Đại Chúng số 123 - ngày 1 tháng 7 năm 2003

Thư Tòa Soạn
Vinh Danh Quân Lực VNCH
Thế Giới và Bình Luận
Nhận Diện TP Quảng Châu
Ngày Quân Lực tại Philadelphia
Sau Khi Chết Ta Sẽ Ra Sao
Y Khoa và Khoa Học
Tranh Luận về Internet
Đọc Báo Dùm Bạn
Truyện dài - Yêu Em Từ Thuở
Cô Kiều với Phạm Quỳnh
Vũ Điệu Con Hổ
Yếm Vải Xứ Thanh
Nấu Ăn Ngon Cho Chàng
Vườn Thơ

Y KHOA & KHOA HOC
- do Huu hoc sinh bien soan -

 

1.-Chứng hạ đường huyết và cách khắc phục

Đây là tình trạng nồng độ glucose trong máu và các dịch ngoại bào giảm có tính bệnh lý. Do glucose là nguồn năng lượng chính cho não nên chứng hạ đường huyết đôi khi nguy hiểm hơn so với chứng tăng đường huyết. Nó có thể dẫn đến các di chứng như mất trí, bệnh parkinson.

Ở người bình thường, nồng độ glucose huyết tương được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ số này giảm sẽ kéo theo việc giảm các chức năng của não. Ở người già, dự trữ glucose ở gan, thận đều kém nên khi bị hạ đường huyết, tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn. Chứng hạ đường huyết ở mức độ vừa thường chỉ gây các triệu chứng lâm sàng nhẹ. Các biểu hiện nặng thường chỉ xuất hiện khi chứng hạ đường huyết trở nên trầm trọng:

- Dấu hiệu toàn thể: Cảm giác mệt mỏi (cả về thể lực lẫn tinh thần) xuất hiện đột ngột, có thể kèm theo cảm giác nặng chân, chuột rút, nhức đầu, chóng mặt, ngất xỉu.
- Thần kinh thực vật: Vã mồ hôi, lạnh (các biểu hiện này xuất hiện đột ngột), mặt tái, đôi khi lại đỏ, run chân tay.
- Tiêu hóa: Cảm giác đói rất đặc hiệu xuất hiện đột ngột, gây khó chịu, có khi bệnh nhân cảm thấy cồn cào, đau cả vùng thượng vị. Có thể kèm theo buồn nôn hoặc tiêu chảy.
- Tim mạch: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, đau vùng trước tim.
- Các rối loạn tinh thần: Rất đa dạng, có khi bệnh nhân đi lại loạng choạng như một người say rượu, hay quên hoặc ở trong tình trạng kích thích.
- Các rối loạn thần kinh: Có cơn co giật lan tỏa hoặc khu trú. Bệnh nhân bị rối loạn cảm giác (dị cảm lan tỏa hoặc khu trú ở đầu chi, xung quanh miệng), nhìn mờ, nhìn đôi. Có người bị hôn mê (thường khởi phát một cách đột ngột, đôi khi cũng có dấu hiệu báo trước như mệt mỏi, vã mồ hôi, run chân tay). Các triệu chứng trên có thể biến mất rất nhanh sau khi ăn ngọt. Trong trường hợp không ăn ngọt, chúng cũng có thể giảm một cách tự phát. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể tiến triển lâu dài, gây các di chứng như rối loạn về tinh thần và vận động (tạm thời hoặc vĩnh viễn) như mất trí, liệt nửa người, hội chứng parkinson, teo cơ ở ngọn chi...

Về điều trị, có thể tiêm tĩnh mạch 20-40 ml dung dịch glucose ưu trương 30% ngay từ khi nghi ngờ có hạ đường huyết, đặc biệt laf khi có rối loạn thần kinh cấp (thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường đang được điều trị bằng insulin hoặc sulfamid). Phải tiêm rất chậm. Sau đó, cần truyền nhỏ giọt dung dịch ngọt 10-15%.
Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể khỏi, không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, sau cơn hạ đường huyết, trí nhớ bệnh nhân có giảm đi một phần, mức độ hồi phục tùy thuộc vào việc có điều trị kịp thời hay không.

 

2.-Con cá trong y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, "ngư nhục sinh tinh", nghĩa là cá có tác dụng bổ tinh, một trong 3 yếu tố tạo nên sức khỏe con người (tinh, khí, thần). Tuy nhiên, những người mắc bệnh xuất huyết do giảm tiểu cầu không nên ăn nhiều thực phẩm này.

Trong tác phẩm Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, có tới 34 loài cá được dùng làm thuốc, ví dụ:
- Cá chép (lý ngư) vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng chữa vàng da, máu cục trong bụng, ho đờm.
- Cá trắm (thanh ngư) vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí, trị tắc họng, mắt mờ.
- Cá trôi (hoàn ngư) vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dương, ấm dạ dày, trị đau họng.
- Cá chày (tôn ngư) vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng ấm dạ dày, tiêu thực.
- Cá bống (sa ngư) vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng tiêu thực, ấm tỳ vị, ăn nhiều rất tốt. Sau đây là một số món ăn bài thuốc có sử dụng cá:
- Cá chép 1 con, đậu xị, hành trắng, gạo nếp vừa đủ, thêm gừng và gia vị. Nấu cháo ăn hằng ngày, có tác dụng chữa động thai.
- Cá diếc nấu canh với hẹ, có tác dụng chữa kiết lỵ.
- Cá diếc nấu canh ăn hằng ngày, có tác dụng chữa mắt mờ tối (xuất hiện sau khi sốt nóng, ăn phải thức ăn cay nóng).
- Cá diếc nấu canh với hẹ, cho vào chút rượu trắng, ăn hằng ngày, dùng chữa trúng độc.
- Cá diếc nấu canh với lá dâu bánh tẻ, ăn hằng ngày để chữa chứng tăng huyết áp.
- Cá diếc 1 con bỏ ruột, nhét lá chè xanh vào bụng cho đầy, bọc giấy nhiều lớp, đem nướng chín để ăn. Bài thuốc này có tác dụng chữa bệnh tiêu khát (tiểu đường).

 

3.-Chứng nhồi máu cơ tim và cách xử trí

Đó là hiện tượng mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn khiến cơ tim chết đi và không thể hồi phục. Nếu không điều trị kịp thời, vùng cơ tim bị tổn thương sẽ lan rộng và dẫn đến tử vong. Nếu tổn thương nhỏ, bệnh nhân sẽ bị suy tim hoặc tăng nguy cơ đột tử.

Nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ đã mãn kinh (sau 50 tuổi). Tuy nhiên, những người trẻ hơn cũng có thể bị tai biến này. Ngoài yếu tố tuổi tác, các yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim:
- Từng bị nhồi máu cơ tim hoặc thực hiện các thủ thuật can thiệp mạch vành.
- Bố hoặc anh được chẩn đoán bệnh mạch vành trước 55 tuổi; mẹ hoặc chị được chẩn đoán bệnh này trước 65 tuổi.
- Có một trong các bệnh tiểu đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Ít hoạt động thể lực.

Về triệu chứng nhồi máu cơ tim, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một người đột ngột ôm ngực kêu đau dữ dội và ngã xuống. Nhưng thực ra, nhiều bệnh nhân chỉ bị một cơn đau ngực nhẹ ở giữa xương ức và triệu chứng này có thể nhanh chóng qua đi, khiến người bệnh cho là bình thường. Những dấu hiệu sau đây có thể báo hiệu nhồi máu cơ tim:
- Đau ngực: Phần lớn các cơn đau ngực xuất hiện ở giữa xương ức, kéo dài vài phút, sau đó hết rồi lại đau lại. Bệnh nhân có cảm giác như bị đè nặng, bóp nghẹt ở ngực.
- Có cơn đau ở các vị trí khác như tay, lưng, cổ, hàm, thượng vị.
- Khó thở: Thường đi kèm với đau ngực, nhưng có thể xuất hiện trước đó.
- Các triệu chứng khác: Toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng. Một số bệnh nhân có cảm giác như "trời sắp sụp".

Tuy chứng nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm nhưng nếu nhận biết sớm để điều trị kịp thời (dùng thuốc làm tan huyết khối hoặc phẫu thuật nong động mạch vành), bệnh nhân sẽ tránh được tử vong và những biến chứng sau đó. Các biện pháp trên có thể hạn chế tối đa vùng cơ tim bị chết, hồi phục một số vùng mới tổn thương. Càng vào viện sớm, khả năng hồi phục hoàn toàn càng cao. Hiệu quả điều trị sẽ tốt nhất nếu bệnh nhân được xử trí trong vòng 1 giờ đầu.

Vì vậy, khi có những dấu hiệu báo trước cơn nhồi máu cơ tim kể trên, hãy đến ngay bệnh viện hoặc gọi ngay cấp cứu. Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ xác định xem có đúng bạn bị nhồi máu cơ tim hay không bằng cách hỏi các câu như: Cơn đau ngực bắt đầu từ lúc nào, đột ngột hay từ từ? Bạn đang làm gì khi đó? Mức độ đau như thế nào? Cơn đau kéo dài bao lâu? Có triệu chứng gì đi kèm (nôn, toát mồ hôi, choáng váng, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực)?

Để xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm như điện tâm đồ, chụp động mạch vành.. Những biện pháp này cũng giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị. Cách điều trị tốt nhất hiện nay cho chứng nhồi máu cơ tim là can thiệp mạch vành, và phẫu thuật này chỉ có tác dụng trong 12 giờ đầu.

 

4.-Phát hiện sọ người hoá thạch cổ nhất

Các nhà khoa học vừa phát hiện một số họp sọ người hoá thạch có niên đại 160.000 năm tại Ethiopia. Đây được coi là sọ người hoá thạch cổ nhất được tìm thấy cho đến nay, là bằng chứng cho thấy loài người đã bắt đầu sinh sống và phát triển tại Châu Phi cách đây khoảng 100.000-200.000 năm. Hộp sọ này có những đặc điểm gần giống với sọ người hiện đại ngày nay.

 

5.-Cây đậu nành đầu tiên trồng trong môi trường vũ trụ

Trong một cuộc nghiên cứu 97 ngày được thực hiện trên Trạm vũ trụ quốc tế gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, cây đậu nành được trồng trong môi trường vũ trụ có thể phát triển bình thường như khi được trồng trên trái đất. Đây là một phát hiện quan trọng giúp cho các nhà khoa học có thể lựa chọn nguồn cây lương thực trong tương lai khi con người có thể sinh sống, định cư trên các hành tinh khác.

 

6.-Trái Đất đã phải chịu trận huỷ diệt cách đây 380 triệu năm?

Các nhà địa chất học vừa cho biết, cách đây 380 triệu năm, một tảng thiên thạch đã đâm xuống trái đất, tiêu diệt phần lớn các thực thể sống. Cho đến ngày nay, người ta cũng mới chỉ biết tới trận huỷ diệt cách đây 65 triệu năm, đã tàn phá trái đất và là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của loài khủng long khổng lồ. Brooks Ellwood, giáo sư nghiên cứu tại trường đại học Louisiana nói: "Các dấu hiệu của một trận huỷ diệt sớm hơn trùng với sự biến mất của một số loài vật". Nhóm nghiên cứu của giáo sư Ellwood còn tiến kiểm tra các lớp đất đá tại Marốc và phát hiện ra rằng, lớp trầm tích có niên đại khoảng 380 năm có các thành phần từ trường không bình thường, dường như đã phải chịu một áp lực rất lớn. Trong khoảng thời gian này, khoảng 40% nhóm động vật biển đã biến mất khỏi trái đất.

Tuy nhiên, theo nhà địa chất học Paul Wignal tại Trường đại học Leeds, vẫn còn hơi sớm để đưa ra một kết luật như vậy. Ông này cho rằng, nhóm tìm kiếm của Ellwood cần phải có các cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn nữa mới có thể đưa ra những kết luật chính xác được, và rằng con số 40% của ông này đưa ra không thể coi là sự huỷ diệt hàng loạt, mà chỉ coi đó là một phần của sự phát triển các loài vật trên trái đất.

 

7.-Làm lạnh cơ thể giúp chữa trị chấn thương sọ não

(Reuters) - Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Canada, làm lạnh cơ thể được xem là phương pháp hiệu quả giúp các bệnh nhân chấn thương sọ não có thể hồi phục nhanh và giảm nguy cơ tử vong. Mức làm lạnh mang lại kết quả cao nhất là ở 32-33 độ C, trong vòng 48 giờ. Sau đó bệnh nhân có thể được làm ấm lại cơ thể trong vòng 24 giờ. Kết quả nghiên cứu nói trên được đǎng tải hôm qua (11/6) trên tờ tạp chí của Hiệp hội Y tế Mỹ. 1069 bệnh nhân được chọn thử nghiệm đều là những ca nặng, bị chấn thương sọ não sau tai nạn ô tô, bị ngã hoặc tai nạn thể thao. Một nửa trong số đó được áp dụng phương pháp làm lạnh cơ thể. Kết quả cho thấy nhóm này có tỉ lệ tử vong thấp hơn 19% so với nhóm không được áp dụng.

 

8.- lưu ý khi cho trẻ dùng thuốc

Không phải bà mẹ nào cũng đủ hiểu biết về các quy tắc khi sử dụng thuốc cho trẻ. Có nhiều bà mẹ thậm chí còn tự mua thuốc điều trị cho con. Điều này hết sức nguy hiểm. Sau đây là một số loại thuốc không phù hợp với trẻ:

- Aspirin: Có nhiều tác dụng phụ liên quan đến dạ dày, như gây đau hay gây xuất huyết tiêu hóa ở cơ quan này. Với trẻ em, aspirin có thể gây hội chứng Reye - một biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, không bao giờ được dùng aspirin cho trẻ.

- Thuốc chống nôn: Việc dùng loại thuốc này không đúng liều có thể làm trẻ bị ngộ độc. Vì vậy, chỉ được dùng thuốc chống nôn khi có chỉ định của bác sĩ. Không nên quá lo lắng về tình trạng nôn của trẻ vì thông thường trẻ chỉ nôn vài lần rồi ngưng. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện mất nước và điện giải thì phải đưa đi khám bác sĩ ngay.

- Thuốc được kê cho trẻ khác hay chứng bệnh khác: Rất nhiều bà mẹ trong lúc bối rối vì con ốm đã dễ dàng nghe theo lời khuyên của bạn bè, dùng lại đơn thuốc trước đó của con bà bạn nếu 2 đứa trẻ có một số triệu chứng na ná nhau. Điều này chẳng những không mang lại hiệu quả điều trị mà còn có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, chỉ nên cho trẻ dùng thuốc theo đơn mà bác sĩ chỉ định cho chính con bạn và không nên dùng lại đơn thuốc cũ cho lần sau.

- Thuốc chỉ dùng cho người lớn: Cần nhớ rằng trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ, do hầu hết các cơ quan đều chưa phát triển đầy đủ như người lớn. Nếu dùng những loại thuốc không thích hợp với lứa tuổi có thể gây nhưng tác hại, ví dụ như ảnh hưởng đến chức nǎng gan hay thận... Đừng bao giờ cho trẻ uống loại thuốc mà bạn đang dùng.

- Thuốc hết hạn sử dụng: Thuốc là một loại sản phẩm đặc biệt vì nó liên quan đến sức khỏe và sinh mạng con người. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ những chỉ định cho việc dùng thuốc, bạn còn phải kiên quyết vứt bỏ ngay những loại thuốc đã hết hạn sử dụng vì chúng không còn tác dụng, thậm chí còn gây độc hại cho trẻ. Khi mua thuốc, cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng ghi trên hộp thuốc.

- Thuốc kết hợp nhiều hoạt chất: Có một số loại thuốc kết hợp nhiều hoạt chất khác nhau, trong đó có những thành phần không phù hợp với trẻ. Ví dụ, các loại thuốc cảm kết hợp paracetamol với codein hay thuốc kháng viêm không steroide nhằm tǎng cường tác dụng giảm đau. Cách tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ và dược sĩ về những loại thuốc bạn đang định dùng cho trẻ.

- Các loại thuốc kháng viêm không sterroid: Không nên cho con uống các loại thuốc kháng viêm không steroid vì chúng thường gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là ibuprofen. Hầu hết các hãng sản xuất khuyến cáo không sử dụng loại thuốc này cho trẻ dưới 12 tuổi, đề phòng những tác dụng phụ có thể xảy ra, nhất là khi trẻ đang bị nôn.

- Thuốc dạng viên uống hay viên nhai: Các thuốc dạng này có thể gây nguy hiểm cho trẻ vì chúng dễ lọt vào đường thở. Do đó, nếu cần sử dụng, nên dùng những loại lỏng như viên hòa tan trong nước hay dạng si rô...

Vì sự an toàn của trẻ, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ và dược sĩ trước khi sử dụng thuốc cho con.

 

9.- Phụ nữ có tuổi cần thường xuyên kiểm tra mật độ xương

Từ 65 tuổi trở lên, tất cả phụ nữ cần được sàng lọc một cách đều đặn để phát hiện kịp thời bệnh loãng xương, giúp ngǎn ngừa hiện tượng gãy xương. Các yếu tố làm tǎng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ bao gồm: tuổi già, ít vận động, tiền sử loãng xương trong gia đình, dùng thuốc oestrogen. Những phụ nữ trong nhóm nguy cơ cần bắt đầu thử nghiệm sớm hơn, khi tới 60 tuổi, vì nhiều người trong số họ chỉ biết mình có bệnh lúc đã gãy xương. Tại Mỹ, khoảng 10 triệu người (trong đó 80% là phụ nữ) bị loãng xương - nguyên nhân gây ra 1,5 triệu ca gãy xương mỗi năm.

 

10.- Vitamin B12 giúp duy trì trí nhớ ở người già

Uống bổ sung vitamin B12 là một trong các phương pháp hữu hiệu để ngǎn ngừa hội chứng Alzheimer (suy giảm trí nhớ) ở người cao tuổi. Đó là kết quả một nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh), được công bố hôm 3/5. Các nhà khoa học giải thích, trong cơ thể người mắc bệnh Alzheimer, hàm lượng axit folic và B12 rất thấp, khiến máu của họ chứa nhiều homocystein. Chất này là cǎn nguyên của bệnh mất trí nhớ, cũng là một trong các thủ phạm gây ra bệnh tim ở người già. Để hạ thấp lượng homocystein trong máu, người cao tuổi, đặc biệt là những trường hợp có biểu hiện suy giảm trí nhớ, nên chú ý bổ sung vitamin B12 (có nhiều trong cá, trứng, thịt, sản phẩm từ sữa) và các chất chống lão hóa khác.

 

11.- Giảm trí nhớ ở người cao tuổi

Hỏi: Sau khi nghỉ hưu, trí nhớ của tôi cứ giảm dần; có phải do hiện tượng lão hóa không? Có cách nào để duy trì trí nhớ và khả năng tập trung

Đáp: Xưa nay, nhiều người vẫn cho rằng tình trạng đãng trí của người già xuất hiện là do sự lão hóa, sự mất đi không hồi phục của các tế bào não, sự tưới máu não bị suy giảm... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều người đã quá tuổi "xưa nay hiếm" nhưng vẫn duy trì được trí tuệ sáng suốt và vẫn có cống hiến to lớn cho xã hội. Sự đãng trí là hậu quả của việc ít vận động trí não. Vì thế, không nên trông chờ vào một thứ thuốc khôi phục trí nhớ mà phải biết vận động trí não một cách khoa học, sống trật tự, có phương pháp, việc nào ra việc ấy, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ... Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách tốt để duy trì khả năngtư duy vì nó thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường cung cấp ôxy và dinh dưỡng cho não.

Để duy trì trí nhớ, người cao tuổi còn phải thực hiện một chế độ dinh dưỡng đa dạng, giàu chất sắt và các nguyên tố vi lượng cần thiết như photpho, kẽm, vitamin nhóm B, các loại dầu thực vật.

 

12.- Huyết áp thế nào là bình thường?

Hỏi: Huyết áp bao nhiêu được xem là bình thường? Nếu bị huyết áp cao thì làm thế nào để tránh xuất huyết não?"

Đáp: Huyết áp tối ưu là 120/80 mm Hg (cần chú ý cả huyết áp tâm thu và tâm trương). Nếu là bệnh nhân tiểu đường thì huyết áp tối ưu là 115/75. Khi tuổi cao, huyết áp tăng lên là chuyện bình thường, nhưng vẫn cần có bác sĩ theo dõi.Nếu bị huyết áp cao, trước hết cần hạn chế ăn mặn, có chế độ tập đi bộ đều đặn hằng ngày, hạn chế béo phì bằng cách giảm lượng calo tiêu thụ và tăng cường luyện tập vừa sức mình, bỏ rượu, thuốc lá. Nên sống lạc quan, hòa đồng, tránh buồn phiền, lo nghĩ, làm việc căng thẳng, thù hận... Nếu bác sĩ chỉ định dùng thuốc hạ áp thì phải uống thật đều, không được tự ý bỏ. Khi bác sĩ bảo ngừng thuốc thì ngừng nhưng phải có thuốc dự trữ phòng khi phải dùng trở lại.

Ngoài ra, cần kiểm tra toàn diện để nhận biết các bệnh có liên quan đến huyết áp như tiểu đường, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu...

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002