|
|
Giới Thiệu |
Chúng ta đã đánh mất Miền Nam, nhưng dù sao chúng ta vẫn hy vọng tập đoàn CSHN, những kẻ mệnh danh “giải phóng đất nước” sẽ bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của VN từ Bắc vào Nam. Có ngờ đâu, ngày hôm nay chúng ta phải rơi nước mắt, đau lòng khi phải bất lực, khoanh tay đứng nhìn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đang dần dần bị rơi vào tay Trung Cộng. Con rồng đỏ Bắc Kinh luôn là hiểm hoạ cho toàn dân tộc ta. Cộng sản Trung Cộng luôn nuôi dưỡng mộng bá quyền và dùng sức mạnh để khống chế biển Đông. Và nhìn kia, cái gương của người Trung Hoa là biết đoàn kết quốc- cộng để chiếm cho được hai hòn đảo quyết tử của biển Đông. Đài Loan và Trung Cộng đã ra một thông cáo chung để xác nhận Trung Quốc có đầy đủ chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Còn tập đoàn CSHN thì sao? Tên tội đồ bán nước Hồ Chí Minh (mượn tên của Tàu phù để thờ Mao Xếng Xáng), Phạm văn Đồng đã nhắm mắt gởi văn thư công nhận tuyên cáo chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày 14-9-1958. Và bọn tội đồ thứ hai là cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu (Tàu lai có mưu đồ bán nước cầu vinh từ lâu), Nguyễn Mạnh Cầm, Nông Đức Mạnh hiện đang giữ chức Tổng Bí Thư, kẻ bất lực, bất tài không đủ sức vô hiệu hoá hiệp ước, Lê Công Phụng, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, một con ngáo ộp chỉ biết vâng lệnh tập đoàn CSHN để chấp nhận bị mất một thắng cảnh thiên nhiên đẹp của Miền Bắc Việt Nam, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương v.v... Cái nhục bán nước để trả nợ mua vũ khí, đưa dân tộc chìm trong biển máu suốt một thế kỷ và chiếm cho được Miền Nam của tập đoàn CSHN không thể tha thứ. Lịch sử muôn đời ghi lại vết nhơ nầy. Tập đoàn CSHN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước dân tộc về việc đơn phương, âm thầm chia cắt núm ruột quê hương. Nếu tập đoàn tham nhũng CSHN còn có chút lương tâm thì phải từ chức và mở một cuộc tổng tuyển cử toàn dân để chọn một vị nguyên thủ quốc gia có đầy đủ uy tín, đạo đức và tài năng, tập hợp lực lượng trong và ngoài nước để vô hiệu hoá bản hiệp ước. Bản hiệp ước của CSHN chỉ có giá trị đối với bọn bán nước nhưng không có giá trị đối với toàn dân. Nhân dân VN quyết đoàn kết chống trả đến giọt máu cuối cùng để giành lại lãnh thổ và lãnh hải cho VN. Đến giờ phút nầy, chúng tôi tha thiết kêu gọi tất cả quí vị, ai có lòng với quê hương, tổ quốc hãy cùng nhau liên kết, tạo thành một làn sóng lớn tố cáo tội bán nước của tập đoàn CSHN và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Kính mời quí vị đồng hương hưởng ứng thông cáo của Cộng Đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn mà chúng tôi đã đăng tải trên báo Đại Chúng số 93. Quí vị nhớ đến dự ngày Lễ Giổ Quốc Tổ Hùng Vương tổ chức tại kỳ đài Trung Tâm Eden lúc 12 giờ trưa, ngày 21-4-2002. Sau đó, chúng ta sẽ đến biểu tình phản đối trước toà Đại Sứ Quán VC và Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị, Cộng Đồng Vùng Hoa Thịnh Đốn và các tổ chức đoàn thể, ngay bây giờ phải in truyền đơn và cho người đi phân phối, làm bích chương dán khắp nơi bằng Anh Ngữ, Việt và Hoa, treo biểu ngữ và kêu gọi sự hào hiệp của đồng bào, kẻ ít, người nhiều góp tay, góp sức, công của giúp Cộng Đồng hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nầy. Ai còn nhớ bài hát nào về ngày Quốc Tổ Hùng Vương nên phổ biến rộng rãi cho công chúng được biết. TBĐC mời quí vị theo dõi bài viết "Kỷ Niệm Từ Một Bài Hát" của Phong Thu. Mấy tuần nay, đài TNVNHN đã ra thông báo về ngày "đại nghĩa". Cái tên "sáng tạo" nầy là do ý kiến đóng góp của Nguyễn Hữu Nghĩa, con của cố đại Tướng Việt cộng Nguyễn Chí Thanh. Trong phần “đại nghĩa nầy”, đài TNVNHN phối hợp với UBTDTGVN đang gân cổ rao bán cờ lớn, cờ bé và đóng góp tiền... Bà con còn nghe UBTDTGVN rao bán hình Đức Mẹ khóc nữa. L M Matthieu Trần Văn Hộ chánh xứ đạo, giáo xứ Hòa Bình phủ nhận đây là nguồn tin thất thiệt. Bà con đề nghị UBTDTGVN do bà Chủ Tịch Ngô Thị Hiền lãnh đạo, nên mở ra một cái cửa hàng bán "cờ, quạt, máy radio của đài TNVNHN, bán CD nhạc cho ông Nghiêu Minh, bán chip, thu tiền member... bán sách các thầy, các cha, bán hình Đức Mẹ, rồi tìm xem có hình nào của Đức Chúa Trời và các nhà thờ mà có thể làm ra tiền thì đem ra bán luôn cho tiện. Đó là mục đích chính của ngày “ĐẠI THU TIỀN” để làm trò hề yêu nước. Vậy mà bà Ngô Thị Hiền & ông Ngô Ngọc Hùng"còn viết thư rơi và cho đọc trên đài rằng nhà họ Ngô Thị Hiền hiển hách". Có hai loại hiển hách: Hiển hách khi mang lại danh thơm tiếng tốt cho giòng họ, còn lại là sự hiển hách của kẻ chỉ làm xú danh giòng họ. Vậy nhà họ Ngô cũng đã biết mình thuộc dạng nào rồi phải không? Lúc trước, nhận được cái “BẰNG DANH DỰ” do Đài TNVNHN kính cẩn tặng cho ông Hoài Thanh để cảm tạ tấm lòng vàng của ông đã nuôi dưỡng, nâng đỡ cho đài TNVNHN tồn tại như ngày hôm nay, ông Hoài Thanh cũng thấy "hiển hách" lắm! Còn bây giờ, ông Hoài Thanh và bà con nhìn lại thấy rùng mình kinh sợ??! Người xưa nói không sai "phường ăn cháo đái bát” cái lưỡi thường dài hơn người thường, bởi ăn rồi còn dùng lưỡi mà chùi mép cho sạch để nói láo và ăn tiếp... (xin xem cái bằng danh dự của đài TNVNHN tặng ông Hoài Thanh, chúng tôi scan trên báo). Cộng đồng nhớ đọc cái thư bà chủ tịch UBTDTGVN công bố ngày "ĐẠI THU TIỀN” để góp ý kiến... Hình như tuồng cải lương hồ quảng đang mở sang một màn mới có cờ quạt, có binh tướng rõ ràng và đào kép đã xuất hiện... Nhà báo Trương Quang, đã nghiên cứu nhiều tài liệu quan trọng xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông đã gởi đến tất cả quốc dân, đồng bào những tài liệu có giá trị lịch sử để tố cáo tội "rước voi dày mả tổ" của tập đoàn hèn nhát CSHN (chỉ đánh nhau với dân Miền Nam mà cúi đầu chịu nhục trước ngoại bang). Trương Quang cũng vạch trần trò gian xảo, ỷ mạnh hiếp yếu của Tàu Phù Trung Cộng và mộng bá quyền của Trung Cộng trên bán đảo Đông Dương. Chúng ta nên dựa vào những tư liệu nầy mà đòi lại đất đai và lãnh hải. Xin đọc “CS Trung Quốc Chiếm Đảo Hoàng Sa Và Khống Chế Quần Đảo Trường Sa Của Việt Nam”. Trong mục “Đàn Ngang Cung", Búa Tài Sồi cũng làm một bài thơ rất tuyệt nói về cảnh bán nước của tập đoàn tham nhũng CSHN. Mời quí vị đọc và suy gẫm xem, hành động của bọn bán nước cầu vinh có đáng bị giống nòi khinh không? Hơn 26 năm mất Miền Nam Việt Nam, chúng ta luôn có mong muốn lật đổ chế độ CSHN để xây dựng một nước VN tự do, dân chủ, phú cường. Nhưng suốt 26 năm qua, chúng ta đã làm được gì? Nguyên nhân vì sao mục đích chúng ta không thành? Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không có tham vọng "lên lớp" hay đánh phá bất cứ tổ chức cá nhân nào, mà chỉ muốn đăng tải để chúng ta cùng nhau tìm hiểu, suy gẫm và rút ra bài học kinh nghiệm. Mời quí vị theo dõi bài tham luận "Hướng Đi của Người Việt Nam Quốc Gia Chống Cộng" của Phụng Hồng. Từ trong nước, bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng đã gởi ra hải ngoại bài viết "Quan Hệ Việt Nam- Trung Hoa Trong Thế Giới Mới Ngày Nay". B.S Nguyễn Đan Quế nghiên cứu lịch sử Việt Nam và tìm hiểu những hệ luỵ đã khiến cho CSHN dâng đất và biển cho Trung Cộng. Từ bài viết nầy, chúng ta có thể soi sáng lại lịch sử dân tộc Việt, diễn biến hiện tại, tương lai và con đường dân tộc ta phải đi phù hợp với trào lưu phát triển văn minh của nhân loại. B.S Nguyễn Đan Quế đã kết thúc bài viết bằng một câu kết như lời một tiên tri: "GIỚI LÃNH ĐẠO HÀ NỘI ĐANG CÔ ĐƠN HƠN BAO GIỜ HẾT: BỊ NON SÔNG GHÉT BỎ GIỐNG NÒI KHINH". Vậy còn ham ôm quyền lực để thống trị đến bao giờ nữa? Nếu chưa chịu tỉnh ngộ thì trong tương lai không xa, dân tộc Việt sẽ bị bọn bá quyền Trung Cộng đô hộ thêm 1000 năm nữa. Nhớ thuở xưa, Hưng Đạo Vương đánh đuổi giặc Bắc Phương, oai danh lừng lẫy. Vị đệ nhất anh hùng Trần Hưng Đạo trong lịch sử Việt đã lưu danh muôn thuở. Nay nước bị cắt dâng cho Phương Bắc, còn gì tủi hổ hơn. Hải Bằng nhắc lại vị Nguyên Soái tài ba vĩ đại Trần Hưng Đạo để chúng ta nhớ lại trận đánh lịch sử với quân phương Bắc tại bạch Đằng Giang. Ôi! Người xưa đâu? Chúng tôi cũng đã nhận được tập thơ II “NẮNG CHIỀU” của nhà thơ nữ Hoàng Minh Tâm (Paris). Như lời giới thiệu của G.S Võ Tịnh (Paris): "...phần lớn các bài trong Nắng Chiều 2 của Minh Tâm có ít nhiều tính cách ca dao, mộc mạc, hồn nhiên..." hay nói như Quyện Tâm Nguyễn Xuân Lang (Paris): "Nàng thơ của Minh Tâm là tiếng lòng thổn thức. Là nỗi buồn tê tái của cuộc sống tha hương..." và chân tình hơn, chúng ta hãy nghe nhà văn Hồ Trường An bình về thơ của Minh Tâm như sau: "...Thơ vẫn đi vào tâm hồn người đọc bằng những bước nhẹ nhàng mà vẫn gây xao xuyến cho họ". Chúng tôi xin gởi đến bạn đọc bài thơ đầu tiên " Bền Lòng" trích từ "Nắng Chiều II" để giới thiệu tác giả cùng các bạn bốn phương. Do thư từ thất lạc, đến nay chúng tôi mới tìm thấy được thư và một số bài viết của Vi Anh Nguyễn Tấn Phước. Chúng tôi xin tạ lỗi cùng tác giả và sẽ đăng tải bản nhạc trữ tình "Mối Sầu Truyền Cảm" trong số báo 95 và bài thơ tả chân về thắng cảnh "Hoàng Hôn Tím Núi ZION" của Vi Anh Nguyễn Tấn Phươc (Paris) sẽ đăng trong số báo nầy để mở đầu nhịp cầu giao cảm giữa tác giả,TBĐC và bạn đọc. TBĐC cũng thành thật cảm ơn Bình Huyên đã gởi tặng quyển sách "Thập Thuý Tầm Phương" của nhà văn Hồ Trường An viết về mười nhà thơ, nhà văn: Vi Khuê, Hoàng Ngọc Liên, Diên Nghị, Linh Linh Ngọc, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Bình Huyên, Phương Triều, Nguyễn Văn Cường, Đỗ Bình, Dư Thị Diễm Buồn. Hồ Trường An có một lối phê bình tác giả và tác phẩm rất nhẹ nhàng. Phần lớn, Hồ Trường An ban tặng những lời khen. Một điều đáng quí và đáng ngợi khen là Hồ Trường An đã bỏ thời gian đọc và khai thác tìm hiểu từng tác phẩm cũng như tác giả để ông có cái nhìn rõ hơn về phương pháp viết, nhân sinh quan của từng người trước cuộc sống và trước biến động của lịch sử. Nếu quý vị muốn tìm hiểu về quyển sách nầy, xin liên lạc với Hồ Trường An qua địa chỉ : 5 Rue August Renoir, 10000 Troyex – France. Bạn LPT thân mến, TBĐC đã nhận được chùm thơ của bạn. Tiếc rằng, bạn không có địa chỉ, điện thoại liên lạc nên chúng tôi chưa thể chọn lọc và đăng tải. Phần lớn bạn viết tay, nên cũng rất khó đọc. Chúng tôi sợ “sai một li đi một dặm” nhất là thơ. Vậy mong bạn hồi âm bằng thư để chúng ta có thể trao đổi. Cảm ơn bạn. Trong số báo 93, TBĐC đã không nhắc đến phần trả lời thư trong mục “1001 Chuyện Nhớ Quên” của cụ Mộng Tuyền nữ sĩ. Hôm nay, chúng tôi xin được nhắc lại số báo 93. Cụ Mộng Tuyền nữ sĩ đã trả lời thư cụ Phó Đức ở Brookhust, Westminster (CA), cụ Lại Đức Hùng San Jose, bà Đào Bình (qua Ky Diep Maryland), Đỗ Dình Viên mãn ở Humble Houston TX, cụ Đồ Vũ Ninh Orange County và cháu Lê Viết Điền Reseda. Trong số báo 94 tuần nầy, cụ Mộng Tuyền nữ sĩ trả lời câu hỏi của cư sĩ Tịnh Hải ở Garden Grove (CA), Hồ Mộng Điệp Santa Ana, Hồ Đắc Quang ở Brookhurst Orange County, cư sĩ Diệu Huệ ở Monterey Park, cháu Nguyễn Thị Diễm ở Maryland, cụ Vũ Đình Hoè VA (qua Huỳnh Cao), Bà Vương Phi Tử ở Valley, cụ Nguyễn Khải Orange County CA, cụ Đỗ Thạch Bình EL Monte LA, cháu Vũ Quỳnh Như Maryland (quan Phan Chánh Thọ), ông Trần Lưu CA. TBĐC chân thành cảm tạ cụ Mộng Tuyền nữ sĩ cùng toàn thể quí vị đã quan tâm theo dõi. Tuần nầy, cô giáo Ngọc sẽ cung cấp cho chúng ta một món ăn mới “ BEEF TENDELOIN AND POTATO ROAST”. Món ăn nầy rất hấp dẫn và dễ nấu. Hy vọng quí vị sẽ có một bữa ăn ngon miệng. War Room là gì? Trung Tâm Điều Hành Chiến Tranh tại Tampa, Florida hoạt động ra sao? Những nhân vật quan trọng đang điều hành War Room? Ký Điệu sẽ tường thuật tỉ mỉ War Room trong mục “Đọc Báo Dùm Bạn” để chúng ta có dịp tìm hiểu thêm sự thay đổi bộ mặt chính trị, quân sự và khoa học kỷ thuật của Mỹ trong cuộc chiến chống bọn khủng bố. Ký Điệu thân mến, bài nầy khá lắm đó. Xin có lời khen. Khánh Ly, một khuôn mặt quen thuộc, một giọng ca vượt không gian và thời gian đã đến với bút nhóm Lửa Việt trong chương trình nhạc thính phòng để gây quỹ bảo trợ cho trẻ em mồ côi, tàn tật, trại cùi, lũ lụt, phòng khám bệnh miễn phí và lớp học tình thương ở Việt Nam trong ngày 30 tháng 3, năm 2002 sắp tới tại Virginia. Người nghệ sĩ tài danh nầy, trong những năm gần đây, đã bỏ nhiều công sức để mang tiếng hát, trái tim mình xây dựng tình thương, lòng bác ái. Trịnh Công Sơn, người bạn tri âm của Khánh Lý đã qua đời, không hiểu trong tâm tình sâu kín của Khánh Ly đang muốn nhắn gởi gì với quê hương Việt Nam và những đứa trẻ bất hạnh? Chúng tôi xin kính mời quý đồng hương hãy đến hướng ứng chương trình ca nhạc của Khánh Ly mang tựa đề “Tình Ca và Kỷ Niệm" sẽ được tổ chức tại Ernst Community Cultural Center, Northern Virginia Community College (Nova) ở địa chỉ 8333 Litter River Tpke, Annandale, VA 22003. Muốn biết thêm chi tiết xin email về chengaotinhthan@luaviet.org. Địa chỉ web của Bút Nhóm Lửa Việt http://www.luaviet.org. "Tha Thứ", truyện ngắn của Bình Huyên đã nói lên được cảnh bạo hành trong gia đình và số phận cay nghiệt của những người đàn bà Việt Nam bị người chồng vũ phu luôn đánh đập. Chúng ta sẽ thấy được sự rộng lượng, chịu đựng của Ngọc Nga (nhân vật chính) nhưng đồng thời cũng thấy được sự khiếp nhược của Ngọc Nga trước một người chồng không còn nhân tính. Sự tha thứ luôn luôn là một đức tính tốt, đáng ngợi khen. Nhưng chúng ta không thể khuyến khích, tha thứ cho những loại người không có chút nhân tính. Những loại người nầy, ngay từ khi còn sống phải để cho luật pháp dạy dỗ để họ biết thế nào là lễ độ. Mời quý vị theo dõi bài truyện ngắn nầy để có những nhận xét cho riêng mình và soi lại hành vi của mình trước người bạn đời. Quảng Nhân đã viết về "Nỗi Lòng Chim Sẻ”, để nhắc đến sự đối xử của nhà cầm quyền CSHN đối với quân dân cán chính Miền Nam. Tác giả còn nói đến thói kiêu ngạo của người đời, khi có chút danh thì sánh mình như chim Phượng, chim Hoàng... và khinh rẻ người khác. TBĐC thân ái chào Phạm Xuân Tường (Paris), bài thơ "Sài Gòn Ơi! Ta Nhớ Người Lắm Lắm Người Ơi!" của tác giả đã làm cho chúng tôi cảm mến. Sài Gòn, trái tim Miền Nam không bao giờ mất trong tâm tưởng của chúng ta. Mưa Sài Gòn không như mưa Paris, mưa Bắc Mỹ hay bất cứ nơi đâu ở khắp địa cầu. Những giọt mưa mát dịu, những tia nắng ấm áp của Sài Gòn có thể làm tan băng giá trong lòng người viễn khách. Bạn biết gì về núi Yên Tử / Quảng Ninh? Tại sao B.S Y Khoa Trần Đại Sỹ (Paris) lại lấy tên là Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ? Ông là ai? Tâm hồn và tấm lòng của ông đối với nước Việt như thế nào? Xin mời quí vị theo dõi bài sưu tầm của Đạt Luận để hiểu thêm về những di tích lịch sử liên quan đến tên hiệu của ông. Trong mục "Nụ Cười Người Xưa" lần nầy, Ngu Ý thuật lại "Truyện Bồ Tùng Linh". Qua câu chuyện nầy, chúng ta mới hiểu rằng nhiều người đầu óc rất hẹp hòi, quả đáng sợ còn hơn phải đối diện với loài quái vật. Ai "thợ gật" với ta thì ta cho là "tốt", ai "lắc đầu" thì ta cho là xấu. Ai tâm địa thối tha đen tối, thấy tiền tài danh vọng ham mê không còn biết chi đến đạo lý, thấy kẻ khác nhìn ra cái tẩy của mình thì cho đó là kẻ phá hoại, đánh phá, cộng sản... chó chưa mở mắt... Mình đen thì người khác cũng đen mới là đồng chủng?! Cảm ơn Ngu Ý đã tặng một bài viết có ý nghĩa. Bằng lối viết ngoa ngữ giàu hình tượng, trong bài thơ "Thuyền Trên Sông Hương", nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế đã vẽ lại một bức tranh đẹp và thơ mộng: "Thuyền trôi trên những đám mây. Lung linh mấy bóng thông gầy núi xa..." Thuyền không thể trôi trên những đám mây. Nhưng thuyền ở đây là thuyền chở nặng tâm tình với nỗi niềm bơ vơ khoả rộng trên dòng nước tràng giang còn thơm mùi ký ức của tuổi hoa niên. Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã hoạ lại bài thơ bằng một câu mở đầu tán thán từ "Ô hay, nước ngỡ là mây...", bởi nét đẹp dịu dàng, thơ mộng của sông Hương đã khiến cho nhà thơ có cảm giác "...Nước sông Hương mượt như giòng tơ nhung..." để ngàn năm mây nước đó vẫn gởi vào hồn nhà thơ nỗi nhớ tha thiết. Không biết ai là người bên đó...mà khiến lòng Cung Diễm xao động để viết nên bài thơ đầy tình cảm nhẹ nhàng như hơi thở của gió, của vầng trăng hạ tuần, của đêm mơ phả hương thơm vào gối mộng... Bài thơ "Bây Giờ Bên Đó" như gởi tặng cho tất cả những ai yêu những bài thơ trữ tình của Cung Diễm, hay tác giả đang muốn gởi về nơi chốn xa xăm nào đó một hình bóng giai nhân... TBĐC đã có đăng bài "Xuân Như Ý" của Vân Nương, hôm nay, nhà thơ Trình Xuyên đã hoạ lại với hai câu kết rất đắc "...Dòng thơ nhiều tứ lạ. Ý bút ngập trời hoa", để nói lên mùa xuân còn là niềm cảm hứng vô tận của các tao nhân, nữ sĩ. Thơ có thừa không? Không? Thơ, văn không mang lại cơm áo. Nhưng thiếu thơ, văn là thiếu sự ký thác một thời đại lịch sử, một biến chuyển xã hội đã đảo lộn cả một dân tộc. Đọc Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, đọc thơ của Tú Xương, Xuân Diệu, Nguyên Sa, Hàn Mạc tử... để hiểu được số phận, tâm trạng của con người trước sự thăng trầm của thời cuộc. Thơ là sự chắt lọc tim óc, tình cảm, giáo huấn, triết lý, tinh hoa của văn hoá. Và thơ, mãi mãi là niềm rung cảm rất thực, rất gần của nhà thơ đối với đời sống của mọi người, mọi giới... Không có thơ ca, văn hoá loài người đã mất đi sự quân bình trong dòng văn học. Chính văn, thơ là những viên kim cương óng ả, sáng chói... là một phần của lịch sử, tâm linh và đời sống con người. Người ngồi đây viết những dòng nầy, như để trả lời thay cho một bài viết cách đây không lâu làm cho anh chị em nghệ sĩ buồn lòng. Và xin trả lời với nhà thơ Duy Lam rằng thơ không bao giờ "Thừa" có phải không? Nhà thơ Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích đã gởi nỗi nhớ vào thơ: "Nhớ người, vóc dáng vào thơ..." bởi Người đã dám gọt cả ánh tà dương ủ vào gối mộng. Dù xa quê hương đã lâu, bóng dáng Người xưa vẫn còn làm lòng nhà thơ khắc khoải, nhớ thương để viết nên bài thơ "Cơn Nhớ Thuỷ Triều". Mỗi chúng ta ai cũng có cha mẹ, ông bà. Cha mẹ bao giờ cũng là người sinh thành và dưỡng dục chúng ta nên người. Nhưng đôi lúc, vì hoàn cảnh chiến tranh hoặc cuộc sống, chúng ta phải nương nhờ đến ông bà. Tình thương bao la rộng lượng đó cũng an ủi những ai không còn cha mẹ. Hà Ngọc Bích nhắc đến kỷ niệm xưa để nhắc nhở người Việt chúng ta đừng chạy theo vật chất mà quên ông bà, cha mẹ và hãy giữ truyền thống văn hoá đạo lý của người Việt từ bao đời sống quần tụ, gắn bó với nhau. “Khu Vườn Của Nội” của Hà Ngọc Bích thật êm đềm và đầy tình yêu thương. Bình luận thơ, văn, hay một tác phẩm văn học không phải là dễ dàng như nhiều người nghĩ. Ngoài việc tìm kiếm, suy luận, tư duy, chiêm nghiệm...nhà bình luận còn cần phải có vốn kiến thức uyên bác, có vốn sống và phải am hiểu văn học tường tận. Nhà bình luận còn phải là người vô tư, không vị nể để tránh chuyện vuốt đuôi nhau. Quan trọng nhất là tác phẩm có làm cho người đọc rung động hay không và tình thâm giao giữa người viết và tác giả. Nhận được bài "Cõi Buồn Trong Thơ Của Hoàng Bích Đào" của nhà thơ Đỗ Bình gởi từ Paris, chúng tôi mới thấy được sự đồng cảm và sự trìu mến của Đỗ Bình đối với Hoàng Bích Đào. Như lời Đỗ Bình viết, thơ của Hoàng Bích Đào nặng trĩu nỗi buồn, niềm đau của người xa xứ luôn hoài niệm nhớ thương về xứ Huế. Đó là những bài tình ca trăn trở về số phận của một kiếp người. Mong có dịp sẽ đăng những bài thơ của Hoàng Bích Đào để chúng ta cùng thưỡng thức. Trong những số báo trước,chúng tôi có giới thiệu những bài viết của Nguyên Thái Nguyễn Văn Thắng, người sáng lập ra Viện Kiano, văn hoá Việt Mỹ. Chúng tôi cũng đã nói về sinh hoạt đặc biệt của Viện Kiano nhân dịp Tết Nhâm Ngọ. Hôm nay, Nguyên Thái Nguyễn Văn Thắng sẽ gởi đến chúng ta bài viết "Chùa-Một-Cột Qua Lăng Kính Của Việt Dịch". Qua bài viết nầy, chúng ta có thể tìm hiểu xem biểu tượng của Chùa Một Cột nói lên những gì và ý nghĩa sâu xa của kiến trúc độc đáo nầy. Kể từ hôm nay, TBĐC xin được phép cắt, sửa lại những bài viết có thể làm tổn thương đến người khác hoặc chúng tôi sẽ không đăng tải dù người đó là ai. Mong quí vị rộng lòng tha thứ. Kính chúc quí vị một tuần lễ an lành và hạnh phúc.
|
Copyright (c) DaiChung News Media 2002