Đại Chúng số 97 - Ngày 1 tháng 5 năm 2002

Duramax

THÁNG TƯ ĐEN

Vương Thảo Hương

- Pháo kích! Pháo kích!

Tiếng hét của Long đánh thức Trâm ra khỏi cơn ác mộng bằng một thực tế kinh hoàng không kém. Trâm ngồi phắt dậy, choàng tay ôm con, tuột xuống giường, nhẩy vào hầm trú ẩn trong lúc Long chạy ra ngoài chỉ huy lính phòng thủ Chi Khu. Từ mấy tháng trước, đêm nào cũng vậy, cứ khoảng 2, 3 giờ sáng là tiếng đạn pháo kích và tiếng pháo binh trả đũa lại ầm ì cả đêm. Trâm sống trong phập phồng lo sợ. Tình hình chiến sự càng ngày càng căng thẳng. Bọn du kích Việt Cộng từ Vàm Cỏ tràn về càng nhiều. Đầu tháng 4 năm 1975, Chi Khu ban hành lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng. Những vụ bắn sẻ vào xe lính dọc đường và nổ mìn định hướng của Việt Cộng trên đường Long An - Saigon tăng thêm sự nghiêm trọng của chiến tranh. Chi Khu Bến Lức phải xin một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến về giữ an ninh. Cầu Bến Lức là một yếu điểm của miền Tây. Mất Bến Lức, mọi tiếp tế giữa Saigon và miền Tây sẽ bị gián đoạn. Trong gần hai tháng trấn đóng của tiểu đoàn Thủy Quân Lục chiến, sự tấn công của Việt Cộng dịu hẳn. Mỗi buổi tối, Trâm có thể ôm con ngủ an lành, không chập chờn trong cơn ác mộng như đêm nay, khi tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến vừa rút đi, tiếp viện cho những vùng chiến tranh khốc liệt hơn. Trong bóng đêm lập loè ánh hỏa châu hắt vào miệng hầm, đôi mắt thằng con vừa tròn hai tuổi mở to ngạc nhiên, sợ hãi. Trâm hôn tới tấp lên khuôn mặt còn thơm mùi sữa, nghẹn ngào:

- Ngủ đi con, ngủ đi, có mẹ ở kế bên con đây mà.

Đã nhiều lần, Long khuyên Trâm đưa con về Saigon sống với mẹ, tránh né chiến tranh, nhưng Trâm cương quyết ở lại, đòi chia sẻ từng phút giây hiểm nguy với chồng. Tiếng đạn pháo kích dịu hẳn khi pháo binh bắt đầu trả đũa. Trâm ẵm con lên khỏi miệng hầm. Long cũng bước vào:

- Ít bữa em và con nên về Saigon, tình hình căng thẳng lắm rồi. Các đồn chung quanh Long An đã mất gần hết. Chi Khu không còn an toàn nữa. Bọn chúng có thể tấn công bất cứ lúc nào. Vả lại, anh nghe nói nhiều người đang tìm đường đi ngoại quốc vì miền Nam có thể bị thất thủ.

Trâm im lìm không nói, lặng lẽ đặt con lên giường, nằm xuống bên cạnh, thở dài. Từ ngày chiến tranh gia tăng, Trâm đã nghỉ làm, theo chồng đóng quân ở Bến Lức. Những năm đầu vừa cưới, Long phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù. Long đã đi khắp bốn vùng chiến thuật. Tiểu đoàn của Long có mặt ở hầu hết các mặt trận. Mỗi năm Trâm chỉ gặp mặt chồng trong khoảng vài ba tuần về phép. Cho đến khi bị thương ở Quảng Trị, không thể đi tác chiến nữa, Long mới xin chuyển ngành về Bến Lức để được gần vợ con. Nhưng chiến tranh vẫn theo đuổi Long như hình với bóng. Những toán đặc công Việt Cộng hàng đêm len lỏi trong các xóm làng thanh toán lính quốc gia và gia đình của họ bằng những phương cách ác độc nhất. Ban đêm, ở những thôn xã hẻo lánh, bọn chúng tụ tập dân chúng, bắn hay chặt đầu thẳng tay những người bị chúng liệt kê vào thành phần chống đối ngay trước mặt mọi người để đe dọa những ai không khuất phục. Bằng những mỹ từ yêu nước và bằng súng ống, lưỡi lê, gao găm, mã tấu, bọn chúng dễ dàng thâu tóm gạo thóc, thực phẩm của dân làng hàng đêm.

Sống ở Chi Khu, mặc dù ngày tháng phập phồng lo sợ vì chiến tranh, nhưng dù sao, cũng có chồng bên cạnh, không phải xa cách quanh năm như ngày Long còn ở tiểu đoàn Dù, Trâm vẫn được phần nào hạnh phúc. Mấy tháng nay, hạnh phúc mong manh đó chỉ còn là nỗi vui sống sót sau những giờ pháo kích rền rã của địch. Trâm xanh xao gầy mòn vì bao đêm thức trắng, ngủ chập chờn chờ nghe tiếng đạn để kịp ẵm con chạy xuống hầm. Trâm cũng muốn mang con về Saigon cho thằng bé không phải hốt hoảng mỗi lần pháo kích, nhưng nghĩ đến hiểm họa Saigon và lục tỉnh bị cắt đôi, Trâm sẽ mất liên lạc với chồng là Trâm lại ngập ngừng không muốn đi. Vả lại, dù lớn lên ở Saigon, nhưng đã bao năm theo chồng nổi trôi với cuộc chiến, Trâm cảm thấy không thể tách rời với thế giới chiến tranh. Nghĩ đến Saigon và sự an toàn tạm bợ, người Saigon thu mình trong cái vỏ hòa bình giả tạo, sống vội vàng trong phù phiếm, xa hoa, Trâm không nghĩ mình có thể hòa nhập vào cái xã hội buông thùa ấy nữa. Trâm muốn được khắc khoải từng giờ sống theo nhịp đập trái tim của những người lính trận đang chạm mặt quân thù, của cuộc sống tranh tối tranh sáng nơi những xóm làng đau khổ, đầy vết chân dày xéo của lũ giặc xâm lăng. Trâm không muốn bỏ lại sau lưng những con người đã cùng Trâm thấp thỏm từng đêm chờ nghe tiếng đạn pháo kích. Long nói vội vàng như thúc dục:

- Em à, không chần chừ nữa được đâu, ngày mai em chuẩn bị cho con về Saigon sống với má trước, khi nào khẩn cấp, anh sẽ về sau.

Trâm gật đầu, hai dòng lệ nóng hổi lăn vội trên đôi gò má khô khan, già trước tuổi.

Cuối tháng tư, 1975, không khí nặng nề một cách khó hiểu bao phủ Saigon. Đường phố tấp nập, người ta bương bả ngược xuôi như cố kiếm tìm một con đường vượt thoát khỏi hiểm nguy của chiến tranh đang cận kề. Có người quả quyết Saigon sẽ mất, cũng có người không tin Mỹ sẽ hoàn toàn bỏ rơi Việt Nam. Điều chắc chắn nhất là không ai tin mình sẽ chạm trán với chế độ Cộng Sản. Vàng và đô la tăng giá vùn vụt, muốn mua cũng không phải là dễ. Những người di tản đi Mỹ đã mua bằng bất cứ giá nào hai món bọc thân quý giá này. Bọn con buôn không bỏ lỡ cơ hội, biến vàng và đô la thành món hàng chợ đen hiếm có. Muốn mua phải có người quen hướng dẫn đến những nơi kín đáo. Cũng may nếu không nhờ pháp trường cát lập ra thời đó thì có lẽ muốn sống đến ngày 30 tháng 4 cũng rất khó khăn. Vật giá leo thang vùn vụt, sáng một giá, chiều một giá. Buổi sáng 27 tháng 4, Trâm ra Ngân Hàng rút tiền để mua vàng giống như bao nhiêu người khác mặc dù Trâm cũng chưa biết mình sẽ di tản bằng cách nào, hoặc Saigon có thất thủ thật hay không? Trâm chỉ đơn giản nghĩ đến thằng con còn bú sữa, nếu chiến tranh thực sự bùng nổ ở Saigon, ít ra cũng có tiền mua sữa cho con. Vài ba người đang đứng ở quầy tiền, một cô gái khoảng tuổi Trâm đứng ngay cửa ra vào, vừa nhịp chân, vừa gật đầu nhìn bà khách sang trọng đang đưa tiền cho nhân viên Ngân Hàng, cười mai mỉa:

- Lại một người lạc quan nữa!.

Đã một tuần nay, người ta chỉ lấy tiền ra chứ không ai bỏ tiền vào Ngân Hàng. Mọi người hầu như chỉ nghĩ đến con đường tháo chạy, không ai nghĩ đến bám víu vào thành phố Saigon. Bà khách đúng là một người lạc quan. Trâm cảm thấy nỗi đau nào đó vừa dấy lên vô cùng mãnh liệt như nỗi đau chung của đất nước cho những người đồng cảnh ngộ. Long vẫn biệt tăm, chưa thấy về. Bạn bè của Trâm, những người có chồng Không Quân đã được đưa đi Mỹ gần hết. Chị Thu nửa thật nửa đùa nói với Trâm:

- Ai bảo mày ham Thiên Thần Mũ Đỏ, không lấy chồng Không Quân, lúc nào cũng nghiêng cánh sắt ở trên đầu thiên hạ thì giờ này mày cũng đã ở bên Mỹ rồi.

Đối với Trâm, hy sinh cho đất nước là một vinh dự mà chị Thu không thể nào hiểu được. Trốn ra ngoại quốc là điều Trâm chưa hề nghĩ đến. Vấn đề đang làm Trâm xôn xao tim óc là Saigon như sợi chỉ tơ mành, không biết sẽ lãnh đạn pháo kích hay sẽ mất trong tay bọn Việt Cộng gian ác lúc nào đây. Mỗi lần nghĩ đến số phận đau thương của miền Nam, tim Trâm như xẻ làm trăm mảnh, vừa lo sợ, vừa đau đớn, tiếc thương. Ước gì mình có phép tàng hình, ước gì mình có phép thần thoại, ước gì... Trời ơi, thân phận tầm thường, nhỏ bé của một người đàn bà chưa đầy 30 tuổi, hoàn toàn bất lực trước nguy cơ của đất nước, đau khổ biết chừng nào. Hàng ngày báo chí loan tải tin tức tháo chạy kinh hoàng của miền cao nguyên Trung phần, cộng với sự hăm dọa pháo kích Saigon ra từng mảnh vụn của Việt Cộng đã tạo nên những con người sẵn sàng dơ tay chịu thua, những đôi chân sẵn sàng chạy trốn trên khắp nẻo đường thành phố Saigon. Thân phận con người sao quá nhỏ nhoi trước vũ trụ. Trời vẫn xanh trong, cây cỏ vẫn sống, không khí vẫn đầy tràn nhưng sao mọi chuyện liên hệ đến con người đã hoàn toàn khác hẳn, hàng triệu trái tim rướm máu cũng không thay đổi được điều gì.

Bước ra khỏi Ngân Hàng, Trâm ảo não nhìn thành phố với con đường rợp bóng cây đang nhởn nhơ trong nắng gió, không hề chuẩn bị cho những bất trắc, những sụp đổ đau đớn không biết sẽ phủ xuống khung trời vô tình này vào giây phút nào đây. Âm thanh tức tưởi của tiếng đàn Tranh quyện xiết trong nhạc phẩm Đàn Chim Việt của chương trình phát thanh Bên Kia Bức Màn Sắt mà Trâm đã chờ nghe hàng đêm ngày còn thơ dại, bỗng vang dội trong đầu Trâm, tăng thêm sự đe dọa vô hình đang ngấm ngầm vò xé, lan đi khắp cơ thể. Dù bất cứ dữ kiện hiển nhiên nào, Trâm vẫn không chấp nhận được ý nghĩ miền Nam sẽ thất thủ trong tay bọn xâm lăng Bắc Việt. Trâm vẫn tin tưởng rằng những người lãnh đạo miền Nam chắc chắn phải hiểu rõ thảm họa Cộng Sản và chắc chắn họ không thể nào đầu hàng ô nhục, đưa sinh mạng của hàng triệu quân dân miền Nam vào chỗ chết.

Buổi sáng, theo chị Thu tới tòa Đại Sứ Mỹ để mang xe về, Trâm bùi ngùi nhìn chị hối hả xuống xe, lòng vừa buồn vừa xáo trộn trong nỗi lo âu thê thảm. Giờ thì đã rõ ràng mọi người đang cuống cuồng bỏ chạy khỏi Saigon, riêng Trâm sao vẫn quay quắt với niềm hy vọng vô lý nào đó cứ không ngừng dấy lên. Không lẽ mình phải đối đầu với lũ người cuồng bạo đó, không lẽ những người lãnh đạo sẽ thản nhiên bỏ rơi miền Nam, không lẽ...cả trăm điều không lẽ nối tiếp nhau mâu thuẫn với sự thực đang rõ nét mỗi ngày mỗi nhiều hơn lên. Chị Thu dúi vào tay Trâm một mớ tiền:

- Còn bao nhiêu Trâm giữ hết đi, ở lại lo cho Má và các em dùm chị.

Trâm gật đầu, nghẹn ngào nhìn chị chen lấn trong đám vợ con ngoại quốc, khuất dần sau cánh cửa sắt của Tòa Đại Sứ. Lại thêm một sự thực đang diễn ra trước mắt. Chồng chị Thu cũng căn dặn Trâm phải tìm cách ra đi b?ng mọi giá vì Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam rồi, nhưng không biết tại sao trong lòng Trâm vẫn vấn vương một niềm tin mơ hồ. Dù có Mỹ hay không, không bao giờ bọn Cộng Sản có thể đặt chân chiến thắng lên thành phố Saigon. Trâm vẫn cương quyết không nghĩ đến di tản. Phải chăng sự sợ hãi phải thất thủ trong tay bọn giặc Đỏ đã biến thành niềm tin mơ hồ ẩn hiện chập chờn để trấn áp nỗi lo sợ mất nước kinh hoàng đang xâm chiếm Trâm?.

Đêm 28 tháng 4, những lằn đạn pháo kích xé không gian, tỏa ánh sáng cay nghiệt khắp b?u trời Tân Sơn Nhất. Nhà mẹ của Trâm ở sát bên phi trường. Trâm giựt mình ôm con, định nhảy xuống hầm trú ẩn như ngày ở tỉnh, nhưng chợt nhận ra mình đang ở trên lầu nhà mẹ, Trâm bồng con chạy xuống dưới nhà. Hai mẹ con ngồi nép vào một góc phòng khách. Đôi mắt thằng bé cũng mở to ngơ ngác như những đêm trốn đạn pháo kích quen thuộc. Trâm rùng mình nghĩ đến chồng đang tử thủ miền Tây và những kế hoạch tấn công khát máu người tanh tưởi của bọn xâm lăng. Mỗi Chi Khu miền Tây đều được bao bọc bởi một con rạch dùng làm hàng rào ngăn cản bước xâm nhập của đặc công Việt Cộng. Thông thường, chúng cho bọn nữ cán bộ trang phục quần áo bà ba đen, ống quần cột cao lên đến đùi, bò qua rạch. Nếu lính phòng thủ không phát hiện, chúng sẽ bò vào tận bên trong Chi Khu, lén lút gài mìn khắp mọi nơi. Trước khi tấn công, bọn chúng sẽ cho nổ mìn và lựu đạn, sau đó mới tràn vào Chi Khu cận chiến dùng súng ngắn, dao găm và mã tấu chặt cổ từng người lính Quốc Gia. Các đồn nhỏ chừng một tiểu đội lính cũng vậy, vì nằm vùng, chúng rành rọt tên tuổi mỗi người. Trước khi tấn công, chúng bắc loa kêu gọi đích danh từng người một ra đầu hàng, hăm dọa nếu không bỏ hàng ngũ, chúng sẽ giết chết cha mẹ, vợ con người đó. Tiếp theo, chúng cho nổ mìn và lựu đạn, và cuối cùng xử dụng dao găm, mã tấu tấn công đánh xáp lá cà, giết không gớm tay những người lính hiền lành còn ở trong đồn tử thủ. Để chiến thắng miền Nam, bọn Cộng Sản Bắc Việt và lũ tay sai Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã không chừa một hành vi ác độc nào, kể cả hành vi pháo kích bừa bãi vào thôn xóm, vào trường học, chợ búa. Đồng thời chúng ám sát thẳng tay những người làm việc đắc lực cho Quốc Gia để dằn mặt. Những buổi sáng thức dậy trong tiếng khóc than của gia đình có người chết vì đạn pháo kích, hay vì bị ám sát trong đêm đã trở nên quen thuộc như tiếng hát cải lương mỗi ngày trên Radio nhà hàng xóm khi Trâm ở Saigon. Nỗi đau dần dà cũng quen thuộc như bữa cơm với cá kho quẹt buổi sáng ở thôn quê.

Người dân tỉnh lỵ quá cô đơn trong cuộc chiến. Thiếu thốn phương tiện tuyên truyền, người lính Quốc Gia sống tách rời với cuộc sống dân chúng. Trong khi đó, lũ Việt Cộng gian manh đêm đêm len lỏi trong làng dụ dỗ, hăm dọa, đàn áp tinh thần người dân chất phát. Đêm và ngày là hai thế giới khác biệt đối với người dân ở các thôn xã hẻo lánh. Ban đêm bị Việt Cộng bóc lột gạo thóc, thực phẩm, cấm không cho giao tiếp với lính Quốc Gia. Ban ngày lính Quốc Gia đi ruồng bắt Việt Cộng, cử chỉ sơ hở sẽ không biết hậu quả ra sao. Những ngày cuối cùng, các đồn chung quanh Long An thất thủ gần hết. Tình hình đã rối rắm đến mức không thể điều khiển được sau lệnh rút quân ở cao nguyên Trung phần. Giữa tháng tư, một tiểu đoàn Bộ Binh vừa rút quân ở miền Trung được di chuyển về Tiểu Khu Long An trong tình trạng tồi tệ, không quân trang, không súng ống, không lương tiền, không cả chỗ trú ngụ. Các đàn anh của họ có lẽ đã di tản hoặc đang quá bận rộn tìm cách rút lui, chẳng ai còn thời giờ để mà ổn định họ. Phải đến một tuần sau, họ mới được thu xếp để vào hàng ngũ gia tăng bảo vệ miền Tây. Hình ảnh những người lính ủ rũ đi lang thang ngoài chợ niềm đau xót vô biên cho một miền Nam cường thịnh bỗng dưng xơ xác đến tiêu điều. Trâm và kể cả Long, không hiểu tại sao miền Trung lại thất thủ vội vã đến không ngờ. Bị tấn công đột ngột, tàn khốc như tết Mậu Thân, như cổ thành Quảng Trị mà vẫn đánh bật được quân thù. Ngày nay, không có mặt trận nào khốc liệt, bỗng dưng dân quân miền Trung tháo chạy như nước vỡ bờ. Những người yêu nước ngây thơ không ai có câu trả lời cho tình hình cuộc chiến lúc đó. Đi đến đâu cũng chỉ nghe bàn tán chuyện di tản. Hàng ngày tin tức từ Đài VOA, từ báo chí về các cuộc rút quân ào ạt, hãi hùng ở miền Trung như tăng thêm nỗi lo sợ về sự an toàn của đất nước cho dân chúng Saigon. Trâm rùng mình nghĩ đến những chuyến máy bay chở người di tản bị dân chúng tràn lên trong kinh hoàng đến xé rách cả cửa, họ bám vào chân, vào cánh quạt, vào đuôi máy bay để trốn chạy Cộng Sản với bất cứ giá nào. Máy bay vừa cất cánh, người ta đã rớt xuống như sung. Khi lên cao, vì không có cửa, áp xuất không khí đã làm mọi người bật máu từ tai, mũi, miệng. Một số người sợ bị gió cuốn, cột chân tay vào ghế, cuối cùng bị gió xé rách, cuốn nửa thân người vào không gian đang nhuốm màu tang đau đớn của tháng tư đen. Hình ảnh những cuộc di tản hãi hùng nhất trong lịch sử loài người được mô tả với từng chi tiết ghê rợn làm Trâm chưa lần nào dám đọc hết tờ báo. Biến động này tiếp theo biến động kia, không ai còn đủ thời giờ để quy tội cho ai về trận chiến nhục nhã chưa đánh đã đầu hàng, mọi người quay tròn trong chiến tranh đang đến hồi đẫm máu.

Sau trận pháo kích, sáng 29, thành phố Saigon bừng lên vẻ náo động vô hình của sự tháo chạy đang lan rộng. Những chuyến xe bus chở nhân viên các công sở Mỹ và gia đình tiếp tục đổ về Tân Sơn Nhất. Tin tức các tướng lãnh, các giới chức cao cấp đã di tản như dầu đổ vào ngọn lửa đang phừng cháy. Saigon đã thực sự bị bỏ rơi, niềm tin mong manh miền Nam không bao giờ thất thủ của Trâm đã trở thành tuyệt vọng. Long vẫn biệt tăm. Trâm cũng giống như những người Saigon đang trong cơn sốt, sắp xếp vài ba món cần thiết vào cái xách tay, ôm con chờ chồng. Thằng bé thiêm thiếp ngủ. Nhìn vẻ hồn nhiên, trong sáng của con, Trâm xót xa nghĩ đến nỗi bất hạnh đang chực chờ mái gia đình nhỏ bé của Trâm. Liên tưởng đến những viên đạn thù, những lưỡi dao ác nghiệt của quân địch sẽ đổ xuống người Long, đổ xuống người Trâm... nhưng phải chăng giờ phút của chấp nhận đã đến?, Trâm bỗng dưng mạnh mẽ phi thường, không còn sợ hãi. Nếu phải chết, đó cũng là cái chết cần thiết vì Trâm biết Trâm không thể nào sống chung với bọn Cộng Sản vô thần, tàn bạo.

- Trâm ơi, em đâu rồi?.

Tiếng kêu hốt hoảng của Long kéo Trâm ra khỏi dòng tư tưởng hỗn loạn, Long đã về đến Saigon. Trâm chạy ra cửa, đứng sững nhìn chồng trong bộ quần áo trận đang bước vào, bật khóc nức nở. Long vội vàng ôm Trâm vào lòng, xoa lưng vợ:

- Nín đi em. Con đâu rồi?.

Trâm vùi đầu vào ngực chồng:

- Con đang ngủ. Em lo cho anh quá.

Long thở dài:

- Tình hình bất ổn lắm. Các cấp chỉ huy ở Tiểu Khu, Chi Khu phần lớn đã bỏ nhiệm sở. Anh định về thăm em và con rồi sẽ trở lại Chi Khu.

Trâm xiết chồng thật chặt, dường như để đè nén sự lo sợ đang biến Trâm thành con người ích kỷ:

- Còn ai nữa đâu mà anh về nhiệm sở. Đến nước này rồi, anh phải luôn luôn ở sát bên em và con. Đã chết thì phải chết chung. Em sợ lắm.

Long vuốt tóc vợ, thở dài. Long định về Saigon chỉ để nói cho vợ biết đừng chờ lương tháng này vì Sĩ Quan phát lương đã ôm hết tiền lương của Long và của lính đơn vị đi ngoại quốc mất rồi. Long không có ý định ở lại Saigon mặc dù tình hình hầu như chỉ còn chờ phép lạ. Nhưng nhìn vợ héo hon, Long không nỡ nói. Trâm lau nước mắt, cười gượng:

- Để em làm gì cho anh ăn nhe.

Đã lâu lắm, hai vợ chồng không còn những bữa cơm thanh nhàn. Những bữa cơm trở thành vội vã từ ngày chiến sự gia tăng ở miền Trung. Long thường xuyên bận rộn, giờ giấc làm việc thất thường. Có những đêm, Trâm ngồi một mình nhìn về hướng Saigon buồn ray rứt cho thế hệ của mình. Sống những ngày thanh bình không được bao lâu. Vừa lớn đã Kinh Tế Mùa Thu, Kinh Tế Kiệm Ước, lương Sĩ Quan chỉ vừa đủ mua một bao gạo và sống lây lất chờ kỳ lương tới. Có tiếng Chị Cẩm léo nhéo bên ngoài:

- Giờ này tụi bay còn ở đây? Anh Thìn đi Mỹ tối hôm qua rồi. Tụi nó đang tiến về Saigon. Anh Tuấn kêu tất cả mọi người đi vào Chợ Lớn tránh đạn pháo kích. Gấp đi, tao chờ.

Long ngần ngừ, Chị Cẩm bồi thêm:

- Đừng thắc mắc gì nữa. Saigon chắc chắn phải mất thôi. Người ta đang chạy đôn đáo khắp ngả đường tìm cách đi ngoại quốc. Cả rừng người ở Tòa Đại Sứ Mỹ.

Trâm trao con cho chồng, hối hả lượm lặt vài đồ dùng cá nhân trước khi tất tả kéo Long đi theo chị Cẩm. Long bước theo vợ như bước đi trong một giấc mộng du. Đầu óc Long chặt cứng bổn phận của cấp chỉ huy và bổn phận của cột trụ gia đình. Vào đến Chợ Lớn, anh Tuấn kéo Long ra một góc thầm thì:

-Tao thấy hết hy vọng rồi. Đây là nhà bọn xì thẩu, dầu gì bọn chúng cũng có cách bao che tụi mình nếu tình trạng đi đến chỗ nguy hiểm. Tụi nó đang tiến về Saigon, tao cũng vì tử thủ Gia Định nên đã trễ hết, không còn cách nào chạy đi nước ngoài. Thôi tạm ở đây xem tình hình ngày mai ra sao.

Đêm hôm đó, Trâm và Long đã thức gần đến sáng. Chập chờn trong những hình ảnh đau thương của biến cố dồn dập, tâm tư họ chỉ còn nỗi trống vắng, cô đơn và chịu đựng.

- Dậy đi em, sáng rồi.

Gương mặt ngây thơ nhưng nhuốm đầy ủ rũ của Trâm trong cơn thiếp đi vì mỏi mệt làm lòng Long se thắt. Long miên man nghĩ đến những tỉnh lỵ miền Trung vừa bị Việt Cộng chiếm đóng, việc đầu tiên bọn chúng làm là nả đạn vào vợ con của lính. Cái chết hình như cũng lởn vởn đâu đây trên khuôn mặt dịu hiền trong sáng của Trâm. Ánh nắng ban mai hắt vào song cửa vẫn rực rỡ và hồn nhiên như mọi ngày, chỉ có Long đã là một con người hoàn toàn khác, không còn chút bổn phận nào của người cầm súng, không còn một uy lực nào của cấp chỉ huy. Đôi dòng lệ xót đau như hai dòng máu đang rỉ ra trong mắt Long. Bàn tay gầy guộc đặt lên nòng súng nhưng bất lực như một bàn tay cụt. Long mím môi nhìn vợ, nhìn con.

- Anh phải chết, còn em? còn con?... Trâm ơi, em và con nào có tội tình gì.

Long gục xuống bàn, cơn đau đớn tàn phá từng mạch máu, đường gân. Những khuôn mặt cam khổ, trung kiên của đồng đội tiếp đến như những đợt sóng, vỡ tan trong đầu Long. Nhưng dòng điện cao thế xé rách thân thể Long là nỗi tức tưởi của kẻ bị bắt buộc phải đầu hàng. Tay Long xiết chặt cây súng colt, giờ đây không còn cơ hội để bắt nát óc quân thù, nòng súng tanh nồng kia chỉ có thể nhắm vào con, vào vợ, vào chính bản thân của mình.

- Anh ơi, đừng chứ anh. Anh đừng làm em sợ....

Tiếng nức nở của Trâm kéo Long về thực tại. Trâm đang quỳ dưới chân Long, tay bụm mặt, thổn thức khóc. Long nâng vợ đứng lên.

- Anh có lỗi với em. Trâm ơi, đừng khóc nữa. Anh phải sống, em cũng phải sống cho con. Vì con, chúng mình sẽ sống.

Trâm gật đầu, dụi những giọt nước m?t nóng hổi vào áo Long. Hơi thở ấm áp của Long phả vào mặt Trâm nghe nồng nàn như những cánh hoa Lan trinh khiết của tuổi học trò. Dòng ký ức của Trâm bỗng quay ngược lại về một thời gian êm đềm nào khác...

...Tết Mậu Thân, tiếng súng mà ban đầu, Trâm cứ ngỡ là tiếng pháo rền rả khắp nơi. Cô nữ sinh Nguyễn Khuyến sợ hãi chạy theo Mẹ ra tá túc nhà thờ Võ Tánh để tránh đạn. Ba Trâm ở lại coi nhà. Chưa bao giờ Trâm thấy Ba sợ hãi bất cứ một điều gì. Khi tiểu đoàn Dù đổ vào trấn đóngThủ Đô, tiếng súng đã tạm yên Ba mới đưa Mẹ và Trâm về nhà. Chiều hôm đó, đến giờ cơm, Mẹ sai Trâm ra mời hai người lính Dù đang ngồi gác ở đầu ngõ vào ăn chung. Mẹ Trâm là người đôn hậu, lúc nào cũng nghĩ đến người trước khi nghĩ đến mình, nhất là Mẹ rất quý những người xả thân ngày đêm bảo vệ đất nước. Trâm chạy ra, nhìn hai người lính Dù, chưa kịp nói thì người thứ ba đã đi trờ tới, nhìn Trâm gật đầu chào. Trâm ngập ngừng:

- Dạ, Mẹ tôi nói mời các anh vào dùng cơm với gia đình chúng tôi.

Người lính vừa tới lắc đầu:

- Nhờ Cô cám ơn Bác dùm, chúng tôi còn phận sự phải làm.

Mặc dù hơi nhếch mép cười, giọng nói và gương mặt anh chàng vẫn có vẻ lạnh lùng, khó chịu. Trâm quay vào nhà, bực bội vì lần đầu tiên có một người không chiều mình. Không có sắc đẹp sắc sảo, khêu gợi nhưng Trâm có khuôn mặt thanh thoát, cặp mắt ngây thơ, nụ cười vô cùng kiêu sa, rực rỡ. Đi đến đâu, Trâm cũng là cái đinh cho các chàng trai si tình. Vậy mà hôm nay, anh chàng sĩ quan Dù này lại không coi mình ra gì cả.

- Họ không thèm ăn, Mẹ à.

Biết Trâm đang giận dỗi, Mẹ cười:

- Chắc họ bận chứ ai lại không thèm ăn. Để Mẹ ra mời họ xem sao.

Không biết Mẹ nói gì, anh chàng trả lời Trâm lúc nãy đã đứng trước cửa. Trâm vờ không thấy, định quay vào trong nhưng Mẹ kêu lại:

- Trâm à, rót nước mời anh đi con.

Trâm đành trở ra, tay bưng tách nước đặt trước mặt người lính trẻ:

- Mời anh dùng nước.

- Tôi tên Long, cám ơn Cô.

Quay qua Mẹ, anh chàng trang nghiêm nói:

- Xin lỗi Bác, hai người lính của cháu phải gác nên không tiện vào đây, có lẽ cháu xin Bác ly nước cho họ cũng được rồi.

- Ờ, nếu phải lo công việc thì thôi, nhưng cần gì cứ nói Bác giúp. Cám ơn các cháu đã bảo vệ xóm làng. Mấy hôm không có các cháu, cả xóm phải qua bên nhà thờ ngủ.

Bóng Long đã khuất sau cánh cửa, Trâm không còn giận, chỉ thấy hờn sao anh chàng không coi mình ra gì cả. Bỗng dưng, một niềm bâng khuâng khó hiểu chợt xâm chiếm Trâm. Trâm nghĩ luẩn quẩn mãi về cái gương mặt cương nghị, lạnh như tiền và chiếc mũ đỏ nằm kiêu hãnh trên tóc Long . Chiều hôm sau, đi học về, con đường vào nhà hình như có điều gì khác hẳn những buổi chiều chưa có Long trấn đóng. Cái xóm nghèo nàn chừng như tươi tắn và dễ thương hơn. Trâm thấp thỏm không biết có gặp anh chàng hay không. Vừa đến đầu ngõ, bóng Long từ bên kia đường đã hiện ra.

- Chào cô Trâm. - Sao anh biết tên Trâm?

Long nhìn Trâm, có vẻ tinh nghịch:

- Tôi nghe bác gọi hôm qua.

Tưởng anh chàng không để ý đến mình chứ, Trâm chợt lúng túng, thẹn thùng. Cuốn vở trong tay Trâm rớt xuống đất, làm tung toé những trang giấy học trò trắng nuốt trên nền đất dơ bẩn. Long nhanh nhẹn cúi xuống lượm từng tờ lên, trao cho Trâm. Không dám nhìn thẳng mặt Long, Trâm chỉ biết gật đầu, lí nhí cám ơn, rồi đi về nhà. Sau đợt tấn công của Việt Cộng, lệnh giới nghiêm đã ban hành từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng. Vùng Tân Sơn Nhất về đêm im lìm đầy đe dọa. Thường ngày Trâm hay qua nhà bạn học bài vào buổi tối, nhưng kể từ lúc có giới nghiêm, Trâm quanh quẩn ở nhà học bài một mình. Tối hôm đó, Long tạt vào xin một bi-đông nước. Lần đầu tiên, ánh mắt Long đậu lại hơi lâu trên khuôn mặt đỏ hồng vì e thẹn của Trâm. Những ngày kế tiếp, mỗi buổi tối trong giờ giới nghiêm, khi đi kiểm soát các trạm gác, Long thường ghé qua nhà nói chuyện với Ba Mẹ Trâm. Trâm ngồi lặng lẽ một bên, không nói gì nhưng những lời nói ấm áp của Long như một giòng suối ngọt, xua đi cái không khí ghê rợn của chiến tranh. Bộ quân phục với màu sắc rằn ri, trông như hình thù những cánh hoa đang bung nở trên nền trời đầy ánh hỏa châu của chiến trường sôi bỏng, làm Trâm liên tưởng đến những đôi cánh Thiên Thần đã được dùng để gọi tên binh chủng của Long. Ngày có lệnh rút quân khỏi Saigon, Long đến từ biệt Trâm và gia đình. Trâm ngập ngừng:

- Anh nhớ liên lạc với Trâm.

Long gật đầu, nhìn Trâm không chớp mắt. Sau đó, những lá thư viết từ mặt trận của Long đều đặn gửi cho Trâm, nối tiếp nhau kết tụ thành cuộc tình keo sơn gắn bó...

Trâm thở dài, vậy mà đã 7 năm trôi qua. Chiến tranh càng ngày càng sôi động. Sau tuần lễ trăng mật bằng mấy ngày nghỉ phép ngắn ngủi của Long, hai người đã bị xô đẩy trong làn sóng chiến tranh hầu như bất tận. Tương lai càng ngày càng đen tối như hôm nay, có lẽ chỉ có cái chết mới giải quyết được những tủi nhục. Tiếng anh Tuấn gọi thất thanh:

- Long à, Dương Văn Minh đầu hàng rồi.

Long giật nẩy mình, kéo Trâm đứng lên, chạy về phía phòng khách. Mọi người tụ tập chung quanh cái Radio để giữa bàn. Tiếng kêu gọi các quân nhân buông súng đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh vang vang như những nhát búa bổ xuống đầu Long. Trâm khóc nức nở. Thằng Lam thức giấc, chập chững đi tìm mẹ. Trâm ôm chầm lấy con, miệt mài khóc. Tiếng súng nổ đì đùng khắp nơi. Trâm chợt nhuốm lên niềm hy vọng hư ảo:

-Có thể nào ông Minh bị cưỡng ép đầu hàng và quân đội vẫn tiếp tục chiến đấu lấy lại Saigon không anh?

Long lắc đầu thiểu não:

- Không thể nào đâu, em ơi. Dù có chống cự cũng chẳng ích lợi gì. Các cấp chỉ huy đã bỏ đi hết.

Chiều 30 tháng 4 là buổi chiều kinh hoàng nhất trong đời Trâm, kinh hoàng hơn cả chuyến vượt biên lênh đênh trên biển, chấp nhận cái chết đi tìm tự do. Trâm đã không tin mình đang sống và đang thức tỉnh. Mọi chuyện ập đến như một cơn ác mộng. Tiếng hát Nối Vòng Tay Lớn từ máy phát thanh như tiếng kêu gào ma quái đầy đe dọa đuổi theo bước chân của Long và Trâm trên đường đi về Saigon. Khuôn mặt thành phố nhốn nháo trong cơn sốt sợ hãi. Những chiếc xe phóng chạy bay biến trên đường tưởng như những chiếc hỏa tiễn đang cố lao vào không gian vội vã. Người ta hối hả ngược xuôi. Vẻ dáo dác, âu lo hiện rõ trên những khuôn mặt còn nhuốm nét kinh hoàng. Một vài xe cảnh sát hoặc xe jeep chạy qua, trên xe lố nhố những người lính Nhân Dân tự vệ với kiểu ôm súng chĩa lên trời quen thuộc. Trâm kéo tay Long:

- Anh à, hình như lính Nhân Dân Tự Vệ của mình vẫn còn, nhưng sao họ có vẻ không sợ hãi gì hết mà còn giống như đang bận rộn?

Long ủ dột:

- Có lẽ bọn nó phải tạm dùng Nhân Dân Tự Vệ trong lúc này để kiểm soát dân chúng.

Trâm tức tưởi:

- Nếu vậy, sao trông họ có vẻ vênh vang kiêu hãnh quá, giống như chính họ là những kẻ chiến thắng, hả anh?.

- Đời mà em. Chỉ tiếc một điều, những kẻ như họ lại nhiều quá.

Đêm hôm đó, Trâm đã khóc vùi trong tay Long. Tài sản khiêm nhường của một sĩ quan cấp Úy như Long, chỉ có một Ti Vi, một máy may, ít đồ chơi của bé Lam, quần áo và sách vở tất cả coi như đã bỏ lại hết ở Long An. Cuộc đời binh nghiệp chưa được ngày nào hưởng lộc cũng tan biến theo cơn bão mất nước. Long ngậm ngùi nhìn hai bàn tay trắng, người vợ trẻ và đứa con còn đi chưa vững. Một phút chợt chao lòng, hối tiếc đã chạy theo lý tưởng xa vời đang trở thành vô nghĩa để cho vợ con đói khổ bỗng thoáng qua, rồi lại vội vàng nằm im trong tâm tưởng. Long thở dài, sự bất lực trước nỗi đau đớn của vợ con cũng giống như sự đầu hàng vô điều kiện đối với quân thù Long đang phải đương đầu trong nhục nhã. Bỗng dưng, chỉ một ngày Long thấy mình hoàn toàn là một người mới. Hình ảnh can trường của cấp chỉ huy đã trở thành quá khứ. Long bây giờ chỉ là một người thấp hèn hơn cả một thường dân, đúng hơn, Long chỉ là một tội phạm đang chờ xét xử. Trở về căn nhà nhỏ Trâm đã gom tiền cha mẹ hai bên cho, mua sau ngày đám cưới vẫn bỏ trống ở Saigon, trang bị sơ sài có một cái giường và một bộ bàn ăn, hai vợ chồng bắt đầu cuộc sống trở lại bằng con số không. Phải nói tệ hơn con số không mới đúng, Long không còn cả quyền công dân để mà quyết định cuộc đời mình. Buổi sáng mùng một tháng năm, hai vợ chồng ẵm con đi mua sắm một số đồ dùng vặt vãnh trong nhà, còn bao nhiêu, mua dự trữ gạo, thực phẩm khô vì sợ tiền sẽ bị đổi hoặc mất hết giá trị. Đường phố vẫn tấp nập người đi, có phần đông đúc hơn vì đám lính chính quy Bắc Việt mặc quân phục, mang lon đứng đầy các ngã tư. Đám Nhân Dân Tự Vệ bây giờ được gọi bằng những ông Cách Mạng Ba Mươi chạy lăng xăng mọi ngả đường. Thỉnh thoảng, những lúc dừng chân trên phố, chạm trán với vài ba tên lính Việt Cộng, Trâm len lén nhìn xem mặt mũi bọn chúng có gì khác với mình không? Sáng nay, gặp lại Hùng, lính đơn vị của Long. Mặc cảm làm cho Long ngần ngại, không muốn chào nhưng Hùng đã mau mắn chạy đến chào Long:

- Đại Úy muốn đi theo em buôn bán không?.

Hùng vội vàng chận lại:

- Đừng gọi như vậy nữa, cứ coi như anh em đi nhe.

Chiều hôm đó, Long ủ rũ nói với Trâm:

- Chắc anh không làm được việc gì đâu, em à. Anh đã mang nghiệp lính, bây giờ.. Trâm gật đầu:

- Em biết mà, cứ để em lăn lóc xem sao nghe anh. Truớc sau gì bọn chúng cũng đâu để yên cho chúng mình, rồi em cũng sẽ phải khổ thôi, đừng lo cho em. Anh cứ ở nhà với con, em sẽ theo chị Thuật đi buôn hàng nhu yếu phẩm ở Biên Hòa.

Mỗi buổi sáng, Trâm thức dậy thật sớm, pha trà cho Long, nấu chút cơm trưa cho hai cha con rồi đi theo xe lam lên khu chợ trời ở Biên Hòa mua đường, sữa, bột ngọt, thuốc lá đem về Saigon, ngồi bán chồm hổm trước cửa tiệm vàng chị của Thuật, người bạn cùng ngành với Long trước đóng quân ở Thủ Thừa. Tiền lời mỗi ngày chỉ vừa đủ mua thức ăn cho hai cha con. Với cơ thể yếu đuối, hàng ngày phải khiêng vác hàng từ Biên Hòa về Saigon, thêm nắng gió, lại phải nhường ăn cho chồng con, Trâm trở nên tiều tụy rất nhanh. Mặc dù vậy, Trâm vẫn an lòng vì vẫn còn được sống bên cạnh chồng. Vấn đề kinh hoàng trước mặt của Long và Trâm là số phận của hai người không biết sẽ đi về đâu, sẽ bị đối xử như thế nào? Trâm biết chắc chắn bọn Việt Cộng thâm độc sẽ không đời nào khoan hồng dễ dàng như lời chúng nói. Hai vợ chồng thấp thỏm chờ đợi giây phút chia lìa. Long là một sĩ quan vẫn nổi tiếng ngang tàng, không biết khuất phục những kẻ lợi dụng quyền thế, hà hiếp người thế cô. Ngày còn là Đại Đội Trưởng Dù ở trại Hoàng Hoa Thám, Long đã bất chấp luật bắt buộc sĩ quan phải cho lính dàn chào Cố Vấn Mỹ. Mỗi lần có Cố Vấn Mỹ đi ngang, Long giả vờ không nhìn thấy, quay mặt đi chỗ khác để khỏi phải bắt lính chào. Long đã bị Tướng Dư Quốc Đống gọi lên khiển trách nhưng cũng chỉ khiển trách cho có lệ, có lẽ vì Tướng Đống cũng chẳng ưa gì các Cố Vấn Mỹ. Bản chất thanh liêm, Long lúc nào cũng quý và hy sinh cho lính. Quà đơn vị gửi xuống mặt trận, lần nào Long cũng phân phát cho lính tất cả, không chừa lại một mảy may cho mình. Có lần Trâm đi thăm chồng ở mặt trận Tây Ninh, ngồi kế bên khi Long phân phát quà cho lính, Trâm cũng không được một cái bánh, một viên kẹo. Tuy thương lính như thương bản thân nhưng Long cũng nổi tiếng nghiêm khắc, lính phạm kỷ luật bị phạt rất gắt gao. Với bản tánh thuần chất lính như vậy, bỗng nhiên một ngày trở nên người vô dụng, uất ức mà không làm được gì, phải ngồi chờ xét xử của quân thù, Long đã đau đớn vô cùng. Nỗi cô đơn, thất vọng như những gọng kiếm vô hình xâu xé Long. Trâm biết chồng đang ngụp lặn trong đau khổ, nên không bao giờ dám để lộ vẻ mệt mỏi, buồn bã cho Long thấy, lúc nào Trâm cũng giả vờ vui vẻ, bình thản với cuộc sống chật vật đắng cay ngồi bán thuốc lá vỉa hè của mình, trái ngược hẳn với bản tánh tự phụ thủa nào của Trâm hoa khôi Nguyễn Khuyến.

Giữa tháng 5, bọn Việt Cộng ra lệnh khoan hồng cho giới hạ sĩ quan đi học tập tại phường khóm 3 ngày. Sau đó đến sĩ quan cấp Úy được khoan hồng cho mang theo lương thực đủ ăn 10 ngày, tập trung đi học tập. Thoạt đầu thấy hạ sĩ quan được về đúng 3 ngày, Trâm mừng vui rối rít, nghĩ rằng Long chỉ phải xa nhà có 10 ngày thôi. Trâm tự trách mình đã tưởng tượng quá nhiều, lúc nào cũng nghĩ xấu cho Việt Cộng, có lẽ họ đâu đến nỗi tệ. Dù vậy, nhưng Trâm vẫn còn một chút ngần ngại trong lòng. Đã từng sống ở thôn quê miền Nam, Trâm còn lạ gì bọn chúng. Miệng lúc nào cũng vì nước, vì dân nhưng tay lại giết người như ngoé để đe dọa, trừng phạt những kẻ nào dám đi ngược đường lối phi nhân của chúng. Trâm chia đôi số tiền còn lại của gia đình, cũng chẳng còn bao nhiêu, chỉ đủ cho mỗi người sống lây lất được mươi ngày nữa, đưa cho Long một nửa. Phần còn lại, Trâm trích ra một ít, đi mua bánh bao, xí mại là hai món Long thích ăn để gói ghém cho chồng trước khi Long từ biệt vợ con, ôm bọc quần áo có đồ ăn và đồ dùng đủ 10 ngày đi quá giang một người bạn đến địa điểm tập trung. Trâm theo chồng đến đầu ngõ. Hai tên Nhân Dân Tự Vệ trẻ măng, vắt ra sữa, hách dịch chận Long lại xét giấy tờ, nhìn Long gằn giọng:

- Anh phải cạo râu đi nhe.

Long mím môi gật đầu, quay qua hôn phớt lên trán vợ, nói khẽ vào tai Trâm:

- Nếu không vì em và con, anh cũng liều chết với tụi này.

Trâm gật đầu, nước mắt ràn rụa nhìn chồng khuất dạng trong đám sĩ quan trình diện, mỗi người một giỏ xách quần áo và thực phẩm cho 10 ngày ăn. Khuya đêm hôm đó, tiếng chó sủa đầu ngõ đánh thức Trâm ra khỏi cơn ngủ chập chờn đầy mộng mị đau thương. Có tiếng chân người dừng lại trước cửa nhà Trâm, rồi tiếng gõ cửa vang lên dồn dập. Trâm sợ hãi, cuống quýt tung mền chạy ra mở cửa. Hơi lạnh của cơn gió mát ban đêm ập lên người, Trâm lùi lại trước 5, 6 người lính Bắc Việt vai đeo súng trường đang lạnh lùng nhìn Trâm:

- Mở cửa xét nhà.

Trâm đứng tránh qua một bên, bọn chúng lầm lì bước vào, lập tức chia ra làm 3 toán, hai tên đứng lại chất vấn Trâm, hai tên đi lên lầu lục soát, hai tên đi xuống dưới bếp. Gương mặt bọn chúng đầy vẻ khắc khổ, đanh ác, không lay động một mảy may tình cảm.

- Chồng chị cấp bực gì, bây giờ đang ở đâu?.

Trâm nghẹn ngào:

- Chồng tôi Đại Úy, đã đi học tập sáng nay rồi.

- Đi lúc mấy giờ?.

- Đi lúc 8 giờ sáng.

Trâm rủa thầm trong bụng, đúng là bọn gian manh, làm gì lũ Nhân Dân Tự Vệ không báo cáo Long cấp bực gì, đi lúc nào mà bọn chúng còn giả vờ lục xét thêm một lần nữa. Sau khi bọn chúng đi ra, Trâm khóa chặt cửa, ngồi gục đầu xuống bàn nức nở khóc, tủi thân cho cuộc sống đổi đời. Chỉ mới mấy tháng trước đây, Trâm còn thuộc thành phần không ai cần tra xét lý lịch. Bây giờ, Trâm đã là phần tử bất hảo, không đáng tin của xã hội mới này. Trâm mơ hồ nhận thấy một không khí nghi ngờ khó thở đang vây bủa vợ chồng Trâm. Long đang ở đâu, đang làm gì? Cả thế giới này không ai trả lời được cho Trâm câu hỏi đơn giản đó. Xã hội Cộng Sản là một xã hội câm. Chính quyền chỉ nói khi muốn nói, không ai được phép cậy miệng họ, không có luật lệ nào bắt buộc họ một điều gì. Họ muốn ra luật này đè bẹp luật kia bất cứ giờ phút nào cũng được, chẳng cần ý kiến của ai, người dân phải thản nhiên chấp nhận như con chó đã thuần, tuyệt đối nghe lời chủ. Vài ngày sau, lệnh khoan hồng cho sĩ quan cấp Tá được mang lương thực một tháng đã trấn an mọi người bằng sự hợp lý của thời gian. Mọi người khấp khởi mừng thầm. Có lẽ nhà nước khoan hồng thiệt?.

Mười ngày đăng đẳng trôi qua trong lặng lẽ. Ngày thứ mười, thành phố vẫn lặng im như không hề thắc mắc sự vắng mặt khó hiểu của những con người một thời đem máu xương bảo vệ từng con đường, từng tấc đất của thành phố này. Hôm nay những con người anh hùng ấy đã trở thành kẻ thù cần phải tiêu diệt của những tên khát máu đội lốt tanh hôi đang chơi trò bịp bợm người ngã ngựa bằng trò chơi chữ nghĩa dơ bẩn. Sự im lặng khó hiểu bao trùm gia đình của những sĩ quan học tập. Ngày thứ mười một, ngày thứ mười hai, mười ba trôi qua trong lặng lẽ đến rợn người. Trâm bàng hoàng sợ hãi. Một mình hai mẹ con trong căn nhà hoang lạnh đã khiến Trâm không còn đủ bình tĩnh để chờ đợi lâu hơn nữa. Ngày nào Trâm cũng đội mưa, đạp chiếc xe đạp cũ kỹ mua lại của em gái Long lên tận dinh Độc Lập. Hàng rào người đứng chật đầy trước tấm bảng gỗ chận con đường dẫn vào ngôi nhà đầu não của miền Nam đã bị bọn xâm lăng chiếm giữ. Người này hỏi người kia, chẳng có ai có được câu trả lời thích đáng. Những câu chuyện đồn đại kinh hoàng làm Trâm co rúm cả người vì sợ. Có người nói đã nhìn thấy những chiếc xe cam-nhông chở các sĩ quan đi giết tập thể. Có người nói họ bị nhốt trong rừng sâu và sẽ bị đọa đày cho đến chết. Trâm túm được một tên cán bộ đứng gác kế bên, van xin hắn:

- Anh ơi, làm ơn cho tôi biết chừng nào chồng tôi mới được về. Tại sao nhà nước nói đi 10 ngày, bây giờ đã 15 ngày, chồng tôi vẫn chưa thấy đâu?

Tên cán bộ có khuôn mặt xương xẩu đen xì, lạnh lùng nói:

- Tôi không biết. Nhà nước chỉ nói chuẩn bị đồ ăn cho 10 ngày chứ đâu nói đi học tập 10 ngày đâu. Rõ vớ vẫn.

À, thì ra là vậy. Bọn cố thây đã gạt cả miền Nam. Tài dùng xảo ngữ và kỹ thuật gạt gẫm của chúng đã đến đến mức tuyệt kỷ. Hy vọng 10 ngày chồng về đã tan thành mây khói. Trâm mếu máo:

- Vậy chứ, chồng tôi phải đi bao lâu?.

Tên cán bộ lắc đầu:

- Cái đấy còn tùy chồng chị. Học tập tốt thì về sớm, không tốt thì về chậm, ai mà biết được, cứ hỏi mãi.

- Tốt là sao, hả anh? Bao lâu thì tốt được?.

Tên cán bộ gắt gỏng:

- Tốt là tốt chứ là sao. Đã bảo bao lâu thì còn tùy mà.

Trâm gục đầu, thất thểu đạp xe về trong cơn mưa tầm tã. Thế là hết. Hy vọng được sống nghèo khổ, hạt muối cắn làm đôi bên chồng cũng đã tan. Long đã biến mất vào một cõi hư vô nào rồi, chỉ còn lại mình Trâm, tần tảo nuôi con....Ngày gặp lại Long hình như không có trong sổ bộ cuộc đời với cái kiểu kêu trời không thấu này đây. Cả một thành phố mà không một tên cán bộ nào có trách nhiệm gì với những kẻ đã bị bọn chúng bắt buộc tập trung đưa đi cải tạo. Hỏi Phường, Phường không trả lời, hỏi Thành, Thành không biết. Sự bưng bít lạnh lùng đầy đe dọa của xã hội chủ nghĩa bao trùm thành phố đã một thời hoa lệ, một thời được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông. Những mưu mô ác độc, những hành xử thâm hiểm nhất của loài người thản nhiên xảy ra trong xã hội Cộng Sản, không ai dám buông một lời dù là lời thở than, nói gì đến tranh đấu. Những kẻ cầm đầu biểu tình, hô hào khuấy động, đòi hỏi bình đẳng nọ kia dưới thời Quốc Gia nay lại hoàn toàn im hơi lặng tiếng, hình như họ đã chết, bỏ mặc hậu quả đấu tranh phi nghĩa của họ là hàng trăm ngàn con yêu Tổ Quốc phải tiêu hao dần mòn trong các lao tù Cộng Sản ở khắp mọi nơi, và hàng triệu người cơm không đủ no, lất lưởng trên khắp ngả đường tìm kiếm miếng ăn.

Màu đen tang tóc của tháng Tư đã nhuộm tối đen đất nước, đưa miền Nam vào giai đoạn thê lương nhất của lịch sử với đói nghèo và lạc hậu. Bóng Trâm oằn xuống trên chiếc xe đạp cũ kỹ ngả xuống mặt đường đẫm ướt nước mưa hay nước mắt của những người vợ tù cải tạo không có ngày mai, sống vất vưởng như tù nhân giam lỏng trong thành phố u buồn nay đã đổi tên...

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002