Đại Chúng số 121 - ngày 1 tháng 6 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Cuộc Chiến Chưa Tàn
Thế Giới Và Bình Luận
Mỗi Tuần Một Đề Tài
Việt Nam Trung Tâm Nông Nghiệp
Bạn Có Biết
Y Khoa Và Khoa Học
Mèo Hay Thỏ
Yếm Vải Xứ Thanh
Hội Thơ Xuân Quí Mùi
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Những Bệnh Về Kinh Nguyệt
Vườn Thơ
Vũ Điệu Con Hổ
Vấn Đề Thờ Cúng Tổ Tiên
Đọc Báo Dùm Bạn
Thư Gởi Ông Mai Vàng
Thư Ngỏ của Nguyễn H Luyến
Thông Cáo Cộng Đồng Người Việt ở Pháp

Tiếp lời giới thiệu

Trước tình cảnh gia vong quốc phá,
Cố nâng cao văn hoá cho dân.
Nam Phong phổ biến xa gần :
Bảo tồn quốc túy, chuyên cần tiếng ta.
Vì giúp nước cứu nhà hoạn nạn
Kiều với Quỳnh dầy dạn như nhau,
Đào tơ, quân tử, nát nhàu,
Giấy hoen, hồn giữ một màu trung trinh.

Bình Huyên

 

Cô Kiều với Phạm Quỳnh

GS PHẠM THỊ NHUNG

Kỳ 3

2.3. Những Tháng Năm Làm Báo Nam-Phong (1917-1932)

 

2.3.1 Lý Do Thành Lập Báo Nam Phong Năm 1917 phủ Toàn-Quyền Pháp, qua đại diện Louis-Marty, đề nghị Phạm Quỳnh đứng ra lập một tờ báo quốc văn làm cơ quan tuyên truyền tin tức trong nước.

"Mục đích chính trị cấp thời (là) phục vụ cho việc chiến thắng của Pháp trong trận giặc bấy giờ à Marty cũng nhắm một mục đích lâu dài hơn, là đem cái hay cái đẹp của văn minh Pháp tuyên truyền ra dân chúng dưới khẩu hiệu "khai hoá", gây một cơ sở vững chắc là cơ sở tinh thần cho cuộc bảo hộ."

Trước đề nghị ấy, Phạm Quỳnh nghĩ gì ? Nói một cách khác, đâu là những lý do chính yếu khiến Phạm Quỳnh chấp nhận đứng ra thành lập Nam-Phong Tạp-Chí ?

Qua bài phỏng vấn của Đào Hùng trên báo Phụ-Nữ Tân-Văn, Sài Gòn ngày 18-6-1931, Phạm Quỳnh cho biết : "Tôi sở dĩ nhận mở báo Nam-Phong là vì chính phủ tự lòng cho phép chớ không phải tôi yêu cầu. Vả tôi cũng muốn lợi dụng làm một cơ quan bồi bổ quốc văn." (Tài liệu Phạm Thế Ngũ, Lịch Sử Văn Học Việt Nam, q.III, Phạm-Thế xb 1965, in lần thứ 3, Phạm Ngũ Lão 1972)

Và qua một số bài của Phạm Quỳnh đăng rải rác trên Nam-Phong, ta dần dần phanh phui thêm được những lý do khác đã đưa ông tới quyết định chấp nhận hợp tác với Pháp thành lập tờ báo Việt ngữ này.

Thật thế, trong hoàn cảnh quốc phá gia vong bấy giờ, Phạm Quỳnh nhận thấy, Pháp không chỉ đánh bại ta bằng vũ lực, mà còn đang tấn công ta trên mặt trận văn hoá và giáo dục. Cái học cũ nay mai được bãi bỏ, cái học mới mỗi ngày một tràn lấn, các tư tưởng văn hoá tây phương đang được Pháp chủ tâm truyền bá sâu rộng trong đại chúng. Vẫn hay cái học mới ấy, những tư tưởng cấp tiến và thực tiễn của tây phương ấy, bấy giờ rất cần thiết cho ta trên đường văn minh tiến bộ để theo kịp người, các nhà ái quốc chẳng đã nhận thấy như thế, nên nhất trí cổ võ, truyên truyền đó sao ? Nhưng ta cần phải hiểu rằng chính nó cũng đang phá hoại tận gốc rễ ý thức hệ của dân tộc ta, đang làm sáo trộn xã hội ta.

Theo Phạm Quỳnh, nếu "đồng nhân" không được đưa đường, chỉ nẻo, thì sẽ dễ dàng đi vào cao trào duy tân một cách hấp tấp, vô ý thức, dần dần sẽ đi đến tình trạng bị "tiêu hồn", "mất gốc", "tây hoá", đúng theo sở ý của thực dân Pháp. Đó mới thập phần nguy hại, vì "xưa kia có mất nước, song hồn hãy còn, mà hồn còn thời nước không đến nỗi mất hẳn, nay có khác là nước mất mà hồn cũng thoi thóp thời nguy hiểm biết dường nào !"

Nhìn thấy trước mắt cả một "xã hội sốc nổi" giao thời Âu Á, cựu tân, bày ra lắm trò lố lăng, "thương phong hoá, bại cương thường", Phạm Quỳnh không khỏi rùng mình. Ông thầm nhủ :"Vận mệnh là vận mệnh chung cả một nước, mỗi người tất có một phần trong cái vận mệnh ấy à Mỗi người phải tuỳ theo sức, ghé vai mà gánh vác." Riêng ông :"Đường học mới được thiệp-liệp đôi chút, nền nếp xưa chưa đến nỗi xao lãng hẳn, tưởng cũng có một phần việc nhỏ trong cái công lớn lao tô-bồi cho tổ quốc" buổi ấy. Phần việc nhỏ đó chính là "đem hết trí tuệ mà nghiên cứu những vấn đề hiện thời, tìm phương pháp giải quyết cho thoả đáng à chỉ bảo cho đồng nhân biết". Theo Phạm Quỳnh, "nghĩa vụ đó đủ cao thượng, đủ xứng đáng cho kẻ trí thức nước ta tận tụy mà làm cho trọn." (Thơ Cho Bạn, 1919, Thượng-Chi Văn Tập, IV).

Sau hết, Phạm Quỳnh còn có một mục đích tối thiết nữa là dùng tờ báo làm phương tiện vận động, xây dựng văn hoá dân tộc, nhằm phát huy chủ nghĩa quốc gia, và gây lấy tinh thần tự lập cho quốc dân để mong có ngày giải phóng cho dân tộc :"Ta phải tìm cách gây lấy một nền tảng văn hoá riêng, tham bác cả hai tinh thần Âu Á à chính là một sự yếu cần cho lẽ sinh tồn à phải biết rằng dân tộc ta muốn tìm đường giải phóng, tìm đường tự lập, duy có cách đó mới mong kiến hiệu được... Xin quốc dân ta nhớ lấy rằng cứ tình thế nước ta ngày nay, vận động về đường chính trị không bằng vận động về đường văn hoá à" (Bàn phiếm về văn hóa Đông Tây, Nam Phong số 84, 1924).

Tóm lại, theo Phạm Quỳnh "cái vốn chung của một nước chính là gồm những công phu riêng của mỗi người" (Nghĩa Vụ Là Gì, 1917). Như thế không nhất thiết đánh giặc, hoạt động cách mạng mới là yêu nước, mà làm văn hoá có lợicho dân tộc, giúp "cho quốc hồn được tỉnh táo, cho quốc vận được sáng sủa" cũng là yêu nước !

Nhưng muốn hoạt động thì phải có phương tiện, hơn nữa, ngày nay mọi sinh hoạt của ta đều bị chính quyền bảo hộ kiểm soát gắt gao, hoạt động cách mạng văn hoá ôn hoà như nhóm Đông-kinh Nghĩa-thục cũng bị Pháp bóp chết. Vả lại, làm văn hoá không phải là một công tác ngắn hạn, nó đòi hỏi ta nhiều cố gắng và sự liên tục lâu dài. Nay tự dưng Pháp trao vào tay ta cái phương tiện cần có ấy để hoạt động, nó lại là cái bóng cho ta núp, sao ta không nắm lấy, lợi dụng nó để phục vụ cho cái lý tưởng hướng dẫn đại chúng và tài bồi cho nền văn hoá nước nhà ?!

Cái chí đã đặt ở việc nước như vậy nên Phạm Quỳnh biết "lấy việc thịnh suy nước nhà làm trọng hơn sự lợi hại cho mình" (Thư Cho Bạn). Thế là Phạm Quỳnh quyết định chấp nhận thành lập Nam-Phong Tạp-Chí, không quản ngại hợp tác với Pháp, dẫu rằng ợngười sáng lập và bảo trợ cho tờ Nam-Phong lại là Louis-Marty, trưởng toà chính trị phủ toàn quyền !

Phạm Quỳnh tự nghĩ, nếu mình đem hết cả tâm hồn, sức lực ra làm việc, thung dung mà tựu được cái nghĩa cả kia, thì rồi cũng có ngày tấm lòng son của mình đối với quốc gia dân tộc sẽ được quốc dân và sách sử xoi xét thấu.

Khi bắt tay vào việc thực hiện tạp chí Nam-Phong, Phạm Quỳnh đã phải đương đầu với nhiều vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp và tế nhị.

Về thực tế, đây là một tờ báo của người Pháp lập ra, họ nhắm vào một mục đích rõ rệt là muốn dùng tờ báo, một cơ quan ngôn luận, để phục vụ cho quyền lợi chính trị của họ. Nhưng Phạm Quỳnh, chủ nhiệm kiêm chủ bút (về phần Việt ngữ) cùng những người cộng tác với tờ báo Nam-Phong có phải họ chỉ biết nhắm mắt phục vụ cho chủ trương ấy không ?

Tất nhiên là không ! Thật vậy, ngay bìa báo, nếu ta để ý nhận xét một chút, ta sẽ thấy có bao sự lủng củng ở bên trong, từ đó ta có thể đoán ra được là đã có sự tranh chấp giữa người Pháp người Việt, nói rõ hơn, là giữa Louis-Marty và Phạm Quỳnh. Nhưng cuối cùng mọi chuyện đã được dàn xếp, đôi bên đều phải chấp nhận nhau và cùng muốn lợi dụng nhau để tờ báo được ra đời.

Này nhé, trang nhất bìa báo, trên hàng chữ lớn NAM-PHONG được in đậm nét là mấy hàng chữ nhỏ viết bằng chữ Pháp :

L'Information Francaise

La France Devant Le Monde - Son Rôle Dans La Guerre Des Nations

Và ở phần cuối bìa báo là hình con gà trống Gaulois nổi bật trước một hình triện tròn, giữa hai vòng là ba chữ : Liberté-Égalité-Fraternité, biểu tượng và tiêu ngữ của Pháp quốc (xem phóng ảnh đính kèm trang sau).

Giở qua bià báo trang hai, trong phần ghi mục đích báo Nam-Phong, ta đọc được những dòng chữ :

"Mục đích của báo Nam-Phong là thể hiện cái chủ nghĩa khai hoá của Nhà-nước, biên tập những bài bằng quốc văn, hán văn, pháp văn, để giúp sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức trong quốc dân An-nam, truyền bá các khoa học của Thái-tây, nhất là học thuật, tư tưởng Đại-Pháp, bảo tồn cái quốc tuý của nước Việt Nam ta à Báo Nam-Phong lại chủ ý riêng về sự tập luyện văn quốc ngữ cho thành một nền quốc văn An-nam."

Những dòng chữ này còn được đăng đi đăng lại không ngừng trên nhiều số báo Nam-Phong kế tiếp.

Như thế , chủ đích của chính quyền bảo hộ đã được phơi bầy "chình ình" ngay từ số ra mắt của Nam-Phong tạp chí rồi.

- Chủ đích cấp thời là lo việc tuyên truyền cho sự thắng lợi của Pháp trong cuộc Âu-chiến hiện tại.

- Chủ đích thứ hai là thực hiện chính sách khai hoá, gieo rắc văn minh Thái-tây, mà Toàn-quyền Albert-Sarraut đã đề ra.

Còn về phiá người Việt, trên bìa báo đó đã nói lên được những gì ?

 

- Dưới hai chữ tên báo NAM-PHONG in lớn, đậm nét, là hàng chữ nhỏ : Văn Học - Khoa Học - Tạp Chí.

- Liền đó, về phiá tay phải có ghi một câu danh ngôn của Tổng thống Mỹ Roosevelt bằng cả hai chữ Việt và Pháp :"Có đồng đẳng mới bình đẳng được", "Il n'y a que ceux qui sont des égaux qui sont égaux". Phạm Quỳnh coi đó là một châm ngôn nhắc nhở ông nhắm hoạt động của mình vào việc phổ thông giáo dục, nâng cao dân trí cho bằng người để mong sớm đưa dân tộc đến ngày tự do (Phạm Quỳnh trong Độc Thư Tạp Ký còn chép :"Trong kinh Coran của đạo Hồi có lời tuyên ngôn :"Trong bọn tôi tớ nhà ngươi, có kẻ nào biết làm đơn xin giải phóng thì ngươi xét có xứng đáng nên giải phóng cho nó". Hết thảy quyền tự do ở đời không phải kẻ làm chủ làm thày muốn hay không muốn cho mà được à Nói rằng biết làm đơn xin thì sẽ xét cho, nghĩa là trước hết phải biết đọc biết viết đã, phải cố gắng cho tới cái địa vị làm người tự do, biết trách nhiệm à biết bổn phận của mình, bấy giờ chí mình đã quyết thì quyền tự do của mình còn ai lấy được nữa." (Georges Deherme, T.C.V.T. II) )

Và trong đoạn văn nói về mục đích báo Nam-Phong, Phạm Quỳnh ngoài quyết tâm "giúp sự mở mang trí thức", còn chủ trương "Giữ gìn đạo đức trong quốc dân - bảo tồn cái quốc tuý của người Việt Nam - tập luyện văn quốc ngữ cho thành một nền quốc văn An-nam."

Rõ ràng đây chỉ là một vài vấn đề văn hoá của người bản xứ, chẳng dính gì đến chính trị cả, nên cuối cùng Louis-Marty chấp nhận được. Vả buổi ấy chính quyền bảo hộ chẳng đã cho dân An-nam được quyền làm văn hoá "miễn là không phạm đến chính trị thì tha hồ ngôn luận" là gì ? (Chữ dùng trong bài "Luận về chánh học cùng tà thuyết, Quốc văn - Kim Vân Kiều - Nguyễn Du" Ngô Đức Kế, báo Hữu Thanh số 21, ngày 1-9-1924).

Sau này, càng có dịp đọc những bài luận thuyết của Phạm Quỳnh liên quan đến vấn đề quốc văn, quốc học, quốc túy, ta càng hiểu được cái thâm trầm, cái ý nhị của họ Phạm muốn gửi gấm qua mấy câu đơn sơ đó. Phạm Quỳnh muốn nhắn cho độc giả ông biết rằng ông sẽ dùng chúng như một chiến thuật để "bẻ gãy", để "vô hiệu hoá" cái dã tâm của thực dân muốn truyền bá văn minh tư tưởng học thuật Pháp chẳng phải vì lý tưởng khai hoá "nhân đạo" gì, mà thực ra cốt đưa dân ta đến chỗ bị "đồng hoá" để đời đời làm nô lệ cho họ.

Lại nữa, chính những chi tiết xác định tờ Nam-Phong của chính quyền Pháp như vừa được trình bày ở trên, cũng như ở trang hai bìa báo (từ số 20 trở đi), phần giới thiệu những người sáng lập tờ Nam-Phong, tên Louis-Marty được xếp vào giữa Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác (Nguyễn Bá Trác còn là chủ bút phần chữ Nho cho tới khi ông được vời vào Huế làm quan (tháng 9-1919). Kể từ số 27 (9-1919) một mình Phạm Quỳnh lãnh trách nhiệm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Nam-Phong), với cả danh phận "Trưởng toà Chánh trị ở phủ Toàn quyền", Phạm Quỳnh cũng muốn "lưu ý" độc giả của ông rằng : Đã là báo của chính quyền bảo hộ, thì tất nhiên họ đòi hỏi phải có những bài viết nằm trong chính sách của họ, tuyên truyền ca tụng những cái hay cái đẹp của dân tộc họ, khen-lao những việc làm của chính họ. Phạm Quỳnh mong đồng bào sẽ hiểu và thông cảm cho tình cảnh éo le của ông mà đừng chấp nhất đến một số những lời nịnh nọt, tán tụng Pháp trong đó làm chi.

Phạm Quỳnh, một trí thức thông minh, tài hoa, đã phải bôi tro trát trấu ra hợp tác công khai với chính quyền bảo hộ, phải để chính ngòi bút của mình cùng vài ngòi bút khác của Nam-Phong viết một số bài "nịnh tây", hay nói như một số dư luận chống đối bây giờ là "hót tây", làm "bồi tây", hay tệ hơn nữa, là phải "đánh đĩ ngòi bút" để phục vụ cho quan thầy bảo hộ, cũng chỉ vì muốn mua chuộc cảm tình, lấy lòng tin của họ cho mình được yên thân lo việc phù thế giáo, cho mình được yên thân hoạt động văn hoá phụng sự dân tộc. Dầu đã được trang bị bằng những lý lẽ cao thượng thế nào chăng nữa, Phạm Quỳnh vẫn không khỏi có nhiều lúc đau lòng, thương thân, nỗi niềm không thể bày tỏ cùng ai. Cuối cùng ông đã tìm thấy ở cô Kiều một niềm an ủi : một người bạn tâm sự, một người đồng cảnh ngộ.

Như chúng ta đã biết, cô Kiều trong truyện Đoạn-Trường Tân-Thanh của Nguyễn Du là một thiếu nữ thông minh, tài hoa, diễm lệ tuyệt vời ; đã có một mối tình tha thiết với chàng Kim-Trọng ; chỉ vì gia biến, cô phải bán mình cho Mã-Giám-Sinh để lấy tiền hối lộ cứu cha, và giữ được vẹn toàn cho cả gia đình :

Thà rằng liều một thân con

Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.

để rồi bị họ Mã lừa mà phải đầy đoạ trong kiếp gái lầu xanh.

Những đêm về sáng chợt tỉnh giấc, cô Kiều xiết bao tủi thương cho thân phận hiện tại của mình :

Mặt sao dầy gió dạn sương

Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân.

đôi khi cô phải gượng sầu làm vui, nhưng vui làm sao được, vì có ai là người san sẻ nỗi niềm tâm sự :

Vui là vui gượng kẻo mà

Ai tri âm đó, mặn mà với ai.

Như thế, qua một cái nhìn đại cương, ta thấy quả đã có sự tương ứng, trùng hợp giữa Phạm Quỳnh và cô Kiều từ giá trị nội tại, cảnh ngộ éo le đến tâm sự cô đơn. Từ đó ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy trong bài "Cô Kiều với tôi" Phạm Quỳnh đã viết những câu như "Cô Kiều đối với tôi có cái thanh khí thâm trầm à có khi âm thầm não nuột như tiếng gọi xa xăm của một âm hồn "tri kỷ" từ chín suối đưa lên à tưởng như người ấy sống luôn bên mình". Và mới hiểu vì sao trong nhiều đoạn văn viết bất cứ dưới đề mục nào, Phạm Quỳnh cũng thường xen vào một hai câu thơ Kiều, không chỉ để thêm "mặn mà", thêm "ý nhị", mà chính vì Phạm Quỳnh muốn cô Kiều luôn luôn hiện diện ở bên ông, để nâng đỡ và chia sớt với ông những nỗi vui, buồn trong cuộc đời.

(Còn tiếp)

GS PHẠM THỊ NHUNG

Xin đón đọc kỳ tới :
- Hoạt động văn hoá và gây dựng một nền học mới của Phạm Quỳnh;
- Phạm Quỳnh hô hào những gì ?
- Ông phản đối những gì ?

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002