Đại Chúng số 95 - Ngày 1 tháng 4 năm 2002

Duramax

KHUNG TRỜI KỶ NIỆM

Kỹ sư Sagant Phan

Nơi tôi ở là một vùng thuộc ngoại ô Los Angeles. Tuy nói ngoại ô chớ thật ra nhà cửa san sát, phồ liền đường, đường liền cây, có chợ có rạp hát. Khu vực của tôi nằm hơi khuất nẽo, nơi gần là một đoạn đường xe lửa chạy ngang, nơi xa là một phi trường loại nhỏ, dành cho phi cơ cessna mà ngày xưa tại vùng cao nguyên miền Trung nước Việt chúng tôi gọi là: "máy bay bà già". Còn góc gần không gần xa không xa, là một khu nhà cũ của nhóm Mễ ẩn trong lùm cây rậm, có chuối có tre và có tiếng gà gáy. Buổi chiều cuối tuần, tôi thường đem cái ghế ra ngoài hiên mà ngó về hướng nhà Mễ đó. Chiều xuống dần, ánh sáng lần lần biến mất nơi xa đó có bóng cây chuối và cây tre hiện trên nền trời. Tiếng gà gáy văng vẵng trước khi lên chuồng thì lòng tôi càng trĩu nặng thêm.

Có lần tôi bị cảm, điện thoại vào Sở làm xin nghỉ một ngày. Uống xong một muỗng thuốc ho và thuốc cảm thì người tôi như lâng lâng. Nằm trên giường ngủ không ra ngủ và thức không ra thức. Không gian buổi trưa Hè vắng lặng, buồn. Vạn vật như thiếp ngủ hay ngưng đọng lại một khúc thời gian nào đó. Trên trời cao, tiếng vọng phi cơ từ trên chầm chậm rớt xuống. Tiếng phi cơ bà già, văng vẳng thê lương ù ù có lúc rõ có lúc không, nhưng tiếng gà gáy nơi xa thì không lầm lẫn được. Khung Trời quê hương của tôi trở về. Trở về tại nơi đây và cô đọng nơi đây. Nơi đây cách nơi kia hàng ngàn dậm cách ly.

Ngày đó, đại đội tôi được nhiệm vụ canh giữ một khúc quốc lộ 4, từ đèo Mang Giang chạy gần xuống Qui Nhơn. Nhiệm vụ dễ dàng thôi, gác cầu. Từ khúc này đến khúc kia gần hàng trăm cây cầu, cho quan số gần 50 người. Tôi và anh Phó rãi lính khá dài, trung bình mỗi cầu gần 5 người. Riêng chúng tôi gác một cây cầu sắt, mà xưa kia có đường rầy xe lửa từ thời Pháp. Chúng tôi ăn ở dưới chân cầu sắt. Mùa hè nước mát rượi từ lòng sông bốc lên rất dễ chịu, nhưng thường thường mưa liên miên. Nước cuồn cuồn từ thượng ngàn đổ về, dòng sông sôi sục, nhưng lúc dòng sông sôi sục thì lại yên ổn nhất, vì địch không dại gì lội giữa dòng mà thả bè có chất nổ cột dưới bè, bè đụng chân cầu thì nổ tung. Nên mùa nước về thì tụi tôi khỏe nhất, chỉ cực là ướt mà thôi, áo mưa poncho không thấm gì với cơn mưa kéo dài ngày này qua ngày khác, tuần này sàng tuần khác. Lạnh khắp nơi, lòng sông nước lạnh như nước đá hơi thở ra khói lạnh cuồn cuộn.

Nhưng có lúc nước yên tỉnh chậm chạp, lừ đừ trôi. Nhiều mảng cỏ, y như dề lục bình trôi từ từ đến. Lính của tôi thường dùng súng M16 bắn vào đám cỏ trôi đến. Tiếng súng nổ nghe ầm đùng nơi xa.

Dưới những chân cầu sắt, đôi mắt nhìn nơi xa. Nơi xa có nhiều lũy tre xanh vút rất rậm có tre nghĩa là có làng. Có làng có sự sống sự vui tươi. Từ chân cầu đến làng cũng khác xa

Tôi cùng người lính, có lần đến làng đó mà tham quan nói thật sự để mua thuốc lá chớ không ngoài gì hơn, tiền của đâu nhiều mà mua thức ăn? Đời lính hình như đói quanh năm, đa số là mì gói lá sang, chớ đâu được ngày 3 bữa như dân thị thành. Chỉ có điều là hút thuốc lá rất nhiều hơn dân thị thành thế thôi. Phì phò lỗ mũi, phì phà nơi miệngcó lúc hút đến nổi khô cả cổ, đắng cả lưỡi, môi nứt nẽ ngón tay vàng khè nhất là ngón trỏ và ngón giữa.

Người đưa chúng ta đến làng, sang ngang con sông rộng là một cô lái đò. Cô lái đò nhan sắc tầm thường và ít nói cười như chúng ta nghe quen thuộc trong những bản ca.

Cô có tâm sự trong lòng, còn chúng tôi cũng nặng trĩu tâm tư. Không hiểu ngày mai cái cầu này có còn làm việc không? Cầu gãy thì đời binh nghiệp kể như xong. Ca sĩ Hoàng Oanh có nổi danh trong bài ca xứ Huế: "Chuyện chiếc cầu gãy". Bài này tụi tôi đâu dám hát, bộ trù ẻo hay sao?

Trong làng, tưởng nhỏ chớ thất rất lớn, có nhà thờ và có ngôi chùa nhỏ nằm lẫn khuất nơi xa. Dĩ nhiên có hàng quán cho dân làng, và điều vui là có xe lam nhỏ chạy tới lui từ làng ra ngoài lộ nơi xa như vậy vui rồi. Làng cũng đồng hình ảnh như sau: con trâu, con bò, con chim cò, đứa chăn trâu, người thợ gặt, tiếng chuông nhà thờ đổ dồn vào ngày chúa nhật, con chiên ăn mặc áo quần trắng, linh mục với gương mặt đau khổ ngàn năm. Còn bên chùa cũng vậy, ông sư thấy không bao giờ có nụ cười.

Nhưng lũy tre thì thân mật ngày đêm, gió đến từ núi tre quằn xuống, mưa đến thì tre cong tới cong lui. Trời nắng thì tre tỏa rộng lá non xanh. Bài thơ mà tôi còn nhớ, nhưng tệ nhất là quên tên người làm bài thơ này rồi. Lúc rãnh ngó dòng sông lá mục chầm chậm trôi, tôi cũng làm thơ nhưng thơ mình không nhớ được mà nhớ thơ người hầu hết:

Mỗi sáng mai thức dậy

Lũy tre xanh rì rào

Ngọn tre cong gọng vó

Kéo mặt trời lên cao.

Những trưa đồng đầy nắng,

Trâu nằm nhai bóng râm.

Tre bần thần nhớ gió.

Chợt về đầy tiếng chim.

Mặt trời xuống núi ngủ

Tre nâng vầng trăng lên

Sao, sao treo đầy cành

Suốt đêm dài thắp sáng.

Bỗng gà lên tiếng gáy

Xôn xao ngoài lũy tre

Đêm chuyển dần về sáng

Mầm măng đợi nắng về.

Đối với cô lái đò, cô có tâm sự còn tôi cũng vậy. Ngày xưa chưa khoác áo chiến y, còn trẻ mà tôi cũng có người yêu chớ bộ. Nhưng người yêu của tôi cũng tầm thường, còn tôi đâu có hơn ai có lần thằng bạn nói với thằng bạn mà tôi nghe được: "Thằng Tùng nó quen con nhỏ gì mà mặt mũi như bàn là.". Tôi ngờ ngợ danh từ này rồi, nhưng danh từ này là mới quá đối với dân miền nam như tôi đến khi tôi biết được chữ nghĩa bàn là thì thằng bạn đó nó đi lính mất tiêu rồi. Bàn là có nghĩa là bàn ủi đấy. Mặt mũi như bàn ủi, nghĩa là thẳng băng đó nó khen nhan sắc người yêu của tôi đó. Nói người yêu chớ thật sự chưa lần nào nắm tay chân gì cả đến nhà nàng thăm để nói nhiều câu rồi về nhà nghĩ lại mới thấy vô duyên tệ. Như sau: "Em khỏe không?" – "Dạ khỏe." Rồi cả hai làm thinh cả buổi. Rồi thêm câu nói vô duyên nữa: "Em còn đi học đều không?” Lúc này nàng mới chịu cười, cười vì câu hỏi rất đần của chàng. "Đi học đều chớ sao không?” Lâu không tới nhà nàng thì nhớ, còn tới thì ngồi đực mặt một hồi thì muốn về. Tình yêu kiểu này tương lai sẽ không khá là cái chắc. Quả thiệt như vậy! ngày kia tôi nhập ngũ, rồi lần về phép đầu tiên thì gia đình nàng dọn đi mất tiêu. Như vậy đỡ đau tim. Cô đơn trở về cô đơn.

Còn chuyện cô lái đò thì không dám nghĩ tới, lỡ nàng thuộc về bên kia làm sao?

Nhưng chào hỏi xã giao thì đành thôi. Tụi tôi cần vào làng mua thuốc lá, còn nàng thì làm nghề chở khách sang sông. Nàng có lần nói với tụi tôi: "Ba em bị bệnh sốt rét khá nặng làm sao đây?" Chuyện gì chớ chuyện đó dễ ợt, tôi lục móc trong ba lô một số thuốc trị bệnh sốt rét và ngừa sốt rét. Tôi đùa: "Thuốc viên đỏ này là chloroquine, uống chừng chục viên là khỏi cứu đó nghen!"

Ngày sau đang ngồi dưới chân cầu, ngó nước nhìn chân cầu, thì thằng lính từ xa đi tới, tay cầm xâu cá, hai con cá bống. Màu vảy bạc long lanh. Lính tà lọt nói vui: "Mình có cá tươi rồi! Bồ của Thầy cho đó". Tôi giật mình: "Ai là bồ của tao?" Thằng lính cười lỏn lẽn: "thì cô lái đò đó." Tôi bực mình nạt ngang: "Đừng dỡn nữa nghe mậy! Tao có vợ đàng hoàng rồi đó mầy". Thằng lính xụi lơ: "Thầy mà có vợ!" Hai con cá và một trái cà chua còn xanh đỏ. Đủ một buổi cơm canh chua ăn chung với 5 người rồi. Đỏ hơn ăn cơm với măng khô luộc hôi rình.

Chuyện rồi cũng êm như dòng nước chảy, vì không ai có ý gì. Đời lính nghèo mà có ý gì thì có môn đi ăn xin. Đừng tưởng hai người nghèo lấy nhau sẽ ra giàu. Tình yêu đâu phải là con toán Đại số là trừ với trừ ra cộng. Còn tình yêu thì nghèo với nghèo ra sặc máu, bị gậy ngay lập tức.

Kỳ đó vào một buổi chiều muộn, tôi từ làng của cô về lại đơn vị, vì tôi đến thăm vị linh mục trong nhà thờ của làng. Lúc về, tiếng sóng chèo nghe lao xao vào mạn thuyền, lòng sông hình như sâu thẳm màu đen, tôi hơi sợ trong lòng, lỡ té xuống sông thì sao? Tôi đâu có biết lội, nói đúng ra chưa thử. Tôi chỉ biết lội lúc còn con nít. Lội từ chân cầu tàu rồi vào bờ, rồi leo lên, rồi nhảy ùm xuống, rồi lội vào bờ, rồi leo lên cầu tàu, rồi nhảy ùm xuống sông. Mấy thằng bạn tôi cũng vậy.

Nên nhìn con sông sâu thẳm này mình không ớn sao được, bảo đảm lội kiểu con nít chưa chắc sống sót được.

Cô lái đò không nói với tôi lời nào cũng vậy, còn tụi tôi. Tôi và thằng lính tà lọt cũng làm thinh luôn. Gió lạnh lạnh từ mặt sông bốc lên, vầng thái dương từ từ khuất sau luỹ tre làng nơi bầu trời xa bầy chim cò đang giăng hàng về tổ, hướng về núi sâu rừng thẳm. Cô lái đò chèo, rồi đến bờ, tôi chào kiếu từ và cám ơn, thì cô nói bâng quơ: "Tối nay lạnh lắm đó!” Thế thôi rồi tụi tôi lầm lũi về chân cầu, nơi đơn vị cũng là tổ ấm của tôi nơi xa.

Tối đến chầm chậm, lan từ từ xa đến gần. Bỗng nhiên tôi chợt giật mình, tại sao cô lái đò bỗng nhiên nói tối nay lạnh? Đêm nào mà chẳng lạnh? Như vậy có ám hiệu gì chăng? Đời lính tuy vô tư, nhưng rất nhiều dị đoan. Không một thằng lính nào giận nhau mà thề thốt là đạn ăn tao đi. Không ai dám hết, nên đời lính tuy vô tư, nhưng rất nhiều suy nghĩ.

Như vậy có chuyện gì rồi. Tôi bèn ra lệnh bằng máy, kêu mấy đứa còn đang rãi nơi xa về họp gấp. Họp dưới chân cầu. Tôi nói gằn: "Có tin mật. Tối nay có lẽ có chuyện. Vậy các anh gác theo như vầy như vầy như vầy... Còn tụi tôi sẽ canh súng cối, nếu có chuyện thì tụi tôi sẽ cho trái sáng lên. Điều cần nhất là đừng hút thuốc lá và ho nghen. Ráng mở mắt từ 1 giờ khuya đến 4 giờ sáng là tốt nhất. Nếu ai có thấy gì khả nghi thì đừng lên tiếng trong máy vô tuyến, mà mở máy và dùng ngón tay nhọn cào cào trên micro là tụi này biết liền. Nhớ đừng nổ súng ẩu tả nghen."

Quả thật, từ 9 giờ tối núi rừng đen thui, dòng sông cũng đen thui. Gió lạnh và mây đen kéo ùn ùn nơi xa đến. Lúc đó lật ngữa bàn tay cũng không thấy được chỉ tay

Thèm thuốc lá hết sức, cơn ho được dồn trong lồng ngực từ nãy tới giờ muốn ho tung ra, rồi cơn ngáp muốn nổ tung dài luôn. Tại sao lúc cần không được ho và ngáp thì nó lại muốn ho và ngáp? Tôi nhai cứng cả hai hàm răng. Tay cầm khẩu súng lành lạnh, còn mấy thằng gần tôi cũng đang ghì người tôi biết nó ghì lại cơn thèïm thuốc lá chớ không có gì.

Đồng hồ dạ quang ghì tận mắt mới thấy gần 1 giờ khuya. Đổi ngày rồi và đổi số mạng con người luôn. Bỗng nhiên trong máy vô tuyến truyền tin có tiếng cào cào nhẹ trong máy micro. Rồi tụi đàn em nơi xa thấy chuyện gì rồi. Thằng lính súng cối tôi biết nó đang rờ viên đạn hỏa châu. Còn súng cá nhân thì hồi chiều tụi tôi đã cho đạn lên nòng hết rồi, chỉ cần mở khóa gài an toàn là đạn sẽ hướng về nòng có 6 đường khương tuyến mà chuẩn bị vọt ra.

Súng nổ dòn nơi chân cầu xa. Đàng này thì đạn hỏa châu đã lên trời. Tiếng nổ bùm và ánh sáng chói chan từ trời cao tỏa xuống. Đạn nổ dòn. Đụng trận rồi. Từng làn đạn lửa vòn vọt vào lòng sông. Và đan bắn vào hướng lùm cây rậm hướng Đông Bắc.

Sáng trời thì tụi tôi kéo xác 3 trự từ lòng sông lên bờ. Quả thật đêm nay lạnh thiệt. Nếu không hạ 3 trự này thì số phận cây cầu này không thể nói được. Vì họ lặn thật sâu và kín dưới lòng sông đen như mực cùng lạnh hơn băng giá nếu không đề phòng thì đêm vừa qua cũng như đêm vừa rồi nghĩa là không đủ lính gác, vì mỗi người lính không thể nào gác liên tiếp 7 tiếng đồng hồ được. Nhưng đêm nay đặc biệt là mọi người lính đều thức hết. Họ biết có điềm đến. Người báo điềm chẳng lẽ cô lái đò? Không trăm lần không ngẫu nhiên được. Ba người nhái bên địch họ quấn đầy chất nổ trong người và bè thả thì loại bè chìm. Họ tính rất hay là dùng bè bằng cây tre đom lại, không lớn lắm. Và họ biết bài toán vật lý, chở chất nổ làm sao mà bè không chìm lìm và không nổi trên mặt nước được. Bè trôi theo người thợ lặn. Trên bờ không thấy được. Ba mảng bè dư sức thổi bung cột cầu và cột cầu gãy thì cầu gãy theo. Cầu gãy thì đời lính cũng gãy theo. Lột lon là cái chắc, lạng quạng ra Tòa Án Quân Sự không biết chừng.

Sáng ngày thì cô chèo đò ra rất muộn. Cô thấy tụi tôi đứng đầy nhóc trên bờ sông bên kia, tôi biết cô rất mừng và tôi thấy nơi xa cô chèo đò thì tôi cũng mừng vậy.

Chừng tháng sau, mọi chuyện trở lại bình an như không có gì. Tôi và thằng tà lọt quá giang sang xuồng vào làng của cô mà gặp linh mục phải không? Không! Đến quán bán thuốc lá lẻ thế thôi và mua một vài lon cá mòi cho buổi ăn cả tuần.

Tôi còn nhớ, lúc đó buổi trưa. Trên xuồng có vài người lạ trong làng, còn tui tôi thì cũng hai người cũ xưa. Cô lái đò ngó tôi và nói: “Thầy không sợ lạnh sao? Áo lạnh Thầy bỏ lại đồn hả?” Tôi gật đầu: “Vâng! Hôm nay tôi không mang áo lạnh”.

Rời xuồng, bước vội trên bờ cát nhiều sạn sỏi của giòng sông không biết tên, hay quên tên. Tôi bỗng dưng ớn lạnh! Cơn lạnh bỗng dưng làm người tôi nổi gai. Như vậy chuyện lớn rồi. Dị đoan nữa chăng? Không phải đâu. Trưa trời trưa trật mà ai mang áo lạnh bao giờ, mặc dầu áo lạnh người lính chỉ là áo gió bằng vải dầy nặng thế thôi. Mưa thì ướt, lạnh nhiều thì người run còn lạnh ít thì người đổ mồ hôi. Nghĩa là áo lạnh không phải là áo lạnh nhưng đó là áo lạnh của người lính vậy.

Tôi vội về nơi canh gác. Tôi cầm máy liên hợp lên và gọi về thị trấn An Khê. Cách cầu chúng tôi canh gác chừng 15 km. Tôi xin Đại Bàng thêm lính gác. Đại Bàng trã lời gọn: "Chúng tôi không còn lính nào nữa đâu mà cho các anh. Các anh tự lo liệu lấy." Thấy Đại Bàng không thương đàn em, lòng tôi bỗng dưng chĩu nặng. Vậy mình đi lính cho ai? Còn tại thị xã Pleiku thì lính toàn là lính kiểng hay lính văn phòng rất nhiều. Mỗi lần về phép thị xã thì lại chào kính những người lon lá quá nhiều. Họ đẩy đà da thịt, và bảo đảm họ ăn mỗi ngày 3 bữa. Còn chúng tôi chỉ ăn mỗi ngày một bữa là hết tiền rồi.

Trên từ chối rồi, mà dị đoan bảo đảm tối nay rồi. Biết đào lính đâu ra? Tôi đành gọi qua tần số khác, gọi mấy đứa con của mình vậy. Đây Melia đây! Cho gặp Casptain đi chuyện gấp!” Danh từ Melia là tên thuốc lá làm tại Chợ Lớn, còn danh từ Capstain cũng là tên thuốc lá luôn. Bên kia Capstain trả lời: "Chào Melia! Casptain nhận lệnh". Tôi nói đại ý là yêu cầu tất cả phải tụ về cầu này trong đêm nay, lệnh ngắn gọn: "Tụ về Cao Bằng mau, càng sớm càng tốt ". Danh từ Cao Bằng là một địa danh ngoài Bắc Việt, nhưng tôi gọi ngược là Cao Bằng vì chúng tôi đang ở dưới thấp nhất mặt đất chân cầu mà.

Chiều chạng vạng thì đàn em báo cáo đủ quân số. Tụi nó thắc mắc là gọi về Cao Bằng thì còn ai mà gác các nơi kia? Tôi trả lời là chỗ này hy vọng tối nay có buổi liên hoan lớn, còn nếu địch đánh xập cầu kia kìa thì tôi sẽ lảnh đủ một mình. Tên buông ra rồi đợi con mồi trúng hay không trúng mà thôi.

Tụi tôi chừng 14 người thì có thể chơi được 32 người, nhưng không thể chơi trên trăm người. Nay gom bi lại chúng tôi có hiện diện đủ là 28 người, có thể bớt lo.

Quả thật lúc nào có chuyện là bầu trời trở nên u ám thiệt tình. Hình như cô hồn vong linh khuất mặt khuất mày tụ về đây chăng?

Hình như sông dâng lên khá nhiều hơn đêm qua chăng? Buổi chiều trôi từ từ, nhưng lạ chưa không thấy bóng dáng bầy chim bay về núi sâu? Chuyện gì đây? Chẳng lẻ chim cũng biết điềm dữ hay sao? Lệnh miệng được truyền ra, mật khẩu đổi từng giờ. Lính tráng thấy mấy ông Thầy ưu tư và trở về vị thế chỉ huy không còn lè phè thì cũng đâm ra ngán ra mặt. Có đứa xem lại từng trái lựu đạn đang đeo hông, cứ đứa lau chùi nóng súng và coi lại cấp số đạn.

Bờ sông lá mục này đào hố sâu hơn đầu gối thì ủng sũng nước rồi, nhưng không đào hố cá nhân thì đào cái gì? Mạnh ai nấy đào, càng sâu thì càng tốt Chúng tôi cho lính rãi tận gần làng của cô chéo đò, thằng Thiếu Úy Hùng mới ra trường khoảng 1 năm nay được lệnh canh trên góc cao nhất. Gần lũy tre làng, nhưng cách một con sông.

Khuya đến 11 giờ, không đợi đến 2 giờ khuya thì quả thật có chuyện rồi. Máy truyền tin của thằng Hùng giờ đây nó gọi trong máy, dĩ nhiên nó không còn cào cào nhẹ trong micro máy truyền tin nữa, mà nói nói thẳng: "Tụi nó về nhiều quá Melia, cho tụi em xin chút lửa, nghe rõ trả lời". Tụi tôi bên đây liền cho lên trời từng trái hỏa châu không hẹn mà nên khi hỏa châu bật sáng thì hai bên đã lộ hình tích rồi ai bắn trước thì sống. Đạn từ dưới sông, đạn từ núi ra, đạn từ bụi rậm... Rồi tiếng lựu đạn nổ ầm ầm nơi xa. Từ chiều tụi tôi có liên lạc được với đơn vị hỏa lực của nhóm tụi tôi 13 km đường chim bay, nằm sâu trong núi rừng, nhóm này có đồ chơi thứ dữ tụi tôi cho tọa độ nghi ngờ, tọa độ b?n nổ chụp lý thuyết trong trường học, và kinh nghiệm chiến trường cộng lại vào óc não hết. Mùi thuốc súng, tăng mùi say máu mà người ta nói pháo nổ thì lân say rượu. B-40 nổ ầm tức cả ngực, và trúng vào người nghe bịt bịt miểng đạn cắt ngang cuống họng như người ta xắt ngang bánh su sa vậy.

Thằng Hùng nói đúng, họ quá đông chạy lúp xúp và có cả tiếng kèn xung phong nơi xa xa, nếu không nghe tiếng súng bạn quen bắn ra thì có nghĩa là họ bị xong rồi.

Bỗng nhiên có tiếng gà cồ gáy lên, tiếng gà cồ gáy thì lòng mọi người ấm lạnh như uống ly rượu thật mạnh vậy, mừng chỉ thiếu điều la làng mà thôi. Gàcồ 150 ly từ căn cứ hỏa lực, nơi sâu núi rừng bắn cứu bồ. Quả thật gà cồ gáy thì bên kia hết thấy chạy lúp xúp nữa rồi hình như nghe tiếng kèn lui quân của họ thổi từ lúc náo mà mình không hay.

Họ cứ tưởng chúng tôi có 14 mạng, rải dài gần 3 cây số thì cứ việc đến từng nơi lượm trứng gà nhưng không dè quân số lại gấp đôi họ tưởng nên họ thua một nước cờ. Nước cờ này chỉ là sự chú ý và chuẩn bị đầy đủ rượu lễ mà, chớ có tài thánh gì?

Thiếu Úy Hùng trong trận đánh đêm đó thì được vinh thăng lênTrung Úy. Tội nghiệp nó, vừa có vợ chưa đầy 6 tháng thì người vợ được gọi là bà quả phụ rồi. Còn tôi, hên là không có người yêu mà tụi bạn gọi là mặt mũi như bàn là.

Trận này tụi tôi biết là thắng hoàn toàn, và chúng tôi cũng biết điểm khen thăng quan thăng chức là ai nào đó trên Quân Đoàn II lãnh mất rồi.Thành thử tụi lính nào càng gần Mặt Trời thì càng nhiều hoa lá cành, còn tụi nào gần rừng núi thì càng nhiều rong riêu. Thôi kệ mình trả nợ non sông mà.

Nhưng từ sáng sớm lên và mãi mãi chúng tôi không còn thấy cô lái đò nữa. Cô bỏ nghề chăng? Hay là cô đã thương lính nghèo như tụi tôi mà báo cho biết coi chừng bị cảm lạnh và lòng thương đó làm hại đến bản thân cô gái làng dễ yêu?

Tự dưng nước mắt tôi rơi khi tôi ngó về rặng tre. Người con gái đưa đò sang sông, con sông mà tôi quên mất tên hay không có tên. Nhưng bài thơ nói về em của một người nào viết đến thì tôi nhớ rất rõ như sau:

Trước nhà em sông Vu Gia

Sau nhà em cũng lại là dòng sông

Anh đi giữa cánh đồng

Ngóng trông bên nọ ngóng trông bên này

Nắng mưa đã chảy ngàn ngày

Đôi dòng sông hóa đôi tay chiến trường

Thương sông thương tự ngọn nguồn

Thương em từ buổi đưa xuồng anh qua

Dịu hiền như khúc dân ca

Thẳm sâu chung thủy như là đất quê

Sáng như một ánh sao Khuê

Tiễn anh đi đón anh về tháng năm

Mãi nghe gió thổi bên đồng

Giật mình anh đã đứng trên sông đây mà

Đò xưa vẫn đợi ta qua

Bóng ai đó cứ nhập nhòa mặt sông

Ngày mai vào trận hiệp đồng

Quân đi bóng trãi chập chùng dưới trăng

Biết còn gặp lại hay chăng

Nhủ thầm bên nớ vẫn đang đợi chờ

Nước xanh mát cả đôi bờ

Vu Gia em bỗng bây giờ của anh.

Còn tại đây, tôi cũng hút thuốc lá mà đôi mắt ngó về lũy tre, có tiếng gà gáy nơi xa. Tre của người Mễ và gà gáy của người Mễ. Nhưng tiếng gà gáy sáng xứ nào cũng giống y nhau kéo dài quen thuộc và lẻ loi.

Trên cao tiếng máy bay bà già ù ù vang vọng. Chỉ còn thiếu tiếng ca cải lương vào giờ ăn cơm trưa là tôi có đủ. Vâng! Đủ khung trời kỷ niệm. Tình cô lái đò quá xa, nhưng tôi vẫn nhớ cô mãi nơi chân trời xa lạ này. Mong cô còn sống để ngày kia tôi trở về lại cây cầu mà ngày xưa kia tôi ngó và đếm rất rõ từng con bù loong đinh đóng sắt cây cầu. Tiếng chèo xuồng nước nghe lao xaolòng tôi bỗng dưng nghe tiếng gọi đò sang sông của ai đó văng vẳng trên không trung vọng xuống. Cô ơi cô!

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002