Đại Chúng số 96 - Ngày 16 tháng 4 năm 2002

Duramax

LÁ THƯ TOÀ SOẠN

Sau 27 năm sống lưu vong, dù vật đổi sao dời, người Việt ly hương vẫn nhớ về đất nước. Tháng Tư Đen đã đổi đời cả dân tộc. Khi Miền Nam bị bức tử, tập đoàn cộng sản Bắc Việt đã áp đặt một chế độ hà khắc phi nhân trên toàn cõi Việt Nam. Đã 27 năm trôi qua, người dân sống trong hoà bình nhưng đói nghèo triền miên và mất tất cả quyền tự do của con người. Tình trang tham nhũng, hối bại, ỷ quyền cậy thế, cướp bóc, đàn áp người dân đã xảy ra khắp nơi. Người dân Miền Nam, ngày xưa từng nuôi giấu cán bộ cộng sản trong nhà, đã nhận ra bộ mặt thật của những người mệnh danh cứu nước. Suốt 27 năm qua, những tên chóp bu cứ giàu ra, tiền của gởi ra nước ngoài ngày càng nhiều, miệng nói lo cho dân còn tay thì bòn rút. Muốn chơi với tư bản, cầu cạnh, ăn xin, ăn mày mà không cần biết liêm sĩ là gì. Tập đoàn CS Bắc Việt mê tiền đô để no cơm áo ấm, muốn mở cửa thị trường để hốt tiền thiên hạ, nhưng lại bảo vệ một chế độ làm mục rửa xã hội Việt Nam, làm cho giá trị nhân phẩm con người Việt Nam bị chà đạp. Gần đây nhất, việc cắt đất, dâng biển cho Trung Cộng đã tạo nên sự phẩn nộ lớn trong lòng người dân Việt trong và ngoài nước.

Tháng Tư Đen năm nay, người Việt của chúng ta ở khắp noi trên thế giới đã tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để nhớ ơn tổ tiên, những Người anh hùng đã đổ biết bao xương máu, gầy dựng non sông Việt Nam. Chúng ta cũng đồng thời lên tiếng với thế giới về hành động bành trướng của CS Trung Cộng.

Chúng ta hãy cùng nhau đi dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại kỳ đài Eden vào ngày 21-4-2002 lúc 12 giờ và biểu tình ở Toà Đại Sứ Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc cùng ngày. Mời quý đồng hương tham dự và theo dõi tin tức Cộng Đồng vùng Hoa Thịnh Đốn mà chúng tôi đăng tải trong số báo nầy. Những vị nào ở Maryland không có xe thì xin hãy đến chợ Maxim tại đường University Blv. Chúng tôi sẽ có xe đến đón.

Tuần Báo Đại Chúng đã nhận được bài thơ "Sông, Núi! Gầm lên Theo Nỗi Đau" của Tâm Vô Lệ, bài thơ nói lên nỗi đau mất nước, niềm uất hận của thân phận người lưu vong khi phải khoanh tay đứng nhìn bè lũ CS Bắc Việt đang tâm cắt đất, dâng biển cho Trung Cộng.

Cuốn phim “We Were Soldiers” vừa mới ra đời đã gây một tiếng vang lớn và thu hút được nhiều người xem với số doanh thu đạt kỷ lục. Điều nầy đã nói lên sự thành công của bộ phim. "We Were Soldiers" đã đưa chúng ta trở về thập niên 1960, với những biến chuyển lịch sử của Việt Nam và đồng minh Mỹ. Số phận của những người lính Mỹ và số phận của QLVNCH tại Miền Nam Việt Nam, cái chết của ông Diệm....Bộ phim đã nói lên được tinh thần chiến đấu dũng cảm của người lính Mỹ bên cạnh QLVNCH tại thung lũng tử thần. Ký Điệu đã điểm phim và tiếp theo sau là Đạt Luận viết về những gì anh và đồng đội biết về trận đánh Ia-Drang.

Có ai còn nhớ trận đánh Ia-Drang, gần Pleiku? Tại sao đến 37 năm sau Holywood.USA mới tung ra phim nói về chiến trường nầy? Đây là trận đánh có thật hay là chuyện tưởng tượng? Xin mời độc giả tìm hiểu bộ phim nầy qua bài viết do Đạt Luận sưu tầm.

Cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn còn để lại một sự bàn cải sâu rộng trong lòng người Việt Nam nhất là Miền Nam Việt Nam và đã có nhiều sử sách nói về điều nầy. Chúng tôi xin được đăng tải bài viết "Quá Trình Hoạt Động Của Ông Ngô Đình Diệm" của Hoàng Long HDB để chúng ta có dịp ôn lại một giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước.

Kính gởi anh chị nhà văn Bình Huyên, TBĐC đã nhận được thư và bài của anh chị. Truyện ngắn "Yêu Chỉ Một Lần" và bài thơ "Lời Nguyền Mùa Xuân" chúng tôi sẽ đăng tải trong số báo nầy để giới thiệu đến bạn đọc. Truyện ngắn “Yêu Chỉ Một Lần” nếu đó là một câu chuyện có thật thì quả là "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng". Số phận con người như bèo dạt mây trôi. Tình yêu, danh vọng, giàu sang, hạnh phúc đều chịu ảnh hưởng theo vận nước nổi trôi, theo hoàn cảnh và số phận của mỗi con người. Cảm ơn anh chị đã thường xuyên cộng tác với chúng tôi trong tình thương mến và kính trọng. Xin gởi lời kính chúc tất cả các anh chị văn nghệ sĩ trong Câu Lạc Bộ Paris thành công, hạnh phúc và bình an.

Trong phần Vũ Trụ Và Con Người, Hoàng Quyên tiếp tục cống hiến quí vị bài viết "Có Dạng Sinh Vật Nào Đang Sống Trên Hoả Tinh". Từ bài viết nầy, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về những khám phá mới lạ của những nhà khoa học đối với những hành tinh bên ngoài trái đất.

Kính thăm cụ Mộng Tuyền nữ sĩ, TBĐC vẫn nhận được những tình cảm nồng hậu của cụ dành cho. Cảm ơn cụ đã bỏ nhiều tâm sức để trả lời tất cả những câu hỏi cho bạn đọc gần xa. Kính chúc cụ luôn vui khoẻ, yêu đời. Trong số báo nầy, cụ Mộng Tuyền nữ sĩ trả lời thư ông Đỗ Phú Nhiễu ở Bolsa Orange County, CA., bà Linh Quang Thiện ở Virginia (qua Huỳnh Văn Cao), bạn Đỗ Lệ Chi ở Moterey Park, cô Lan ở Mt. Pleasant, San Jose.

Quê hương Việt Nam có cây ngọt trái lành, có luỹ tre xanh, có hàng dừa nghiêng bóng, có dòng sông, con đò... để chúng ta mãi mãi nhớ thương. Nữ sĩ Minh Tâm (Paris) đã nhắc đến luỹ chuối, thành tre, đào, hông, trúc mai, chôm chôm măng cụt..với tấm lòng yêu tha thiết quê hương qua bài thơ "Tình Quê". Chúng ta cũng sẽ nhớ đến màu áo "Alpha" của người lính chiến MNVN ngày xưa từng bảo vệ từng mảnh đất MN để chúng ta có những ngày bình yên dạo chơi trên phố. Máu các anh đã đổ xuống cho đất Mẹ xanh màu cây trái. Trong số những người lính đó có nhà thơ Quốc Nam, anh đã nhiều lần bị thương trên chiến trường. Thơ anh mang nhiều hình ảnh, tình yêu, dáng dấp của quê hương. TBĐC gởi đến bạn đọc bài thơ "Bài Trăn Trối Của Một Người Lính Alpha Đỏ” của Quốc Nam. Hàng năm, đến mùa hoa Anh Đào nở, hàng ngàn du khách khắp nơi trên thế giới đến Washington D.C để ngắm hoa Anh Đào nở. Nguyên Thái- Nguyễn Văn Thắng, nhìn cảnh nhớ người nên đã sáng tác bài thơ "Đào Hoa Rực Aùnh Xuân Hồng" để vẽ lại một bức tranh xinh tươi của vạn vật và con người hoà trong mùa xuân mới.

Nhà thơ Hạo Nhiên vẫn bày tỏ trái tim người yêu thơ trong sự dung dị hoà hợp của tâm hồn nghệ sĩ. Cảm ơn nhà thơ Hạo Nhiên đã đến với chúng tôi bằng sự chia xẻ và cảm thông. Những năm gần đây, nhà thơ Hạo Nhiên thường viết về tình yêu. những bài thơ của ông chất chứa nỗi sầu và niềm đau của cuộc sống chia lìa. Chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn bài thơ "Như Trong Tiền Kiếp" và đồng thời gởi đến bạn đọc bài thơ "Hẹn Ngày Tái Ngộ" của Cẩm Hương.

Hai số báo trước, các bạn có dịp làm quen với Vi Anh Nguyễn Tấn Phước, trong số báo hôm nay, chúng tôi tiếp tục đăng tải bài thơ tả chân của ông về "Thung Lũng Tử Vong". Bài thơ nầy, nhắc cho chúng ta nhớ lại những ngày đầu khởi thuỷ của người dân Mỹ trong việc đi tìm vàng. Vi Anh muốn nói gì? Mời bạn đọc tìm hiểu bài thơ không trao chuốt, không bóng bẩy nhưng chứa đựng một lời cảnh cáo về long tham nhân thế.

Khi chúng ta ra đời là một hài nhi, không một ai có một mảnh vải che thân. Nhưng khi đi vào đời thì nhu cầu, sự đòi hỏi, lòng tham sân si của con người quá to lớn. Con người kèn cựa, thù ghét, ganh tị, ham muốn, tham lam độc ác...chém giết nhau vì tiền tài, danh vọng, quyền lực và vì lòng ích kỷ vô tận. Chúa Jêsu ra đời, Đức Phật Thích Ca Mầu Ni và nhiều tôn giáo ra đời để cứu cánh loài người bớt lòng tà dục. Con người luôn cầu xin Thượng Đế ban phước lành cho mình có đời sống bình anh, hạnh phúc, nhưng chính bản thân mình không bao giờ biết ban phước lành cho vợ, chồng, con cái, bà con, hàng xóm, bạn bè... Lòng ích kỷ, thói tham lam đó đã được con người đem đặt trên đầu Thượng Đế, Đức Phật và những vị Thánh khác rồi cũng tự con người tạo ra những cuộc tranh chấp về tôn giáo đời đời kiếp kiếp. Vậy thử hỏi, tôn giáo ra đời để cứu rỗi tâm linh con người hay tôn giáo là một "mối thảm hoạ cho con người". Ngoài việc chém giết tranh giành tiền tài, danh vọng, quyền lực, tham sân si...bất diệt, còn cộng thêm sự tranh chấp về tôn giáo thì có tôn giáo để làm gì? Ai trả lời được câu hỏi nầy hoặc nghiền ngẫm câu hỏi nầy thật rõ ràng thì người đó sẽ hiểu tại sao người Hồi Giáo ghét những tôn giáo khác và cuộc chiến giữa Do Thái và Palestine kéo dài triền miên, hay nhiều tôn giáo khác cứ tôn mình lên làm chúa tể thiên hạ mà không hiểu được cứu cánh của tôn giáo là dẫn dắt con người đến cái gì? Cứ tin là có Thiên Đàng để con người ngồi đó mơ ước khi chết đi mình lại hưởng ân phước của Thượng Đế (ở cõi trần gian đòi Thượng Đế ban phước chưa đủ, còn đòi lên Thiên Đàng hưởng tiếp). Nhưng trong đời sống hàng ngày, mình phạm bao nhiêu tội ác lỗi lầm, nói láo, lừa thầy, phản bạn, lòng tham lam vô bờ thì ai dám rước con người bẩn thỉu đó lên thiên đàng? Cũng từ những ý tưởng nầy, Phong Thu đã chuyển ngữ bài viết của Daniel Williams trong Washington Post "Young Bombers Nurtured By Despair" để độc giả có thể tìm hiểu thêm tại sao người dân Palestine "thích" nổ bom cảm tử. Họ yêu nước? Họ muốn nổi danh? Hay vì tuyệt vọng cuồng tín? Họ muốn đi tìm thiên đàng ở đâu? Có phải đi tìm trong phương pháp giết hàng loạt người và tự sát? Tôn giáo là liều thuốc nhiệm mầu cho kẻ thức tỉnh, có tâm đạo, có nhân tính, nhưng nó là một cái hố sâu thăm thẳm bất tận, tăm tối, u mê cho những ai không hiểu đầy đủ về hai chữ “TÔN GIÁO”.

Chúng tôi cũng giới thiệu đến bạn đọc một câu chuyện ly kỳ về một người con gái Afghanistan có đôi mắt thu hồn đã bị thất lạc suốt hơn hai thập kỷ. Số phận của người con gái ra sao dưới chế độ Taleban? Mời độc giả theo dõi bài Đạt Luận sưu tầm trong mục "Tin Nhỏ Cần Biết".

Nhà văn Thinh Quang cũng chuyển sang một bài mới "Lão Ngáo Tự Thuật- Lạc Trong Rừng Chữ Nghĩa". Thành thật cảm ơn nhà văn Thinh Quang đã có một đề tài mới để gởi đến người đọc một nụ cười. Chúng tôi cũng cảm ơn Ngu Ý đã chuyển sang cho ĐC bài "Coi Bói" trong mục Nụ Cười Người Xưa.

Số báo nầy, TBĐC đã vắng bóng thơ của Cung Diễm, Hà Thượng Nhân, Thân Thị Ngọc Quế, Trình Xuyên, Trúc Nam, Tú Lắc... TBĐC rất mong tiếp xúc với các vị để trao đổi những suy nghĩ về quá trình cộng tác của quí vị và TBĐC. Kính chúc quí vị vui khoẻ, bình an và nhiều may mắn. Mong nhận được tin quí vị sớm trong niềm kính trọng và quí mến.

Người Á Châu thức ăn chính là gạo, người Âu Châu thức ăn chính là bánh mì. Nhưng không hiểu vì sao các nhà khoa học lại đưa ra giả thiết rằng “Trẻ em ăn bánh mì có thể gây chứng bệnh cận thị?!”. Giả thiết nầy có đúng không? Trong trang Khoa Học và Y Khoa, Hữu Học Sinh Họ Vương sẽ cống hiến bạn đọc những tin tức lạ khắp nơi.

Và quí vị cũng có thể dành chút thời gian để, đọc phần Y Học và Đời sống của Phụng Hồng nói về công dụng của cà chua- "Dược Liệu Chống Ung Thư".

Tại sao An Xuyên nói về "Những Con Voi Giấy" và những thành phần nào được liệt vào loại những con voi giấy? Dù trước mắt đã thấy hành động của bọn con buôn chính trị, chuyên nói láo để gạt gẫm đồng bào nhưng cũng có khối kẻ muốn chạy theo bưng bợ để kiếm chút cháo, chút danh. Nhiều người có mắt mà cũng như mù không nhìn thấy được những hành động của bọn con buôn chính trị đã làm mất niềm tin quần chúng. Đã vậy, bọn người thích theo sau còn viết thư rơi, dùng từ ngữ bẩn thỉu y hệt như bọn tú bà ở chợ Cầu Muối. Những tưởng qua Tây học được nền văn hoá xứ người, thì có thể rửa sạch được cái “vết bẩn xưa” ai ngờ cũng không khá hơn...

Em Lưu Nguyễn hay em Luyến Lưu muốn giấu đầu thì lại lòi đuôi ra cho người ta biết. Thôi thì em có muốn dùng những lời thô tục để chửi cha, chửi mẹ hay lôi ông bà ông vãi của ông Hoài Thanh ra thì cứ lên cái đài TNVNHN của bà Hiền mỗi đêm mà "ré". Em cứ yên tâm, em sẽ được mời ra trước toà án để trả lời về những lá thư "bay mùi mít" của em. Dưới ánh sáng luật pháp em tha hồ mà ăn nói vô văn hoá...Em có can đảm thì cứ lên đài cất giọng ngọt như dao cạo mà kêu gọi đi dự ngày "Đại Gạt”. Các anh chị sẽ đón tiếp em nồng hậu mỗi tuần. Và em sẽ nỗi tiếng như cồn không cần mở đài phát thanh. Đừng có lo mất phần.

Nếu ở Seattle, cộng đồng người Việt tị nạn chống văn công CS thì ở Washington D.C Vương Thảo Hương viết bài ca ngợi về những đóng góp của Ban Văn Nghệ Đông Phương. Chúng tôi xin đăng tải để quí đồng hương biết về ban nhạc nầy và ủng hộ các bạn trên con đường phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn.

Kính chúc quí vị một tuần lễ an lành, hạnh phúc.

Đại Chúng

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002