Đại Chúng số 93 - Ngày 1 tháng 3 năm 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


TẾT NHÂM NGỌ

NÓI CHUYỆN THƠ, CHUYỆN THIỀN, CHUYỆN PHONG DAO, CHUYỆN ĐẦU ẤM CHẤT, CHUYỆN ĐÍT CỬ ĐÌNH

Thinh Quang

NGƯỜI LÀM THƠ CŨNG NHƯ TỌA THIỀN ĐỀU GIỐNG NHƯ NHAU. Nếu có khác là người tọa thiền thì đi tìm những phút giây giác ngộ, còn người làm thơ thì thả hồn đi tìm nguồn cảm hứng đặng dệt lại thành bức tranh thơ để lại cho đời. Thiền có những giai thoại để giải minh cho Chân Lý Thiền. Như Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: “Thế nào là Đạo?" Nam Tuyền đáp: "Bình thường tâm là Đạo". Cũng như có người hỏi thi nhân: "Thế nào là Thơ?" Và, thi nhân đáp: “Đó là những tiếng lòng cuồn cuộn dấy lên..."

Hoặc giả một câu chuyện khác. Chuyện một ông tăng tụng kinh Kim Cương: "Nếu thấy các tướng không phải là tướng, tức là thấy Như Lai."(Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai). Thiền sư ngang qua nghe được, bèn dầng ngay lại bảo: "Này ông sư ơi! Ông tụng sai rồi đó." Nhà sư kia ngạc nhiên hỏi: "Vậy sao mới tụng là đúng?" Thiền Sư kia bảo: "Tụng như thế này này:

_ "Nếu thấy các tướng là tướng, ấy đó là Như Lai"

Nhà Sư liền phản đối: "Những gì thầy vừa đọc trái hẳn với lời trong kinh!" Thiền Sư đáp: “Một kẻ mù làm sao đọc kinh được?"

Cũng như chuyện một nhà thơ mặt mày đỏ gay ví mình như trái đất để sánh với ông mặt trời, rồi ngâm tràn lên rằng:

"Đất say đất cũng lăn quay,

Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?"

Nhà thơ kia đưa tay chỉ vào cái thủ cấp dê còn nguyên cả sừng treo tòn teng trước cửa hàng quán rồi cười lớn bảo:

_ Ông (chỉ nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu) sai rồi! Phải nói như thế này mới đúng: “Bất thực ngưu khuyển đẳng nhục, khả miễn lao ngục tù hình".

Lúc bấy giờ nhà thơ Tản Đà mặt càng đỏ hơn lên liền vơ vét trong hồ bao lấy ra một đồng kênh năm xu ném sang quày bà chủ quán:

_ Quả đúng vậy thay! Cho ta thêm ba xị rượu nữa.

Bà chủ quán cũng thuộc làng thơ lặng lẽ mang ra ba xị đế và sau đó mang thêm cái đầu dê và bát thịt thơm phứt mùi riềng đặt ngay trước mặt hai người, lên tiếng thưa trình:

_ Thưa hai vị... cứ "thời"... quán tôi vốn bán đủ cả Thiên Đàng với Địa Ngục...

Nhà thơ kia cười phá lên nói cùng bà chủ quán:

_ Cửa địa ngục còn vui hơn thế gian nhiều !

Người tọa thiền cũng như người làm thơ. Chỉ khác thiền đi tìm tĩnh lặng và cuối cùng được Giác Ngộ. Nhà thơ thì đi tìm nguồn cảm hứng dạt dào với mây trời, sông nước... Nhưng mà... đừng vội bảo các nhà thiền sư không có chuyện gầm lên như chúa sơn lâm và nhà thơ bao giờ cũng hài hòa... như tiên ông hay như Bụt ! Cả hai ít ra cũng có vài lần như quỉ sứ. Chẳng hạn như Tô Đông Pha với Thiền Sư Phật Ấn. Nguyên ủy như sau: "Thiền sư có một tự viện tọa lạc tại phía tây Dương Tử Giang, còn Tô Đông Pha thì có lầu thơ ở tận bên kia Đông ngạn. Hai người với: một Thiền, một Thơ, tình bằng hữu vô cùng thấm thiết. Một hôm họ Tô lò dò đến thăm Phật Ấn, lại chẳng may nhằm ngày nhà sư đi vắng. Tô Đông Pha ngồi trong thư phòng đợi nhà sư về để cùng nhau đàm đạo. Đợi mãi không thấy đâm chán, bèn lấy mảnh giấy trên bàn viết mấy dòng nguệch ngoạc:

"Tô này - người Phật tử vĩ đại - cho dù có tám ngọn gió thổi cũng chẳng thế nào động được."

Viết xong, họ Tô để nguyên lại trên thư án rồi bỏ ra về. Khi Phật Ấn trở về nhìn thấy mảnh giấy trên bàn, đọc xong, nhà sư liền viết thêm mấy dòng bên dưới:

_ "Nhảm nhí thậm nhảm nhí! Những gì mà bằng hữu viết trong mảnh giấy này chả hơn gì "phát rấm"!

Nhà sư xếp lại cẩn thận đoạn sai chú tiểu mang đến phúc đáp cho họ Tô. Tiếp được phong thư, họ Tô bèn mở ra xem, đọc mấy lời lăng mạ của Phật Ấn chẳng khác nào như đất bằng sóng dậy, nổi trận lôi đình, lấy thuyền bơi ngay sang sông, hối hả đến tự viện.

Vừa nhìn thấy Phật Ấn, nhà thơ họ Tô nắm chặt lấy tay Thiền Sư gầm lên như con hổ dữ: "Thầy có quyền gì mà dám thóa mạ tôi còn thua cái "rấm"? Tôi há không phải là nhà tu thiền mộ đạo chỉ một lòng chuyên tâm đến Đạo mầu hay sao ? Thầy là chỗ thâm giao với tôi mà tỏ ra mù quáng đến độ như vậy à ?"

Phật Ấn mỉm cười nhìn Tô Đông Pha trong giây lát đoạn chẫm rãi nói:

_ Này bằng hữu Tô Đông Pha - một nhà thơ vĩ đại, một đệ tử mộ đạo của cửa Thiền - đã từng bảo rằng "tám ngọn gió cũng khó mà động" được, (Bát phong suy bất động) thế mà mới chỉ bị một "phát rấm" cũng đủ thổi người đệ tử vĩ đại như thế đấy bay sang tận bên bờ sông này !"(Nhất thí đả quá giang).

Câu "Bát phong suy bất động, nhất thí đả quá giang" ghi bên trên để kết luận cho giai thoại này. Không cần nói rồi chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, người ta cũng mường tượng được cảnh họ Tô ôm chặt lấy Thiền Sư Phật Ấn mà thủ thí: "Nhờ phát rấm của bằng hữu mà họ Tô này mới sáng mắt ra... biết được cái tâm của mình vẫn còn đầy rẩy cả sân si, thù hận !"

Lại một giai thoại khác cũng của Tô Đông Pha. Giai thoại này mô tả tính tình phóng khoáng của ông , thích bỡn cợt, quấy phá các vị hòa thượng. Giai thoại đó được kể như sau: “Một vị hòa thượng nọ nổi tiếng là nghiêm, tín đồ nào muốn vào tịnh thất của ông để được ông ban phúc thì phải trai giới trước đã. Dĩ nhiên phụ nữ thì bị cấm ngặt. Đông Pha lần đó dắt theo vài người bạn và cả một ca nhi vào thăm chùa. Khi tới cửa trai phòng của nhà sư, bọn người theo ông đều phải ngừng cả lại. Ông chỉ dắt nàng ca nhi vào, nhà sư cau mày tỏ ra bất ý. Tô Đông Pha xin làm một bài thơ tạ lỗi, và ca nhi sẽ hát lên nếu hòa thượng cho phép nàng mượn chiếc mõ để gõ nhịp. Vị hòa thượng đành hỉ xả. Tô Đông Pha làm ngay bài thơ đưa cho ca nhi hát. Bài thơ đó là một từ khúc có lời lẽ bỡn cợt đến nổi khiến cho vị hòa thượng vốn nghiêm trang kia nghe xong cũng phải bật cười.

Một lần nữa Đông Pha đùa với các nhà sư khác như sau: Vốn chữ điểu (là chim) thời đó có một nghĩa xấu khi dùng làm tiếng lóng, đại loại cũng như tiếng chim (chuột) của ta. Đông Pha nói với một ông sư bạn mình, tên là Phật Ấn: "Cổ nhân thường dùng tiếng tăng (nhà sư) để đối với tiếng điểu, như trong hai câu của Giả Đảo (đời Đường):

"Điểu túc trì biên thụ,

Tăng sao nguyệt hạ môn."

(Chim đậu cây bến nước,

Sư gõ cửa dưới trăng.)

Xét ra cặn kẽ thì quả cổ nhân ngày xưa đối như vậy thì chẳng còn gì hay bằng.

Tô Đông Pha tuy là một nhà thơ vĩ đại, được mọi người, mọi giớ tôn kính, nhưng luôn luôn nhận mình là một "nhà thơ rất tục". Ông thường nói đùa với đám bạn hữu: "Các phép tu tiên tôi đều theo được, ngoại trừ phép tiết dục." Rồi ông dẫn chứng: “Này nha, Thiên cổ kỳ nhân như Tô Vũ (Tô Vũ chăn dê đời nhà Hán) nghị lực thật phi thường đã có ai sánh bằng?! Ấy vậy mà cũng có một cô vợ Hung Nô, có con với nàng, thì hạng phàm nhân như mình, tiết dục sao được chứ!? Nhưng chúng ta đừng nghĩ là ông... lãng mạn như vậy thế nào cũng có những hành động sai quấy, trái lại ông lúc nào cũng tỏ ra đứng đắn hơn người. Ông yêu thanh sắc nhưng không lụy bởi chui mắt đầu mày... để phải cảnh đảo điên trước cái sắc đẹp nghiêng thành đổ nước!

Lại một giai thoại khác được trích trong "Cốt Tủy của Thiền, khảo sát ra phưong diện chính yếu của tâm, dùng để chế diễu các Thiền sư giả mạo, không đắc pháp thật sự đồng thời cũng để chê bai những người học đạo mà còn mê muội cứ chạy theo trò bịp bợm của những kẻ tu thiền giả trá, mà dịch giả Chang Chen Chi ghi lại như sau:

"Một ông tăng tự xưng ông "Thầy Im lặng". Thật ra ông chỉ là một kẻ bịp bợm chả có một tí tri thức nào cả. Để bán cái pháp môn Thiền Bịp của mình, ông này có hai thị giả hùng biện chuyên môn trả lời hộ ông khi có người muốn cật vấn. Còn ông thác cớ chẳng bao giờ nói ra nửa tiếng, để chứng tỏ cái pháp môn "Thiền Vô Ngôn" bí hiểm của mình. Một hôm, nhằm ngày hai thị giả hầu cận ông đi vắng, bỗng có một ông tăng đi hành cước đến xin bái kiến ông và xin hỏi:

- Thưa thầy, Phật là gì ?

Bị hỏi bất thình lình, thiền sư Vô Ngôn không biết phải trả lời thế nào, phần thì hai thị giả hầu cận kia lại bỏ đi cả ra ngoài, ông ngơ ngác nhìn chung quanh mình một cách vô vọng. Nhà tăng kia nhìn thấy cử chỉ như vậy tỏ ra khâm phục ra mặt, lại hỏi:

- Vậy "Pháp" là gì ?

Ông lại cũng không thể nào trả lời được câu hỏi này, hết nhìn lên trần nhà lại nhìn xuống mặt đất lâm râm cầu xin Phật Tổ che chở cho sao cho tai bay nạn khỏi. Ông tăng kia lại hỏi:

- Tăng là gì ?

Bây giờ thì "Vô Ngôn Sư" chỉ còn biết cúi đầu nhắm mắt. Cuối cùng ông tăng kia hỏi:

- Thế nào là thánh ?

Trong cơn tuyệt vọng, Vô Ngôn Sư giơ tay tỏ ra bất lực trước kẻ tra vấn như một dấu hiệu đầu hàng. Không ngờ trước cử chỉ này của thiền sư Vô Ngôn, ông tăng du phương lại rất hài lòng, khúm núm bái chào tỏ lòng tri ân là đã được dạy dỗ về việc tu hành thiền đạo.

Trên đường đi, ông tăng du phương gặp hai thị giả kia ở dọc đường , bèn kể lại đầu đuôi tự sự, khen tặng hết lời, Ông tăng nói: “Tôi hỏi ngài, Phật là gì?" Ngài lập tức quay mặt về hướng đông rồi quay sang hướng tây, hàm ý rằng chúng sinh luôn luôn tìm kiếm Phật đây đó, nhưng thật đâu có tìm thấy được ở đông hay ở tây. Rồi tôi hỏi ngài Pháp là gì ? Thì ngài hết nhìn lên trời lại nhìn xuống đất , có ý là bảo chân lý của Pháp là một toàn thể bình đẳng, không thể có sự phân biệt giữa cao với thấp, khi mà trong ấy sẵn cả cơ cấu của sự yên tĩnh. Còn trả lời câu hỏi Tăng là gì, ngài chỉ nhắm mắt không nói gì cả, có ý bảo: "Nếu một người có thể nhắm mắt ngủ ngon trong những thâm xứ của các rặng núi đầy mây, thì chính người ấy là bậc chân tu đó vậy."

Cuối cùng để trả lời câu hỏi chót của tôi: "Thế nào là Thánh?". Ngài bèn duỗi hai cánh tay ra rồi đưa cả hai bàn tay cho tôi. Như thể ngụ ý bảo rằng ngài đưa vòng tay ra để cứu giúp và chỉ đạo chúng sinh với những công đức của ngài. Ôi, đó chẳng phải là một Thiền sư đã giác ngộ hay sao? Thiện tai, thiện tai !" Du tăng này thật vô cùng cảm kích!

Khi hai ông thị giả kia vừa về đến, Thiền sư Vô Ngôn bèn cất tiếng rầy la chẳng khác nào con hổ bị thương: "Hai ngươi đi đâu vậy? Vừa rồi m?t tên tăng tọc mạch kia tự xưng là tăng du phương đến chất vấn làm ta chẳng biết trả lời làm sao, suýt tí nữa là tiêu ma tất cả sự nghiệp rồi."

Hai thị giả kia đưa mắt nhìn nhau mỉm cười, ngầm bảo: “Quả... thiền sư đã dạy ta những lời lẽ "vô ngôn" vô cùng quí báu để thanh minh cho cái tội vắng mặt vừa rồi của chúng mình!"

Lại một giai thoại khác: “ Đó là một giai thoại của một nhà cách mạng, đầy khí tiết xem cái chết tợ mảnh lông hồng. Ông tên Lê Trung Đình con trai cụ Lê Trung Lượng, sinh quán tại Quảng Ngãi, nổi tiếng thông minh xuất chúng, đâu cử nhân dưới triều vua Tự Đức, được bổ đi làm tri huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ ở nhà học với thân phụ, lớn lên thọ giáo tại trường quan Án Sát hồi hưu Nguyễn Duy Cung. Ông thi đậu Á Nguyên khoa thi Hương tại trường thi Bình Định, từ chối không chịu ra làm quan. Không chịu nằm dưới ách đô hộ của Pháp bèn hợp tác với các sĩ phu trong tỉnh cùng một chí hướng chờ ngày dấy binh khởi nghĩa. Hưởng ứng hịch Cần Vương, ông cùng Tú tài Nguyễn Tự Tân người quận Bình Sơn , Cử Nhân Nguyễn Viện quận Tư Nghĩa, tiếp sức với Mai Xuân Thưởng tỉnh Bình Định và Hường Hiệu Quảng Nam. Lê Trung Đình được cử làm tướng chỉ huy. Song việc chưa thành thì phong trào này đã bị thất bại sau khi Nguyễn Tự Tân và Nguyễn Viện hy sinh ngay giữa trận tiền. Tiếp đến Lê Trung Đình bị bắt vào ngày 16-7-1885. Thực dân Pháp cùng triều đình mua chuộc chức tước và tiền bạc, nhưng ông từ chối. Vài ngày sau, Pháp đưa ông ra pháp trường xử bắn. Lúc bấy giờ ông vừa tròn 23 tuổi.

Ông có rất nhiều giai thoại được xem là độc đáo trên trường thi văn. Nhất là câu chuyện khá hài hước dưới đây: " Thuở bấy giờ Nho học còn đang được trọng dụng, nghĩa thầy trò còn được coi trọng, nam nữ không được quyền kết thân với nhau. Quan niệm: “nam nữ thọ thọ bất thân" không cho phép có sự giao du gần gũi nhau. Nếu ngược lại bị xem là phạm trọng tội. Nhưng với ông Lê Trung Đình thì dám kết thân cùng con gái của thầy dạy mình. Tất nhiên là ông và con gái cụ Án giữ kín chuyện dan díu yêu đương giữa hai người với nhau. Nhưng rồi chuyện này cũng đến tai cụ Án. Nghi ngờ con gái mình đã có thể "trót lỡ dại" với đứa học trò họ Lê ngoan cố kia, nên nộ khí xung thiên, bèn đem Đình nọc ra đánh đòn, chẳng cần hỏi han đầu đuôi tự sự...

Bị mấy roi quắn cả đít, ông Lê Trung Đình vội giơ tay lên xin thầy ... ngưng lại để mình được khai báo rõ ràng mối tình thầm kín đó. Cụ Án bằng lòng tạm ngưng tay lại để nghe lời cung khai của đứa học trò ngỗ nghịch kia thử xem có điều gì xúc phạm đến cái ngàn vàng của con gái mình không ... Ngọn roi vừa dừng lại, thì cũng là lúc lập tức cậu thư sinh Lê Trung Đình ứng khẩu đọc lên bài thơ tứ tuyệt để phân trần nỗi oan khúc của mình cùng thầy. Thơ rằng:

"Khoan khoan con nói để thầy nghe

Chỉ mới yêu thôi chứ chửa ghè.

Hai cánh hường môn còn khép chặt,

Ngọn cờ xích xí chửa lo le... "

Lời thơ vừa dứt quan Án hồi hưu đã bật cười sung sướng khi nghe "hai cánh hường môn còn khép chặt" và "ngọn cờ xích xí chửa lo le" chứng minh cho cái tuyết sạch giá trong của con gái mình đã làm cho lòng cụ Án thanh thản trở lại... Tất nhiên là cậu học trò họ Lê kia cũng thoát khỏi phải chịu thêm mấy lằn roi khắc nghiệt của thầy dạy nữa mà còn được thầy khen cậu học trò Đình của mình biết lấy tục làm thanh, mà lời thơ còn nói lên được cái khí phách của người trai đất Việt nữa.

Một giai thoại thoại khác về Đình: "Theo tác giả Phương Đình trong bài "Danh Nhân Miền Ấn Trà" ghi lại như sau: "Năm 21 tuổi (Nhâm Ngọ 1882) Lê Trung Đình đi thi Hương lần thứ hai tại Bình Định, ai cũng đoán Đình sẽ đỗ thủ khoa. Cử Đình cũng tin lắm, nhưng đến lúc treo bảng, Cử Đình chỉ đỗ Á Nguyên (cử nhân nhì) nên rất tức. Nhân thấy thủ khoa Chất tài học kém mình, nên khi vào trình diện hội đồng khảo thí, nên khi vào trình diện hội đồng khảo thí, sẵn cầm cây quạt giấy, Cử Đình liền lấy cây quạt giấu cất đó gõ mạnh lên đầu thủ khoa Chất và bảo:

_ Thứ như anh mà thủ khoa con mẹ gì ?!

Lẽ phải phạt nặng, nhưng các quan vì nể tình cụ nghè Lượng nân chỉ phạt đánh sáu roi và bắt làm thơ tức cảnh. Cử Đình đọc ngay:

Đầu thầy khoa thủ ăn ba quạt

Đít cử Trung Đình bị sáu roi.

Rõ thật đầu khinh mà đít trọng,

Dầu thầy khoa thủ, đít Đình rồi.

Các quan biết rõ Cử Đình lộng ngôn chơi xỏ thủ khoa Chất nữa, nhưng cũng đành bỏ qua luôn... "

Giai thoại còn lắm chuyện, chuyện nào cũng hay, chuyện nào cũng gây thích thú cho người đọc, nhất là trong những dịp Xuân về... Xin hẹn tái ngộ cùng bạn đọc vào mùa Xuân năm tới... mùa Xuân mà nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu quẳng đồng kền năm xu vào quán có treo bán đầu dê... để mua bát thịt có mùi riềng thơm ngát... để thết một ông bạn làng thơ vào ngày Khai Hạ...

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002