Đại Chúng số 96 - Ngày 16 tháng 4 năm 2002

Duramax

30.4.75 - 30.4.95
NHỮNG GIỌT LỆ MUỘN MÀNG CHO MỘT CUỘC CHIẾN DÀI NHẤT THẾ KỶ

Hoàng Long. HDB

(tiếp theo & hết)

Quá Trình Hoạt Động của Ô. Ngô Đình Diệm

Ông Diệm rất ngoan đạo. Ông muốn trở thành linh mục và đã vào nhà Dòng lúc 15 tuổi. Sau, ông bỏ Dòng và vào Trường Quốc Học Huế, rồi Trường Hành Chánh, Hà Nội. Ông lần lượt được bổ nhiệm: Quận Trưởng, Quảng Trị; Tỉnh Trưởng Phan Thiết; Bộ Trưởng Bộ Lễ. Ông từ nhiệm sau đó vì Pháp không chấp nhận những đề nghị cải cách của ông. Tháng 3.54, Nhật đảo chánh Pháp, Ô. Bảo Đại muốn ông làm Thủ Tướng, nhưng Nhật không chịu, vì thế Ô. BĐ bổ nhiệm Ô. Trần Trọng Kim. Tháng 2.46, Hồ Chí Minh đề nghị chức Bộ Trưởng Nội Vụ trong Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia, nhưng Ô. Diệm từ chối. Năm 1948, tại Hồng Kông, ông ba lần thuyết phục Cựu Hoàng BĐ phải cứng rắn trên lập trường quốc gia độc lập. Ông thất vọng về Hiệp Ước Vịnh Hạ Long nên từ chối lời ông BĐ mời làm Thủ Tướng năm 1949. Năm 1950, ông qua La Mã, rồi qua Nhật gặp Hoàng Thân Cường Để. Tại Nhật, ông cố gắng gặp Tướng Mac Arthur, nhưng vô hiệu. Tuy nhiên, ông được gặp Wesley Fishel, Giáo Sư Đại Hoạc Michigan. Tháng 9.50, ông qua HK và ở tại Chủng Viện Lakewood, NJ, và Chủng Viện Ossining, NY. Năm 1954, ông được BĐ trao chức Thủ Tướng Toàn Quyền tại NVN và TT Eishenhower viết thư gửi ông ngày 23.10. 54 xác nhận chính phủ HK nhìn nhận từ nay trở đi sẽ cung ứng viện trợ trực tiếp cho chính phủ NVN. (Coi [2], tr. 53- 55)

Việc đáng kể đầu tiên trong thời đại của ông TT. Diệm là làn sóng người di cư từ miền Bắc vào Nam. Mặc dầu CS cố ngăn trở, hơn 900.000 người tỵ nạn đã tới được miền Nam, trong đó có khoảng 600.000 là công giáo. Kế đó là việc thanh toán các lực lượng Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài; bãi bỏ Nhà Băng ĐD; và yêu cầu Pháp giao lại chủ quyền Quân Lực VN. Sau cùng là cuộc trưng cầu dân ý chọn lựa giữa ông và BĐ vào ngày 23.10.55. Ông được 98.2% số phiếu. Saigòn lúc đó chỉ có khoảng 405.000 cử tri ghi danh; nhưng số phiếu bỏ cho ông Diệm lên tới 605.000. Tiếp đó là việc dẹp biểu tình đòi tuyển cử, cắt đứt mậu dịch, và thư tín giữa hai miền. (Coi [2], tr.13, Unit 2)

Năm 1957, TT NĐD qua HK và được tiếp đón vô cùng trọng thể: TT Eishenhower ra tận phi trường, cúi đầu thật thấp theo lễ nghi Á Đông, chào TT Diệm và so sánh TT Diệm với George Washington, vị anh hùng của nền độc lập và vị khai quốc của HK. Tất cả nhân vật lưỡng viện HK đã nhiều lần đứng lên vỗ tay không dứt tán thưởng bài diễn văn của TT Diệm.. Báo New York Times, thường hiếm có lời khen, mô tả TT Diệm như là "Một Nhà Giải Phóng Á Châu". Tạp chí Life viết bài tán dương, nhan đề "Con Người Thật Kỳ Diệu của VN." (Coi [2], tr.60- 61)

Đảo Chính 1.11.63: TT. Ngô Đình Diệm và CV. N Đ. Nhu Bị Thảm Sát

Một mặt hoạt động của VC ngày một gia tăng đáng kể với sự yểm trợ tối đa của CSHN, mặt khác HK muốn đích thân tham chiến tại NVN nhưng TT Diệm không tán thành; hai sự kiện đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc sụp đổ chính quyền NĐD.

Năm 1959, HCM ra lệnh: “Chiến đấu võ trang chống Diệm". Chính quyền mới của TT Kennedy tỏ ra muốn giúp NVN. Kennedy mô tả NVN như là "Một trắc nghiệm trách nhiệm và ý chí của HK". Vào năm 1963, có khoảng 16.000 cố vấn Mỹ tại NVN. TT Ngô Đ. Diệm đã không đáp ứng yêu cầu gia tăng binh đội HK tại NVM và từ đó âm mưu đảo chánh đã được hình thành. Tháng 10.63, Kennedy cúp viện trợ và ra lệnh cho đại sứ Mỹ rằng HK sẽ không “chống một sự thay đổi chính quyền. Tiếp đó là đảo chánh 1.11.63. Những nhân vật dính líu trong âm mưu đảo chánh này là: Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Hiếu Nghĩa, Nguyễn Văn Nhung. Những người được Tướng Dương Văn Minh phái đến đón Ô. Diệm và Nhu là: Tướng Mai Hữu Xuân, Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa, và Đại Úy Nguyễn Văn Nhung. Đ/úy N.V.Nhung, cận vệ của Tướng D.V.M., được nhiều nhân chứng cho biết là người đã hạ sát anh em TT NĐD trên ngay thiết vận xa M 113. Nếu TT. NĐD còn là nhân vật cần thiết cho HK thì ông đã không thể bị thanh toán. Những nhân vật kế tiếp đó như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, Trần văn Hương, và Dương Văn Minh đã không có đủ uy tín để lèo lái con thuyền chống cộng mỏng manh chứa đầy những gián điệp nằm vùng và những hoạt đầu chính trị xôi thịt. Cái chết thảm thương của ông Diệm và ông Nhu là một bài học cho thấy thế nào là sức mạnh của quyền lực và đồng thời cho cũng cho thấy thế nào là khí tiết của những nhà ái quốc chí thành. Riêng vụ xử bắn Ô.Ngô Đình Cẩn và ông ấy đã không để bịt mặt, khảng khái nhìn cái chết, đủ nói lên tinh thần khinh miệt của ông đối với những bàn tày âm mưu đảo chính. Tóm lại, vụ ám hại gia đình họ Ngô cũng chẳng khác gì những vụ ám hại của CSHN đối với các nhân vật quốc gia yêu nước và đã càng làm thêm cho người ngoại quốc có cái nhìn sai lệch về truyền thống nhân đạo của văn hóa dân tộc Việt!

Màn Ba: HK Tham Chiến & Nền Đệ Nhị Cộng Hòa

HK đổ quân trực chiến tại NVN nhằm mục đích gì? Tại sao không Việt Nam Hóa Chiến Tranh ngay từ thời điểm 1956? Hai sự kiện này đã được ghi nhận là những sai lầm căn bản của HK trong chính sách đối với Cuộc Chiến VN: “Con người là lầm lẫn", Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara đã thú nhận như vậy. Thực vậy, sự hiện diện của quân lực HK tại NVM, cũng như quân Pháp trước đó, chỉ giúp cho đối phương càng có lợi thế tuyên truyền là HK xâm lược. Mặt khác, thực tế cũng chứng tỏ rằng quân đội VNCH được trang bị đầy đủ đã thừa sức tiêu diệt quân CS trên mọi chiến trường, giản dị là vì quân lực VNCH chiến đấu có lý tưởng - Chống Cộng và Bảo Vệ Quê Hương, có tinh thần kỷ luật, và có văn hóa + kỹ thuật chiến đấu cao hơn đối phương.

Tham chiến tại NVN, HK có dịp tôi luyện quân sĩ, trau dồi kỹ thuật tác chiến, thử các loại vũ khí, và trên hết là làm cho kinh tế của Liên Xô và Trung Cộng xa sút trầm trọng. Mặt khác sức chiến đấu của quân đội HK lại bị giới hạn trong tầm mức sao cho cuộc chiến không lan rộng để có thể gây nên cuộc đối đầu trực tiếp với Liên Xô và Trung Cộng. Vào năm 1965, HK đã bắt đầu thả bom Miền Bắc để trả đũa việc CSHN đem quân vào NVN. Tổng số quân HK tham chiến tại NVN đã lên tới gần 550.000 vào năm 1968. Vào thời điểm này, Cựu Bộ Trưởng McNamara đã nhẩy qua hàng ngũ phản chiến và ở trong nước cũng như ngoại quốc đã dấy lên nhiều cuộc phản kháng đòi HK chấm dứt chiến tranh khiến TT Nixon phải tuyên bố kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh và tìm mọi cách làm cho CSHN chịu ngồi vào bàn thương nghị. CSHN nắm được tẩy HK là muốn rút ra khỏi cuộc chiến và lấy lại tù binh, nên đã tăng cường các cuộc tấn công ngõ hầu HK phải chịu giá đắt khi thương nghị.

Cũng nên nhắc lại là vào năm 1954, TNS Johnson chống việc gửi binh sĩ HK vào ĐD. Năm 1964, Johnson bác bỏ đề nghị của De Gaulle cho một VN trung lập, và ngày 20.10.64, ông ra lệnh cho Henry Cabot Lodge, đại sứ HK tại Saigòn: "Chấm dứt nói chuyện trung lập ở bất cứ chỗ nào và bằng bất cứ cách nào". Ông cũng được bộ trưởng quốc phòng McNamara từ Saigòn về cho biết là CS có thể sẽ thắng trong vòng vài tháng nữa. (!)Mc Namara đã hối thúc Johnson điều động ngay lập tức số lượng lớn binh đội HK. Curtis LeMay, chỉ huy trưởng Không Lực, kêu gọi giội bom Bắc Việt: "Nói cho họ [CS] biết là họ phải rút hay là chúng ta sẽ giội bom cho họ trở về thời kỳ đồ đá” (5.64). Trước khí thế muốn đánh và để hy vọng cho cuộc bầu cử 11.64, Johnson đành tuyên bố: "Tôi sẽ không phải là vị TT nhìn Đông Nam Á đi con đường của Trung Quốc”. Như vậy bằng cách nào HK đưa quân tham chiến?

Nghị Quyết Vịnh Bắc Kỳ: Vụ Tầu Madox Bị CSHN Tấn Công

HK tham chiến tại NVN đã không có sự phê chuẩn của quốc hội như đã qui định trong hiến pháp. Đã có nhiều vị TT đã tìm cách né tránh điều khoản này như W McKinley gửi quân qua Trung Hoa dẹp loạn Quyền Phỉ; TT Roosevelt, Talf, và Wilson can thiệp vào vùng Caribean và Mexico; Truman gửi quân chiến đấu tại Korea, đều không xin quốc hội tuyên chiến. TT Johnson cũng vậy, ông chỉ trình cho QH duyệt bản dự thảo Quyết Nghị cho phép ông phái binh đội HK tới bất cứ xứ ĐNA nào bị đe dọa bởi “sự xâm lăng hoặc lật đổ”.

Vụ Tầu Madox tại Vịnh Bắc Kỳ

Ngày 1.8.64, diệt lôi hạm Madox báo cáo bị tầu Bắc Việt tấn công. Đêm 4.8.64, tầu C. Turner Joy và Madox báo cáo bị tấn công. Bản Nghị Quyết Vịnh Bắc Kỳ được đệ trình cho Quốc Hội xin cho TT được quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lui mọi tấn công võ trang nhắm vào các lực lượng HK. Ngày 7.8.64, QH biểu quyết với số phiếu 416/0 của Hạ Viện và 88/2 của Thượng Viện. Một trong những Thượng Nghị Sĩ bất đồng ý kiến là ông Wayne Morse của bang Oregon đã tiên liệu: "Tôi tin là lịch sử sẽ ghi rằng chúng ta đã phạm một sai lầm lớn. Chúng ta thực sự đang ban cho TT những quyền hạn tham chiến mà không có khai chiến". Lời tiên đoán này đã được chứng minh vào năm 1970 khi QH bãi bỏ Nghị Quyết Vịnh Bắc Kỳ.

Yêu Cầu Gửi Binh Đội Chiến Đấu

Lúc đầu TT Johnson còn lưỡng lự chưa hành động mặc dầu có sự hối thúc tấn công như Phụ Tá Bộ Ngoại Giao William Bundy, TNS Russel Long, Bộ trưởng QP McNamara, và các Tham Mưu Trưởng Liên Quân, hối thúc TT đặt quốc gia vào một cuộc địa chiến và giải thích cho công chúng về vai trò của HK tại NVN. Cuối cùng, tháng 3.65, TT Johnson chấp thuận yêu cầu của Westmoreland, gửi quân đội qua NVN mà không thông báo cho QH hay công chúng: ông nói chỉ là để bảo vệ phi trường Đà Nẵng và sẽ rút ngay. Ba tháng sau, ông mới nhìn nhận là binh đội HK đã được phép mở các cuộc hành quân tấn công.

Leo Thang Chiến Tranh

Cộng Sản gia tăng mạnh mẽ các cuộc tấn công khắp miền Nam. Chính quyền Saigòn vẫn chưa ổn định. Westmoreland càng ngày càng đòi gởi thêm quân. Đầu 1966 đã có gần 200.000 binh sĩ Mỹ. Trong lúc quân số tiếp tục leo thang, vài khuôn mặt phản chiến bắt đầu hoạt động. McNamara là nhân vật chính xét lại khi thấy cuộc giội bom để ngăn chặn Cộng quân không mấy hiệu quả. McNamara cũng rất ý thức được sự khuấy động đầu tiên của phong trào phản chiến trong nước. Thất vọng, ông đã bỏ phiếu cho con đường rút lui, và ngay cả đề nghị Việt Cộng được mời chia xẻ chính quyền tại NVN. Thấy McNamara không trung thành, năm 1967, Johnson thay thế ông ta bằng Clark Clifford (coi [1], tr.20, Unit 2). Cuộc Chiến VN có thể đã rẽ hướng kể từ lúc này. Cuộc chiến tiếp tục leo thang. Nhưng rõ ràng là CSHN không chùn bước. Phong trào phản chiến lan rộng nhanh và mạnh. CSHN đã khai thác tối đa sự chống đối chiến tranh trong và ngoài HK, vì họ hiểu rằng đó chính là lá bài thắng của họ. Phe chủ chiến thì cố gắng đưa ra những báo cáo mầu hồng về tình hình chiến cuộc: Dean Rusk, Bộ Trưởng NG mô tả: "Bắc Việt thương tổn nặng nề"; Westmoreland: “Chúng ta đã đạt được một điểm quan trọng khi cuộc chấm dứt bắt đầu ló dạng”; Phó TT Hubert Humphey: “Chúng ta bắt đầu thắng cuộc chiến đấu này. Chúng ta đang tấn công. Đất đai đang lấy được. Chúng ta đang có những tiến bộ đều đặn”. Trong khi đó thì CSHN ráo riết chuẩn bị cuộc tổng công kích bất ngờ vào Tết Mậu Thân 1968.

Cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân (1968)

Cuộc tổng công kích này nhằm mục đích hạ uy tín lãnh đạo của TT Johnson và đổ thêm dầu vào các ngọn lửa phản chiến. Ngày 31.3.68, Johnson ra lệnh ngưng giội bom BV và đề nghị mở thương thuyết với CSHN; đồng thời ông cũng tuyên bố không tái ứng cử TT vào tháng 11.68. Trong cuộc TCK đó, CSHN đã trả một giá rất đắt: 36.000 trong số 195.000 cộng quân bị chết trong cuộc tấn công vào 36 trong 44 thành phố, 64 quận lỵ, vô số làng xã, và 12 căn cứ Mỹ. Báo chí HK tung tin: sở dĩ CSHN mở cuộc tấn công vì dân chúng NVN đã sẵn sàng nổi dậy. Thực tế đã không xẩy ra điều này và kể cả sau này khi CSHN tiến chiếm Saigòn vào tháng 4.75, cũng đã không có một nơi nào có quần chúng nổi dậy. Ngược lại họ đã tìm mọi cách để trốn nạn CS ngay từ những ngày đầu Saigòn bỏ ngỏ cho cộng quân vào chiếm.

TT Nixon khi mới lên nhậm chức đã tuyên bố: "tôi sẽ đi tới bất cứ chỗ nào có thể tìm được hòa bình". Sau đó ông đã đi Liên Xô và Trung Cộng. Nhưng CSHN không chịu ngồi vào bàn hội nghị, và Nixon đã phải ra lệnh oanh tạc BV dữ dội với một câu nói cứng: "Tôi sẽ không là vị tổng thống HK đầu tiên thua cuộc chiến" (coi [1], tr.23 – 25, Unit 2).

Cuộc Tái Công Kích 1972

Mở cuộc TCK này, CSHN cũng nhằm giành thắng lợi tối đa tại Hội Nghị Paris. Ngày 30.3.72, hơn 120.000 quân Cộng Bắc Việt cùng với quân VC Miền Nam tái công kích trong khi HK đã rút tới 90% quân số tham chiến tại NVN. Cuộc công kích này kéo dài tới tháng 7.72 mới chấm dứt. Ngày 14.8.72, Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến mở cuộc phản công tái chiếm Cổ thành Quảng Trị và CS đã tổn thất 100.000 quân.

Đẩy kui cuộc TCK 1968 và TCK 1972 đã nói lên sức chiến đấu hữu hiệu của Quân Lực VNCH. Điều này có nghĩa là: nếu quân lực VNCH được trang bị đầy đủ thì cũng thừa sức tiêu diệt cộng quân.

Màn Bốn: Tháo Gỡ Bộ Máy Chiến Tranh & Họp Tay Đôi

HK lúc vô VN không khó bằng lúc rút vì khó có thể thuyết phục cho phe quân đội không kèn không trống rút về. Kế hoạch rút quân đã được soạn thảo ít ra là kể từ năm 1967 khi Cựu Bộ Trưởng QP McNamara từ hàng ngũ chủ chiến bước sang hàng ngũ phản chiến. Tại các trường đại học đã mở ra các cuộc hội thảo chống Cuộc Chiến VN gọi là "teach-ins". Kissinger được đặc cử liên lạc với Herbert Marcovich và Raymond Aubrac những người này đã từng biết HCM từ 1946. Hai nhân vật này đã tới gặp HCM đầu năm 1967. Sau đó Kissinger xin gặp trực tiếp Mai Văn Bộ, nhưng bị HN từ chối. HK giội bom dữ dội hơn. CSHN điêu đứng, buộc phải xin ngưng giội bom và chịu vào họp ngay sau 3 ngày HK ngưng dội bom (3.4.68). Cùng lúc đó, tại Saigòn, TT Thiệu cùng với các nước Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên, Thái, Phi, Úc, và Tân Tây Lan, ra thông cáo chung chống Mỹ và HN họp tay đôi. Ban đầu, các cuộc họp tay đôi được tổ chức từ 10.5.68 tại Paris. NVN chỉ được coi là đối tượng để mằng cả giữa HK và CSHN (coi [2], tr.157 – 163).

Đồng thời với các cuộc họp bàn tại Paris, HK đã mở các cuộc họp rùm beng với chính phủ Thiệu-Kỳ làm như thể HK sẽ không bỏ rơi NVN! Các cuộc họp có tính chất cuội này đã diễn ra tại Honolulu, 18.7.68. Mục tiêu của các buổi họp là Mỹ rút quân và NVN tự gánh vác lấy việc chiến đấu chống Cộng. Một tuần trước khi hội thượng đỉnh diễn ra đã có nhiều cuộc gặp gỡ giữa yếu nhân HK và NVN. Ô. Kỳ tuyên bố thẳng rằng: “Tiền của các ông (HK) phí phạm đổ vô bom, hãy cho chúng tôi để chúng tôi thực thi chương trình đó. Các ông đã quá tốn phí về bom và đại bác. Tôi không tin là có thể ngăn BV xâm nhập bằng cách thả bom mà phải dùng đến bộ chiến. Hãy viện trợ cho chúng tôi, các ông sẽ thấy kết quả tốt hơn". [rõ ràng ông Kỳ không hiểu ý HK: oanh tạc chỉ để buộc HN chịu vào hội nghị bàn việc HK rút quân và lấy lại tù binh, và giá trao đổi là NVN với bi chú "không viên trợ"!] Clifford gặng hỏi: "Vậy thì lương lính của ông là trách nhiệm của HK sao?" Ông Kỳ đáp: “Không! Nhưng có nhiều cách khác nhau để viện trợ.” (coi [2], tr.180 - 81).

Kết quả Hội Nghị Honolulu

TT Thiệu tuyên bố HK có thể khởi sự rút quân vào năm 1969 và yêu cầu đưa ra bản thông cáo chung, và HN cũng phải rút quân. NVN chống công thức của một chính phủ liên hiệp với CS (coi [2], tr. 193). Tất cả những tiếng kêu cầu của NVN đều chỉ diễn ra cho có hình thức.

Thỏa Ước Hòa Bình và Saigòn Hấp Hối

Tháng 10.72, cuối cùng HK và CSHN đạt được sự dàn xếp cho cuộc chiến với sự nhượng bộ tối đa của HK: quân BV khoảng 150.000 được ở lại NVN; TT Thiệu phải từ chức và thay thế bằng một chính phủ lâm thời. Ngày 23.7.73, Thỏa Ước Hòa Bình Paris được ký kết, mở đầu màn bức tử chế độ VNCH được che dấu, ngụy trang khéo léo đến ngộ nghĩnh với sự bảo đảm của TT Nixon rằng: HK sẽ cựu lực đáp ứng nếu HN vi phạm thỏa ước! Ngày 4.6.73, Quốc Hội HK thông qua đạo luật ngăn chặn ngân khoản đối với mọi chiến phí của quân Mỹ tại ĐD (coi [1], tr. 28, Unit 2). Như vậy là mạch máu của NVN đã bị tắc nghẽn, cuộc sống của NVN thoi thóp từng ngày. Chẳng bao lâu vị TT cố gắng cứu vãn NVN là Nixon cũng bị buộc phải từ nhiệm năm 1974.

Màn Năm: Nền Cộng Hòa NVN Sụp Đổ

Hậu quả tất nhiên của cái gọi là Hòa Hội Paris: chính quyền ông Thiệu phải ra đi và một chính quyền thân cộng ra đời để rồi CSHN thản nhiên xua quân vào chiếm Saigòn. Ngày 6.4.75, Tướng Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, và Đinh Đức Thiện, thành lập bộ chỉ huy chiến dịch lấy tên là CDHCM tiến về hướng Saigòn. Tuy nhiên trước những giờ phút bị bức tử, mặc dầu các nguồn tiếp tế nguyên liệu bị cắt đứt, và các đơn vị thiện chiến trừ bị như Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã bị phân tán, quân lực VNCH vẫn anh dũng chiến đấu đẩy lui nhiều đợt tấn công của Cộng quân.

Trận Phước Long và Tống Lê Chân

Đầu năm 1974 CSHN tung ra một loạt tấn công quy ước có đầy đủ xe tăng và pháo binh yểm trợ. Mở màn là Trận Phước Long và Tống Lê Chân gần biên giới Miên. Cuộc phản công tái chiếm lại PL &ø TLC đã cho CSHN thấy tinh thần cùng kỹ thuật chiến đấu của binh sĩ VNCH rất cao và CSHN khó nuốt nổi ngay Miền Nam. CSHN bèn quay mũi dùi ra Miền Trung, mở cuộc tấn công thăm dò tại Ban Mê Thuột nằm sát đường mòn HCM giáp Lào vào ngày 8.3.75. Cuộc phản công tái chiếm BMT của quân sĩ trong và ngoài thành phố đã làm cho cộng quân thiệt hại lớn lao. Nhưng vào lúc này, TT Thiệu lại một mình ra lệnh rút (?), làm vỡ thế trận và cộng quân đã thừa thế xông lên làm tình thế đảo ngược có lợi cho CSHN. Tiếp theo đó và tệ hại hơn hết là Ô. Thiệu lại ra lệnh cho Tướng Ngô Quang Trưởng rút khỏi Quảng Trị. Cuộc tháo lui đột ngột khiến nhiều hỗn loạn xẩy ra đã làm cho quần chúng mất tinh thần. Ai đã cố vấn cho Tướng Thiệu đưa ra quyết định rút lui tự sát này?! Không có cuốn phim nào có thể mô tả hết những kinh hoàng trên con đường rút khỏi miền Trung khi cộng quân thừa thế nã súng cối bừa bãi vào đoàn người chen nhau di tản trên Đại Lộ Kinh Hoàng.

Việt Cộng Bàn Giao Việt Cộng tại Dinh Độc Lập

Với cái giá trao trả tù binh, hẳn là CSHN đã đòi HK bàn giao nguyên vẹn NVN cho họ. HK đã phải giữ hết sức bí mật trong việc thực hiện kế hoạch bỏ NVN sao cho không xẩy ra đại hỗn loạn. Chính vì thế mà người ta đã thấy Tướng Thiệu, Tướng Vĩnh Lộc v.v... vào những phút chót vẫn tuyên bố là ở lại tử thủ! Trong giờ phút Saigòn hấp hối vẫn không ít người đặt niềm tin vào Hoa Kỳ sẽ can thiệp, vì đó là niềm hy vọng cuối cùng trong tình thế tuyệt vọng. Trong khi đó thì chính quyền DVM gồm toàn những nhân vật thân cộng hoặc là CS nằm vùng: Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Hảo, Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Hữu Hạnh, Lý Chánh Chung, Trần Ngọc Liễng, Hồ Văn Minh, v.v... Cựu TT. Trần Văn Hương đã tỏ ra rất đau lòng và không tin tưởng gì khi phải bàn giao chức vụ TT cho DVM. Tuy nhiên có DVM thì màn tuồng tiếp thu mới đúng là ý của các nhà đạo diễn.

Ngày 29.4.75: Đại Sứ Mỹ Martin nhận được mật mã di tản. Tân Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu thông báo trên đài yêu cầu MỸ rút khỏi Saigòn tức khắc. Trưa hôm đó, hai sư đoàn 70 và 968 của CSHN chiếm Củ Chi. Suốt đêm và sáng hôm sau, hàng chục chuyến trực thăng Mỹ lo di tản.

Ngày 30.4.75 cánh quân phía đông của Lê Trọng Tấn tiến vào Saigòn hướng về Dinh Độc Lập. TT. Dương Văn Minh cử tướng Nguyễn Hữu Hạnh đi liên lạc và hướng dẫn CSHN vào bàn giao tiếp thu chính quyền. 10:20 sáng, đài cho phát thanh lời tuyên bố buông súng, ngưng bắn tại chỗ, và sẵn sàng chuyển giao quyền hành cho "người anh em MTGPMN". 11:15, chiến xa Cộng quân tiến về phía Dinh Độc Lập từ ngả Hai Bà Trưng quẹo qua đại lộ Thống Nhất. Khi chiến xa Cộng vừa tới phía sau Thánh Đường thì bị một tràng đại liên của một tiểu đội dù từ hướng Đài Phát Thanh rút về. Khoảng gần trưa, chiến xa đầu tiên của cộng quân húc đổ cánh cửa sắt tiến vào Dinh ĐL. Nền Cộng Hòa NVN cáo chung.

Khi NVN hấp hối, ký giả Pháp, Jean Lartéguy viết trong cuốn L’Adieu à Saigòn [Lời Vĩnh Biệt Gửi Saigòn] như sau:

Ngày 26.4.75: Đêm nay dường như TT. N.V.Thiệu đã bay đi Đài Loan. Cả một kho châu báu, đồ cổ, 16 tấn hành lý và có thể ông ta còn mang theo cả vàng của Ngân hàng Quốc Gia,... Trong nhiều năm người chịu trách nhiệm gây ra sự sụp đổ của NVN là viên tướng nhỏ con NVT. Ông đã giữ binh lính và người dân NVN trong tình trạng ngủ mê cho tới cùng. Đến lúc mái nhà rớt xuống, ông ta đã có một quyết định tai hại là ra lệnh rút khỏi cao nguyên mà chẳng cần tham khảo ai hết, chẳng chuẩn bị gì hết. Thiệu là ai? Đã bao lần chúng ta đặt câu hỏi ấy đối với người không mặt, con người chẳng ai biết tới ấy. Trước hết đó là một quân nhân hạng tồi... Thiệu đa nghi. Ông ta có cái xảo quyệt của một con cáo già. Như thế ông ta đã làm chính trị suốt đời. Không phải thứ chính trị cao cả mà là thứ chính trị thấp kém. (coi Phạm Kim Vinh: Saigòn, 1979, tr. 15 – 19)

Còn ông Minh như thế nào? Jean Lartéguy nhận xét như sau:

Minh là ai? Những biến chuyển có ông ta dính líu vào, sự phức tạp và những mâu thuẫn của đám người quanh ông ta cho thấy rằng trên hết, ông ta chỉ là một dụng cụ để phục vụ những chính sách khác nhau, hoặc để phục vụ những kẻ đầy tham vọng, những kẻ ấy sau khi đã tìm cách dùng được ông ta rồi thì họ bỏ rơi ông ta, để mặc ông ta trong bối rối và lúng túng.

12:05 ngày 29.4.75, một đoàn 3 xe jeep võ trang chở 12 người lính hộ tống Đề Đốc Cang, người được những gì còn lại của quân lực Miền Nam ủy nhiệm, và một đại diện của Hòa Hảo tới nhà riêng của Tướng Minh. Đại diện Hòa Hảo chỉ ngón tay xỉa xói vào tướng Minh và nói: Không phải chỉ có sự thất vọng của ông và sự nuốt lời của Cộng Sản. Còn có cái cách ghê tởm mà bạn của ông, Tướng Đôn, đã dùng để phá hoại tinh thần quân đội và quốc hội. Trước hết hắn lừa quốc hội để moi được cái quyền quyết nghị trao toàn quyền cho ông…….. Quân đội không muốn đầu hàng, Đề Đốc Cang nói một cách quyết liệt như thế. (Saigòn, Tr. 124 – 126).

Thứ Tư 30.4.1975 .. 12:04, Tên sĩ quan cao cấp có bốn bộ đội võ trang đầy mình tiến vào và Minh nói: "Thưa ông Sáu, tôi chờ ông từ sáng để trao lại quyền hành cho ông.." Tên kia đáp cộc lốc: "Mày còn dám nói chữ trao quyền! Mày chỉ là một tên tiếm quyền, là bù nhìn. Mày không trao quyền lại cho chúng tao. Chúng tao dùng súng để lấy cái quyền ấy! Tao nói rõ tao không phải là cấp tướng, tao là trung tá và chính ủy. Kể từ phút này tao cấm mày ngồi!" (Saigòn, Tr. 132 – 134).

Theo tư liệu của ông Đặng Văn Nhâm viết thì Dương Văn Minh sau khi triệt hạ Bình Xuyên đã dấu đi nhiều chiến lợi phẩm, nên đã bị Ô. Diệm và Nhu không ưu đãi nữa. DVM sinh lòng oán hận và nghe lời em ruột là Dương Văn Nhật, bí danh là Mười Ty móc nối hoạt động cho CSHN từ 1960 cùng với nhóm cán bộ nằm vùng như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Ngọc Cứ, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Dương Văn Ba, Hồng Sơn Đông, Vũ Hạnh, Huỳnh Bá Thành, và Nguyễn Hữu Hạnh. (Báo Đại Chúng, VA # 81 1.9.01).

Anh Hùng và Hèn Nhát

Nhiều nhân vật trong đó có Ô. Thiệu, Kỳ, tháo rút đi trước ngày 30.4.75 có phải là hèn nhát không? Con người ai cũng tham sống, sợ chết. Trong hoàn cảnh "chẳng đặng đừng” thì phải bảo vệ lấy thân và nuôi hy vọng phục hưng đất nước trong tương lai, như vậy thì không phải là hèn nhát. Tất nhiên là những người như ông Thiệu, Kỳ, Minh thì không thể nào sánh với Ô Ngô Đình Diệm, và các vị đã tuẫn tiết trong biến cố tháng 4.75 như Tướng Lê Văn Hưng (30.4.75), Nguyễn Khoa Nam (1.5.75), Lê Nguyên Vỹ, Trần Chánh Thành (tự vẫn 3/5/75), LS. Trần Văn Tuyên. Những nhân vật vị quốc vong thân này đã làm cho những trang sử Việt thêm sáng ngời trong những ngày tháng đen tối nhất của lịch sử đấu tranh của nòi Việt chống tập đoàn Cộng Sản chuyên quyền. Trong số những người ra đi trước, nhiều người lòng vẫn nuôi chí trở về giải phóng quê hương và ở quê người vẫn sống một cuộc sống có ý nghĩa: cố gắng vươn lên, tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp đỡ đồng hương, dạy dỗ con cháu nên người, phát huy truyền thống tốt đẹp của nòi Việt.

Phần Ba: Tổng Kết

AI THẮNG AI

CSVN Chạy Tội Trước Lịch Sử

Kể từ 1975, đã hơn nưả thế kỷ trôi qua, đất nước trọn vẹn nằm trong tay CSVN, nhưng Việt Nam hiện vẫn chỉ là một nước nghèo nhất và kém phát triển về mọi mặt. CSVN đã và đang chạy cái tội trước lịch sử: họ là tội phạm tạo ra hai cuộc chiến VN vô ích và đã làm phí mất đi hơn 50 năm (1945-2002), một thời gian dài rất quý báu cho dân tộc nắm tay nhau xây dựng lại đất nước cho được phú cường như Nhật, Đại Hàn, hay Đài Loan.

Trong những năm gần đây, để chạy tội, CSVN đã mở nhiều nỗ lực nhằm tuyên truyền trong nước và ngoại quốc rằng các cuộc chiến tại VN với sự hiện diện của quân đội Pháp và Mỹ là các cuộc chiến VN chống xâm lược. Nhưng nhiều công cuộc khảo cứu gần đây của các sử gia qua các tài liệu được giải mật của Liên Xô cũ và Trung Cộng cho thấy rằng từ năm 1945 đến 1975 chỉ có hai cuộc chiến Đông Dương (45-54 &ø 60-75) do Cộng Sản Quốc Tế phát động và CSVN lãnh nhiệm vụ thi hành. Trong khi đó, để ngăn chặn đà bành trướng của Khối Cộng, thì trước là Pháp và sau là Hoa Kỳ đã gửi quân đội tham chiến tại các phần đất ĐD có tồn tại những chính quyền hợp hiến và được quốc tế công nhận. Ý đồ của Cộng Sản Trung Quốc phát động cuộc chiến ĐD thể hiện trong bức điện văn trích trong cuốn Phái Bộ Cố vấn Trung Quốc tại VN, tr. 88: Bắc Kinh ra chỉ thị cho La Quý Ba trong Chiến Dịch Tây Bắc: "Trước hết phải tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng miền Bắc và miền Trung nước Lào, rồi từ từ mở rộng xuống Nam Lào và Cao Miên, tạo áp lực vào Sài Gòn của người Pháp."

Như vậy, cuộc chiến thứ I (45 – 54) là do Hồ Chí Minh chủ động tiến hành núp sau danh nghĩa "Bài Phong, Đả Thực" nhằm gom và tiêu diệt tất cả các phần tử yêu nước tỏ ra cản trở tiến trình xây dựng chuyên chính vô sản tại ĐD.

Cuộc chiến ĐD thứ II (60 – 75) núp dưới chiêu bài "Chống Mỹ, Cứu Nước" chỉ là bước nối tiếp trong tiến trình nhuộm đỏ ĐD của Khối Cộng. Ngày 20/12/60, HCM cho dụ dỗ hoặc cưỡng bách các trí thức tên tuổi NVN như Nguyễn Hữu Thọ, Trần Bửu Kiếm, Trịnh Đình Thảo, Lê Văn Kiết, Lâm Văn Tết, Trần Kim Bảng, BS. Dương Quỳnh Hoa, Trương Như Tảng, v.v. vào bưng dựng lên cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng MN bù nhìn nhằm thu hút các phần tử hiếu danh, bất mãn, và tiến hành xâm lược NVN.

Gần đây, cũng trong nỗ lực chối tội lỗi này, lợi dụng cơ sở William Joiner Center (WJC) của đại học Massachusetts, Boston, dành cho vai trò biên khảo, hai biên khảo gia Hà Nội viết về Cuộc Chiến VN và họ đã gọi cuộc chiến đó là "Cuộc Chiến Tranh giữa HK và VN – The Vietnam-America War" hàm ý HK là xâm lược. Đây là một vụï bóp méo sự thật rất trắng trợn và luận điệu của các nhà biên khảo CSVN đã tự tố cáo họ trước thế giới rằng họ không có tinh thần trung thực trong công cuộc biên khảo và vẫn tuân theo chỉ thị của Đảng tiếp tục bóp méo sự thật lịch sử.

Hoa Kỳ Đổi Quân Cờ Domino

HK rút lui khỏi Cuộc Chiến VN vì đã phạm phải nhiều sai lầm trong binh pháp: đánh mà không quyết thắng; không tiêu diệt tiềm lực hậu phương địch là nuôi dưỡng chiến tranh; bỏ rơi quyền lợi của đồng minh Pháp là tự chặt vây cánh; quốc hội không cho phép mà viễn chinh là trái hiến pháp; giúp một nước mà không giúp họ tự lực tự cường là chuyên quyền áp đảo. Sau cuộc thất bại đó, HK gỡ như thế nào? Xin hãy đọc Steven K. Roberts viết trong US News and World Report, July 24, 1995:

Thôi, hãy quên đi quá khứ. Đã đến lúc chôn đi những buồn đau và những hờn căm để bắt tay với CSVN, mở bang giao, vì VN bây giờ mới chính là tiền đồn chống Cộng, mới chính là con domimo cần phải bảo vệ. Và, như vậy thì tác dụng của thuyết Domino mới bắt đầu tác dụng, và lần này: - với chiều khác.

Sau 1975, HK quả đã ứng dụng thuyết mới này qua những bước bỏ cấm vận, thiết lập bang giao, và ký các hiệp ước thương mại, và đã gặp phải nhiều nỗ lực cực lực phản đối của cộng đồng Việt tại khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, có lẽ cũng phải nên hiểu rằng trong giai đoạn tiến hành Diễn Tiến Hòa Bình, thì đó cũng chỉ là những củ cà rốt và chưa biết lúc nào cây gậy sẽ đập xuống đây.

Ai Thắng Ai

Hoa Kỳ thất bại và rút khỏi cuộc chiến trong danh dự, tuy nhiên họ đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng: ngăn chặn đà bành trướng của Khối Cộng; tìm hiểu được nhân sinh, địa thế, địa nguyên ở NVN; và làm cho kinh tế khối Cộng hầu như phá sản đưa đến hậu quả Liên Xô và Đông Âu tự giải thể.

CSHN thắng cuộc chiến nhưng lại hoàn toàn thất bại trên con đường mưu tìm Độc Lập, Tự Do, và Hạnh Phúc cho đất nước. Đất nước hiện nay lại bị Trung Cộng thao túng qua việc lấn chiếm biên ải và lãnh hãi; dân chúng nghèo đói, thất học, khổ hơn thời Pháp thuộc; các tòa án nằm nằm trong tay Đảng; các nhà tranh đấu hòa bình cho nhân quyền bị bắt bớ; kinh tế, thương mại không thể phát triển; đầu tư của ngoại quốc bấp bênh và ít ỏi; tham nhũng không sao trị nổi; các nước trên thế giới giảm thiểu hợp tác. Tất cả chỉ vì CSVN theo đuổi chủ nghĩa độc đảng nắm chính quyền.

Hoa Kỳ hiện đã thay đổi chính sách khi TT Bush mạnh mẽ nói lên Tân Cuộc Chiến Hoa Kỳ, một cuộc chiến áp dụng đủ mọi hình thức và có thể là kéo dài, nhưng tựu trung nhằm triệt hạ các chính quyền độc đoán, những chính quyền dung dưỡng khủng bố, và không tôn trọng nhân quyền theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các cộng đồng Việt ở hải ngoại càng ngày càng thành công trong những nỗ lực vô hiệu hóa các âm mưu phá hoại đoàn kết cộng đồng. Các thế hệ trẻ đã tham gia nhiều trong các sinh hoạt cộng đồng với các vị cao niên và họ đã tỏ ra chín chắn, không còn dễ bị các sách báo tuyên truyền của CSVN mê hoặc vì mạng lưới thông tin điện toán đã làm cho CSVN không thể bưng bít được đồng bào và thế giới trước những hành động chuyên quyền của họ.

Người Cộng Sản đã đánh thắng bằng những thủ đoạn ma giáo, thì họ cũng sẽ bị đánh thua vì chính những thủ đoạn ma giáo của họ. Đó là Công Lý Của Loài Người trong thiên niên kỷ này.

Hoàng Long.HDB
Mùa Giỗ Tổ Hùng Vương 2002

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002