|
|
|
Đại Chúng số 121 - ngày 1 tháng 6 năm 2003 |
Lá Thư Tòa Soạn |
Y KHOA và KHOA HỌC Do Hữu học sinh họ Vương ghi lai . 1.-Cá lớn có thể chịu chung số phận của khủng long Những loài cá lớn ăn thịt như cá ngừ, cá kiếm, cá mập đang biến mất dần trên đại dương, với dân số giảm 90% trong 50 năm trở lại đây, các nhà khoa học Canada công bố hôm qua. "Từ những con marlin xanh khổng lồ tới những con cá ngừ vây xanh hung dữ, từ cá nhiệt đới tới cá nam cực, ngành công nghiệp đánh bắt cá đã cọ rửa sạch đại dương", Ransom Myers, nhà sinh vật học tại đại học Dalhousie, Canada, nói. Trong 10 năm, Myers và cộng sự đã điều tra số liệu về ngành đánh bắt cá và các nghiên cứu khoa học để ước tính số cá còn lại trên toàn cầu. Họ nhận thấy từ khi ngành công nghiệp đánh bắt cá bắt đầu phát triển vào những năm 50, chưa tới 10% những loài cá lớn, đại thụ của biển cả, còn sống sót. Những con cá vĩ đại được bất tử hoá trong tác phẩm "Ông già và biển cả" của Ernest Hemingway không chỉ giảm về số lượng mà cả về kích cỡ. Nhiều con chỉ bằng 1/5 so với kích cỡ trước đây. Một số không còn cơ hội sinh sản. Không chỉ những loài cá lớn mà cả những nhóm cá sống tận đáy đại dương như cá tuyết, cá bơn, cá đuối cũng đang suy giảm đáng kể. "Điều này cho thấy nếu chúng ta không giảm việc đánh bắt cá trên diện rộng, các loài cá lớn sẽ phải chịu chung số phận với khủng long", Myers nói. "Cần giảm ít nhất 50% lượng cá bị giết hằng năm để có thể tránh được sự suy vong của những loài cá quý hiếm". 2.-'Chúng ta chẳng có họ hàng gì với người Neanderthal' Đó là tuyên bố mới nhất của một nhóm nghiên cứu Italy. Theo đó, cụ tổ của chúng ta ngày nay, những người Cro-Magnon, thuộc nhóm Homo sapien cổ đại, đã đánh bại người Neanderthal trong cuộc đấu tranh sinh tồn trên vùng đất châu Âu khoảng 40.000 năm trước, mà không hề giao phối chéo với họ. Giorgio Bertorelle và cộng sự đã công bố kết quả này trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ), sau khi so sánh ADN ty thể của hai bộ xương người Cro-Magnon với 4 bộ xương của người Neanderthal. (ADN ty thể là loại ADN nằm ngoài nhân, chỉ di truyền theo dòng mẹ, và cho phép các nhà nghiên cứu lần theo dấu vết của loài qua hàng trăm nghìn năm). Hai bộ xương Cro-Magnon trên được tìm thấy trong hang Paglicci ở miền nam Italy, có tuổi khoảng 23.000-25.000 năm, trong khi 4 bộ xương người Neanderthal cổ có niên đại khoảng 29.000-42.000 năm. Kết quả phân tích cho thấy, hầu như không có điểm chung nào giữa xương người Cro-Magnon và người Neanderthal.Nhóm nghiên cứu tiếp đó lại so sánh thông tin di truyền của hai giống người trên với ADN ty thể của 4 người châu Âu tiền sử (sống cách đây 5.500-14.000 năm) và với một nhóm dữ liệu ADN ty thể của 2.566 người châu Âu và người Cận Đông hiện đại. Lần này, họ cũng không tìm thấy sự tương thích nào giữa người Neanderthal với người tiền sử và người hiện đại. Trong khi ở nhóm Cro-Magnon, có đến 14% trình tự gene trùng hợp với người hiện đại, đặc biệt là những người ở vùng Trung và Cận Đông. Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này chứng tỏ tổ tiên của người hiện đại ngày nay không hề có liên quan (giao phối) với giống người Neanderthal. Nó cũng củng cố giả thuyết Di cư khỏi châu Phi, theo đó, người hiện đại tiến hoá ở Đông Phi và sau đó băng qua vùng Trung Đông để chuyển tới sống ở châu Âu và châu Á. 3.-Cantal - vùng tam giác bí ẩn ở nước Pháp Từ độ cao 800 km, vệ tinh Spot 5 có thể chụp ảnh với độ chính xác chỉ vài mét. Thế nhưng, có một khu vực thuộc vùng Cantal, miền trung nước Pháp, luôn tránh được ống kính của nó. Không những vệ tinh trở nên "mù", các thiết bị điện tử bị hỏng một cách bí ẩn, ở đây còn có những con bò cái chỉ cho sữa đông… Trong bài viết có tựa đề "Vệ tinh Spot thất bại tại Auvergne" hồi tháng 9/2002, tờ báo địa phương Cantal Hebdo đã cho đăng tải bức ảnh vệ tinh của vùng Jussac. Trên ảnh có một vết đen hình tam giác che phủ một diện tích vài kilomét vuông. Tác giả bài viết giải thích: "Vết đen đó là một bí ẩn. Chúng tôi chỉ biết rằng vệ tinh không có lỗi. Khu vực đó đã được chụp nhiều lần bởi nhiều vệ tinh khác nhau từ giữa thập niên 1980. Tam giác được thấy trên mọi bức ảnh, nhưng phải dùng kính lúp mới nhận ra được. Thật ra nếu ông thị trưởng Laroquevieille không yêu cầu phóng to bức ảnh của xã ông, có lẽ chẳng ai nhận ra được điều bí ẩn đó". Từ đó tam giác Cantal lọt vào tầm mắt của giới khoa học. Tháng 11/2002, một nhóm nhà khoa học đã đến tận nơi này để tìm hiểu, nhưng không đưa ra giả thuyết nào để giải thích vết đen bí ẩn đó. Trước hết, họ dò hỏi các cư dân trong vùng, và ghi nhận đầu tiên là: địa điểm chẳng có gì khác lạ, với những cánh đồng phủ tuyết, một cánh rừng và một cái đầm đông cứng. Nhưng người dân kể lại một vài điều lạ lùng. Một số bò cái gặm cỏ trong khu vực thường bị chảy máu mũi và lại cho toàn sữa đông. Trưởng nhóm nghiên cứu Rémy Larverne cho biết: "Khi chúng tôi bắt đầu đo đạc, tất cả các thiết bị điện tử đều bị hỏng. Điện thoại di động không thu được sóng, còn radio chỉ phát ra tiếng rè rè. Vào sâu trong khu vực chỉ 100 mét, chúng tôi đã đứt liên lạc với thế giới". Những sự cố đó khiến ông nghi ngờ rằng khu vực này có một trường điện từ rất mạnh, làm rối loạn các thiết bị điện tử, gây nhiễu sóng vô tuyến. Trường điện từ còn tác động đến hệ tiêu hóa của bò, khiến chúng thải ra nhiều khí methane và axit hóa sữa. Nhưng người ta chưa xác lập được mối liên hệ nào giữa trường điện từ và hiện tượng bò chảy máu mũi. Nhóm khoa học gia trở lại vài ngày sau đó với các thiết bị chống nhiễm từ. Họ đo được cường độ trường từ là 20.000 Tesla, gấp vài triệu lần địa từ trường. Thế là bí ẩn của tam giác Cantal đã bắt đầu hé lộ. "Nên nhớ rằng ánh sáng cũng là sóng điện từ. Các camera của vệ tinh được trang bị những đầu dò nhạy cảm với trường điện từ. Mà trường điện từ này mạnh hơn ánh sáng rất nhiều nên chúng bị bão hòa và cho ảnh đen", Rémy Larverne giải thích. Phải tìm hiểu nguồn gốc của trường điện từ đó. Nhà địa chất Jean Gergovie nêu giả thuyết: "Thử tưởng tượng một dòng magma đi lên cách mặt đất vài kilomét. Điều này là có thể vì khu vực đó ở gần các rặng núi Puys. Magma chứa nhiều ion. Nếu dòng magma tạo thành một cái vòng, đó sẽ là một cái vòng tích điện mạnh có đường kính vài kilomet. Ai cũng biết rằng một vòng điện sẽ tạo ra một từ trường đi qua nó, có cường độ tương ứng với cường độ dòng điện". Giả thuyết này có vẻ ổn, nhưng không giải thích được hình dạng tam giác của khu vực. Hiện thời dân cư tại Laroquevieille dường như khá tự hào về khu vực có hình tam giác này của họ. Nhưng có lời đồn rằng nơi này có thể trở thành sào huyệt của bọn tội phạm, bởi vì những kẻ vượt ngục có thể lẩn trốn vào đây, và cảnh sát sẽ bó tay vì truyền tin điện thoại của họ không thể hoạt động được. Thực hư điều này chưa rõ, nhưng các dự án nghiêm túc cho vùng tam giác bí ẩn trên thì rất nhiều. Trường điện từ không gây khó khăn gì, vì chỉ cần lót dây thép vào trong tường cũng đủ để cách ly nhà. Một hiệp hội bảo vệ môi trường đã chính thức yêu cầu UNESCO công nhận tam giác Cantal là di sản thế giới, nơi duy nhất trên trái đất mà "người ta có thể nằm ngủ giữa trời mà không bị quan sát từ trên cao". 4.-Tính cách thay đổi theo tuổi tác Câu ngạn ngữ càng về già người ta càng khôn ngoan có thể chứa đựng phần nào sự thật. Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết như vậy, sau khi kiểm tra trên 5 đặc điểm tính cách chính. Lập luận này tương phản với quan niệm truyền thống lâu nay, cho rằng cá tính của con người định hình và đóng khung ở tuổi 30. Sanjay Srivastava, một nhà tâm lý học tại Đại học Stanford, California (Mỹ), và cộng sự đã khảo sát trên 130.000 người về 5 đặc điểm tính cách chính, gồm sự chu toàn, sự ân cần, sự sợ hãi, tính cởi mở và sự hướng ngoại, là những đặc điểm không phụ thuộc vào các nhân tố bên ngoài, như tâm trạng. Cho tới nay, rất nhiều nhà tâm lý vẫn tin rằng 5 dạng tính cách trên là bẩm sinh, và không thay đổi hoặc thay đổi rất chậm sau 30 tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới lại phỏng đoán con người ta không chỉ tiếp tục thay đổi sau mốc tuổi ấy, mà theo một nghĩa nào đó còn biến chuyển mạnh hơn. Nhìn chung, người ta có xu hướng trở nên thích nghi tốt hơn với sự lên xuống của cuộc sống. Đặc biệt, càng về già, họ càng dễ thông cảm và quan tâm hơn. Những người thí nghiệm thuộc lứa tuổi từ 21 đến 60, phải trải qua một cuộc kiểm tra tâm lý trên Internet. Kết quả này sau đó được so sánh với những nghiên cứu không phải trên mạng, trong các sinh viên đại học, để đảm bảo rằng nó mang tính đại diện. Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy, sự sợ hãi giảm dần theo tuổi tác ở nữ giới, nhưng đàn ông thì không. Tính cởi mở cũng giảm nhẹ theo tuổi, nhưng trên cả hai giới. Bên cạnh đó, người ta có xu hướng bộc phát sự chu toàn (thể hiện trong công việc, bao gồm khả năng giải quyết các nhiệm vụ và tổ chức) trong độ tuổi 20. Ngoài ra, sự ân cần (chứa đựng thiện ý và nhiệt tình) tăng trung bình trong hầu hết những người ở độ tuổi 30. Srivastava cho rằng những thay đổi về tính chu toàn hay sự ân cần phản ánh những thay đổi trong công việc và gia đình: Ở độ tuổi 20, người ta thực sự gia nhập vào xã hội và tiến bộ nhanh chóng trong công việc, do đó, sự cầu toàn sẽ tăng cao. Còn tính ân cần trùng hợp với thời điểm khi họ bắt đầu xây dựng gia đình, là nơi mà con người quan tâm đến nhau hơn cả. Tuy nhiên, cũng theo Srivastava, khó mà tách biệt được tính cách tự nhiên và những ảnh hưởng của xã hội lên quá trình phát triển nhân cách của con người. 5.-Chim thành phố quên mất cách hót Những con chim sống tại các khu vực đô thị sầm uất như cổ đỏ, sẻ, hồng tước, két không thể nào nghe được tiếng hót của mình trong mớ âm thanh hỗn độn phát ra từ các phương tiện giao thông và các công trình xây dựng. Theo Wolfgang Rauh, phát ngôn viên của tổ chức Austrian Traffic Club, nghiên cứu của họ cho thấy những con chim cổ đỏ làm tổ gần với đường phố hót ít hơn những đồng loại may mắn sống ở nông thôn. "Chúng không thể gân cổ hót để át đi tiếng còi ầm ĩ của xe cộ", Rauh nói. Những con chim sống gần đường phố nhộn nhịp cũng không thể nghe thấy nhau. Con non là bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả bởi chúng gặp khó khăn trong việc học các điệu hót. Đối với những đôi chim uyên ương thì tình huống này thật tai hại. Vào thời điểm làm tình, con đực cần phải hót một vài giai điệu để hấp dẫn con cái. Nhưng ngày càng nhiều con đực không nghe nổi tiếng của mình, hoặc chưa được học phải bắt đầu giai điệu từ đâu. Vì vậy một số giống nòi có thể đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. 6.-Kali duy trì sức nóng trong nhân trái đất Lõi sắt ở tâm trái đất có thể nóng hơn nhiều so với suy đoán trước kia của các nhà khoa học, bởi ở đây chứa một lượng đồng vị kali phóng xạ lớn, có thể sản sinh lượng nhiệt khổng lồ khi bị phân rã ra. Một nhà khoa học Mỹ vừa tuyên bố. Hiện tượng phân rã phóng xạ từ lâu đã được các nhà khoa học liên hệ với tuổi của trái đất và tuổi của từ trường bao quanh nó. Năm 1907, nhà phóng xạ học tiên phong người Mỹ B. B. Boltwood nhận ra rằng sự phân rã của các nguyên tố phóng xạ đã bổ sung một lượng nhiệt lớn trong lòng trái đất, làm chậm lại quá trình nguội đi của nó. Điều này chứng tỏ hành tinh của chúng ta phải có từ rất lâu, thậm chí là hàng tỷ năm trước. Còn năm ngoái, Christine Gessmann và Bernard Wood thuộc Đại học Bristol, Anh, giả định rằng, nhiệt sinh ra trong quá trình phân rã đồng vị kali phóng xạ ở nhân trái đất đã giúp nó duy trì được từ trường qua vài tỷ năm, như ta thấy ngày nay. Có rất nhiều kali trong lòng trái đất, nhưng người ta không rõ bao nhiêu trong số chúng có thể xâm nhập vào trong lõi sắt. Nghiên cứu mới đây của V. Rama Murthy, thuộc Đại học bang Minnesota ở Minneapolis, và cộng sự đã làm sáng tỏ được phần nào điều đó. Nhóm của Murthy đã đo đạc lượng kali di chuyển từ một lớp silicát nóng chảy (giống như lớp đá nóng manti) vào trong một khối sắt nóng chảy giàu lưu huỳnh (như nhân trái đất) ở nhiệt độ và áp suất gần với điều kiện tại ranh giới giữa hai lớp manti-nhân. Họ tính ra rằng lượng kali đi vào khối sắt lỏng không khác mấy so với dự đoán của Gessmann và Wood. Lượng kali này là rất lớn, và sản ra nhiệt lượng bổ sung không nhỏ ngoài nhiệt lượng sẵn có từ khi trái đất được sinh ra. Phát hiện này sẽ giúp giải thích về nguồn gốc của những ống magma khổng lồ đang phun lên mặt đất. Chẳng hạn, nếu tâm trái đất nóng hơn, thì có nghĩa là những cột magma này có thể xuất phát từ rất sâu trong lớp manti. 7.-Canada đã ngăn ngừa SARS thành công Hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định rằng không còn dấu hiệu lây lan SARS ở Toronto - điểm nóng dịch bệnh của nước này. Như vậy, sau Việt Nam, Canada là nước thứ hai chính thức dập tắt được dịch. Chính phủ Canada hứa sẽ tiếp tục cảnh giác về khả năng SARS từ bên ngoài vào lãnh thổ. Chính phủ Canada rất hoan nghênh việc WHO chính thức xóa tên nước này trong khuyến cáo đi lại bổ sung vào ngày 24/4. Họ khẳng định rằng đó là "sự xác minh tuyệt đối" cho những nỗ lực vượt bậc của Canada trong cuộc chiến với SARS. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Canada, bà Anne McLellan khẳng định, quốc gia này sẽ không lơ là trong công tác sàng lọc SARS tại các cửa khẩu quốc tế, do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn rất căng thẳng. "Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể xoá tan mọi cố gắng khống chế dịch SARS của Canada trong thời gian qua", bà nói. Nước này đã ghi nhận trường hợp nghi nhiễm SARS cuối cùng vào ngày 20/4. Như vậy, hiện ở đây còn tổng cộng 138 ca nghi nhiễm, trong đó có một trường hợp nguy kịch. 8.-Diễn biến SARS ở Canada Virus SARS lần đầu tiên đặt chân tới đây qua một công dân Canada, sau chuyến du lịch tới Hong Kong. Bà nhiễm bệnh vào ngày 21/2, từ vị bác sĩ Quảng Đông - người được coi là nguồn lây SARS đầu tiên trên thế giới. Tại Canada, sau khi làm tử vong người phụ nữ này cùng một con trai, SARS bắt đầu lan nhanh ra toàn bộ một bệnh viện thuộc tỉnh Ontario. Chỉ vài ngày sau, thành phố Toronto thuộc tỉnh đã trở thành điểm nóng dịch viêm đường hô hấp cấp của thế giới. Vào ngày 15/3, Tổ chức Y tế thế giới đã ban bố khuyến cáo hạn chế đi lại đầu tiên trong lịch sử của mình, trong đó có Toronto cùng với một số nước khác ở châu Á. Lúc này, thế giới vô cùng hoang mang về một căn bệnh hô hấp kỳ lạ, có khả năng cướp đi sinh mạng của con người chỉ trong vài ngày. Số ca tử vong và nhiễm bệnh trên thế giới tăng lên theo từng giờ. Trong khi y học vẫn còn chưa nhận dạng được kẻ giết người nguy hiểm, ngày 12/4, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Khoa học Hệ gene Canada tuyên bố: Đã giải mã thành công bộ gene của virus lạ. Đó chính là một biến thể của coronavirus - họ siêu vi trùng chuyên tấn công hệ hô hấp của động vật, nay đã đột biến và trở nên hung hãn hơn khi chuyển sang con người. Kết quả nghiên cứu của Canada đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến với căn bệnh SARS của nhân loại. Ngày 24/4, WHO đã điều chỉnh danh sách các điểm nóng dịch bệnh trong bản khuyến cáo đi lại, sau khi nhận thấy tình hình SARS ở một số quốc gia đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, thành phố Toronto vẫn bị WHO xem là điểm nóng, cùng với những khu vực khác như Bắc Kinh và Sơn Tây của Trung Quốc. Điều này khiến chính phủ Canada hết sức phẫn nộ. Họ cho rằng WHO đã không đánh giá đúng thực trạng dịch bệnh của nước này. Bản khuyến cáo còn tiếp tục gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của Canada. Chỉ chưa đầy 3 tháng, tỷ lệ thất nghiệp ở đây tăng vọt, do các khách sạn, ngành du lịch và cơ quan y tế phải cắt giảm hàng loạt nhân công. Để cứu vãn tình hình, chính phủ Canada đã tổ chức nhiều cuộc gặp với WHO. Họ đã cố gắng giải trình về những số liệu dịch bệnh trên lãnh thổ và làm mọi cách để tổ chức y tế này thấy rõ những dấu hiệu tích cực về dịch SARS ở đây. Cuối cùng, Canada cũng đã thuyết phục được WHO tạm thời dỡ bỏ Toronto ra khỏi khuyến cáo đi lại vào ngày 29/4. Và chỉ hơn 1 tuần sau, WHO đã chính thức tuyên bố: Canada đã khống chế thành công SARS. Lúc này, thành phố Toronto - nơi có nền kinh tế chiếm khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc dân của Canada - đang tìm mọi cách hạn chế những thiệt hại do SARS gây ra. Chính quyền thành phố đã tăng cường các biện pháp thu hút khách du lịch trở lại như quảng cáo, hạ giá các dịch vụ liên quan và tổ chức nhiều sự kiện giải trí. Tuy nhiên, theo dự báo của Ngân hàng Canada, tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm ở đây sẽ còn kéo dài đến hết 2 năm nay 9.-Đức tìm ra enzyme làm nhiệm vụ phát tán virus SARS Loại enzyme đặc biệt này được virus SARS sử dụng để giành quyền kiểm soát một tế bào chủ và buộc tế bào đó phải tạo ra những bản sao virus mới. Phát hiện sẽ giúp các nhà khoa học nhanh chóng tìm ra một chất có khả năng ức chế hoạt động của enzyme, và nhờ đó ngăn chặn được sự lan truyền của virus SARS trong cơ thể người bệnh. Tiến sĩ Rolf Hilgenfeld, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hóa sinh, Đại học Lubeck (Đức) cho biết, họ đã phát hiện ra điều này sau khi tìm hiểu cấu trúc tinh thể enzyme protease của một thành viên trong họ coronavirus gây bệnh cảm lạnh thông thường ở người và một thành viên khác gây bệnh ở lợn. Theo tiến sĩ Hilgenfeld, việc vô hiệu hoá enzyme này không có nghĩa là ngăn chặn được sự thâm nhập của virus SARS, mà chỉ giúp kìm hãm sự lây lan của nó ra toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, đây có thể coi là một mục tiêu quan trọng cho loại thuốc trị SARS trong tương lai. Mục tiêu tiếp theo của nhóm nghiên cứu sẽ là tìm ra chất ức chế enzyme protease. Cùng lúc đó, bên kia bờ Đại Tây Dương, tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ đang thử nghiệm một phân tử có tên gọi AG7088 để đối phó với rhinovirus - thủ phạm chính gây cảm lạnh ở người. Theo tiến sĩ Hilgenfeld, điều đáng nói là các enzyme của rhinovirus có nhiều điểm tương đồng với coronavirus. Vì thế, AG7088 cũng có thể kìm hãm sự phân bào của virus SARS. Nếu điều này được xác nhận, đây sẽ là một sự khởi đầu tốt đẹp cho quá trình phát triển chất ức chế.Tuy nhiên, ông Hilgenfeld nhận định: "Vẫn còn một vài mâu thuẫn nhỏ giữa chất ức chế AG7088 và cấu trúc protease chủ yếu trong virus SARS. Vì thế, chất này cần phải được điều chỉnh thêm trước khi được chọn là một trong những thành phần chính của thuốc đặc trị SARS". Ông cho biết, một chất ức chế SARS đáng tin cậy có thể sẽ ra đời trong vài tháng tới, còn thuốc đặc trị thì phải mất thêm một vài năm nữa. 10.-Câu hỏi liên quan đến Cúm cãm : ( vì bệnh SARS là bệnh liên quan đến đường hô hấp, làm nạn nhân nóng sốt , còn bệnh cúm cũng vậy . Sau đây vài câu hỏi liên quan đến bệnh đường hô hấp nầy .Hòi : Con tôi từ khi lên 4 tuổi, cháu luôn bị sổ mũi, ho sốt. Có phải đó là bệnh cúm? Bênh cúm có nguy hiểm không? Trả lời : Bệnh cúm là do siêu vi gây nên, có những triệu chứng tương tự như sổ mũi, đau họng, ho, sốt khoảng 38độ C, lạnh run, đau nhức toàn thân và kéo dài từ 3 - 4 ngày. Cúm kéo theo sốt cao, hiếm khi có biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Tuy nhiên, cũng như trong mọi bệnh nhiễm siêu vi, khi sức đề kháng tự nhiên trong cơ thể bị giảm sút sinh ra bệnh nhiễm trùng thứ phát như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang... Bệnh cúm sẽ nguy hiểm ở một đứa trẻ phổi yếu, hen suyễn hoặc có bệnh đái tháo đường. Chị hãy đưa cháu đến khám và theo dõi trị bệnh nếu như mỗi lần sốt cháu không hạ nhiệt trong vòng 36 giờ hoặc sau 48 tiếng bệnh tình cháu nặng hơn. 11.-Kỷ niệm 50 năm , ngày tìm ra DNA Năm mươi năm trước đây, ngày 25/4/1953, tạp chí khoa học Nature của Mỹ đã đăng công trình nghiên cứu của James Watson và Francis Crick, hai nhà sinh học tại Trường Đại học Cambridge miêu tả về mô hình cấu trúc của DNA Với công trình nghiên cứu này, hai nhà khoa học đã được ghi danh là những người tiên phong tìm ra "bí mật của sự sống". Watson và Francis Crick đã được trao thưởng Nobel cho công trình nghiên cứu của mình, cùng với Maurice Wilkins của Trường đại học Hoàng gia Luân Đôn - người đã thực hiện một loạt thí nghiệm liên quan tới DNA sau đó. Ngoài ra, một người có công rất lớn nhưng ít được nhắc tới là Rosalind Franklin. Ông đã chết vì ung thư trước khi những đóng góp của ông được công nhận. Ngay từ những năm trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nhà khoa học đã dự đoán về sự tồn tại của một loại phân tử bí mật, mang thông tin di truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác. Nhưng trước khi Watson và Francis Crick công bố công trình nghiên cứu của mình, không ai hiểu phân tử bí mật đó (DNA) có cấu trúc và làm việc như thế nào,năm sau phát minh của Watson và Francis Crick đã được đánh dấu bằng một sự kiện trọng đại khác, các nhà khoa học đã giải mã hoàn toàn được cấu trúc của gen người. Đây là kết quả của một dự án lớn, giúp chúng ta có thể nhìn vào từng con chữ của "cuốn sách cuộc sống" DNA, gồm khoảng 3 tỉ con chữ khác nhau. |
|
Copyright (c) DaiChung News Media 2002
|