Đại Chúng số 97 - Ngày 1 tháng 5 năm 2002

Duramax

ĐIỂM PHIM
Vật Đổi Sao Dời Hay Sự Đổi Ngôi Của Xã
Hội Việt Nam

Phong Thu

Cuối cùng thì bộ phim “Vật Đổi Sao Dời” (Chances Are) của nhà xuất bản A Nón Lá do Charlie Nguyễn viết phim truyện và đạo diễn, với sự cộng tác đắc lực của Vân Sơn, Tawny Nguyễn, Thuý Phan, Tri Nguyễn cũng đã trình làng sau bao nhiêu năm dưỡng nuôi với bao tâm sức và tiền của. Bộ phim bao gồm các diễn viên: Danh hề Văn Chung, Vân Sơn, Thanh Trúc, Quang Minh, Hồng Đào, Bảo Liêm, Bé Mập, Anh Thư và Mạc Can, đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của bà con vùng Hoa Thịnh Đốn, do sự bảo trợ của bà Nguyễn Tú, giám đốc công ty Virginia Beauty Academy và Nails For You. Chalie Nguyễn năm nay 32 tuổi, cách đây vài năm, anh đã dựng cuốn phim đầu tay là "Vua Hùng Vương Thứ 18". Dù không thành công cho lắm về nội dung và nghệ thuật nhưng đã được khán giả và các giới truyền thông hoan nghênh và khích lệ. Đó là một niềm an ủi cho anh trên bước đường chập chửng vào nghề đạo diễn. “Vật Đổi Sao Dời” là phim truyện được xây dựng dựa vào cốt truyện của bộ phim “Walk In The Clouds” do đạo diễn cạo gội Alfonso Arau dàn dựng và Keanu Reeves, một tài tử Mỹ danh tiếng, đẹp trai và hào hoa thủ vai chính. Nếu chúng ta đánh giá phim "Walk In The Clouds" mang nội dung tình cảm trai gái, lứa đôi thì phim "Vật Đổi Sao Dời" của Chalie Nguyễn là một bộ phim tình cảm mang tính chất hài hước, được biểu hiện trong từng mẩu đối thoại của từng nhân vật và trong hành vi của họ. Chalie Nguyễn biết cách biến hoá nhuần nhuyễn để bộ phim gần gủi với phong tục, tập quán, thói quen, đời sống tâm lý của người Việt Nam. Đặc biệt anh đã khai thác được bộ mặt xã hội Việt Nam và con người Việt Nam trong bối cảnh xã hội và lịch sử hiện nay.

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM MỘT TÌNH YÊU:

Nếu tôi là Chalie Nguyễn, tôi sẽ đặt tên bộ phim nầy là "Hành Trình Đi Tìm Một Tình Yêu". Đề tài tình yêu là một đề tài muôn thuở của nhiều nhà văn, nhà thơ từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây. Có thể nói, tình yêu là nền tảng căn bản để thế hệ nầy tiếp nối thế hệ khác. Tình yêu là nguồn chảy vô tận mà con người luôn khao khát tìm kiếm. Có người tìm được tình yêu và hưởng trọn niềm hạnh phúc, nhưng có người cả đời không bao giờ có tình yêu. Tình yêu là mạch sống vĩnh cửu mà Thượng Đế đã ban phát cho con người và muôn loài trên quả địa cầu . Và con người mãi mãi đi tìm một tình yêu. Huy, nhân vật chính trong bộ phim đã có một cuộc hành trình gian nan để đi tìm một tình yêu.

Charlie Nguyễn đã khai thác đề tài tình yêu trong một bối cảnh xã hội Việt Nam bị chi phối mạnh mẻ về nhân sinh quan, văn hoá, tập quán, đạo đức, quan niệm tình yêu trai gái và mãnh lực đồng tiền. Ngày xưa, chúng ta thường nghe những bà mẹ Việt Nam hát ru con: “Chim Đa Đa đậu nhánh Đa Đa. Chồng gần không lấy, lại lấy chồng xa. Mai sau cha yếu mẹ già. Chén cơm đôi đủa chén cà ai bưng". Bài ca dao, dân ca nầy như lời nhắc, trách cứ người con gái sao nở lấy chồng tỉnh khác... để mẹ cha già nua không ai chăm sóc sớm hôm và thương nhớ đến nảo lòng. Nhưng hôm nay, ông nhạc sĩ Võ Đông Điền, người bạn dạy cùng trường với tôi tại Cao Đẳng Sư Phạm Bình Dương đã viết bài hát "Đừng Trách Đa Đa” như trả lời cho mọi người một câu hỏi vì sao em phải lấy chồng xa? Người chồng ở xa không còn là xa làng xóm, hay cô gái lấy chồng rồi về một thành phố khác, mà là xa xứ, xa quê hương cả một đại dương, nửa vòng quả địa cầu. Những cô gái Việt Nam cách đây ba thập niên, không bao giờ thích lấy chồng ngoại quốc để rời bỏ cha mẹ, bà con, bạn bè, xóm làng...nơi nhiều kỷ niệm yêu thương của mình. Nhưng con gái ngày nay, nhất là những cô gái mới lớn tại Việt Nam, bây giờ mơ ước lấy chồng xa xứ để con chim Đa Đa mãi đậu cành đa thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng, làng quê nghèo nàn, đầy cơ cực, lầm than mà bay tìm một chân trời mới. Con chim Đa Đa đó, đôi khi không biết được bảo tố phong ba từ đâu ập tới, cánh chim có đủ sức lực để chống chỏi với những nghiệt ngã của cuộc hành trình gian lao, nguy hiểm do sự dấn thân của mình hay không, nhưng Đa Đa mơ ước khao khát một bầu trời rộng hơn, cao hơn để hít thở không khí trong lành (đã có một thời, chỉ cách đây hơn mười năm, người viết bài nầy đã có những tâm tư nặng trĩu như vậy khi còn ở tại Việt Nam).

Sự thay đổi hoàn cảnh sống, sự tác động của xã hội, lịch sử cùng với sự thay đổi của chế độ cộng sản đã khiến cho tâm tư con người trở nên bất an. Người Việt Nam không còn cảm thấy quê hương Việt Nam là nơi để tạo dựng hạnh phúc, tình yêu, bình an và có tương lai. Một xã hội chấp vá, hổn độn, phức tạp nghèo nàn và lạc hậu đang cố gắng tháo gở những sự bế tắt về kinh tế và xã hội.

“Vật Đổi Sao Dời” đã vẽ lại bức tranh Việt Nam với hai nhân vật nữ chính diện và phản diện: Lan và Phương. Lan tiêu biểu cho một cô gái thành thị, thông minh, sôi nổi, yêu cuồng, sống vội, nhiều tham vọng, thực dụng, thích phô trương. Cô là hiện thân của một số người sống ở những thành phố lớn. Phương là tiêu biểu cho một cô gái sống có nề nếp, đạo hạnh, cao thượng và gắn bó với quê hương làng xóm và lấy đạo đức căn bản của người con gái Việt Nam làm trọng. Hai người con gái đại diện cho hai giới trẻ taị Việt Nam khác nhau dù sống trong cùng một hoàn cảnh xã hội nhưng khác môi trường giáo dục và nghề nghiệp. Mẹ của Lan chỉ xuất hiện ở đoạn sau với cái nhìn xét nét thiếu thiện cảm. Bà là hiện thân của những người làm cha mẹ người thích môn đăng hổ đối, ham tiền bạc, thích phô trương, dễ bán con cái vì tiền. Cha mẹ của cô giáo Phương do danh hề Văn Chung và Anh thư thủ vai. (Có dịp tôi sẽ nói về nghệ sĩ Văn Chung, một danh hề có giọng ca cổ rất điệu nghệ đã từng mang lại tiếng cười sảng khoái, yêu đời cho mấy thế hệ) là những nhân vật đại diện cho những người dân quê tay lấm chân bùn, nhưng thật thà chân chất. Họ sống êm ả với luỹ tre, khóm trúc, bờ ao. Họ yêu mến sự mộc mạc của tình yêu trai gái. Và cho dù bạn là ai, thì họ cũng mở cửa mời bạn vào dùng một bửa cơm.

Sự khác xa về nếp sống thành thị và thôn quê trong bộ phim đã nhắc nhở con người tìm về đời sống của thiên nhiên hiền hoà và rộng lượng. Lan và Phương là hai nhân vật phản ánh cá tính, trình độ nhận thức, lối sống và quan niệm hiện nay của thế hệ trẻ Việt Nam.

Huy là ai? Một chàng Việt Kiều rời xa quê hương không lâu (dù tác giả không nói thời gian nhưng qua ngôn ngữ, cách sống, chúng ta có thể đoán), anh không phải là người thành đạt như bao nhiêu người khác là có bằng cấp đại học, hoặc làm cho những đại công ty Mỹ, nhưng anh cũng có nghề nghiệp vững vàng để nuôi sống bản thân. Đời sống ở những nước Tây Phương là chạy đua với thời gian. Mọi người đều phải làm việc liên tục để có đủ tiền trả tiền nhà, điện, nước, ga, bảo hiểm....Trong thực tế, phần lớn, thanh niên Việt Nam ở Mỹ không có địa vị xã hội, không làm ra nhiều tiền thì rất khó kiếm vợ. Đã vậy, đàn bà con gái bên Mỹ là "number-one", các nàng "chảnh" phải biết. Cho nên, các đấng mày râu vốn có giòng máu "đàn ông number-one muôn năm" (dù không còn phù hợp nữa vẫn cứ lì lợm ôm cứng") phải e dè, lo ngại khi đòi cưới các nàng làm vợ. Còn nếu lấy vợ đầm thì ba ngày là nó cho ra ngoài sân ngủ với dế là cái chắc... Các chàng sợ lắm nên có khuynh hướng về nguồn. Các chàng về Việt Nam cưới vợ ùn ùn. Cưới xong mang qua đây để dễ nắm đầu! (Ai không có quan niệm nầy thì đừng có buồn người viết vì đó lá sự thật về tâm lý đó mà). Nhưng khổ nổi, mang danh Việt Kiều có tiền đô rủng rỉnh trở về nước hơn hẳn những người nghèo khổ tại Việt Nam thì các chàng lại biến trở thành "hoàng tử của lòng em". Các chàng sẽ được o bế kỷ, tha hồ nói láo, vung vít vài trăm đô la là được chúc tụng, vuốt ve lên tận mây xanh (được nịnh ai mà không thích phải không?). Các chàng còn được các ông bà, cha mẹ của các nàng chìu chuộng hết mình. Các chàng hoàng tử của lòng em vì muốn lý le đã học thói nói láo, lường gạt nhiều người nhẹ dạ cả tin. Có chàng làm những nghề rất bình thường thì cứ nổ đại mình là bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ hay lòi sĩ gì gì nữa cho có oai...Như vậy, Huy là nhân vật điển hình cho một số Việt Kiều tại hải ngoại. Huy đã bắt trúng tâm lý, tần số của đại đa số các cô gái Việt Nam trong nước và anh đã trở thành một chàng trai bịp bợm, ngổ ngáo, chụp giựt, và hơi ngố...Huy sống nữa Tây nữa Ta và phong cách ăn mặc cũng "chim cò" lắm. Nhưng anh có một niềm hy vọng tốt đẹp là di tìm một tình yêu. Anh gạt người vợ hứa hôn và mẹ vợ cùng họ hàng bên vợ mình là kiến trúc sư. Còn bạn anh, người đóng vai giả làm bác sĩ Nam còn ngố và trơ trẻn hơn. Đâu phải tại anh muốn nói láo, nhưng khi "kẻ cắp bà già gặp nhau" thì kẻ chín lượng, người nữa cân" mới xứng có phải không? Huy vẫn mơ ước ngày cưới, mơ ngày đem Lan trở lại Hoa Kỳ và tạo dựng một hạnh phúc thật sự. Huy đã biến thành một anh "ngố" nặng trước khuôn mặt đẹp sắc xảo nhưng cử chỉ đanh đá của Lan, cô ca sĩ hạng xoàn tại Sài Gòn. Vậy là Việt Kiều "bịp bợm" còn thua xa gái "chịu chơi" ở Sài Gòn.

Ai là người đã biến anh trở thành con người thật? Bạn bè đã chơi ác phục rượu cho anh thật say rồi lột quần dài, tiền bạc, giấy tờ của anh và bỏ anh lên chiếc xe lửa đi về Phan Thiết. Huy tỉnh dậy với chiếc đồng hồ báo thức gắn trên đầu. Huy tình cờ gặp Phương, một cô gái quê chân chất. Chính nhờ lòng tốt, sự thành thật và sự đối xử cao thượng của Phương mà Huy thức tỉnh. Huy đã trở về với con người thật của anh, một người thợ chụp hình lương thiện, yêu nghề và biết rung động trước cái đẹp. Huy đã bộc lộ tình cảm, bản chất lương thiện trước một người lương thiện. Bản ngã của anh không còn là anh chàng ăn nói thô lổ, cộc cằn, bốp chát, ngổ ngáo mà là "Hai Hòn" hiền như đất. Huy vẫn mơ ngày đám cưới với Lan như lời hứa. Anh đã tìm đủ mọi cách để trở về Sài Gòn cho kịp ngày cưới. Ngày cưới, là ngày anh dám nói lên sự thật dù bị Lan chối bỏ, xua đuổi phủ phàng.

Hai Hòn trở lại tìm Thôi (cô giáo Phương), nàng đang nằm trên chiếc xuồng ba lá trong đầm sen bạt ngàn. Tình yêu họ bắt đầu từ cuộc hành trình trên xe lửa, xe đò, xe hon đa, rồi chiếc xuồng ba lá. Tình yêu họ được chuyển tải bằng cuộc nói chuyện không có đường dây điện thoại trên Mũi Né, với một bãi cát vàng phủ kín và bầu trời rộng thênh thang. Bầu trời nầy chỉ có nắng, gió, cát, sóng biển và hai người trẻ tuổi mới quen mà đã quyến luyến không muốn rời xa. Tình yêu của họ cũng mọc lên từ chiếc đầm sen bạt ngàn, xanh ngát với những chiếc bông sen màu hồng nhạt nhô lên khỏi mặt nước. Ở đó không còn là đất Mỹ mà có những ngày Huy hối hả chạy ngược xuôi chụp hình kiếm sống. Ở đó, không ồn ào náo nhiệt như Sài Gòn với những đêm lang thang nhậu đến trời đất lăn quay cho phỉ đời Việt Kiều. Ơû đó, không có những chiếc xe chạy loạn cuồng trong một thành phố hổn độn như Sài Gòn và ở đó không có người vợ sắp cưới đỏng đảnh, ham muốn viễn vong để Huy biến thành thằng bịp. Hai Hòn thoải mái hồn nhiên nói chuyện đời mình cho Thôi nghe. Và cô gái cũng hồn nhiên, thật thà như cánh hoa sen trong hồ nước. Hai Hòn đã gọi tên người yêu. Anh lại ngớ ngẩn lần sau cùng trước tình yêu là chạy đại xuống nước dù không biết lội (ở Mỹ hồ bơi nhiều lắm mà đâu có thời giờ tập bơi. Thế mới khổ chớ!) để được Thôi vớt lên bờ. Ngố gì mà khôn tổ sư!

BỘ PHIM VẬT ĐỔI SAO DỜI ĐÃ KHẮC HOẠ LẠI MỘT BỨC TRANH XÃ HỘI VIỆT NAM NGHÈO NÀN, LẠC HẬU VÀ TĂM TỐI

Sự đổi đời của người Việt tị nạn cộng sản trở thành Việt Kiều như Huy, Nam và bạn bè anh là biểu hiện của Vật Đổi Sao Dời. Trước kia, biết đâu Huy là con của một sĩ quan cao cấp của chế độ Miền Nam Việt Nam bị trù dập, bị tù cải tạo, gia đình đói khổ, ly tán. Nhưng nay, Huy là Việt Kiều có tiền thì anh đổi ngôi. Việt Kiều trở thành khúc ruột ngàn dặm, con cưng của đất nước. Sự đổi ngôi bắt đầu từ đồng tiền đô la khiến cho quan niệm về giá trị nhân phẩm con người bị xuống cấp. Nhiều người vì tiền mà bán con cho những tên Đài Loan què, cùi, cụt, lở, bịnh hoạn...Con chim Đa Đa bây giờ dấn thân vào chốn mờ mịt để hy vọng cuộc đời thay đổi, số kiếp thay đổi mà trở thành "công chúa lọ lem" và có cơ may cứu giúp gia đình, báo hiếu mẹ cha. Nhiều cô gái liều thân lấy đại những tên Việt Kiều lưu manh, chúng ăn xong rồi bỏ chạy để những cô gái nhẹ dạ cả tin phải ôm hận ngàn năm. Đau khổ hơn, nhiều cô gái thơ ngây bị bọn tú bà bán ra nước ngoài đi làm điếm để cuộc đời trầm luân chẳng khác nàng Kiều của thi hào Nguyễn Du. Hay các cô phải làm con ở cho gia đình một thằng chồng Đài Loan mà nó chửi mắng "ngộ tả nị xị" chỉ biết ôm mặt khóc. Cuộc sống khó khăn, con người chạy ăn từng bửa là nguyên nhân dẫn đến sự tăm tối, thiếu văn hoá, đạo đức, tập tục từ ngàn xưa của người Việt Nam bị xuống cấp, suy đồi. Sài Gòn của đầu thế kỷ 21 không có gì khá hơn. Vẫn cảnh uống rượu bia tràn lan, uống đến quên trời đất là biểu hiện của sự sống bất cần đời của giới trẻ trước viễn cảnh tăm tối của tương lai. Charlie Nguyễn đã ghi lại một sự thật trong buổi tiệc rượu mà bạn bè Huy đãi anh tại nhà hàng trước khi bỏ anh lên toa xe lửa. Cảnh xe chạy ngược xuôi mất trật tự, cảnh buôn thúng bán mẹt, cảnh người đàn ông lái xe đã "tè" cho máy nguội, cảnh ăn cắp xe, hay cảnh người đàn ông nghèo ngủ trong máy hiên mục nát dưới cơn mưa tầm tả về đêm...tất cả phản ánh một xã hội nghèo khổ, đói rách và kém văn hoá tại Việt Nam.

Trong toàn bộ cảnh trí bao quanh bộ phim, chúng ta nhận ra đời sống quá cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Sài Gòn nhà lầu cao tầng, điện sáng choang, xe chạy dập dìu thì ở vùng nông thôn im lìm, vắng lặng, nghèo nàn. Mái tranh vách đất vẫn là mái ấm che nắng, che mưa cho người nông dân Việt Nam. Chúng ta vẫn thấy con trâu đi trước, cái cày đi sau và đồng ruộng không có điện khí hoá như 27 năm trước nhà cầm quyền CS từng hứa hẹn và rêu rao hàng giờ.

Nếu chúng ta chú ý một chút, sẽ thấy cảnh cô gái bán vé luôn bị con ruồi đậu giữa hai chân mày khiến cô phải đuổi nó nhiều lần và thái độ của cô không phải là "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” như Đảng đã từng dạy bảo. Giọng cô chanh chua. Cô không chăm chú công việc bán vé và giúp đở khách hàng (vừa bán vừa đọc sách, mà không biết có đọc sách cách cư xử với khách hàng không?). Đó là thái độ và thói làm ăn theo kiểu chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.

Đoạn sau cùng của bộ phim là hình ảnh đen tối của bầu trời vần vũ đầy mây đen mà Hai Hòn và Thôi cùng bước. Hai cái bóng của họ bé nhỏ và đen thẳm giữa những đám mây xa xa phủ đầy bóng tối. Thường các phim khác, ở đoạn cuối của những cuộc hội ngộ là bình minh và ánh sáng. Nhưng Charlie đã xếp đoạn cuối vào buổi hoàng hôn trên Mũi Né thật hoang vắng và quạnh quẻ. Điều nầy, khiến tôi nhớ đến tác phẩm “Chị Dậu” của nhà văn Ngô Tất Tố, cũng đoạn cuối trong tác phẩm là cảnh chị Dậu chạy ra giữa trời đêm tăm tối cũng như cuộc đời của chị. Nay nhìn thấy cảnh cuối của đoạn phim, tôi thấy “Vật Đổi Sao Dời” còn chứa đựng một niềm tâm sự nào đó mà Charlie muốn nói về đất nước Việt Nam.

MỘT BỨC TRANH THƠ MỘNG VÀ ĐẸP TRONG VẬT ĐỔI SAO DỜI

Cảnh Sài Gòn ồn ào, sống gấp, sống vội. Thành phố một thời là Hòn Ngọc Viễn Đông đến nay cũng chưa có gì khá hơn. Giới trẻ bất cần cuộc đời và chạy theo hưởng thụ, tiền bạc, thực dụng hiện ra rõ nét: Cảnh Huy tán tỉnh Lan và cảnh Nam (bạn Huy) tán tỉnh Lan. Và cô gái yêu cuồng sống vội nầy đã "chịu" ngay dù chỉ một đêm...Sài Gòn văn minh, với những con người trí thức lịch lãm không còn là biểu tượng đáng quý, đáng trân trọng như xưa. Sài Gòn vẫn còn đó những ông lão gầy gò đạp xích lô sống hàng ngày. Những hàng quán nho nhỏ mọc lên đây đó, xe cộ dập dìu, ồn ào náo nhiệt và vô trật tự. Nhưng dù Sài Gòn có tiều tuỵ, có nghèo đến đâu vẫn còn là niềm hãnh diện, hình ảnh yêu dấu của tất cả chúng ta.

Tôi đã có lần viết một bài thơ tặng nhà thơ Quốc Nam với hai câu thơ cuối "...Miền Nam ơi! Sao mà thân thương quá! Ôm trọn vòng tay trái tim lớn Sài Gòn". Vâng, Sài Gòn là trái tim lớn của Miền Nam, xa Sài Gòn trái tim ta nhức nhối và buồn nhớ khôn nguôi. Đội phim của Charlie Nguyễn đã về Việt Nam xây dựng lại khung cảnh Sài Gòn. Anh và các bạn đã làm sống lại những hình ảnh sống động, đẹp nhất của Sài Gòn.

Rời Sài Gòn, đội phim chiếu về Phan Thiết và cuối cùng là đến Mũi Né. Cảnh vật thay đổi dần, đường sá, xe cộ thưa dần. Đồng ruộng, bờ tre, cây trái xanh ngát một màu. Người dân quê âm thầm, lặng lẽ với cuộc đời lam lũ. Về nông thôn, để thấy tình người gởi lại trên từng mảnh đất, buồng cau, bụi chuối, hàng dừa lả ngọn... Nụ cười người dân quê một mạc như cánh lúa đòng đòng. Nơi đó, mới hiện ra những nhân vật như cô giáo Phương, ba má cô và bà con hàng xóm. Họ sống quây quần bên nhau trên một mảnh đất mà cha ông để lại. Về lại Mũi Ne,ù để thấy trời cao, rộng hơn và khung cảnh thanh bình, an lạc để ta thấy đồng quê Việt Nam đẹp như tranh vẽ. Chúng ta có thể mơ màng nhớ đến những tiếng nhịp chày ba giả gạo dưới đêm trăng và trai gái trong làng cùng nhau hò đối đáp rồi nên nghĩa vợ chồng của những năm xa xưa.

Ở đâu có bãi cát im lìm, dịu dàng như làng quê của Phương. Nơi mà chưa ai khai thác đến để biến trở thành bãi tắm cho khách thập phương. Một bãi cát mịn màng, một chiếc hồ sen rộng mênh mông với những chiếc lá to xanh thẳm và những cánh hoa sen nở rộ. Đạo diển Chalie Nguyễn đã gợi lại cho chúng ta tìm thấy cái đẹp tiềm ẩn của tâm hồn người Việt Nam biết trọng lễ nghĩa, yêu quê hương, gắn bó với xóm làng ruột thịt từ khung cảnh nầy. Và nơi đây, mới chính là cội rễ thật sự, trong suốt, tinh khiết nhất của tâm hồn người Việt Nam chúng ta.

TÌM THẤY NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM TRONG BỘ PHIM VẬT ĐỔI SAO DỜI

Tôi không phải là một nhà phê bình và tôi cũng không phải là người am hiểu nhiều về điện ảnh như Charlie Nguyễn và bạn bè anh. Tôi cũng ít khi cầm bút phê bình cho ai một tác phẩm nào. Nhưng ở đây, lấy tư cách là một khán giả, một người có chút ít kiến thức về văn học xin có những nhận xét sơ bộ

Bên cạnh những thành công của Charlie Nguyễn và bạn bè anh, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra bộ phim có tính cách hài hước, gây được tiếng cười cho người xem qua nhiều mẫu đối thoại. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy nhân vật Lan chưa thủ đúng vai trò của một cô gái sắc xảo, thông minh và thực dụng. Qua cử chỉ đỏng đảnh, đanh đá thái quá và cách ăn nói lộ liễu của cô làm cho vai trò của Huy giống như anh khờ đi mua "vịt trời". Những cô gái khôn ngoan như vậy, thì tính cách, ngôn ngữ phải che đậy một cách tinh vi khiến cho người khác không thể nhận ra. Nhân vật bác sĩ Nam thủ vai trí thức, nhưng cử chỉ nham nhở, lòi đuôi ra là một anh chàng thiếu tư cách không có lòng tự trọng (bị Lan tưới nước trên đầu, dí thuốc lá vào cà-vạt giữa quán nước).

Quan trọng hơn, cô gái thủ vai chính là Phương là một cô giáo, nhưng phong cách, cử chỉ, lời nói qua lại giữa cô và Huy- anh thanh niên ăn nói như "cua bò ngang" vẫn chưa thể hiện rõ nét nghề nghiệp, tâm lý của một cô giáo. Cô cũng hơi giống cách ăn nói trả đủa của Lan, của Huy, của bạn bè Huy. Cô chỉ hiện nguyên hình là một cô giáo dễ thương, nề nếp, mô phạm khi cô ngồi trên cát, chèo xuồng với anh trên hồ sen, hay cô đứng chịu trận trước lời xỉ vả của những người buôn thúng bán mẹt đòi cô móc đền tiền. Và cô chỉ thật sự đẹp hơn (dù hơi thái quá một chút) là cắt đi mái tóc để làm mềm lòng "con cua bò ngang". Nếu Charlie Nguyễn khai thác đúng mức tâm lý nhân vật theo từng cá tính và nghề nghiệp với những màn kịch "sống bằng hai mặt" của các nhân vật thì nội dung bộ phim sẽ hấp dẫn và có sức thuyết phục cao.

LỜI KẾT:

Nhìn chung, Charlie Nguyễn và nhóm bạn của anh, những diễn viên điện ảnh vừa mới ra lò nhưng đã thành công trong bộ phim "Vật Đổi Sao Dời”. Đạo diễn Charlie Nguyễn đã thể hiện phong cách hết sức thanh niên của anh trong từng lời nói, cử chỉ của những nhân vật trẻ trong phim. Bộ phim của anh đã gây được tiếng cười cho khán giả và thu hút sự quan tâm của bà con trong cộng đồng người Việt. So với bộ phim "Vua Hùng Vương Thứ 18", thì "Vật Đổi Sao Dời" là bước đi khá dài của anh và bạn bè trên con đường phát triển nghệ thuật điện ảnh. Chúng ta không có nhiều tiền và chưa có nhiều đạo diễn gạo cội như các nước khác nhưng sự dũng cảm, sáng tạo, mạo hiểm sẽ giúp cho chúng ta thành công trong tương lai. Cầu chúc Charlie và bạn bè anh sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trên con đường nghệ thuật. Chúng tôi hy vọng Charlie Nguyễn sẽ cho ra mắt một bộ phim mới trong thời gian tới. Tuần báo Đại-Chúng và Phong Thu mong anh sẽ dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn trực tiếp.

Phong Thu

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002