|
|
Giới Thiệu |
Vài hàng tiểu sử Nhạc sĩ Phạm Xuân Lôi sinh ngày 21 thàng 10 năm 1917 tại Hà Nội. Thân phụ ông là cụ Phạm Xuân Trang cũng là nhạc sĩ, từng theo học nhạc cổ Trung Quốc với các ban nhạc Tàu, và cũng có lập ban nhạc đi trình diễn. Trong nhà có tất cả là 6 anh em: Xuân Thư, Xuân Oai, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Xuân Khuê, Xuân Tuấn. Khi còn nhỏ, khoảng 6 tuổi, Xuân Lôi đã nắm vững kỹ thuật nhạc khí Tàu và thông thuộc bài bản Tàu. Buổi trình diễn đầu tiên trước công chúng của nhạc sĩ Xuân Lôi tại Khai Trí Tiến Đức rất thành công. Năm 10 tuổi, ông học nhạc lý, học nhạc khí tây phương như măng cầm (mandoline), kèn saxo baryton, rồi saxo alto, hắc tiêu (clarinette). Năm 1936, ông theo cha sang Cao Miên, trình diễn và lợi dụng cơ hội này ghi chép 30 bài ca Cao Miên, và học cách đàn nhạc khí Cao Miên của dàn nhạc Pinpeat (khong vong, roneat, tro, pey or, v.v...) Năm 1940, người cha của ông định cư tại Bao Vinh (miền Trung) nên ông có dịp làm quen với nhạc Huế. Sau đó ông cùng người em là nhạc sĩ Xuân Tiên ra Hà Nội cộng tác với các vũ trường để sinh sống. Năm 1942, ông và người em, nhạc sĩ Xuân Tiên, đi theo đoàn cải lương Tố Như vô Sài Gòn nhân dịp hội chợ trình diễn và lưu diễn khắp lục tỉnh miền Nam. Nhờ vậy nhạc sĩ Xuân Lôi học hỏi thêm nhạc cải lương, và các điệu hồ quảng. Năm 1943, đoàn cải lương Tố Như trở ra Bắc. Ông rời gánh và năm 1944, hai anh em ông đàn cho các vũ trường Lucky Star, Moulin Rouge tại ngã tư sở, rồi tại vũ trường Victory, Hotel Spendide, Taverne Royale ở Hà Nội. Trong thời gian này, ông học thêm vĩ cầm (violon), hạ uy cầm ( guitar hawaienne), trống, đàn banjo alto, v.v... Trong thời gian tản cư (khoảng 1946) Xuân Lôi và Xuân Tiên lập ban nhạc Lôi-Tiên đi diễn lưu động, và đàn cho gánh cải lương Bích Hợp. Từ 1949 tới 1950, hai anh em lên tậnn vùng Thái Nguyên nhập vào ban văn hóa vụ với trưởng ban là Hoài Thanh. Ông có dịp gặp gỡ các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Phan Khôi, Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao, Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Vũ, Canh Thân, Lê Hoàng Long, Quốc Vũ, Nguyễn Tuân. Trong thời gian ở Thái Nguyên, ông đã ký âm mấy chục ca khúc dân tộc Chèo thiểu số. Ông đã cùng Xuân Tiên nghiên cứu cách làm ống sáo 10 lỗ và 13 lỗ, có đủ các bán cung để có thể thổi các bản nhạc Tây Phương. Ông chế các ống sáo từ do, ré, mi, fa, sol, la, si. Ông còn chế biến với ống nứa để làm nhạc khí khác. Năm 1951, hai anh em đi Nam Định làm việc ở dancing Văn Hoa. Ít lâu sau với một thành phần 12 nhạc sĩ, ông cùng họ làm việc tại nhà hàng Le Coq d' Or. Năm 1953, ông vào Sài Gòn làm việc tại vũ trường Kim Sơn, Bồng Lai, Lê Lai, Mỹ Phụng, Văn Cảnh. Rồi làm cho đài phát thanh Pháp Á, đài Sài Gòn, đài Tự Do, đài Tiếng Nói Quân Đội, lập ban nhạc lấy tên Hương Xa, chuyên đàn nhạc jazz lời Việt Năm 1958, nhạc sĩ Xuân Lôi đoạt giải nhứt với bản Tiếng Hát Quê Hương do ông bộ trưởng Trần Chánh Thành trao tặng. Năm 1961, ông lại đoạt giải nhất qua bài Bài Hát Của Người Tự Do trong cuộc thi sáng tác của đài Tiếng Nói Quân Đội. Khi có đài truyềh hình, ông có cộng tác, chánh là với ban Tiếng Tơ Đồng và ban Tuổi Xanh. Cho đến trước khi mất Sài Gòn, ông điều khiển ban nhạc tại nhà hàng Maxim’s do Hoàng Thi Thơ tổ chức văn nghệ theo kiểu quốc tế. Trong thời gian sống với cộng sản, nhạc sĩ Xuân Lôi có sáng chế ra một cây đàn làm bằng lon sắt có 39 lon tức 39 nốt nhạc. Đàn được đặt tên là Xuânlôiphone và thực hiện xong vào 20 tháng 7 năm 1976. Nhạc sĩ Thanh Tùng chụp hình làm tài liệu và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát viết bài trên báo Tin Sáng ngày 17 tháng 10 năm 1979 về nhạc khí này. Nhạc sĩ Y Vân mời ông đàn Xuânlôiphone cho nhạc phim hoạt họa. Ông có sáng chế một nhạc khí khác bằng ống nứa 29 nốt gọi là Mélobasse chưa thực hiện xong vì thiếu phương tiện. Ngày 2 tháng 11, 1987 nhạc sĩ Xuân Lôi cùng gia đình sang định cư tại Pháp. Nhạc sĩ Xuân Lôi đã còn lại 27 ca khúc, trong khi nhạc sĩ Xuân Tiên còn lại 12 bài, trong số đó có bài Tình Bắc Duyên Nam là nổi tiếng nhứt. Đặc biệt là cả hai anh em đều sử dụng âm giai ngũ cung để sáng tác nhạc. Tôi có dịp gặp nhạc sĩ Xuân Lôi và mời anh vào thăm viếng viện bảo tàng Museé de l’Homme. Anh có tặng cho viện bảo tàng hai cây sáo để được tàng trữ. Tôi cũng có giới thiệu anh vào một quyển loại Who’s Who mang tên là The International Directory of Distinguished Leadership để ghi giữ tiểu sử của anh. Trong thời gian ở Pháp, anh có làm lại cây đàn Xuânlôiphone hoàn tất vào ngày 31 tháng 12 năm 1991. Anh có biểu diễn cho tôi nghe, có chụp hình lưu niệm. Thỉnh thoảng anh góp mặt vào những buổi sinh hoạt cộng đồng Việt tại Paris. Trần Quang Hải biên soạn.
|
Copyright (c) DaiChung News Media 2002