Đại Chúng số 121 - ngày 1 tháng 6 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Cuộc Chiến Chưa Tàn
Thế Giới Và Bình Luận
Mỗi Tuần Một Đề Tài
Việt Nam Trung Tâm Nông Nghiệp
Bạn Có Biết
Y Khoa Và Khoa Học
Mèo Hay Thỏ
Yếm Vải Xứ Thanh
Hội Thơ Xuân Quí Mùi
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Những Bệnh Về Kinh Nguyệt
Vườn Thơ
Vũ Điệu Con Hổ
Vấn Đề Thờ Cúng Tổ Tiên
Đọc Báo Dùm Bạn
Thư Gởi Ông Mai Vàng
Thư Ngỏ của Nguyễn H Luyến
Thông Cáo Cộng Đồng Người Việt ở Pháp

 

MÈO HAY THỎ!

Văn Bá

Năm Mão người Việt Nam gọi là năm mèo, người Trung Hoa cho là năm thỏ.

 

Tôi nhớ mang máng cách nay trên năm mươi năm, một nhà báo Sài Gòn có đưa giả thuyết là theo một học giả Trung Hoa thời xưa thì mèo là thỏ. Mong các nhà khảo cổ Việt Nam đương thời thông thạo Hoa-văn tìm xem học giả Trung Hoa ấy là ai.

NgườI Trung Hoa thích ăn thịt mèo. Ngày chúng tôi sang Quảng Châu cách đây mươi năm, thấy trong chợ bán đầy mèo con nhốt trong lồng sắt, mỗi lồng chứa độ bốn năm chục con. Anh hướng dẫn viên ngườI Trung Hoacho biết là mèo bán để ăn thịt. Một món đặc biệt của Quảng-Đông là mèo nấu với rắn gọi là "Hổ Long giao chiến" (Bataille entre Tigre et Dragon). Có người trong bọn du khách chúng tôi phàn nàn, thì anh hướng dẫn viên trả lời :"Ở Âu-châu các ông ăn thịt ngựa, còn ghê tởm hơn."

Người Việt Nam không ăn thịt mèo, nhưng thịt thỏ thì không từ chối. Người ăn thịt thỏ nhiều nhất mà tôi được biết là anh Trần, anh họ của tôi. Anh hơn tôi mười tuổi. Bác tôi là địa chủ giầu "nứt đố đổ vách", tranh được chức "Hội đồng" rồi lên "Huyện". Tiền tài, danh vọng, lại thêm quý tử : anh Trần cao lớn, đẽp trai, thông minh, hiếu học. Đỗ tú tài đôi năm mười chín tuổi, anh đòi cha mẹ cho sang Pháp du học.

Bác gái thì nhất định không chịu :"Cho nó đi Hà Nội học luật cho gần, mỗi năm nó về thăm nhà tôi mới yên lòng."

Anh Trần cãi lại :"Trường Luật Hà Nội ai vào học cũng được. Sinh viên không có tú tài cũng được vào học*. Trình độ như thế thấp kém lắm ; vả lại, con muốn học đến tiến sĩ luật, trường Luật Hà Nội chỉ có đến cử nhân."

Bác trai mơ ước cho con một điạ vị cao xa hơn trong xã hội. Con hơn cha là nhà có phước. Đang phân vân chưa biết tính sao thì có người mách bác kế hay là nhờ thầy bói đoán cho một quẻ. Thầy bói nhìn anh Trần, hỏi giờ, ngày tháng năm sanh, coi chỉ tay, rồi gieo quẻ :"Cău này ngày sau sẽ là tôi lương đóng của triều đình, một cột trụ của giang sơn. Cung mạng tuyệt hảo, có quới nhân phù hộ.Vượt bể trèo non lên nguồn xuống thác, lúc nào cũng gặp may."

Bác gái mừng quá, thốt lên :"Thưởng cho thầy một trăm đồng bạc !"

Bác trai còn thắc mắc :"Thầy xem bên Âu-châu những năm sắp đến có được yên không ?"

Thầy bói trả lời :"Điều này tôi phải xem thiên văn tối nay. Ngày mai trả lời."

Trước khi từ giã, thầy ngập ngừng hỏi :"Âu-châu ở về hướng nào nhỉ ?" "Thưa thầy hướng Tây !"

Hôm sau thầy đến đem tin mừng :"Âu-châu đang ở vào một giai đoạn thái bình thạnh trị."

Bác gái mừng rỡ, thưởng thầy một trăm đồng nữa.

Ai nấy yên lòng và anh Trần sắp sửa hành lý xuống tàu đi Pháp.

Bác trai là người cẩn thận lo xa, cho con xuống Montpellier miền Nam nước Pháp khí hậu ôn hoà hạp với người Việt. Bác gửi một số tiền to tát vào nhà băng Pháp để nếu có rủi ro có chiến tranh thì anh Trần vẫn có thể sống dư giả trong mười năm.

Hai tháng sau, gia đình được thư anh Trần cho biết anh ngụ tại "Pension Dupont" (Chez Dupont tout est bon). Ông Dupont chủ nhà trọ rất tử tế, lo việc ăn ở cho anh rất chu đáo, và anh đã ghi tên vào trường Luật. Hai Bác an lòng, thì những tin không tốt dồn dập hiện trên mặt báo : Nước Đức thôn tính nước Áo ; Nước Đức xâm chiếm Ba-lan.

Nước Pháp xây chiến lũy Maginot, một công trình vĩ đại. Tướng Gamelin thách quân Đức :"Ai dám tấn công chiến lũy Maginot, tôi sẽ thưởng một triệu quan !" Các báo ca tụng chiến lũy Maginot không ngớt. Học sinh tiểu học như bọn chúng tôi chưa hơn mười tuổi mà cũng nghe tiếng. Giờ chơi, ở sân trường, học sinh chúng tôi lượm đá, bẻ cây, đắp mô đất, xây "chiến lũy Maginot" và chia nhau làm hai tốp : một tốp giả làm quân đội Đức, một tốp làm quân đội Pháp. Đức tấn công, Pháp phòng thủ. Một hôm "quân Đức" quá hung hăng tràn qua chiến lũy và reo lên :"Chiến lũy Maginot bị thủng !" Thầy giáo đang ngồi trong lớp chạy ra hét lớn :"Chúng bay muốn bị tù mọt gông hả ?! Lựa trò khác mà chơi !"

Chiến lũy Maginot không hề bị thủng, nhưng quân đội Đức tràn qua Pháp như nước vỡ bờ. Tin giật gân trên các báo : Thành phố Amiens và thành phố Arras đã vào tay quân địch.

Bác gái khóc hu hu :"Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Liệu con tôi có tránh được làn tên mũi đạn không đây

Bác gái đang rầu buồn, thì vài hôm sau bác trai hớn hở báo tin :"Thống chế Pétain đã ký hoà ước với Đức. Đức chiếm đúng nửa trên nước Pháp, nửa dưới là vùng tự do, có chi mà phải lo sợ."

Rồi Nhựt vào Đông Dương, ít lâu sau lật đổ chánh phủ Pháp và gây trận đói kinh khủng ở miền Bắc.

Kế đó, Đồng-minh đổ bộ lên đất Pháp, đánh lui Đức. Đức đầu hàng nhưng Nhựt chưa đầu hàng.

Bác gái cứ than thở :"Biết bao giờ mới hết giặc cho con tôi trở về ?"

Bác trai an ủi :"Theo lời sấm Trạng Trình năm nay là hết giặc : Thân Dậu niên lai kiến thái bình." "Năm nay là năm Dău rồi đó ông ơi !" "Nhưng phải chờ đến tháng Thân ! Lời sấm rành rành : Thánh Thân năm Dậu là hoà bình !"

Và đúng như thế, tháng Thân năm Dậu thì Nhựt đầu hàng Đồng-minh.

Nhưng thái bình chẳng thấy. Loạn lạc lại bi đát hơn. Hai bác suýt lâm tai nạn, phải tản cư lên Sài Gòn, sống chật vật, nhưng rất vui mừng nhận được tin con trai đã xong Tiến-sĩ Luật và sắp về nước.

Ngày anh Trần về nước, tuy hai bác không còn giầu có như ngày xưa, nhưng cũng làm tiệc đãi họ hàng. Tôi nhận thấy anh Trần tươi thắm hồng hào, hỏi thì anh cho biết không hề bị thiếu thốn về vật chất trong lúc chiến tranh ở Âu-châu. Mặc dầu thực phẩm bị hạn chế, nhưng có tiền anh mua chợ đen nên lúc nào cũng no bụng.

Ông Dupont chủ nhà trọ bàn với anh nếu muốn ăn thêm thịt thỏ, thì ông bảo một chủ trại ở nhà quê mỗi tuần đem ra một con thỏ, nhưng phải trả tiền rất đắt. Anh đồng ý, và mỗi sáng Chúa Nhựt một người nhà quê đi xe đạp đem rau cải và một con thỏ đến nhà trọ Dupont. Ông chủ nhà gọi anh xuống xem con thỏ béo tốt, và nói bà bếp sẽ nấu civet hay chiên moutarde tuỳ sở thích của anh.

Bà con không ngớt lời khen anh, và ước mong anh được một ghế bộ trưởng : một người làm quan, cả họ được nhờ. Nhưng ghế bộ trưởng rất hiếm. Nhờ người quen tiến cử, anh Trần được tùng sự tại bộ ngoại giao.

Mười năm sau, nhân dịp đi công cán tại Pháp, sau khi xong công việc, anh nhớ tớI ông Dupont và thần nghĩ :"Phải xuống Montpellier thăm ông Dupont, và cám ơn ông ta."

Anh trở lại "Pension Dupont" thì quán trọ đã đổi tên thành "Chez Hubert". Ông Dupont đã về hưu lâu rồi, và chính bà đầu bếp Hubert đã mua lại cơ sở.

"Tiếc quá không được gặp ông Dupont để hàn huyên chơi và cám ơn ông. Tôi còn nhớ mãi trong lúc hạn chế thực phẩm mà mỗI Chúa Nhựt được ăn thịt thỏ, thật là quí hoá."

Bà Hubert bật cười giòn :"Ông bị ông Dupont gạt mà không ai dám nói. Thỏ đâu mà làm cho ông ăn. Thịt mèo đó ông ơi ! Tại sao ông không nhìn kỹ. Chỉ có một con thỏ do người cháu ông Dupont Chúa Nhựt nào cũng đem ra rồi đem về. Còn mèo thì quanh đây hiếm chi !"

Anh Trần nghe xong mửa mật xanh mật vàng, nổi mề-đay đầy mình, và kêu ngao ngao như mèo ! Anh định tìm ông Dupont để trị một trận, nhưng ông Dupont về hưu tận trong miền núi Pyrénées, và anh Trần thời gian công tác cũng hết hạn đành quay về Việt Nam.?

 

Chú thích :
* Chánh quyền thờI bấy giờ cho sinh viên có bằng Trung-học (Diplôme hoặc Brevet élémentai-re) vào học luật hoặc y khoa. Khi ra trường, họ được bằng "Cao-đẳng Luật học" hoặc "Y sĩ Đông Dương".

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002