Đại Chúng số 94 - Ngày 16 tháng 3 năm 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


THA THỨ

Đồng Tác Giả Bình Huyên

Lão Thái thức dậy. Chiếc đồng hồ để bàn ở đầu giường chỉ bảy giờ tối. Lười lĩnh trong tấm chăn ấm, lão chớp mắt, cố gắng tập trung ý nghĩ trong bộ óc nặng nề, tối tăm của lão. Lão lẩm bẩm:

- Giờ này, mụ vợ của mình đang bắt đầu “job” đêm nay. Chẳng biết mụ để sẵn đồ gì trong bếp, cho mình ăn uống. - ừ...! Đói bụng rồi!

Lão Thái giơ cánh tay mập mạp trong làn da nâu nâu, có bàn tay với năm ngón như năm quả chuối mắn, gạt chiếc chăn dày sang một bên. Lão gắng gượng chống hai tay xuống giường, ngồi lên. Lão thở hổn hển. Nửa thân mình trên của lão to tròn, làm căng phình chiếc maillot cũ. Lão khịt mũi, đánh hơi. Các cửa sổ được đóng hết, nhưng căn phòng rộng vẫn mờ đục, nhờ ánh sáng của ngọn đèn ngủ ở cuối phòng. Lão Thái nhướng đôi mắt hùm hụp, lèm nhèm, nhìn quanh. Chiếc trán ngắn hằn những nếp nhăn, dưới mái tóc húi cua cứng như rễ tre. Cái mũi dài, khá cao, đầu mũi hơi phồng lên, và cặp môi nhỏ, mỏng, mầu nâu đỏ, như môi đàn bà, làm lão trông phảng phất giống một ông tổng thống đa tình.

Lão Thái xoay mình, đưa hai chân ra thành giường, trườn người từ từ cho hai bàn chân chạm mặt đất. Lão quơ chân kiếm đôi dép, xỏ vào đôi bàn chân cục mịch. Lão chống hai tay xuống giường lấy thế đứng lên một cách khó nhọc. Lão tập tễnh bước sang phòng ăn. Lão không bị đau chân, nhưng vì một chân ngắn, một chân dài, nên lão không đi đứng thẳng thắn được. Khi còn trẻ, lão có thể bước dài, nhanh, với bên chân ngắn hơi nhón lên, cho có vẻ hùng dũng. Bây giờ, với tuổi già cùng bệnh hoạn, đôi chân lão không đủ sức mang thân hình vừa to vừa mỡ màng. Lão lẩm bẩm:

- Chẳng cần phải làm dáng hiên ngang với ai nữa. Trời ngoài kia lạnh muốn chết! Ở trong nhà cho yên thân, lại khỏi phải mặc lên người cả mấy kí quần áo, khăn quàng, bao tay, nón nỉ, giày bottes. Có mụ vợ đi làm kiếm tiền nuôi, mình chỉ việc ở nhà ăn nhậu, ngủ ngáy, coi TV, uống thuốc cho đủ.

Lão Thái bật đèn, lại gần bàn ăn, ngồi phịch xuống ghế. Lão đưa mắt nhìn các món ăn: Bò nấu xốt vang, tôm bọc bột chiên, cá lóc thịt heo nạc kho nước dừa, bánh mì, bún, một phần tư chai rượu chát, hoa quả để tráng miệng. Lão nhe răng, gật gù cái đầu, ra điều hài lòng. Lão với tay cầm chai rượu đã mở sẵn, rót một ly đầy. Lão cầm đũa gắp đồ ăn, đưa lên miệng, nhai ngấu nghiến. Nâng ly rượu uống một hơi hết nửa ly, lão rót thêm rượu vào ly. Lão uống rượu ừng ực, mặt đỏ ké, hai đùi rung rung, mũi thở khì khào. Chai rượu hết sạch. Lão đứng dậy, loạng choạng đi tới tủ buffet, mở ra, kiếm chai khác. Nhưng trong tủ buffet không có chai rượu nào cả. Lão nổi giận, đấm tay lên mặt tủ, chửi thề:

- Đ.M.! Mụ vợ cất rượu đâu hết rồi!

Lão vào trong bếp, bật đèn, mở tung hết các cánh tủ chạn, tìm kiếm như điên. Cuối cùng, lão vớ được một chai dẹp đựng rượu Rhum trắng, còn già nửa chai. Lão hý hửng cầm chai rượu trở về phòng ăn. Lão ngồi xuống ghế, gắp đồ ăn cho vào mồm nhai nuốt, đưa chai rượu lên miệng tu một hơi, rồi thở "khà" một tiếng thật khoái trá! Chợt lão thấy hơi nghẹn chỗ xương ngực dưới cổ họng. Lão khạc mạnh một cái. Cảm giác nghẹn trở thành đau chói rân ran ra khắp ngực lão, lan lên cằm, chạy sang cánh tay trái. Sự đau nghẹn dâng nhanh, gây nên một chấn động khủng khiếp. Lão cố kêu lớn. Tiếng kêu không thoát ra khỏi cổ. Tay phải lão vuốt cổ, chà ngực, nắn cằm, bóp vai trái. Lão đứng lên, định đi vào phòng ngủ nằm. Hai chân lão khuỵu ngay xuống. Cả thân hình đồ sộ đổ huỵch lên sàn nhà lát gạch bông. Đầu lão đập xuống gạch đánh “chát” một cái. Lão ú ớ, nằm yên, mắt mở trưng trưng, há mồm thở. Đồ đạc, bốn bức tường, các khung hình treo, hết thảy đều uốn éo, giãn nở trước mắt lão. Ánh sáng đèn điện trong phòng trở nên vàng đục, quánh dần lại trên đôi mắt đỏ ngầu mất thần của lão Thái. Lão nằm bất động dưới đất lịm đi.

Sáu giờ sáng, Ngọc-Nga đi làm về. Bà ta cho xe vào garage, bước ra, bấm nút điện cho cánh cửa sắt đóng xuống, rồi mở cái cửa ngách đi vào nhà. Bà ta thấy phòng ăn, nhà bếp còn để đèn sáng choang. Linh tính cho bà biết có chuyện không hay xảy ra. Bà chạy vội vào phòng ăn và thấy ông chồng già nằm sóng sượt dưới đất. Sau khi kêu điện thoại cho bệnh viện, Ngọc-Nga ngồi xuống sàn nhà, để đầu chồng lên đùi cho miệng mở ra. Bà gọi lớn:

- Ông ơi, ông! Tỉnh đi, ông!

Lão Thái mở hé cặp mắt mệt mỏi có nhiều tia máu. Lão muốn nói, nhưng chỉ ú ớ trong cổ. Toàn thân lão rũ liệt. Ngọc-Nga không khóc. Bà ta lặng yên để cho hình ảnh kỷ niệm xa xưa trong ký ức từ từ hiện ra trước mắt, như một cuốn phim dài...

+ + +

Cách nay bốn mươi sáu năm, Ngọc-Nga đến tìm gặp người bạn trai lần cuối trong căn villa ở ngõ Bà-Triệu, gần khu Nhà-Diêm, Hà-Nội. Nhưng người bạn trai yêu mến của nàng đã đi xuống Hải-Phòng, để đáp tầu vào Nam một mình mất rồi. Thất vọng não nề, Ngọc-Nga xin phép người trong nhà cho nàng được ngồi viết một lá thư ngắn, nhờ họ chuyển cho bạn trai của nàng. Sau đó, Ngọc-Nga trở về Nam-Định bàn với cha mẹ nàngá:

- Xin bố mẹ thu xếp cho cả nhà vào Nam. Nếu không, xin bố mẹ cho con đi với gia đình dì Tân. Con không muốn ở lại với bọn cộng sản vô thần.

Cha mẹ nàng đồng ý, bán nhà cửa, đồ đạc, thu xếp tiền bạc, hành trang, chuẩn bị di cư vào Nam. Tới Sài-Gòn được ít lâu, cha của Ngọc-Nga lâm bệnh qua đời. Sau đó, mẹ của nàng sang lại một cửa tiệm tạp hoá ở gần chợ An-Đông. Đời sống hai mẹ con khá sung túc. Ngoài giờ đi học và ở nhà phụ giúp mẹ, Ngọc-Nga cũng dành một số thời giờ đi tìm người bạn trai của nàng. Ở gần nhà Ngọc-Nga có một đại gia đình gồm hai cha mẹ già, ba người con gái đã lập gia đình, con cái đã lớn, và một người con trai ở với vợ không chính thức. Họ là những người Bắc kỳ cũ. Cả năm gia đình thuê nhà ở gần nhau trong khu phố gần chợ An-Đông. Thái là con trai lớn của một trong mấy gia đình đó. Anh ta thường lui tới cửa tiệm của mẹ Ngọc-Nga, mượn cớ mua hàng để tán tỉnh Ngọc-Nga. Mẹ nàng căn dặn:

- Này con, gia đình cậu Thái mang tiếng xấu lắm đấy. Con phải coi chừng, đừng giao du với họ.

Ngọc-Nga hỏi mẹ:

- Mang tiếng xấu như thế nào, thưa mẹ?

Mẹ của Ngọc-Nga gật gù, nói:

- Nhà đó có vẻ thân cộng, lại nổi tiếng chồng đánh vợ. Ông cụ đánh bà cụ mấy chục năm nay, suốt từ hồi mới cưới đến giờ. Chính bà cụ đã than thở với mấy bà bạn như vậy. Người con gái lớn của hai cụ lấy chồng ở một tỉnh xa, bị chồng ghen, nhốt trên lầu không cho ra ngoài một mình. Bà ta bị cấm không được đứng trong cửa sổ nhìn ra đường. Khi hai vợ chồng dạo phố mà bà ta vô ý mỉm cười, là ông chồng lôi ngay vợ về nhà, đánh cho một trận nhừ tử. Sau cùng, gia đình bà ấy phải lập mưu, đánh điện tín nói rằng bố bà ta chết, gọi bà ấy về Sài-Gòn chịu tang. Khi về đến nhà, bà ấy không trở lại với ông chồng vũ phu nữa, mặc dầu đang có bầu đứa con đầu tiên ; bây giờ thằng bé đã được mười tám tuổi. Người con gái thứ hai và người con gái thứ ba, lấy hai anh em ruột, cũng bị chồng đánh như bổ củi. Còn người con trai út tuy không đánh vợ, nhưng nổi tiếng là Sở -Khanh, thay bồ đổi vợ như thay áo.

Ngọc-Nga lắng tai nghe mẹ nói. Nàng tâm niệm sẽ không dính líu gì với gia đình đó. Ngọc-Nga có nhiều nét đáng yêu: vóc người dong dỏng, đều đặn, nở nang, nước da hơi ngăm ngăm trông rất khoẻ mạnh, ưa nhìn. Nàng có mái tóc đen dầy để ngang vai, cặp mắt to đen, sống mũi cao, bờ môi có lông tơ, đôi môi hơi dầy, hai má lúm đồng tiền, thật duyên dáng. Thái vẫn tiếp tục lân la làm quen Ngọc-Nga. Lần nào anh ta cũng thất bại. Anh ta đem chuyện này nói với ông cậu là người có nhiều chiến thắng trong chuyện chim gái. Ông này nghe xong, liền nói:

- Cháu phải sử dụng "khổ nhục kế", như thế này,...

+ + +

Ngọc-Nga được đứa em gái của Thái trao cho một phong thư. Nàng không mở ra xem, định xé, mang vứt vào thùng rác. Nhưng một dòng chữ ngoài phong bì đã khiến nàng ngừng tay: "Lá thư tuyệt mạng "! Tò mò, Ngọc-Nga mở thư ra đọc:

"... Tôi là đứa con lạc lõng trong một gia đình đông người, vì tôi khác hẳn mọi người. Tôi có linh cảm sẽ gặp một người tình lý tưởng. Người ấy sẽ cứu tôi ra khỏi vũng lầy của gia đình. Người ấy là em đó, Ngọc-Nga ạ. Tình cảm bao la của tôi luôn hướng về em. Tôi nghĩ đến em đêm ngày, không ăn không ngủ. Mạch máu tôi chạy chậm dần. Nếu em không trả lời tôi thư này, em sẽ thấy tôi rời khỏi cuộc đời hiện tại, ôm theo mối tình vĩ đại với linh hồn lạc lõng của riêng tôi,...!"

Đọc đến đây, với tâm hồn trong trắng, ngây thơ, Ngọc-Nga vừa hoảng hồn vừa kiêu hãnh. Nàng liền lấy giấy bút viết thư trả lời Thái:

"... Anh Thái cứ tin rằng Ngọc-Nga cũng có cảm tình với anh. Xin anh đừng huỷ hoại thân mình, mà hãy vui sống trong hy vọng. Như thế này là Ngọc-Nga đã trả lời thư của anh rồi đấy nhé. Mến chào anh."

Gửi thư đi rồi, Ngọc-Nga không còn thấy Thái đi qua nhà nữa. Nàng lấy làm lạ và không khỏi lo lắng vẩn vơ. Mỗi ngày trôi qua, vắng bóng anh chàng si tình, dài như một thế kỷ đối với nàng. Đến chiều ngày thứ năm, em gái của Thái ở đâu hớt hải chạy đến gặp Ngọc-Nga. Nó nói trong hơi thở:

- Chị Ngọc-Nga! Chị lại ngay nhà em! Anh Thái làm sao mà nằm bất động kià!

Ngọc-Nga không kịp thay quần áo đàng hoàng, cứ mặc nguyên bộ pyjama lụa xanh, đi guốc, chạy theo đứa bé gái tới nhà Thái ở cách đó độ hơn một trăm thước. Nàng bước vào căn nhà hơi tối vì màn cửa kéo kín. Đứa em gái của Thái đứng bên ngoài kéo cửa đóng lại, rồi chạy mất. Phòng ngoài vắng tanh. Ngọc-Nga rón rén đi vào phòng trong. Nàng thấy Thái nằm bất động trên giường, sát trong tường, xây lưng ra ngoài, mình đắp chiếc mền mỏng. Nàng khẽ gọi:

- Anh Thái!

Không một tiếng trả lời. Nàng gọi to hơn:

- Anh Thái!

Vẫn yên lặng. Nàng ngồi xuống giường, ngả người vào trong cho gần chỗ Thái nằm. Nàng lấy tay sờ trán của Thái, thấy nóng hổi ướt đẫm mồ hôi. Một mối lo sợ trộn lẫn với thương cảm dâng cao lên trong lòng người con gái ngây thơ trinh trắng. Nàng xích người sát vào lưng của Thái. Chợt Thái quay người nằm ngửa ra. Chiếc mền mỏng rơi xuống mặt giường, để lộ thân hình mầu nâu vạm vỡ rất lực sĩ của Thái, không một mảnh vải che thân. Trống ngực của Ngọc-Nga đập rất mạnh. Nàng vội lùi lại, nhưng đã quá trễ. Thái mở mắt, hé nụ cười thật quyến rũ, hai tay vòng quanh lưng cô gái đã mất hết bình tĩnh, kéo mạnh vào người anh ta. Ngọc-Nga lả người ra, nằm trên giường, mắt nhắm lại. Thái nằm đè lên nàng, hôn khắp nơi trên mặt trên cổ nàng... Ngọc-Nga hoàn toàn mê loạn trong vòng tay tham lam của Thái, với muôn vàn khoái cảm cao độ vô cùng kỳ lạ,...

... Đám cưới của Thái và Ngọc-Nga xảy ra rất nhanh. Mẹ của Ngọc-Nga phản đối dữ dội. Nhưng khi Ngọc-Nga kể sơ qua chuyện xảy ra giữa nàng và Thái trong căn nhà vắng, bà ta đành chấp nhận, với điều kiện Thái phải gửi rể. Anh ta xách valises đến ở nhà vợ. Đời sống của anh sung sướng như ông hoàng. Hai mẹ con thi nhau chiều chuộng, hầu hạ anh ta. Thái vẫn tiếp tục học Cao đẳng sư phạm ban Pháp văn.

Sau ngày cưới một tuần lễ, Ngọc-Nga đi chợ về, kể cho chồng nghe chuyện học sinh biểu tình đập phá khách sạn Majestic rồi bao vây khách sạn Galliéni reo hò đả đảo, vì hai khách sạn đó chứa tên tướng Việt cộng từ ngoài Bắc vào hội họp tại Sài-Gòn. Ngọc-Nga bênh đám biểu tình, còn Thái chửi đám biểu tình. Hai vợ chồng tranh luận đi đến chỗ cãi nhau om xòm. Thái tức giận, đập bàn:

- Cô là gái, phải theo chồng chứ! Nếu không, cô coi chừng tôi!

Ngọc-Nga cũng giận đỏ mặt, la to:

- Anh theo cộng sản, em không theo anh được. Anh muốn làm gì thì làm!

"Bốp"! "Bốp"! "Huỵch"! "Huỵch"! "Hự "! Ngọc-Nga lãnh hai cái tát trên mặt nháng lửa, hai cú đấm vào ngực, đau đến tức thở, thêm một cú đá móc vào bụng. Nàng té văng xuống góc tường, ôm đầu lịm đi. Khi tỉnh dậy, nàng thấy mình nằm trên giường. Thái đang ngồi bên cạnh, vẻ mặt thiểu não. Thấy nàng mở mắt, anh ta chắp tay, quỳ gối xuống đất, giọng van lơn:

- Anh xin lỗi em! Em tha lỗi cho anh! Anh đã làm em đau. Bây giờ, em có thể chém anh, đuổi anh ra khỏi nhà, anh cũng chịu. Anh có thể chết vì yêu em! Anh sẽ tình nguyện nhập ngũ quân đội Cộng hoà, ra chiến trường, cho súng đạn phanh thây anh, mới chuộc được tội dám đánh em!...

Ngọc-Nga giơ tay bịt miệng chồng. Nàng nhoẻn miệng cười, nũng nịu:

- Thấy anh ăn năn hối hận, xin lỗi em, em hết cả đau và giận! Thôi, mình bỏ qua chuyện cũ đi, anh!

Thái vui mừng, bế Ngọc-Nga vào lòng hôn hít. Khúc nhạc tình vẫn du dương như lúc ban đầu. Nhưng khúc nhạc du dương ấy không kéo dài được lâu. Với một nhịp khá đều đặn, chẳng khác gì những lập lại của thói quen gia truyền, Ngọc-Nga bị ăn đòn ít nhất mỗi tuần một lần. Phần lớn là do sự xung đột ý thức hệ. Sau mỗi trận đòn, nàng lại được van xin, thề thốt. Mẹ của Ngọc-Nga hoàn toàn không biết chuyện, vì Thái chỉ đánh vợ khi nhà vắng người. Còn Ngọc-Nga thì lại không dám thổ lộ với ai, ngay cả với mẹ của nàng. Nhất là từ khi Thái ra trường, được bổ làm giáo sư, dạy tại tỉnh Sóc-Trăng, việc đánh vợ của Thái càng được giấu kín hơn.

Ngọc-Nga được một sở Mỹ nhận vào làm chức vụ khá quan trọng tại tỉnh Sóc-Trăng. Ngọc-Nga luôn luôn chung thuỷ với chồng, mặc dù nàng phải lãnh nhận tất cả các cơn nóng giận của Thái qua biết bao cái tát nẩy lửa, những cú đấm, cái đá không tiếc thương. Ngọc-Nga tâm niệm chấp nhận hết, kể cả những cử chỉ ăn năn hối lỗi của Thái sau mỗi trận đánh vợ, nhiều đến nỗi thành nhàm chán.

Đã có vài lần Ngọc-Nga chống cự lại chồng, bằng cách cầm bát điã ném vào chồng. Mỗi lần như thế, nàng đều lãnh một cú đấm chí tử làm nàng ngất xiủ một lúc. Nàng đã nhờ luật sư đệ đơn lên Toà án, xin ly dị. Theo thủ tục, Toà gia hạn phiên xử trong một thời gian. Lần nào được gọi ra Toà, Ngọc-Nga cũng đều có bầu. Cuối cùng, Toà phán:

- Bà xin ly dị với chồng, mà khi ra Toà, bà mang cái bụng to thế kia, chúng tôi không thể cho ông bà ly dị nhau được. Thôi, ông bà hãy về mà dàn xếp riêng với nhau, ăn ở cho ổn thoả, nuôi con cái cho thành người.

Ngày 20 tháng Tư 1975, gia đình Thái và Ngọc-Nga cùng năm đứa con - một gái, bốn trai - được sở Mỹ giúp cho di tản khỏi nước Việt-Nam. Trước khi đi, Ngọc-Nga ra điều kiện với Thái:

- Anh phải bỏ lập trường thân cộng đi. Bằng không, anh ở lại Việt-Nam, cho mẹ con em đi sang nước tự do.

Thái gật đầu.

... Đang nghĩ tới đây, Ngọc-Nga nghe tiếng kèn xe Ambulance, rồi tiếng gõ cửa. Bà đặt nhẹ chồng xuống, đứng dậy, ra mở cửa. Nhân viên bệnh viện vào, dùng dụng cụ cấp cứu lão Thái. Nhưng lão không tỉnh. Họ đặt lão trên brancard, mang ra xe. Ngọc-Nga theo sau, lên ngồi cạnh chồng. Xe chạy. Ngọc-Nga lại chìm vào trong kỷ niệm,..

+ + +

Sau khi định cư tại Bắc Mỹ, Ngọc-Nga xin được chỗ làm cho một hãng sản xuất đồ hộp, lương hơn một ngàn dollars một tháng. Thái bị thất nghiệp gần hai năm. Ngọc-Nga quen một trường Công giáo. Nàng xin Cha giám đốc cho chồng nàng một công việc. Cha giám đốc cho người mang thư tới tận nhà mời Thái làm giám thị cho nhà trường, với một lời nhắn:

- Trong thời gian đầu, ông Thái chịu khó làm giám thị nửa buổi cho các lớp tiểu học. Ít lâu nữa, ông sẽ được làm đầy đủ giờ.

Thái đưa trả lá thư cho người liên lạc, giận dữ nói:

- Anh về nói với Cha giám đốc rằng chừng nào được làm giám thị trung học với số giờ đầy đủ, tôi mới nhận.

Thế là Thái mất chỗ làm hợp khả năng. Ngọc-Nga khuyên bảo chồng:

- Anh phải chịu khó ra ngoài đi làm, tiếp xúc, cho thoải mái. Ở nhà, chỉ có ăn với ngủ, trì trệ người ra.

Thái quát tướng lên:

- Bây giờ sang đây, cô mới nuôi tôi được ít lâu, mà đã lên mặt dạy đời hả.

Thế là hai vợ chồng cãi nhau. Ngọc-Nga lãnh mấy cái tát xiếc và cú đá song phi, mình mẩy thâm tím. Thái hầm hầm, mặc quần áo đi ra phố.

Ngoài tính nóng giận, Thái có thêm thói ghen vơ vẩn. Khi Ngọc-Nga còn làm job ban ngày, nàng thỉnh thoảng mở tiệc mời bè bạn, đồng nghiệp đến ăn uống cho vui nhà vui cửa. Một lần, nàng giới thiệu với Thái một anh đồng nghiệp và cũng là người cùng tỉnh ở quê nhà, tên là Triết. Từ đó, Thái thường nổi cơn ghen:

- Hôm nay, cô về trễ nửa giờ. Chắc lại đi shopping với thằng Triết rồi!

- Sáng nay, cô đi sớm thế này. Chắc có thằng Triết mang xe lại đón, phải không?

Ngọc-Nga lặng thinh. Sau cùng, nàng bực bội kêu lên:

- Em lái được xe hơi, đâu cần đi nhờ xe của ai. Anh Triết có vợ ba con rồi. Em có chồng năm con. Làm gì có chuyện tằng tịu bậy bạ mà anh ghen. Trước đây, khi được thuyên chuyển về Sài-Gòn, nữ sinh của anh tới chơi đầy nhà. Nhiều lần anh để một nữ sinh lên đùi của anh mà giảng Pháp văn cho riêng nó. Em đâu có ghen.

Thái nghe vậy thì hầm hừ, nhưng vẫn tiếp tục nổi cơn ghen mỗi khi Ngọc-Nga về trễ. Một lần, vì kẹt xe, nàng về trễ mất bốn mươi lăm phút. Thái ở nhà chờ cơm. Ngọc-Nga vừa bước vào nhà, Thái đã la to:

- Cô đi dạo với trai, để tôi ở nhà nhịn đói hả?

Ngọc-Nga yên lặng làm cơm. Thái đến gần, ghé mũi vào cổ nàng, hít một hơi dài, nói:

- Hôm nay, cô có mùi lạ trên tóc!

Đang bận làm cơm, Ngọc-Nga bực mình nói:

- Thôi đi ông! Để cho tôi yên thân, làm cơm cho ông xơi!

Thái gầm lên:

- A! Hôm nay cô cả gan xưng "tôi", gọi tôi bằng "ông"!

- Ông đi chỗ khác chơi đi!

Thái xông ngay lại, một tay nắm tóc Ngọc-Nga, dìm đầu nàng xuống, một tay tát vào mồm nàng. Ngọc-Nga vùng vẫy, kêu to:

- Ái! Chúng mày đâu! Bố chúng mày đánh chết tao đây này!

Thái rứt một nhúm tóc trên đầu Ngọc-Nga. Nàng đau quá, kêu thét lên. Đứa con trai lớn từ phòng khách chạy vào can:

- Ba đừng đánh má con!

Thái liền quay ra, hét như điên:

- Tao có quyền đánh mẹ mày. Mày muốn chết hay sao mà vào can thiệp?

Miệng nói, Thái giơ tay lên cao, định giáng xuống đầu Ngọc-Nga một cú chặt Kung-Fu. Đứa con trai gạt tay bố ra. Thái gầm lên như sấm:

- A! Thằng này dám chống lại tao! Tao cho mày chết luôn.

Vớ được con dao thái thịt trên bàn bếp, Thái vung lên chém sả xuống vai đứa con trai. Nó kêu rú lên, ôm vai đầy máu, chạy ra cửa, té nhào xuống đất. Ngọc-Nga chạy theo, ngồi sụp xuống ôm con kêu khóc rầm rĩ:

- Ông giết chết con rồi, ông ơi!

Nàng vội kéo đứa con trai người đầy máu đứng lên, đưa nó ra xe. Vào bệnh viện khâu vết thương băng bó, hai mẹ con chỉ dám khai rằng đứa con trai bị thanh sắt rớt trúng.

Sau một tuần lễ, mang đứa con trai từ bệnh viện về nhà, Ngọc-Nga gặp người chị họ của nàng cũng vừa ghé thăm. Thấy thằng cháu vai bị băng bó, mặt mũi xanh xao, bà chị họ hỏi:

- Cháu làm sao thế?

- Ba cháu nổi điên, cầm dao chém cháu.

Bà chị họ quay vào nhà. Thấy Thái đứng bên cửa bếp, bà chị họ lên tiếng trách:

- Chú tính giết cháu tôi đấy hả? Chú vừa vừa chứ nghe!

"Bốp!" Bà chị họ của Ngọc-Nga lãnh một cái tát như Trời giáng. Bà loạng choạng, ôm mặt chạy ra xe, lái đi mất.

Tối hôm đó, Thái quen thói, lại gần vợ, quỳ gối năn nỉ. Ngọc-Nga yên lặng. Sau nhiều tháng tìm kiếm không ra một công việc hợp khả năng, Thái đành phải nhận đứng quay gà cho một tiệm bán đồ ăn nấu sẵn. Mỗi ngày anh làm tám tiếng, mỗi giờ năm dollars, và một bữa ăn trưa. Ngoài các món của tiệm cho, anh ta còn lấy thêm các miếng gà thừa béo ngậy, ngồi nhậu với rượu hoặc la-de. Sau một năm, anh mất việc, vì tiệm đóng cửa. Anh lại nghỉ nhà, trong người mang các chứng bệnh mỡ trong máu, áp huyết cao, tiểu đường, yếu tim, phong thấp nặng.

Một thời gian sau, Thái bị infartus (stroke, nhồi máu) lần đầu tiên. Mang chồng vào bệnh viện, nàng nói riêng với bác sĩ về hoàn cảnh của mình. Bác sĩ thương tình, giúp nàng bằng cách ra lệnh cho Thái phải ăn ít thịt, tuyệt đối kiêng mỡ, đường, muối. Về nhà, Ngọc-Nga ra điều kiện:

- Ông có thể ăn uống tùy thích. Nhưng ông đừng nóng nảy, la lối đánh đập tôi. Bằng không, tôi sẽ mách với bác sĩ điều trị, là ông hết được ăn các món ngon, uống rượu tốt.

Bản tính tham ăn, Thái bằng lòng. Nhưng anh ta chỉ giữ được một thời gian ngắn, rồi lại tiếp tục la lối đánh đập vợ. Sau khi Thái bị infartus lần thứ năm, bác sĩ trong bệnh viện phải kêu lên:

- Chúng tôi không hiểu tại sao mà ông còn sống, sau năm lần infartus! Lần này, không những ông tuyệt đối phải kiêng cữ đúng như bệnh viện đã bảo ông, mà còn không được gần đàn bà.

Để tránh việc chăn gối với chồng, Ngọc-Nga xin với sở cho nàng làm "job" đêm, từ bảy giờ tối đến bốn giờ sáng. Trước khi đi làm, nàng lái xe tới chợ, mua sẵn đồ ăn, để trong thùng xe. Khi nàng đi làm về đến nhà, đồng hồ chỉ sáu giờ sáng. Lợi dụng lúc lão Thái còn ngủ li bì trên giường, Ngọc-Nga làm cơm, rồi dọn sẵn trên bàn ăn. Nàng nuốt vội vài chén cơm với thức ăn, tắm rửa thật mau, lẻn lên lầu, vào phòng ngủ đánh một giấc. Lão Thái thức dậy lúc gần trưa. Chẳng rửa ráy gì cả, lão sà vào bàn ăn, ních một bụng với vài ly rượu, rồi lại lăn ra giường ngủ. Lão biết Ngọc-Nga đang ngủ trên lầu, nhưng lão không lên quấy rầy bà ta. Phần vì, lão làm biếng trèo hết mười mấy bậc thang với thân hình trên tám chục ký của lão. Phần vì, Ngọc-Nga đã hết sức dỗ dành lão, nói rằng:

- Ông muốn ăn uống ngon lành, thì đừng có quấy rầy giấc ngủ của tôi. Ông phải để tôi nghỉ ngơi, giữ sức khoẻ để vừa đi làm vừa nấu ăn cho ông. Ông muốn ăn gì, tôi cũng chiều lòng đi mua về làm cho ông ăn. Rượu chát của Pháp đắt mấy thì đắt, tôi cũng chuốc cho ông dùng.

Ngọc-Nga được ngủ yên tới năm giờ chiều. Nàng dậy, dọn cái bàn ăn bừa bãi, sửa soạn bữa tối linh đình hơn bữa trưa cho lão Thái, để sẵn trên bàn ăn. Nàng ăn cơm một mình, trang điểm, chuẩn bị đi làm. Các con của họ đã lớn nên tự lo lấy mọi thứ. Chỉ những ngày cuối tuần cả nhà mới họp nhau ăn uống chung.

Những cơn infartus làm cho Thái yếu đi. Mới sáu mươi lăm tuổi, mà Thái tóc bạc, răng long, tứ chi bải hoải, chẳng khác gì một ông lão chín mươi...

+ + +

Bây giờ, lão Thái nằm mê man trên brancard trước mặt Ngọc-Nga, người vợ đã sống với lão trong đau khổ, tủi nhục, suốt hơn bốn mươi năm. Hai mắt lão Thái chợt hé mở, hai hàm răng cắn chặt, chân tay rũ liệt. Cổ lão khò khè, nửa người trên rướn lên, hạ xuống. Hai mắt ráo hoảnh, Ngọc-Nga ghé miệng gần tai chồng, nói rõ ràng:

- Ông sắp chết rồi. Nếu ông muốn lên Thiên Đàng, hãy cho tôi biết sự thật hai điều. Ông mà nói dối, là sẽ xuống Hỏa Ngục. Để trả lời “có ”, ông mở mắt. Để trả lời “không”, ông nhắm mắt lại.

Lão Thái nhướng mắt, chờ đợi. Ngọc-Nga hỏi câu thứ nhất:

- Ông còn theo cộng sản không?

Hai mắt lão Thái từ từ nhắm lại, hơi thở của lão rất nhẹ. Gật đầu hài lòng, Ngọc-Nga hỏi câu thứ nhì:

- Ông có ân hận đã hành hạ tôi trong hơn bốn chục năm qua không?

Người lão Thái run lên. Hai mắt lão như dính chặt với nhau. Mười đầu ngón tay cong lại, lão Thái lấy hết tàn lực mở hai mắt ra. Ngọc-Nga giơ ngón tay cái làm dấu Thánh giá trên trán chồng, miệng lẩm nhẩm đọc kinh ăn năn tội giùm chồng. Lão há to miệng, thở hắt lần cuối cùng. Hai con mắt lạc thần mở trưng trưng. Ngọc-Nga đưa tay vuốt mắt chồng, rồi ôm cái xác không hồn, khóc nức nở bằng những giọt nước mắt chứa đầy thương cảm và tha thứ.

Bình Huyên

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002