Đại Chúng số 96 - Ngày 16 tháng 4 năm 2002

Duramax

ĐỌC BÁO DÙM CÁC BẠN

Ký Điệu biên soạn

Phim này vưa mới ra lò, nên không kịp được Hội Đồng Giám Khảo Oscar xếp vào bảng danh sách mà phong thần Oscar năm nay. Hy vọng năm sau phim này sẽ được ghi tên. Gần 25 năm nay, Hollywood làm biết bao nhiêu phim nói về chiến tranh Việt Nam, nhưng tất cả đều mục đích bôi bẩn màu áo chiến binh Hoa Kỳ và Miền Nam, lý do là những đạo diễn loại phim này tất cả đều là những tên trốn lính khi Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến tại Miền Nam. Rồi sự thật sẽ thành sự thật, khi Thượng nghị sĩ John Mac Cain thắng cử rất vẻ vang, ông là cựu tù binh chiến tranh và bị cầm tù tại Hỏa Lò Hà Nội. Rồi Hollywood có người đạo diễn về phim chiến tranh thành thật hơn. Nay phim này, Tựa đề: "Chúng ta là cựu chiến binh” (We were soldiers). Khi phim được tung ra chiếu khắp nơi trên đất Hoa Kỳ, thì hốt bạc, trong 3 tuần thì đã thu lại dư vốn phim bỏ ra. Phim này vừa hợp thời gian và không gian hơn. Thời gian là Hoa Kỳ vừa chưa tỉnh hồn về vụ New York 9-11, không gian là quân lực Hoa Kỳ tung toàn lực đánh Afghanistan mà Hoa Kỳ cho là ổ khủng bố. Người dân Hoa Kỳ họ muốn nhìn người lính chiến của họ bằng đôi mắt kính phục hơn là đôi mắt khinh bỉ người lính chiến của họ vào thời gian hơn 25 năm trước. Người phụ tá đạo diễn phim này từng tham chiến tại Miền Trung VNCH. Ký Điệu ghi lại toàn bản văn của Nguyễn ngọc Chấn thuộc CNN. Ký Điệu đã xem phim này, cũng có thể thu gọn rút ngắn lại nhưng như thế sẽ không hay cho bộ phim "We were Soldiers" mà Ký Điệu ghi là: Trung thục, xem được để nhìn lại sự can đảm của người lính Hoa Kỳ mà ngày xưa từng tham chiến chung với chúng ta để bảo vệ tất đất Việt Nam cho chúng ta được một thời gian yên ổn phần nào.

Gần 30 năm sau, Hollywood vẫn chưa quên cuộc chiến tranh Việt nam. Sau những chiến thắng liên tiếp trên khắp các chiến trường, từ ngày cuốn cờ bỏ Việt nam, lũi thũi về nước mang thân phận kẻ bại trận, Quân lực Hoa kỳ bị tủi nhục nên đốc thúc điện ảnh gợi lại những hình ảnh kiêu hùng của họ, gọi là rửa mặt cho linh hồn 58,000 quân nhân Mỹ bỏ xác tại Việt nam. Gần 30 năm sau, quan điểm Mỹ dường như đã xoay chiều, những bỉ ổi lần lượt bị phanh phui, những cuộc trả giá, hy sinh nhân mạng chiến binh của họ, bên cạnh hàng triệu quân dân Việt Nam Cộng Hòa để đổi lấy lợi danh nơi chính trường. Tội đồ này làm nhục Hoa kỳ và đưa đẩy toàn bộ Việt nam vào tay Cộng sản. Chúng ta mang nhục mất nước, người chiến binh Hoa kỳ chua xót biết bao cho thân phận kẻ chiến bại, mặc dù kẻ chiến thắng giờ đây đang lạy lục, quỵ lụy Mỹ để được hưởng chút bơ thừa, sữa cặn.

NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ.

Cuốn phim "We Were Soldiers" đưa chúng ta về thập niên 1960, sau khi chính giới hoạt đầu Mỹ, tiếp tay những quân nhân bất tài, bức tử tổng thống Ngô Đình Diệm rồi ào ạt đổ quân vào Việt nam. Quân lực Hoa kỳ có nhiều sỹ quan ưu tú, đạo đức, được huấn luyện quân sự, văn hóa đến nơi đến chốn. Từ sau thế chiến thứ hai chưa có đất dụng võ, họ rất mong muốn có cơ hội để thi thố tài năng và, nhất là có cơ hội thăng quan tấn Tướng. Trung tá Hal Moore (Mel Gibson) tốt nghiệp West Point, xuất thân đại học Harvard, một người chồng gương mẫu, người cha đạo đức với con nhỏ ngoan hiền. Là quân nhân chuyên nghiệp nhưng trung tá Moore rất ngoan đạo, ông vẫn cùng các con quỳ gối đọc kinh sớm tối. Chủ nhật ông dự thánh lễ với gia đình các quân nhân khác trong căn cứ. Giữa năm 1965, tình hình thế giới biến chuyển, trung tá Moore, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, lữ đoàn 7 kỵ binh được huấn luyện để chờ lệnh. Chiến thuật của Mỹcũng thay đổi. Chiến mã đã bị thay thế bằng trực thăng. Đơn vị trung tá Moore lần đầu làm quen với trực thăng vận. Suốt mấy tháng thực tập chuyển quân bằng trực thăng, đổ bộ nhanh chóng và rút lui an toàn, chuẩn bị cho một cuộc chiến mới. Tiểu đoàn sống quây quần như đại gia đình. Sỹ quan, quân nhân các cấp coi nhau như anh em, trong khi các bà vợ lính chia sẻ, trao đổi chuyện đàn bà, nữ công gia chánh. Cuộc sống an bình kéo dài không lâu thì đơn vị được lệnh lên đường. Chiến trường mới cách xa nửa vòng trái đất, trên vùng cao nguyên Ia Drang, Trung phần Việt nam.

Từ lâu trung tá Moore đã nghĩ tới chuyện phải đối diện kẻ thù mới là Việt nam. Moore nghiên cứu chiến trường Đông dương khi Việt Minh đánh nhau với Pháp. (Phần đầu cuốn phim chiếu cảnh trận Điện Biên Phủ, quân Pháp chiến đấu tuyệt vọng). Moore coi đi coi lại cảnh lính Lê Dương, bị Việt Minh tràn ngập, chúng dùng lưỡi lê, mã tấu đâm, chém, giết hết mọi người. Julie, vợ Moore thấy chồng trầm ngâm, nghiền ngẫm phim tài liệu, biết rằng ông đang chuẩn bị đối diện với kẻ thù nguy hiểm, chị hết sức lo âu.

THUNG LŨNG TỬ THẦN

Tiểu đoàn 1 không kỵ được đưa tới cao nguyên Ia Drang, nơi mệnh danh “Thung lũng tử thần”. Căn cứ Mỹnằm trên đỉnh đồi, di chuyển đến hậu cứ chỉ bằng trực thăng. Đường bộ hẻo lánh, hiểm trở, bỏ ngỏ từ lâu, cộng quân đã xây dựng an toàn khu. Đây là bản doanh sư đoàn 308 Bắc Việt.

Tới đây CNN xin mở ngoặc, lạm bàn với chuyên viên y trang dùng cho diễn viên Việt Cộng. Họ sống chui rúc dưới hầm thế mà bản doanh đơn vị lại khang trang, vách hầm trét nhẵn nhụi, đường di chuyển trong hầm sáng choang y như hầm Củ Chi, dựng lên để đón du khách, rất nặng phần trình diễn. Lính Bắc Việt ăn ở dưới hầm nhưng đánh giặc lại mặc toàn quân phục kaki vàng, mang quân hàm tử tế, còn sang hơn công an áo vàng, gác phố thời bình. Điều này trái ngược hẳn với thực tế anh em chúng mình đã gặp, hồi đó cán binh Việt Cộng lôi thôi lếch thếch, quần áo bê bết lem luốc, mặt mày hốc hác. Tuy nhiên, cuốn phim có tiến bộ với những vai trò người Việt nam đã trao phó cho các kép Việt, và, có lẽ đây là cuốn phim duy nhất người Mỹ không khai thác thân thể người phụ nữ Việt nam.

Tiểu đoàn 1 Không Kỵ có một phi đoàn trực thăng cơ hữu, điều khiển bởi thiếu tá Crandal (Greg Kinnear). Cánh tay mặt của trung tá Moore là thượng sỹ Plumley (Sam Elliott). Ông này đã thoát chết đệ nhị thế chiến, chiến tranh Đại Hàn. Kinh nghiệm đầy mình, tuy là một hạ sỹ quan nhưng trung tá Moore coi Plumley như một sỹ quan tham mưu trưởng đắc lực. Trước mặt các cấp chỉ huy, trung tá Moore lên lớp: - Cuộc chiến tranh này khác hẳn những trận đánh từ trước, để anh em binh sỹ có tinh thần chiến đấu, sỹ quan là người đặt chân xuống bãi chiến trước tiên và là người sau cùng bước lên trực thăng. Tôi sẽ làm gương đó và điều quan trọng là, không bỏ chiến hữu của mình, dù người ấy còn sống hay đã chết".

Trong cuộc hành quân đầu tiên, thấy thượng sỹ Plumley chỉ đeo có một khẩu súng lục, Moore hỏi Plumley: - Sao không cầm thêm khẩu M- 16?

Plumley trả lời: - Khi cần tới, chắc chắn dưới đất sẽ có nhiều súng cho tôi dùng". Thoạt nghe, chẳng có ý nghĩa gì nhưng, khi đụng trận khán giả mới thấy câu nói chí lý. Cuộc hàng quân đầu tiên phe ta đụng một đơn vị tiền sát của Cộng sản. Cuộc giao tranh diễn ra ngắn ngủi nhưng thiếu chuẩn bị, Mỹ rụng mất mấy con. Việt Cộng cũng bị tổn thất nặng. Chỉ huy trưởng đơn vị Cộng quân là trung tá Anh (Đôn Dương). Theo tài liệu quân sự thì anh này đã tham dự trận Điện Biên Phủ, kinh nghiệm chiến trường của anh rất đáng ngại. Trong cuộc đấu trí với lữ đoàn không kỵ, Trung tá Anh ra lệnh cho chiến hữu của họ phải tấn công chớp nhoáng, di chuyển mau lẹ, nhất là lợi dụng bóng đêm để đánh du kích. Trung tá Moore rãi quân mỏng, phục kích những tuyến chuyển quân của Cộng sản. Trên cao nguyên Trung phần, ban đêm trời tối đen như mực, quân Mỹ nằm án binh bất động. Cộng quân ngụy trang, di chuyển rất êm nhẹ nhưng cũng không lọt khỏi sự nghi ngờ của Mỹ. Đơn vị phục kích nghe thấy tiếng động từ nhiều phía. Toán phục kích gọi pháo binh bắn trái sáng. Bầu trời sáng trưng, lộ nguyên hình toán quân Bắc Việt đã tới sát phòng tuyến, Mỹ nổ súng quét hết vài trăm lính Bắc Việt. Mỹ tổn thất nhẹ, nhưng cũng mất vài người chết và bị thương.

TIN DỮ PHƯƠNG XA.

Tại Hoa kỳ, trại gia binh lữ đoàn, các chị em vợ lính hồi hộp theo dõi tin tức chiến trường. Những ngày đầu, khi quân nhân tử trận, chưa có sỹ quan liên lạc tới báo tin, Bộ Quốc phòng gửi điện tín, thuê xe Taxi tìm địa chỉ trao thư cho gia đình. Julie, vợ trung tá Moore vừa phải coi sóc con, vừa phải đóng vai chị cả trong trại gia binh tiểu đoàn. Cũng là một vợ lính, mỗi lần thấy chiếc xe taxi mầu vàng chạy vào trại là mọi người hồi hộp lo âu, cầu xin xe đừng dừng lại trước cửa nhà mình. Thế mà, một hôm chiếc xe oan trái dừng lại trước cổng nhà Moore. Julie tay chân bủn rủn, không dám mở cửa nhận thư. Chị lấy hết nghị lực hé cửa hỏi vọng ra: - Nếu là điện tín của tôi, anh cứ bỏ trước cửa rồi đi, tôi sẽ đọc sau.

Anh taxi ngập ngừng: - Thưa không, tôi phải trao cái điện tín này nhưng không tìm được địa chỉ, bà có biết xin làm ơn chỉ giùm.

Julie tươi tỉnh, suy nghĩ một lát rồi nói: - Thôi được, từ nay, ông cứ đem tất cả điện tín lại đây, tôi sẽ tự tay đi phát giùm.

Từ đó, khi chiếc xe mầu vàng vào trại gia binh, anh tài xế không đi vòng vo quanh trại, làm nhiều người phải đứng tim, xe chỉ ghé vào nhà trung tá Moore. Julie và vài chị vợ sỹ quan khác đứng ra lo chuyện phát tin điện chẳng lành. Mỗi ngày Julie cầm điện tín đi tới nhà những người thiếu may mắn, mang đến cho họ nỗi tuyệt vọng, biết tin chồng chết. Nhiều bà thấy Julie tới đã xỉu, cuối cùng các bà vợ lính lại sợ bóng dáng Julie như sợ nhìn thấy chiếc xe taxi mầu vàng đi vào ngô nhà mình.

THI TÀI CHIẾN THUẬT

Tại thung lũng Ia Drang, hai phía Mỹ, Việt đối đầu nhau. Quân số hai bên khá chênh lệch. Phía Mỹ, tiểu đoàn 1/7 kỵ binh với chừng 450, có phi đoàn trực thăng, có không yểm và pháo binh tầm xa. Quân Bắc Việt có trên 2000 người, trang bị vũ khí nhẹ, có súng phòng không, B- 40 và đại liên đủ loại. Sau vài lần thử thách, Trung tá Anh đổi chiến lược, anh cho lính Bắc Việt bám sát quân Mỹ, hy vọng sẽ không bị pháo binh và phi cơ càn quét. Phía Mỹ chia quân ra nhiều toán nhỏ, đâu lưng vào nhau để có thể chiến đấu với giặc từ bốn hướng. Những cuộc đụng độ luôn luôn có tổn thất cả đôi bên. Lính Bắc Việt với quân số đông, đánh ào ạt nên số tử vong luôn luôn gấp 4, 5 lần lính Mỹ. Sau mỗi trận đánh là những chiếc trực thăng tải thương về hậu cứ, hoặc những chiếc "Body Bag" tang thương phủ kín.

NHÂN CHỨNG LÒNG DŨNG CẢM

Lợi dụng những phi vụ tại thương từ tuyến đầu, Joe Gallaway (Barry Pepper), một phóng viên nhiếp ảnh lẻn lên trực thăng. Thấy sự xuất hiện một thanh niên mặc thường phục mang máy chụp lia cảnh đánh giặc, trung tá Moore ngăn lại gặn hỏi: - Sao anh dám ra đây chụp hình thế này, nguy hiểm lắm.

- Thưa trung tá, tôi muốn ghi lại những hình ảnh kiêu hùng của lính chiến, hình ảnh tôi không bao giờ ghi nhận được về người cha tôi đã chết trận đâu đó!

Thượng sỹ Plumley nhẩy vô, lượm một khẩu M- 16, liệng vào mình Joe: - Muốn toàn mạng để mang những cuốn phim này về, anh phải có cái này, rồi anh sẽ cần tới.

Từ đó Joe Gallaway vừa cầm máy ảnh chụp, vừa cầm súng bắn trả Việt Cộng.

CUỘC THẢM SÁT IA DRANG

Sau mấy lần tấn công bất thành, trung tá Anh quyết định dùng hết số quân sỹ còn lại, đánh một trận mất còn với Mỹ. Quân Bắc Việt dàn hàng ngang thành nhiều đợt tấn công giữa ban ngày. Quân số đơn vị 1 Không Kỵ có giới hạn, bắn gục hàng đống lính Bắc Việt, nhưng đợt này rụng xuống là lớp khác lại tiến lên. Những khẩu đại liên của Mỹ bắn quá đã đỏ nòng, đạn chỉ rơi ra xa vài chục thước. Viên xạ thủ đại liên trình trung tá Moore: - Nòng súng nóng quá, chúng em cần nước giải nhiệt.

Moore ngần ngừ một lát, cười mỉm chi: - Cần nước hả, tất cả anh em, làm theo tôi. Ông trung tá tiểu đoàn trưởng kéo "phẹc mơ tuya" quần xuống, đái vào nòng súng đại liên. Tất cả quân nhân chung quanh đều làm theo, đái vào nòng khẩu đại liên. Tiếng nước chẩy trên kim loại nung nóng xèo xèo, xen lẫn với tiếng đạn Việt Cộng bay xào xạc, tạo thành một hoạt cảnh vui trong không khí đầy chết chóc. Vài phút sau khẩu đại liên hoạt động trở lại, bắn chết thêm hàng chục lính Bắc Việt khác trước khi bị tràn ngập. Quân số tiểu đoàn Mỹ cũng hao hụt nhiều, ông gọi máy xin tăng viện, địch quân đã bám sát và đông như kiến cỏ. Từ bộ chỉ huy, thay vì cho thêm quân tới giải vây, lệnh bắt đơn vị phải rút lui. Trung tá Moore gào trong máy truyền tin: - Là đơn vị trưởng tôi xin bất tuân hành lệnh thượng cấp. Rút lui trong hoàn cảnh này là tự sát một cách nhục nhã. Cấp chỉ huy ngần ngừ: - Chúng tôi không thể tăng viện cho anh lúc này vì địa thế hiểm trở. Anh muốn chúng tôi phải làm gì?

Trung tá Moore gào tiếp: - Anh hãy gọi không yểm thả bom Napal, đốt cháy hết cánh rừng sau lưng địch, cho phi đội trực thăng bắn những con nhạn tránh lửa chạy ra đồng.

Vài phút sau phản lực cơ thả bom xăng bốn chung quanh trận tuyến. Quân Bắc Việt hết đường lui, đành phải tiến tới. Biển người của chúng ồ ạt tràn vào. Trung tá Moore ra lệnh tất cả cắm lưỡi lê lên nòng súng, vừa kịp những đợt tấn công tràn tới. Hai bên vừa bắn nhau vừa đâm tươi bắn sống nhau. Thây người chất thành đống, súng ống vương vãi khắp nơi. Trung tá Moore lên máy truyền tin: - Chúng tôi đã bị tràn ngập, xin cho pháo binh và phản lực cơ giội bom trên đầu chúng tôi.

Nhóm phản lực cơ từ mẫu hạm vào tới, với mức độ bắn chính xác, chỉ điểm bởi các phi công trực thăng xạ thủ phía dưới, bắn chặn hết những đợt lính Bắc Việt phía ngoài. Còn lại toán khinh binh đã lọt vào vòng vây bị lính Mỹ bắn và đâm chết hết. Sau một giờ quần thảo, chiến trường yên tiếng súng. Một số ít cán binh Bắc Việt bị bắt sống, số còn lại, 1800 xác quân Bắc Việt đã chất đống tại thung lũng Ia Drang. Kiểm điểm quân số, Mỹ chết và bị thương mất hơn một nửa.

Giữ đúng lời cam kết, không bỏ chiến hữu tại trận địa, trung tá Moore và anh em điểm danh và lật từng đống xác Việt cộng để tìm những quân nhân Mỹ tử trận, thâu hồi tất cả xác lính Mỹ.

Phía Việt nam, sau khi Mỹ đã bỏ đi, trung tá Anh xúc động trước hàng ngàn chiến hữu của anh chất đống. Trên một gốc cây đã bị bắn gãy, lá cờ Mỹ nhỏ cắm trên cây bay phất phới, Anh nhổ lá cờ, trầm ngâm như muốn liệng, nhưng anh lại cắm cờ trở lại vị trí cũ. Trung tá Anh cúi đầu: - Cuộc chiến này đã phí phạm quá nhiều tuổi trẻ, rồi đây chúng ta sẽ đi về đâu!

NGƯỜI VỀ TỪ IA DRANG

Julie Moore ngồi đan áo, đàn con hồn nhiên chơi đùa trên cầu thang. Julie lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Mắt nàng đã rươm rướm lệ, bất chợt gương mặt Julie săn lại, nắm chặt hai bàn tay. Tầm nhìn của Julie từ ngoài ngõ, chiếc taxi mầu vàng đang đi về hướng nhà nàng. Dòng lệ lăn xuống má nàng. Chiếc taxi chậm lại và dừng trước cửa nhà. Julie thở dài não nuột, từ từ đứng lên. Tiếng gõ cửa nghe như án lệnh quan tòa ban cho tử tội. Julie ngập ngừng từng bước đi ra cửa. Nàng dừng lại dưới chân cầu thang, nói vọng lên: - Tất cả các con hãy đi về phòng.

Mấy đứa nhỏ tiu nghỉu, lục tục nghe lời mẹ đi khuất mắt Julie. Nàng bước nhẹ ra cửa. Julie lau vội nước mắt trước khi chậm chậm hé cánh cửa. Mắt nàng bỗng sáng lên. Camera theo hướng nhìn của Julie, trung tá Moore đứng sờ sờ ngoài cửa. Ngập ngừng một lát, Julie phóng ra ôm chầm lấy Moore ghì siết. Nàng ngoái cổ vào nhà gọi lớn: -Children... your daddy is home. Các con ơi... bố đã về.

Happy ending cho một chiến sỹ. Happy ending cho một trung tướng Hal Moore về hưu được nhìn thấy hình ảnh kiêu hùng đơn vị ông chỉ huy tại thung lũng Ia Drang, Việt nam.

Cuốn phim "We WERE SOLDIERS", không chỉ nói về lính Mỹ mà nói chung về những người lính đã chiến đấu một lần nào đó. Và ai còn, ai mất. [cnn]

Vì bài này khá dài, nên Ký Điệu mời bạn bước sang một chapter khác trong số báo này, nói về chiến tranh tại Ia Drang với đầy đủ danh từ nhà binh hơn phần trên.

Ký Điệu

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002