Đại Chúng số 95 - Ngày 1 tháng 4 năm 2002

Duramax

30.4.75 - 30.4.95
NHỮNG GIỌT LỆ MUỘN MÀNG CHO MỘT CUỘC CHIẾN DÀI NHẤT THẾ KỶ

Hoàng Long. HDB

Ông McNamara (1916- ) là một trong những nhà lãnh đạo HK trực tiếp dính líu vào Cuộc Chiến VN II (60- 75). Ông đã xuất hiện trên TV (Primer Time Live) tối 12.4.95, mắt long lanh những giọt lệ, thú nhận rằng trong hơn 20 năm qua, ông phải giữ im lặng, nay mới nói được rằng: HK đã lầm lẫn kinh khủng. Ông viết trong cuốn In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (tr.442- 445):

Nhìn lại những bài học quá khứ thường có giá trị hơn là sự tiên đoán. Câu ngạn ngữ "có dại mới biết khôn" lúc nào cũng còn vang qua thời gian và ai cũng có thể lấy làm bài học cho chính mình, áp dụng cho nhiều trường hợp và cho nhiều thời đại. Con người là lầm lẫn... Theo bản phân tích cuối cùng thì nếu Nam VN muốn được cứu vãn thì chính họ phải chiến đấu để thắng. Đi lệch khỏi đường hướng đó, tức chúng tôi đã xây dựng sự tiến triển thiếu nền tảng. Nói về những người Mỹ đã hy sinh tại NVN, ông viết:

Có phải sự can thiệp thiếu khôn ngoan do chúng tôi đề ra đã làm cho sự cố gắng và hy sinh của họ thành vô nghĩa không? Tôi nghĩ là không. Họ không phải là người quyết định. Họ đáp lời kêu gọi của Tổ Quốc. Vì tinh thần phục vụ, họ lao vào chốn hiểm nguy. Và, họ hy sinh đời mình cho Tổ Quốc và Lý Tưởng.

Ông kết luận:

Chúng ta có lý do để tin rằng trong thế kỷ 21, sẽ không phải là thế kỷ buồn thảm, sẽ không có cảnh tàn sát để thêm 160 triệu người nữa phải chết... Đây không phải là một giấc mơ mà là một mục tiêu vững vàng... Là một đại cường có sức mạnh và ảnh hưởng đến những biến cố trên thế giới, chúng ta đã không thể dàn hòa với nhau, nhưng nếu chúng ta cố đạt tới điều đó, thì cũng được chứ?

* * *

Nhà cách mạng Lý Đông A (Nguyễn Hữu Thanh, 1920 - ) viết trong cuốn Huyết Hoa (1944): “Thế hệ cũ phải biết thời cơ để lui về bản vị cho ích lợi chung. Thế hệ mới phải biết nắm lấy thời cơ để tiến lên ngôi báu của thời đại mới mà chỉ huy và làm tròn sứ mệnh mới."

Thơ của Lý Đông A

Tôi muốn kêu to trong câm lặng đen dầy (câu thơ 306)

Cho nhân loại trăm miền nghe thấy.

Ồ ạt về đây

Lấp hộ Đồng Lầy

Diệt loài muỗi độc.

Nếu chúng ta đồng tâm tất cả (câu 409)

Lấy máu đào tươi thắm cho Hoa

Máu ươm Hoa: Hoa, Máu chan hòa

Hoa sẽ nở muôn nhà, muôn vạn đóa:

Hoa Hạnh Phúc, Tự Do, vô giá.

(Trích trong bài "Đồng Lầy", 1972)

Bài biên khảo dưới đây phần lớn được dựa vào hai tài liệu: [1] The Lessons of the Vietnam War, là các công trình biên khảo của hơn 100 nhà nghiên cứu chính trị thuộc nhiều trường trung và đại học Hoa Kỳ. [2] Việt Nam: Pourquoi Les États-Unis Ont-Ils Perdu La Guerre? (Eùditions Godefroy de Bouillon, Paris, 1996) của ông Nguyễn Phú Đức, Tiến Sĩ Khoa Pháp Lý (S.J.D.), Đại Học Havard, HK, từng giữ chức Cố Vấn Đặc Biệt của Tổng Thống và nhiều yếu vụ khác trong ngành ngoại giao từ 1956 đến 1975. Sau 1975, ông là Giáo Sư Luật tại École Supérieure des Sciences Économiques et Commerciales, Pháp.

Chỉ tin ở người mà không tin ở mình là mầm thất bại.

Giữa những cuồng lưu văn hóa chính trị của nhân loại, các nước Đông Dương chỉ là những con thuyền mỏng manh trôi dạt theo những định mệnh tối tăm.

Trên sân khấu chính trị, xin đừng bao giờ quên mất các nhà đạo diễn trong hậu trường.

Làm Thế Nào Một Chính Quyền Sụp Đổ

Những Bài Học Của Biến Cố 30 Tháng 4-1975

Ôn cố tri tân

Thời thế thế, thế thời phải thế!

Trong trần ai, ai dễ biết ai?

Nguyên Nhân của Các Cuộc Chiến

Đi tìm nguyên nhân của các cuộc chiến, các nhà phân tích Hoa Kỳ đưa ra 5 nguyên tắc gọi tắt là Five P’s. Đó là:

Power (Quyền Lực): chiến tranh nhằm bành trướng hoặc ngăn chặn bành trướng quyền lực.

Prestige (Uy Tín): chiến tranh nhằm bảo vệ uy tín (Cuộc Chiến Vùng Vịnh: Irak).

Principles (Nguyên Tắc): chiến tranh nhằm bảo vệ sự tôn trọng các nguyên tắc tôn quý.

Profit (Lợi): chiến tranh nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế (Irak).

Protection (Bảo Vệ): chiến tranh nhằm bảo vệ an ninh quốc gia (TT Johnson tuyên bố: chiến đấu tại VN không những cho an ninh của Đông Nam Á mà còn cả Mỹ Châu nữa.)

Cuộc Chiến VN được coi như là đáp ứng cho cả 5 nguyên tắc trên.

Nguyên Nhân Chính Dẫn Thất Bại Trong Cuộc Chiến VN (CCVN)

Ngày 30/4/75 là ngày chính quyền Miền Nam VN hoàn toàn sụp đổ. Cuộc chiến coi như kết thúc khi quyết định cuối cùng của Quốc Hội HK cúp viện trợ cho Nam VN vào lúc các Văn Kiện Ngũ Giác Đài (Pentagon Papers) do ông McNamara soạn thảo từ 1967 được tiết lộ trên báo New York Times năm 1971, và công chúng HK đã phẫn nộ vì cho rằng họ đã bị chính quyền lừa dối về tình hình thật sự của Cuộc Chiến VN.

Những tài liệu được tiết lộ cho thấy: nguyên nhân sâu xa của sự thất bại trong CCVN là những sai lầm trong những chính sách đối ngoại của HK mà Cựu Bộ Trưởng Quốc phòng HK McNamara đã thú nhận trên TV cũng như trong cuốn Hồi Ký In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam. Ông viết: "Con người là lầm lẫn... Theo bản phân tích cuối cùng thì nếu Nam VN muốn được cứu vãn thì chính họ phải chiến đấu để thắng. Đi lệch khỏi đường hướng đó, tức là chúng tôi đã xây dựng tiến trình thiếu nền tảng."

Quả đúng vậy, ngay sau khi Thế Chiến II vừa chấm dứt, HK thay đổi đột ngột chính sách đối ngoại và đã tỏ ra thiếu chuẩn bị những nền tảng cần thiết cho Cuộc Chiến VN như: không thông qua sự phê chuẩn của quốc hội khi tham chiến tại NVN; không thực tâm giúp NVN tự lực tự cường (Việt Nam Hóa Chiến Tranh quá trễ); không chuẩn bị thu hút sự ủng hộ của thế giới (La Mã và Pháp đã ủng hộ tả khuynh); không tiêu diệt tiềm lực đối phương tại các hậu cứ; không chủ trương chiến thắng (?).

Tuy nhiên, những sai lầm đó cũng khó có thể tránh được trong bối cảnh l?ch sử vào thời điểm đó: Âu Châu hoàn toàn kiệt quệ vì chiến tranh; khối CS đang trên đà bành trướng như nước vỡ bờ: Hồng Quân Liên Xô tràn chiếm Đông Âu và Trung Cộng toàn thắng trên Hoa Lục; ĐD bỏ ngỏ và khối Cộng đang muốn thôn tính. Phải ngăn chặn ngay làn sóng Cộng Sản tại Đông Nam Á. Đó là quan điểm của các đạo diễn gia chính trị đương thời và nhờ quan điểm đó mà HK đã chặn đứng được đà bành trướng của khối Cộng tại Đông Nam Á trong một thời gian cần thiết để khối Cộng tự tan rã vào cuối thập niên 1980.

Tưởng cũng nên biết rằng, sau Thế Chiến Thứ II (sau 1945), nhiều nước bị trị đã được độc lập mà không cần qua một cuộc chiến tranh nào như Ấn Độ (1946), Phi (1949), Miến (1947), Nam Dương (1949), Mã Lai (1957), Tân Gia Ba (1957), Cam Bốt (1953), Maroc (1953), v.v... Tại các nước kể trên đều không có chính quyền CS giành quyền lãnh đạo. Như vậy các cuộc chiến tại VN đã do Đảng CSVN phát động nhằm thực hiện chuyên chính vô sản, và, qua các cuộc chiến đó, Đảng CS đã thực sự chỉ làm cho hao mòn đi những tiềm lực vô cùng quý giá của dân tộc để xây dựng một nước Việt tiến bộ và phồn vinh như Đại Hàn, Nhật, và Đài Loan. Sau đây xin hãy xem CSVN tiến hành những cuộc kháng chiến ma quỷ nhuộm đỏ bằng những tín điều của những người cộng sản vô thần đã nhận chìm dân tộc trong hơn nửa thế kỷ vừa qua trong nghèo nàn, tăm tối, và lạc hậu.

Phần Một: QUỐC GIA VN & CUỘC CHIẾN ĐD THỨ I (45 – 54)

Chính Sách Đối Ngoại Ban Đầu Của HK: Thuyết Biệt Lập (Isolationism)

Trước Thế Chiến I, HK áp dụng Thuyết Monroe (1823) nhằm loại bỏ các quyền lực của Âu Châu khỏi các nước Mỹ Châu. TT George Washington, ngày 17/9/1796 đã nhắn nhủ tới các công dân Mỹ là đừng xen vô các công chuyện của Âu Châu.

Đối với các nước Đông Dương (ĐD) thuộc Pháp, chính sách ban đầu của HK sau thế Chiến II là đặt các quốc gia ĐD dưới sự ủy nhiệm của Hội Quốc Liên (sau đổi là Liên Hiệp Quốc). Đây là quan điểm của TT Roosevelt. Ông tuyên bố với báo chí ngày 23/2/1945 rằng: Việt Nam có thể nên là một nước được bảo trợ cho cách tự quản như HK đã làm tại Phi Luật Tân. Tuy nhiên, vì quyền lợi, Anh Quốc đã không tán thành đề xuất đó. Và, để đề phòng sự chống đối từ phía Pháp, TT Roosevelt đã ra lệnh nghiêm cấm sử dụng binh đội Pháp trong các cuộc hành quân của đồng minh tại ĐD. Lệnh cấm này cũng đuợc thông tri cho các lực lượng HK tại Nam Trung Hoa là không cung cấp viện trợ cho binh đội Pháp tại ĐD (coi [2], tr. 33).

HK Đổi Chính Sách Đối Ngoại: Pháp Trở Lại ĐD

Lý do của sự chuyển hướng này là sự thắng thế và đà bành trướng của Khối Cộng tại Âu Châu và ĐNÁ. Thật vậy, liền sau khi TT Roosevelt đột ngột qua đời vào ngày 12/4/1945, Bộ Ngoại Giao HK đã đệ trình ngay cho tâân TT Truman một văn bản về chính sách đối với Pháp, và TT Truman còn ghi lại trong Hồi Ký của ông là: HK phải hết sức giúp Pháp phục hồi sức mạnh và ảnh hưởng cả về tinh thần lẫn vật chất (coi [2], tr.34). Bộ Trưởng Ngoại Giao HK Stettinius đã không chậm trễ bảo đảm với ông Bidault, Bộ Trưởng NG Pháp, trong cuộc Hội Nghị Tổ Chức Hội Quốc Liên tại San Francisco ngày 8/5/45, rằng: HK không bao giờ đặt lại chủ quyền của Pháp tại ĐD dù là gián tiếp. (!)

Như vậy rõ ràng vào thời điểm này đã lộ ra chiến lược của HK là muốn binh đội Pháp trực tiếp ngăn đà lan tràn của Cộng quân tại ĐNÁ dựa trên chính sách hậu chiến "ngăn chặn" (postwar policy of “containment”) của George Frost Kennan (1904 -) để chống chủ nghĩa bành trướng của Nga Sô. Cũng chính vì thế mà cả Pháp lẫn HK đã làm ngơ không trả lời bức thư kêu gọi khẩn thiết với sự nhìn xa của Ô. Bảo Đại gửi cho TT. De Gaulle và TT. Truman ngày 20/8/45. Đại ý, với TT. De Gaulle, ông viết:

Tôi nói với người dân nước Pháp, với xứ sở của thời thanh niên của tôi. Tôi cũng muốn nói với vị lãnh đạo và là giải phóng gia, và tôi muốn nói với tư cách là bạn hữu hơn là vị quốc trưởng.... Tôi xin quý vị hiểu rằng cách duy nhất để cứu vãn những quyền lợi của Pháp và ảnh hưởng tinh thần của Pháp tại ĐD là thành thực nhìn nhận sự độc lập của VN và dẹp đi tất cả ý nghĩ tái lập tại ĐD chủ quyền hay một nền cai trị của Pháp dưới bất cứ một hình thức nào.

Với TT. Truman, ông kêu gọi:

Được biết vị Thủ Tướng Lâm Thời của nước Pháp sẽ đến hội với các quý vị về tương lai của các nước ĐD, tôi vinh hạnh thông báo quý vị hay là các quốc gia ĐD đã tuyên bố độc lập và quyết định bảo vệ nền độc lập đó... Riêng phần người Việt, chúng tôi không coi người Pháp như là kẻ thù. Chúng tôi kính trọng họ và cứu vãn những quyền lợi kinh tế của họ, nhưng chúng tôi hết sức chống đối sự tái lập chủ quyền Pháp trên lãnh thổ VN dưới bất cứ hình thức nào. (coi [2[, tr.36).

Tưởng cũng nên kể thêm rằng Nam Phương Hoàng Hậu (Bà Vĩnh Thụy) cũng gửi một bức thông điệp cho bạn hữu ở Âu Châu yêu cầu họ lên tiếng chống hành động xâm lược của Pháp như sau:

Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bầy tỏ thái độ và hành động để giúp chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi. Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn hữu của tôi và bạn hữu của nước Việt nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhân nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi.

Các lời kêu gọi của chính nghĩa đó đã không thể tạo một tiếng vang trong một trật tự thế giới thiếu kỷ cương. Sự kiện làm ngơ không phúc đáp lời kêu gọi của Ô. Bảo Đại đã nói lên cái nhìn thiển cận của HK và đầu óc nặng tính thực dân của Pháp, coi thường tiếng nói của các nước nhược tiểu ĐD. Và đây: Cuộc Chiến VN Màn Một bắt đầu.

Màn Một: HK Giúp Pháp trở Lại ĐD

HK đã giúp Pháp mặc dầu có sự phản đối của ông Carlos Romulo, Chủ Tịch Đại Hội Đồng Quốc Liên, và nhiều yếu nhân khác.

Những Cuộc Tiếp Xúc Đầu Tiên với Việt Minh và Hồ Chí Minh Là Ai

Tháng Năm 1945, các sĩ quan tình báo của Cơ Quan Chiến Lược Vụ (Office of Strategic Services, O.S.S., tiền thân của C.I.A.) của HK nhẩy dù xuống chiến khu Bắc Việt, tiếp xúc với Hồ Chí Minh. Nhân đó HCM tán nịnh HK bằng cách biên soạn phần mở đầu Bản Tuyên Ngôn Độc Lập dựa vào ý của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của HK và đọc tại Hà Nội ngày 2/9/45, đồng thời hứa hẹn với Ô. George M. Abbot, Đệ Nhất Bí Thư của Đại Sứ HK tại Paris rằng sẽ dành cho tư bản HK nhiều quyền lợi kinh tế và quân sự (coi Jerold M. Starr, [1] tr. 6, Unit 2).

Lúc đầu nhiều chính khách HK nhầm lẫn cho rằng HCM là người quốc gia. Ông A.L. Moffat, Trưởng Khối Đông Nam Á Vụ Bộ Ngoại Giao HK đã ra chứng trước Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện HK rằng: Tôi chưa bao giờ gặp một người Mỹ trong những người đã gặp HCM mà họ đã không có cùng niềm tin rằng HCM là người quốc gia đầu tiên và tiên phong nhất (coi Jerold M. Starr, [1]; tr. 7, Unit 2).

Tuy nhiên, đến tháng 7/2/50, khi Trung Quốc và Liên Xô nhìn nhận chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của HCM thì Ô.Acheson, Bộ Trưởng Ngoại Giao HK tuyên bố rằng "các ảo tưởng về HCM là người quốc gia đã không còn và con người thật của ông ta là kẻ tử thù của nền độc lập bản xứ tại ĐD” (Starr, [1], tr. 8, Unit 2). Các tài liệu phát giác sau này cho biết: HCM tên thật là Nguyễn Tất Thành, mang nhiều bí danh như Lý Thụy, Lâm, Trần, Nguyễn Ái Quốc, v.v... và bí danh Hồ Chí Minh chính là bút hiệu của cụ Hồ Ngọc Lãm vị sáng lập ra Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách) năm 1937 được nhiều uy tín trong nước. Khi cụ Lãm mất, Hồ Chí Minh đã sử dụng giấy tờ của cụ Lãm và đã nhập nhằng lập ra "Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội” (Việt Minh) chính thức thành lập ngày 19.5.41 để thu hút quần chúng, và sau này ngày đó cũng được sử dụng là sinh nhật của HCM. Ngày 29.8.42, HCM bị Trung Hoa Quốc Dân Đảng bắt tại biên giới Hoa-Việt, rồi được thả ra nhờ sự can thiệp của cụ Nguyễn Hải Thần. Sau đó HCM được tuyên thệ tham gia Việt Cách và được cụ Nguyễn H. Thần và toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương chấp thuận cho về nước hoạt động. Mùa thu 45, lợi dụng khí thế sôi động của nhiều cuộc biểu tình tại Hà Nội chống thực dân Pháp, nhóm cán bộ CS của HCM đã lừa quần chúng dựng lá cờ đỏ sao vàng lên và hô to ủng hộ. Từ đó HCM sử dụng mọi mánh khóe lừa lọc để giành quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và tạo cho mình thành một thần tượng. Nỗ lực cuối cùng của tập đoàn CSHN: xin UNESCO tôn vinh HCM là danh nhân thế giới nhân ngày sinh nhật thứ 100. Ngày 12.5.90, Cơ Quan Văn Hóa Liên Hiệp Quốc, UNESCO, đã hủy bỏ buổi tổ chức vinh danh này.

Hoa Kỳ: Chính Sách Đắp Đê Chống Cộng

Vào cuối Thế Chiến II, giữa Liên Xô và HK có nhiều căng thẳng gọi là "chiến tranh lạnh". Đầu 1946, George Kennan, chuyên gia hàng đầu vè LX của Bộ Ngoại Giao chỉ rõ rằng trong tương lai, HK sẽ có thể phải chống lại kế hoạch chinh phục thế giới của LX. Từ đó, chính sách của Kennan ngăn ngừa cộng sản bành trướng trở thành chính sách đối ngoại của HK.

Tại Tây Âu, HK rất lo ngại về sự tràn ngập của CS, đặc biệt là ở Pháp và Ý. Trong một cuộc đàm thoại với đại sứ HK tại Pháp, De Gaulle đã mạnh mẽ lên tiếng báo động:

Người Nga đang tiến rất lẹ. Nếu công chúng ở đây nhận ra rằng các ông [HK] chống chúng tôi ở ĐD, thì sẽ có một sự thất vọng kinh khủng, và không biết cái gì sẽ dẫn dắt. Chúng tôi không muốn trở thành CS; chúng tôi không muốn rơi vào quĩ đạo của người Nga; nhưng chúng tôi hy vọng ông đừng xô chúng tôi vào quĩ đạo đó.” (coi [1], tr.7, Unit 2)

Lời kêu gọi của De Gaulle hẳn đã buộc HK ở vào cái thế chẳng đặng đừng giúp Pháp. Ngày 29.5.49, bộ trưởng ngoại giao Achson tuyên bố: "Vấn đề HCM là người quốc gia hay cộng sản không thích hợp nữa", và năm 1950, TT Truman yêu cầu Quốc Hội viện trợ 15 triệu mỹ kim cho Pháp tại ĐD, bất kể tới những ý kiến chống đối của Carlos Romulo, Chủ Tịch Đại Hội Đồng LHQ; của Archimedes Patti, thiếu tá thuộc Cơ Quan Chiến Lược Vụ (tiền thân của CIA), người đã nhẩy dù xuống Bắc Việt và tiếp xúc với Việt Minh năm 1945; và của một số chính khách HK thời Truman không tán thành chính sách giúp Pháp và đã cảnh cáo rằng: dù Pháp thích hay không thích, nền độc lập đang đến với ĐD. Vì vậy, tại sao chúng ta lại tự ràng buộc chúng ta vào cái đuôi của con diều tơi tả của họ [Pháp]. Trong Cuộc Chiến ĐD, HK đã gánh vác cho Pháp tới 80% chiến phí. Sau Truman, TT Eishenhower tiếp tục tăng cường viện trợ cho Pháp đến khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ.

Hoa Kỳ & Pháp Đắp Đê Ngăn CS tại Đông Dương

HK đã đóng vai chủ nhân ông chi tiền và khí giới dư thừa cho thực dân Pháp lúc đó đang kiệt quệ nhưng lại cố đấm ăn xôi và muốn duy trì quyền lợi tại ĐD, thực hiện kế hoạch ngăn Cộng tràn lan Đông Nam Á. HK rảnh tay đẩy mạnh phát triển kỹ nghệ chiến tranh và vũ khí hạch tâm. Đất nước HK trải qua một thập niên hoàng kim được gọi là "The Golden Fifties’": kinh tế phát triển vượt bực, thế giới vì nể, đất nước giầu có, đời sống an bình và sung túc, các cuộc hội hè mở ra liên tục khắp nơi, tương lai là màu hồng. Chỉ đến khi Liên Xô phóng vệ tinh Spunik lên quỹ đạo (1957) thì HK mới giật mình tỉnh mộng và quốc hội mới chuẩn chi ngân khoản cho các dự án nghiên cứu không gian bấy lâu bị đình trệ.

Pháp với Lá Bài Bảo Đại Miễn Cưỡng

Cuộc chiến không có chính nghĩa của Pháp bị nhiều quốc gia lên án cho dù Pháp có đưa ra lá bài Bảo Đại. Cựu Hoàng BĐ (1913 – 1997) là người đã được hun đúc bởi hai nền văn hóa Pháp & Việt ưu đẳng, và đã bị CSHN bôi nhọ khiến không ít người có cái nhìn sai lệch về ông như là một người nhu nhược, một ông Hoàng ăn chơi, và một chính khách bù nhìn. Cuối năm 1948, các đảng phái quốc gia sang Hồng Kông thỉnh cầu ông đứng ra lèo lái đại cuộc chống Việt Minh. Ông đòi hỏi Pháp phải trao trả chủ quyền. Ngày 9.3.49, tại Vịnh Hạ Long, Cao Ủy Pháp đã tuyên bố trả lại chủ quyền cho VN và chính trong buổi lễ trọng đại này, trên chiến hạm Duguay Troin, lần đầu tiên Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ rực rỡ tung bay bên cạnh lá cờ Pháp và cờ quẻ ly của Triều Đình Huế trong tiếng nhạc tưng bừng trổi bài Quốc Ca "Tiếng Gọi Công Dân". Năm 1950 ông cho thành lập Quân Đội Quốc Gia. Tuy nhiên, vì Pháp không thực tâm trả độc lập cùng với sự hiện diện của những đội quân ngoại quốc đánh thuê, ông BĐ bị bó tay trong hầu hết các hoạt động của mình. Thái độ và việc làm của ông cho thấy ông đã ý thức được rằng thời của ông chẳng còn, thế của ông chẳng có, và dường như ông tự coi mình như là một món đồ cổ chính trị mặc cho người ta ngắm nghía, khen chê, hoặc mượn để làm cảnh. Ông tỏ ra không tham quyền cố vị như ông nói với ký giả Phillippe Delorme (Báo Point de Vue, 1989):

Trong thời kỳ đó (1945), người VN nghĩ rằng nhà Vua không còn đủ uy tín, phương tiện để giành độc lập đối với người Pháp, nên đã có một số người hướng về ông HCM lúc đó đang được nguời Mỹ che chở [?!]. Chính ông này [HCM] đã bổ nhiệm tôi làm Cố vấn Tối Cao và buộc các đảng viên của ông gôi tôi là Hoàng Thượng... Đối với tôi chỉ là một trang sử đã qua, nhưng tôi vẫn kỳ vọng một ngày nào đó sẽ làm được một việc gì cho đất nước, quê hương tôi... Tôi tuyên bố bỏ ngai vàng để dân chúng được hạnh phúc... Tôi đã hợp tác với Pháp để đánh đuổi du kích CS.

Ngày 10.2.1982, Ban Chấp Hành Lưỡng Viện Lập Pháp HK, California, đã long trọng tuyên dương ông là người có công tạo dựng nền độc lập của một nước VN thống nhất, phát triển nền ngoại giao trong công cuộc canh tân sứ xở, và nỗ lực tập hợp các thành thần quốc gia để kiến quốc.

Việt Minh: Tiêu Thổ Kháng Chiến & Khủng Bố Người Quốc Gia.

Cuộc Cách Mạng Mùa Thu Tháng Tám 45

Sau hơn 70 năm bị Pháp đô hộ, ngày 19.8.45 toàn thể 25 triệu đồng bào Việt từ Nam chí Bắc nhất tề đứng dậy hô hào đánh đuổi thực dân Pháp. Cái khí thế vô cùng mãnh liệt này đã được hun đúc bởi tâm huyết của những nhà ái quốc tiền bối như Vua Hàm Nghi, Duy Tân, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cường Để, Nguyễn Thái Học, v.v. và một lần nữa nói lên tinh thần quật khởi truyền thống của nòi Việt chống nòi Hán xâm lược. Đảng CS ĐD núp trong mặt trận Việt Minh đã mau lẹ cướp thời cơ phất cờ đỏ sao vàng giành lấy sự ủng hộ của quần chúng. Mùa Thu Cách Mạng ấy chỉ là Mùa Thu Giáo Giở (Lật Lọng) vì HCM đã tung ra chiêu bài Đại Đoàn Kết để khống chế và tiêu diệt các đảng và các nhà yêu nước có tinh thần quốc gia:

Ngày ấy tuy xa mà như còn đấy

Tuổi hai mươi tuổi bước vào đời.

Nhưng rồi một sớm đầu thu trở lại,

Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại.

Ngỡ cờ sao rực rỡ

Tô thắm mầu xứ sở yêu thương.

Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường

Hung bạo phá bờ kim cổ.

Lý Đ. A: Đồng Lầy

Khủng Bố Đảng Phái & Các Nhà Yêu Nước

Một sự thật cần nêu lên là nếu không phát động cuộc chiến với Pháp thì HCM và Đảng CS tức Việt Minh (Vẹm) hồi đó không thể nào chi phối các đảng phái khác để giành quyền lãnh đạo đất nước vì lực lượng Việt Minh lúc đó còn yếu. Vì vậy HCM đã ngấm ngầm kích động cho Pháp gây chiến làm cho toàn dân phẫn nộ, và ngày 19.12.46, HCM kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với khẩu hiệu Phản Đế, họ đã buộc mọi người phải đứng vào hàng ngũ Việt Minh. Những người thuộc các đảng phái quốc gia, tôn giáo, hoặc VM không ưa, không tin, thì họ ghép tội Việt gian hay phản động, và cho lệnh xử tử hay thủ tiêu như trường hợp Đức Huỳnh Phú Sổ (Giáo Chủ Đạo Hòa Hảo); nhà văn Khái Hưng (Đại Việt Dân Chính Đảng); Nhà văn Nhượng Tống (VN Quốc Dân Đảng); Trương Tử Anh (lãnh tụ Đại Việt), Trương Anh Tự (lãnh tụ VN Dân Tộc Đảng), tàn sát hơn 400 đảng viên Duy Dân Đảng của Lý Đông A tại Ninh Bình, và hàng ngàn đảng viên và cảm tình viên Quốc Dân Đảng.

Tiêu Thổ Kháng Chiến & Vườn Không Nhà Trống

Cuộc kháng chiến nổ ra, thành phố được lệnh phải tản cư và tự tiêu hủy; thôn quê thực hiện cảnh vườn không nhà trống. Đó là bước đầu của chính sách Vô Sản Hóa Nhân Dân nhằm vô hiệu hóa mọi tiềm năng chống đối của các tầng lớp nhân dân. Sau vài năm theo kháng chiến, nhiều người đã tìm cách trốn về thành phố, đó là phong trào "dinh tê". Đây là một tình trạng lưỡng nan vô cùng chua xót cho nhiều người quốc gia bắt buộc phải chọn một: về với chính quyền Nguyễn Văn Tâm của Pháp lập ra hay ở lại với Vẹm? Nhiều nhân vật quốc gia muốn chống VM, nhưng họ cũng biết là Pháp sẽ thua, và rồi thân phận họ sẽ ra sao? Từ đó một thái độ chống Cộng tiêu cực đã phát sinh và tinh thần đoàn kết quốc gia trở nên ngày một suy thoái cho tới khi Nam VN sụp đổ.

Trong 9 năm chống Pháp, chỉ có lớp dân nghèo ở thôn quê là đóng góp xương máu và bị thiệt thòi nhiều nhất. Nhưng giấc mơ của lớp dân cày này đã hoàn toàn tàn lụi khi cuộc kháng chiến thành công, họ trở nên làm chủ tạm trên những mảnh đất nhỏ lấy từ của các điền chủ cũ, và họ phải trả thuế cho nhà nước CS nhiều hơn gấp bội, và cuộc sống khốn khổ, nhục nhã hơn hồi Pháp thuộc.

Trận Điện Biên Phủ (ĐBP) & Hiệp Định Geneva Chia Đôi Đất Nước

Những năm đầu của thập niên 1950, người dân Pháp không còn muốn đóng góp tiền của và hy sinh con em trên chiến trường ĐD nữa. Công luận gọi cuộc chiến đó là "cuộc chiến nhỏ bẩn thỉu" [the little dirty war]. Và, đã đến lúc dư luận tại HK cũng không cho phép HK tiếp tục viện trợ cho Pháp lâu hơn và như vậy HK phải tính tới chuyện thay Pháp ngăn làn sóng Cộng tại ĐD.

Ai đã bầy ra kế hoạch cho Pháp tập trung quân tại khu lòng chảo Điện Biên để tự sát? Cũng như ai đã xúi ông Thiệu đã không hội ý liên quân đơn phương ra lệnh bỏ các yếu điểm miền Trung, làm xuống tinh thần quân dân và tan vỡ thế trận ở miền Nam?

Năm 1953, báo chí bàn rằng Tướng Henry Navarre đưa kế hoạch đem đem phần chính quân đội Pháp vào ĐBP, giáp với Lào, với chủ ý là dụ VM tới để tiêu diệt bằng bom HK (!) Kết quả là sau 55 ngày đêm ròng rã (13.3. đến 7.5.54), chẳng chiến đấu được gì ngoài nhận lãnh hàng chục ngàn trái đại pháo do Trung Cộng yểm trợ VM, Tướng Pháp De Castrie và 15.000 quân đã đầu hàng mau lẹ! Sau trận này Tướng Võ Nguyên Giáp tôn vinh là anh hùng Điện Biên và là công của VNG, trong thực tế thì chính các cố vấn Trung Quốc đã đích thân chỉ huy các trận đánh.

Pháp khẩn cấp cầu cứu, xin HK sử dụng không lực. TT Eisenhower họp báo năm đó (1954) và tuyên bố: "Mất ĐD sẽ kéo theo mất Đông Nam Á như thế cờ domino vậy.” Nhiều sĩ quan hàng đầu kể cả PTT Nixon cũng ủng hộ việc dùng không lực tại ĐD. Tuy nhiên nhiều nhân vật có ảnh hưởng tới Quốc Hội kể cả Thượng Nghị Sĩ Lyndon Johnson đã bầy tỏ sự bất tán thành. TNS Lyndon Johnson nói (1954): "Tôi chống việc phái binh sĩ Mỹ vào vùng sình lầy ĐD trong một cuộc chém giết say sưa đẫm máu để tồn tại mãi chủ nghĩa thực dân và sự bóc lột của người da trắng tại ĐD.” (coi [1], tr.10, Unit 2). Cuối cùng TT Eishenhower quyết định từ chối lời yêu cầu của Pháp và trận ĐBP kết thúc: quân Pháp đầu hàng ngày 7.5.54.

Thỏa Ước Geneva (Thụy Sĩ): Tạm Chia Đôi VN

Cùng ngày ĐBP mất, chín nước liên can đến các cuộc chiến ở Á Châu hội tại Geneva bàn về nền hòa bình của Triều Tiên và Việt Nam. Không tìm được giải pháp nào cho Triều Tiên; ngưng bắn tại TT hãy còn hiệu lực đến hôm nay.

Vế vấn đề VN, tình hình tệ hơn: các trưởng phái đoàn của Pháp và Việt Minh từ chối nói chuyện với nhau. Ngoại trưởng HK, John Foster Dulles, từ chối ngay cả bắt tay Chu Ân Lai, đại biểu Trung Quốc. Cuối cùng đạt được hai quyết định then chốt là: Tạm chia đôi VN và tổng tuyển cử thống nhất vào 1956. HK và Nam VN không ký vào bản thảo ước này. Tuy nhiên quan sát viên HK tham dự có tuyên bố xác nhận nguyên tắc của một cuộc tuyển cử tự do và cam kết không can thiệp vào sự thực thi cuộc tuyển cử đó. Tuy nhiên, cơ quan tình báo HK ngày 3.8.54 có đưa ra một bản ước đoán rằng: "Nếu những cuộc tuyển cử toàn quốc theo lịch trình diễn ra vào tháng 7.56; và nếu VM không tạo thành kiến viễn ảnh chính trị của họ [là CS], thì hầu như VM chắc chắn sẽ thắng". Bộ trưởng quốc phòng HK cũng đi tới kết luận như vậy. Bộ Tham Mưu Liên Quân HK viết: "Việc dàn xếp dựa trên tuyển cử tự do sẽ có thể có kết quả hầu như chắc chắn là mất cá quốc gia liên kết [Lào, Miên, VN] và tay cộng sản". TT Eisenhower được khuyến cáo rằng phiếu của HCM sẽ có thể cao tới 80%. Ước đoán này hẳn đã dựa vào thực tế VM luôn luôn dùng mọi thủ đoạn để thắng phiếu và Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát nếu có thiết lập thì cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ như ý muốn được.

Ngày 17.7.54, Pháp và VM ký Hiệp Định Geneva chia đôi lãnh thổ VN theo vĩ tuyến 17, lấy sông Bến Hải là giới tuyến. Tiếp theo, Pháp nhờ Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đứng ra tổ chức cuộc di cư vĩ đại của trên dưới một triệu người Bắc vào miền Nam dưới sự tài trợ nhân đạo của HK. Thăng Long Hà Nội Hoa Lệ hấp hối trong cảnh sinh ly. Ôi! Cảnh "kẻ ở người đi sao mà buồn thế”. Việt Minh đã tìm mọi cách cản trở làn sóng người ra đi tìm tự do này và cuộc di cư đã diễn ra thật hết sức đau lòng và đẫm nước mắt!

Phần II: MIỀN NAM TỰ DO & CUỘC CHIẾN ĐD II (60- 75)

Màn Hai: Cựu Hoàng Bảo Đại Từ Chối Chấp Chính

Ô. Ngô Đình Diệm với Nền Đệ Nhất Cộng Hòa NVN

Ai đã lựa chọn Ô. Ngô Đình Diệm lèo lái con thuyền quốc gia NVM sau 54? Theo tài liệu [2] của Ô. Nguyễn Phú Đức thì:

Ông Luyện (em của Ô. Diệm) xác nhận với ông Đức là chính với sự chấp thuận của chính phủ Pháp mà ông Bảo Đại đã bổ nhiệm ông Diệm làm thủ tướng vì người ta nghĩ rằng ông Diệm sẽ không thể kéo dài trước những khó khăn không thể vượt được đang chờ đợi ông ta”. (coi [2], tr.53].

Tuy nhiên, theo tài liệu [1] thì dưới áp lực của HK, Bảo Đại bổ nhiệm ông Diệm làm thủ tướng trong Hội Nghị Geneva. (Coi [1], tr.23, Unit 1).

Khác với trường hợp Cam Bốt: Trung Cộng (Chu Ân Lai) vẫn duy trì Hoàng Gia và ủng hộ Quốc Vương Sihanouk cầm quyền; trường hợp NVM, Hoa Kỳ ủng hộ nhân vật mới là Ô. NĐD về chấp chính. Cựu Hoàng Bảo Đại không đồng ý với sự chia đôi đất nước của Pháp và khối Cộng. Ông bầy tỏ chủ ý đó với ký giả Delorme:

Tôi đã nói với người đồng minh rằng hoặc là tôi sẽ làm chủ cả Miền Bắc lẫn Miền Nam; hoặc là tôi không có gì hết. Tôi đã bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm vào chức vụ Thủ Tướng và tôi đã từ bỏ hoàn toàn quyền hành ngay từ kúc đó. Ông Diệm là một tín đồ nhiệt thành của đạo công giáo, một môn đồ nhiệt thành mà tôi tin tưởng ông ta sẽ chống lại được lý thuyết Mácxít. Tiếc thay ông ta đã thiết lập một chế độ độc tài chuyên chế.

Ông NĐD về nước cùng với tiền viện trợ dồi dào của HK nên đã được nhiều người phù trợ. Tuy nhiên, ông đã thất bại trong chính sách đoàn kết các lực lượng chống cộng và đã xây dựng nền cộng hòa phôi thai trong bầu không khí còn nhiều tính quan liêu trong khi thời đại đòi hỏi một tinh thần cách mạng dân chủ thật sự. Nhà tầm-cổ Vương Hồng Sển viết vài nét về thời ông:

Cũng chưa phải là thần thánh gì. Vậy mà có đứa vào chầu, khi trở ra, đi thụt lùi làm chi đến bể chậu quý? Lại có thằng nào đó, nịnh thôi là nịnh, bỏ cả cha mẹ, để xin rửa tội nhập đạo Thiên Chúa, rốt cuộc cũng bị cho ra rìa." (Hơn Nữa Đời Hư, tr. 469).

Tác giả Earl H. Tilfort, Jr. viết trong "The Regime of Ngo Dinh Diem" (coi [1], Unit 1, p.23):

Dưới áp lực của HK, ông Bảo Đại bổ nhiệm ông Diệm làm Thủ Tướng trong thời gian Hội Nghị Geneva. Trong ít tháng kế đó, ông Diệm mau lẹ tiến hành củng cố địa vị, bứng những phần tử thân Pháp đi khỏi hành chánh của Bảo Đại, đè bẹp đối lập từ phía các chính phái, tôn giáo, và toan tính tiêu diệt những thành phần VM mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [tức CS Hà Nội] đã chỉ thị ở lại Miền Nam sau Hiệp Định Geneva để đại diện quyền lợi của họ. Tháng 10.1955, ông Diệm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giữa ông ta và quốc trưởng Bảo Đại. Trong một cuộc chuyển chọn được coi hầu như là gian lận [do một số cán bộ Cách Mạng QG tâng công], ông Diệm đã nhận được trên 98% số phiếu.

(còn tiếp)

Hoàng Long

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002