Đại Chúng số 94 - Ngày 16 tháng 3 năm 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Cộng sản Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa và khống chế Quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trương Quang

AI CÓ CHỦ QUYỀN CÁC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA?

Việc tranh chấp giành chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông Việt Nam ngày một quyết liệt và có nguy cơ bùng nổ. Đã có những trận đánh nhỏ như Phi Luật Tân cho không lực đánh trả sự chiếm đóng của Trung Cộng và tháng 3 năm 1995 cộng sản Việt Nam phải đối phó với ông đồng chí Trung Cộng và cả với Đài Loan. Hiện Đài Loan đang kiểm soát đảo Itu-Aba là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, đảo nầy có đủ cả phi trường và hải cảng. Các chú chệch không phân quốc- cộng, đã ra thông cáo chung để xác nhận Trung Quốc có đầy đủ chủ quyền tại các quần đảo nầy. Nước Việt Nam có nhiều sách sử và địa lý từ xưa đến nay đủ chứng minh chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

_ Dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có bộ Hồng Đức bản đồ, đến thế kỷ 17 có người họ Đỗ bá tự là Đạo Phủ đã dựa theo Hồng Đức bản đồ để soạn bộ Thiên Nam Tứ Chí lộ đồ thư toàn tập. Tác giả Đạo Phủ có ghi khá rõ về quần đảo Trường Sa với tên nôm na là Bãi Cát Vàng trong Thiên Nam Tứ Chí lộ đồ thư:

"Kim hộ xã địa phận, giang lưỡng biên hữu nhị sơn, sơn các hữu kim trưởng hữu tuần. Hải trung hữu nhất Trường Sa, danh Bãi Cát Vàng, ước trường tứ bách lý, khoát nhị thập lý, trác lập hải trung. Tự Đại chiêm hải môn chí Sa-vinh môn, mỗi tây nam phong, tắc chư quốc thương bạc nội hành phiêu bạc tại thử, Đông Bắc phong ngoại hành diệc phiêu bạc tại thử, tịnh giai cơ tử. Hoá vật cáo trí kỳ xứ, Nguyễn thị mỗi niên quí đông nguyệt trì thuyền thập bát chích, lai thử thủ hoá đa đắc kim ngân tiền tệ súng đạn đẳng vật. Tự đại chiêm môn việt hải chí thử nhất nhật bán, tự sa kỳ môn chí thử bán nhật. Kỳ trường sa xứ diệc hữu đại mội”.

_ Dịch nghĩa: Ở địa phận xã Kim Hộ, 2 bên bờ sông có 2 núi, mỗi núi đều có mõ vàng, cơ sở tuần sát. Ở ngoài giữa biển có một dãi cát dài gọi là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm, đột khởi lên giữa biển khơi. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh, mỗi khi có gió Tây Nam, thuyền buôn các nước chạy ở biển trong thường trôi dạt lại đấy. Khi có gió Đông Bắc thì các thuyền buôn chạy ở biển ngoài cũng trôi vào đấy, tất cả đều bị chết đói. Hằng năm vào cuối Đông, chúa Nguyễn sai 18 thuyền ra đấy thu nhặt hàng hoá, thu được nhiều vàng bạc, tiền tệ và súng đạn. Thuyền từ cửa Đại Chiêm ra đến đấy mất một ngày rưỡi, thuyền từ cửa Sa Kỳ ra mất nữa ngày. Nơi bãi cát vàng nầy còn có cả đồi mồi.

_ Trong bộ Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn (1726-1784) có viết về đảo Hoàng Sa, có quân trú phòng, có nguồn lợi tại chỗ giống như ngày nay: "Tiền Nguyễn thị trí Hoàng Sa đội thất thập suất, dĩ An vĩnh nhân sung chí, luân phiên mỗi dĩ chính nguyệt thu thị hành sai tê lục nguyệt lương, giá tư tiểu điếu thuyền ngã chích xuất dương tam nhật tam dạ chí thử đảo cư trú, tứ tình thái thủ bổ ngư điểu vi thực. Sớ đắc tài vật mã kiếm, ngân hoa, ngân tiền, ngân hoàn, đồng khí, tích khối, ô duyên, súng khẩu, tượng nha, hoàng lạp, chiên cụ, từ khí giữ thái đại mội giáp, hải sâm, văn hoá phả đa. Dĩ bát nguyệt kỳ hồi nhập Yên môn tựu Phú xuân thành đầu nạp. Bình nghiệm định hạng vật thỉ hứa tư mại van hoa, hải ba, hải sâm, chư vật lĩnh bằng phản hồi. Kỳ sở đắc đa thiểu bất định, diệc hữu không hành giả".

Dịch nghĩa: Ngày xưa Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, chọn người xã An Vĩnh sung vào. Hằng năm họ thay phiên nhau,cứ đến tháng giêng đều nhận lệnh sai đi, được phát lương đủ ăn trong 6 tháng. Họ dùng năm chiếc thuyền nhỏ, vượt biển mất 3 ngày đêm mới tới nơi. Ra đến ngoài hải đảo, họ tha hồ bắt chim ca mà ăn. Họ lấy được những vật như gươm và ngựa đúc bằng đồng, ngà voi, sáp ong, đồ chiên, đồ sứ...và lượm vỏ đồi mồi, hải sâm, ốc hoa vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì đội nầy trở về, vào lối cửa Eo đến thành Phú Xuân để nộp các hoá vật. Sau khi xét định và cân các hoá vật xong, mới cho phép bán làm của riêng những thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi cấp giấy phép cho về nhà. Các hoá vật thu lượm được hoặc ít hoặc nhiều cũng không nhất định, có khi trở về người không”.

_ Thế kỷ 18 có sách Hoàng Việt Địa Dư Chí do tác giả Phan Huy Chú (1782-1840) có một bản đồ nước Việt Nam dưới tên Đại Nam Nhất Thống bản đồ, có ghi quần đảo Trường Sa với tên đầy đủ là "Vạn Lý Trường Sa".

_ Cuối thế kỷ 19, có bộ Đại Nam Nhất Thống Chí (do Quốc Sử Quán đời Tự Đức biên soạn được cao Xuân Dục hiệu đính), bộ Đại Nam thực lực chính biên và nhiều sách chữ nho khác đều có ghi Hoàng Sa đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Trường Sa quần đảo thuộc tỉnh Phan Thiết. Các vua Gia Long và Minh Mạng đã sai quan ra cai quản, dựng miếu và dựng bia tại Hoàng Sa và Trường Sa, nay vẫn còn dấu vết bia và miếu ấy.

_ Dưới thời Pháp thuộc nhà cầm quyền Pháp Việt kiểm soát và quản trị 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Năm 1920, Sở Thương Chánh Đông Dương đã phái tàu chiến đi tuần tiểu quanh vùng Hoàng Sa để bắt bọn buôn lậu và ngăn chặn hải tặc. Năm 1925, Hải Học Viện Nha Trang đã đưa một đoàn chuyên viên ra nghiên cứu hai hòn đảo nầy.

Ngày 15-6-1932, Phủ Toàn Quyền Pháp ở Đông Dương đã ký nghị định thành lập tại Hoàng Sa một đại lý hành chánh (Délégation administratif des Paracels). Về phía Nam Triều, ngày 20-3-1933, vua Bảo Đại ban hành dụ số 10 qui định quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. ( Theo tài liệu Phùng Ngọc Sa).

Căn cứ vào tài liệu của Việt Nam thì đã nhiều, ngay đến sách báo cũ của ngoại quốc cũng nói rõ chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam.

_ Tạp chí Jouranl De Batavia của Hoà Lan ấn hành năm 1635 có ghi rõ 1 chiếc thương thuyền của công ty Đông Aán gặp bão đánh chìm gần đảo Paracels (Hoàng Sa), 2 chiếc kia thoát nạn đến được Đài Loan. Thuyền trưởng Huijich Jansen và một số thuỷ thủ sống sót dùng thuyền nhỏ bơi vào bờ thuộc xứ Đàng Trong, rồi hai năm sau người Hoà Lan đến Faifo (Hội An), lần ra Thuận Hoá yết kiến Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan, từ đó bắt đầu có cuộc giao thương điếm tại nước Việt nam ở thế kỷ 17.

_ Về phía người Pháp, tài liệu quá đầy đủ. Trong quyển Mémoire Sur La Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1852) và bộ Univers, Histoire et description de tous les Peules in năm 1833 có đoạn ghi rõ quần đảo Paracels mà người ta gọi là "Cát Vàng" (Hoàng Sa) gồm nhiều đảo san hô chằng chịt, là thuộc quyền sở cai quản của xứ Đàng Trong Việt Nam, chính vua Gia Long đã thân chinh vượt biển để tiếp quản quần đảo nầy.

+ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA: Được ghi tên Spratley archipelago trên bản đồ thế giới, người Trung Hoa gọi là Nam Sa, đương là nơi tranh giành chủ quyền của các nước quanh vùng như Phi Luật Tân, Indonesia, Đài Loan, nhất là Việt Nam và Trung Cộng. Trung Cộng chỉ lý luận mơ hồ rằng tổ tiên họ đã đến vùng biển có 33 hòn đảo nhỏ gọi là Nam Sa.

Theo công ước quốc tế qui định: “Hải Đảo thuộc chủ quyền của các nước nào ở gần với hải đảo ấy nhất”. Vậy Trường Sa ở phía Đông tỉnh Phan Thiết (Việt Nam) 280 hải lý, cách hải đảo Hải Nam (đảo cực nam của Trung Quốc) 580 hải lý, cách Đài Loan 900 hải lý, cách Phi Luật Tân 310 hải lý. Chỉ xét riêng về vị trí thì Trường Sa hoàn toàn thuộc Việt Nam.

Quần đảo Trường Sa chạy dài hơn 10 hải lý ở biển Đông Việt Nam, gồm chín hòn đảo lớn là: đảo Trường Sa (Spratley Island), đảo An Bang (Amboyna Cay), đảo Sinh Tồn (Sin Cowe), đảo Nam Ai (Nam Yit), đảo Thái Bình (Itu-Aba), đảo Loai Ta, đảo Thi Tứ, đảo Sông Tử Tây (South West Cay), và sông Tử Đông (North West Cay).

Tất cả những hải lộ quan trọng về thương mại và chiến thuật từ Mã Lai, Singapore, Indonesia qua Nhật Bản, Hồng Kông, Hoa Nam, Việt Nam đều đi ngang Trường Sa. Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã đưa ra Trường Sa những đoàn khảo sát địa chất và cắm cờ chủ quyền từ các năm 1927, 1930. Đến năm 1933, người Pháp phái ba chiếc tàu Alerte, Astrobale và De Lanessan đến xem xét đo đạc từng mỗi hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. ngày 21-7-1933, toàn quyền Đông Dương là Pierre Pasquier ban hành nghị định sáp nhập một quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa, Nam Việt. Văn kiện đầy đủ về chủ quyền Việt Nam trên lãnh hải và quần đảo Trường Sa đã đăng trên công báo Đông Dương ngày 25-9-1933 nơi trang 7784.

Năm 1935, Nha Khí Tượng Đông Dương đã thiết lập một đài khí tượng tại đảo Itu-Aba để quan sát thời tiết vùng duyên hải biển Việt Nam.

Trong hoà hội quốc tế họp tại San Francisco (USA), thủ tướng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Việt Nam long trọng tuyên bố bằng Pháp Ngữ: "Et comme il fant Franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmousnos droits sur les iles Spratley et Paracels qui de tout temps out fait partie du Việt Nam" (= và cũng vì thành thật lợi dụng mọi cơ hội ngõ hầu dặp tắt những mầm móng tranh chấp về sau, chúng tôi tuyên bố chủ quyền của chúng tôi tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, những nơi nầy bất cứ ở thời nào cũng là lãnh thổ của Việt Nam). Sau đó một ngày, trong hoà hội quốc tế nầy, chính quyền Nhật Bản đã xác nhận: "Nhật Bản từ bỏ mọi chủ quyền về danh nghĩa lẫn yêu sách tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Năm 1956, sau khi quân đội Pháp đã triệt thoái về nước, chính phủ Việt Nam đã ra nhiều văn kiện xác nhận chủ quyền nước Việt Nam trên Trường Sa và Hoàng Sa.

_ Ngày 22-10-1956, tổng thống VNCH ban hành sắc lệnh 143-NV thay đổi địa giới và danh xưng các tỉnh và đô thành Sài Gòn, theo đó Bà Rịa, Vũng Tàu và Trường Sa thuộc tỉnh mới là Phước Tuy, tỉnh lị là Phước Lễ.

_ Ngày 13-7-1961, tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh 174-NV ấn định: “Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị hành chánh xã gồm trọn quần đảo lấy tên là Xã Định Hải, trực thuộc Hoà Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chính".

_ Ngày 6-9-1973, Tổng Trưởng Nội Vụ VNCH ký nghị định “sát nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

_ Năm 1973, một đơn vị quân lực VNCH đã đến đồn trú phòng vệ quần đảo Trường Sa.

+ VỀ THỀM LỤC ĐỊA: Hội nghị quốc tế Stocklhom đã định nghĩa như sau: “Thềm lục địa là phần đất nằm dưới mặt nước biển, nối từ bờ biển quốc gia trãi dài cho tới lúc có độ sâu 200 fathom (1 fathom = 1mét 820)". Vậy, nhìn về địa chất học, 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều nằm trong thềm lục địa Việt Nam, không nơi nào có độ sâu đến 200 fathom theo công pháp quốc tế qui định.

VIỆT CỘNG NHƯỢNG HOÀNG SA VÀ LÃNH HẢI VIỆT NAM CHO TRUNG CỘNG:

Trung Cộng đã gởi đến các nước trong vùng Đông Nam Á nằm quanh biển Đông Hải VN bản đồ chủ quyền lãnh hải của họ bao gồm cả biển Đông, sát đến bờ biển các quốc nằm quanh biển nầy. Ngày 4-9-1958, Trung Cộng ra tuyên bố chỉ đọc trên hệ thống truyền thanh Trung Cộng, đăng trên báo mà không có bản đồ dính kèm. Bởi không có bản đồ nên tuyên bố lãnh hải cách bờ 12 hải lý là bình thường, đúng với công pháp quốc tế nên thế giới không chú ý. Bản tuyên bố nầy đã gởi đến nhiều nước như Nhật Bản, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei, Đài Loan, Nam Bắc Hàn, Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (tức Việt Cộng). Chỉ có hai nước là Bắc Hàn và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà công nhận. Trong văn thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng nước VNDCCH gởi cho tổng lý quốc vụ viện (tức thủ tướng) Chu Aân Lai nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa ngày 14-9-1958 có đoạn như sau: “Chính phủ VNDCCH tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với CHNDTH trên mặt biển".

Chính quyền Việt cộng khi nhận tuyên cáo về lãnh hải 12 hải lý có bản đồ đính kèm bao gồm các đảo Hoàng Sa (TC gọi là Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (TC gọi là Nam Sa). Như vậy, nếu tính lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo nầy thì lãnh hải Trung Quốc ở biển Đông Hải VN sẽ là:

_ Phía Tây sẽ sát tới bờ biển suốt cả Miền Trung và Bắc Việt Nam.

_ Phía Đông sát tới lục địa Phi Luật Tân, Brunei.

_ Phía Nam sát tới Indonesia, Mã Lai.

Phạm văn Đồng công nhận tuyên cáo của Trung Cộng là đã ký nhường biển Việt Nam và các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Cộng. Tội bán nước muôn đời không rửa sạch.

TRUNG CỘNG ĐÁNH CHIẾM HOÀNG SA VÀ TRẬN HẢI CHIẾN BẢO VỆ TỔ QUỐC CỦA VNCH:

Phải kể từ năm 1972, tổng thống Nixon sang thăm Hoa Lục, bắt tay Mao Xếng-Xáng, tiếp theo cuộc “ngoại giao bóng bàn" và Kissinger làm con thoi chính trị qua lại giữa Hoa Thịnh Đốn –Bắc Kinh – Paris – Sài Gòn để thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh cho Hoa Kỳ phủi tay rút quân về. Món quà đầu tiên cho sự liên kết Trung Cộng- Hoa Kỳ là quần đảo Hoàng Sa, một vùng chiến lược quan trọng để Trung Cộng thay thế Hoa Kỳ trong việc kiểm soát cả vùng trời và vùng biển phía Đông VN loại trừ mọi sự tiếp trợ của Nga Sô cho Hà Nội. Bởi vậy, khi Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa thì hạm đội 7 của Mỹ túc trực tại Biển Đông VN để giúp VNCH, đã ngoảnh mặt làm ngơ cho TC được tự do hành động.

Đầu năm 1974, hạm đội Trung Cộng bao vây và khiêu khích lực lượng VNCH bảo vệ hải đảo Hoàng Sa. Bỗng chiến hạm Trung Cộng bắn hoả tiển trúng chiến hạm HQ 10 của ta. Khi soái hạm ta bị nạn nhưng vẫn quyết liệt dùng đại bác 155 ly tác xạ vào tàu địch gây thiệt hại cho 6 tàu chiến Trung Cộng như bầy chó sói ẩn núp từ các đảo xông ra. HQ 10 là chiến hạm cũ, xoay trở chậm vẫn quyết tử chiến với hạm đội Trung Cộng có trang bị hoả tiển loại nhỏ nhẹ, thuận lợi hơn khi giao tranh. Trên tháp tàu chỉ huy, hạm trưởng ngã xuống, hạm phó thay thế lại bị trọng thương, lần lượt các sĩ quan thay nhau làm nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu. Hải quân VNCH đã đánh trả tới viên đạn cuối cùng, hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ lãnh hải của tổ quốc. HQ10 lâm nạn, nhiều chiến hạm liên tiếp cứu ứng, trung tá Phạm Văn Thà không chịu rời tàu, cùng chết theo tàu và những chiến sĩ hải quân đã được mai táng trong hầm tàu đóng kín. Những chiến sĩ bị thương được cứu vớt từ phao cấp cứu, sau mấy ngày lênh đênh trên biển, nhiều người bị từng tốp cá mập săn đuổi theo vết máu cắn nát thân người, kể cả thiếu tá hạm phó.

Trước khi trận chiến Hoàng Sa kết thúc, HẢI KÍCH VNCH đã xâm nhập Hoàng Sa trong đêm tối, đánh đổi hai chiến sĩ hải kích để tiêu diệt trọn một trung đội quân Trung Cộng. Sau lần thả ngoạn mục nầy, Quân Lực VNCH chưa kịp có thì giờ tái chiếm Hoàng Sa thì cuộc chiến chấm dứt một cách tệ hại vào ngày 30-4-75.

Việt cộng đã bán đứng Hoàng Sa cho Trung Cộng, họ đã rước đoàn bóng bàn Trung Cộng ngay sau khi trận Hoàng Sa kết thúc như một chào mừng chiến thắng. "Cõng rắn cắn gà nhà, rước voi dày mã tổ", Việt cộng không đường nào chối cãi trước lịch sử.

TRANH CHẤP QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA, TRUNG CỘNG KHỐNG CHẾ LÃNH HẢI VIỆT NAM (bản đồ 2):

Hiện nay, quần đảo Trường Sa có quân đội các nước Phi Luật Tân, Malaysia, Đài Loan, Trung Cộng và Việt Nam. Quân đội nhân dân của CHXHCNVN trú đóng trên nhiều hòn đảo nhất và thường xuyên bị hải quân Trung Cộng bắn phá, lý do là Phạm Văn Đồng đã ký giao vùng biển bao la nầy cho Trung Cộng do văn thư 14-9-1958. Chính vì lẽ ấy, nên Trung Cộng không chịu thương thuyết với Việt Nam về Trường Sa, họ chỉ chịu thương thảo song phương (bilateral discussion) với từng nước Phi Luật Tân, Malaysia riêng rẻ. Họ không chịu thương thuyết đa phương (multilateral discussion) vì muốn cướp trọn, bởi từng nước nhỏ yếu phải chịu lép vế, không cho người bị cướp đoàn kết để gây sức chống đối mạnh hơn. Tất cả văn kiện của tiền nhân ta, nhất là của VNCH đều xác định chủ quyền toàn vẹn lãnh hải và lãnh thổ ngoài khơi nầy. Có điều nghịch lý là chính quyền CHXHCNVN đã đặt văn kiện của VNCH ra ngoài vòng pháp lý thì chính họ lại căn cứ vào những văn kiện rất vững chắc của VNCH trong việc tranh chấp về Trường Sa hôm nay. Mặc dù hiện nay Hà Nội được thừa hưởng di sản của VNCH để lại là chiếm đóng được nhiều đảo với diện tích lớn rộng hơn tất cả các nước chiếm đóng tại Trường Sa cộng lại, nhưng 50% vùng dầu hoả và khí đốt dưới đáy biển lại nằm trong hải phận EEZ của Malaysia.

Đối với Trung Cộng, Hà Nội lâm vào thế "mở miệng mắc quai", đó là cái hàm thiếc của dây cương ngựa do Phạm Văn Đồng đặt vào năm 1958, chấp nhận cái lưỡi rồng của Thiên Triều liếm trọn các quần đảo và lảnh hải giữa vùng Đông Nam Á.

Trong bài "Việt Nam distances itself from Spratley islands report" của tờ Lateline News ngày 15-2-2001 thì Hà Nội đã tránh né trách nhiệm khi tờ Sài Gòn Giải Phóng (một đại nhật báo của CSVN, tương tự như tờ Nhân Dân Hà Nội) có đăng bài tiết lộ rằng "các viên chức cao cấp của Đảng và quân đội đã họp kín để thảo luận việc thành lập đơn vị quản trị hành chánh riêng và đặt kế hoạch bảo vệ chủ quyền VN trên quần đảo Trường Sa".

Bài báo của tờ SGGP đã chạm phải phản ứng nhạy bén từ phía Trung Cộng: Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Dư Bằng Giao đã cảnh cáo: "Trung Quốc có chủ quyền toàn vẹn bất khả tranh chấp đối với quần đảo Nansha (tức Trường Sa) và toàn vùng lãnh hải liên hệ. Bất cứ quốc gia nào có hoạt động gì trên đảo nầy đều xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đều bất hợp pháp và vô giá trị”. Để đáp lại lời tuyên bố của Dư Bằng Giao, bà Phan Thuý Thanh (phát ngôn viên bộ ngoại giao CSVN) đã giải thích rất gượng gạo: "Đó chỉ là một tờ báo thành phố" (only a city newspaper) vì lo sợ mất lòng quan thầy vĩ đại! Bà Phan Thuý Thanh đã nhiều lần né tránh các câu hỏi của nhiều ký giả về việc nhà nước CHXHCNVN minh định như thế nào về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa? Bà chỉ nói quanh co rằng: "Theo tài liệu của VNCH thời trước thì quần đảo nầy được xem là một phần của tỉnh Khánh Hoà". Xem thế đủ biết, quốc dân Việt Nam không còn hy vọng nào ở Đảng CSVN giữ gìn chủ quyền của tổ quốc trên quần đảo Trường Sa đã do Phạm Văn Đồng ký nhượng cho Chu Aân Lai ngày 14-9-1958.

Ký giả David Jenkins đã nhận định rõ nét: "Lãnh hải Trung Hoa trông giống như cái lưỡi khổng lồ, chạy xa tới 1200 hải lý về phía Nam, bao lấy 2 quần đảo chiến lược là Hoàng Sa và Trường Sa...Đối với những quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia thì đây là cái lưỡi của con rồng Trung Hoa, một sự hăm doạ biểu lộ khuynh hướng bành trướng lãnh thổ của người Trung Hoa".

Không một người Việt Nam nào, dù ở trong hay ngoài nước chẳng công phẩn với bọn đầu sỏ Việt cộng cam tâm cắt lìa lãnh thổ và lãnh hải nộp cống cho Trung Cộng nhiều lần trong 25 năm qua. Nếu giới lãnh đạo CSVN còn chút lương tâm thì họ nên từ chức vì những tội lỗi ấy, để người dân Việt còn có cơ hội đòi lại chủ quyền trên mặt biển và đất liền đã bị cắt nhượng. Bằng như cọc biên giới vẫn cứ cắm lại, Hoàng Sa vẫn bị chiếm. Lãnh hải Trường Sa vẫn bị khống chế thì ngày dân tộc Việt Nam vùng dậy lật nhào guồng máy cộng sản VN không còn xa.

Connecticut, đầu năm 2002-02-04

Trương Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002