|
|
|
Đại Chúng số 120 - ngày 16 tháng 5 năm 2003 |
Lá Thư
Tòa Soạn |
Y KHOA VÀ KHOA HỌC
1 .- Einstein và Newton mắc chứng tự kỷ?Hai nhà khoa học vĩ đại của thế giới, Albert Einstein và Isaac Newton, đều có những dấu hiệu của Asperger - một dạng bệnh tự kỷ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge và Oxford (Anh) tuyên bố. Người mắc chứng Asperger thường bị coi là lập dị. Họ không có kỹ năng giao thiệp với xã hội, bị ám ảnh bởi các vấn đề phức tạp và gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Nghiên cứu mới nhất cho thấy Einstein - cha đẻ của thuyết tương đối và Newton - người khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn - đều có những triệu chứng của bệnh này ở mức độ khác nhau. Từ khi 7 tuổi, Einstein đã sống cô độc và thường lặp đi lặp lại các câu nói. Einstein cũng nổi tiếng vì cách phát ngôn đầy rối rắm. Khi lớn lên, dù kết giao nhiều bạn mới, có vô số cuộc tình và tham gia phát biểu về các vấn đề chính trị, ông vẫn bị coi là người mắc chứng Asperger. "Niềm đam mê, yêu đương và đấu tranh vì công bằng hoàn toàn khớp với các triệu chứng của Asperger", giáo sư Simon Baron Cohen, trường Đại học Cambridge, nói. Còn Newton thì được cho là có những dấu hiệu điển hình của chứng bệnh này. Ông hầu như không lên tiếng, thờ ơ với nhiều thứ, chìm ngập trong công việc đến mức quên ăn và rất dễ nổi cáu với số bạn bè ít ỏi của mình. Vào tuổi 50, ông bị suy sụp vì trầm cảm và hoang tưởng. Tuy vậy, nhiều người lại tin rằng những điểm nêu trên khởi nguồn từ trí thông minh tuyệt đỉnh của 2 nhà bác học. "Những thiên tài có thể lạc lõng nhưng không tự kỷ. Sốt ruột trước sự chậm hiểu của người khác, cùng với sự tự yêu mình và niềm đam mê trong cuộc đời có thể khiến họ trở nên cô lập và khó gần", nhà tâm lý học Glen Elliott tại Đại học California (Mỹ) nhận định. Ông cũng cho biết Einstein nổi tiếng là người có khiếu hài hước, một đặc điểm không thấy ở những người mắc chứng Asperger. Theo Baron Cohen, kết quả nghiên cứu chứng tỏ rằng người mắc chứng Asperger có thể trở thành nhât vật xuất chúng nếu họ xác định được mục tiêu thích hợp trong cuộc sống.
2.- Giun trên phi thuyền Columbia sống sót sau thảm họa Hôm qua, quan chức NASA cho biết hàng trăm con giun thí nghiệm trong phi thuyền con thoi Columbia được tìm thấy trong một mảnh vỡ của con tàu xấu số vẫn còn sống . Những con giun Caenorhabditis elegans to bằng đầu ghim nằm trong một hộp nặng 4 kg được tìm thấy ở Texas vài tuần trước. Tuần này, chiếc hộp mới được mở ra và các chuyên gia vô cùng ngạc nhiên khi thấy chúng vẫn ngoe nguẩy. Vì tuổi thọ của C. elegans vào khoảng 7-10 ngày nên số giun này có thể là thế hệ thứ 4 hoặc thứ 5 của lứa đầu tiên. Những con đực và lưỡng tính tham gia vào cuộc thí nghiệm nhằm tìm kiếm chất dinh dưỡng tổng hợp. Mặc dù có kích thước tí hon, giun C. elegans là một phần trong bước tiến vĩ đại của lịch sử khoa học năm 1998 khi nó trở thành động vật đa bào đầu tiên có bộ mã gene được phác thảo hoàn chỉnh. Cũng trong chiếc hộp có giun, các chuyên gia còn tìm thấy một số rêu còn sót lại của một cuộc thí nghiệm khác. Thí nghiệm trên rêu Ceratodon nhằm tìm hiểu tác động của tình trạng không trọng lượng lên tổ chức tế bào. "Không ngờ là chúng ta vẫn có thể thu được một số dữ liệu sau tất cả những gì đã xảy ra. Chúng tôi không hề dự đoán khả năng này mà chỉ nghĩ là sẽ tìm thấy một đống kim loại bị nung chảy", một chuyên gia phát biểu. Phi thuyền con thoi Columbia nổ tung khi trở về trái đất hôm 1/2, làm thiệt mạng toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người. Trong hành trình, tàu đã thực hiện khoảng 60 cuộc thí nghiệm về côn trùng, nhện, cá...
3.-Răng sữa - nguồn cung cấp tế bào gốc Các nhà khoa học tại Viện Y tế quốc gia của Mỹ vừa phát hiện rằng có thể sử dụng tuỷ răng sữa để trồng các tế bào răng, mỡ và thần kinh, giúp sửa chữa răng bị hư hỏng và điều trị các vết thương thần kinh hay bệnh thoái hoá. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã có thể biệt lập 2 loại tế bào gốc: Tế bào gốc từ phôi có thể phát triển thành bất cứ tế bào nào trong cơ thể (nhưng để lấy được chúng phải phá huỷ phôi) và tế bào gốc trưởng thành (có thể tránh được vấn đề phá huỷ phôi nhưng lại có khả năng chuyên hoá hạn chế hơn). Răng rụng của trẻ em có thể là một nguồn cung cấp tế bào gốc tiện lợi. "Những tế bào gốc này phát triển nhanh hơn và có khả năng biến hoá thành nhiều dạng tế bào khác hơn là tế bào gốc trưởng thành", Songtao Shi, nha sĩ tại Viện Y tế quốc gia của Mỹ ở Maryland, cho biết. Shi và đồng nghiệp đã phát hiện rằng tế bào lấy từ răng sữa có thể biến hoá thành các tế bào hình thành răng gọi là ondontoblasts, hay tế bào thần kinh và tế bào mỡ. Răng sữa xuất hiện khi trẻ 6 tháng tuổi và rụng khi trẻ từ 6 đến 13 tuổi. Những nghiên cứu trước đây của Shi cũng đã cho thấy răng khôn của người lớn có chứa tế bào gốc nằm trong tuỷ răng. Vì thế khi cô con gái 6 tuổi của Shi bắt đầu rụng răng sữa, ông quyết định tìm hiểu liệu những chiếc răng này có chứa tế bào gốc hay không. Ông cho những chiếc răng rụng vào một cốc sữa để qua đêm trong tủ lạnh. Để biệt lập tế bào gốc, Shi chiết hút tuỷ răng và cấy tế bào trong vài ngày, sau đó thử nghiệm những dấu hiệu hoạt động của tế bào gốc. Kết quả là, khoảng 12-20 tế bào lấy từ một chiếc răng cửa đã chuyển thành tế bào gốc. Bằng cách cấy tế bào trong các môi trường phát triển khác nhau, Shi có thể biến chúng thành tế bào răng, tế bào mỡ và tế bào thần kinh. Những tế bào này sống sót khi được cấy vào dưới da và trong não chuột. Shi cũng tìm thấy những tế bào này còn thúc đẩy sự phát triển xương. Phát hiện này được xem là có vai trò quan trọng đối với ngành phẫu thuật răng miệng.
4.-Ô nhiễm không khí gây đau tim Kết quả một công trình nghiên cứu quốc tế mới được công bố cho thấy mức độ ô nhiễm không khí ở thành phố chỉ cần tăngđôi chút sẽ làm tăng số lượng các cơn đau tim gây tử vong. Theo báo "Mirror Times" (Anh) ngày 27/4,
các bác sỹ khẳng định hàng ngày chất điôxít lưu huỳnh chỉ cần tăng chút ít sẽ
làm tăng số bệnh nhân mắc bệnh tim phải vào điều trị tại các bệnh viện. Công trình nghiên cứu đã so sánh mối
quan hệ giữa mức độ Dioxide lưu huỳnh và tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị tại bệnh
viện ở 7 thành phố và khu vực của châu Âu, trong đó có London, Birmingham,
Madrid, Paris và Roma cùng nhiều kết luận của các hội đồng thành phố và cơ quan
môi trường. Kết quả cho thấy, chỉ cần tǎng 10 micrôgram Dioxide lưu huỳnh sẽ làm
tăng 1% số bệnh nhân tim mạch vào điều trị trong các bệnh viện sau 48 giờ. Tại
London, mỗi ngày có hơn 100 trường hợp mắc bệnh tim mạch.
5.- Vì sao virus SARS khó tiêu diệt? Thủ phạm gây SARS, coronavirus biến thể không hề hấn gì trước kho thuốc kháng sinh khổng lồ mà con người đang có. Trong khi một vácxin chống SARS còn chưa có, các nhà khoa học còn sợ rằng virus SARS có thể biến đổi một lần nữa... Chưa bao giờ việc nhận diện dịch bệnh
lại tiến bộ như hiện nay: Phải mất 7 năm người ta mới biết được nguyên nhân nào
gây ra bệnh Lyme năm 1975; AIDS, năm 1981, mất 3 năm. Trong khi đó SARS, lại
được nhận diện nhanh không thể tả. Chỉ trong 7 tuần, các nhà khoa học quốc tế
phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận diện và giải mã được toàn bộ
chuỗi gien của loài coronavirus mới gây ra SARS. "Đó là một thành tựu khoa học
không có tiền lệ trong lịch sử loài người", tiến sĩ Gerberding - giám đốc Trung
tâm Kiểm soát dịch CDC của Mỹ - nói. Các nhà khoa học liên tục truy cập vào
website của WHO để chia sẻ thông tin về bệnh nhân: các mẫu máu, liệu pháp điều
trị... "Đó đều là những nhà vi sinh học nổi tiếng mà giấc mơ cả đời là phát hiện
ra một virus, đặt tên mình cho nó rồi ẵm một giải Nobel", Klaus Stohr - một nhà
khoa học của WHO - nói. "Song họ đã đều hiểu rằng cơ hội duy nhất để xử lý SARS
là làm việc cùng nhau".
6.-Cần tăng cường giữ gìn vệ sinh cho trẻ đề phòng Entero virus ( Bệnh sưng màng não trẻ em ) Thêm một cháu bé 3 tuổi, sống tại quận 12 (TP. Hồ Chí Minh), vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 với các triệu chứng sốt cao, tiêu chảy, rối loạn tri giác, suy hô hấp, viêm cơ tim... Đây là bệnh nhi thứ 13 ở khu vực phía Nam tử vong với các biểu hiện của hội chứng não cấp. Bà Pascale Prudon, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Việt Nam, cho biết, WHO đã cử chuyên gia đến TP. Hồ Chí Minh để theo dõi các ca mắc hội chứng não cấp ở trẻ em. Tổ chức này đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra kết luận cuối cùng về việc có phải virus Entero là thủ phạm gây bệnh hay không, từ đó sẽ xác định loại thuốc điều trị thích hợp. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa thông báo đến 22 trung tâm y tế quận huyện, phòng khám trên địa bàn về công tác tăng cường tuyên truyền đến người dân việc giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh trong ăn uống cho trẻ. Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, qua biểu hiện lâm sàng, 11 trẻ nhập vào BV Nhi đồng 1 và tử vong vừa qua đều có triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa, bị tiêu chảy. Theo kết quả xác định ban đầu, nguyên nhân gây tử vong có thể nghi ngờ đến hội chứng não cấp do tác nhân Entero virus gây ra. Đây là bệnh có thể lây qua đường tiêu hóa, virus hiện diện trong phân và lây nhiễm vào thức ăn nếu không được rửa sạch tay chân sau khi đi tiêu. Sở Y tế vừa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo việc giữ gìn vệ sinh trong các nhà trẻ, trường học, phòng tránh có thêm những ca tử vong đáng tiếc xảy ra. Ngành y tế đang xúc tiến việc phân lập virus để xác định tên virus cụ thể nhằm đưa ra khuyến cáo chung.
7.-Trái đất không tròn trịa như chúng ta nghĩ Theo quan sát của vệ tinh Topex Poseidon, Trái đất của chúng ta hơi dẹt ở hai cực, và hơi lõm ở đường xích đạo. Theo Christopher Cox, chuyên gia của Trung tâm Vũ trụ Goddart (Mỹ), các đại dương có lẽ là nguyên nhân của những thay đổi các lực hấp dẫn tạo nên sự phình nhiều hay ít ở đường xích đạo và các cực. Bởi vì Trái đất không phải là một khối không thay đổi được hình dáng, mà nó còn có khối chất lỏng là các đại dương trong tư thế quay. Người ta có thể tính được những biến dạng nhờ sự thay đổi quỹ đạo của các vệ tinh. Sự phình ở đường xích đạo được các nhà khoa học cho là giảm xuống vài phần triệu mét mỗi nǎm do sự tan của bǎng. Theo giả thiết của ông Christopher Cox, những thay đổi khí hậu đang làm thay đổi các dòng chảy trong các đại dương. Vệ tinh đo trọng lực Grace mới được đưa lên quỹ đạo sẽ góp phần giải thích rõ hơn hình dáng không thực tròn của Trái đất.
8.-Khám phá ra Enzymer gây ra sự quên (Alzheimer) Những công trình này đã được in ra trong báo Nature do một đội nghiên cứu của Viện Tế bào học ở Zurich, Thụy Sĩ dẫn đầu là Isabelle Mansuy. Theo bà, cho đến giờ này, người ta biết là enzyme PP1 giữ một vai trò trong sự mất trí nhớ mà không biết cái nào.Ðể làm thí nghiệm, những nhà nghiên cứu dùng phương pháp điều khiển gène chuột để giúp sự bế tắc enzyme PP1. Ho khám phá ra rằng những con chuột đã bị ức chế PP1 thì thực tập dễ dàng hơn và trí nhớ tốt hơn những con chuột khác. Những con này có khả năng nhận biết được những đồ vật đặc biệt và tìm lại được chỗ thoát khi bị chìm trong thùng nước màu đục. Ngay cả những chuột già hơn cũng khéo léo hơn khi PP1 bị ngăn chận. Isabelle Mansuy cho là sự khám phá này mở ra con đường để chữa trị những rối loạn về trí nhớ của người già."Cuộc thí nghiệm này chứng tỏ rằng trong não người già, hệ thống phân tử không hoàn toàn bị hủy hoại và những hoạt động về trí nhớ chỉ có thể được phục hồi nếu như diếu tố PP1 bị ngăn chận". Bà lấy làm sung sướng nói.Cuộc nghiên cứu thứ hai cũng trên lĩnh vực não bộ, những nhà nghiên cứu Tô Cách Lan cho ta thấy rằng một sự chuyển gène liên hệ với bệnh Alzheimer cũng có thể làm hỏng năng lực tâm thần của bệnh nhân cho dù họ bình an vô sự do chứng bịnh này gây nên. Trong số 466 người được nghiên cứu thì
có121 người mang gène chuyển APOE E4 làm tăng nguy cơ bệnh Alzheimer. Không một
ai trong số đó đau đớn vì bệnh. Một test thử nghiệm về khả năng trí tuệ cho tất
cả những người 11 tuổi và một test cho tất cả những người 80 tuổi . |
|
Copyright (c) DaiChung News Media 2002
|