Đại Chúng số 99 - Ngày 1 tháng 6 năm 2002

Duramax

NHỮNG LOÀI HOA DẠI

Thinh Quang

(tiếp theo kỳ trước)

CHƯƠNG 5

Trên vòm trời chiều hôm nay vạn vật rực một màu đỏ ối! Trương lửng thửng đi ven theo con đường ngoằn ngoèo trên lưng đồi. Cảnh vật hoàn toàn yên tĩnh, không một chút gió, ngoại trừ đàn chim xanh bé nhỏ tíu tít nhảy nhót trên các cành cây nơi chàng đang ngang qua, hoặc dăm ba cánh dơi thỉnh thoảng vụt bay lên từ các bờ bụi rậm... Trương cảm thấy tâm hồn mình lâng lên niềm diệu vợi...

Bé Thu Lan buông tay cha chạy tung tăng tìm hái những bông hoa dại. Cánh hoa nào với nó trông thấy cũng thấy đẹp, nó săm soi và dồn cả vào túi. Hết hái hoa dại lại chạy theo mấy con bướm hoa đủ cả màu sắc đang nhởn nhơ bay rực cả nương đồi... Nơi nào cũng trông thấy bướm, vì vậy nó chạy đi khắp nơi, lặn ngụp trong các bụi cỏ dại rậm rịt quanh đó...

Nhiều lúc Thu Lan khuất hẳn trong các bụi cỏ dại, Trương lên tiếng gọi con canh chừng:

_ Thu Lan! Con đâu rồi?

_ Hả Thu Lan! Con của ba đâu rồi?

Không nghe thấy con đáp lại, Trương hồi h?p nhìn quanh quất rồi tiến sâu vào phía bên trong nương đồi, nơi sau cùng chàng nhìn thấy bóng nó:

_ Thu Lan! Thu Lan! Con đâu rồi?

Lần này thì có tiếng nó đáp lại:

_ Con đang bắt mấy con bướm hoa...

Nó vừa nói vừa tiếp tục chạy đuổi theo đàn bướm. Cô bé hôm nay mặc áo màu hồng phấn, thêu các bông hoa hường, hoa huệ bằng loại chỉ kim tuyến lấp lánh dưới ánh nắng chiều.

Chân bé đi giày bố, mà chàng đã mua cho con khi quyết định dời đến ở tại khu trang trại này. Mái tóc đen xen lẫn màu hoàng kim được tết thành hai lọn buông thỏng xuống đong đưa trên hai bên bờ vai thon tròn trông giống hệt mẹ. Đôi mắt đen lay láy như hai hạt huyền, vầng trán cao, sóng mũi dọc dừa nằm bên trên cái miệng bé nhỏ đỏ thắm như son làm nổi bật làn da trắng mịn màng của nó.

Từ dáng đi đến cử chỉ của Thu Lan nhất nhất đều không khác gì mẹ nó.

_ Cúc Hoa ơi! Nếu em...

Nhưng chàng im hẳn lại, không muốn gợi lại hình ảnh của người vợ mà chàng đã một thời mặn nồng yêu quí, từng cam kết sẽ cùng nhau sống đến răng long đầu bạc...

Có lần trên bãi biển, Cúc Hoa ngã đầu trên vai chồng hỏi:

_ Anh à! thánh nhân bảo, sống thì đồng tịch, đồng sàng, nhưng chết tại sao không đồng quan đồng quách?

_ Theo em thấy ông thánh có gì sai trái trong câu nói này không?

_ Em không cho ông thánh sai, nhưng em thì không muốn vậy. Đã sống đồng tịch đồng sàng thì chết cũng phải đồng quan đồng quách... mới phải chứ!

_ Sống chết đều do số mạng, tất nhiên có kẻ trước người sau, vốn là qui luật của trời đất.

Rồi chàng nhìn vợ cười nói tiếp:

_ Thế ví dụ anh nhắm mắt trước em, thì lúc ấy em nghĩ thế nào?

Cúc Hoa béo vào má chàng cười khúc khích:

_ Thì, em sẽ chết theo để được cùng nhau nằm chung một quách!

Tuy là lời nói đùa song Trương thật sự xúc động khi nghe Cúc Hoa bảo vậy. Nhưng mà... sự thể nó không phải như vậy. Trương không ngờ chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, Cúc Hoa phản bội lại lòng chung thủy của chính mình!

Số là chính Trương đã khuyến khích vợ tình nguyện gia nhập vào một tổ chức xã hội, theo một ban kịch nghệ chuyên đi lưu diễn khắp nơi, lấy tiền làm công việc thiện. Nàng từng đi lưu diễn như vậy nhiều lần, có khi năm ba ngày, cũng có khi kéo dài suốt cả tháng tại các địa phương xa... Bé Thu Lan đã có chàng và bà cô chăm nom săn sóc! Lần nào cũng vậy, khi trở về Cúc Hoa đều siết chặt con vào lòng nựng nịu, ngồi hàn huyên với chồng hàng giờ, thuật lại sự thành công hay thất bại của suốt cuộc hành trình đi lưu diễn của nàng cho Trương nghe!

Nhưng sau lần lưu diễn này, Cúc Hoa trở về khác hẳn với những lần trước, nàng tỏ ra lạnh lùng chẳng những đối với bé Thu Lan mà còn ngay cả với Trương nữa!

_ Em không được khỏe, phải không? - Trương ngay tình hỏi.

_ Cám ơn! em vẫn khỏe như thường.

_ Sao trông em có vẻ ủ ê, hay là em bị quá mệt mỏi chăng?!

Cúc Hoa không đáp lại, bỏ đi thẳng vào nhà trong. Trương dõi mắt nhìn theo vợ còn Thu Lan quấn quít một bên nắm lấy tay mẹ tíu tít hỏi:

_ Me ơi! me đi đâu lâu thế? Con nhớ lắm...

_ Ờ! Thì đi công việc, chỉ mới có mấy hôm mà lâu à!

Nàng vừa nói vừa gở tay con, mặc dù bé Thu Lan khóc lóc chạy theo vòi mẹ, khiến Trương phải lên tiếng:

_ Bé nó nhớ em lắm đấy... Nó đợi em về với nó!

_ Để dỗ nó ngủ phải không?

Trương hơi ngạc nhiên nhìn vợ cải chính:

_ Đâu phải vậy? Nó nhớ em...

_ Vậy anh làm gì ở nhà? Chỉ biết viết lách không thôi sao? Anh tưởng vở kịch anh soạn được nhiều khán giả ưa thích lắm phải không?

_ Anh có bảo thế đâu? Việc ấy anh không bao giờ lưu ý đến!

Và, một hôm Trương từ thư viện về, chàng thấy phong thư để ngay ngắn trên mặt bàn viết nơi thư phòng! Linh tính cho chàng biết là ắt có chuyện bất thường vội bóc ra đọc:

"Anh Trương,

Chắc anh không khỏi ngạc nhiên khi đọc bức thư này, một bức thư có thể làm tan nát cả lòng anh! Em biết vậy song em không thể kéo dài tình trạng để anh phải chịu đựng cảnh sống bên cạnh người vợ lạnh nhạt, phũ phàng trong những ngày gần đây như anh đã thấy! Đã không cho nhau hạnh phúc, thì thà buông tha nhau... Em xin anh tha thứ cho! Điều mà em chỉ xin anh là hãy dồn tất cả tình thương cho bé Thu Lan - đứa con duy nhất mang trong huyết quản nó hai dòng máu của chúng ta - là hình ảnh của một thời mà hai chúng ta yêu thương nhau tưởng không bao giờ rời xa nhau được! Em vẫn biết làm thế này không xứng đáng với mối tình của anh, nhưng biết làm sao, khi sự tình đã trở nên như vậy! Hôn anh lần cuối.

Vĩnh biệt anh,

Cúc Hoa

Đọc xong thư, Trương thấy mặt mày tối sầm hẳn lại! Đầu óc Trương quay cuồng, chẳng biết mình đang sống trong cơn ác mộng hay đang đối diện với một sự thật phủ phàng!

Bỗng Trương giật mình khi có tiếng chân của con chạy lại, miệng gào thét tưởng chừng như bị thú rừng rượt đuổi:

_ Ba, ba ơi!

Trương vội cúi xuống ôm con:

_ Cái gì thế hả con?

Con bé quay lại nhìn về hướng nó vừa bỏ chạy, mặt mày tái mét.

Trương hốt hoảng hỏi dồn dập:

_ Gì thế con? Có con vật gì phải không? Nói lên ngay đi!

Con bé vẫn trừng trừng đưa mắt nhìn về nơi có tảng đá trắng chắn ngang như một bờ tường mà đêm qua chàng có dịp đứng cạnh đó.

_ Cái gì đã làm cho con sợ?

_ Ghê quá!

_ Hả? cái gì? Cái gì nói cho ba biết đi con!

_ Một con...

_ Một con? Con... rắn?

_ Không?

_ Chứ con gì? Nói nhanh cho ba biết đi! - Trương hối thúc.

_ Con... ma như bà cô bảo!

Để trấn an con, Trương ôm xốc bé Thu Lan lên định bước về hướng có tảng đá nó vừa chỉ đến:

_ Đừng sợ, để ba đến xem... con ma ấy như thế nào? Chắc là con nhìn lầm rồi! Có thể đó là một con người như mình... Đừng sợ! Họ đi chơi đấy...

_ Không! Con sợ lắm... Con ma đó nó... nhìn con nhe răng ra cười... con sợ lắm ba ơi! Đừng đưa con lại đó... Đừng... đừng... ba ơi!

Tảng đá con bé chỉ đến chính là nơi mà đêm rồi chàng đã gặp người con gái đánh rơi tập sách mà chàng nhặt được đang cầm trong tay:

_ Có phải con ma nào đó giống dì Lệ Hoa không?

_ Không!

_ Chứ con ma như thế nào?

_ Con ma mặc áo màu... màu gì như bà cô thường mặc...

_ Màu lam, phải không?

Bé Thu Lan gật đầu:

_ Giống hệt áo bà cô...

_ Còn mặt mày thì hệt như dì Lệ Hoa phải không?

_ Không phải! Ghê lắm... Con ma có tóc bạc còn bạc hơn bà cô nữa!

_ Một bà già sao?

_ Già hơn bà cô!

Trương nheo mắt suy nghĩ. Nếu là một bà già thì đâu có phải là Lệ Hằng - như Lệ Hoa đã nói. Trương nhìn con, lấy tay phủi mấy cộng cỏ dại vương trên mái tóc :

_ Con gái của ba giàu sức tưởng tượng lắm!

Và chàng siết chặt con vào lòng bước đi:

_ Thôi, đừng quan tâm đến... con ma già nào đó nữa... mình đi nhanh kẻo dì Hoa trông đợi con đấy.

_ Nhưng mà, ba đừng đi về phía tảng đá trắng đó... con ma đầu bạc đó ghê lắm! Nó... nhìn con chằm chặp ba ơi!

_ Ừ ! Con đừng sợ hãi nữa. Có ba đây... nè! Ba thách con... ma nào đấy...

Hai cha con vừa nói vừa rảo bước đi, chẳng mấy chốc đã đến ngay trước cổng nhà ông Vương. Tại đây, được người làm của ông Vương đưa vào phòng khách sau khi băng qua một khu vườn trồng hoa hương thơm ngào ngạt.

Bước vào bên trong, Trương đã chú ý ngay phòng khách, nơi đây có lối trang trí tân kỳ, khác hẳn với phòng khách nơi chàng đang ở vừa cổ lổ vừa có vẻ hoang dã... Trên bức tường sơn màu vàng nhạt, Trương trông thấy ngay bức tranh thủy mạc, mới nhìn vào chàng đã biết ngay đó là Chỉ Nam xa. Trên hình Chỉ Nam xa là hình ảnh của pho tượng ngọc dang tay lên chỉ về phương Nam. Trương biết về sự tích loại xe này, không phải chỉ xuất hiện ở thế kỷ thứ lll mà nó đã ra đời từ 1200 năm về trước do Chu Công sáng chế. Tác dụng của xe chỉ nam mục đích làm phương tiện chỉ đường cho các sứ thần dễ dàng phân biệt được hai phương trời Nam Bắc. Đối diện Chỉ Nam xa là "Tháp Ngọc tuyền"- ngôi tháp cao mười ba tầng đúc bằng gang dựng lên từ năm 1601 tại Đương Dương Hồ Bắc.

Đặc biệt là bức tranh thứ ba, ông Vương treo ngay trước mặt bộ ghế trắc ngồi uống trà. Đó là bức tranh viết toàn bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, chàng lẩm nhẩm đọc trong miệng:

"Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư hoàng hạc lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ.

Phương Thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

(Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)

(Tản Đà)

(còn tiếp)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002