Đại Chúng số 93 - Ngày 1 tháng 3 năm 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


CỎ LÁC AO BÈO

Hà Ngọc Bích

"Ngày trở về thăm quê, sao thấy lòng lây lất buồn

Thương quá quê hương ôi! Câu ầu ơ với tiếng đàn bầu ..." (1)

Tôi thẩn thờ nhìn về phía dán máy âm thanh, tiếng hát ngọt ấm nhưng lại trầm buồn não nuột làm tôi tê tái cả lòng. Đã hơn 25 năm rồi từ ngày bỏ xứ ra đi, vết tôi thương sầu nhớ quê hương vẫn chưa lành hẳn. Chỉ cần một tấm ảnh cũ, một món ăn đặc biệt quê nhà hay một câu vọng cổ ngọt ngào ai oán vẳng lại cũng đủ làm cho tâm hồn tôi bàng hoàng ray rứt.

“Điệu buồn vọng cổ chơi vơi,

Đêm nằm nghe hát tưởng nơi quê nhà

Tạm dung ở xứ người ta

Nghe ca vọng cổ, buồn ơi là buồn.

(Phạm Thành Tính)

Vết thương lòng tưởng đâu nguôi ngoai theo năm thang sống tam ở xứ người lại vỡ ra, máu sầu lại ri rỉ chảy. Thế mới biết, có nơi nào bằng quê hương của mình, dù nó có khô cằn sỏi đá hay lụt lội mênh mông cũng vẫn là quê hương thân mến. Từ khu vườn nhà nội đến cái bến đậu ghe dưới mé rạch, tù bụi tre tàu đến các ruộng lúa xanh rờn chạy dài mút mắt, từ cái bào sen mà tôi thường ngồi câu cá rô đến mấy rặng trâm bầu thẳng tắp, con kinh nhỏ lững lờ chảy ngang qua làng, chiếc cầu khỉ chơi vơi bắt ngang qua rạch, bãi cỏ lác xanh um thăm thẳm, mấy cái đìa xanh rì một màu bèo cám ... và bao nhiêu cái khác nữa thật khó mà quên được. Mua một bó rau muống ở chợ Tàu quận 13, tôi cũng bồi hồi nhớ lại, lúc còn bé tôi thường hay lang thang đi bứt rau muống ngoài đồng ruộng hay thú hơn nữa là bơi xuồng dọc theo con kinh Màng Thít, bứtn dọt rau muống màu hơi nâu nâu đỏ bò dài trên mặt nước, trông mơn mởn ngon lành làm sao. gió sông hây hẩy thổi, tôi vừa hát nghêu ngao vừa bơi xuồng giữa mấy đám lục bình rau mát lềnh bềnh trôi nổi, vừa hái những dọt rau mà khỏi phải tốn xu nào. Bây giờ thì khác, rau muống ở xứ Pháp này mắc còn hơn thịt gà, món ăn bình dân đã trở thành một món xa xí phẩm và chỉ lâu lâu có dịp mới mua một bó gọi là thưởng thức lại mùi vị của quê hương.

Có lần tình cờ, tôi thấy bán đậu rồng, một loại đậu của quê nhà tưởng chừng như khó mà gặp được trêm đất Pháp. Vài cái đậu loe ngoe được bọc trong giấy kiếng cẩn thận và nhìn giá tiền thì ôi thôi còn mắc hơn cả thịt bò non. Gói đậu rồng đã hơi héo, vài cái đậu đã lấm tấm đen đâu còn vẻ xanh tươi mơn mởn như ngày xưa tôi đã hái trên giàn đậu rồng mọc bừa bãi ngoài sau khu vườn nhà. Tôi mỉm cười nhớ lại, những lần ấy tôi còn chê không thèm hái những trái đã lớn dài mà chỉ chọn những trái vừa độ 1 tấc, dòn rụm ngon lành để ăn với cá bống dừa kho tiêu hay cá rô kho tộ. Tôi hít hà đặt gói đậu xuống vì mắc quá, mùi vị quê hương mà với giá này thì đến cả hai túi cũng lủng hết. Vậy cũng là cho đáng đời tôi. Ngày xưa nơi quê nhà thì chê già chê non, nay ở xứ người thì thèm ơi là thèm, giá có được một trái đậu rồng già mấy đi nữa tôi cũng nhai ngon lành mà!

Một hôm tình cờ ngồi đọc bài "Áo cơm và hình hài" của Tuân Cử, đoạn nhắc đến điển cố "Thuần Lô".

Tương vu tùng cúc không lai nguyệt,

Chính mỹ thuần lô thượng hệ chu.

Đời xưa, Trương Hàn người đất Ngô đời Tấn đang làm quan. Một hôm chợt thấy gió thu về, nhớ đến gỏi cá lô và canh rau thuần ở quê nhà, bèn trao mũ áo trả triều đình và dóng xe trở về quê cũ làng xưa. Tôi gật gù thông cảm cho ông quan này. Gì chớ canh quê hương thì tôi cũng thuộc vào hàng tổ sư mà! Nhưng nghĩ cũng lạ, tôi không thấy nhớ đến những món canh đắt tiền thuộc loại cao lương mỹ vị của đại tửu lầu Đồng Khánh ở Chợ Lớn mà chỉ thấy thèm da diết mấy món canh bình dân giản dị, đậm đà tình quê hương, ăn vào nghe mát cả ruột. Nào là canh bông so đũa nấu với tôm tươi, những cái bông so đũa màu trắng bạch cong cong, ngắt bỏ đi cái nhụy vàng, bốc lên một mùi thơm thanh khiết, nước lại ngọt làm sao. Nào là canh cá lóc nấu chua với me, bạc hà rau om để thêm vài lát ớt đỏ, canh mồng tơi nấu với cá trê vàngbéo hay canh bồ ngót với cá rô mề thì thật là hơi hướm của quê hương, người Việt tị nạn nào lại không mơ ước? Tôi cũng như Trương Hàn, chớt nhớ đến mấy món canh quê hương, nhưng biển Thái Bình Dương xa vời vợi cách mấy nghìn trùng, sóng đỏ vẫn mịt mờ trên đất nước, dù có muốn dóng xe trở về cũng không biết phải làm sao?

Vì biết tánh ý tôi, một ông bạn già, không biết đã tìm đâu ra được một gói nhỏ hột mồng tơi đem đến biếu tôi. Tôi cầm gói hột, cám ơn ông bạn rối rít mà lòng như bắt được vàng, mở ra mân mê từng cái hột đã khô, da ngoài nhăn dúm lại. Đúng là hột mồng tơi tím màlúc nhỏ tôi thường hái lúc trái đã tím đen để bóp vỡ ra làm mực tím bôi bẩn trên mặt với mấy thằng bạn tiểu yêu của tôi. Tôi hăng hái chạy ra ngoài phố mua một cái chậu lớn, xin một ít đất phân ở khu vườn nhà người bạn già rồi giâm năm, sáu hạt mồng tơi vào. Nhằm tháng hè nên trời không lạnh, tôi để cái chậu trên ban công ngoài cửa sổ cho có hơi nắng hơi sương, mỗi ngày chịu khó tưới nhẹ cho đất ẩm. Rồi cũng đến ngày hột mồng tơi nứt mầm mọc được cho to bốn cây nhỏ. Tôi tân ntiu trân quý như vàng mỗi ngày mỗi tưới, lại cắm thâm vài nhánh cây khô để cho dây mồng tơi có chỗ bò lên, chả bù với này xưa tôi có thèm để ý gì đến mấy dây mồng tơi leo tươi tốt trên hàng rào sau khu vườn nhà. Nhưng dường như đây là loại mồng tơi lá xanh chớ không có màu hơi nâu đỏ như ở khu vườn nhà nội. Tôi đếm từng chiếc lá, từng dọt mồng tơi bò ngoằn ngoèo trên nhánh cây khô, dài đã được 2 tấc. Cho đến một ngày đẹp trời, nhắm độ đã có đủ nấu một nồi canh nhỏ, tôi cẩn thận lấy kéo cắt từng chiếc lá một, đưa lên mũi hít lấy một hơi dài khoan khoái, đúng là lá mồng tơi mà! Lần ấy vì không có cá trên vàng, cũng không có cá rô mề, tôi đành phải nấu với một ít sườn heo. Sau 15 năm xa xứ, tôi mới lại có được cái diễm phúc ăn một tô canh mồng tơi, hưởng lại cái mùi vị quê hương đã bao năm xa vắng. Tôi gật gù sảng khoái húp chầm chậm từng muỗng một, nhai nhè nhẹ từ cái lá mồng tơi để cho mùi vị có đủ thời gian thấm dần vào chót lưỡi đến tỳ vị dạ dày. Đúng là canh quê hương mà! Tôi cắc ca cắc củm chăm sóc mấy dây mồng tơi trân quý, nên trước khi tàn lụi vào mùa đông lạnh nó cũng cố cho tôi được mươi trái mồng tơi đen già làm giống. Nhưng có lẽ dây mồng tơi này cũng mang cái bệnh sầu xa xứ nên mặc dù tôi cố gắng kéo dài cũng chỉ được có 3 năm thì cuối cùng đành phải chịu tuyệt giống. Lần chót có lẽ vì mùa lạnh đến sớm quá, không có những ánh nắng ấm áp vùng nhiệt đới nên mấy cây mồng tơi quéo quắt không kịp cho được hạt giống nữa. Tôi thấy dường như đã đánh mất , cái gì của quê hương vậy.

"Thương quá quê hương ơi!

Thương bờ tre giếng nước đầu làng,

Thương con sông nhỏ .... qua mấy nhịp cầu tre ..." (1)

Tôi lẩm bẩm: cái cầu tre của quê ngoại thì làm sao quên được. Ngày xưa, khi còn bé tí, ba anh em tôi vẫ thường được về thăm quê ngoại ở miệt Vĩnh Thới Vĩnh Thuận và cũng là dịp để má tôi đưa đi thắm bà con bên ngoại. Cảnh đồng quê mộc mạc nhưng êm ấm thanh bình. Những mái nhà lá đơn sơ với giàn bầu hay giàn mướp lủng lẳng trước cửa, với những cây bông trang màu trắng hay vàng, những khóm bông móng tay, mồng gà trồng gần bàn thờ ông Thiên. Phía sau hầu hết là những vườn cây ăn trái: ổi, quít, mận xoài, mít, chuối ... chen lẫn với những chiếc ao nuôi cá, lấm tấm xanh rì một màu bèo cám. Một đàn vịt xiêm lạch bạch rỉa tép cá trong các mương vườn, lâu lâu một con vịt lứa lại chui đầu xuống sình rỉa ốc, chổng cái đít lên trời, hai chiếc cẳng bơi bơi. Giờ đây, tôi chỉ còn giữ lại được cái cảm giác êm đềm man mác khi nhớ đến quê ngoại xa xôi:

"Chiều nay nhớ ngọn nắng hoe,

Trôi sang quê ngoại bên tê cánh đồng.

Hoàng hôn man mác bên sông,

Nghiêng nghiêng bóng ngả về đông cuối làng."

(Chiều Hè – Hồ Trọng Khôi)

Má tôi dắt anh em chúng tôi đi dọc theo bờ rạch để đến thăm người dì thứ 7. Nhưng muốn sang phía bên kia thì phải qua một cây cầu khỉ làm bằng nhiều ống tre già ghép lại, lắt lẻo bắt ngang con rạch. Cứ nhìn thấy cây cầu khỉ này rung rẩy giữa dòng nước chảy siết của con rạch, tay chân tôi đã rung lẩy bẩy rồi và nhất định dù anh tôi có khuyến khích, chị tôi có chế nhạo, tôi cũng không chịu đặt chân lên cây cầu khỉ gió này. Sau cùng má tôi đã tìm được một giải pháp ổn thỏa và êm đềm nhất là cõng cậu con trai út trên lưng để tôi ôm lấy cổ má tôi mà nhẹ nhàng qua rạch. Ngày nay, những bé con Việt Nam vô phúc, phải bỏ quê hương ra đi theo cha mẹ, sống nhờ ở xứ người thì làm gì có cái diễm phúc thấy lại được cây cầu khỉ của quê ngoại ngày xưa. Toàn cả nước Pháp này, tìm đâu ra được một cây cầu khỉ? Chỉ có họa chăng là trong một giấc mơ thấy mình được ôm cổ mẹ băng qua trên cây cầu khỉ độc nhất vô nhị này thôi.

"Thương quá quê hương ơi!

Thương con sông nhỏ bến đò cười thơ ấu,

Tiếng võng trưa đong đưa như đời mẹ, một nắng hai sương ..." (1)

Tôi trầm ngâm thở dài:

Kính lạy Đức Thế Tôn, con vẫn chưa giác ngộ được lẽ Vô Thường Vô Ngã của nhà Phật. Đã biết mọi vật đều không thể trường tồn mãi mãi, có sinh thì phải có diệt, có tụ phải có tan. Những cái gì đã qua thì hãy cho nó qua đi và hãy sống thức tỉnh trong giây phút hiện tại. Đã hiểu vậy nhưng con vẫn chưa giác ngộ được, vọng niệm vẫn còn nhiều, trần cảnh vẫn tiếp tục chi phối. Danh vọng tiến tài có thể quên đi được ở xứ người nhưng quê hương của con thì thật khó mà quên được. Kính lạy Đức Thế Tôn, con cứ vấp phải vào cái Ngã, cái ta của con nữa rồi. lời giảng dạy của Đức Thế Tôn vẫn ở bên tai:

"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm"

Trụ ở chỗ không trụ, nhưng tâm con vẫn cứ trụ tại cái nước Việt Nam xa xôi, khốn khổ của con nên thật khó mà dứt hết vọg niêm được. Con thật là một đệ tử ngu si lại còn cố cầu xin Đức Phật Đại Từ Đại Bi giahộ cho cái quê hương cỏ lác rạch bần cuả con nữa.

Hà Ngọc Bích

(1) Mấy đoạn hát: “Thương quá quê hương ơi! ..."trích từ CD Mưa Bụi 7, Mưa Hồng Productions.

 

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002