Đại Chúng số 118 - ngày 15 tháng 4 năm 2003

Thư tòa soạn
Vườn thơ
Những người ra đi
Thế giới và bình luận 1
Thế giới và bình luận 2
Tìm hiểu sức mạnh quân đội đôi bên
Đọc báo dùm bạn
30 tháng 4 năm 75
Nối giáo cho giặc
Tin nhỏ cần biết
Noi gương "áo vải cờ đào"
Bạn biết gì về quế?
Nhà báo lão thành Hồ Văn Đồng
Mục suy tư trong số báo nầy
Tâm xả
Khoa học và y khoa
Ngàn năm mây trắng
Đất bằng dậy sóng
Đổi đời
Những ngày gai lửa
Tật của các tỷ phú
Nấu ăn ngon cho chàng
Những bài thơ tuyet tác
Phan thanh Giản
Thử viết về sông

Những Người Ra Đi

Tuỳ bút của Phong Thu

Năm rồi, vào khoảng tháng 10, tôi nhận được lá thư từ văn phòng bác sĩ Chakarat Sukachevin báo tin rằng ông đã nghĩ hưu. Tôi buồn khi nghe tin này nên gọi điện thoại đến văn phòng nhiều lần. Nhưng không thấy ai trả lời. Sau đó, tôi hay tin ông bị bệnh nặng. Tôi đã gởi thiệp đến nhà chúc ông mau bình phục nhưng cũng không nhận được tin. Sau đó, tôi đến nhà thăm thì không ai mở cửa. Tôi về mà lòng buồn vô cùng. Hai tháng sau, một buổi chiều tôi đến khám bệnh tại văn phòng bác sĩ Li Mark, tôi mới biết ông đã chết. Tin sét đánh làm tôi và một bệnh nhân ngồi gần tôi phải rơi nước mắt. Có hai lần tôi nói với ông rằng tôi rất thương và biết ơn ông. Ông nhiều lần hỏi thăm về hai đứa con tôi và bảo tôi mang hai đứa tới cho ông nhìn mặt. Nhưng tôi cứ bận rộn và không bao giờ làm đúng theo lời hứa. Tôi đã ân hận khi không nhận ra những bất thường, gầy guộc hiện lên trên nét mặt buồn buồn, thất sắc của ông. Hai đứa con, hai đứa cháu của tôi, cùng với mấy chục ngàn đứa trẻ, đã nhìn thấy ánh sáng đầu tiên của mặt trời từ bàn tay dịu dàng, ân cần của ông. Ông đã trị bịnh cho nhiều người, nhưng khi ông bịnh thì không ai có thể cứu ông. Tất cả những bệnh nhân của ông đều nói về ông một cách trìu mến và kính trọng: "Ông là một bác sĩ giỏi, thông minh, nhân ái, tận tuỵ và suốt đời phụng sự cho chức nghiệp. Ông còn là một người ngoan đạo và sống bằng tâm hồn đầy yêu thương". Chính những đức tính cao quý của ông, mà tôi đã theo ông 11 năm, kể từ khi tôi bắt đầu có thai đứa con đầu tiên. Tin ông qua đời chỉ được thông báo trên một góc nhỏ của tờ báo Washington Post. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho linh hồn ông thanh thản nhẹ nhành ở cõi bên kia.

Năm nay, trong một tuần lễ, chúng tôi nhận được hai hung tin, nhà báo và cũng là nhà bình luận gia Đặng Trần Huân đã qua đời California. Cùng lúc đó, ông Ngô Xuân Chỉnh, một người bạn thâm giao của ông chủ nhiệm Hoài Thanh cũng qua đời tại Maryland sau một cơn bạo bịnh kéo dài. Đó là những cái tin đau buồn mà chúng tôi muốn gởi đến cùng tất cả văn thi hữu, bạn bè để cùng nhau chia xẻ niềm đau với gia đình của người quá cố.

Cái chết và sự sống chỉ cách nhau trong gang tấc. Hôm nay, ta tồn tại trên cõi đời nầy và biết đâu ngày mai ta sẽ trở về với cát bụi. Không ai tránh khỏi cái chết, chỉ khác nhau là chết sớm hay muộn và cách chết. Có nhiều người sống nhưng cuộc sống họ chỉ mang lại gánh nặng, oan kiêng, đau khổ cho kẻ khác. Nhưng cũng có người suốt đời sống làm việc, tận tuỵ, hy sinh cho gia đình, xã hội, quốc gia. Tuỳ theo chúng ta chọn lựa: Sống cho đáng làm người hoặc sống như loài kỳ sinh trùng với những ham muốn, dục vọng thấp hèn.

Nhà bình luận gia Đặng Trần Huân đã cộng tác với Tuần Báo Đại Chúng khá lâu. Ông là một trong những người chúng tôi yêu mến, kính trọng. Ông thường bình luận tác phẩm của nhiều nhà văn hải ngoại. Những bài viết của ông rất có giá trị do tính nghiêm túc, thận trọng và thẳng thắn của ông. Khi ông phê bình một tác phẩm, ông luôn nghiên cứu, tìm hiểu và hướng dẫn chỉ ra cho tác giả thấy được những nhược điểm của mình và ông cũng khen rất đúng nơi, đúng chỗ. Gần một năm nay, ông không thường xuyên gởi bài. Báo và thư chúng tôi gởi đi cho ông bị bưu điện trả về. Chúng tôi có nhắn tin trên báo cũng bặt vô âm tín. Chúng tôi buồn và than rằng không biết ông Đặng Trần Huân bây giờ đang ở đâu? Sau đó, chúng tôi nhận được một bài sau cùng ông viết về Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tuần rồi nhận được tin ông đã ra đi âm thầm lặng lẽ. Ông không hề báo cho chúng tôi biết ông bạo bịnh hay có điều gì bất thường trong tuổi già. Lớp người đi trước, những người yêu mến văn học, có tri thức, có khả năng dần dần đã lên đường không. Tuổi trẻ hải ngoại, những người ở tuổi 30 đến 45 cầm bút, biết viết và viết giỏi Việt Ngữ quả thật hiếm hoi. Tôi đang lo lắng cho đến một ngày nào đó, những văn thi hữu có thực tài lần lượt ra đi thì ai sẽ thay thế họ? Và văn học hải ngoại có còn nở rộ, được mùa như hôm nay không?

Vào ngày 4 tháng 1 năm 2003, lúc tôi đang lấy hết bông hoa từ trên cây Noel xuống, thì hay tin chú Ngô Xuân Chỉnh bệnh nặng. Ông Hoài Thanh nói với tôi chắc là chú Chỉnh không thoát khỏi cơn bạo bịnh nầy đâu và nói sẽ đi thăm Chú Chỉnh. Tôi hỏi địa chỉ nơi chú Chỉnh đang điều trị và cũng thu xếp việc nhà để đi thăm ông. Ngay hôm đó, tôi chạy ra chợ mua cho chú một bình hoa cúc trắng, đài hoa nhuyển, kết thành chùm rất đẹp lạ mắt. Tôi bị lạc đường gần 3 giờ đồng hồ do mùa đông trời mau tối, đèn đường không đủ cho tôi nhìn bảng hiệu. Nhưng cuối cùng tôi cũng đến kịp để nhìn thấy ông một lần sau cùng. Khi tôi trao cho cô Thanh, cháu ông bài thơ tôi viết vội tặng ông. Cô Thanh đọc cho chú nghe. Tôi thấy đôi mắt thất thần của ông ánh lên tia sáng vui sướng, hạnh phúc. Tôi xin được ghi lại bài thơ nầy để tưởng nhớ đến vong linh người đã khuất:

Một Kiếp Người

Cho anh ngày tháng thiên thu
Tóc xanh giờ đã bạc màu thời gian
Nằm đây nghe gió đông sang
Một thời trai trẻ dọc ngang đã dừng
Bàn tay san xẻ ân tình
Người thương khuất bóng một mình bơ vơ
Yêu người nắng sớm chiều mưa
Bạc phơ mái tóc vẫn chờ tình yêu
Chiều buông nắng nhẹ hắt hiu
Lặng nghe lá rụng tiêu điều ngoài hiên
Giọt mưa tí tách rơi nghiêng
Hay là nước mắt khóc thương kiếp người
Thiêng thu anh nở nụ cười
Hồn anh nhẹ gánh cuộc đời trần ai

4/1/2003

Bài thơ của tôi như một lời vĩnh biệt và tôi chỉ mong muốn mang lại cho ông một niềm vui sau cùng, dù thật nhỏ nhoi. Đó là hai người tôi không mấy thân thiết. Ông Đặng Trần Huân tôi chưa hề biết mặt và chú Chỉnh tôi chỉ gặp hai lần tại văn phòng chú Hoài Thanh. Nhưng sự ra đi của họ khiến lòng tôi không khỏi ngậm ngùi.

Rồi tin bà ngoại tôi lại qua đời tại Việt Nam. Tuổi già bóng xế chiều hôm lại mù loà, bà chỉ còn một con mắt đã mờ và đôi tai đã lãng. Bà chỉ mong chờ tôi một lần về thăm, một lần được sờ lên mái tóc của tôi rồi bà nhắm mắt. Nhưng tôi đi biền biệt 12 năm không một lần hẹn ngày trở lại. Tôi cứ lần lựa, hẹn tới, hẹn lui. Cho mãi đến khi hay tin bà ngã bịnh; và ba ngày sau bà qua đời, tôi mới quyết định dẫn mẹ tôi trở lại Việt Nam. Chiếc bàn thờ con con của bà đặt trong góc nhà. Khai trầu bà thường ăn trống trơn, chỉ còn sót lại bình vôi. Tôi chạy vòng ra sau vườn. Những chiếc lá trầu lớn như lòng bàn tay vẫn xoè rộng, xanh rì, leo quanh những hàng cau. Tôi nghĩ chúng cũng đang héo hon đi vì thiếu bàn tay chăm sóc của bà. Tôi sinh ra, lớn lên trên mảnh vườn con con nầy. Và vòm trời xanh ngát bóng cau, bóng dừa, sầu riêng, măng cụt đầy yêu thương của bà, cũng là vườn địa đàng với những niềm hạnh phúc êm đềm còn xót lại trong tuổi thơ bất hạnh của tôi. Gia đình tôi chôn bà sau vườn. Ngôi mộ của bà nằm gần dòng sông nhỏ bắc qua cây cầu khỉ. Tôi đến thắp nhang cho bà mà lòng trào lên niềm ăn năn. Tôi thì thầm như tạ tội. Bà ơi! Con đã thất hứa không về thăm bà trước khi bà qua đời. Vậy là con không còn được lần nào rúc đầu trong ngực bà để được bà vuốt lên mái tóc. Mái tóc khét nắng, cháy đỏ quạch vì nắng gió của những ngày nghịch nắng, tắm sông. Mái tóc không bao giờ có ai dạy cho con rẽ đường ngôi ngay ngắn, đã được bà lùa năm ngón tay gầy guộc vào làm lược chải vội vàng, để con chạy nhanh cho kịp đến trường. Từ nay, những câu chuyện cổ tích đã chui vào lòng đất. Không còn ai gọi con là "con khỉ con" khi con nghịch ngợm lên trèo cây hay hái lá trầu cho bà. Thương nhớ quá! Con còn nhớ ngày bà tiển con, cô út và má ra sân bay, bà ôm con vào lòng và khóc. Nước mắt bà rơi ướt tóc con. Vậy mà lòng con lạnh căm. Con không muốn ở lại cùng bà, mà muốn rời khỏi vườn địa đàng nơi con gắn bó yêu thương suốt ba mươi năm. Có thể xã hội Việt Nam mà cộng sản cai trị, đã khiến cho con chán ghét, ngao ngán. Con ra đi mà không còn nuối tiếc điều gì. Ngoại ơi! Con đã quên ngoại ít nhất trong những ngày con vui và hạnh phúc. Ngày cưới, con chỉ gởi được cho ngoại mấy tấm hình đám cưới và một lá thư. Con nghe chị hai, chị ba gởi thư qua nói rằng bà ôm tấm hình cười mà nước mắt rưng rưng. Bà khoe với mọi người là: "con khỉ con đã lấy chồng. Cầu mong cho cháu tôi hạnh phúc". Vâng! Con có hạnh phúc. Bà không còn thấy con như 12 năm xưa. Mỗi chiều con về nhà ngồi lặng lẽ bên dòng sông đôi khi mấy tiếng đồng hồ. Con nhìn mặt trời chìm dần xuống chân mây mà đôi mắt vô hồn. Bà không còn thấy con sống ở tuổi thanh xuân mà âm thầm, thui thủi một mình hết năm nầy tới năm kia với khuôn mặt u sầu, thiếu vắng nụ cười. Con yêu quê hương, con yêu mảnh đất hun đúc lên máu thịt của con. Con yêu xóm làng, bờ ao ruộng lúa. Con yêu bà, chị em ruột thịt, bạn bè, láng giềng. Nhưng con biết mình không bao giờ có tương lai, hạnh phúc, tình yêu trên mảnh đất quê hương. Bà hãy tha lỗi cho con. Bây giờ con về đây thăm bà thì bà lại bỏ con mà đi. Con có bất hiếu, bất nghĩa không bà? Con sợ mình là kẻ bất hiếu và bất nghĩa mà mình không biết. Con cũng sợ mình quá yêu bản thân mình rồi đâm ra ích kỷ, nhỏ nhen và không bao giờ biết dành cho ai hạnh phúc? Do đó, con đã làm việc gấp đôi ngày còn ở Việt Nam để gởi tiền về giúp bà và tất cả những người thân còn kẹt lại Việt Nam. Công việc, con cái, gia đình đã cuốn hút con, khiến con không trở về thăm bà kịp lúc. Mặt khác, con vẫn còn ghét chế độ cộng sản vẫn ngự trị trên quê hương Việt Nam, nên con đã trở thành người thất hứa. Một lạy nầy trên trang giấy trắng, con tạ ơn bà đã thay má chăm sóc cho chị em con khi ba qua đời. Một lạy con cảm tạ bà đã dạy dỗ, hun đúc trái tim nhạy cảm và kiến thức phong phú để con vào đời. Một lạy tạ lỗi, con đã không về trước khi bà nhắm mắt. Con xin gởi theo gió, theo mây, theo cây cỏ trăng sao những nụ hôn thương nhớ và những giọt nước mắt tạ từ. Thưa bà con lại ra đi. Nhưng trong giấc mơ, con vẫn còn thấy bà đang ôm con vào lòng và vuốt lên mái tóc đã bắt đầu chớm bạc.

Không phải chỉ có cái chết của bà tôi. Mấy ngày sau, bạn bè khắp nơi biết tôi về đã đến nhà thăm. Các bạn cho tôi hay anh Đỗ đã qua đời. Tôi chết sửng khi nhận được tin nầy. Đỗ lớn hơn tôi một tuổi. Anh học chung với tôi một trường thời còn học lớp đệ thất. Nhóm của Đỗ có ba người: Đỗ, Tiến, Đan. Cả ba đều học giỏi, đẹp nổi tiếng trong trường. Khi tôi về Sài Gòn học trường Quốc Gia Nghĩa Tử, thì hay tin Đỗ đã đi theo Hướng Đạo. Sau 75, Đỗ đã vào Văn Công và trở thành ca nhạc sĩ. Còn Tiến đã chết khi tuổi vừa tròn đôi mươi. Đỗ từng đoạt giải huy chương vàng những giọng hát hay toàn quốc. Tuy biết nhau từ thuở 12, 13, nhưng tôi và Đỗ gặp nhau chỉ dám chào nhau. Tính Đỗ ít nói, hiền lành, dịu dàng như con gái. Sau đó, Đỗ lấy một nữ Văn Công múa trong đoàn và cả hai có với nhau 2 đứa con. Bạn bè tôi có lần hỏi: "Bộ ngày xưa Thu với Đỗ yêu nhau phải không?". Tôi chỉ cười trừ. Cuối năm 1990, trong một bửa tiệc, Đỗ tình cờ ngồi gần tôi. Suốt 4 tiếng đồng hồ, tôi và Đỗ không hề nói với nhau một lời nào. Cái chết của Đỗ rất nhẹ nhàng và nhanh chóng. Tôi nghe kể lại là Đỗ được mời sang Campuchia hát. Khi hát bài đầu tiên, người ta vỗ tay rần rần và yêu cầu hát bài thứ hai. Bài thứ hai, mới hát có hai câu thì Đỗ cảm thấy cháng váng mặt mày nên được dìu vào trong. Hai tiếng đồng hồ sau Đỗ qua đời do tai biến mạch máu nảo. Ông Lê, một người quen của gia đình nói rằng Đỗ đã trở thành phó giám đốc Sở Văn Hoá Thông Tin tỉnh. Thời gian Đỗ lên chức, có tiền, giàu sang thì vợ sinh ra hư hỏng, cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Đỗ buồn nên uống rượu liên miên và mang đến ba bốn thứ bịnh: cao máu, tiểu đường, đau gan, đau bao tử. Nhà cửa của Đỗ đã bị nợ đến siết. Khi Đỗ chết, con nợ vẫn đến bao vây đòi lấy tiền phúng điếu. Người giám đốc của Đỗ phải ký một sắc lệnh không ai được lấy số tiền phúng điếu của Đỗ mà phải bỏ vào ngân hàng để nuôi hai đứa con. Thật là vô phúc, đáng thương quá Đỗ ơi! Sao mầy lại ra nông nổi đó? Cách đây 12 năm, mầy vẫn còn hồng hào khoẻ mạnh. Có chức quyền rồi nhậu nhẹt li bì đến nỗi người ta khiêng bỏ lên xe mới chịu về. Ai đã xô đẩy mầy vào con đường đó? Ai đã xui cho mầy thèm khát rượu chè đến mang bệnh để huỷ diệt đời mầy sớm như vậy? Thật là đau xót! Vợ mầy ngày xưa nghèo xác xơ, phải đi bán thuốc lá lẻ đến nửa đêm phụ mầy nuôi con. Đến khi làm bà phó giám đốc thì lại cờ bạc, ăn chơi trác táng. Cái xã hội Việt Nam đã đưa đẩy mầy chọn lấy cái chết trong sự hưởng thụ sai lầm. Thương mầy và chỉ còn biết khóc thầm thôi Đỗ ơi!

Tôi gọi điện thoại thăm bác sĩ Phan và bác sĩ Hải. Những người trong bệnh viện Lộc Ninh cho biết Hải đang làm việc trong bệnh việt Bình Dân và bác sĩ Phan đã qua đời cách đây bốn năm. Bàn tay tôi run lên và giọng tôi lạc hẳn đi khi nghe tin đó. Anh Phan cũng đi rồi sao? Tôi còn nhớ giọng cười giòn tan, cái miệng rộng và tiếng nói như sấm của anh. Những ngày tôi đi công tác xa, hay tôi về Lộc Ninh, anh thường mời cô em gái đi ăn cơm ở cái quán bên gốc cây Bằng Lăng. Anh em tâm sự chuyện đời, chuyện cuộc sống. Nếu hay tin tôi bệnh, anh mang thuốc và mua trái cây đến thăm tận nơi. Nếu có dịp về chợ Bình Dương là anh ghé thăm và đưa tôi đi ăn trên nhà hàng nổi. Anh yêu cô bạn gái của tôi. Nhưng anh quá mộc mạc, nên bạn tôi chê anh cù lần. Bạn tôi lấy chồng và anh có vợ sau đó. Được biết, anh làm việc quá sức. Đang ngồi ăn cơm thì đôi đủa tuột khỏi bàn tay. Anh gục xuống, gia đình đem vào bệnh viện thì anh đã tắt thở. Ngày xưa, khi thấy tôi sống cô đơn, thui thủi một mình quá lâu, nhiều lần anh muốn tôi kết thân với bác sĩ Hải. Nhưng Hải quá đẹp trai, bay bướm và nhiều đàn bà, con gái đeo, nên tôi nhiều lần từ chối tiếp chuyện và luôn trốn Hải. Một lần, tôi đến thăm anh Phan. Anh rất mừng và đi pha cho tôi một ly trà nóng. Anh Phan lén tôi gọi điện thoại cho báo tin cho bác sĩ Hải. Anh bỏ ra ngoài cho tôi và Hải nói chuyện. Hải gặp mặt tôi được 2 phút, anh chưa nói được câu nào thì tôi đã bỏ đi ra ngoài. Anh Phan ngạc nhiên trợn mắt hỏi: "Sao em không nói chuyện với Hải một lát". Tôi đáp: "Thôi anh! Em đâu có chuyện gì để nói với anh Hải". Hải giận tôi và cho rằng tôi là người kiêu ngạo. Bây giờ Hải đã có vợ và 2 con. Tôi đã có chồng và cũng có 2 con. Tôi không còn sợ Hải như ngày xưa. Tôi gọi điện thoại thăm Hải và hỏi thăm về anh Phan, tôi vẫn còn nghe giọng nói trách móc của Hải bên kia đầu giây. Hải làm sao hiểu lòng tôi. Anh vẫn là một người xa lạ, khó hiểu đối với tôi. Anh cần gì ở tôi khi bên anh có quá nhiều đàn bà? Chỉ có bác sĩ Phan là thương cô em gái thật tình. Vậy mà giờ anh đã ra đi không bao giờ trở lại. Tôi cũng không có đủ thời gian để đến mộ thắp cho anh mộ nén nhang sưởi ấm tâm hồn.

Thị xã Thủ Dầu Một là một rất nhỏ. Tin tôi trở về lan đi nhanh chóng. Bạn bè đã tập hợp toàn bộ văn nghệ sĩ tại Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật đón tôi từ 8 giờ sáng. Ba Nổ ôm vai tôi vổ nhè nhẹ và nói lớn: "Trời ơi! Thu vẫn đẹp như ngày nào". Tôi đấm vào vai anh. Tôi ôm từng người một và sợ rằng biết đâu tôi không còn gặp lại họ lần thứ hai. Trong ngày đó vắng bóng Hoa. Cô bạn mà tôi yêu nhất trong nhóm phóng viên trẻ của tỉnh. Tâm Anh nói Hoa đã ly dị và bỏ về Sài Gòn. Tâm Anh nói nhỏ vào tai tôi rằng ở đây nghèo khổ mà chán lắm chị Thu ơi! Em không có tương lai". Tôi ôm vai cô bé xoa nhè nhẹ và vỗ về. Ngày xưa, mỗi lần tôi lãnh tiền nhuận bút là tôi mời Tâm Anh đi ăn uống. Cô bé nhỏ hơn tôi 5 tuổi và cũng là một cây bút khạc ra lửa. Nhưng lửa của Tâm Anh không đủ nóng để đốt cháy bạo lực, bất công. Cô bé chỉ biết thì thầm với tôi mỗi khi hai chị em ngồi bên nhau tâm sự. Làm phóng viên với đồng lương chết đói, mà ngòi bút phải bẻ cong và sống phải quỳ luỵ để được yên thân. Đôi lúc cô bé khóc và nói: "Nhục lắm chị ơi! Sống mà không được sống như mình mong muốn". Tôi bất chợt nhìn lên hai bức tượng đặt trên đầu tủ, tôi hỏi tượng ai thì được mọi người cho biết đó là tượng của nhạc sĩ họ Giáp và ca sĩ Kim Lệ. Mọi người nói chị chết cách đây 8 năm lúc đang nằm ngũ trưa trên võng. Chị đã ngủ luôn và không bao giờ thức dậy. Lúc đó, chị mới 38 tuổi. Tôi buồn thỉu buồn thiu suốt ngày hôm đó. Chị ra đi thật sao khi tuổi hãy còn thanh xuân? Dù tôi không mấy thân với chị, nhưng biết chị đã lâu và nay chị đã vĩnh biệt cuộc đời làm tim tôi bồi hồi. Cho đến hôm nay, khi ngồi viết bài nầy, tôi vẫn còn nghe tiếng hát thanh thoát của chị vọng lên như những tiếng đàn.

Tôi còn nhận được tin anh Trần bạn học cũng đã bị chết bất đắc kỳ tử trong một đêm thanh vắng. Rồi thầy giáo Bích, người bạn học thuở thiếu thời cũng đã ra người thiêng cổ khi tuổi mới 34. Nghe nói Bích bị đày lên rừng dạy học nhiều năm liên tục. Do quá đói khổ, Bích phải đi trồng rau muống, dầm mình dưới những mương nước ngập ngụa trong những ngày mưa dầm. Từ đó, Bích bị bịnh phổi nước mà không tiền thang thuốc nên đã chết. Mầy chết vì đói khổ hả Bích? Tại sao hoà bình đã hơn 20 năm mà còn chết vì đói? Vậy thì tự do, hạnh phúc, ấm no mà Đảng cộng sản miền Bắc mang vào Nam tuyên truyền, có đúng không? Tao thấy năm sáu người bạn mình đã chết một cách bất đắc kỳ tử không một lời trăn trối. Vậy là mầy có bạn rồi đó Bích. Dù hồn mầy đang ở đâu, mầy cũng nhớ rủ bạn bè xuống âm phủ tìm cho ra ông Các Mác, Lenin, Hồ chí Minh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Mao Trạch Đông...để hỏi mấy ông xem có thể xây dựng thiên đàng cộng sản ở đó được không? Đau lắm Bích ơi! Sao tao phải mất Đỗ, bác sĩ Phan, chị Kim Lệ, anh Trần, rồi mầy? Tao sợ rồi đây khi tao trở về lần nữa thì mọi người lại lần lượt bỏ đi. Trần gian bây giờ chán lắm phải không Bích? Có thể vì vậy mà mọi người đều mơ ước khi chết đi hồn sẽ về cõi Phật. Hôm nay, tao về đây. Nơi chốn mà ngày xưa tao với mầy và lũ bạn chơi đùa, chạy nhảy trên bờ sông xanh ngát bóng cây. Mầy rủ thằng Tư Sún đi ăn cắp ổi cho đám con gái ăn. Cái kính cận mầy đeo bị rơi xuống đất. Mầy không thấy đường nên trợt chân té xuống lát cả đầu gối. Vậy mà mầy cười toe toét. Còn tao thấy máu mầy chảy mà ngồi ôm mầy khóc ròng ròng. Tuổi thơ vô tư, hồn nhiên và chân thành quá! Bây giờ tao sang Mỹ, vật chất, xa hoa không thiếu nhưng tình bạn thì nhạt như nước ốc. Người ta thích đếm tiền đô hơn cần tình bạn. Người ta thích kẻ khác hy sinh cho mình nhiều hơn và là sự chia xẻ. Người ta cũng dễ phản bội, vong ân và xem tình người như cỏ rác. Mấy tuần nay, đi thăm bạn bè mới thấy cái tình mà tụi nó dành cho tao. Tao ôm từng đứa một mà vòng tay quá bé nhỏ, chưa đủ ấm để xoa dịu những bất hạnh đau khổ, nghèo đói của mọi người. Tao đưa bạn bè ra thăm mộ mầy. Tao trồng cho mầy mấy nhánh hoa mười giờ và tặng cho mầy một dĩa ổi. Mầy nhận đi cho tao vui lòng nha Bích. Và những cánh hoa mười giờ, mùa mưa về sẽ nở hoa đỏ rực. Những cánh hoa đó sẽ thay tao an ủi mầy dưới ba nắm đất.

Vĩnh biệt bạn bè, vĩnh biệt những người tôi đã từng chia xẻ buồn vui và ngay cả những ai tôi chỉ gặp một đôi lần. Xin hãy cho tôi gởi lại đây một vòng nguyệt quế để khóc thương cho những người nằm xuống. Tiếc thay, đời người quá ngắn ngủi và chúng ta chưa biết rồi đây mình còn tồn tại đến bao lâu để tranh giành, ganh ghét, bon chen? Thương cho một kiếp phù sinh và thương cho những người sống mà không biết mình đang sống cho cái gì? Sống cho ai? Hay sống chỉ cho mình?

Ngày 28 tháng 3 năm 2002

Phong Thu

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002