Đại Chúng số 95 - Ngày 1 tháng 4 năm 2002

Duramax

LÁ THƯ TOÀ SOẠN

Buổi sáng nào đó, khi nhìn những cánh hoa Anh Đào nở trắng dọc các lối đi, chúng ta biết Miền Đông Bắc Hoa Kỳ đã vào xuân. Những mầm non mơn mởn màu mở gà, màu xám nhạt, màu nâu đỏ đã điểm cho cây cỏ một màu sắc hoà hợp và tuyệt đẹp. Nắng xuân pha một chút hơi sương lành lạnh vào buổi sớm mai, khiến cho chim chóc bắt đầu ríu rít cất tiếng hót và mấy chú sóc nhỏ tha hồ nhảy nhót trên những hàng cây cao chót vót. Mưa xuân không nặng hạt, ào ạt như mùa hè mà gỏ nhè nhẹ bên khung cửa và đôi khi mang về những hạt tuyết bé nhỏ lóng lánh lất phất bay trong gió. Mùa xuân đã mở cửa chào đón bình minh, chào đón vạn vật và mang về cho chúng ta bao hy vọng.

Trời đất luôn luân chuyển, nhưng sao đất nước ta vẫn chìm trong bóng tối và ánh bình minh chưa ló dạng chân trời. Tháng ba lại trôi đi và tháng tư lại đến. Hình như , trong tiềm thức, trong niềm đau mất nước và trên bước đường lưu vong đã đưa tất cả chúng ta đến gần với nhau hơn. Chúng ta có cùng một nhịp thở với sự trăn trở của quê hương. Năm nay, lần đầu tiên cộng đồng chúng ta cùng nhau tổ chức ngày Giổ Tổ Hùng Vương trọng thể tại kỳ đài Trung Tâm Eden trong ngày 21 tháng 3 năm 2002. Sau đó, chúng ta có cuộc biểu tình tại toà đại sứ Việt Cộng và Trung Quốc để yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước việc hèn nhát cắt đất, dâng biển cho Trung Cộng. Chúng ta cũng kêu gọi nhân dân trong và ngoài nước gây áp lực buộc tập đoàn CSHN phải mở ra một cuộc tổng tuyển cử để chọn người tài ra lảnh đạo quốc gia và vô hiệu hoá bản hiệp ước. Chúng tôi mong quý đồng hương tham gia đông đảo và góp tay, góp sức để ngày biểu tình được thành công.

Để kỷ niệm ngày quốc hận 30-4, Hoàng Long.HDB đã nói về nguyên nhân sự thất bại của Miền Nam Việt Nam như nhắc nhở lại một trang sử đẩm máu và đầy nước mắt của dân tộc ta. Mời quí vị theo dõi bài "Những Giọt Lệ Muộn Màng Cho Một Cuộc Chiến Dài Nhất Thế Kỷ".

Trong hai số báo vừa qua, chúng tôi đã nói rất nhiều về việc tập đoàn CSHN cắt đất, dâng biển cho Trung Cộng. Nhà báo Trương Quang đã cung cấp nhiều tư liệu để chứng minh Aûi Nam Quan là của Việt Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của chúng ta, không nước nào được xâm chiếm và dùng sức mạnh để buộc chúng ta cúi đầu. Chúng tôi cũng đã đọc bài viết của nhà báo Tú Gàn đăng trong Littler Sài Gòn liên tục nhiều số. Trong quan điểm của người làm truyền thông báo chí ở những nước dân chủ, tự do, chúng tôi không vội hùa nhau chụp mủ CS, ăn nói hồ đồ như những phuờng thất phu vá áo, túi cơm, mà chúng tôi vẫn lắng nghe ý kiến của nhà báo Tú Gàn trong sự tương kính. Chúng ta không thể sử dụng đòn đánh phủ đầu người khác y như Việt Cộng: “độc tài phát biểu, độc tài nêu ý kiến, ai có ý kiến ngược lại thì hăm doạ, hạ độc thủ, đưa ra toà, bỏ tù, kêu gọi tẩy chay .....". Vậy dân chủ ở chỗ nào mà đòi đấu tranh cho dân chủ? Chúng ta biết nêu ý kiến nhưng đồng thời biết tôn trọng ý kiến của người khác trong sự tôn kính. Không phải vì bè phái, thù cá nhân, vì hám danh, mà xúm nhau chụp mủ và chửi mắng là tỏ thái độ yêu nước! Yêu nước kiểu gì thế? Ít ra Tú Gàn còn biết trọng danh dự để tránh xa trò bịp bợm, chuyên đòi yêu nước để gom tiền. Chúng tôi không bênh vực cho Tú Gàn, chúng tôi cũng không nhất thiết phải cùng quan điểm với ông trong việc CSHN cắt đất, dâng biển cho Trung Cộng. Nhưng chúng tôi tôn trọng những suy nghĩ của ông và cố gắng trao đổi với ông trong sự kính trọng lẫn nhau để cùng nhau giải quyết vấn nạn của quốc gia. Nếu quí vị nào cần nêu ý kiến, hay quan điểm của mình, chúng tôi sẽ hoan hỉ đón nhận và học hỏi thêm. Bởi ý kiến một người chưa đủ, ý kiến một nhóm người vẫn còn thiếu mà cần ý kiến của muôn người, rồi từ đó suy gẩm và rút ra kết luận khả thi cho con đường cứu nước.

Nhà thơ nữ Việt Dương Nhân cũng gởi tặng nhà cầm quyền CSHN bài thơ "Giờ Đã Điểm- Ngày Tàn Của Việt Cộng" để khơi lại ngọn lửa đấu tranh của ba Miền Bắc -Trung - Nam “...dẹp tan bè lủ “chồn đen”. Phản dân bán nước đê hèn cầu vinh..."

Nói đến nhà thơ Bích Khê là nói đến hồn thơ và những nốt nhạc ngân lên trong thơ Bích Khê. Bài thơ Hoàng Hoa là một trong những bài thơ nổi tiếng, giàu âm điệu với cách gieo vần “ơi” trong hai câu đầu, hai câu giữa của đoạn hai và hai câu cuối của đoạn kết. Sự lựa chọn vần điệu, màu sắc, âm thanh, tượng hình và tượng thanh đã tạo cho bài thơ những nốt nhạc chơi vơi lúc trầm lúc bỗng. Hãy hình dung màu sắc mà nhà thơ Bích Khê diễn tả màu lam và màu xanh bầu trời: "Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời; Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi..." và màu vàng ngọt ngào pha trộn vào trời chiều im lìm ôm lưng chừng núi "...vàng phai nằm im ôm non gầy...". Đó chỉ là tả cảnh. Còn tình thì sao? Có sâu đậm, thiết tha không khi nàng thỏ thẻ "...Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi: Làn trăng theo chàng qua muôn nơi. Làn mây theo chàng bên nhung yên... Chàng ơi! Hồn say trong mơ màng,..." Người thiếu nữ nhớ thương chồng, hay người tình chung tha thiết khi chàng đi biền biệt chốn biên thuỳ. Lời nàng oán than đến nảo lòng: "...Ai xây bờ xanh trên xương người?! Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?!". Bài thơ tuyệt tác đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Những bài thơ như thế ai có thể quên được phải không bạn đọc. Mong nhà thơ Hà Thượng Nhân giới thiệu thân thế, sự nghiệp và cuộc đời làm thơ của Bích Khê cho đọc giả cùng tìm hiểu thêm con người tài hoa nầy.

Nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế gởi đến bạn đọc bài thơ "Trên Phá Tam Giang" và nhà thơ Hà Thượng Nhân đã hoạ lại. Thân Thị Ngọc Quế về thăm lại lại Phá Tam Giang để nhìn thấy biển mênh mông còn mình như bóng chim nhỏ bơ vơ trên bãi vắng. Nhà thơ ví von "... Có phải chiếc cầu qua biển sóng. Như cầu vòng chở nỗi hoang liêu...". Cầu vòng không thể chở nỗi hoang liêu nhưng nỗi hoang liêu chất chứa trong lòng, trong hồn của nhà thơ giàu cảm xúc nầy và nhà thơ tự hỏi "...Có phải mình như bao hạt cát?...". Vâng, chúng ta là những hạt cát bồi đắp nên những bờ biển xanh tươi cho người đời. Cũng đáng tự hào lắm đó phải không? Tìm hiểu bài hoạ của nhà thơ Hà Thượng Nhân, chúng ta cũng hình dung được tâm trạng của ông gởi vào câu thơ "...Sóng dù hung dữ vẫn cô liêu..." và nhà thơ cũng dùng hạt cát để nói đến thân phận con người bằng hai câu kết “...Có phải con người là hạt cát. Nhớ câu đại mộng nhắc từ xưa...”.

Nhà thơ Hạo Nhiên –Nguyễn Tấn Ích lại gởi niềm nhớ vào thơ. Ngay câu thơ đầu nhà thơ đã thành thật bày tỏ lòng mình "Nhớ Người, vốc nắng vào thơ..."rồi sau đó nhà thơ còn dám "gọt cả nắng" để ủ trên gối mộng. Vì Người là trái tim yêu thương của nhà thơ, để những ngày tháng xa vắng lòng nhà thơ khắc khoải sầu thương. Mời bạn đọc theo dõi bài "Còn Nhớ Thuỷ Triều”, để hiểu thêm mối tình non nước mà nhà thơ luôn đeo mang suốt cuộc hành trình lưu vong.

Lương Duyên Nam đã dịch bài thơ "Tristesse D’olympio" của văn hào Victor Hugo. Chúng tôi mời độc giả cùng thưởng lãm và tìm hiểu xuất xứ bài thơ nầy thì mới hiểu hết được tâm trạng và nguyên nhân nào văn hào Victo Hugo đã sáng tác bài thơ nầy.

Bài thơ Xin Hãy Chuyển Cung của nhà thơ Cung Diễm đã được đăng trước đó. Chúng tôi xin được đăng lại để bạn đọc có dịp tìm hiểu tâm tư của nhà thơ trong lúc nầy.

Trong mục “Đàn Ngang Cung", nhà thơ Tú Lắc phải lắc đầu chịu thua mấy anh chúa sơn lâm. Thuốc Viagra đâu phải chỉ dành cho các “đấng anh hùng" mà còn dành cho cả "chúa sơn lâm" nữa cơ. Nhờ thế mà các chúa "dê" mới lò dò đi tìm phái đẹp phải không Tú Lắc? Nhưng các "chúa" nhớ trước khi về nhà thì lấy cái "mo" lót "...đ...". Nếu không có mo cau thì nhớ đến các tiệm sửa xe hơi, coi cái vỏ nào còn xịn thì xin về che đở vậy...Nhà thơ Trình Xuyên ai ngờ cũng gia nhập "Đàn Ngang Cung" của Tú Lắc. Ai giàu mặc ai, ai có vàng, tiền cất đầy rương mặc kệ. Còn riêng nhà thơ thì "...Sẵn rượu, sẵn trà ưa khệnh khạng. Có bầu, có bạn, thích ngâm nga....". Làm thơ thì có lo gì? Bởi nhà thơ đã khoe "...nếu quẫn, mò vay túi vợ nhà...". Bởi vậy nên hôm nay mới làm bài thơ "Tớ Cũng Giàu To" để tặng bạn đọc phải không?

Kính gởi ông Đặng Trần Huân, toà soạn đã nhiều lần gởi báo đến kính biếu ông, nhưng không hiểu vì sao nhiều số báo liên tục đã bị bưu điện trả lại. Ban đầu chúng tôi nghĩ có lẽ do chuyện khủng bố nên thư từ liên tục thất lạc và đôi khi không đến tay người nhận. Nhưng qua nhiều số như vậy khiến chúng tôi lo ngại. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhưng chưa liên lạc với ông được. Vậy nếu đọc được những dòng nầy, xin ông vui lòng điện thư cho chúng tôi rõ nếu địa chỉ có sự thay đổi. Xin chân thành cảm tạ sự đóng góp bài vở của ông từ mấy năm nay. Chúc ông vạn sự như ý.

Nhà thơ Nguyễn Du đã để lại một tác phẩm "Truyện Kiều" làm say mê biết bao thế hệ người Việt Nam. Tuyệt phẩm Kiều đã làm cho nhiều tác phẩm khác bị lu mờ. Hôm nay, Phạm Đông Văn sẽ dịch và giới thiệu một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du "Sở Kiến Hành" trích trong Bắc Hành Thi Tập để quí đọc giả hiểu thêm sự hiếu trung, tính nhân đạo khi tả lại cảnh đói rét cơ hàn của trẻ thơ hết sức thương tâm trong thơ Nguyễn Du.

Trong “Gẫm Sự Đời” của Ngu Ý ghi lại, sẽ giới thiệu đến bạn đọc “ Chuyện Anh Mù Tự Phụ". Qua câu chuyện nầy, chúng ta mới tự nhìn lại mình cao lớn được bao nhiêu? Thông thái được bao nhiêu để đứng trong trời đất? Ngày xưa Cao Bá Quát đã từng nói "trong trời đất có ba bầu chữ, thiên hạ chỉ có một bầu, còn ông ta thì có hai bầu chữ". Nếu muốn hiểu thêm về cuộc đời Cao Bá Quát thì quý vị sẽ hiểu câu chuyện nầy Ngu Ý muốn luận bàn và nói gì với chúng ta.

Đạt Luận chuyên sưu tầm những tin nhỏ cần biết, nhưng thật ra những tin nầy không có nhỏ đâu. Cứ nghe đến Air Force One là ai cũng giật mình. Một lần được ngồi trên đó thì mơ màng trăm năm và không còn muốn đi du hí bất cứ loại máy bay nào phải không Đạt Luận? Nhưng mà mắc quá đi! Làm báo kiết xác như anh em mình thì chỉ còn có nước đi xe "bò" cho chắc ăn làm sao dám mơ Air Force One!

Trong lịch sử , văn học Việt Nam, chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến gió ngựa quân Mông Cổ với những cuộc trường chinh trên lưng ngựa của các Thành Cát Tư Hản. Ngày nay, đất nước nầy ra sao? Nền văn hoá, văn minh của Mông Cổ có phát triển hay không? Mời quí vị theo dõi mục “Đọc Báo Giùm Bạn” của Ký Điệu ghi lại, và đừng quên đọc mục “Thế Giới Và Bình Luận" do Cát Tường Gia biên soạn.

Hoàng Quyên đã có lần nói về "Sự Sống Ngoài Không Gian Không? Đã Tìm Thấy Nước Ở Hoả Tinh". Trong số báo hôm nay, Hoàng Quyên sẽ trở lại vấn đề nầy để chúng ta cùng nghiên cứu và tìm hiểu.

Cô giáo Ngọc lần nầy sẽ giới thiệu chúng ta một món ăn mới: “Thịt Heo Xào Chua Ngọt" hay "Hot Spiced Fresh Ham". Món ăn nghe lạ quá phải không quí bà quí cô? Vậy mà ông Chủ Tịch Mao Xếng Xáng mê lắm đó! Cứ làm thử cho chàng nếm nhé! Đừng quên cám ơn cô giáo Ngọc.

Nhiều người viết về kỷ niệm thì rất ướt át tình cảm và kỷ niệm thường êm đềm và thơ mộng. Nhưng đọc bài “ Khung Trời Kỷ Niệm” về cuộc đời người lính như Sagant Phan cũng thật đáng nhớ, thật gần và thân thương...Ai đã là người lính, ai đã từng vào sinh ra tử và từng biết những ngày gian nan, đói rét của đời lính mới hiểu được nỗi lòng của người viết. Những bài viết của anh, dù buồn hay vui cũng thường để lại cho người đọc một nụ cười. Lính tráng gì mà mít ướt quá đi! Nhớ cô lái đò rồi "mắt rưng rưng lệ". Hay là mê cô lái đò thì nói đại cho rồi ông ơi!

Trong số báo 95, cụ Mộng Tuyền nữ sĩ trả lời thư cụ Vũ Hồng Phát, Brookhust Westminster, cụ Trần Uyên Bác (qua Xuân Mai Silver Spring), cụ túc Đạo Tính Hà ở San Jose, ông Vũ Như Thượng Monteray Park CA., Bà Vương Lệ Los Angeles, ông Huy Hồ, Philadelphi. Kính gởi lời chúc sức khoẻ, an khang đến cụ Mộng Tuyền nữ sĩ.

Gần đây, chúng ta thấy An Xuyên xuất hiện trên TBĐC, anh viết nhiều về những hiện tượng có thực đã và đang xảy ra trong cộng đồng của chúng ta. Anh phân tích và tìm hiểu những nguyên nhân được và mất, tốt và xấu đã làm cho cộng đồng phân hoá, tình đoàn kết keo sơn không còn như xưa và nhất là những thành phần con buôn chính trị xuất hiện với nhiều chiêu bài khác nhau thu gom tiền bạc của nhân dân, đã khiến cho niềm tin của đồng bào bị xói mòn. An Xuyên bàn về chuyện cái Uỷ Ban Chết Tiệt nói về ngày "Đại Gạt" trổ tài làm lãnh tụ; lập ra Trung Ương vô hình không nêu rõ danh tánh thành phần chủ chốt, nhưng lại bắt từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc phải biết nghe lời. Đã vậy bà chủ tịch còn gào thét mỗi ngày trên đài là bà con muốn yêu nước thì phải mua cờ. Mua càng nhiều cờ Mỹ, cờ Việt thì ngày Đại Gạt càng tổ chức linh đình cho CSHN sợ khiếp vía. Bà chủ tịch còn cho đàn em lên làm cò mồi xin tiền và kêu gọi mọi người hãy đi biểu tình ngày 22 tháng 3 thì mới có hiệu quả. Mời quí vị đọc bài của An Xuyên để hiểu thêm Uỷ Ban Chết Tiệt nầy.

Từ Seattle, nhà thơ Quốc Nam (Giám Đốc đài Saigon Radio SRBS, kiêm chủ Bút nguyệt báo Đông Phương) đã gởi một bài viết nói về chuyến cứu lụt của nhóm ông. Với số tiền khiêm tốn là $11.020 (mười một ngàn hai mươi mỹ kim), nữ danh ca Phương Dung (Con Nhạn Trắng Gò Công) và bạn bè đã làm được những gì? Đọc bài " Phái Đoàn Người Việt Tiểu Bang Washington Phát Quà Tết Cho 1000 Gia Đình Nạn Lụt Tại 4 Xã Rất Xa Xôi Thuộc Miền Tây VN" để quí vị có thể so sánh số tiền gần $140.000 (gần một trăm bốn chục ngàn mỹ kim) mà bà Ngô Thị Hiền, ông Ngô Ngọc Hùng đã thu gom cứu lụt.

Lời cuối cùng, chúng tôi mong muốn các tổ chức đoàn thể, các vị lãnh đạo tinh thần, quí đồng hương hãy nhín chút thời gian, một chút công, một chút của để góp một bàn tay xây dựng Cộng Đồng. Chúng ta phải đi thật đông đảo trong NGÀY 21 THÁNG 3 DO CỘNG ĐỒNG TỔ CHỨC ĐỂ ĐÒI ĐẤT, ĐÒI BIỂN MÀ CSHN ĐÃ DÂNG CHO TRUNG CỘNG.

Kính chúc quí vị một tuần lễ an lành, hạnh phúc.

Đại Chúng

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002