Đại Chúng số 94 - Ngày 16 tháng 3 năm 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyện Nữ Sĩ

Cư sĩ Tịnh Hải Garden Grove: Bà chị giải thích hộ câu: "Bộc bạch cùng đại chúng hiện tiền" là sao?

+ Là biểu lộ nỗi lòng của mình cho mọi người, mọi giới hiện diện. Có nghĩa là nói lên tình thương của mình trước đại chúng đương có mặt trước chốn thính đường...

Cháu Hồ Mộng Điệp Santa Ana: Cháu có nghe từ một người bạn của nhà thơ Huệ Thu tại San Jose có nói đến bài thơ của nhà thơ Thượng Nhân nhắc đến Quán Chùa, đến Thanh Thúy, đến Queen Bee và luôn cả Khánh Ly nữa. Bà cụ có nhớ mấy vần thơ này không? Xin nhắc hộ.

+ Có, đó là mấy câu trong "Ngày Tháng Khó Quên" tập hai trong Bên Trời Lận Đận, một thi phẩm được xem như là kiệt tác của nhà thơ nổi tiếng Hà Thượng Nhân. Các câu đó sau sau:

Nhờ hè phố xanh lam tà áo,

Nhớ trên tay trang báo vừa in.

Quán Chùa+ những buổi săn tin,

Vây quanh bàn nước mắt nhìn ngu ngơ.

Nhớ Thanh Thúy canh khuya nức nở,

Bạn bè mình ai ở, ai đi ?

Nhớ đêm ca nhạc Queen Bee,

Lúc này mái tóc Khánh Ly còn dài ?"

+ Quán Chùa là La Pagode ở đường Tự Do.

Ông Hồ Đắc Bàng Quang Brookhurst Orange County: Bên ta có trái đười ươi, ăn ngon, nghe nói y học Đông Phương dùng làm thuốc. Bà cụ có biết nó trị được bệnh gì không?

+ Trái đười ươi hay còn gọi là trái bời lời, Đông Y gọi An Nam Tử. Danh từ khoa học gọi Sterculia Scaphigera Wall. Ngoài tên An Nam Tử còn gọi là Bàn đại hải hay Hồ đại hải. Vị này chủ trị thương phong, ho mất tiếng, cổ khô, tắt tiếng, trừ đờm. Loại này nước Việt Nam có nhiều. Nhưng nơi có nhiều trái này nhất lại là đảo hải Nam Trung Hoa.

Cư sĩ Diệu Huệ Monterey Park: Thế nào gọi là Phật tánh? Xin bà cụ giải hộ.

+ Phật tánh quả thật vô cùng thâm hậu. Đó là Táng Giác Ngộ. Vốn thật lành. Căn thật thiện. Con người mang Phật tánh ngay từ khi vừa lọt lòng mẹ. Muốn tìm hiểu Phật tánh cần phải hiểu về thuyết duyên khởi. Phật tánh thật vô thủy vô chung. Bất sinh bất diệt. Không thể đo lường được. Phật tánh tuyệt nhiên không thay đổi, nó không định mà cũng chẳng động.

Cháu Nguyễn Thị Diễm Maryland qua Ký Diệp :1. Tại sao người Chiêm Thành ở Phan Rang lại gọi người đồng bào thượng Sédang là ông "Ba Bị"? Có nhiều sắc dân thượng, bà cụ biết xin ghi lại nơi mục này luôn. Cám ơn bà cụ nhiều.

+ Người Sédang vốn là người thượng sống ở vùng thung lũng tại nhưng nơi đồi núi nghèo nàn. Dân tộc này có một vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh, da ngăm đen. Bản tính người Sédang vốn thật thà và thành tín. Nhưng có điều họ có bản tính nóng nảy và hiếu chiến. Những người mới gặp nghĩ đây là giống người thô bạo, dã man... nhưng thật ra họ rất tốt và đầy nghị lực lại thiện chiến trong rừng rú, chiến đấu hăng say không hề biết mệt mỏi. Ngày xưa người Bahnar thường lo sợ giống dân này đến cướp phá, nên rào làng đắp lũy ngăn ngừa. Về sau lời đồn đãi này đến tai người Chiêm Thành, do đó người Chàm - tức Chiêm Thành - mới cho đó là ông Ba Bị – một loại ma quái chuyên đi dọa con nít.

2. Có sáu sắc dân thượng gồm:

- Sedang

- Bahnar

- Djarai

- Rhadé

- M'nông

- Stien

- Koho

Các sắc dân này có những tục lệ như : "mừng lúa mới.lễ bó mạ, lễ đâm trâu, lễ mai táng, nghề phù thủy, cách làm rượu cần v.v...

Cụ Vũ Đình Hòe Virginia qua Huỳnh Cao: Tôi còn nhớ có hai câu duy nhất bài Kinh Thi: "Vĩ vĩ Văn vương/ Lịnh vấn bất dĩ... " nhưng mấy câu sau tôi quên khuấy mất, xin bà cụ nhắc hộ nếu được luôn bài dịch thì quí hóa vô cùng. Cám ơn bà cụ.

+ Bài Kinh Thi đó như sau:

Vĩ vĩ Văn vương,

Lịnh vấn bất dĩ,

Trần tích tai Chu.

Hầu Văn vương tôn tử

Văn vương tôn tử

Bổn chi bách thế.

Phàm Chu chi sĩ

Bất hiển, diệt thế?

Bài dịch đó như sau:

Văn vương như cố gắng hoài,

Cho nên tiếng tốt lâu dài chẳng thôi.

Vương nghiệp nhà Chu, Trời ban thưởng,

Con cháu Văn vương hưởng dồi dào.

Văn vương con cháu trước sau,

Làm vua đích thứ nối nhau trăm đời.

Phàm Chu triều những người quan chức,

Há đời đời chẳng rất hiển vinh ?

Tạ Quang Phát dịch

Bà Vương Phi Tử Valley: Đọc truyện Tàu thấy nói về nêm công chả phụng, và các món cao lương mỹ vị khác... tôi muốn được biết có thật như vậy không? nếu thật thì nó bao gồm những món ăn nào? Bà cụ chỉ giáo cho.

+ Có như vậy. Như bà biết, vua là đấng tôn quý nhất trong một quốc gia, nên bất cứ cái gì nhất là cái ăn, cái mặc đều thuộc hàng hiếm quý. Mỗi khi nói đến món ăn của các nhà vua thì người ta nói ngay đến "Bát Trân". Cái nghĩa của "Bát Trân" là tám món thượng thặng mà người dân giả khó lòng có được. Vậy tám món trân quý đó là:

1. Gan công (có sách nói gan rồng)

2. Chả phụng

3. Thai con báo

4. Đuôi cá gáy

5. Chả thịt cú

6. Môi đười ươi

7. Bàn tay gấu

8. Nhượng heo con.

Đây là món cao lương của các nhà vua đời nhà Đường. Nhưng "Bát Trân" thời Chu thì có khác hơn, gồm có:

1. Thuần ngao (xôi có gia vị)

2. Thuần mô (xôi mỡ)

3. Bào dồn (thịt lợn nướng)

4. Bào dương (thịt dê trộn mỡ chưng cách thủy)

5. Đảo trâu (giò lụa)

6. Trách (thịt heo ngâm giấm)

7. Ngao (nem)

8. Can liêu (gan chó ướp gia vị, cuốn lá thơm rồi nướng)

Còn nhiều món ăn độc đáo khác nữa, có dịp xin trở lại vấn đề này hầu bà chị.

Cụ Nguyễn Khải Orange County CA. Bà cụ có còn nhớ bài thơ lục bát vừa chữ Hán vừa chữ Nôm nói về Thiên Văn trong Ngũ Thiên Tự từ câu thứ sáu đến câu thứ tám không? Nếu có xin nhắc hộ. Cám ơn.

+ Có. Đó là một đoạn trong "Đệ Nhị Tiết" như sau:

NGUYỆT mặt trăng NHẬT mặt trời

VÃNG qua LAI lại DI dời CANH thay

VŨ mưa THỬ nắng VÂN mây

SƯƠNG sương TUYẾT tuyết TRÚ ngày DẠ đêm

NHÂN HUÂN ngi ngút TƯỜNG điềm

ĐÔN ánh THỰ sáng ÂM êm ĐIỀU hòa

LÔI ĐÌNH Sấm sét PHÁT ra

OANH ran ĐIỆN chớp HÀ xa NHĨ gần...

Hình như tập Ngũ Thiên Tự gần đây ở Việt Nam có hai tác giả Vũ Văn Kính cùng Khổng Đức soạn lại và xuất bản.

Cụ Đỗ Thạch Bình El Monte LA. Tôi còn nhớ có đọc Lỗ Tấn trong tập tiểu thuyết Cố Hương có nói đến một một con vật ở miền sơn cước thích ăn các loại dưa, mà quên mất đó là loại vật tên gì. Bà cụ biết không? nếu biết xin nhắc hộ.

+ Đó là một loài dã thú hình thù giống như con cầy (chó) có tên là TRA vốn thích ăn các loại dưa.

Cháu Vũ Quỳnh Như Maryland (qua Phan Chánh Thọ): Bà cụ có nhớ bốn câu thơ cuối của bài "Tình Gửi Gió Mây" của nhà thơ Cung Diễm không? Nếu bà cụ nhớ xin nhắc hộ. Thành kính cám ơn.

+ Bài Tình Gởi Gió Mây là một trong những bài được xem là được nhiều người thích nhất của nhà thơ Cung Diễm như sau:

"Một bóng Hoàng bay, Phượng đợi chờ

Trăng sầu nghiêng ánh, lạnh lầu Thơ

Trăng soi một bóng, ta và bóng

Một bóng đơn côi, một bóng mờ !"

Ông Trần Lưu California. Như thế nào mới gọi là lối viết phản đề, bà cụ nếu biết giải hộ. Xin thành thật cám ơn bà cụ.

+ Lối viết này thường với mục đích làm nổi bật chủ đề mà người viết muốn đề cập đến. Thông thường phần trên của bài đưa ra luận cứ bài bác điểm chính mà tác giả muốn đề cao hoặc bênh vực chủ đề của mình. Qua phần sau của bài tác giả đưa ra ý kiến thuyết phục người đọc hưởng ứng chủ đề của mình viết. Tuy nhiên, nếu không khéo léo để thiếu sự cân bằng, ví như phần bài bác lại dài dòng và sắc bén hơn phần lý luận để bênh vực lấy chủ đề của mình. Điều này rất tai hại, chẳng những không làm sáng tỏ được chủ đề của mình viết mà nó còn bị phản ứng ngược lại. Vì vậy, tác giả muốn viết theo lối phản đề cần thật thận trọng để khỏi phải bị gặp sự hiểu lầm đáng tiếc!

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002