Đại Chúng số 120 - ngày 16 tháng 5 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Thế Giới Và Bình Luận
Dấu Mốc Quan Trọng
Tin Nhỏ Cần Biết
Đại Lễ Phật Đản
Nhân Ngày Quốc Hận
Tiếng Quốc Đêm Trăng
Bệnh Sars
Thơ và Nhạc Bảo Oanh
The Mother of Mothers Day
Lịch Sử Ngày Cho Mẹ
Duyên Em
Đừng Hỏi Tại Sao
Ngày Nhân Quyền Cho VN
Đọc Báo Dùm Bạn
Y Khoa Và Khoa Học
Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Phan Thanh Giản
Kiếp Hoa Chìm Nổi
Mưa Bên Này Nắng Bên Kia
Giáo Sư Vũ Ký
Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo

Đọc Báo Dùm Bạn
- do Ký Điệu ghi lại -

 

Cuộc Chiến Tuyên Truyền .( Trần Khải .-Trích báo VietBao Net)

Chiến tranh mà không có tuyên truyền thì kể như hỏng. Mặt trận loa kèn hai bên lúc nào cũng được trang bị loại đạn dược riêng của họ. Ở một hình thức nào, vũ khí tuyên truyền cũng có thể trở thành loại vũ khí sát hại tập thể. Thí dụ như việc Nguyễn Trãi cho lính viết mật lên lá rừng câu, "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" (Lê Lợi là vua, Nguyễn Trãi là bề tôi) để cho kiến cắn vào lá, rơi theo suối về đồng bằng, làm dân chúng nức lòng, tin là ý trời đã định như thế. Vấn đề chỉ là, tuyên truyền như thế nào cho tinh vi dễ nghe một chút.

Trong tuần cuối cuộc chiến Iraq, cả thế giới đều thấy trên màn hình TV cảnh ông Bộ Trưởng Thông Tin Iraq nói chuyện với phóng viên quốc tế, lúc nào cũng "Dân tộc Iraq đã đánh bại liên quân Anh-Mỹ... Họ đã bị đẩy lùi ra khỏi Baghdad... Không co' li'nh Mỹ nào ở Baghdad... chúng tôi thảm sát họ hết rồi... chúng tôi sẽ quay rô-ti bọn tà giáo Anh-Mỹ..." trong lúc xe tăng Mỹ đang liên tục nhả đạn chỉ cách nơi khách sạn Palestine, nơi ông Bộ Trưởng này cùng ký giả quốc tế đang đứng gần 1 cây số.
Nhưng có thật là Mỹ không tuyên truyền? Hay là đã tuyên truyền tinh vi hơn, không lộ liễu như phe Iraq? Các báo Mỹ cũng đã ghi nhận vài khía cạnh về tình hình này.

Trung tâm guồng máy tuyên truyền của Mỹ là Office of Global Communications (Sở Truyền Thông Toàn Cầu; viết tắt OGC). Theo lời phóng viên Bob Kemper, Sở OGC được TT Bush cho thành lập hồi tháng giêng, và đã trở thành một công ty sản xuất khổng lồ, "mỗi ngày đưa ra các bản văn về cuộc chiến Iraq cho các phát ngôn nhân Hoa Kỳ khắp thế giới, hướng dẫn các tướng Hoa Kỳ về nội dung họp báo trong ngày, và tìm cách thu xếp đưa các nhân vật lớn trong chính phủ lên các chương trình phỏng vấn của các hãng tin thế giới."

Báo Chicago Tribune, số ngày 7-4-2003, nói rằng Sở OGC đã hướng dẫn hoạt động từng chi tiết cho cuộc chiến truyền thông, kể cả từng ngôn ngữ sử dụng, bảo đảm rằng tất cả các viên chức quân sự và dân sự Hoa Kỳ phải nói rằng cuộc tấn chiếm Iraq là "cuộc chiến giải phóng," và phải gọi lực lượng bán quân sự Iraq là "biệt đội tử thần." Thậm chí tới từng mẩu chuyện kể về sự tàn bạo của Saddam Hussein cũng thường kể y hệt nhau, dù là lời ông Bush hay lời các tướng. Bởi vì dàn bài đã do Sở OGC soạn sẵn rồi.

Báo này ghi nhận, "nhưng Bạch Ốc đôi khi không có thể cung cấp chi tiết hay dẫn tài liệu để chứng minh các mẩu chuyện đó, và vài nhà hoạt động nhân quyền đã bày tỏ ngờ vực về chúng... Thí dụ, một mẩu chuyện thường được lập lại, về một phụ nữ Iraq đưa tay vẫy một toán lính Hoa Kỳ. Chuyện này kể, khi toán lính này trở lại khu này, thì thấy phụ nữ đó đã bị treo cổ trên cây cột đèn. Nhưng các viên chức Mỹ không bao giờ chỉ rõ nơi nào chuyện này xảy ra, hay là kể thêm chi tiết, và họ từ chối nói là làm cách nào họ biết về chuyện này chỉ trừ dẫn ra câu 'từ các bản tường trình tình báo.'"Tờ Chicago Tribune kể thêm, câu chuyện thứ nhì là về một người đàn ông Iraq, vì chỉ trích chế độ Saddam nên bị trói vào một cây cột ở một quảng trường Baghdad sau khi lưỡi bị cắt và để cho chảy máu tới chết. Chính TT Bush nói như thế hôm 27-3 tại Camp David, "Đó là cách Saddam nắm quyền lực."

Câu chuyện này được kể lại bởi Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld, rồi Thứ Trưởng QP Paul Wolfowitz và rồi người họp báo tại Pentagon vài ngày sau đó. Nhưng các viên chức từ chối nói là chuyện này xảy ra khi nào, và ai thấy chuyện đó.

Thực sự, các câu chuyện như thế nghe rất phù hợp với bản chất tàn bạo của hung thần Saddam, tương tự các tội ác từng biết của hắn, nhưng các chuyện mới này thì không hề được xác minh bởi Hội Quan Sát Nhân Quyền (HRW), Hội Ân Xá Quốc Tế, các nhà báo trong khu vực hay là các nguồn tin tình báo Mỹ. Phát ngôn nhân Alistair Hodgett của Ân Xá Quốc Tế nói là chuyện cắt lưỡi nghe giống một sự kiện đã xảy ra 2 năm trước đó, từ lâu trước khi cuộc chiến Iraq bùng nổ. Hodgett bày tỏ lời than phiền rằng các viên chức Mỹ lại đem chuyện cũ ra mà nói kiểu làm như chuyện đang xảy ra trong cuộc chiến

.Dĩ nhiên, trên nguyên tắc thì Hoa Kỳ không nói chệch đi bao nhiêu sự thật. Nếu so với ông Bộ Trưởng Thông Tin Iraq thì thật một trời một vực về khoa tuyên truyền: lính Iraq đang rã ngũ hàng loạt, mà ông vẫn tỉnh bơ, nói là đang đánh thắng Mỹ. Khi báo chí chất vấn Bạch Ốc về các mẩu chuyện kể như đang xảy ra, thì phát ngôn nhân Scott McClellan của Bạch Ốc chỉ nói, "Sự tàn bạo của chế độ Iraq đã khét tiếng nhiều năm, và được lập hồ sơ bởi các hội nhân quyền." Nghĩa là nói lảng sang chuyện khác. Chiến lược tuyên truyền của Bush thực sự thành hình từ một trong các cố vấn thân nhất của ông, là bà Karen Hughes. Chiến lược này khai sinh từ kinh nghiệm vận động chính trị của nhóm ông Bush, và rồi được mài giũa qua cuộc chiến ở A Phú Hãn, và mục tiêu chính là đáp ứng gần như tức khắc các lời chỉ trích về cuộc chiến khởi lên từ thế giới Ả Rập trong suốt chu kỳ 24 giờ/ngày.

Khi TT Bush ký sắc lệnh ngày 21-1 để thành lập OGC, mục tiêu chính là điều hợp các nỗ lực chiến tranh tâm lý. Bản tường trình đầu tiên của Sở OGC, phát hành gần như tức khắc, có nhan đề "Apparatus of Lies: Saddam' Disinformation and Propaganda 1990-2003." (Khí Cụ của Dối Trá: Tuyên Truyền và Bóp Méo Thông Tin của Saddam 1990-2003)Sở OGC điều hành bởi Tucker Eskew, người chỉ huy chiến dịch vận động cho ông Bush tranh cử tổng thống sơ bộ tại South Carolina.
Nếu chúng ta nhớ lại một bản tin phân tích của AFP hai tuần trước (cần nhớ: AFP là hãng tin Pháp, trên nguyên tắc có lập trường gần với chính phủ Pháp, nghĩa là cũng khá bực bội với Mỹ về cuộc chiến này), thì kế hoạch của Mỹ đưa phóng viên đi kèm đoàn quân ra chiến trường có nhiều mục tiêu, nhưng tác dụng đầu tiên, là phóng viên tự động xem đơn vị như người phe ta, chứ không còn là người độc lập, đứng giữa hai phe để tường thuật tin; và rồi chuyện do phóng viên kể tự động trở thành chuyện về chiến công của đơn vị mà phóng viên này đi theo, những hình ảnh vụn vặt từ đơn vị này, không nhìn được từ phía người dân, chứ cũng đừng mong gì nhìn từ phía nhà nước Iraq. Tự động, phóng viên đi kèm trở thành loa kèn một cách tinh vi cho Bạch Ốc. Dĩ nhiên, Sở OGC không bao giờ giải thích các chuyện phức tạp như thế. Phần cũng vì, công việc OGC làm dồn dập, hơi đâu mà đi cãi với báo chí quốc tế.

Cứ mỗi buổi sáng vào lúc 9:30 giờ sáng giờ Washington, thì buổi hội thảo qua phone giữa các văn phòng OGC tại Qatar và London và các sở Hoa Kỳ khác sẽ định ra "thông điệp cho ngày hôm nay." Văn phòng ở Washington cũng sẽ phát hành "Global Messenger," một email mỗi ngày gửi cho các tòa đại sứ Mỹ để đưa ra thông điệp cuả chính phủ.

Còn những chuyện khác nữa chớ. Thí dụ như với ông Tướng Tommy Franks, các viên chức OGC đã tập dợt cho ông tướng rất mực công phu cho buổi họp báo đầu tiên của ông ở bản doanh Central Command. Dĩ nhiên, buổi đầu tiên lúc nào cũng cực. Rồi khi TT Bush đọc Thông Điệp Liên Bang (đầu năm nay), thì sở này thu xếp cho Thứ Trưởng Quốc Phòng Wolfowitz nhìn theo cùng với khoảng 20 phóng viên từ Ai Cập, Trung Quốc, Nga và các nước khác. Sau đó, thì Wolfowits cho phỏng vấn riêng, để thuyết phục người xem truyền hình toàn cầu.Sở OGC được thành lập một năm sau khi Pentagon bị hố vì một chiến dịch tương tự. Cơ quan Office of Strategic Influence (Sở Ảnh Hưởng Chiến Lược) của Pentagon bị báo giới lên án là "tung tin bóp méo." Lúc đó, Pentagon bác bỏ các cáo buộc này, nhưng rồi cũng cho dẹp sở này.
Ba ngày sau khi văn phòng ở Bạch Ốc của Sở OGC mở cửa, Eskew bước vào Trung Tâm Báo Chí Ngoại Quốc ở Washington để tự giới thiệu với các phóng viên quốc tế. Câu hỏi đầu tiên, từ 1 nhà báo Đức, rằng có phải ông đang dựng lên "Sở Bóp Méo Thông Tin" kiểu như Pentagon từng lập.

Eskew trả lời, "Sắc lệnh tổng thống cho thành lập viết rằng, chúng tôi phải làm việc với sự thật."Nhưng, thử trả lời câu hỏi này đi: có chính phủ nào mà không bóp méo thông tin, nhất là khi xảy ra chiến tranh? May ra, chỉ có chính phủ Vatican và chính phủ lưu vong của Ngài Đạt Lai Lạt Ma. Có lẽ. Hãy tin như thế. Vì họ không chỉ sống cho cõi trần gian này

Các Báo Kể Chuyện Baghdad: Các Tướng Đã Bán Cho Mỹ ( VietBao , ngay 21/4/2003 so 2938 .

Các Chủ Bút Ả Rập: Saddam Có Lẽ Trốn Về Thánh Địa MeccaTheo sự phân tích của nhà bỉnh bút Jalai Ghazi cho Thông tấn Pacific ews.Giới truyền thông Ả Rập đang sử dụng từ "safqa" để giải thích việc sụp đổ bất thình lình của chính quyền tại Baghdad và chế độ Iraq. Dịch từ "safqa" ra tiếng Việt có nghĩa là mật ước. Giới truyền thông Ả Rập hiện nay đang suy nghĩ về cái mật ước "safqa", mật uớc này đã đuợc sắp xếp giữa Hoa kỳ với chế độ Baath để giao thủ đô Baghdad. Nhưng hiện nay không có ai có thể biết rõ các điều khoản chính xác của mật ước này, mà chỉ căn cứ vào ba kết quả nhìn thấy rõ ràng.

Thứ nhất là các sinh mạng của phần đông lính Hoa kỳ và lính Anh hầu như đã được giới chức cao cấp của Baath biệt đãi.

Thứ hai là chính Baghdad đã không cho tắm máu theo như các chuyên gia quân sự đã tính trước.Thứ ba là cuộc chiến xẩy ra quá ngắn để cứu giúp vùng này, đặc biệt tránh được thảm họa cho Saudi Arabia. Những manh mối sau đây được thu thập qua giới truyền thông Ả Rập và Hoa kỳ cho thấy tại sao sự sụp đổ của Baghdad đã được sắp sẵn.* Bẩy tù binh được cứu, không có ai bị tra tấn, hành hạ. Trái lại tất cả bẩy tù binh này người ta thấy đều ở tình trạng sưc khỏe tốt. Tất cả các tù binh này đều được mặc bộ quần áo ngủ (pajamas) thay vì mặc thứ quần áo dành riêng cho tù nhân, chứng tỏ là họ đã được đối xử như những người khách. Theo phong tục của Ả Rập, khách ngủ lại nhà thường được giao cho bộ quần áo ngủ.
Báo chí Ả Rập chỉ cho thấy nữ tù binh Jessica Lynch đã được đối xử tương tự, nữ tù binh này được giữ trong một phòng sạch sẽ nhất trong một bệnh viện của Iraq cho tới khi đuợc giải cứu vào ngày 2/4.Cả hai truờng hợp này, quân đội Hoa kỳ đã được điềm chỉ thông báo về địa điểm của tù binh mà chính người dân Iraq cũng không được biết.

Cho tới nay, người ta không thấy người nào trong bẩy tù binh này nói chuyện trực tiếp với các phóng viên của đài TV, không giống như các chiến binh Hoa kỳ bị thương ngoài mặt trận. Chúng ta chỉ đuợc biết bẩy tù binh này được đưa về Kuwait để thuốc men và truy cứu tin tức.* Các xe tăng của Hoa kỳ tiến vào thủ đô Baghdad gặp rất ít kháng cự, trong khi đó tại Basra nơi nào cũng phòng thủ dày đặc như Baghdad mà lại duy trì một cuộc kháng cự tới ba tuần lễ. Việc sụp đổ của chính quyền Baghdad bất thình lình đã khiến cho dân chí nguyện của Muslim và Ả Rập tới Iraq để đánh nhau với lực luợng Liên minh phải tan hàng. Lúc đầu hàng ngàn dân tình nguyện từ Yemen, Ai cập, Syria, Nam dương , Mã lai và các nơi khác tới đều được cấp vũ khí và quân phục, cuối cùng không có ai nói cho họ biết phải làm gì. *

Quân Iraq và Đảng Baath đã ngăn chặn không cho phá hủy cây cầu độc nhất tại Baghdad, cây cầu này có thể tạm thời cản các chiếc xe tăng của Hoa kỳ tiến vào thành phố này. Hơn thế nữa chỉ có một vài vùng có dầu bị nổi lửa đốt, đại đa số các vùng mỏ dầu đều còn nguyên theo lời yêu cầu của ông Bush.

* Cho tới nay chưa thấy mặt giới cao cấp Baath ra đầu hàng, ngoại trừ hai khoa học gia hàng cao cấp. Tính ra có cả mười ngàn đảng viên Baath tích cực hoạt động tìm cách biến mất trong khi không hề thấy có dấⵠhiệu chia rẽ trong nội bộ. Việc này cho thấy việc ra đi có tổ chức kỹ càng của chế độ Iraq dưới đảng cầm quyền Baath là đã theo lệnh của cấp bậc cao nhất. Việc này cũng giải thích tại hầu hết quân lực Iraq, như Vệ binh Cộng hòa không thấy có mặt khi quân đội Hoa kỳ đã tiến vào thủ đô Baghdad.

* Đại sứ của Iraq tại LHQ là Mohammad al-Douri, một viên chức cao cấp của Baath, viện dẫn theo giới truyền thông Hoa kỳ và Ả Rập ông này tuyên bố "Ván cờ này chấm dứt" và cho biết ông đã không tiếp xúc với Saddam Hussein từ nhiều tuần. Khi đuợc hỏi tại sao ông lại cho là "ván cờ này". Nhà sứ giả này đã trả lời "ván cờ này chấm dứt, chứ còn gì nữa". Trong khi đó tờ báo Al-Jazeerah đã loan tin ông ta được phép sang Syria và đã đuợc yêu cầu để làm đại diện cho chính quyền mới của Iraq tại LHQ. Ông đại sứ cũ lên làm đại sứ mới? Trừ phi ông đã trở cờ theo Mỹ từ lâu rồi.
Trong khi các quốc gia Ả rập ở khắp Trung Đông hiện nay đang bàn về mật uớc này đã cứu được thủ đô Baghdad, họ còn suy đoán là cũng cái mật uớc này đã cứu được Saddam. Không giống như cuộc săn đuổi Osama bin Laden tại Afghanistan mà quân đội Hoa kỳ đã chiếm giữ trước đây trong nhiều tháng, việc săn đuổi nhà độc tài này không còn thấy được coi như ưu tiên hàng đầu cho quân đội Hoa kỳ khi sự sụp đổ của Baghdad nổi lên.

Nếu Saddam còn sống, hiện nay ông ta ở đâu? Một số nhà báo thông thạo tin tức suy đoán theo kiểu Hồi Giáo, Saddam phải tìm đuờng tỵ nạn tại Mecca, nơi thiêng liêng nhất của dân Hồi giáo trên thế giới. Và là nơi tín đồ không dám bán đứng người đồng đạo cho ngoại giáo bao giờ. Người không phải là dân Hồi giáo không sống đuợc ở nơi này và ít có người ngoại giáo đặt chân được tới các thành phố linh thiêng nhất của dân Hồi giáo.
Nếu như quả thực Saddam hiện đang tại Mecca, lại thêm một manh mối nữa là người lập ra "safqa" hay mật ước giữa Baath và Hoa kỳ là Hoàng tử Abdullah của vương quốc Saudi, một người trung gian tín mhiệm của gia đình ông Bush và là nhà cầm đầu độc nhất của cáa quốc gia Ả Rập được mời tới trang trại Crawford của Tổng thống Bush.

Đối với lãnh tụ này của Saudi , cũng như các nhà cầm đầu khác của các quốc gia Ả Rập, mật ước này là một hy vọng tránh cho Trung Đông rơi vào hậu quả của một cuộc kháng chiến kéo dài và đẫm máu tại Iraq và tại các quốc gia lân cận, mở rộng cửa cho những gì để ông Bush cho lập bản đồ hòa bình giữa dân Israel và dân Paleatin.

(Bản tin này do cơ quan truyền thông New California dịch ra từ tiếng Ả Rập cho thông tấn Pacific News và đài TV Worldlink)

Sách văn học Nhật Bản 2002 ( bản Talaswa )NganXuyen

Trong hoàn cảnh thay đổi và không chắc chắn như hiện nay, độc giả Nhật Bản tiếp tục tìm kiếm những lời khuyên có ích trong việc đọc sách. Thực tế cho thấy, các sách bán chạy nhất năm qua phản ánh mối quan tâm của các độc giả thuộc tầng lớp trung niên và cao tuổi với tốp 10 cuốn sách bán chạy, trong đó có hai cuốn dạy cách sống tuổi già, hai cuốn dạy tiếng Nhật và hai cuốn dạy tiếng Anh. Một nhà bình luận cho rằng cơn sốt sách ngoại ngữ phản ánh nỗi lo sợ trước nguy cơ toàn cầu hóa, trong khi các sách dạy tiếng Nhật lại cho thấy nỗi lo của người dân Nhật về bản sắc dân tộc của mình

Tuy nhiên, hiện tượng xuất bản lớn nhất năm qua là Harry Potter với kỷ lục in lần đầu vào tháng mười là 2,35 triệu bản của một bộ bốn tập. Hãng Nikkei cho biết, năm 2002 ở Nhật Bản đã bán được tổng số 80 tỉ yên cho tất cả các sản phẩm của Harry Potter gồm phim, sách, đĩa DVD, video và các mặt hàng ăn theo khác.

Sách truyện Nhật Bản duy nhất lọt được vào tốp 20 sách bán chạy trong năm là bộ truyện thần bí viết về một tên sát nhân của Miyuki Miyabe nhan đề "Moho-han" (Kẻ bắt chước mù quáng) và cuốn tiểu thuyết dài viết trong bảy năm của Haruki Murakami "Umibe no Kafuka" (Kafka trên bờ biển). Cuốn này xuất bản vào tháng chín năm ngoái gồm hai tập (hơn 800 trang) kể về một cậu bé 15 tuổi tự gọi mình là Kafka. Ðây là tác phẩm đã gây dư luận trên báo chí với những ý kiến khen chê trái ngược gay gắt. Truyện viết dễ hiểu, nhưng ý nghĩa cuối cùng thì lại bí ẩn, tác giả để cho người đọc hoặc người xem tự lý giải. Nhưng giữa lúc lớp trẻ đang nhiều hoang mang, tác phẩm này đưa lại cho họ một lời động viên và cổ vũ hành động. Nhà phê bình Minato Kawamura nhận xét, phải chăng các độc giả trẻ Nhật Bản hiện nay có thể tìm thấy trong thế giới tưởng tượng của Murakami hay Harry Potter một điều gì đó tương tự các độc giả trẻ Mỹ hồi những năm 1960 đã tìm thấy trong tác phẩm "Chúa tể của những chiếc nhẫn", vì họ cùng lâm vào hoàn cảnh bế tắc như nhau. Chúng ta có thể xem qua hai tác phẩm dưới đây để thấy hai bức tranh sắc nét của lớp trẻ bước vào đời được văn học Nhật Bản nêu ra năm qua.

Bộ tiểu thuyết ba tập "Black Jack ni Yoroshiku" (Hãy nói lời chào với Jack Ðen) của Shuho Sato kể về những thử nghiệm vất vả nhọc nhằn của chàng sinh viên y khoa mới tốt nghiệp Eijiro Saito qua các phòng khác nhau tại bệnh viện của một trường đại học danh tiếng. Trong hai năm làm bác sĩ thực tập nội trú anh chỉ được nhận 38000 yên mỗi tháng, nên phải kiếm thêm bằng cách trực đêm tại một bệnh viện nhỏ. Mỗi ngày anh chỉ được ngủ khoảng hai, ba tiếng đồng hồ. Ðêm đầu tiên anh còn cùng trực với một sinh viên nội trú khác, nhưng sau đó chỉ còn anh là bác sĩ duy nhất trực mổ dù còn thiếu kinh nghiệm tay nghề.

Chỗ làm việc đầu tiên của Saito tại bệnh viện trường là khoa mổ, ở đây anh đã bị xốc khi phát hiện ra rằng vị bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của bệnh viện chỉ mổ lúc đầu, sau đó lại quay về phòng tiếp tục việc nghiên cứu của mình. Tiếp đó anh lại càng xốc hơn khi được cho hay rằng chẳng cần phải tốn tiền chạy chữa cho một bệnh nhân 75 tuổi vừa mổ xong vì đằng nào ông ta cũng không qua khỏi được. Chỗ thứ hai Saito tới là khoa nội, nơi anh điều trị cho Miyamura, 38 tuổi, chủ một cửa hàng bán rượu nhỏ, anh này đang cần phải mổ vòng. Do tệ quan liêu trong bệnh viện và những ý đồ xấu giữa khoa nội và phòng mổ nên tình trạng Miyamura rất xấu trước khi ca mổ của anh ta được dự định vào tháng sau. Một bác sĩ bảo Miyamura rằng các bệnh nhân đều phải có "quà" một triệu yên cho bác sĩ cầm dao mổ, nhưng anh ta theo lời khuyên của Saito quyết định chuyển sang mổ ở một bệnh viện khác. Khi đó Saito đã thuyết phục được bác sĩ phẫu thuật Kita, người quen sống một mình, người được giới mafia y tế Nhật Bản cấp tiền cho sang Australia học với một nhà phẫu thuật tim nổi tiếng, đồng ý mổ cho Miyamura. Khỏi phải nói là ca mổ tuy phức tạp nhưng đã thành công nhờ bản năng kinh nghiệm của Kita. Mặc dù đã thấy ở Kita người bác sĩ mình mơ ước, nhưng chẳng hiểu sao Saito vẫn quay về bệnh viện trường, tiếp tục vòng quay của mình, lần này là đến khoa sản. Tại đây anh lại gặp phải những ca chữa bệnh sinh sản, đẻ non, dị tật bẩm sinh. Cứ thế, tác giả để cho nhân vật là chàng bác sĩ trẻ 25 tuổi vật lộn với ước vọng được làm một người thấy thuốc chân chính, có lương tri và trách nhiệm, trong thế giới ngành y lạnh lùng và tàn nhẫn. Cuốn truyện gây được tiếng vang có lẽ là nhờ vào những vụ bê bối gần đây trong ngành y tế ở Nhật Bản.

Cuốn thứ hai là "The Sanmei Sama" (Hội ba người) của Makochin Ishihara (2 tập) cũng kể về ba chàng trai nội trú tuổi 25, 26, làm việc bán phần (part-time). Hàng đêm họ ngồi ở hàng quán chuyện gẫu hàng giờ về vật thể bay, về những giọng nói trong điện thoại động, rồi mơ mộng làm giàu qua Internet hoặc trở nên nổi tiếng như một siêu sao nào đấy. Như câu đề trên bìa sách nói rõ, đây là ba chàng trai tay trắng "không tiền bạc, không động cơ thúc đẩy, không việc làm, không tài năng, không chuyên môn, không kế hoạch, không ngoan cường, không mơ ước... chỉ có bạn bè và thời gian". Không hiểu khi viết tác phẩm này, tác giả có nhằm đưa ra một cương lĩnh chính trị gì không, nhưng bức chân dung chính xác về một lớp trẻ bán thất nghiệp, sống vô mục đích, không có vị trí thực sự trong xã hội như thế là một điềm báo cho tương lai của Nhật Bản

Ngoài nước

Nhà văn Nhật Bản ăn khách nhất ở nước ngoài hiện nay là Haruki Murakami. Sau đây là trường hợp của ông ở Nga. Với những nhân vật không phải theo kiểu người Nhật nề nếp, tham công tiếc việc, Murakami đang chiếm được trái tim của lớp độc giả trẻ ở Nga hiện nay. Dom Kinigi, một nhà sách lớn ở trung tâm Moskva, có một quầy riêng cho nhà văn Nhật này. Ðoán được nhu cầu đang tăng lên, nhà sách đã đặt thêm hàng, nhưng các sách của Murakami bán chạy đến mức một số nhà xuất bản không đủ sách cung ứng. Năm 2002, chỉ riêng Dom Knigi đã bán được khoảng 20.000 bản sách của Murakami, bằng khoảng một nửa sách Harry Potter bán được. Một nhân viên nhà sách cho biết, Murakami là nhà văn nước ngoài bán chạy thứ tư ở Nga. Các sách của Murakami đã được dịch ra 29 thứ tiếng ngoài Nhật Bản. Trong vòng bốn năm kể từ khi bản dịch tiếng Nga đầu tiên xuất hiện năm 1998, đã có năm tác phẩm khác của Murakami ra ở ba nhà xuất bản Nga. Tất cả đều thuộc danh sách bán chạy của nhà xuất bản. Oleg Sedov, chủ tịch nhà xuất bản Amfora, nơi đã bán được 16.000 bản ba tác phẩm của Murakami, gọi các sách đó là "mỏ vàng".

"Cơn sốt" Murakami ở Nga bắt đầu khi lớp trẻ biết được các tác phẩm của ông qua trang mạng của các dịch giả. Bản thân Murakami cũng là một dịch giả nổi tiếng về văn học Mỹ, và những tác phẩm của ông cùng với âm nhạc, thức ăn phương Tây và các yếu tố khác của văn hóa đại chúng đã được dùng như một thứ "cột trụ" lôi cuốn các độc giả trẻ. Nói chung, người Nga ít có kênh thông tin về Nhật Bản hiện đại. Kết quả là, đối với nhiều người Nga, người Nhật là một dân tộc tăm tối, vô cá tính, thiếu trí tuệ riêng. Do đó, khi tiếp xúc với tiểu thuyết của Murakami họ bị kích thích, vì các nhân vật trong đó là những người quả quyết và độc đáo. Một số người thì cho nguyên nhân của hiện tượng này là ở sự giống nhau giữa nước Nga hậu xô viết và nước Nhật, nơi các giá trị tinh thần đang lung lay. Ở Nga nhiều thanh niên đang chạy theo các thứ văn hóa nhóm (subculture) khác nhau. Những sự tôn sùng biện hộ cho chủ nghĩa phát xít mới cực đoan và phủ nhận quá khứ cũng có nhiều người chạy theo. Trong môi trường xã hội đó, nhiều nhà quan sát thống nhất cho rằng các độc giả Nga đang tìm kiếm những giá trị bên trong cảm thấy gần gũi với cảm giác cô đơn nội tâm của các nhân vật của Murakami.

Theo văn phòng của Haruki Murakami, trong khi hầu hết các bản dịch tác phẩm của Murakami là từ tiếng Anh, thì bản tiếng Nga là được dịch thẳng từ tiếng Nhật. Bốn dịch giả Nga đã từng học tiếng Nhật dưới thời xô viết đảm nhiệm công việc này. Nắm bắt được sự phổ cập đang tăng lên của Murakami, năm ngoái một nhà xuất bản lớn nhất ở Nga đã bắt đầu thương lượng để được độc quyền các tác phẩm của ông. Năm nay hãng này dự định cho ra bộ sáu tác phẩm Murakami đầu tiên ở Nga và hy vọng sau đó sẽ xuất bản toàn tập của ông

Tuy vậy, một số độc giả có tuổi vốn định kiến với văn hóa phương Tây thì phê phán các tác phẩm của Murakami, coi chúng là "hời hợt". Một trong bốn dịch giả là anh Dmitry Kovalenin, 37 tuổi, người đầu tiên đến với tác phẩm Murakami khi làm phiên dịch tại Nhật Bản. Kovalenin nói rằng người Nga coi người Nhật là "những sinh vật ngoài trái đất, chỉ sống ở công ty". Nhận xét về các nhân vật của Murakami, Kovalenin nói: "Nhân vật ở ngôi thứ nhất có thể gặp ở bất cứ nước nào, khiến tôi quên mất đây là nhà văn Nhật Bản. Nhân vật ở ngôi thứ hai được viết rõ ràng và có sự phân biệt rõ rệt giữa bản thân và người khác. Ý thức và tiềm thức đối diện nhau. Trước khi biết điều đó, tôi thấy mình đồng nhất với nhân vật, dường như nó là một anh bạn đồng hương. Sự chia tách bên trong là một đề tài truyền thống của văn học Nga và có điểm chung với Dostoyevsky". Kovalenin cũng cho hay là anh thấy có cảm giác phù du mang tính chất phật giáo trong các tác phẩm của Murakami. "Ở Nga, một số tác phẩm văn học Nhật Bản đã được dịch từ những năm 1970. Trong khi tác phẩm của những nhà văn như Yasunari Kawabata và Yukio Mishima có vẻ thần bí, độc giả hiểu Murakami dễ dàng", Kovalenin nói. "Thoát khỏi lối tư duy tập thể thời xô viết không thừa nhận hai mặt của bản tính con người, dân Nga hiện nay bắt đầu đối diện với bản ngã bên trong của họ. Tôi nhận được nhiều email của độc giả nói rằng các cuốn sách đó đã giúp họ nhận ra những cảm xúc mà họ bị kìm chế".

Nhà phê bình văn học Anna Starobinets, 24 tuổi, nhận xét: "Các nhân vật của Murakami uống bia Heineken và ăn hamburger thay cho món sushi và sake. Ðộc giả Nga cảm thấy khó tiếp nhận các tác phẩm khác của văn học Nhật vì chúng có chung một hiện thực đạo đức duy nhất. Ngược lại, trong khi các tác phẩm của Murakami có sự mơ hồ phương Ðông, độc giả lại có thể tiếp nhận được mà không thấy xa lạ". Khi chế độ xô viết sụp đổ, nhiều người thấy có cảm giác lạc lõng. Trong hoàn cảnh đó, độc giả đồng nhất mình với các nhân vật của Murakami cư xử một cách tự do, thoải mái. "Bên cạnh lớp trẻ, những người sống qua thời nhỏ vào các thập niên 1960 và 1970, khi tình hình Liên Xô không căng thẳng lắm, cũng thích Murakami", Starobinets nói. "Ðiều này là do họ có xu hướng tìm lại mình ở trong đó thay vì xã hội, phản ứng lại chế độ Stalin". Starobinets kết luận: "Nhìn từ quan điểm văn học truyền thống, tác phẩm của Murakami có thể là "hời hợt". Sự phổ cập của nó là do có ít tác phẩm văn học Nga thu hút được độc giả. Các truyện trinh thám và truyện tình yêu nhẹ nhàng cũng bán chạy".

Đưa văn học Nhật Bản ra nước ngoài
Trong nỗ lực xúc tiến đưa văn học Nhật Bản ra nước ngoài, tháng Ba này Vụ văn hóa thuộc Bộ Giáo dục, Khoa Học và Công nghệ Nhật Bản sẽ tổ chức các nhóm chuyên gia văn học ở Mỹ, Pháp và Nga để lựa chọn các tác phẩm văn học hiện đại Nhật Bản được xem là thu hút độc giả ngoại quốc nhất. Các nhóm này dự định gồm các biên tập viên xuất bản và các nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản ở các nước đó. Họ sẽ được yêu cầu chọn ra những tác phẩm văn học hiện đại Nhật Bản có khả năng thu hút độc giả nước ngoài để dịch và xuất bản ở nước họ.
Mùa xuân năm ngoái, Vụ văn hóa đã thực hiện chương trình giúp đỡ việc công bố bản dịch các tác phẩm văn học Nhật Bản xuất sắc. Vụ đã tài trợ cho toànn bộ quá trình này từ chọn tác phẩm để dịch, ký hợp đồng với các nhà văn được dịch đến việc dịch và xuất bản. Trong giai đoạn đầu của chương trình, tác phẩm của 27 nhà văn, bao gồm Taichi Yamada và Ayako Sono, đã được các chuyên gia Nhật Bản chọn ra để xuất bản ở Mỹ vào tháng 11 và ở các nước khác vào mùa thu năm nay. Các sách được chọn dựa trên cơ sở các thành viên của nhĩm chuyên gia thấy đáng được xuất bản ở nước ngoài.
Nhằm mục đích mở rộng độc giả văn học Nhật Bản ở nước ngoài, năm nay các nhóm chuyên gia ở ba nước nói trên sẽ chọn tác phẩm trên cơ sở họ thấy độc giả nước ngoài muốn đọc. Theo sự giới thiệu đó của họ, đến mùa thu này Vụ văn hóa sẽ quyết định khoảng 10 cuốn sách sẽ được dịch ra nước ngồi. Một khoản ngân sách 330 triệu yên đã được dự trù cho giai đoạn hai của chương trình trong năm tài khóa 2003. Thêm vào kinh phí cho kế hoạch xuất bản, Vụ sẽ dùng ngân sách mua 20000 bản của mỗi cuốn dịch để phát không cho các trường đại học và các thư viện ở nước ngoài.

Đến giai đoạn hai của chương trình, Vụ sẽ tăng thêm nỗ lực giúp quảng bá các sách đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Vụ sẽ trưng bày các sách đó và phát các tờ rơi quảng cáo tại các hội chợ sách quốc tế ở New York, Frankfurt và những nơi khác. Ông vụ trưởng dự định có bài phát biểu giới thiệu văn học hiện đại Nhật Bản tại New York vào tháng Sáu tới. Số tác phẩm văn học Nhật Bản đã dịch ra tiếng nước ngoài ít hơn số tác phẩm văn học nước ngoài dịch vào Nhật Bản, tỉ lệ ở đây là 1/20 hoặc 1/30.

Tổng hợp theo các nguồn: The Japan Times, Asahi Shimbun 25/1/2003, và Yomiuri Shimbun 11/3/2003

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002