Đại Chúng số 99 - Ngày 1 tháng 6 năm 2002

Duramax

MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Cư sĩ Tịnh Hải Orange County: Thưa bà cụ tôi muốn được nhận thức rõ hơn về cái nghĩa của "PHẬT", vậy bà cụ có biết PHẬT là thế nào không? 2: Phật tạng và Đạo tạng là gì? Thành kỉnh xin bà cụ giải thích luôn hộ.

* Như cư sĩ đó là PHẬT. Chắc cư sĩ ngạc nhiên khi nghe tôi nói câu này, nhưng đó là sự thật. Theo Thiền tông thì cho rằng "bản tính là Phật", "tự tâm là Phật", có nghĩa là Phật tính là bản tính duy nhất của nhân tính. Phật tính tồn tại trong tâm của mỗi người. Sở dĩ Phật tính bị biến mất đi bởi vì ta rơi vào "võng niệm", có nghĩa bị các loại "suy nghĩ sai lạc"... mà phải sa vào vòng tội lỗi. Muốn vào cõi Phật chẳng mấy khó khăn, thưa cư sĩ, chỉ cần vứt bỏ cái "võng niệm" đi, giác ngộ được cái tâm tính "linh tri bất mị" của mình thì chắc chắn ta đã đi vào cõi Phật.

Tổ Thứ Sáu Huệ Năng đã nói: "Nhất sát na gian, võng niệm cụ diệt, nhược thức tự tính, nhất ngộ tất chí Phật địa". (Trong phút chốc, suy nghĩ sai lạc thảy đều bị diệt, hiểu biết tự tính, giác ngộ mà đến đất Phật.

2: Phật tạng tức Đại tạng kinh có nghĩa nó tổng hợp tất cả các kinh điển Phật giáo. Còn Đạo tạng là tổng hợp tất cả sách kinh Đạo giáo.

Bà Trương Văn Tải Đạo (Qua Huỳnh Cao Virginia Army Trail Rd. Addison Ill. 60101. Thưa bà cụ, bà cụ còn nhớ bài thơ Hà mãn tý là của tác giả nào không ? Nếu được bà cụ chép lại toàn bài, thật vô cùng biết ơn.

* Hàn nãn Tí của Trương Hỗ, người đồng thời với Đỗ Mục. Bài này được Đỗ Mục tán thưởng. Bài thơ ấy như sau:

Cố quốc tam thiên lý,

Thâm cung nhị thập niên,

Nhất thanh Hà mãn tí,

Song lệ lạc quân tiền.

Cố quốc ba ngàn dặm

Thâm cung vài chục năm

Ca khúc Hà mãn tí,

Chàng ơi, lệ rơi đầm...

Bà Văn Thành Brookhurst Westmister Orange County CA. Tôi thường nghe "dây Vũ", dây Văn" với Cung, Thương, và Tư Mã, Phượng cầu... nhưng chẳng biết đó là nghĩa gì? Xin bà cụ giải đáp hộ cho.

* Dây Vũ là dây to, dây Văn là dây nhỏ. Còn Cung Thương là hai âm trong Ngũ Âm tức là Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ...Kiều có câu: So dần dây vũ dây văn, Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.

Còn Tư Mã tức Tư Mã Tương Như, người đời Hán. Phượng cầu tức khúc Phượng cầu hoàng - tên của một khúc nhạc nói về con chim phượng tìm con chim hoàng của Tương Như gảy. Tiếng đàn thật não nùng ai oán khiến cho người nghe khôn ngăn được dòng lệ tuôn trào...

Cụ Phan Vu Hùng San Jose (nhờ nhà thơ Tú Lắc chuyển) Năm này là năm ngựa, tôi đọc gần hết các số báo Xuân của người Việt mình ở hải ngoại nói về sự tích "Ngựa", nhưng chẳng nghe ai nhắc tới Ngựa của Mục Vương cả. Vậy bà cụ nếu biết xin nhắc lại tích này cho. Kính cẩn cám ơn.

* Cám ơn cụ nhắc lại tích này. Đây là tích Mục Vương có tám con ngựa kéo xe. Cứ theo Mục Thiên Tứ Truyện thì tám con ngựa đó có tên như sau: Xích Ký, Đạo Ly, Bạch Nghĩa, Du Luân, Sơn Tử, Cử Hoàng, Hoa Lựu và Lục Nhĩ.

Cụ La Văn Ký qua Chánh Thọ (Maryland) Có một số cổ thi dùng chữ "Hề", chẳng biết nghĩa ra sao? Cụ chỉ giáo cho.

* "HỀ" là một trợ từ, người miền Bắc Trung Hoa thuở xưa thường lấy từ này trợ cho các bài thơ, ví dụ:

Lục bạt sơn HỀ, khí cái thế

Thời bất lợi HỀ, chuy bất thệ

Chuy bất thệ HỀ, khả nại hà ?

Ngu HỀ! Ngu HỀ ! Nại nhược hà !

Việt Nam ta có bài thơ mà nàng Giáng Tiên khi ngồi ở cây tùng mà vừa đàn vừa hát như sau:

"Cô vân vãng lai HỀ sơn thiều nghiêu

U điểu xuất nhập HỀ lâm yêu kiều

Hoa khai mãn ngạn HỀ hương phiêu phiêu,

Tùng minh vạn hác HỀ thanh tiêu tiêu...

HỀ có nghĩa là VẬY, là À, là CHỪ! Về sau lối dùng chữ HỀ này tràn xuống miền Nam. Lão Tử người nước Sở ngày xưa thích làm loại văn cũng có chữ HỀ như miền Bắc.

Ông Vũ Trung Đạo Philadelphia (qua Chu Drexell PA.) Bà cụ có biết cách dùng Cao Qui Bản không? Xin bà cụ giải thích hộ. Kính cẩn cám ơn.

* Ngày còn ở Việt Nam tôi được đọc qua một tập nghiên cứu về nấu các loại cao, trong đó có nói về cách dùng Cao Qui Bản như ông đề cập đến. Theo tôi nhớ chẳng biết có đúng lắm không thì thông thường người ta cắt nhỏ ra từng lát, sau đó bỏ chung trong chén cháo thật nóng để ăn. Cũng có người cắt ra từng mảnh nhỏ để ngậm cho tan dần trong miệng. Cao Qui Bản người xưa bảo là chữa các chứng bệnh phong thấp tê xụi. Tưởng nên biết Cao Qui Bản nguyên tính thiên về khí âm. Thể Cao không rắn như Cao Hổ hay Ban Long. Thể dạng mềm nhưng dẽo, không khô cứng, nếu theo phong thấp y luận thì lại cấm không được dùng qui bản cho các bệnh nêu trên vì nó sẽ giúp cho khí âm gia tăng, nhưng trong bộ Y Cảnh Thần Dược của Nghiêm Chính vị y sư rất nổi tiếng đã cjhữa trị cho ba đời vua nhà Thanh với kinh nghiệm lịch lãm chứng minh bằng những y sử ghi nhận điều này. Ngày nay, theo một số y sư lại cho rằng nếu dùng qui bản một mình để trị phong thấp quá ít hiệu nghiệm, nhưng nêu gia thêm các vị sau đây đúng theo liều lượng:

10 chỉ Mộc Liên Diệp (Magnolia Obovata, Thanh)

5 chỉ:Oa Cự (Lac Tuca Sativa Bish)

1 lượng:Phong Mật (Apischinensis)

1 lượng Qui Bản (Glemmys Chinensis Tortoiso)

Tất cả nấu chung cho nhừ cho đến thấy tan gần như nước, chắt lấy nước này để cho thật trong uống mỗi ngày nửa chén, uống liên tục lối 1 tuần, các chứng sưng ở cô tay, cổ chân, các khớp xương sống, xương dùi đều giảm hết hẳn. Tôi chỉ biết đại khái như thế, nếu ông dùng loại qui này để chữa bệnh phong thấp thì nên hỏi các Đông Y Sĩ thì hơn.

Cụ Hồng Văn Hảo Brookhurst Westminster CA. Thế nào gọi là "Thuần Khôn" và Địa Trạch Lãm"?

* THUẦN KHÔN : là Quẻ Khôn và quẻ Khôn nhập chung lại gọi tắt là quẻ KHÔN. Nó có nghĩa là mềm và thuận. Quẻ Khôn gồm bốn đức tính của 4 quẻ sau:

"Hàm"là không gì không bao dung.

"Hoàng"là không gì không có.

"Quang" là không đâu không tỏ.

"Đại" là không đâu không che trùm.

Như vậy quẻ Khôn có nghĩa là sự to lớn, uy nghiêm và quang minh lỗi lạc... Sự rộng lớn của nó biểu thị chí khí của các bậc anh hùng ôm nhiều hoài bảo kiến tạo và quang vinh dân tộc giống nòi.

2. ĐỊA TRẠCH LÂM gồm quẻ Khôn và quẻ Đoài (trạch) nhập chung gọi tắt là quẻ Lâm. Nó có nghĩa là biểu tượng cho sự soi xét những cử chỉ, ngôn ngữ và ý chí của con người qua cái ánh sáng thiêng liêng mà ta gọi là linh hồn.

Lâm là tiến lên lấn lướt một việc gì, ví như trong đạo trị dân, thân với dân nhưng phải dạy dỗ và cảm hóa, cho dù có phải xửa phạt mọt số người để muôn vạn người đi cùng một hướng cũng phải thi hành.

Ông Lý Đại Vân Orange County : Cháu thường nghe Thiền phái Yoga, nhưng chẳng biết cái nghĩa của từ Yoga này. Nếu bà cụ biết xin giải đáp hộ.

* Yoga có nghĩa Nhất Thống, còn gọi là Đạo... Nguyên có một vị kiếm sư mang tên Oyoki Soma được một Lạt Ma truyền thụ môn Yoga vào thế kỷ thứ 13 (1285). Suốt 15 năm ôn luyện tại một cánh rừng gần sông Dương Tử, Oyoki đã chứng ngộ được 9 pháp môn trong số 12 môn tuyệt đỉnh. Nhưng về sau người ta thường chỉ biết có Hatha Yoga có nghĩa là Âm Dương Nhất Thống Học. (Ha là mặt trời, Tha là mặt trăng, Yoga là nhất thống.)

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002