Đại Chúng số 98 - Ngày 15 tháng 5 năm 2002

Duramax

MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

(tiếp theo)

Thinh Quang

Rời khỏi cửa hàng Mậu Dịch Bá Thắng đúng mười một giờ trưa. Ngoài trời đã thật sự tạnh mưa nhưng cường độ giá rét tăng lên nhiều so với khi có cơn mưa trút xuống. Quốc Trung vừa rét cũng có, vừa mừng rỡ vì biết được địa chỉ nhà của con trai mình cũng có, nên càng run lên bần bật. Hai chân ông như tuồng không còn nhắc lên bước đi được nữa. Ông định bụng quay về khách sạn, nhưng suy đi nghĩ lại chẳng biết phải ăn nói làm sao với con dâu nên bắt buộc tìm gì ăn cho đỡ lòng, đợi đến chiều đến thẳng tư thất của con trai. Xong xuôi đâu đó sẽ trở về khách sạn thuật lại cho con dâu nghe cũng được.

_ Không trở về khách sạn vội trong lúc còn chưa gặp Sùng Thật là việc làm hay. Như vậy chẳng khác nào cho con dâu một ân huệ kéo dài thêm niểm hy vọng.

Quốc Trung nghĩ đến đây bất giác hình ảnh con dâu hiện ra trước mắt. Ngọc Phụng từ ngày được tin chồng phụ rẫy, gương mặt xanh xao, hình dáng tiều tụy. Đôi mắt thâm quầng trũng sâu xuống, biểu thị cho một sự đau khổ vô cùng, xoi mòn cả tâm can nàng.

Quốc Trung lẩm bẩm trong miệng: "Ngọc Phụng ơi! Ba biết con đã đau khổ đến tận cùng. Nhưng biết làm sao khi con ngựa trở chứng bất kham rồi?! Ba biết để lại của tiền cho con cái không bằng để lại cho nó chữ nghĩa. Nhưng mà, Tử Mã Ôn công ngày xưa nói không sai: "Tích kim dĩ dị tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ! Tích thư dĩ dị tử tôn, tử tôn vị tất năng độc!" Chứa vàng để dành cho con cháu, chưa chắc con cháu đã giữ được. Chứa sách để dành cho con cháu, vị tất con cháu đã chịu đọc! Thật khó thay! Khó lắm thay! Ta vốn chẳng chủ trương chứa vàng bởi vì vàng có thể tạo cho nó thói hư tật xấu, nhưng tiếc thay ta chọn chữ nghĩa thì lại trao nhầm cho phường bất xứng! Âu đó cũng là do mệnh trời. Nhân tính bất như thiên tính vậy...

Người làm nhà hàng đến đợi từ lậu, lên tiếng một lần nữa:

_ Dạ thưa ông, xin vui lòng cho biết ông dùng thức ăn gì?

Quốc Trung giật mình quay lại:

_ Anh cho bình trà xanh... và tô miến Dương Xuân...

Ăn xong Quốc Trung cảm thấy tỉnh hẳn người ra. Đến quầy trả tiền, Quốc Trung đưa địa chỉ nơi tư thất của Sùng Thật nhờ chủ nhà hàng chỉ dẫn. Nhờ vậy mà Quốc Trung đỡ lo bị lạc đường.

Trước khi rời khỏi nhà hàng, Quốc Trung thắt lại khăn quàng cổ rồi kéo lên phủ kín mặt chỉ chừa lại đôi mắt rồi tiếp tuộc lên đương. Càng về chiều gió bấc càng thổi thốc đến. Tuy đã nao nịt thật cẩn thận song Quốc Trung rét thấm tận vào từng sớ thịt. Chưa từng đến Thượng Hải nên Quốc Trung không tránh khỏi bỡ ngỡ đường đi nước bước. Vốn chủ trương tiết kiết kiệm tiền bạc vì không biết cuộc hành trình này sẽ phải kéo dài trong thời gian bao lâu, lại đâm ra tổn phí nhiều hơn, bởi bị lầm đường, lầm xe lại tốn rất nhiều thờ gian xê dịch!

Mãi đến hơn bốn giờ chiều Quốc Trung mới tìm được ngôi biệt thự nằm ngay tận đường Tịnh An Tự. Ví nhằm vào mùa đông nên mới hơn bốn giờ trời đã nhá nhem tối. Quốc Trung ngẩng mặt nhìn số nhà một lần nữa thử xem có đúng theo như trong tờ giấy ghi địa chỉ của người nhân viên tốt bụng kia không. Do dự một lúc, Quốc Trung đưa tay run run ấn vào nút chuông nơi bức tường cạnh cánh cửa lớn. Tiếng chuông reo lên sau mấy lần ấn nút, song chẳng thấy một ai ra mở cửa. Hơi giận tràn lên, Quốc Trung không dằn được lại dùng tay đấm bào cửa tạo thành những tiếng vang khô khan chát chúa.

Bỗng cánh cửa hé mở, một ông lão từ bên trong nhô đầu ra, nhìn Quốc Trung một giây lâu đoạn hất hàm hỏi:

_ Tìm ai?

Máu giận đã xung thiên lại trông thấy vẻ hống hách của một ông lão ngang cở tuổi mình, Quốc Trung xẵng giọng:

_ Mã Sùng Thật. Tôi tìm hắn...

Như tuồng chưa bao giờ nghe ai dám nói động đến tên chủ mình như vậy bao giờ, ông lão ngơ ngác hỏi lại:

_ Ông nói sao?

_ Tôi nói thằng Mã Sùng Thật có trong nhà này hay không? Ông còn thay mắt hắn đóng kịch với tôi phải không?

Người lão bộc này bắt đầu xuống giọng:

_ Xin ông hãy lịch sự một chút...

_ Tôi chẳng cần lịch sự với hạng người như hắn. Tôi muốn vào ngay để gặp ngay hắn.

Dứt lời, Quốc Trung đưa tay định đẩy mạnh cửa bước vào nhưng bị người lão bộc giữ chặt cửa lại:

_ Không được. Muốn gì đứng đợi tôi vào hỏi đã...Tôi sẽ vào thưa Mã giám đốc...nhưng mà ông tên họ là gì?

_ Tôi không cần khai báo tên họ.

Quát xong Quốc Trung đẩy mạnh người lão bộc này sang bên sấn sổ bước vào.

_ Kìa ông lão kia! Tại sao ông dám cả gan làm càn như vậy.

Đứng ngay lại... Ông không có quyền tự tiện như vậy...Nghe không tên già kia.

_ Tôi có quyền. Tôi là cha nó... Chẳng những có quyền đường đột bước vào nhà mà còn cả quyền lôi đầu nó ra đnh nữa... Lão già biết không? Khốn kiếp.

Quốc Trung vừa nói vừa bước vào phòng khách, ngồi phịch xuống ngay chiếc sofa màu kem nhạt ngửa đầu ra phía sau thở hào hễn.

Từ bên trong có tiếng vọng ra hỏi:

_ Lão Trình! Có gì bên ngoài không?

Nghe tiếng nói rõ ràng là của Sùng Thật, Quốc Trung nửa mừng nửa giận, vội lên tiếng nói xẻng vào:

_ Tôi... tôi đây... Tôi từ dường xa đến xin gặp ông Mã giám đốc, có được không?

Quốc Trung vừa dứt lời thì từ bên trong một chàng trai ăn vận sang trọng bước ra. Bốn mắt sững sờ nhìn nhau. Cả Quốc Trung lẫn Sùng Thật nghẹn ngào không ai nói lên một lời nào. Mãi đến giây sau Sùng Thật mới lấy lại bình tỉnh sững sờ nhìn cha mình bất thần xuất hiện, đúng vào lúc người lão bộc từ bên ngoài chạy vào.

Người lão bộc tỏ ra sợ hãi run lên cầm cập lên tiếng biện bạch về sự vô lễ của người khách:

_ Dạ, thưa ông Mã giám đốc, thật là lỗi tại lão ăn xin này... Tôi ngăn mãi mà lão cứ đòi vào lại còn ăn nói hỗn xược nữa!

Sùng Thật quay lại người lão bộc quát lớn:

_ Ông vào bên trong ngay. Không được hỗn xược.

Lão Trình há hốc mồm tỏ lộ vẻ ngạc nhiên, rồi cúi đầu bước trở vào trong nhà. Tuy nhiên lão vẫn còn chưa nguôi cơn giận, nhưng lại sợ chẳng biết ông già kia, có phải chỗ quen biết đến xin việc làm hay không, nên lão vừa đi vừa lẩm bẩm:

_ Quê mùa...mới ra tỉnh... Bất lịch sự...

Đợi lão đi khuất vào bên trong, Sùng Thật mới chạy đến ôm lấy cha khẽ gọi lên:

_ Ba! Ba...

Chỉ kêu lên hai tiếng như vậy rồi nghẹn ngào không thốt thêm ra một lời nào. Quốc Trung tuy trong lòng giận dữ song lâu ngày mới gặp được con, nên không tránh khỏi sự xúc động, tự nhiên nước mắt ông tuôn trào ra xối xả.

_ Mày... mày còn biết... lão già này... là cha mày nữa sao?

Quốc Trung chỉ nói được bấy nhiêu lời rồi bật lên khóc nức nở thành tiếng. Vốn đã xanh xao lại bị suốt mấy ngày lặn lội trên đường đi, trông người ông gầy hẳn. Mặt mày ông xanh xao và hai má tóp sâu hẳn. Nhìn cha như vậy, Sùng Thật cảm thấy lòng mình đau như cắt, quì mọp xuống, cầm lây hai tay cha khóc lên nức nở:

_ Ba, ba ơi!

_ Đừng, đừng gọi tao bằng ba nữa...

_ Xin ba hãy rũ lòng thương tha thứ cho con.

Quốc Trung gằn giọng:

_ Tha thứ? Tha thứ cho thằng nghịch tử bất hiếu bất nghĩa như mày à!

_ Xin ba hãy xem như thằng con bất hiếu này như kẻ đã chết rồi... Con không còn mặt mũi nào để nhìn thấy ba má... Con không biết phải ăn nói làm sao cho ba thông cảm nữa...

Quốc Trung lắc đầu gỡ tay con ra lắc đầu gọi lớn:

_ Sùng Thật!

_ Thưa ba, có con...

_ Bây giờ khoan phân bua điều gì đã...Tao không cần nghe mày nói gì trong giờ phút này...mà chỉ cần mày hãy theo về gặp vợ mày cái đã...

_ Ngọc Phụng? Con đã có thư về trình bày sự việc này với ba từ lâu! Con tin chắc thế nào ba cũng đã giúp con giải quyết xong rồi... Bây giờ ba bảo con gặp nàng để làm gì? Nàng muốn tiền ư?

Quốc Trung xô mạnh Sùng Thật ra rồi đứng thẳng dậy, mắt trợn tròn lên đưa tay chỉ vào mặt con:

_ Hả? Mày nghĩ rằng con vợ mà chính tao với mẹ mày đứng ra cưới hỏi cần xin tiền mày? Đừng lầm! Nó không cần nhận lấy đồng tiền nhơ nhớp của mày đâu? Chính tiến mày ăn học là mồ hôi nước mắt của nó thức khuya dậy sớm, nhịn ăn nhịn tiêu để gửi sang Mỹ cho mày ăn học... Mày có biết không?

Rồi Quốc Trung dằn giọng:

_ Bây giờ tao chỉ cần mày đi với tao để gặp mẹ con con Ngọc Phụng.

Sùng Thật nhìn cha run run hỏi:

_ Thì ra... ba đưa cả mẹ con Ngọc Phụng lên đây?

_ Phải. Tao đưa vợ mày lên đây, mang theo cả hòn máu của mày, để cho nó thấy người cha bạc bẽo, vô trách nhiệm và không có trái tim như mày. Chẳng lẽ ngày nay nuôi mày ăn học thành danh phận rồi lại quên đi người vợ đã thay mặt mày sớm hôm săn sóc cha mẹ mình, nuôi nấng dạy dỗ đứa con thơ dại mang giòng máu mày đó sao?

_ Thưa ba, con không quên, nhưng vì hoàn cảnh con không thể nào cùng nàng chung sống... nữa.

_ Mày nói sao? Hoàn cảnh? Hoàn cảnh gì? Có phải hoàn cảnh nó thay mày phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng con cái mày không?

_ Dạ... không phải... mà là...

Sùng Thật nghẹn ngào, không thốt ra thành lời nào để biện bạch về cảnh ngộ của mình trước mắt.

_ Không. Mày phải theo tao đi... ngay bây giờ...

Sùng Thật quì xuống dưới chân cha mình:

_ Ba ơi, có phải mẹ con Ngọc Phụng cũng cùng đi với ba hay không?

_ Nó đã chịu đựng biết bao nỗi đau khổ vì mày... Nó vẫn giữ một lòng một dạ chung tình... với mày... Thằng Anh Hào, con của mày, cũng bất chấp mưa gió, dù lạnh giá đến cắt da cắt thịt nó cũng nằng nặc đòi đi để gặp mặt người cha bạc nghĩa bạc tình của nó...

Nói đến đây Quốc Trung bất giác đặt hai bàn tay lạnh như đồng của mình lên mái tóc chải mượt của Sùng Thật, đoạn sờ soạng vào mặt mày kéo dần xuống đôi bờ vai của con, khẽ gọi lên:

_ Sùng Thật...

_ Dạ, thưa ba, có... con...

_ Ba tin rằng con vẫn là con yêu quí của ta! Ba không nghĩ con là đứa con bất hiếu... mà con cũng chẳng phải là người chồng bạc nghĩa... Má con đêm nào cũng khóc lóc vì nhớ nhung con... Ba phải cắn răng chịu đựng trước sự oán trách của má con đối với ba. Má con đâu có biết rằng hằng đêm ba âm thầm khóc vì mọi hi vọng của ba giờ đây đã tan thành mây khói... Còn, vợ con, con Ngọc Phụng, nó đã thay con làm tròn chữ hiếu. Ba tin rằng con là người có học, chẳng bao giờ đan tâm phụ rẫy người vợ mà chính tự con tìm lấy qua một mối tình thắm thiết... Sùng Thật, con nhớ chứ?

(còn nữa)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002