Đại Chúng số 99 - Ngày 1 tháng 6 năm 2002

Duramax

CHIẾN TRANH VỀ ĐẤT ĐAI

Tú Gàn

Những người hay quên lịch sử, nhìn cuộc tấn công của Do Thái vào lãnh thổ dành cho Palestines trong những tháng gần đây, nhất là thái độ ngang bướng của Do Thái đối với dư luận quốc tế cũng như Liên Hiệp Quốc... đã cảm thấy thương hại cho dân Palestines và bực tức người Do Thái. Nhưng nếu chịu khó nhìn lại lịch sử một chút, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Do Thái đã làm như vậy và dám làm như vậy. Nếu so sánh cuộc tấn công của Do Thái lần này với các cuộc tấn công trước đây, nhất là cuộc tấn công vào năm 1967, chúng ta sẽ thấy cuộc tấn công này chỉ là "mấy món món ăn chơi" mà thôi, chẳng nhằm nhò gì cả. Nhìn lại lịch sử cuộc chiến giữa người Do Thái và người Palestines cũng có thể giúp người Việt hải ngoại hiểu nhiều hơn về số phận của mình. Đây là những bài học lịch sử quý báu.

1.- Sự phân chia của Anh

Người Việt cũng đã phải trải qua nhiều cuộc tranh chấp gay cấn về lãnh thổ với lân bang trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và mở nước. Nếu ở phía Bắc, người Việt đã phải đối đầu bằng nhiều cách khác nhau với Trung Hoa, khi cương khi nhu, để bảo vệ phần đất đã chiếm được từ lúc ban đầu, thì ở phía Nam, người Việt đã tìm cách thanh toán toàn bộ lãnh thổ của Chiêm Thành rồi đến một phần lãnh thổ của dân tộc Khmer. Ngày nay, người Việt đã có một lãnh thổ ổn định từ Đồng Văn đến Cà Mau. Người Do Thái không được may mắn như thế. Tuy họ đã có một lịch sử trên 6000 năm văn hiến, tức ngang với người Tàu, nhưng lãnh thổ của họ lại khi có khi không. Phần đất Canaan trên bờ phía đông Địa Trung Hải, nơi mà họ muốn chọn làm quê hương, đã bị mất đi và chiếm lại hàng chục lần qua tiến trình lịch sử, và cho đến nay, việc xác định và bảo vệ phần lãnh thổ này vẫn chưa dứt khoát.

Như chúng tôi đã trình bày trong số báo ra ngày 12.4.2002, vào năm 638, khi người Hồi Giáo chiếm trọn vùng Canaan và ra lệnh cho người Do Thái "Hoặc theo Hồi Giáo và nộp cống hay là chết", người Do Thái đành phải ra đi để bảo vệ tôn giáo và truyền thống của mình, phần đất Canaan trở thành lãnh thổ của người A-rập Hồi Giáo. Người Do Thái lang thang trên khắp thế giới, bị kỳ thị, bị ghét bỏ, bị đày đọa, bị thanh toán đẩm máu... nhưng lúc nào họ cũng cố gắng vươn lên và quyết tâm trở về lại đất hứa của mình. Phải đến 1284 năm sau, họ mới bắt đầu thực hiện được ý nguyện đó.

Sau thế chiến thứ nhất (1914 - 1918), nước Anh đánh bại đế quốc Ottomans, đuổi Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vùng A-rập và quản lý vùng này. Qua nhiều cuộc vận động ráo riết của người Do Thái lang thang, ngày 2.11.1917 Ngoại Trưởng Anh là Arthur James Balfour tuyên bố sẽ cho lập một nước Do Thái tại đất Palestine. Việc tạo lập lại nước Do Thái mới được khỏi đầu. Năm 1922, chính phủ Anh đã chia vùng đất mà người A-rập và người Do Thái đang cư ngụ ở hai bên bờ sông Jordan trên bờ phía đông Địa Trung Hải, ra làm 2 vùng: Vùng phía tây sông Jordan kéo ngang qua tới Địa Trung Hải được giao cho người Do Thái. Vùng phía đông sông Jordan, nước Anh cho thành lập một quốc gia A-rập mới lấy tên là Transjordan. Đó là phần đất dành cho người Palestines, được gọi là nước Palestine-A-rập. Sau đó, người Anh đưa Abhulah lên làm lãnh tụ người A-rập, cai quản vùng này.

Người A-rập không chấp nhận sự phân chia của Anh. Họ nhất định đòi lại hai phần đất mà họ coi là rất quan trọng của họ, nhưng đã được Anh chia cho người Do Thái: Phần thứ nhất là vùng có thành phố Jerusalem, nằm giữa Judea và Samaria, vì coi đây là đất thánh của họ. Thật ra, Jerusalem ngày xưa là đất thánh của người Do Thái, nhưng bị người Palestines chiếm. Phần đất thứ hai là dãi Gaza ở phía tây nam, trên bờ Địa Trung Hải. Người Palestines coi đây là phần đất của tổ phụ họ. Khối A-rập còn đi xa hơn, họ nhất định mở “Jihad”, tức thánh chiến, để đuổi người Do Thái ra khỏi vùng Canaan. Họ không thể chấp nhận một nước khác tôn giáo nằm xen vào giữa khối Hồi Giáo A-rập được.

2.- Sự phân chia lại của Liên Hiệp Quốc

Không giải quyết được sự tranh chấp giữa A-rập và Do Thái, Anh đưa nội vụ ra Đại Hội Đồng Liên Quốc xin giải quyết. Ngày 29.11.1947, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã họp và biểu quyết nghị quyết số 181, phân chia lại lãnh thổ của người Do Thái và người Palestines, với 33 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 10 phiếu vắng mặt. Theo sự phân chia mới này thì Do Thái bị thiệt nặng: Liên Hiệp Quốc lấy một số vùng đất trên phần đất người Anh đã chia cho người Do Thái mà người Palestines đang đòi hỏi, giao lại cho người A-rập để thành lập một quốc gia mới được gọi là "THE ARAP STATE", tức quốc gia A-rập, sau này đổi thành Palestine. Đó là các vùng sau đây: Thứ nhất là vùng đất Judea và Samaria nằm ở trung nguyên, sát với phía tây sông Jordan, nên thường được gọi là WestBank. Vùng này rộng đến 5640 cây số vuông. Thứ hai là dãi đất nằm trên chóp phía bắc của WestBank, trên thành phố Jenin. Thứ ba là dãi Gaza nằm phía tây nam, sát Địa Trung Hải, giáp với bán đảo Sinai của Ai Cập. Phần còn lại dành cho người Do Thái, được gọi là "THE JEWISH STATE".

Với cách phân chia như trên, các phần của Do Thái và các của Palestine nằm lẫn lộn nhau, giống như những ốc đảo ở trên biển. Tính lại, lãnh thổ dành cho người Do Thái chỉ bằng 22% toàn bộ vùng đất phía tây sông Jordan mà thôi. Với cách phân chia này, khi muốn đi từ bắc xuống nam, Do Thái phải đi băng qua cái mũi của dãi Gaza ở phía bắc nối liền với vùng Judea dành cho người A-rập. Riêng thành phố Jerusalem, Liên Hiệp Quốc đặt dưới một quy chế đặc biệt (special regime) và sẽ do Liên Hiệp Quốc quản trị.

Mặc dầu đã phân chia lại như thế, 13 quốc gia sau đây không đồng ý ký tên vào nghị quyết 181 của Liên Hiệp Quốc, đó là Afghanistan, Cuba, Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Iran, Iraq, Lebanon, Pakistan, Saudi Arabia, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen. Không đồng ý thì đánh nhau. Jordan đem quân chiếm WestBank và sát nhập vào Jordan, trong đó có Jerusalem. Syria đưa quân chiến đồi Golan phía trên WesBank. Ai Cập đem quân chiếm dãi Gaza... Lãnh thổ dành cho người Do Thái lại được thu hẹp lại hơn. Nhưng không nước A-rập nào cho người Palestines được tự trị.

3.- Lấy vũ lực đối đầu với vũ lực

Có tất cả 5 nước bao quanh lãnh thổ của Do Thái, đó là Libanon ở phía bắc, Syria và Jordan ở phía đông, Saudi Arabia ở phía nam, và Ai Cập ở phía tây nam. Phía tây là Địa Trung Hải. Trong 5 quốc gia này, chỉ 3 quốc gia là cương quyết ăn thua đủa với Do Thái, đó là Ai Cập, Jordan và Syria. Saudi Arabia, nằm phía cực nam của Do Thái, vì thân với Anh và đang nhận viện trợ của Anh và Mỹ, nên đứng ngoài cuộc chiến. Lebanon ở phía cực bắc, có một nữa dân số theo Thiên Chúa Giáo, cũng không muốn gây sự với Do Thái.

Ai Cập là hung hăng nhất, sau đó đến Jordan và Syria. Tuy diễu võ dương oai như thế, nhưng qua các cuộc giao tranh năm 1949 và 1956, khối A-rập đều thua. Ngày 23.6.1956, Tướng Gamal Abdel Nasser chính thức lên làm Tổng Thống Ai Cập. Ông quyết tâm đánh bại Do Thái. Ông ra lệnh phong tỏa hải cảng Aliat làm việc giao thông qua kinh đào Suez bị bế tắc. Ngày 31.10.1956, Anh, Pháp và Do Thái phải mở cuộc hành quân để giải tỏa. Sau đó, quân đội Liên Hiệp Quốc đã được gởi đến đóng ở vùng ranh giới giữa bán đảo Sinai của Ai Cập và dãi Gaza, nên khu này tạm yên. Còn vùng phía đông bắc giáp giới với Jodan và Syria, chiến tranh xẩy ra hằng ngày. Do Thái lúc nào cũng trả đủa ác liệt và mở rộng vòng vây để bảo đảm an ninh. Tính lại, Do Thái đã mở thêm được khoảng 50% phần lãnh thổ đã được Liên Hiệp Quốc chia cho. Tướng Nasser của Ai Cập giận lắm, cương quyết phải đánh bại Do Thái.

Năm 1964, Tướng Nasser cho thành lập Phong Trào Giải Phóng Palestine (PLO) và đưa Caoukeiri (còn đọc là Shugayri) làm lãnh tụ (đến 1968 Yesser Arafat thay thế) với mục tiêu dùng đoàn quân này để quấy rối Do Thái. Chỉ trong 2 năm, Phong trào này đã tuyển mộ được 16.000 dân quân. Ngoài đội quân phá hoại này, khối A-rập còn có tổ chức cảm tử quân Fatah, lúc nào cũng sẵn sàng ôm bom nhảy vào những nơi có người Do Thái.

Về mặt quốc tế, Tướng Nasser đã vận động khối cộng sản là Nga, Trung Quốc và Tiệp Khắc viện trợ võ khí và tiền bạc để giúp khối A-rập đánh bại Do Thái. Ai Cập đã nhận hàng trăm máy bay, xe tăng, đại bác, hỏa tiễn, vũ khí đủ loại và tiền bạc của Nga và Tiệp Khắc. Nga gởi huấn luyện viên đến huấn luyện quân sự cho quân Ai Cập. Tám quốc gia tuyên bố sẵn sàng đứng sau lưng Ai Cập là Algéria, Maroc, Kuweit, Yemen, Irak, Soudan, Jordan và Syria. Khi nào cần, họ sẽ đưa quân đến tham chiến ngay.

Khi khối A-rập tăng cường quân đội và võ khí để chuẩn bị mở cuộc tấn công thì Do Thái cũng chỉnh đốn lực lượng để chống cự lại. Thanh niên Do Thái phải thi hành quân dịch hai năm rưỡi, còn phụ nữ không chồng thì hai năm. Mỗi tháng, lực lượng trừ bị phải thay nhau học tập về quân sự một ngày, và mỗi năm đi thụ huấn thêm 40 ngày. Họ huấn luyện rát gắt gao, gắt gấp ba lần quân đội Mỹ. Những thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi được hàng ngũ hóa và huấn luận để trở thành lực lượng bảo vệ. Do Thái tính rằng nếu chiến sự xẩy ra, chỉ từ 24 đến 72 giờ, họ có thể động viên khoảng 250.000 quân. Tại khắp các vùng biên giới và trong sa mạc Neguev, nơi nào các Kibboutz (giống ấp chiến lược của Việt Nam) cũng được thành lập, có thể tự vệ cho đến khi viện binh đến.

Về vũ khí, nhờ tiền của những người Do Thái ở ngoại quốc gởi về và viện trợ Mỹ, Do Thái đã mua của Pháp và Mỹ những vũ khí tối tân nhất, trong đó có cả máy bay Mirage, xe tăng, hỏa tiễn và trọng pháo. Những vũ khí này tối tân hơn vũ khí của Nga viện trợ cho Ai Cập nhiều. Do Thái cũng xây dựng những nhà máy sản xuất các loại đạn để tự túc, khỏi phải lệ thuộc quá nhiều vào các cường quốc.

Tính lại, lúc đó dân số khối A-rập có khoảng 70 triệu, trong đó ba nước bao quanh Do Thái là Ai Cập có 270.000 quân, Syria 60.000 và Jordan 60.000, chưa kể viện binh của các quốc gia khác hứa sẽ gởi đến khi có chiến sự. Trong khi đó, Do Thái chỉ có 2 triệu rưỡi dân và 250.000 quân. Với tương quan lực lượng như thế, Ai Cập tin rằng thế nào cũng chiến thắng.

4.- Một sự thảm bại chua chát

Đầu tháng 5 năm 1967, Ai Cập yêu cầu quân Liên Hiệp Quốc rút khỏi vùng biên giới giữa dãi Gaza và bán đảo Sinai. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là ông U Thant đã hứa nếu có lời yêu cầu của Ai Cập hay Do Thái, ông sẽ cho rút quân, nên các quân Liên Hiệp Quốc được lệnh rời khỏi vùng này. Cả ông U Thant lẫn Do Thái đều hiểu rằng Tướng Nasser đang chuẩn bị khai chiến. Nhưng Do Thái ra tay trước.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 5.6.1967, Do Thái bất thần mở cuộc tấn công vào bán đảo Sinai của Ai Cập ở phía tây nam và các vùng đóng quân của Jordan và Syria ở phía đông và đông bắc. Ở phía nam, chỉ trong 80 phút đầu, phi cơ do thái đã phá tan hết các phi cơ chiến đấu và chuyên chở của Ai Cập trên bán đảo Sinai. Các súng phòng không và hệ thống hỏa tiển phòng vệ không còn hoạt động được. Các phi trường của Ai Cập trở thành những nghĩa địa của phi cơ. Chỉ vài giờ sau, không quân Ai Cập hoàn toàn tan rã. Các chiến xa Do Thái bắt đầu tiến vào vùng Sinai của Ai Cập theo ba hướng khác nhau, băng qua sa mạc, tiến tới đến kinh đào Suez và Hồng Hải. Binh sĩ Ai Cập không kịp phản ứng, đã cởi quần áo bỏ chạy. Có khoảng 10.000 quân Ai Cập đã bị quân Do Thái giết, 5000 quân bị bắt làm tù binh. Vô số xe tăng, súng đại bác 160 ly, các võ khí đủ loại, đạn dược, quân trang quân dụng và lương thực bị tịch thu.

Tại mặt trận phía bắc, quân Do Thái phải chiến đấu vất vã mới chiếm được thành phố Jerusalem, đuổi quân Jordan ra khỏi vùng Judea và Samaria. Một toán quân khác tiến chiếm Naplouse, Jenin và qua ngày 8.7.1967 đã tiến tới tận bờ sông Jordan. Vua Hussein ra lệnh bỏ khí giới sau khi trên 6000 quân bị tử thương và khoảng 640 quân bị bắt. Ông nói với quốc dân rằng chưa bao giờ Jordan bị tai họa lớn như vậy. Tất cả quân Palestine do Ai Cập huấn luyện và trang bị bỏ chạy qua Jordan ẩn nấp.

Việc đánh quân Syria để chiến đồi Golan (Golan Heights) ở phía cực bắc cũng rất vất vã, vì quân Syria khá thiện chiến và tại đây họ đã xây dựng các công sự chiến đấu rất vững vàng. Nhưng cuối cùng Do Thái cũng đánh bật được quân Syria về phía bên kia sông Jordan. Syria thiệt mất 200 quân và trên 5.000 người bị thương.

Ngày 10.6.1967, lệnh đình chiến do Liên Hiệp Quốc ban ra đã cứu được người A-rập. Do Thái ngưng tiến quân thêm nữa. Nhìn lại, quân Do Thái chỉ bị chết chưa đến một ngàn người và khoảng 1500 người bị thương. Nhưng Do Thái đã lấy lại được cả vùng đất mà ngày xưa Anh đã phân chia cho Do Thái, trong đó có thành phố Jerusalem, vùng đất phía tây sông Jordan (WestBank), và một vùng khoảng từ 20 đến 30 cây số của Syria. Ngoài ra, Do Thái còn chiếm thêm bán đảo Sinai của Ai Cập rộng 61.000 cây số vuông và làm chủ vùng kinh đào Suez.

Nhưng có lẽ thắng lợi lớn lao hơn cả mà Do Thái đã đem lại cho khối Tây Phương, đó là tách được Liên Sô ra khỏi khối A-rập. Sau khi thất trận, các quốc gia A-rập không còn tin ở Liên Sô nữa, vì Liên Sô đã không cứu được họ. Thắng lợi lớn thứ hai của Do Thái là đã gây phân hóa trong nội bộ của khối A-rập. Quần chúng không còn tin tưởng ở nhà cầm quyền. Các nước A-rập không còn tin nhau. Trong hội nghị Khartoum, thủ đô của Sudan, vào tháng tám, các quốc gia A-rập đã chia ra làm hai phe: Phe cách mạng và phe bảo thủ. Phe cách mạng chống các nước Tây phương gồm có Ai Cập, Algeria, Syria, Sudan, Irak và Yemen. Phe bảo thủ lo sợ ảnh hưởng của Liên Sô hơn là Do Thái, gồm các quốc gia Saudi Arabia, Jordan, Maroc, Tunisia, Lybia, Libanon và Kuwait. Hai phe tranh cãi rất gay cấn và cuối cùng họ không tìm ra được biện pháp nào để đối phó với Do Thái.

Riêng ba nước thất trận bị thiệt thòi về kinh tế khá nặng. Kinh Suez bị đóng, Ai Cập mất mỗi tuần 1 triệu rưởi Mỹ kim. Vùng Jerusalem bị chiếm, Jordan không còn thu được tiền của du khách, mất khoảng 34 triệu Mỹ kim một năm. Người Palestines ở WestBank tản cư qua Jordan làm cho cuộc sống ở Jordan trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, nhóm dân quân Palestine khoảng 20.000 người còn làm loạn, đánh với cả quân Jordan, khiến chính phủ Jordan phải mở cuộc hành quân để tống cổ nhóm này ra khỏi Jordan.

Sở dĩ Do Thái đã đạt được thắng lợi to lớn trong cuộc chiến tranh 6 ngày, vì các yếu tố sau đây: Trước hết, Do Thái có những nhà chính trị và quân sự rất giỏi, biết hình thành những chiến lược và chiến thuật thích hợp để đối phó, biết tổ chức quân đội, biết tùy cơ ứng biết mau lẹ... Hai Tướng Moshé Dayan và Yitzhak Rabin của Do Thái được liệt vào loại danh tướng của thế giới. Thứ hai là Do Thái mua được những võ khí tối tân hơn võ khí của Nga cung cấp cho người A-rập nên có thể làm chủ chiến trường một cách nhanh chóng. Thứ ba là quân đội Do Thái được huấn luyện rất thành thục, có trình độ, có sáng kiến và có tinh thần chiến đấu cao. Thứ tư là hệ thống tình báo rất giỏi. Họ biết được một cách chính xác việc dàn quân của địch, từ nơi tập trung quân và chiến xa, đến nơi đặt trọng pháo và súng phòng không, các hầm máy bay giả và hầm máy bay thật... nên đánh đâu trúng đó. Thứ năm là sự yểm trợ tích cực của người Do Thái ở hải ngoại. Thứ sáu là sự yểm trợ ngầm của khối Tây phương. Do Thái trở thành một tiền đồn của Hoa Kỳ ở Trung Đông và đã gây được niềm tin nơi các chính phủ Tây phương.

Không thắng được Do Thái, khối A-rập phát động chiến tranh khủng bố để chống lại Do Thái. Đó là một cuộc chiến đã gây khá nhiều tổn thất cho cả hai bên và không đưa tới kết quả nào. Lực lượng của Palestine ngày càng yếu đi, vì khối A-rập không còn tin tưởng ở khả năng chiến đấu của họ. Mỗi lần bị tấn công hay khủng bố, Do Thái thường trả đủa rất mạnh. Do Thái tin rằng chỉ có biện pháp đó mới có thể giúp họ bảo đảm được an ninh.

5.- Oslo 1 và Oslo 2

Anh và Liên Hiệp Quốc không giải quyết được vấn đề Do Thái và Palestine. Chiến tranh chẳng những không loại trừ được Do Thái mà còn làm cho lãnh thổ Do Thái ngày càng rộng ra thêm. Gần như trên vùng phía Tây sông Jordan không còn chỗ nào được coi là vùng đất có chủ quyền của người Palestine. Cuối cùng, người ta thấy rằng chỉ có một phương cách duy nhất là hai bên lâm chiến tự dàn xếp với nhau, mỗi bên nhượng bộ một ít, cuộc tranh chấp mới có thể chấm dứt được.

Do sự trung gian của tổ chức FAFO ở Na Uy, một cuộc họp bí mật đã được tổ chức tại thành phố Oslo của Na Uy vào năm 1993 để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Sau các cuộc thương thuyết gay cấn, cả hai bên đã đi đến những thỏa thuận sau đây: Do Thái công nhận có sự hiện diện của một dân tộc Palestine tự trị trong một số vùng ở WestBank (gồm Judea và Samaria) và dãi Gaza. Palestine công nhận "quyền của một quốc gia Israel tồn tại trong hòa bình và an ninh." Bản đồ phân vùng được vẽ rất kỷ càng. Hòa ước này đã được ký kết ngày 13.9.1993 tại Washington, thường được gọi là Hòa Ước Oslo 1. Nhìn lại, chúng ta thấy sau các cuộc chiến và các cuộc thương thuyết, vùng đất được đặt dưới quyền kiểm soát của Do Thái trở thành rộng gấp đôi phần đất đã được Liên Hiệp Quốc quy định năm 1947.

Tuy nhiên, việc thi hành Hòa ước Oslo 1 gặp nhiều khó khăn, vì một số tổ chức Palestine và A-rập không chấp nhập hòa ước do lãnh tụ Yesser Arafat đã ký kết. Có tổ chức vẫn chủ trương phải tiếp tục chiến đấu để loại người Do Thái ra khỏi vùng Trung Đông. Vì thế, các cuộc khủng bố vẫn tiếp tục xẩy ra, nó nằm ngoài quyền kiểm soát của ông Yesser Arafat. Do Thái lấy lý do an ninh không được bảo vệ, nên không chịu rút ra khỏi các vùng đã hứa dành cho Palestine.

Năm 1995, do sự dàn xết của Washington và Ai Cập, một cuộc họp thứ hai giữa đôi bên đã bàn lại các vấn đề sau đây: Vấn đề an ninh trong vùng WestBank, việc chuyển các phần đất đã hứa cho Palestine, việc chuyển các quyền dân sự lại cho các nhà lãnh đạo Palestine, vấn đề phóng thích các tù binh, vấn đề tổ chức bầu cử cho người Palestine và vấn đề giao thương giữa Do Thái và Palestine. Hai bên đã đi đến một hòa ước thứ hai và hòa ước này đã được ký kết ngày 24.9.1995 tại Washington trước sự chứng kiến của Tổng Thống Clinton. Hòa ước này thường được gọi là Hòa ước Oslo 2.

Nhìn bản đồ phân vùng đính theo Hòa ước Oslo 2, người ta có cảm thưởng như đây là một bản đồ đình chiến da beo. Vì lý do an ninh của Do Thái, quân đội Do Thái còn được quyền kiểm soát nhiều vùng dành cho Palestine ở WeskBank cho đến khi ông Yesser Arafat có thể bảo đảm được an ninh. Ngoài ra, vấn đề Jerusalem vẫn chưa giải khuyết dứt khoát được, vì hai bên đều không muốn nhượng bộ một vùng vừa được coi là đất thánh của riêng họ, vừa là nguồn lợi lớn do du khách đem lại.

6.- Vẫn chưa đi tới đâu

Hai hòa ước Oslo 1 và Oslo 2 đã đem lại những phản ứng khác nhau ngay giữa những người Israel, những người Palestines và những nước A-rập khác nhau.

Về phía ngưới Do Thái, nhiều nhà chính trị và quân sự của Israel không tin hai hòa ước đó có thể chấm dứt được bạo động vì không thể thiết lập những hàng rào răn giới tách khu của người Do Thái ra khỏi khu người Palestine. Trong hiện tượng phân chia theo lối "da beo" này, bất cứ lúc nào sự đụng chạm cũng có thể xẩy ra.

Về phía người Palestine, có nhiều người cũng muốn hai hòa ước đó được thi hành nghiêm chỉnh để cuộc sống của họ được ổn định, nhưng cũng có nhiều người cho rằng ông Yesser Arafat đã nhượng bộ quá nhiều, nên không thể chấp nhận được. Họ tiếp tục tổ chức khủng bố để đòi lại các phần đất mà họ tin rằng họ đã bị mất. Các tổ chức này hoạt động dưới sự xúi biểu và yểm trợ của Iran, Irak, Sudan, Syria... nên nằm ngoài tầm tay của ông Yesser Arafat.

Qua kinh nghiệm chiến đấu, phe diều hâu ở Israel cho rằng với những kẻ chủ trương khủng bố, càng đấu dịu họ càng làm tới. Biện pháp tốt nhất vẫn là phải tiếp tục tiến hành chiến dịch "lùng và diệt" khủng bố mới có thể bảo vệ an ninh cho người Do Thái. Vì thế, chính quyền Israel hiện tại đang mở những cuộc trả đủa rất mạnh, bất chấp dư luận quốc tế. Sở dĩ Israel dám làm như vậy vì các lý do sau đây:

Lý do thứ nhất là sự chia rẽ trong khối A-rập hiện nay rất trầm trọng, nên không sợ phản ứng của khối này. Các phản ứng riêng rẽ không đáng kể.

Lý do thứ hai là Do Thái thừa biết các cường quốc Tây phương chỉ phản ứng mạnh khi quyền lợi của họ có thể bị xâm phạm. Do Thái gõ đầu quân khủng bố Palestine chẳng những không phương hại gì đến quyền lợi của các cường quốc mà còn giúp các cường quốc khống chế các thành phần luôn muốn nổi loạn để chống lại các quốc gia Tây phương. Do đó, các quốc gia Tây phương chỉ lên tiếng lấy lệ và lấy lòng khối A-rập mà thôi. Họ chẳng can thiệp vào đâu.

Lý do thứ ba là Do Thái thừa biết Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền chẳng làm được gì họ. Về lý, họ đặt câu hỏi: Tại sao NATO có quyền đem quân vào Nam Tư trừng phạt chế độ diệt chủng Milosevik và Hoa Kỳ có quyền chiếm Afghanistan để lùng những kẻ khủng bố... trong khi đó người Do Thái lại không có quyền mở cuộc lành quân "lùng và diệt" những kẻ gây tang thương cho quốc gia và đồng bào của họ?

Giả thiết có một số nước nào đó đưa vấn đề Do Thái phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Hội Đồng áp dụng lệnh cấm vận đối với Do Thái, Hoa Kỳ sẽ phủ quyết là xong.

Các nhà lãnh đạo Do Thái sẽ bị đưa ra trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ư? Còn lâu chuyện đó mới có thể xẩy ra. Kinh nghiệm cho thấy Tòa Án Hình Sự Quốc Tế chỉ có thể xử những kẻ bại trận hay những kẻ chống lại quyền lợi của các cường quốc mà thôi. Những kẻ đang có quyền bính và sức mạnh trong tay, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế làm gì được? Bọn Khmer Đỏ gây tội ác chống nhân loại một cách rùng rợn và ghê tởm như thế, nhưng chính quyền Cam-bốt từ chối không chịu giao nạp các bị cáo và cũng không chịu cho các thẩm phán quốc tế tham gia xét xử, Liên Hiệp Quốc làm được gì đâu? Cam-bốt là một nước nhỏ bé nhất và yếu nhất, đang cần viện trợ, mà còn dám chơi ngang như vậy, huống chi Do Thái?

Quy Chế Tòa Án Hình Sự Quốc Tế mới, chỉ mới có đủ túc số 60 quốc gia phê chuẩn vào ngày 11.4.2002 để có hiệu lực thi hành vào ngày 1.7.2002. Nhưng luật lệ về tố tụng chưa được soạn xong và chưa được phê chuẩn, nên còn lâu tòa này mới hoạt động được. Vã lại, quy chế này là một hiệp ước quốc tế nên chỉ quốc gia nào ký kết và phê chuẩn mới bị ràng buộc. Các quốc gia không ký kết và phê chuẩn sẽ không bị ràng buộc. Do đó, các quốc gia “có vấn đề” như Do Thái, Algegia, Trung Quốc, Bắc Hàn, Miến Điện, Việt Nam, Cam-bốt, Indonesia, Iran, Irak... ngu gì mà ký kết và phê chuẩn lúc này? Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trên thế giới có đến 188 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, nhưng mới chỉ có 60 quốc gia phê chuẩn, còn 128 quốc gia đang đứng ngoài.

Trong văn tế các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, cụ Phan Bội Châu có viết:

Ma cường quyền đắc thế sinh hung uy,

Thần công lý bó tay nghe tử tội.

Nhìn cách tranh đấu của người Palestines, chúng ta không tin họ có thể thắng được, vì đó là một tổ chức chiến đấu ô hợp. Họ không có sự lãnh đạo thống nhất, không chiến lược, không chiến thuật, không có trình độ, không biết thời thế... cứ dùng lòng cuồng tín tôn giáo để húc, nên càng tranh đấu càng thua. Người Việt chống cộng ở hải ngoại cũng phải chú ý đến bài học này.

Tú Gàn

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002