Đại Chúng số 136 - ngày 15 tháng 3 năm 2004

Từ cuộc tranh luận về "con mèo của Schrodinger" đến những phản ứng của một số người VN đối với ông Ng. Cao Kỳ
Thế giới và bình luận
Chuyện đặc biệt
Nỗi lòng người đi
Câu chuyện ViệtNam
Bạch Vân Am
Phê Bình Văn Học
Phóng Sự
Về Lá Tâm Thư Của Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Điện Ảnh
Thơ Ngỏ của Hạnh Nguyện
Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập liên đoàn Chi Lăng hướng đạo VN
Về Một Quãng Đời của Trịnh Công Sơn
Vườn Thơ

PHÊ BÌNH VĂN HỌC:

NHÂN ĐỌC ”THIÊN ĐƯỜNG TÌM LẠI” CUẢ HỒ TRƯỜNG AN, NÓI VỀ DÂM THI , DÂM CA, DÂM KINH...TRONG LỊCH SỬ, VĂN HOÁ, VÀ TÔN GIÁO CỦA LOÀI NGƯỜI

- Đặng Văn Nhâm -

KHỞI: GIỚI THIỆU HAY CHƯỚNG NGẠI?
Trước tiên tôi được biết đến“Thiên đường tìm lại”, một tập dâm thi của nhà văn Hồ Trường An, là nhờ bài giới thiệu khéo léo và phê bình rất dễ thương cuả nhà văn nữ Vũ Thi An, đăng trên tạp chí Hải Ngoại Nhân Văn (số 23, tháng 6. 02, trg.63, nhan đề “vấn đề dục tính trong thơ văn VN”). Vài ngày sau tôi mới nhận được tập thơ này do chính tác giả gửi tặng. Vốn là một kẻ đam mê những gì trong phạm trù văn hoá có dính líu đến chữ “dâm” hay có vị “dâm”, tạm gọi là “dâm hương trong chữ nghĩa” , nên tôi vội vàng tò mò mở ra đọc. Nhưng mới vài trang đầu, gọi là “khởi”, tôi liền bị khựng lại ngay, bởi bài “thi văn dục ái qua thiên đường tìm lại ” của tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt, viện trưởng VIỆN TƯ TƯỞNG VIỆT trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nước Hoa Kỳ !
Đọc bài cuả ông Đạt, tự nhiên tôi bị cụt hứng và khó chịu vô cùng. Cảm giác cụt hứng và khó chịu cuả tôi ví chẳng khác nào cảm giác của một gã si tình, đã mót lắm rồi, lại sắp sửa được giao hoan khoái chí với người đẹp đã loã lồ sẵn sàng chờ đợi trên giường, bất ngờ lại bị một bậc đại nhân,cực kỳ nghiêm nghị, chưng diện bảnh bao, hào nháng, với luận điệu rất “moralisateur”, cố níu lại để giảng giải lang bang những chuyện kinh kệ, thần thánh lăng nhăng trên trời dưới đất!
Về nội dung, bài “KHỞI” của ông Đạt, viết rất cầu kỳ, cộng thêm một số trích dẫn điển cố các huyền thoại La-Hy và tên mấy bộ kinh tôn giáo.Tuy nhiên, xem ra vẫn chẳng đủ khả năng minh giải, hay phát lộ tính chất quan yếu, cao quí, và thiêng liêng cuả chữ “ dâm” trong văn học, tôn giáo và lịch sử nhân loại. Trong suốt 9 trang chữ, đã được trịnh trọng đặt ngay đầu thi phẩm, ông Đạt vẫn không đạt nổi mục tiêu thông thường, tối thiểu, của người viết tựa là kích động khiếu thẩm dâm cho người đọc trước khi họ bắt đầu nếm cái vị dâm tràn trề lai láng trong 112 trang giấy khổ nhỏ cuả nhà văn Hồ Trường An. Có lẽ chính vì thế mà cô Vũ Thi An, một phụ nữ trí thức tuổi xấp xỉ trung niên (đã có chồng , con, tất chẳng lạ gì với những chuyện hành dâm, hay những câu dâm thơ v.v...) đã phải thành thực kể lại trong bài phê bình dẫn thượng:”Tôi mở tập thơ ra xem, phải đỏ mặt ngay”. Theo tôi, sự “đỏ mặt” của cô Vũ Thi An là một phản xạ tự nhiên trước một trạng thái đột ngột, sững sờ, vì tinh thần chưa được chuẩn bị. Cái sự “ đỏ mặt” đó đồng bào miền Nam gọi là : mắc cở, con người Bắc gọi là: xấu hổ.Chỉ có thế thôi!
Đó là một bằng chứng thất bại rõ rệt. Sự thất bại ấy, thực ra không nằm trong nội dung thi phẩm hay thuật dụng ngữ của Hồ Trường An, mà lại do chính bài “khởi”của ông Lưu Nguyễn Đạt. Người đọc có cảm nghĩ dường như ông Đạt viết bài “khởi” này chẳng phải viết cho thi phẩm “thiên đường tìm lại”, nhắm gột rửa sạch sẽ thành kiến sai lầm, lạc hậu cuả quần chúng VN về các loại dâm thi, dâm truyện, dâm ca, dâm kinh v.v... Cũng chẳng phải ông viết thay cho tác giả Hồ Trường An, để nói lên tính cách thiết thân, thiêng liêng, thần thánh cuả cái dâm, với công năng sinh sản cao quí, vốn là giềng mối lưu truyền dòng giống nhân loại của cái dâm, kể từ thuở Hồng Hoang (Big Bang) , khi con người còn phải đi trong thế lom khom bằng cả 2 chân lẫn 2 tay như loài dã nhân (thuyết Darwinisme).
Nên biết, việc hành dâm còn được chính Élôhim hay Yahweh [tiếng Hê Brơ (hébreu) là một ngôn ngữ cổ của dân Do Thái, chỉ Thượng Đế cuả đạo Du Già (Judaisme), nguồn gốc cuả Thiên Chuá Giáo] dặn dò, khuyến khích thủy tổ loài người bằng một câu then chốt [trích trong truyền thuyết “Document sacerdotal”, do Jean Bottéro dịch] như sau:”Soyez féconds et multipliez vous, remplissez la terre et soumettez-la!”...( tạm dịch: Hãy sinh sản và tăng trưởng, hãy trám đầy mặt đất và khuất phục nó!). Trong chương Sáng Thế (Genèse:1,28) kinh TCG cũng ghi lời dặn ông Adam và bà Eve của Yahweh-Elôhim nguyên văn:”Remplissez la terre et dominez la!”(hãy trám đầy trái đất và thống trị nó!)...
Ngoài ra, còn một truyền thuyết khác, cuả phái Yahwiste, vẫn có trong thánh kinh viết bằng tiếng Hê Brơ, Yahweh-Elôhim đã kể chuyện con rắn dụ khị bà Eve ăn trái cấm (chớ không xác định trái táo như ông Đạt viết). Chuyện “ăn trái cấm” trong thánh kinh thực ra còn nhiều ẩn số, mặc dù hàng mấy ngàn năm nay, các nhà thần học và lãnh tụ tôn giáo đã tốn nhiều công sức và giấy mực vẫn chưa giải đáp được.Trong khi đó, ông Đạt , chẳng biết gì về thánh kinh đã khẳng định nông cạn, bừa bãi bằng câu ngớ ngẩn:”Trái táo biểu tượng cho thánh lệnh cấm đoán phạm giới, đồng thời tạo kiến thức phân tách nam nữ tính, và từ đó dẫn tới đam mê dục ái và vòng sinh tử, song song với ý niệm nghiệp chướng luân hồi cuả Phật giáo. Tất cả chỉ là kiến thức và ngộ giác ngay trong nhân thế!”
Nơi đây, xin mở ngoặc ngay để nói nhỏ với ông “ tiến sĩ” Đạt rằng cái “ý niệm về nghiệp chướng luân hồi” giữa TCG và PG khác nhau xa lắm và tuế toái lắm, chúng ta chớ vội quơ quào vào!
Tóm lại, với cái lối “khởi” như thế, người đọc, dù hời hợt đến đâu chăng nữa, vẫn thừa nhạy cảm nhận ra ngay dụng tâm cuả ông Đạt, chỉ cốt viết cho riêng ông. Dĩ nhiên thôi!
Song le, chính vì vậy mà chẳng những ông Đạt đã không giới thiệu nổi đặc tính “dâm”, chất “ dâm”, nghệ thuật diễn tả rất hiện thực về những hành động và khoái cảm “dâm” chứa chan lênh láng trong tác phẩm cuả Hồ Trường An. Nên biết: Bản chất cái dâm vốn thông tục và thực dụng hằng ngày như ăn, uống, ngủ, ỉa v.v...Cái dâm lại trần truồng, lõa lồ, hiện rõ từng lỗ chân lông. Từng làn da thịt mỏng dính, màu tươi hon hỏn, dễ thương, gợi thèm khát đến nhểu giãi, xếp nếp kín đáo ở những nơi sâu kín nhất trong cơ thể con người...từ thuở Hồng Hoang, con người còn ăn lông ở lỗ đã tuyệt đối chối bỏ, vứt tung hết mọi thứ vỏ che đậy gỉa tạo. Trong cái dâm, kể cả dâm thi, dâm truyện, dâm ca, dâm kinh...không có một chỗ đứng nào cho trí thức huê dạng, hay đạo đức. Cái dâm đòi hỏi cái thực và cái “ người” thật người! Nếu biết được như thế, tất ta sẽ thấy ngay lối viết cầu kỳ , trí thức của ông Đạt đã chẳng hợp tí nào với nội dung cuả tập dâm thi này.Xin dẫn chứng:
”...Tôn giáo trên toàn thế giới thường đề cập đến dục ái như một hiện tượng minh giải. Trong thánh kinh Thiên Chúa Giáo và Cựu Ước, nhân loại đồng tình, thể hiện qua nam giới A-Đông. Nữ tính Ê-Va xuất chiết từ cơ thể A-Đông, nên nhân bản nguyên thủy bất tách. Trái táo biểu tượng cho thánh lệnh cấm đoán phạm giới, đồng thời tạo kiến thức phân tách nam nữ tính, và từ đó dẫn tới đam mê dục ái và vòng sinh tử, song song với ý niệm nghiệp chướng luân hồi cuả Phật Giáo. Tất cả chỉ là kiến thức và ngộ giác ngay trong nhân thế.
Kinh điển Tantra Ấn Độ, Mật Tông Tây Tạng, và Kama Sutra, đều phổ quát liên quan mật thiết giữa tình dục và thánh tính ngay trong giới hạn và chiều sâu cuả nhân thế...”( trg.14,15 ). “ ...Chữ nghĩa dục ái trở thành âm điệu, thành hoà âm tiếp nối dòng nhạc Mozart luân biến Don Juan thành tuyệt tác.Thi ngữ dục ái lại mắc mưu những đường cong ấm áp, nở nang, sâu hoắm trên thân thể Apollon biến thạch, trên làn da huyền bích của nữ thần Diane đang ngâm mình bên dòng sông vĩnh cửu...” (trg.16).
Chẳng những vậy, ông Đạt còn làm một việc có tính cách phô trương không cần thiết. Ông viết một bài ngắn, chỉ vỏn vẹn 9 trang giấy nhỏ, chữ lớn bằngViệt văn, cho người VN đọc, nhưng lại trịnh trọng chú thích cẩn thận đến 21 chữ Việt rất quen thuộc và thông dụng sang tiếng Anh. Nhưng chẳng may ông lại định nghĩa và chú thích sang Anh Ngữ không chính xác lắm về chữ “dâm”.
Khi muốn biện hộ cho tập dâm thi cuả Hồ Trường An, cho rằng không có sắc thái thú tính, hạ cấp, mà chính là một dục cảm thanh cao, ông Đạt đã viết lằng nhằng, nghĩa lý tù mù vẫn bằng cách dùng chữ cầu kỳ ra vẻ thông thái:” Trước hết chúng ta hãy tránh vài ngộ nhận về dục cảm và thú tính. Sắc thái nặng nề của thú tính hời hợt, thô cục, ngoại vi, ứ đọng tại khía cạnh phô bày nhục dục vụn vặt, với những khoái lạc tạm bợ, vụng về, không phải là địa hạt hoặc cứu cánh cuả thi văn dục ái, mà chỉ là môi trường hạ cấp cuả dâm thư ”. (trg.10)
Câu này, ông Đạt viết bằng tiếng Việt mà người đọc còn cảm thấy thô nhám, gồ ghề cường điệu, nuốt không trôi như: thô cục, ngoại vi... Thế mà tai hại thay, ông lại còn chú thích thêm Anh ngữ như: thô cục (graphic), ngoại vi (epidermic), khiến cho cổ họng người đọc càng bị nghẹn nhiều hơn.
Nhưng tai hại nhất cho nghệ thuật cuả thi phẩm “thiên đường tìm lại” là ông Đạt đã không chuyển đạt được sự khác biệt tinh tế giữa 2 từ “porno” với “érotique, erotic” sang Việt ngữ. Ông đã dùng ngay chữ “dâm thư ”để chú thích bằng tiếng Anh là: Pornography!( số 6,trg.10).
Theo sự hiểu biết rất tầm thường cuả tôi, chữ “dâm thư ”, còn gọi là “dâm thi”, không kém gì “dâm ca”, hay “dâm kinh”... cần phải được trang trọng và nghiêm nghị dịch bằng từ: Érotique (Pháp ngữ), hay Erotic (Anh ngữ). Chữ này vốn gốc Hy Lạp (erôs), (chú ý: chữ Erôs có dấu mũ đàng hoàng), rất thông dụng trong văn chương La-Hy. Các nhà làm văn hoá Hy Lạp thường dùng từ “erôs” để biễu diễn một trong số những đặc tính cảm quan tinh tế nhất cuả dân tộc Hy Lạp. Chữ này, trong Cựu Ước Kinh TCG, ta thấy đã được hoán vị bằng từ “amour” (tiếng Anh: love), và được lập đi lập lại đến cả thảy 600 lần. Nhưng trong Tân Ước Kinh, người ta thấy chữ đó đã bị kiểm duyệt, loại hẳn ra ngoài, để thay thế bằng một chữ Hy Lạp khác là:“agapè” (danh từ),”agapan” (động từ), và “agapètos” (tĩnh từ), và đã được nhắc đi nhắc lại tới 320 lần trong bộ kinh này.
Còn chữ “pornography” mà ông Đạt đã dùng nên dịch là:“tục dâm” hay “nhục dâm”(trong đó bao gồm cả: thị dâm, thính dâm, khứu dâm, vị dâm, khẩu dâm, thủ dâm, cước dâm v.v...), tức phân định rõ rệt những động tác hành dâm thuần túy (như sự giao cấu đủ các kiểu cọ), với những sản phẩm dâm thuộc về tư tưởng hay tinh thần (như dâm thi, dâm ca, dâm kinh, dâm truyện...). Nên biết dâm thi, dâm ca, dâm truyện, hay dâm kinh vốn là những sản phẩm tinh thần của con người có suy tư, với một bộ thần kinh cảm xúc cực kỳ bén nhậy và một thiên khiếu thẩm dâm hiếm qúi. Một bài dâm thi tuyệt tác, nếu phổ nhạc, và được đồng ca ở nơi thờ phượng, tức là dâm ca. Thí dụ như những bài dâm ca trong thánh kinh viết bằng tiếng Hê Brơ của người Do Thái cổ :” Cantique des cantiques”, những bài tụng ca “ Hymne homérique V, à Aphrodite” ,V, 53-74, thế kỷ thứ VII trước TC, những bài dâm tình ca cuả dân Ai Cập cổ, viết theo lối chữ tượng hình ( hiéroglyphe) đã được Siegfried Schott giải tự. Thông dụng nhất, và nhẹ nhàng nhất là bài tình ca “Hymne à l’amour” của thánh Paul (1 Corinthiens, chapitre 13) đã gợi hứng cho Edith Piaf phổ nhạc. Đáng kể hơn nữa là bài thánh ca tán tụng yêu đương “Quand on n’a que l’amour” (khi ta chỉ có tình yêu) thường được cất lên trước những cuộc lễ cưới ở nhà thờ TCG...
Còn nếu những bài dâm thi được truyền tụng lâu đời, thì được gọi là dâm kinh (như Kâma-Sutrâ. Chú ý: chữ “â” có dấu mũ đàng hoàng nghe! Tôi sẽ nói đến bộ dâm kinh này trong một phần sau).

EROTIC LÀ MỘT “TA-BU”?
Đối với chữõ “Erotic” mà tôi vừa nêu trên, có lần ông Đạt đã dùng để chú thích ngay khi mở đầu bài, cuối trang 9. Câu này ông viết nguyên văn:” Trong một nền văn hoá còn nhiều gò bó bảo thủ, nhục dục thường được coi như một thứ “ta-bu”, một việc cấm kỵ, kiêng tránh như phải kềm hãm, be bờ một mãnh lực hoang tạp, hỗn độn...”. Nếu chỉ có thế cũng chẳng đáng nói làm gì, nhưng tai hại vô cùng, ông Đạt lại còn cố giải thích thêm cái “ta-bu” (tabou, taboo) của ông là do:”Căn cứ vào từ “eros” (gốc Hy Lạp) và những thành ngữ như: Erotica, Erotic poetry, poésie érotique” (nguyên văn).
Thực hết sức hỗn độn, và sai lầm, khi ông Đạt khẳng định việc cấm kỵ nhục dục, là một thứ “ta-bu” trong nền văn hoá VN, lại bắt nguồn từ chữ “Erôs”!
Qui kết như thế, chứng tỏ ông Đạt đã không đếm xỉa gì đến từ nguyên học (étymologie). Ông Đạt đã cột buộc cái “ta-bu” (cuả riêng ông Đạt, chứ chưa hẳn của cả một nền văn hoá!) vào chữ “erôs” đầy huyền thoại cao quí, đẹp đẽ cuả người Hy Lạp và nền văn hoá La-Hy tối cổ cuả nhân loại.
Xin dẫn chứng:
Trong khuôn khổ giới hạn của bài này, dĩ nhiên tôi không thể nào kể đầy đủ chi tiết nguồn gốc điển tích, huyền thoại kỳ bí về thần Erôs, vốn tiêu biểu cho tình yêu, và dâm tính đầy nhựa sống, chứa chan tình cảm lãng mạn của dân tộc Hy Lạp. Trong lãnh vực tư tưởng, nghệ thuật Hy Lạp, khi những vì tinh tú và ánh sáng trên bầu trời giao hợp nhau, hay lu mờ đi, đều có thần Erôs. Khi nhựa cây đã tràn ngập trong thân cây vào buổi đầu xuân ấm áp, cũng là do thần Erôs. Khi hai sinh vật gặp nhau, ôm ghì, siết chặt lấy nhau, kéo dài trong giây lát, một thời gian, hay cả một cuộc đời, cũng là hiện thân của thần Erôs! Nhưng ngược lại, nếu cuộc sống trở nên ảm đạm, u buồn, lại không có Erôs!
Dĩ nhiên, con người không thể nào có phép thăng thiên, để bay thẳng lên trời như thần Icare, nhưng con người vẫn chẳng thể nào sống ở thế gian hoàn toàn vắng bóng thần Erôs cho được. Hình ảnh của thần Erôs đã được các nhà nghệ thuật tạo hình Hy Lạp mô tả như một thanh niên cường tráng, trên lưng mang đôi cánh, luôn bay bổng giữa không trung, trong trạng thái vô trọng lực, nằm trên nền màu xanh đen của những chiếc lọ lục bình, đủ cỡ lớn nhỏ. Sở dĩ người Hy Lạp luôn luôn tạo hình thần Erôs đang bay lơ lửng giữa không trung, vì muốn nói lên thần lực của Erôs, cho rằng Erôs có thể làm giảm nhẹ mọi sức ép đè nặng trên kiếp người, đồng thời làm dịu bớt những cảm xúc chất chứa nặng chĩu trong tim của những kẻ yêu nhau. Điều này chứng tỏ từ thời thượng cổ, các nhà thông thái, các văn nhân, thi sĩ, các nhà nghệ thuật Hy Lạp đã biết đế½n định luật về sức hút, hay còn gọi là hấp lực của trái đất, do khoa học gia Newton khám phá ra. Hơn thế, Erôs còn được coi như vị thần có khả năng huyền bí thúc đẩy vạn vật từ thể tĩnh sang thể động, và làm cho lòng người xúc động...
Tóm lại, Erôs chẳng những là một vị thần trong huyền thoại cổ Hy Lạp, mà còn là một đấng sáng tạo sinh động đóng vai trò trung gian giữa trời và người. Cho đến bây giờ người ta vẫn còn tìm thấy những bài thánh ca tuyệt tác của những nhà thơ thần thoại Hy Lạp (des hymnes orphiques) đã thánh hoá và ca tụng Erôs bằng những câu truyền tử lưu tôn trong dân gian Hy Lạp như sau:” détenteur des clés de l’univers” (người nắm giữ chìa khoá cuả vũ trụ) , và câu:”tient entre ses mains le gouvernail du monde” (đôi tay cầm bánh lái con thuyền thế giới)...
Vậy xin hỏi: Ông Đạt căn cứ vào đâu mà đã gán cho thần Erôs cái đại tội tình dục tục tĩu, đến nỗi đã bị dân tộc VN, và văn hoá VN coi như một thứ “ta-bu” cấm kỵ?!

APOLLON VÀ DIANE LÀ AI?

Tiếp theo, ta hãy nói đến điển cố. Khi một nhà văn, hay nhà nghiên cứu muốn đem một điển cố trong kho tàng văn chương đông tây kim cổ vào bài viết cuả mình, tức thị muốn cho bài văn cuả mình có chiều sâu sắc, nói ít mà chứa đựng nhiều tình tiết. (lắm khi phải tốn nhiều trang giấy). Nhưng nó đòi hỏi nhà văn, hay người xử dụng điển cố trong văn chương phải am tường cặn kẽ điển cố, và trích dẫn phải thật xứng hợp với tình huống hiện hữu trong bài văn. Thí dụ như muốn tả vẻ đẹp cuả người con gái mình mới làm quen ngoài phố mà kể rằng nàng đẹp như Chung Vô Diệm thì thực chẳng còn có gì buồn cười và lố bịch cho bằng!
Vậy mà khi nói đến dục ái trong thi phẩm “thiên đường tìm lại”, ông Đạt đã dẫn ra hai nhân vật thần thoại cổ Hy Lạp là Apollon và Diane. Hai vị thần này thực sự chẳng liên quan gì tới vấn đề dục ái hết thảy!
Nên biết: Trong kho tàng huyền thoại và văn chương Hy Lạp cũng như trong tinh thần, tập quán của người Hy Lạp từ xưa đến nay, hai vị thần Apollon (nam) và Diane (nữ) không phải là biểu tượng đặc trưng cho dâm tính hay khoái lạc nhục dục. Apollon là một trong 12 vị thần Olympe, ra đời tại Délos, mẹ là Léto, đã bị thượng đẳng thần Zeus dụ dỗ, thuyết phục, và sinh ra đời 2 người con là thần Apollon với một người em gái song sinh là nữ thần Artémis...
Trong con mắt của người Hy Lạp, Apollon là một vị thần khả ái, gợi hứng sáng tác cho các nhà nhạc sĩ, thi sĩ, là một vị thần bảo trợ cho mọi ngành nghệ thuật, tượng trưng cho mặt trời và ánh sáng văn minh, phản ánh thiên khiếu nghệ thuật cuả nước Hy Lạp, và là thần tượng của tuổi trẻ , của sắc đẹp và của tiến bộ.
Như vậy, rõ rệt Apollon không ăn nhập gì đến dâm thi, nhưng vẫn bị ông Đạt lôi bừa vào bài của ông. Hơn thế nữa, khi trích dẫn nữ thần Diane, ông Đạt đã không ngờ rằng trong văn chương và huyền thoại Hy Lạp, vị nữ thần lừng danh kim cổ, tượng trưng độc nhất vô nhị cho ái dục chính là nữ thần Aphrodite. Còn nữ thần Diane, nguyên gốc nằm trong thần thoại cuả người La Mã cổ (Ý Đại Lợi). Về sau, nàng Diane đã được Hy Lạp đồng hoá với nữ thần Artémis, em song sinh cuả Apollon.
Trong kho tàng huyền thoại La-Hy, ta càng ngạc nhiên hơn là không bao giờ có thể tìm ra được đoạn văn nào nói đến nữ thần Diane “ngâm mình bên giòng sông vĩnh cửu” (trích nguyên văn của ông Đạt) mà chỉ biết được ở Némi có một ngôi đền thờ nữ thần Diane, nằm bên một cái hồ và một bìa rừng thiêng!...
Đến đây, thiết tưởng tôi cần nói thêm đôi điều về nữ thần Aphrodite, để chứng minh lối trích dẫn điển cố cuả ông Đạt. Aphrodite vừa là nữ thần bảo hộ cho các cuộc hôn nhân , tình yêu vợ chồng, và sự sinh sản...Nhưng đồng thời nàng cũng là một nữ thần thường được dùng làm biểu tượng cho dục vọng cuồng nhiệt mà không sức gì cản nổi. Đôi khi nàng còn phá hoại cả những cuộc phối ngẫu hợp pháp, đưa đẩy vợ chồng đến tình trạng ngoại tình, và tạo ra nguyên nhân những cái chết bởi dục vọng và tội ác. Trong kho tàng huyền thoại cuả La Mã, nếu muốn tìm một vị nữ thần tương đối giống như Aphrodite, tôi thiết nghĩ không ai khác hơn là nữ thần Vénus.
Về hình tượng, nữ thần Aphrodite, thường được người Hy Lạp mô tả khoả thân hay đôi khi bán khoả thân, khoác trên thân thể bốc lửa dục tình ngùn ngụt một tấm the mỏng dính, trong những thế đứng , ngồi cực kỳ khêu gợi dâm dục...Về nguồn gốc cuả Aphrodite, ta thấy có hai giả thuyết khác nhau khá dài dòng và phức tạp, nên không tiện kể thêm vào đây làm gì cho mất thì giờ. Riêng tôi, nếu có ai cắc cớ hỏi:”Trong số tất cả các nữ thần Hy Lạp, anh thích ai nhất?”. Chẳng cần suy nghĩ , tôi xin thưa ngay:”Thích nhất Aphrodite. Vì nàng là hiện thân cuả đủ mọi đức tính cao quí hiếm có , lẫn những thói hư tật xấu rất “người” của nhân loại!”.
Điều này bạn có đồng ý với tôi hay không tùy bạn!

(còn tiếp 2 kỳ nữa)
 

 

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002