Đại Chúng số 120 - ngày 16 tháng 5 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Thế Giới Và Bình Luận
Dấu Mốc Quan Trọng
Tin Nhỏ Cần Biết
Đại Lễ Phật Đản
Nhân Ngày Quốc Hận
Tiếng Quốc Đêm Trăng
Bệnh Sars
Thơ và Nhạc Bảo Oanh
The Mother of Mothers Day
Lịch Sử Ngày Cho Mẹ
Duyên Em
Đừng Hỏi Tại Sao
Ngày Nhân Quyền Cho VN
Đọc Báo Dùm Bạn
Y Khoa Và Khoa Học
Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Phan Thanh Giản
Kiếp Hoa Chìm Nổi
Mưa Bên Này Nắng Bên Kia
Giáo Sư Vũ Ký
Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo

Tiếp lời giới thiệu

Vùng trời Á súng thù trống giục
Xé Đông Kinh Nghĩa Thục nát tan.
Thiếu thời đã vội sẩy đàn,
Trau giồi Pháp Hán đầy tràn trí trai
Dùng xây dựng nối dài quốc ngữ
Thay gươm đao gìn giữ giống nòi,
Lấy gương tiền bối cùng soi
Quyết không tranh đấu lẻ loi giữa dòng

Bình Huyên

 

Cô Kiều với Phạm Quỳnh

- GS Phạm Thị Nhung -

Kỳ 2

 

II. Những Lý Do Nào Đã Khiến Học Giả Phạm Quỳnh Có Ý Xem Ông Là Kẻ "Một Hội Một Thuyền" Với Cô Kiều

Muốn cho vấn đề được sáng tỏ, chúng ta phải ngược dòng thời gian, đi lại từ đầu, nghiã là phải tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, sau đó, tìm hiểu thân thế, chí hướng, hành trạng và sự nghiệp của học giả Phạm Quỳnh, để có thể rút ra được một phần nào những nét tương đồng về tình cảnh giữa Phạm Quỳnh và cô Kiều, đã khiến họ Phạm muốn mượn cảnh ngộ éo le cùng tâm sự bi thương của nhân vật này đễ giãi bày nỗi niềm ưu uất của ông.

 

1) Hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Năm 1856, thực dân Pháp bắt đầu bắn phá các đồn lũy ở cửa bể Đà Nẵng, sau liên tiếp đánh chiếm ba tỉnh miền đông (1862), rồi ba tỉnh miền tây Nam Kỳ (1867). Gần hai mươi năm sau, Pháp lại công phá thành Hà Nội (1882), tiến chiếm các tỉnh Bắc Việt và Trung Việt (1883-1884), rồi uy hiếp triều đình Huế. Để bảo vệ quê hương xứ sở, quan quân của ta ở khắp các chiến tuyến đã chống giặc quyết liệt. Biết bao anh hùng nghiã sĩ đã vị quốc vong thân mà nước vẫn không giữ được. Cuối cùng, triều đình đã phải chấp thuận nhượng hẳn đất Nam Kỳ cho Pháp (Hoà ước 1874), và công nhận quyền bảo hộ của họ trên toàn cõi Việt Nam (Hoà ước 1884).

"Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu." (Văn tế Tướng quân Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu) nên các cuộc nổi dậy, tự động lập chiến khu võ trang chống Pháp của quân dân ta vẫn liên tiếp xẩy ra. Nhưng vì tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch quá, nên nửa sau cuối thế kỷ XIX, các tổ chức kháng chiến đã đi dần đến chỗ suy tàn.

Các vị vua tham gia kháng chiến đã bị đi đầy biệt xứ, các nhà ái quốc thì người trốn ra hải ngoại, kẻ tuẫn tiết, người bị chém bêu đầu, kẻ bị sát hại hay bị tù đầy hết cả.

Sau khi đã đè bẹp ta bằng võ lực, Pháp bắt đầu tính chuyện bình định, đặt nền móng cho cuộc đô hộ lâu dài. Hoà ước 1884 đã mất hết ý nghĩa vì thực quyền Pháp đã nắm hết, vua tôi triều đình Huế chỉ còn hư vị.

Trước thảm trạng ấy, những ai là kẻ quốc sĩ tất không đành lòng chỉ biết thở than hay tính chuyện lui về ở ẩn để giữ tiết tháo cho riêng mình, mà ngày đêm đã lao tâm khổ trí, cố tìm cho ra một giải pháp để cứu nước.

Giữa lúc đó, tiếng vang về cuộc chính biến 1897 ở Trung Quốc, tiếp theo là cuộc trỗi dậy của Nhật sau vụ chiến thắng Nga (1905), nhất là các tân thư của Nhật, Trung Hoa được lén lút truyền vào nước ta (truyền bá những tư tưởng dân chủ, cách mạng của Tây phương), đã làm cho kẻ sĩ nước ta giật mình thức tỉnh, tự hiểu ra rằng ta chưa thể đương đầu với Pháp bằng vũ lực được, mà muốn dân tộc sớm thoát khỏi cảnh nô vong thì từ nay ta phải cương quyết từ bỏ cái học u mê, từ chương cũ, và cấp thiết phải canh tân xã hội và học thuật theo Tây phương. Do đó phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và Duy Tân của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời.

Phong trào của các cụ được dân chúng khắp ba kỳ hưởng ứng nồng nhiệt ; nhiều tỉnh đã lập chi nhánh hoạt động. Chính phủ bảo hộ nhận thấy Đ.K.N.T. đã trở thành một phong trào ái quốc và cách mạng, nên vội rút giấy phép 1908, và khủng bố nhân viên nhà trường.

Nhân vụ lính Pháp bị đầu độc ở Hà Nội (27-6-1908), và dân chúng nổi lên biểu tình kháng sưu thuế tại nhiều nơi ở miền Trung, Pháp lấy cớ các cụ xúi giục nên bắt hết các nhà lãnh đạo, làm án rồi đầy đi Côn đảo, như cụ Lương văn Can, người khởi xướng Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội à hay các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế ở miền Trung à

Chính trong hoàn cảnh lịch sử đen tối ấy của dân tộc, Phạm Quỳnh đã sinh ra và lớn lên.

 

2) Thân Thế, Chí Hướng, Hành Trạng và Sự Nghiệp của Học Giả Phạm Quỳnh

2.1 Thuở Học Trò (1892-1908)

Phạm Quỳnh, bút hiệu Thượng Chi, Hồng Nhân, Hoa Đường, Lương Ngọc ; sinh năm 1892 ; người làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương ; thuộc dòng dõi Nho gia khí tiết, đạo hạnh. Cha, ông, và kể cả tổ tiên nữa, đã mấy đời đều là những người văn học, chỉ theo nghề giáo, sống cuộc đời cần cù, thanh bạch.

Phạm Quỳnh mồ côi sớm, may nhờ được bà nội nuôi dạy và cho ăn học ở Hà Nội. Hết bậc tiểu học (12 tuổi), Phạm Quỳnh vào học trường Trung học Bảo hộ. Ngay từ thuởƯ học trò trung học ấy, Phạm Quỳnh đã tỏ ra là người chín chắn, có nghị lực và có ý thức về bổn phận của mình - Làm người An-nam là phải tập làm văn An-nam. "Tôi thuở nhỏ ham mê chữ tây lắm, khi ở nhà trường ra đã "tuy toe" làm thơ, làm văn tây rồi à nhưng đương ham mê như thế mà phẫn nhiên miễn cưỡng lại được, chợt tỉnh lại được mà tự nghĩ rằng văn mình nếu mình không tập thời có ngày lụn bại à Tôi ví như người nghiện văn tây mà tự mình bắt buộc à chỉ vì một chút khốn tâm, khốn tâm về văn quốc ngữ, chỉ vì một chút hi vọng, hi vọng có ngày mình cũng làm văn được như người." (Làm Văn, Nam Phong số 67, tháng 1-1923).

 

2.2 Thời Làm Việc Tại Trường Pháp Quốc Viễn Động Bác Cổ (EÔcole Francaise d'Extrême-Orient) (1908-1917)

Lớn khôn đôi chút, Phạm Quỳnh đã biết coi sự học là một nghĩa vụ mà đặt cho nó một mục đích chính đáng, cao thượng. Ông kể :"Từ khi khôn lớn biết nghĩ đến giờ chỉ nuôi một cái chí trong lòng, là đối với nhà làm thế nào nối được nghiệp ông cha, đắp được cái nền "sĩ phong" cho xứng đáng à đối với nước làm thế nào giúp cho quốc hồn được tỉnh táo, để mong cho quốc văn được sáng sủa à không dám đem cái chí nguyện mà hi sinh cho sự giầu sang." (Pháp Du Hành Trình Nhật Ký, Nam Phong số 90, 12-1924).

Nhưng muốn thực hiện cái chí ấy thì phải vươn lên, "học cho rộng, biết cho nhiều", "tham bác cả đông tây kim cổ", và "học không ngừng" vì "có học có biết mới làm nên". Còn cái học của nhà trường bấy giờ chỉ đủ cho người ta giựt được mảnh bằng kiếm sống, hay giành được chút địa vị trong xã hội mà thôi.

Thấu triệt được cái lẽ cao quí của sự học như thế, Phạm Quỳnh quyết tâm lo trau dồi thêm kiến thức.

Rất may, sau khi tốt nghiệp trường Bảo-hộ (1908), Phạm Quỳnh xin được vào làm việc tại thư viện trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ, liên tiếp gần mười năm trời (1908-1917). Sống giữa một rừng sách, Phạm Quỳnh tha hồ mà đọc, mà học hỏi.

Nhưng khi đọc sách thì một vấn đề khó khăn lại xẩy ra :

Đọc sách viết bằng chữ Pháp, đối với Phạm Quỳnh tất nhiên là dễ dàng rồi, vì đó là sở trường của ông ; chẳng vì tài Pháp văn ông đã giựt được chức "thủ khoa tây" trong kỳ thi Diplôme đầu tiên mở tại Bắc Kỳ đó sao ? Nhưng còn những sách viết bằng Hán-tự không lẽ lại bó tay, vì vốn liếng chữ Hán của Phạm Quỳnh lúc ấy bất quá "chỉ viết nổi hai chữ tên, còn thời mù mịt cả à Kỳ thi có một bài Hán-tự dịch ra chữ tâyn dịch "giỏi" đến nỗi chấm được nửa điểm (1/2). Đáng thì phải "0", hỏng "toẹt" không được đỗ à " (Pháp Du Hành-Trình Nhật-Ký).

Đây là thử thách thứ hai mà họ Phạm sẽ phải vượt qua. Nhờ vào trí thông minh hiếm có, lại nhờ ở sự quyết tâm gắng gỏi gia công học tập trong mấy năm liền, cuối cùng Phạm Quỳnh đã sở đắc được một vốn Hán-học vững vàng. Nó giúp cho ông không những tham khảo học hỏi thêm được nhiều điều về học thuật cùng những tư tưởng, triết lý thâm sâu hay cao thượng của Á-đông, nó còn giúp ông thấu rõ những cái hay, cái đẹp của tổ tiên mà hướng về nguồn cội.

Trong thời gian này, khi Đông -dương Tạp-chí ra đời (1913), Phạm Quỳnh đã tìm thấy ở ông Nguyễn văn Vĩnh một "đồng chí" trong tôn chỉ - phổ biến quốc ngữ - xây dựng quốc văn - và mở mang dân trí để phụng sự dân tộc.

Do đó Phạm Quỳnh đã hợp tác chặt chẽ với Đông Dương Tạp Chí bằng những bài biên dịch thiên về đường tư tưởng. "Ngay trong mấy số đầu Đông Dương Tạp Chí ông (Phạm Quỳnh) đã dịch những đoạn văn của Renan, Bossuet, Pascal à là những nhà văn lớn về tư tưởng và lý thuyết. Ngay từ bấy giờ (1913) giọng văn ông đã chín chắn khác thường" (Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, Thăng Long tái bản, Sài Gòn 1960). Như thế đủ rõ lúc này Phạm Quỳnh viết văn đã nhằm đến mục đích nâng cao dân trí, và cố luyện cho quốc văn được vững vàng, tinh xảo.

Ngoài ra, Phạm Quỳnh còn viết cho Đông Kinh Nghĩa Thục "những bài biên khảo có tính cách thuần văn chương, bộc lộ cái băn khoăn của một nhà văn hoá trẻ tuổi trước sự xung đột, kình địch giữa hai thế hệ già với trẻ à" (Thanh Lãng, Trường hợp Phạm Quỳnh, Văn Học, 1963).

Lại cũng trong thời gian làm việc tại trường Bác Cổ, nhiều lúc có dịp nói chuyện với ông Tuyết Trang Trần Văn Ngoạn, Phạm Quỳnh thường đem những vấn đề liên quan đến việc nước, việc nhà, việc quan, việc học ra nghị luận sôi nổi. "Ông biết tôi là người nhiệt thành, và cũng có bụng yêu : mỗi lần nói đến sự tương lai nước nhà, ông có ý muốn nghe hơn chuyện khác. Tôi vốn ít tuổi hơn ông, trong lời nghị luận không khỏi đường đột mạnh bạo, mỗi lần ông cứ để cho nói, mà xem ra lắm khi cũng cảm cái lòng thành của người bạn trẻ. Ông không cười sự nóng nẩy, mà thường ông lại khen cái bụng ngay." (Viếng ông Tuyết Trang, Thượng-Chi Văn-Tập III ).

Những điều này chứng tỏ ngay từ thuở làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ, chàng thanh niên mới lớn Phạm Quỳnh đã rõ ra là một kẻ sĩ có tâm huyết với vận mệnh quốc gia, dân tộc ; đã từng thao thức nhiều đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước. Nhưng thay vì bi quan, yếm thế, Phạm Quỳnh như đã dự kiến được những giải pháp có thể canh cải, giải quyết được hoàn cảnh bế tắc về chính trị, cùng những xung đột tư tưởng về học thuật, luân lý Âu Á, mới cũ đang làm xáo trộn xã hội nước nhà bấy giờ, mà lòng háo hức nên biện luận sôi nổi, thuyết phục hăng say, gây được niềm tin yêu, hứng thú khi nghe chuyện của người bạn cùng sở.

Như đã được giới thiệu ở phần trên, trong bản ngã Phạm Quỳnh, ngoài khuynh hướng lãng mạn chủ về tình cảm, còn có một khuynh hướng thứ hai chủ về lý trí rất mãnh liệt. Nó được tạo nên trước tiên do sự giáo dục theo luân lý Nho-gia, truyền thống của gia đình (bà nội là đại diện), nó cũng là truyền thống văn hoá xã hội ta từ bao nhiêu thế kỷ nay, lấy trung, hiếu, nhân, nghiã, lễ, trí, tín làm phương châm cho cuộc sống mà thời đại Phạm Quỳnh vẫn còn được nhiều người xem trọng và duy trì.

Thêm vào đó, đến tuổi đi học, Phạm Quỳnh được theo Tây học, ông lại chịu ảnh hưởng bao nhiêu tư tưởng cao thượng và cũng rất thực tiễn của Tây phương, như tinh thần tự do, bình đẳng, quan niệm về danh dự, về nghĩa vụ làm người à ; cùng thâu thái được bao nhiêu kiến thức về khoa học, văn chương, học thuật của Pháp quốc. Sau nữa, hoàn cảnh vong quốc hiện tại cũng làm nẩy nở, khích động thêm ý thức về bổn phận đối với dân tộc của Phạm Quỳnh. Tất cả, vâng tất cả đó đã tạo cho bản ngã Phạm Quỳnh một khuynh hướng vững vàng thứ hai, chủ về lý trí. Chính khuynh hướng chủ về lý trí này đã lấn lướt khuynh hướng chủ về tình cảm, giành quyền chi phối, điều khiển những suy tư, những hoạt động của Phạm Quỳnh trong cuộc sống.

Hiểu như vậy, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Phạm Quỳnh còn là một cậu học sinh trung học đã có ý thức về trách nhiệm của mình, khi vừa ra trường đã biết đặt sự học thành một nghĩa vụ, và mong có ngày đem sự học của mình ra giúp nước, giúp đời.

(Còn tiếp)

GS PHẠM THỊ NHUNG

 

Xin đón đọc kỳ tới :

- Những tháng năm làm báo Nam Phong
- Lý do và mục đích thành lập báo N.P.
- Kiều và Phạm Quỳnh "bán mình" ra sao ?
- Chính quyền bảo hộ với báo N.P.

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002