Đại Chúng số 97 - Ngày 1 tháng 5 năm 2002

Duramax

NGÔI TRƯỜNG XƯA

Kỹ sư sagant Phan.

Ngày tôi vào Saigòn học trường Sư Phạm, lúc đó nằm sau lưng Khoa Học Đại Học Đường. Nhiều bài học về Vạn vật đôi khi Trường tôi mượn phòng thí nghiệm của trường Khoa Học mà thực tập. Tôi thường băng ngang sân cỏ vào hậu trường thay vì lái xe gắn máy đi vào ngõ chánh. Lớp học càng lúc lên cao càng ít người, vì nhiều người không đủ điều kiện để mà hoãn dịch học tiếp. Chiến tranh lan tràn càng lúc càng nhanh, theo nhịp độ nhanh như những bar rượu quanh gần khu vực phi trường quân đội kế bên phi trường dân sự Tân sơn Nhất. Thầy giáo giảng mang một ưu tư cũng khắc khoải trầm ngâm như mây xám giăng phủ khung trời. Nhiều lúc suy nghĩ, liệu khi ra trường mình được đổi về đâu đây? Nơi chốn phồn hoa đô hội làm sao mà có chỗ cho mình?

Nhưng rồi mọi chuyện cũng xong. Học xong thì phải ra trường, chọn nhiệm sở toàn những địa danh xa lạ mà mình chưa hề nghĩ đến. Vùng hỏa tuyến chăng? Vùng Tiền Tuyến chăng? Chiến tranh đâu còn phân biệt một chỗ nào? Chỗ nào yên? Và chỗ nào an bình đây? Lương bổng thì là một sự đau buồn. Học bốn năm Đại học để có ngần tiền này chăng? Lương như vậy thì biết chừng nào mua được chiếc xe mô-bi-lét đây? Xe đạp xưa cũ mà người cha ngày xưa cho tôi mang lên thành thị làm con ngựa. Tôi hỏi ba tôi, một câu mà không cần phải trả lời "Ba cho con chiếc xe đạp này rồi ba đi bằng gì?" Ba tôi cười buồn "Ba già rồi ít đi đó đi đây, thôi con lấy đi. Nếu con làm ra tiền mua chiếc khác thì đưa lại Ba cũng được. Nhưng thôi con lấy đi.”

Chiếc xe đạp được kéo lên mui xe đò, từ Hậu Giang mà lên Thành Đô. Tôi đòi ngồi gần ngoài cửa, thì tài xế nói "Thầy ngồi như vậy coi chừng cửa bung ra thì té sao? Thầy mua vé chỗ tốt thì nên ngồi chỗ tốt đi”. Chẳng lẽ tôi nói thằng anh ta: “Tôi sợ mất chiếc xe đạp của Ba tôi”.

Nó đi theo tôi, vâng xe đạp theo tôi vạn nẻo đường.

Saigòn nườm nượp, Saigon xô bồ. Nhưng tôi vẫn lẻ loi một mình. Nhiều người bạn học giới thiệu tôi một vài cô bạn gái, nhưng tôi ngần ngại. Quen một người thiếu nữ chẳng lẽ chở cô đi dạo Saigòn bằng chiếc xe đạp? Rồi khát nước mua hai ly nước mía chăng?

Nơi tôi ở trọ là một chung cư Nguyễn thiện Thuật. Sân dưới thì toàn thanh niên mất dạy đánh banh suốt ngày. Nhiều khi tôi chạy nép một bên cũng bị một trái banh đánh mạnh vào lưng thiếu điều té nhào xuống đất, kèm theo tiếng cười của đám thanh niên này. Vác chiếc xe đạp lên tầng 5 trên lầu tôi nghỉ mệt ít nhất 4 lần. Rồi xe đạp phải cột nơi hành lang bằng lòi tói lớn. Phòng trọ tôi không thèm khóa, nhưng xe đạp thì khóa rất kỷ. Nó là kỷ niệm của ba tôi và tôi.

À quên kể, trong niên học cuối, trong lớp tôi có 4 cô gái mà bạn tôi gọi là bốn Cô mang chữ Tê (T). Họ gọi là: Tình, Tiền, Tù, Tội. Cô Tình thì người rất gợi cảm, nhìn cô là tim rung động liền. Cô Tiền, cô này người mang toàn nữ trang trên người chiếu lấp lánh, mà tôi không biết giả hay thiệt. Cô Tù thì khỏi nói. Tụi bạn tôi nói gặp cô này là muốn "Ở Tù rồi". Áo dài của cô mặc rất mỏng. Có khi mỏng hơn mây trời nữa. Còn cô Tội thì tôi động lòng nhất. Tội nghiệp mà! Cô có tật chân, vì ngày còn bé cô bị bệnh sốt tê liệt. Lúc đó sốt tê liệt chưa có nhiều thuốc ngừa xuống đến tận cùng hang hẻm. Cô đi học bằng chiếc nạng kẹp luôn vai. Cô rất buồn và ít nói. Tôi thì nghèo cũng ít nói luôn. Chúng tôi cũng có nhiều dịp đụng độ nhau. Như lúc đó trời mưa vần vũ, cô lần bước với cây nạng lên lầu học trường Sư Phạm thì cô làm rớt nguyên cặp táp từ trên lầu xuống đất. Lúc đó chỉ có tôi và một người lao công trường và cô gái tật nguyền này thôi. Chẵng lẽ tôi gọi ông già lao công chạy xuống lượm sách vở cho cô? Thấy cô lính quính, tôi đành phải nhanh miệng mới được "Chị giữ dùm xe đạp cho tôi", thế là tôi phóng xuống theo từng bậc cấp mà chạy cho kịp mưa đừng ướt sách vở của cô đem lên được cho cô, cô gái tên Tội này chỉ lí nhí trong miệng cám ơn. Còn tôi thì trái tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, hơi thở chỉ thiếu khói lửa mà thôi. Mấy thằng bạn thường ngạo tôi: "Thằng này nó đi ngủ chắc nó ôm theo chiếc xe đạp này lên giường ngủ quá!". Tôi không muốn gởi nơi khu gởi xe đạp, vì nếu mất thì họ sẽ đền đó là lời họ nói mà, xe đạp mới thì thiếu gì, nhưng có ai mua được kỷ niệm này không?

Ngày tôi còn bé, chính ba tôi đèo tôi ra bờ sông chơi. Cha con ngó mặt sông trôi chầm chậm từng dề lục bình trôi mà không nói nên lời. Tôi thì thèm cây cà lem nơi góc chân cầu có anh bán cà lem đang ngồi hút thuốc lá. Tôi không dám xin Ba tôi, và ba tôi cũng không muốn mua cho tôi cây cà lem... nhưng tôi biết không đòi vì cha con đều biết mình nghèo.

Bốn cô gái cùng lớp học mang tên Tình, Tiền, Tù, Tội thật có tên rất đẹp. Cô Tình mang tên: Thương, cô Tội mang tên: Thủy, cô Tù thì mang tên: Thanh, cô Tội mang tên: Tâm.

Ngày ra trường, được nghỉ cả tháng trời trước khi đi nhận nhiệm sở mới. Tôi đánh điện tín về quê, báo tin cho Ba tôi là tôi sẽ về thăm. Thì bốn hôm sau nhận được điện tín từ ba tôi gởi lên “Con đừng xuống, lúc này không yên. Ba sẽ lên thăm. Ba mạnh. Stop." Nơi quê tôi là từ thị xã chợ rồi đi xuống xa nữa, càng xuống xa càng ít người và càng mất an ninh. Đêm khuya pháo bắn đi nghe ầm ì nơi góc trời quê hương hết an lành rồi.

Tôi chờ, chờ mãi và đành phải thu xếp khăn gói lên đường nhận nhiệm sở mới.

Khi tôi và cô Tội về dạy học ở một thị trấn nhỏ rất xa thành phố. Khu gia đình của giáo viên mới chỉ có một vài căn nhà lợp bằng tôn. Các Thầy và các Cô đa số đều chưa vợ, chưa chồng. Ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, khu trường vừa vắng vừa buồn teo. Cao nguyên đất đỏ mưa sụt sùi liên miên. Khói núi mây ngàn tụ quanh quẩn dưới thung lũng. Đi ra khỏi lớp về khu gia đình giáo viên công chức là một cực hình. Mưa làm dẻo những lớp đất đỏ y như nhựa dẻo vậy. Lúc mới đổi lên, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy có vài người họ đi dép mà nơi quay dép lại ràng thêm một chút dây kẽm. Nay mới biết, dép không cách chi cự nỗi với lớp đất dẻo kéo ghì xuống. Đứt quay là thường. Ngồi trong nhà ngó ra ngoài đường, đôi khi cũng ngộ ngộ. Một cụ già đi đàng xa, thình lình cụ cúi người xuống rồi cụ loay hoay với chiếc dép thì ra cụ bị đứt quay dép. Lúc đó là ngày chúa nhật, con chiên đi nườm nượp lên dốc núi đến nhà thờ dự lễ mà cụ là người trưởng khóm ca đoàn, cụ không thể đi chân không mà gặp con chiên ca hát được. Nhưng dép đứt quai rồi làm sao?

Thấy cụ lay hoay mãi, tôi vội chạy ra và cho cụ mượn đôi dép mới. Cụ cám ơn ra mặt. Hôm sau tôi quên bẵng đi đôi dép mà cụ cho mượn thì tiếng gõ cửa. Mở cữa tôi thấy một cô gái rất trẻ, mặc áo dài trắng tay cầm một gói quà. Cô gài này tôi không quen, nên tôi vội quay sau lưng mà nói lớn cho người bạn buồng trong "Tuấn à! Mầy có ai tìm mầy kia kìa". Thằng Tuấn bạn trọ cùng cư xá, cúng dạy một trường nhưng khác lớp vội phóng ra... đụng thấy cô gái, nó gượng lại "Không phải của tao". Còn cô gái thì mặt cuối xuống lí nhí "em muốn tìm một ông mà ông đó cho bố em mượn đôi dép hôm chúa nhật vừa rồi." À ra thế, như vậy cô gái này là đi tìm tôi mà trả lại đôi dép. Tôi nhận gói quà và không dám mời cô gái vào nhà. Vì trong nhà chỉ có 2 cái ghế mà móc hết áo quần trên thành ghế rồi, còn bàn thì đầy nào sách vở, ly cà phê uống dỡ, chén bát... nghĩa là phải dọn sách ít nhất một tiếng mới xong nên đâu dám mời cô gái vào nhà. Nhưng bắt buộc phải nói "Mời cô vào uống ly nước". Cô gái lắc đầu và xin kiếu từ. Quả thật rất liều khi mới uống nước. Bình nước nóng thì không hiểu một trong hai người ai uống hết trước đây. Còn nấu lại nước thì cả buổi. Nơi cao nguyên này đâu ai dám uống nước thẳng từ vòi nước chảy ra.

Cô gái về và tôi ôm gói quà vào. Thằng bạn không nói, nhưng tôi biết nó mừng vì thấy gói quà. Nó tưởng phụ huynh học sinh cho Thầy giáo miếng khô nai rừng chi đây. Khô nai nướng rượu cồn nhậu trong buổi chiều cuối tuần mưa lâm râm thì hết xẩy phải không?

Cô gái ra về, tôi ôm gói quà vào nhà. Nhưng tôi biết ánh mắt thằng bạn không rời gói quà này. Tôi liệng gói quà lên mặt bàn. Tôi nói "Quà ăn không được đâu! Không tin mở ra đi”. Vâng! Nó không tin, nó mở ra dùm tôi gói quà. Tôi nằm dài trên giường thì nghe nó buột mồm "Mẹ kiếp! đôi dép”. Tôi đáp “Ừa đôi dép của tao.”

Thứ hai vào lớp học, uể oải mọi ngày như mọi ngàyhọc trò cũng vậy. Tan lớp, tôi thấy cô Tội từ xa chống nạng đến. Tôi chào, cô cũng chào lại, nhưng ánh mắt cô buồn thiu. Tôi hỏi nhẹ "Chị khỏe không?" Cô Tội trả lời "Vâng! em khỏe" rồi cô làm thhinh môt lúc, cô nói nhỏ trong miệng: "Hồi bữa qua, người ta cho anh quà phải không?" Tôi hơi ngạc nhiên, nên giật mình "Ủa sao cô Tâm biết?"

Cô Tâm cũng nói lí nhí "Em thấy người ta mang món quà cho anh". Trời đất. Chẳng lẽ tôi nói là quà không ăn được như nói với thằng bạn cùng phòng hay sao?

Khu gia cư giáo viên trường học nằm trơ vơ giữa ngã ba đường, nơi góc kia là lên trên đồi, lên trường học. Nơi đường đi thẳng là vào tận rừng, đi mãi có thể qua biên giới nước Miên luôn không chừng, còn nơi góc đường quẹo ngoặc là đi đến khu chợ. Hộp chợ chừng vài tiếng là hết, hàng thịt bán đa số là thịt nai rừng, ít có thịt heo và lại càng không có cá. Cải rau thì rất nhiều và rẻ nữa. Chuối thì đủ loại, có loại chuối rừng, lớn bằng bắp chuối tay người lớn vậy. Ăn được nửa trái là no tới chiều rồi ngán tới chết luôn. Lúc tôi mua nải cuối rừng chín này về, mời hết người này người kia thì họ lắc đầu lập tức "tôi no rồi!"

Thịt rừng đâu phải nấu tàm tạm là ăn được. Nó dai hết sức vậy đó. Càng chín càng dai, thành thử tôi thấy dân Thượng cao nguyên rụng răng hết là như vậy phải không? Da Nai thật chặt, tại tôi lỡ mua về ba kí lô là khốn khổ cả tuần với nó. Da nai lấy dao lóc thì không đứt theo sớ thịt, đành kêu thằng bạn phụ mà cầm cây kềm kéo miếng da còn mình thì lần theo con dao mà lóc da ra. Chẳng lẽ luộc nguyên miếng da nai này trong nồi hay sao?

Có điều vui là cuối tuần chợ họp khá lâu vì con chiên theo đạo Công Giáo đi lễ nhà thờ nườm nượp trãi qua. Tôi thường mua được nguyên dề... hoa lan rừng. Về treo trong nhà cũng thấy cả thiên nhiên theo vào nhưng nó lại ra lá không chịu ra hoa. Có loại hoa lan rừng tôi mua về cả tháng cho tới khi tàn tạ mà cũng không thấy hình dạng cây hoa nó ra làm sao nữa. Số cô đơn thì hoa cũng biến luôn.

Vào một đêm khuya nọ, khoảng nửa đêm, tự nhiên tôi không ngủ được. Bầu trời thì lạnh quanh năm. Khi chiều tối dâng lên thì mây mù cũng bốc lên khỏi mặt đất. Nhìn người đi hay đạp xe đạp nơi xa, theo ánh đèn đường leo loét vàng úa thì chỉ thấy người còn bánh xe đạp thì không thấy phân nữa.

Đêm khuya nọ, tôi ngủ không được. Định mở cửa ra ngoài sân mà ngồi hút thuốc vài điếu thì tự dưng tôi thấy có một cái gì khác thường hơn mọi ngày. Hình như không có tiếng chó sủa nơi xa nữa rồi. Tôi hơi sờ sợ, tôi đành ngó khe cửa sổ nhìn ra ngoài đường cái quan. Quả thiệt họ về. Họ băng ngang khu trường học của tôi. Họ đi rất lẹ nhẹ, tay cầm ngang khẩu súng AK 47, lưng và đầu được cắm nhiều cành cây ngụy trang. Không ai nói một lời, có toán hai người ôm một khẩu súng phòng không. Họ đi vùn vụt như ma trơi vậy. Quân họ về quá nhiều, lúc đầu tôi đếm một, hai, ba bốn... rồi một trăm rồi hai trăm.. rồi khỏi đếm luôn. Lúc đầu đếm được vì họ đi lẻ một vài người rồi một vài người nữa, nhưng sau đó thì họ đi hàng chục, hàng trăm... hết đếm luôn. Tôi định gọi thằng Tuấn đang ngủ trong buồng trong. Thì quay lại cũng thấy nó đang lui cui ngó ra ngoài khe cửa một góc kia kìa. Cổng rào chỉ vài cây thông ngắn và vài làn dây kẽm gai, cổng không có rào còn cửa nhà này thì bằng cây thông xấu, con nít té vào cũng bung cửa ra liền. Họ cách chúng tôi chừng 5 sãi tay. Họ, tôi lần này mới nhìn thật rõ gương mặt người nào cũng giống như người nào. Cũng sắc đanh và lầm lì, họ không ngó qua lại ngang dọc. Họ ngó thẳng và họ đi thẳng. Điều lạ là không nghe tiếng họ thở hay là tụi tôi ngừng thở rồi chăng?

Chừng rất lâu, khoảng một tiếng gì đó, thì đoàn quân hết đi rồi. Tụi tôi định vào ngủ thì thấy trên cây thông nơi góc đường. Cây thông này tụi tôi nhìn rõ từ trường học. Cành lá xum xuê và thân thẳng đuột. Cây thông đầu làng, cây thông đầu đình, bài hát xưa... Vâng cây thông đầu làng, nó cách nhà tụi tôi vài chục bước thì có người trên cây tuột xuống. Người này cũng toàn thân quấn đầy lá cây rừng. Người này chân chưa chạm đất thì thấy mất anh ta liền. Quả đúng vậy, anh leo lên cây trước từ lâu và làm ám hiệu cho đoàn quân trải quân băng ngang. Họ từ nơi nào đến vậy? Tôi không biết. Họ đi về chỗ nào vậy, tôi cũng không biết luôn. Nhưng chúng tôi biết họ đi về hướng trường học của tụi tôi. Hướng trên đồi. Tại sao họ không đi ngõ hướng về rừng sâu? Ai mà biết được.

Sáng thức dậy để đi dạy học, tôi đâm lo ngôi trường của tôi còn hay mất đây. Nhưng cũng phải đi dạy thôi. Mưa khá nặng khi đoàn quân đi xong, tôi rãi bộ lên trường sau khi uống xong ly cà phê phin thiếu đường cát ngọt. Lên đến trường, thì may quá ngôi trường vẫn còn nhưng lạ kìa sao không thấy dấu giày của họ vừa băng ngang qua hồi đêm?

Trường hôm nay hình như ít ai cười nói. Hình như họ thấy một hoạt cảnh như tụi tôi đêm qua hay sao đây?

Cô Tâm ghé ngang qua lớp khi giờ ra chơi. Thấy tôi ngồi chấm bài học trò, cô mĩm cười "May quá còn gặp anh?" Tôi buông cây viết, kéo thêm một ghế đối diện cho cô. Tôi hỏi "Sao cô Tâm lại nói may quá?"

Cô Tâm ngạc nhiên "Bộ anh không biết gì sao?" – "Không, tôi biết cái gì?"

“Tối hôm qua họ có về ngang đây. Họ bắt mất 4 người thanh niên trong làng này. Mấy anh làm an ninh trong nhà thờ đấy mà". Tôi nói: "Ghê vậy sao?"

Dạy được chừng chín tháng, đến mùa bãi trường thì tôi để dành đủ một số tiền nhỏ để mua chiếc xe đạp mới rồi. Tôi khăn gói về quê vì trường vào hè.

Tôi cũng ngồi sát ngoài xe đò. Tôi sợ mất chiếc xe đạp - xe của Ba tôi cho tôi mượn mà. Nay trả về lại cố nhân.

Xe đò đến Saigon, từ Saigòn tôi bắt chiếc xe đò tốc hành về xuống Hậu Giang rồi qua một con đò ngang. Về đến nhà quê tôi, thì nhà nhà đã lên đèn. Tôi bấm chuông xe đạp của tôi mà gọi người nhà, tiếng chuông xe đạp nghe leng keng vui tai. Tôi chờ.

Má tôi ra mở cổng sau khi con chó Vện sủa vài tiếng báo hiệu. Chó Vện nó sủa lúc đầu dữ nhưng thấy tôi chủ cũ thì mừng quẫy đuôi và không sủa nữa. Mà tôi thấy tôi thì má khóc tiếng lớn "Con Ôi! Ba con chết rồi". Thế là tai tôi nghe lùng bùng, tôi không thở được. Vào đến nhà, ánh đèn dầu lửa leo loét. Trên bàn thờ một tấm hình ba tôi. Hình cũ, ba tôi đang đứng mắc áo bà ba trắng kế bình bông trong sân nhà. Má tôi nói mà tôi chỉ còn nhớ đầu đuôi lộn xộn. Khi tôi đi dạy thì Ba bệnh, có đánh điện tín nhiều lần không thấy tôi trả lời, và điện tín ghi là "không người nhận".

Má tôi ghi lầm địa chỉ, thật sự lầm thành phố. Tôi ở trên Kontum mà má tôi ghi là Qui Nhơn. Phương tiện cách trở, hơn nữa năm trường rồi mà. Ngăn sông cách núi rồi. Sau đó ba tôi mất được chôn tại vườn nhà sau.

Tôi phải mặc áo quần tang chế ra mộ Ba mà lạy lễ. Ba ôi! Con đã về đây. Xe đạp của ba đây nè. Tại sao con không gặp được Ba vậy?

Hết ba tháng hè, tôi lại phải trở lên cao nguyên, ngôi trường cũ mà tiếp tục dạy học. Ngày về quê tôi dẫn theo xe đạp, ngày lên đường tôi cũng dẫn theo xe đạp. Giờ đây chiếc xe đạp này tôi không còn mượn của ba tôi nữa rồi. Mà nó là một phần hồn của tôi, nó là của gia tài ba tôi để lại cho tôi "Ba già rồi! Ba không dùng xe đạp nữa đâu! Thôi con lấy mà xài". Tiền mua xe đạp mới, bỏ trong túi với tiền ba tháng lương ứng trước, tôi để hết lại cho Má tôi. Tôi dẫn xe đạp đi.

Nơi áo trắng sơ mi của tôi lại đính thêm một miếng vải màu đen. Bây giờ tôi mới biết là tôi không còn Ba tôi nữa rồi. Nhưng tôi còn chiếc xe đạp thân yêu của Ba tôi.

Năm 1975 chạy giặc, tôi dẫn được xe đạp xuống tàu, nói đúng hơn là chiếc ghe. Chủ ghe đòi vụt xe đạp tôi nhiều lần, nhưng thấy tôi khóc ông đành phải cho tôi và chiếc xe đạp đi theo.

Gần đến đảo Tanjung-Pinang, Indonesia, cách bờ chừng vài cây số thì người ta đục thuyền vì người ta sợ không được người cho lên bờ và họ kéo tàu ra khơi thì chết hết. Nên họ cho đục thuyền. Nước lên từ từ tôi rớt nước mắt, tôi nói "Trời ơi như vậy tôi mất xe đạp hay sao?". Thì mấy anh tài công hay mấy tay thanh niên bậm trợn chưởi tục một câu "Đ.M. người ta không biết sống chết ra sao mà bày đặt lo xe đạp. Lên bờ đi tôi mua cho một chiếc”.

Nước dâng lên quá nhanh rồi bỗng dưng tôi bơi giữa dòng nước mặn. Và rồi có bàn tay trên chiếc tàu hải quân của Indonesia kéo tôi lên.

Nguyên mấy ngày tôi không muốn ăn, nhiều người cũng vậy. Người thân yêu của họ mất trong làn nước đại dương trước mặt mọi người đang đứng đông lố nhố trên đảo hò hét và người chết người sống trong gang tất. Họ mất người thân. Tôi vượt biên một mình nhưng tôi cũng mất người thân như họ vậy. Tôi mất xe đạp. Tôi mất luôn Ba tôi lần thứ nhì nữa rồi. Than ôi!

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002