Đại Chúng số 93 - Ngày 1 tháng 3 năm 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


CÂU CHUYỆN VÔ ĐỀ THỨ NHÌ

Kỹ sư Sagant Phan

Bài trước nói đã xong, định chấm dứt, nhưng khi xem lại thì bị một lỗi tày trời. Đành viết thêm một bài Vô đề thứ nhì này vậy.

Tôi bị một tật rất lớn, vô cùng nguy hiểm là "hay gọi tên chồng người ta một cách trật lất". Thành thử lần lần nhìn quanh lại thấy mình vẫn còn... cô đơn.

Nhớ lại ngày xưa còn làm Cán sự Điện tử tại một hãng nọ. Hãng này rất lớn, có đến 6 bãi đậu xe mà cũng không còn chỗ. Hôm nào đi hơi trễ là chạy tìm chỗ đậu gần khùng luôn.

Rồi khi đậu chỗ xa lạ, đến khi tan sở thì lại bãi đậu xe cũ quen thuộc thì "Ơ hay! Xe đâu mất rồi!". Hên là lúc đó người ta chưa có lập ra số 911. Sở này có rất đông người Việt, giờ nghỉ giải lao là người Việt nói tiếng Việt rùm trời. Mà tiếng nói Việt Nam có cái lạ là nói chuyện lớn tiếng... thì người ngoài, nghĩa là người ngoại quốc tưởng gây lộn... thành thử mấy nhân viên Mỹ hay Mễ ít khi dám héo lánh đến gần. Phòng ăn cơm rất lớn, có chung hai cái máy microwave cho nhân viện trong sở lên đến gần 500 người cũng dành cho Việtnam luôn. Lý do dễ hiểu là máy hâm thức ăn này nó bị... nặng mùi rồi. Nhiều chị hay anh nào đó thường hay hâm mấm ruốc mà không đậy nắp thành thử máy này có... mùi rồi. Nhiều anh lao công gốc Mễ khi vắng người, thường đến lau chùi phòng ăn, họ cũng kỵ lau chùi mấy cái máy này. Mỗi lần lau chùi là họ văng Nho... Mễ om xòm.Thành thử Sở hình như xắm máy này cho dân Việt xài riêng mà.

Cán sự điện tử hay gọi danh từ nghe Tây một chút là “technician” ra chơi hay ăn cơm cùng giờ với mấy chị tháo ráp, gọi Tây một chút là "assembler". Đợi mấy chị hâm cơm cho nóng thì cũng gần hết giờ "lunch" rồi. Mấy chị chọn chỗ ngồi tốt, còn chừa chỗ nắng cho mấy tay đực rựa ngồi hay ngồi nơi nhiều người qua lại.

Có một hôm, giờ lunch ăn cơm, tôi ra hơi trễ chừng 5 phút, thì hết chỗ... lần lựa mới ngồi gần bàn của mấy chị. Tôi gặp chị Hương, chị thường hay mời rất nhiều người Việt dự party của gia đình chị. Không phải chị nấu ăn ngon lành gì, mà càng đông người thì càng nhiều quà, còn món ăn thì quanh đi quẩn lại như: "cơm chiên, gà quay và coca". Thấy cơm chị chiên thì cũng đủ no mấy ngày rồi. Đó là quen với gia đình chị là như vậy đó.

Tôi chào chị: "Chào chị!... Sao anh Hùng lúc này khỏe không?" Chị Hương nghe thì ngớ người, còn mấy chị ngồi kế bên thì cười rúc rích. Có chị hơi tròn vo, mà tôi quên mất tên, chị hỏi: "Anh Hùng bộ là bồ của Hương phải không?" Câu này làm tôi và chị Hương chới với thiệt tình. Tôi nói: "Không! anh Hùng là chồng của chị Hương đó mà!"

Chị Hương liền cự nự: “Chồng tôi đâu có tên Hùng?" Tôi luýnh quýnh và đần người, như vậy mình lộn tên chồng con người ta rồi... Có ngày ăn đạn chết lãng xẹt. Đó là cái tật trời cho con đấy ạ.

Bài viết trước, mọi khúc đều xong xuôi, nhưng phần cặp vợ chồng Bạch Yến và Trần quang Hải thì tên ghi là Trần quang Thái, như vậy có tày Trời không! Anh Trần quang Hải đối với tôi không quen, nhưng tôi biết đến đại danh của anh. Hai người đi khắp phương trời thế giới mà trình diễn nhạc Việt loại cổ truyền. Hình như có lần hai người này có đến Trường học của tôi mà trình diễn một đêm Nhạc Hội. Nhưng tôi mua hụt vé.

Trần quang Hải là một bậc tài danh. Dĩ nhiên có nhiều học trò thụ giáo, nhưng tôi đảm bảo là chưa có học trò nào xin học món tuyệt chiêu của Trần quang Hải. Đàn môi Mông Cổ. Vâng dùng môi mà phát âm y như tiếng đàn vào cung Thứ Sol cực thấp. Mấy cô lại càng không muốn học môn này rồi. Vì nếu thành tài thì môi xinh đẹp của mình thành... môi Trâu hết. Nó thừ lừ như hai miếng thịt Trâu vậy.

Nay viết lại đề tài Vô đề Thứù Nhì này nhằm xin lỗi Bạch Yến và Trần quang Hải vậy. Còn một bậc tài danh mà thiên hạ ai ai cũng biết là quái kiệt Trần văn Trạch thì tôi có quen. Ngày xưa lúc còn nhỏ, tại một chung cư tầng trệt gần chợ bến Thành Saigon, lúc đó tôi còn rất nhỏ thì Trần văn Trạch có thường xuyên ghé đến phòng ở của nhạc sĩ Trần văn Lý, còn đối diện bên kia là nhà trọ của ca sĩ Mộc Lan. Vài hôm là mấy vị tụ tại nhà cô ca sĩ Mộc Lan mà tập dượt, còn tôi thì trèo cửa sổ ngó xem... Lúc đó Trần văn Trạch đi xe hơi Huê Kỳ không mui. Xe chạy mái tóc bồng bềnh dài chấm ót của Trần văn Trạch phấp phơ theo làn gió mạnh. Lúc đó ai mà để tóc như vậy quả là... đại anh hùng.

Rồi vào một buổi chiều thứ sáu hay thứ bảy gì đó thì thình lình Trần văn Trạch và một người nữa khiêng một người đàn bà... chạy thất kinh lên xe vào nhà thương Saigon gần đó. Đó là Cô ca sĩ Mộc Lan uống thuốc, đúng hơn uống dầu nóng tự vận. Mùi dầu nóng chạy dài theo làn gió và mái tóc dài của Trần văn Trạch cũng tốc theo làn gió của xe chạy hết ga.

Còn nhạc sĩ Trần văn Khê thì vừa rồi báo Việt tại Santa Ana có đăng bài của ông "Một chuyến về quê sau 32 năm xa cách.". Ông về Hà Nội năm 1976 theo lời nhờ vã của Liên hiệp Quốc Unesco ghi lại những tiếng hát cũ xưa của... phường chèo Hà Nội. Lúc đó còn Trùm Tố Hữu cai quản Văn Hóa Văn Nghệ Việt Nam. Trùm này nổi danh với câu thơ để đời: “Mừng thay khi nghe con biết nói... Đầu lòng con gọi tiếng Xít-ta-Lin". Và Trùm Tố Hữu rất kỵ ai nhắc đến hai chữ cải lương... Nghĩa là còn Tố Hữu thì đừng hòng nói đến chữ cải lương. Hình như Tố Hữu nói cải lương là thứ tiếng hát như: "chó tru mèo gào, nghe không vô". Rồi sau đó thì Thanh Nga bị ám sát chết, nhiều đoàn hát cải lương chết hết. Không mọt ai ngờ là bà Bầu gánh Thanh Minh Thanh Nga khi chết, Bà không có chiếu mà chôn vì lúc đó ai ai cũng nghèo hết. Nay đứa em trai của nghệ sĩ Thanh Nga là Bảo Quốc rất giàu, anh có rạp rất lớn tại Trung Tâm Thủ Đô Saigon hay gọi là Tp HCM.

Trong bài trước chúng tôi có nhắc đến Anh Trương Thìn, xưa anh làm Đại Úy Y sĩ trại 9 hay là trại Tự Do, trại này mang tên Tự Do thật sự dùng nhốt những người lính Cộng sản bị thương tại chiến trường... Trương Thìn ở sát phòng tôi. Tánh anh rất đạo mạo, anh chuyên về châm cứu. Tánh tình bất khuất, chính Ysĩ Trưởng rất ớn Trương Thìn. Tụi Ysĩ bạn thường gọi lén anh là "Thìn Lần", lúc đầu anh tưởng tụi nó gọi anh là "Đồ Cù Lần" nên cười hì hì bỏ qua, nhưng khi anh hỏi thiệt tôi thì tôi nói: "Họ gọi anh là Thìn Lần... nghĩa là Thần Lìn đó! Anh có hiểu chữ Thìn Lần không?" Như thế là bật mí rồi... Anh, với những giờ rỗi rành ít khi dùm đèo theo bạn ra phố mà nhảy đầm, anh ở lại phòng cư xá và đánh đàn. Đã nói anh là nhạc sĩ loại đàn anh của Trịnh công Sơn mà, anh thuộc loại Du Ca ngày xưa còn học tại Huế. Gương mặt khắc khổ, lưỡng quyền rộng, mang kính cận và hút thuốc liên miên. Nay biết anh làm thơ khóc nhạc sĩ Trinh công Sơn, đây là điều rất ngạc nhiên vì tôi biết anh không thích thơ... thẩn.

Dĩ nhiên Nhạc sĩ và Thi sĩ là hai phương trời cách biệt. Thi sĩ thường được vinh danh khi nhạc sĩ phổ thơ ra nhạc. Như bản nhạc “Phố núi Cao” Pleiku má đỏ môi hồng mà nhóm tụi tôi hát riết thành quen mà không biết... mắc cở như: "Phố núi cao, phố núi nhiều sương... Em Pleiku má đỏ... m... hồng” nghe ngọt sớt...

Nay lần đầu tiên mới biết Trương Thìn làm thơ. Như đã nói phần trên Nhạc Sĩ và Thi sĩ là hai phương Trời cách biệt. Nhạc sĩ mà làm Thơ thì Thơ... dở ẹt là cái chắc. Không tin xem thử thơ của anh Trương Thìn bạn tôi làm thơ ra sao nghen.

Anh làm bài này đầy đủ những bản nhạc của Trịnh công Sơn nổi tiếng từ trước đến nay. Nhiều bản nhạc của Sơn làm tại vùng cao nguyên Lâm Đồng và quê Sơn tại cao nguyên cũng vậy. Mưa núi cao nguyên lất phất nhưng lạnh từ trong xương lạnh ra. Giày đi ngoài đường một hồi thì bùn đỏ dính đế giày càng lúc càng nặng. Phải tìm một khúc cây nhỏ hay một tảng đá mà gạt gạt... còn nếu đi dép thì chừng vái lần thì dép đứt quai vì dép bị ghì chặt xuống đất bùn đỏ. Còn mùa khô thì bụi đỏ bay đầy trời. Nhìn từ trên đồi cao, xuống nơi xa xa thấy chiếc xe nhà binh chạy ở dưới đồi xa theo sau là làn bụi đỏ bốc đầy trời.

Buồi chiều tại nhà thương quân đội, chiều lần lần xuống nơi góc phòng, một người nghệ sĩ gương mặt khắc khổ, đánh một bản đàn ly biệt thì lòng buồn không thể nào nói được. Buổi chiều nơi đây, nhiều khi quá buồn không muốn ăn cơm... Cơm thì nhóm Y sĩ hùn tiền nhờ một anh lính thuộc loại Thặng Số chờ ra Hội Đồng Giải Ngũ mà nấu ăn dùm.

Anh lính này tuy có thể giải ngũ nay mai, nhưng anh không muốn xuất ngũ vội... vì ra ngoài đời biết lấy gì... làm tiền đây? Tuy lương lính rất ít ỏi, nhưng có còn hơn không.

Cơm nấu ăn thì quay qua quẩn lại như "xu hào xào tôm khô vụn, măng khô nấu canh, giá xào thị da heo, thịt kho đen thui...” như vậy đó. Nhưng tuy mang danh nghĩa là dân thuộc nhóm tubíp... họ vẫn ớn ma để kỳ sau có dịp chúng tôi kể chuyện này cho nhau nghe. Tại Texas hay tại Tiểu bang nào gần California dây, có một vị bác sỉ Đại Úy Biệt động Quân, tên là Lê thành Ý. Tướng ông cao ráo, để râu ria khá dầy, anh làm chức Đợn Vị Trưởng Bệnh Viện Biệt Động Quân thuộc Quân Đoàn II, trại đóng gần phi trường Cù Hanh Pleiku. Ngày kia có mọt Bác sĩ Trung Úy tên Cơ (họ gì tôi quên mất rồi) thường qua đơn vi chúng tôi chơi thường xuyên. Anh Bác sĩ Cơ nước da trắng mới ra trường Quân Y độ vài tháng thì được bổ nhiệm lên Pleiku làm dưới quyền bác sĩ Ý. Rồi ngày kia Cơ chết chung trên một phi cơ lũi vào núi Hàm Rồng. Người lính tà lọt Cơ nói là: "Bác sĩ Cơ ổng thường hay về phòng lục áo quần hoài, khuya nghe tiếng chân ông đi thường lắm..” Để kỳ sau nói về những vụ này. Nay đọc thơ Trương Thìn cái đã.

NGẪM NGHĨ VỀ SƠN

Trương Thìn

Có những ngày dài, những đêm dài

Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Sơn ngồi vắt gan mình

Cho mật đắng nhỏ xuống

Từng giọt nhạc giọt thơ

Giọt thân giọt phận da vàng

Gan khô

Sơn lại tưới lại tẩm rượu vào cho ướt cho mềm

Rồi lại vắt lại vắt

Cho mật cay nhỏ xuống

Từng giọt nhac giọt thơ

Người con gái ViệtNam...

Có những tháng dài năm dài

Chiến tranh hận thù tan tác tin yêu.

Chúa đã bỏ loài người

Phật đã bỏ loài người

Sơn ngồi vắt tim mình

Cho máu mặn nhỏ xuống

Từng giọt nhạc giọt thơ

Giọt kinh Việt Nam

Nối vòng tay lớn

Tim khô,

Sơn lại tưới lại tẩm rượu vào cho ướt cho mềm

Rồi lại vắt, lại vắt

Cho máu mặn cay nhỏ xuống

Từng giọt nhạc giọt thơ

Huế - Saigon - HàNội

Có những đới dài kiếp dài

Chới với cô đơn

Bên đời hiu quạnh

Sơn ngồi vắt tình buồn tình nhớ

Cho tinh anh lạ thường nhỏ xuống

Từng giọt nhạc giọt thơ

Nắng thủy tinh, mưa hồng, biển nhớ

Tình cạn

Sơn lại tưới lại tẩm rượu vào cho ướt cho mềm

Rồi lại vắt, lại vắt

Cho tinh anh vô ngại nhỏ xuống

Từng giọt nhạc giọt thơ

Những mùa thu đi

Như cánh vạc bay

Em còn nhớ hay em đã quên

Có những thanh xuân

Bất chợt già

Bất chợt sẽ chia xa

Sơn ngồi vắt óc mình

Cho minh triết nhỏ xuống

Từng hạt nhạc hạt thơ

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Óc não khô rồi!

Sơn lại tưới lại tẩm rượu vào cho ướt cho mềm

Rồi lại vắt, lại vắt

Cho hân triết hoan triết nhỏ xuống

Từng niềm nhạc niềm thơ

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Và như thế và như thế là Sơn

Và như thế và như thế

Là Sơn.

Dĩ nhiên bài thơ này, có gan lắm mới đọc hết. Và người làm bài thơ này cũng gan lám làm nốt bài này.

Rồi sau đó Trương Thìn đổi ra Đà Nẵng hay Huế gì đó. Thế là tụi tôi mất một người nghệ sĩ có cây đàn guitar... mang tên Thìn Lần. Đến mùa hè đỏ lửa như Phan nhật Nam nói. Chiến sự sôi động mạch máu mọi người như căng lên, từ Y tá đến Y Sĩ như một lò lửa chờ bung nổ lúc nào không hay.

Đêm khuya thì từ 8 giờ khuya đến gần 6 giờ sáng, thì tại phi trường Cù Hanh, Saigon đô quân hay tại đạn dược bằng phi cơ C-130, sơn màu xám xịt. Lúc loại phi cơ này đáp xuống thì mọi đèn trong phi trường phải tắt gần hết để bảo mật. Hình như họ đổ xuống nhiều toán Biệt cách Dù mà nhiệm vụ cần phải di chuyển về đêm.

Thương binh về càng lúc càng nhiều. Đôi khi nhà thương hết chỗ phải nằm bớt trên cáng băng ca. Những bệnh Nội thương hay lặt vặt được chúng tôi cho xuất viện rất nhiều.

Nhiều khi khuya về, khoảng nửa đêm là trận đánh trên đồn cao được bung ra, bệnh về bằng trục thăng. Tiếng chong chóng quạt nghe phầm phật vang động không gian. Nhiều bác sĩ phải làm việc quá sức của mình... Mỗ xẻ không phải là chuyện đùa, nhiều người ăn cơm không nổi vì quá mệt...

Còn tại Chung Sự thì nhiều xác chết. Có khi xác về nhiều mùi tử khí bốc lên và gió tạt xuống cư xá tụi tôi. Đó là đời chinh chiến đó. Lúc này hết nói tục nữa rồi.

Còn nhớ có lần một phi công L19 tình cờ bay vào buổi trưa, miệt Đức Cơ có báo cáo thấy một chiếc xe tăng T54 của địch, khi báo về thì Quân Đoàn II đâu có chịu tin...

Chúng ta có lệ nghỉ trưa, từ 12 giờ trưa đến 2 giờ. Thói quen từ Pháp để lại. Khoảng 11 giờ 30 thì người ta đi ăn cơm mất rồi... Nơi nào cũng vậy, Không quân cũng vậy... Và lúc này là địch quân bắt đầu chuyển quân cấp tốc. Đến khi vào làm việc 2 giờ chiều thì mọi chuyện đều bình thường.

Đến khi tiếng pháo của súng 130 ly địch bắn từ biên giới sang thì mọi người mới kinh hồn... Khuya về trong lúc tình hình căng thẳng. Trăng lên hình như cũng không còn thơ mộng nữa. Mà một sự lo sợ nào đó. Nhưng điều kỳ lạ là khoảng thời gian đó, hình như ánh trăng sáng ít có mà toàn là mầu đen mây đen vần vũ như chuyển mưa vậy. Gió lạnh căm căm.

Súng nổ ầm ì nơi đồn cao. Bệnh nhân về nhiều. Và nhạc Trinh công Sơn nghe càng kinh hồn hơn. Dakto mất trong đêm. Cửa chận bị bứng mất... thành phố Pleiku không ai chận cửa nhưng chúng tôi không để ý gì chuyện này. Vì bệnh thương binh càng lúc càng nhiều. Nghe họ nói: "Bác sĩ tình hình nặng lắm đó... Tụi tôi bị over-run rồi..."

Nay nhắc lại mà hai tai nghe như có tiếng súng cầm canh hay ầm ỉ nồn nã đổ dồn từ phía núi Cao... thật cao. Nay bài Thơ Trương Thìn nhắc lại một thời... thời của nhạc mang tên họ Trịnh.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002