Đại Chúng số 95 - Ngày 1 tháng 4 năm 2002

Duramax

MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

Nhìn thấy Ngọc Phụng không có một chút phản ứng nào về lời lẽ mình vừa nói, bà Thục Trinh hỏi:

_ Hả, thế nào Ngọc Phụng? Tại sao con chẳng nói năng gì cả vậy?

_ Thưa má, con chẳng có điều gì phải nghĩ cả! Con mong sao được chóng lên đường, tỏ bày với anh con về riêng nỗi đau buồn của ba má... mà thôi!

Bà Thục Trinh vốn bản chất thật thà nghĩ sao nói vậy:

_ Ừ! Nhưng con cũng phải nói nỗi lòng của con nữa mới phải. Ba má chỉ một phần mà thôi.

Đến đây, bà Thục Trinh hạ thấp giọng tiếp theo:

_ Thôi, con về phòng lo thu xếp áo quần cho hai mẹ con, chỉ còn có một ngày mai thôi, còn nhiều việc khác phải làm... Ngày mốt thì con phải cùng ba lên đường rồi...

* * *

Tuy chỉ còn một ngày nữa là ra đi, song Ngọc Phụng vẫn bắt con đến trường như thường lệ. Còn nàng thì đã xin Hiệu Trưởng của trường nghỉ dạy hai tuần.

Đã vào tiết đông thiên nên bầu trời ảm đạm. Ngọc Phụng đi đón con. Bà Thục Trinh thì lo thổi cơm chiều. Đã ra đến đường, mặc dù trời rét căm căm mà Ngọc Phụng cảm thấy mặt mày vẫn nóng ran lên. Mưa phùn lất phất đổ xuống theo gió tạt cả vào người nàng. Ngọc Phụng băng qua ven sườn đồi thoai thoải trải dài xuống, trên mặt đường toàn những sỏi đá có màu sắc đỏ sậm hay xanh thẩm. Qua con suối nhỏ để đến một cánh đồng được chia đôi bởi một cái lạch dài... Bên này sườn đồi là những khu vườn trái cây trĩu hoằng xuống bởi những trận mưa dầm làm tơi tả cả lá.

Ngôi đền thờ bà Chúa Thiên Thai được xây trong một khu đất rộng từ cuối đời nhà Minh. Mái ngói đã phong rêu và tường đền có nhiều nơi loang lổ. Hai cánh cửa đại bản giữa ngôi đền ngày thường lúc nào cũng mở để đó các khách thập phương đến lễ, phần nhiều là các bà hiếm con âm thầm kéo đến cầu khẩn. Chẳng những vậy, các cô gái trong làng cũng thường lén lút đến để câu xin cho duyên số. Qua khỏi đền là một khu rừng cấm có chu vi đấn cả hai mẫu, cây cối hoang dại mọc um tùm. Ngay giữa khu rừng cấm có nhiều cây bứa, mỗi vụ hè trái chín rộ vàng ửng, nó vừa đẹp lại vừa chua chua chát chát đã lôi cuốn được các cô gái, trong đó ngày xưa cũng có cả nàng lén vào hái mang về ăn với muối ớt... Bây giờ nói đ?n nàng vẫn còn thấy thèm thuồng...

Qua khỏi khu rừng cấm này là ngôi trường làng bậc sơ học. Ngọc Phụng tạt ngang vào đón con sau khi vào lấy thêm một vài giấy cần thiết của cá nhân mình. Ông Hiệu Trưởng lên tiếng hỏi:

_ Thế ra anh nhà đã về ?

_ Dạ!

_ Chị lên trên đó để đón anh nhà về?

_ Dạ thưa nhà tôi đã nhận ngay việc làm trên ấy khi vừa về nước. Có thể nhà tôi sẽ ở trên ấy làm việc.

_ Thế chị có định ở luôn trên ấy với anh nhà?

Ngọc Phụng hơi lúng túng, chẳng biết phải trả lời sao, nhưng nàng cũng lanh trí đáp lại:

_ Thưa, có thể là không. Thỉnh thoảng nhà tôi về thăm cũng được. Tôi thích đi dạy học hơn...

_ Chị có định nghĩ hơn hai tuần không? nếu thế tôi sẽ gia hạn cho chị một tháng...

_ Thưa ông Hiệu Trưởng, hai tuần đã đủ...

Ngọc Phụng ngỏ lời cám ơn ông Hiệu Trưởng lần nữa rồi dắt Anh Hào ra về. Khi hai mẹ con về gần đến nhà, Anh Hào vòi cành hoa anh đào đang rộ nở, Ngọc Phụng bẻ đưa con, thì cũng vừa lúc ông Lý từ phía trước mặt đi ngược lại. Vừa nhác thấy Ngọc Phụng , ông đã tươi cười cất tiếng chào:

_ Thưa bà... giám đốc vừa từ đâu về vậy ?

Nghe ông Lý chào hỏi mình bằng chức vụ của chồng, Ngọc Phụng nghi ngờ có thể ông ta biết về chuyện giữa hai vợ chồng nàng muốn trêu chọc cũng nên! Nàng im lặng đỏ cả mặt mày. Tuy nhiên nàng vẫn giữ lấy lễ đáp:

_ Thưa cụ... Lý... Cụ Lý đi chơi về?

Không đáp thẳng câu nàng hỏi, ông Lý hỏi lại:

_ Thế bao giờ thì ông giám đốc nhà về ?Hôm rồi, tôi có gặp cụ báo tin cho cụ rõ rồi. Nhớ NHớ khi nào ông giám đốc nhà về khao tiệc xin nhớ Lý với...

Hai mẹ con về đến nhà thì trời vừa sẩm tối. Đàn dơi bắt đầu xuất hiện bay lượn tìm mồi đập vào các cành cây cao rồi lao thẳng vào các bờ tường loang lổ. Mấy con đóm bay từ cụm cây thấp lè tè chập chờn ẩn hiện... dưới cơn mưa bụi.

Trong lúc chồng lo việc kết toán sổ sách cho Lý Đại Minh, còn Ngọc Phụng lo làm mấy thức ăn để chuẩn bị mang theo lên đường, thì bà Thục Trinh bán mấy đàn heo con để lấy tiền cho chồng và nàng dâu làm lộ phí.

Xong xuôi bà trao trọn khoảng tiền bán được cho chồng, chia một ít lại cho con dâu đề phòng nếu một trong hai người bị mất mát cũng còn có tiền chi dùng.

_ Má cẩn thận quá!

_ Không, mình phải làm như vậy, Nếu ba con bị kẻ gian móc túi thì còn có con... cũng đở.

Bà Thục Trinh vừa nói vừa cầm tay cháu nội hỏi:

_ Ngày mai đi rồi con có biết không ?

_ Ngày nào con cũng phải đi học hết bà nội à !

_ Không! Ngày mai này con sẽ đi chỗ khác chứ không đi học.

_ Đi đâu thế hả nội? Tại sao ?

_ Đi thật xa. Tận Thượng Hải.

_ Thượng Hải là nơi nào, sao con chẳng nghe má con nói?

_ Thượng Hải xa lắm...

_ Xa nhưng mà có gần trường con học không?

_ Không gần trường con học như không xa lắm.

Anh Hào ngẫm nghĩ rồi lên tiếng hỏi:

_ Thế bà nội có đi không?

_ Không. Nội ở nhà, Con với ông nội và má con đi thôi.

_ Vậy thì không được. Con cũng ở nhà với bà nội...

_ Đâu được... Con phải theo đi để được gặp ba con... Nhó là khi nào gặp mặt ba con phải khoanh tay chào tử tế.

_ Tại vì nội không biết, chứ ngày nào con cũng phải khoanh tay cúi đầu chào ba cả. Có ngày má còn bắt phải chào hai ba lần như vậy.

Nghe Anh Hào nói vậy, bà Thục Trinh há hốc mồm trợn mắt ra nhìn cháu nội, mãi giây lâu sai mới cất được tiếng hỏi:

_ Có... thật vậy... sao?

_ Con không nói dối với bà nội đâu! Mỗi lần chào như vậy má gật đầu khen con ngoan lắm! Con chào là là được ba cho ăn bánh ngay. Nhiều hôm má còn trao cho cả đồi chơi bảo là quà của ba cho nữa!

Nói xong, Anh Hào trụt ra khỏi tay bà nội bỏ chạy về phòng. Lúc bây giờ bà Thục Trinh cúi đầu suy nghĩ, lẩm bẩm nói trong miệng:

_ Chẳng lẽ vậy hay sao ? Tại sao mình không biết? Thật dò sông dò bể dễ dò, còn lòng người thì sâu thăm thẳm biết lấy gì mà đo được?

Ngoài trời màn đêm phủ xuống. Đêm nay không trăng nên tối mịt. Thỉnh thoảng vài ánh chớp lóe lên rực sánh lên nhưng rồi lại tắt biến ngay.

Quốc Trung về phòng, nhìn thấy vợ nằm thở dài thở vắn, vôi lên tiếng hỏi:

_ Bà buồn lắm phải không ?Tôi đi với mẹ con con Ngọc Phụng chậm lắm cũng chỉ hai tuần là về ngay. Ở nhà bà gắng nhớ giữ gìn sức khỏe...

Bà Thục Trinh nói vừa đủ cho chồng nghe lời lẽ của Anh Hào thuật lại, nhưng lại sợ chồng buồn trước khi ra đi, ảnh hưởng đến sức khỏe nên cố nén lòng chuyển sang những lời dặn dò chồng việc gặp mặt con trai tại nơi đất khách quê người:

_ Quốc Trung nè! Tôi năm nỉ là ông không nên quá giận dữ mà la lối om sòm khiên cho thằng Sùng Thật không dám về. Cái gì cũng vậy, nên ăn nói mềm mỏng như thể trao cả tình thương cho nó.

_ Ừ, tôi biết! Nhưng mà tôi cảm thấy đây là chuyện khá rắc rối... không phải như bà tưởng đâu!

_ Vậy chứ còn chuyện gì nữa? - Bà Thục Trinh ngạc nhiên hỏi vậy.

_ Nếu thằng con mình nó còn chút nhân tính thì khi trở về nước đã lo chạy về thăm cha mẹ, vợ con rồi... đâu đợi mình phải mang vợ con nó lên tận Thượng Hải như thế này ?! Vả lại nó cũng thừa biết là mùa đông tháng giá, phần mưa gió, phần lụt lội, cha mẹ nó thì già, vợ con nó thì yếu, chẳng lẽ nó nhẫn tâm nhìn cha già với vợ dại lặn lội lên chỗ thị thành lành ít dữ nhiều mà đi tìm nó?

_ Thì tôi cũng biết vậy, song tôi nghĩ là có mặt ông nó cũng vị tình nếu không nói là điều hiếu thảo, nó sẽ theo ngay về dù lươing nó có tám vạn đi nữa củng chẳng cần!

Quốc Trung nằn tỉ tê kể lại lời ông Lý bảo cho vợ nghe:

_ Tự bà không được nghe đó mà thôi. Ông Lý bảo đường sá xa xôi, mùa đông tháng giá, ờ các tỉnh tại miền Nam này thì ít, chứ tại miền Bắc thì gió rét đến cắt da cắt thịt. Thế mà xe cứ nghỉ từng chặng đường... Lên xuống thất thường. Khi thì đi xe hơi, lúc thì đi xe ngựa, cũng có nhiều chặng dường dài đến năm bảy dặm phải đành đi bộ... nếu gặp trời mưa gió thì ướt loi ngoi lót ngót... Gặp mùa xuân, nếu mùa xuân, mùa hạ chẳng nói gì, rủi ro nhằn hai mùa thu, đông thì chẳng có cái khổ nào hơn cái khổ ấy! Đã vậy, đâu có phải đi một thân một mình, đầu này còn na con nít theo, còn khuân vác hành lý... Đó là chưa nói có nhiều đoạn trường khác như phải băng suối lội sông...

_ Nghe ông nói mà tôi đâm lo quá... Ông già yếu như thế này, sớ lỡ rủi bị ngã bệnh thì biết làm sao?!

Nói đến đây bà lòm còm ngồi dậy lấy số tiền bán mấy đàn heo bỏ trong ruột tượng trao cho chồng:

_ Đây làn tiền bán hai đàn heo... tôi có trích ra một phần đưa cho con Ngọc Phụng cất bớt, đề phòng sớ lở cũng có số tiền nơi nó mà chi tiêu. Nếu ông có thiếu thì bảo nó đưa cho. Đừng có quá tiết kiệm trong việc ăn uống hoặc không dám đi xe cộ cứ lội bộ hoài e sức khỏe sẽ bị giảm sút...

_ Tôi biết... Còn gì dặn nữa không ?

_ Còn nữa. Ông nhớ là làm sao cũng lôi nó về cho tôi. Bảo với nó là tôi nhớ nó lắm... Tôi muốn được gặp mắt nó một lần có chết cũng yên lòng nhắm mắt!

Nói đến đây bà Thục Trinh bật khóc thành tiếng:

_ Lâu lắm rồi tôi đâu có gặp được mặt nó ?!

_ Thì tôi cũng vậy. Tôi có gì hơn bà đâu?

_ Tôi banh da xẻ thịt mà sinh ra nó. Chắt chiu nó. Nuôi nấng nó. Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn... Mỗi lần nó bị trở trời trái gió, tôi ăn không ngon, ngủ không yên giấc. Thế mà từ lúc nó biết ăn biết học tôi có được sống gần gũi nó bao giờ?!

(còn nữa)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002