâu mẹ, con chỉ lấy chồng khi nào con thích người đó. Bây gìờ con thích đi học.

Mẹ tôi giáo huấn bằng một giọng đặc sệt Bắc kỳ:

- Vẽ! lấy nhau xong mới biết. Mẹ có biết ba trước khi lấy nhau đâu. Học lắm rồi ế chồng. Một bước lên bà mà không muốn.

Tôi rất sợ "lên bà". Nhớ đến mỗi lần các mệnh phụ phu nhân đến chơi, các bà ăn mặc, trang sức lộng lẫy làm tôi ngột thở. Tưởng tượng một con bé mười sáu tuổi, tóc bới cao, tay đeo đầy kim cương, cẩm thạch, vàng, bạc sáng lóe, trông "nhà quê" quá. Không, chắc chắn là không. Ít lâu sau ông quận lấy vợ, mẹ tôi bảo cô gái ấy có phước, còn "con nhà này sao ngu quá".

Mẹ tôi lớn lên cùng thời với Tự Lực Văn Đoàn mà sao cụ vẫn còn có quan niệm hôn nhân cổ điển như vậy. Nhưng nói cho cùng, phụ nữï Việt Nam đã bị ảnh hưởng giáo điều Khổng Mạnh Trung Hoa quá lâu, từ đời này đến đời kia, không thể một sớm một chiều mà thay đổi được. Công việc canh tân đời sống gia đình cho phụ nữ do Tự Lực Văn Đoàn khởi xướng, phải mất một thời gian dài mới được xã hội chấp nhận.

Dần dần theo đà tiến hóa, con gái hay con trai đều được nuôi dạy như nhau nên con gái cũng độc lập như con trai. Vì thế khi lấy chồng điều kiện vật chất chỉ là thứ yếu. Không như thời Khổng Mạnh, cha mẹ dù muốn "dựng vợ gả chồng" cho con cái cũng khó thực hiện vì trai gái đã có quyền gặp gỡ để tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân. Đó là một quan niệm chính đáng mà phần lớn chúng ta đều công nhận. Trai gái đã có quyền tự do kết hôn nhưng lại xảy ra một điều mà ngày xưa không có là trường hợp "nửa đường đứt gánh" của những cặp vợ chồng không hòa thuận. Nguyên nhân vợ chồng đưa nhau ra tòa có rất nhiều lý do mà thời nay mới có. Khi đôi trai gái yêu nhau mà không có gì trắc trở, được nên vợ chồng thì chắc không còn gì hạnh phúc cho bằng. Họ đi trăng mật, nói với nhau những lời nhỏ nhẹ ái ân, hai người tưởng như hai mà một, một mà hai. Hay nói một cách khác như người Mỹ là người này là nửa của người kia. Nửa kia mà đau sơ sơ thì nửa này sẽ đau đứt ruột. Và cứ mãi như thế thì chắc không ai muốn làm khổ ai. Nhưng tất cả mọi việc trên đời không thể lúc nào cũng hoàn hảo, ngay cả con ngưới, "nhân vô thập toàn".

Người ta sống với nhau lâu ngày sẽ thấy đươc cả cái tốt , cái xấu của nhau. Nhiều khi những thói hư tật xấu đó của người bạn đường đã có sẵn nhưng mình không thấy lúc đầu, hoặc mình đã chấp nhận nhưng bây giờ mới cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, sống trên đời, ít ai tránh khỏi lỗi lầm. Trong trường hợp ấy, sự rộng lượng tha thứ là cần thiết. Tuy nhiên, một người có thể được tha thứ, không có nghĩa là người ấy không phải tự sửa lỗi lầm của mình. Trong thời gian khủng hoảng này là lúc cần cẩn thận kẻo cái "lâu đài hạnh phúc" có thể đổû sập xuống làm thương tổn đến cả vợ chồng con cái. Ngoài ra, sự xáo trộn gia đình còn có rất nhiều lý do khác, thực tế nhất vẫn là tiền bạc. Thống kê cho thấy nguyên nhân của sự cãi nhau giữa hai vợ chồng phần lớn cũng vì tiền. Trong chương trình "To day" trên đài NBC, giám đốc tài chánh của tờ Money Magazine cho biết có tới 67% cặp vợ chồng cho biết vấn đề tiền bạc trong gia đình làm họ bất hòa. Có những cặp vợ chồng đổ vỡ chỉ vì muốn người bạn đường mình "phải như ngày xưa", sự đòi hỏi này là một điều không thực tế và dễ gây lục đục trong gia đình. Tiến sĩ Phil, một nhà cố vấn gia đình nổi tiếng đã khuyên những cặp vợ chồng có vấn đế này là phải thực tế. Những bông hồng rải trong bồn tắm, trên giường ngủ, đèn nến lung linh mờ ảo ...chỉ là lúc ban đầu.

Những kiểu du dương như Hollywood chỉ là giả tạo. Cuộc sống gia đình không thể đặt căn bản hạnh phúc trên những chuyện mơ mộng viển vông ấy. Tiến sĩ Phil viết cuốn "Get Real" để hướng dẫn những đôi vợ chồng có thể làm thăng hoa đời sống gia đình hơn.

Một vấn đề không thực tế khác nữa là quan niệm vợ chồng luôn luôn phải đồng ý với nhau mới là hạnh phúc, và chắc chắn không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Trời không sinh ra ai cũng giống ai mà sinh ra người này bổ túc cho người kia, cho nên đòi hỏi sự giống nhau toàn diện là không tưởng. Trong cuốn "Surrendering to marriage" của nhà báo nổi tiếng Iris Krasnow, tác giả cho biết "nếu có người nào nói với bạn là vợ chồng họ lúc nào cũng hạnh phúc là họ nói dối hay là họ không bao giờ nhìn thấy người bạn đường của họ cả". Vì sự thật gia đình nào cũng có lúc bất đồng ý kiến " cơm không lành, canh không ngọt". Và bà cho biết người nào tin rằng vợ chồng hạnh phúc suốt đời là tự "mua vé tàu đi tới ly dị", vì không có cuộc hôn nhân nào hòan hảo cả. Quan niệm của bà Krasnow là "phải biết đầu hàng để chiến thắng" cả vợ lẫn chồng, với mục đích để cứu vãn thành trì gia đình khỏi đổ. Bà cũng tin rằng ngay cả những cuộc hôn nhân sắp tan vỡ cũng vẫn có thể hàn gắn tốt đẹp, trừ khi mình không muốn. Cùng một ý là bảo tồn hôn nhân, tiến sĩ Harville Hendrix, tác giả cuốn " Getting the love you want", một người rất kinh nghiệm về giáo dục hôn nhân hơn 30 năm qua, đã có phương pháp tìm hiểu nguyên nhân làm cho hai vợ chồng đau khổ, đối nghịch nhau trong những cuộc hôn nhân nhiều sóng gió. Một trong những lý do mà ông nêu ra là khi hai vợ chồng bất hòa với nhau về một vấn đề nào đó, thật sự vấn đề đó không phải là mục tiêu, mà có khi là họ đã đụng chạm đến một vết thương tâm lý của nhau từ thời thơ ấu.

Sau khi xác định xong những nguyên nhân gây xung đột, Hendrix cho hai vợ chồng đối thoại. Ông khuyên cả hai vợ chồng đều phải biết lắng nghe nhau nói và đứng ở vị trí người kia để cảm thông. Do dó hai người sẽ hiểu nhau hơn và cùng nhau hoàn thiện cuộc sống gia đình.

Có lẽ người Mỹ đã nhìn thấy nền tảng gia đình tại Hoa kỳ không còn bền vững. Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ đã đưa đến hậu quả xáo trộn cho xã hội như tình trạng tuổi trẻ phạm pháp quá nhiều. Lý do chính cũng vì cha mẹ lục đục không có thì giờ săn sóc con cái. Điều này làm nhiều người quan tâm, đã viết sách để củng cố truyền thống gia đình. Ông William Bennett,  tác giả cuốn The Broken Heart, một người có quan niệm bảo thủ về chính trị cũng như văn hóa, đã báo động về sự xụp đổ giá trị gia đình của người Mỹ. Ông quy trách nhiệm cho cách sống ích kỷ không bình thường của cha mẹ làm ảnh hưởng không tốt tới đời sống của các con. Thời đại máy móc, hối hả hiện nay cũng là nguyên nhân lớn gây đổ vỡ gia đình làm nhiều người lo sợ, nhất là giới trẻ. Những người con, lớn lên trong một gia đình cha mẹ ly dị hình như muốn tránh né cuộc sống hôn nhân. Họ đổi quan niệm theo đà sống mới. Hoặc là họ lập gia đình trễ hơn. Theo thống kê năm 2000 thì tuổi trung bình của đàn ông lấy vợ là 26.1, so với 23.2 vào năm 1970. Về phía phụ nữ, tuổi lấy chồng cũng trễ hơn, trung bình là 25,1 vào năm 2000 so với 20.8 vào năm 1970.

Thứ đến là vấn đề sống chung nhưng không có hôn thú đã tăng vọt. Theo thống kê năm 2000 thì có tới 72% các cặp trai gái hay đồng tình luyến ái sống với nhau như vợ chồng nhưng không có hôn thú. Tình trạng trai gái sống chung ngoài hôn nhân, nếu có con thì cũng ảnh hưởng tới trẻ em vô tội không ít. Một cách tránh né gia đình khác nữa là người đàn bà chọn làm người mẹ độc thân, có con ngoài hôn nhân và chịu trách nhiệm hoàn toàn nuôi đứa nhỏ như cô đào nổi tiếng Jodie Foster, tài tử chính nỗi tiếng trong phim "The silent of the lambs" hay nuôi con nuôi như vài tài tử độc thân khác, hoặc không lấy chồng sau khi ly dị. Trong trường hợp này, dù có đủ tiền nuôi con đi nữa, đứa trẻ vẫn bị thiệt thòi vì chúng cần sự săn sóc của cha lẫn mẹ.

Cũng may, thống kê cho biết tỉ lệ người mẹ độc thân Á đông trong những nơi nhiều dân Á dông trú ngụ như New York chẳng hạn, chỉ có 4. 4% so với người da trắng là 6.8% và người da đen là 29.6%ø.ï Theo như giáo sư xã hội học tại Porland State University, Sharon Lee nói rằng nhiều người Á đông là những di dân mới nên họ còn giữ lại được truyền thống cổ truyền, gia đình không đổ vỡ.

Tuy nhiên một nhân vật cao cấp khác là ông Christopher Kui giám đốc chương trình người Mỹ gốc Á châu cho biết, có thể thống kê không chính xác vì người Á đông ly thân nhưng không  muốn khai báo.

Một điều khó phủ nhận là dù quan niệm ra sao đi nữa, trong quãng đường hôn nhân ai cũng phải đi qua cầu Hỉ, Nộ, Ái, Ố. Không giống như tuổi đầu đời mộng mộng, mơ mơ để làm dáng cho cuộc đời, cũng không phải như tuổi cuối đời, đi đứng run run rẩy rẩy, nói trước quên sau, phải sống dựa vào con cháu. Đời sống vợ chồng là thời gian người ta sống thực với đầy đủ chuyện vui buồn mà người độc thân không thể có. Đó cũng là thời gian trưởng thành của những người có trách nhiệm với chính họ và vợ chồng con cái.

Nói chung, hầu hết chúng ta đều mong có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, không sóng gió dù trong nền văn hóa nào. Sự đạp đổ bao giờ cũng dễ dàng hơn sự xây dựng. Nếu gia đình lủng củng mà nghĩ đến xa nhau là một việc làm quá dễ, chỉ cần ký một tờ giấy là xong. Còn làm hòa với nhau và giúp nhau cải thiện cuộc sống mỗi ngày, chắc chắn khó khăn hơn nhiều.

Tuy nhiên, khi làm việc mà mình thấy đúng thì dù khó khăn người ta vẫn cảm thấy có giá trị. Đó là phần thưởng Đối với người Việt Nam quan niệm liên hệ vợ chồng cũng là "Ba năm đầu là tình, ba mươi năm là nghĩa" hay ngay cả như các cụ ngày xưa, chẳng có ba năm đầu đi nữa. Dù sao, khi tình yêu đã biến thể thành nghĩa vợ chồng thì cả hai sẽ cùng nhau nhìn về một phía. Cái phía ấy là các con khi tuổi còn trẻ và các cháu khi tuổi về già. Con, cháu chính là bột hồ dính liền đại gia đình lại với nhau.

Hôn nhân không phải là tờ hôn thú để hợp thức hóa cặp trai gái sống chung với nhau, cũng không phải là tờ "Hợp đồng hôn phối" mà đôi tân hôn ở Mỹ đã ký trong ngày cưới. Và chắc chắn hôn nhân không là cái áo, muốn mặc vào hay cởi ra lúc nào cũng đươc. Hôn nhân là một sứ mạng, Sứ MạngTình Yêu. Khi trai gái yêu nhau, nếu thật sự là tình yêu thì lúc nào cũng còn đó vì tình yêu thật không bao giờ chết. Họ đã được hoàn toàn tự do kết hôn thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm về quyết định của chính mình. Cái trách nhiệm đó là thực hiện những lời đôi trai gái đã thề ước với nhau, ở với nhau cho hết cuộc đời "dù khỏe mạnh hay đau yếu, dù giàu sang hay nghèo hèn, dù hoàn cảnh có tệ hơn hay khá hơn...".

Nếu may mắn có tuổi thọ cao, chúng ta sẽ sống hết quãng đời vợ chồng với thiên đườøng và địa ngục. Và năm mươi năm ấy, hầu như cái đích mà chúng ta ai ai cũng ước mơ là cuối đời vẫn còn mãi mãi có nhau.

Phạm thị Quang Ninh

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002