Đại Chúng số 121 - ngày 1 tháng 6 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Cuộc Chiến Chưa Tàn
Thế Giới Và Bình Luận
Mỗi Tuần Một Đề Tài
Việt Nam Trung Tâm Nông Nghiệp
Bạn Có Biết
Y Khoa Và Khoa Học
Mèo Hay Thỏ
Yếm Vải Xứ Thanh
Hội Thơ Xuân Quí Mùi
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Những Bệnh Về Kinh Nguyệt
Vườn Thơ
Vũ Điệu Con Hổ
Vấn Đề Thờ Cúng Tổ Tiên
Đọc Báo Dùm Bạn
Thư Gởi Ông Mai Vàng
Thư Ngỏ của Nguyễn H Luyến
Thông Cáo Cộng Đồng Người Việt ở Pháp

Hội Thơ Xuân Quý Mùi

Của Ba lê Thi Xã
Nguyễn Hoàng Việt

Chiều thứ bảy 22-03-2003 tại thư phòng của Bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt số 30 Avenue de la République Montrouge (Hồng Sơn) miền nam Ba lê, nhà thơ Phương Du trong nhóm Ba lê Thi Xã có tổ chức một buổi họp mặt các thi hữu vùng Ba lê và phụ cận. Đây là buổi hội thơ Xuân thứ 21 của Ba lê Thi Xã, thành lập từ năm 1983 do sáng kiến của hai nhà thơ lão thành, Hương Bình Cao văn Chiểu và Hàm Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn. Trong những năm đầu, hội viên gồm những vị cao niên. Nhiều tuổi nhất là cụ Đào Trọng Đủ, ít tuổi nhất là Phương Du Nguyễn Bá Hậu. Ngày nay, ba phần tư hội viên đã ra người thiên cổ, cụ Song Thái Phạm Công Huyền là thi sĩ cao niên nhất và thi sĩ Đỗ Bình là người trẻ nhất. Nhiều hội viên đã có những thi phẩm sáng tác như

- Cụ Đào Trọng Đủ, bút hiệu Cô Đào, tác giả quyển tự điển Hán Việt Nhật. Cụ là nhà hán học uyên thâm, đậu thủ khoa khoá Một trường hậu bổ,

- Hương Bình Cao văn Chiểu, và phu nhân, nữ sĩ Quỳnh Liên, đồng tác giả tập thơ Nhớ Về Hương Ngự,

- Hàm Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn và phu nhân, nữ sĩ Thanh Liên, tác giả tập thơ Mặt Nước Hồ Xuân,

- Bằng Vân Trần văn Bảng, cựu giáo sư trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, tác giả nhiều thi phẩm như Mảng Vui, Mếu Cười, Huyền Thoại Tình và Thơ, Sợi Tơ Lòng, Thơ Tục Cổ Kim, Sống Đẹp Chết Đẹp, Thơ Khóc Bạn, Thư Mục Y Giới Thi Văn Nghệ Sĩ,

- Song Thái Phạm Công Huyền, tác giả Dưới Cội Bồ Đề,

- Tuấn Lý Huỳnh Khắc Dụng, tác giả dịch ra Pháp văn hai thi phẩm Cung Oán Ngâm Khúc và Chinh Phụ Ngâm,

- Minh châu Thái hạc Oanh, tác giả Quê Hương Là Tình và Nhớ Thương,

- Huyền Phong Nguyễn Đức Riệm, tác giả thi phẩm Hồn Nước,

- Phương Du Nguyễn Bá Hậu, tác giả bốn thi phẩm : Tha Hương, Tình Thương I, Tình Thương II, Hoa Tâm và ba cuốn băng Thi Nhạc,

- Đỗ Bình, tác giả hai thi phẩm Buồn Viễn Xứ và Bóng Quê.

Ngoài những thi hữu kể trên, Ba Lê Thi Xã còn quy tụ những thi hữu sau đây : Nữ thi sĩ Liên Trang Phạm thị Ngoạn ái nữ nhà học giả Phạm Quỳnh, Gia Trạng Lê Ngọc Quỳnh, Lương Giang Phạm Trọng Nhân, Thường Xuân Nguyễn Đình Đạo, thi sĩ kiêm hoạ sĩ Phạm Tăng, Phượng Linh Đỗ Quang Trị, Tà Dương Hồng Lê Khắc Phẩm, Hoàng Quân, Đoàn Đức Nhân, Hồ Trọng Khôi, Hoài Việt, Vân Uyên Nguyễn văn Aùi cựu giáo sư trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, Khuê Trai Vũ Quốc Thúc cựu giáo sư trường Đại Học Luật Khoa Ba Lê, Vũ Linh bút hiệu Người Sông Vị. Năm nay có hai thi hữu mới gia nhập là giáo sư Trần văn Cảnh tiến sĩ khoa học giáo dục bút hiệu Thanh Hương, và bác sĩ Kim thành Xuân.

Buổi hội thơ nào cũng có phần văn nghệ. Phần ca ngâm do các nghệ sĩ Anh Trần, Thúy Hằng, Diệu Khánh, nhất là Đặng Trần Vận với một giọng ngâm êm dịu truyền cảm, có một không hai theo lời cụ Bùi Xuân Bào cựu bộ trưởng Bộ Giáo Dục dưới thời Ngô Đình Diệm. Trong băng Thi Nhạc Tình Thương, Đặng Trần Vận và Diệu Khánh đã diễn ngâm nhiều bài thơ của Phương Du, nhất là cùng nhau song ngâm bài thơ Nhớ Thi Nhân một cách độc đáo. Về phần âm nhạc phụ hoạ, có những nhạc sĩ sau đây thay phiên nhau lên trình diễn : giáo sư Quỳnh Hạnh, các nhạc sĩ Xuân Lôi, Đoàn văn Linh, và Đỗ Bình.

Sau khi giới thiệu các thi hữu hiện diện và nói qua về lai lịch của Ba lê Thi Xã, nhà thơ Phương Du trao cho mỗi vị một bản ghi tất cả những bài thơ hoạ để mọi người được dễ dàng theo dõi ý thơ. Phần thơ xướng hoạ đượcmở đầu bằng bài thơ xướng do tác giả đọc

Xuân Quý Mùi
Tám chục tuổi đời trí vẫn minh.
Chứng nhân thời đại quỷ hoành hành :
Gạt lường, chụp mũ làm tôn chỉ,
Thống trị, giành quyền lẽ đấu tranh.
Đạo cốt tiên phong thời triệt hạ,
Gian hùng bá đạo lại tôn vinh.
Nguyện cầu Thượng Đế khu trừ quỷ,
Triều đại Tình Thương tạo thái bình.

Phương Du

Vì lời thơ cô đọng và câu thơ có những điển từ hay những danh từ đồng âm khác nghĩa, cho nên tác giả thường được yêu cầu giải thích ý thơ, mình muốn diễn đạt. Với mục đích này, Phương Du đã giải thích câu thơ thứ hai như sau : từ bảy mươi năm nay, tác giả đã chứng kiến những đau khổ triền miên của loài người do những hành vi tàn ác của loài quỷ mà động lực chính là tính kiêu căng và lòng tham lam, ích kỷ. Hai câu kết nói lên niềm tín vọng vào một ngày mai tươi sáng dựa vào lời Thánh kinh ghi trong sách Khải Huyền (Apocalypse) và lời tiên tri của Đức Mẹ thông báo cho các thụ khải (Voyant), nhất là cho linh mục Don Gobbi ghi trong quyển "Aux Prêtres, les fils de prédilection de la Vierge" trong những trang 844-845-846-847-848 nói về La Fin des Temps tức là ngày cáo chung của thời đại tội lỗi. Theo thông điệp này thì Chúa Kitô sẽ trở lại trần gian để mở đầu một thiên niên kỷ của cuộc sống hài hòa đầy tình yêu giữa loài người. Trước khi Chúa trở lại trần gian, trái đất sẽ được thanh lọc bằng những tai ương (bão, lụt, động đất, núi lửa, hạn hán), những bệnh dịch khó chữa (Sida, ghiền ma túy, sốt xuất huyết, v…v…) và nhất là chiến tranh bằng những khí giới tối tân.

Mười phần chết bảy còn ba,

Chết hai còn một Vua ra thái bình.

Vua theo trạng Trình là Bạch Xỉ, theo sách Khải Huyền là Chúa Kitô, vì từ xưa tới nay Chúa Kitô được tôn thờ là Vua trên hết các Vua (Christ Roi).

Về phần trình bày thơ hoạ, thi hữu Vân Uyên đọc bài

ĐẠT Ý BÌNH

Nhân kiếp trần ai cõi bất minh,
Thanh cao, ô uế sống song hành.
Thánh hiền ác quỷ như hình bóng,
No đói, sang hèn vẫn cạnh tranh.
Thi hữu tám mươi than thế mạt,
Chứng nhân trăm tuổi gặp thời vinh.
Đón xuân cầu nguyện vần thơ đạo,
Trông cậy ơn thiêng đạt ý bình.

Trong bài thơ hoạ vần hoạ ý này tác giả nói đến sự kiên trì đọc kinh cầu nguyện trông cậy vào ơn thiêng để tới các tuổi bách niên, nhà thơ than thời nay mạt vận sẽ chứng kiến thời thanh bình như ý muốn.

Khuê Trai Vũ Quốc Thúc, một chính trị gia, mạnh óc đấu tranh, cho thấy niềm hy vọng một tổ quốc tươi sáng sẽ gần tới trong bài thơ họa sau đây

Lão trượng cần chi phải biện minh ?
Lời vàng hậu bối sẽ tri hành.
Tha phương khắc khoải tình non nước,
Đất tổ tiêu điều vết chiến tranh.
Aùc đảng giờ đây đang tán loạn,
Phục quốc gần vui cảnh phú vinh.
Chớ tưởng tám mươi là hết dụng;
Gương sáng Khương Công hãy nghị bình.

Khương Công là Khương Tử Nha tức Lữ Vọng, vị thánh tướng nhà Chu.

Hoạ sĩ kiêm thi sĩ Phạm Tăng với thể thơ trào phúng, làm bài hoạ vần gửi tới, trước thời kỳ chiến tranh xẩy ra ở Irak

Mặc dù Irak cố thanh minh,
Anh Mỹ hùa nhau doạ bạo hành :
Chỉ mặt Hussein vu khủng bố,
Nỏ mồm Blair Bush doạ giao tranh.
Yếu đành xuống nước không hề nhục,
Mạnh cố dương vây cũng chẳng vinh.
Dân chủ, tự do toàn giọng bịp.
Nổ tung trái đất mới thanh bình.

Nữ sĩ Minh Châu gửi bài thơ hoạ tới trước ngày xảy ra chiến tranh

Đời nay đã bảo là văn minh ?
Sao để tà gian vẫn lộng hành.
Mỹ tục thuần phong đều gạt bỏ,
Công bình bác ái chẳng đua tranh.
Kẻ ngay hiếm thấy, luôn thua thiệt,
Người ngợm càng nhiều, lại hiển vinh.
Xã hội hiện thơi như thế đó.
Tương lai đáng ngại, chiến hay bình.

Thi hữu Vũ Linh có nhiều tứ thơ, làm hai bài thơ hoạ theo thể liên hoàn

Bài một -

Trời cho bác cũng tích thông minh,
Sao cứ ngâm nga khúc độc hành ?
Thế giới chứa đầy điều nghịch lý,
Nhân gian mang nặng thói dành tranh.
Có thân, có phận, vui là tốt,
Chẳng tiếng, chẳng tăm, khoẻ cũng vinh.
Ngày tháng tiêu dao cho thoả thích.
Bạn bè thù tạc rượu mươi bình.
Bạn bè thù tạc rượu mươi bình.
Chuốc lấy làm chi chuyện nhục vinh.
Phật dạy tại tâm đều qủa kiếp,
Chúa khuyên chìa má chẳng đua tranh.
Lão Đam thanh tịnh vô vi thuyết,
Khổng Tử trung dung dụng tác hành.
Hãy học thánh nhân đừng để có
Kẻ thưa quan lớn bẩm ngài minh.

Bài hai -

Kim bồn tẩy thủ ấy là minh.
Thấm thoát đời trôi thật tốc hành.
Mặc kẻ kẻ chen chân thế lợi,
Đàn ta ta gẩy khúc dương tranh.
Răn đàn trẻ nhỏ chân không giả
Giữ tấm lòng son thực chớ vinh.
Vui với vài ba ông bạn quý,
Đem thơ xướng hoạ dở ra bình.
Đem thơ xướng họa dở ra bình.
Tán nọ bàn kia thấy cũng vinh.
Khéo léo không nên buồn trái bỉ,
Hay hay cố giữ thích treo tranh.
Mới suy mới ngẫm nhân đa sự.
Càng quý càng thương phận lữ hành.
Gì sướng cho bằng thân ngoại vật,
Kim bồn tẩy thủ ấy là minh.

CHÚ THÍCH -
Buồn trái bỉ, thích treo tranh : danh từ chơi tổ tôm
Kim bồn tẩy thủ : chậu vàng rửa tay

Thi hữu Thanh Hương Trần văn Cảnh làm bài thơ hoạ vần nhan đề

MỪNG THƯỢNG THỌ BÁT TUẦN THI SĨ PHƯƠNG DU

Thượng thọ bát tuần còn rất minh.
Thơ văn chức nghiệp đã tri hành.
Dĩ văn hộ hữu làm thi sĩ,
Dĩ hữu phụ nhân diệt chiến tranh.
Thi hữu tương cầu được kính mến,
Y gia tương ứng hưởng quang vinh.
Một đời Thượng Đế ban ơn phước,
Trăm tuổi thọ khang sống thái bình.
Nhà thơ Đỗ Bình làm bài thơ hoạ ý như sau

SOI BÓNG

Kẻ sĩ tìm non ngẫm chữ minh,
Lánh đời bát nháo điệu quân hành.
Đỉnh cao quyền thế đầy nhung lụa,
Đáy thẳm dân đen vẫn chiếu manh.
Vận nước đắm chìm theo sóng đỏ,
Bọt bèo trôi nổi nẻo phồn vinh.
Dưới trăng bóng hạc sầu vong quốc,
Nhìn ánh sao băng thẹn kiếp mình.

Vì trọng hoạ ý hơn hoạ vần, nhà thơ Đỗ Bình giải thích ở câu thứ tư ông có thể dùng mái tranh cho đúng vần, đúng âm, nhưng hai chữ chiếu manh tỏ rõ ý hơn sự nghèo khổ của người dân đen.

Bài thơ xướng cũng được chính tác giả hoạ bằng bài thơ liên hoàn sau đây nhan đề

TRÁNH BẤT MINH

Khoa học tân kỳ lắm phát minh,
Nhưng nền đạo lý chẳng thi hành :
Quyền cao, ích kỷ say đàn áp,
Chức cả, kiêu căng thích chiến tranh.
Bao kẻ đắng cay mùi tục lụy,
Nhiều người mê đắm bả hư vinh.
Tham tiền, trục lợi vô bờ bến.
Xã hội thời nay lắm bất bình.
Xã hội thời nay lắm bất bình,
Kẻ mù trong nhục kẻ quang vinh.
Nhục, dùng quyền thế chuyên hà khắc,
Vinh, vị nhân quyền quyết đấu tranh.
Xả kỷ, Thích Ca răn áp dụng,
Yêu thương, Thiên Chúa khuyến năng hành.
Đường đời đầy rẫy điều ham muốn,
Cố giữ tâm thành tránh bất minh.
PHƯƠNG DU

Về phần trình bày thơ sáng tác, bác sĩ Kim Thành Xuân đọc bài thơ đường luật nhan đề

LÒNG NGƯỜI THA HƯƠNG

Mỗi một năm qua tuổi chất chồng,
Ngày về cố quốc mỏi mòn trông.
Họ hàng chốn ấy còn nhiều ít ?
Bè bạn nơi nầy mất khá đông.
Thấm thiết tình quê se thắt ruột,
Lao đao vận nước xót xa lòng.
Liệu mình sống được bao năm nữa ?
Có kịp về vui cảnh ruộng đồng ?

Thi hữu Song Thái Phạm Công Huyền vì mới ở nhà thương về, sức khoẻ còn kém nên không đến dự, nhưng có gửi bài thơ sau đây

THƠ CÁO LỖI
(cùng các thi nhân)

Song Thái tôi xin có mấy vần
Chúc mừng mặc khách với thi nhân.
Tưng bừng trước mặt ngàn hoa thắm,
Hớn hở trong lòng giấc mộng xuân
Nét bút điểm tô cho xứ sở,
Lời thơ phấn khởi khắp nhân quần.
Hôm nay không đến Chiêu Anh Các,
Nhưng vẫn không quên gửi góp phần.

 

Sau mười lăm phút giải lao là phần văn nghệ. Nhạc sĩ lão thành Xuân Lôi với cây đàn bàu và nhạc sĩ Đỗ Bình với cây Tây ban cầm phụ hoạ giọng ngâm của nữ nghệ sĩ Thúy Hằng trong mấy bài thơ sau đây :

TỦI PHẬN LƯU VONG
Của
Khuê Trai Vũ Quốc Thúc

Tủi phận lưu vong lệ ứa tràn,
Nhớ quê năm ấy lúc xuân sang.
Nhà tan, kẻ ở, người ly xứ,
Nước mất, quân lui, tướng chịu hàng.
Hăm bảy năm qua bao biến đổi,
Lời nguyền phục quốc vẫn còn vang.
Đôi giòng nhắn nhủ ai thương nước
Hãy giữ giang sơn được vững vàng.

THI HỘI XUÂN QUÝ MÙI
Của Phương Du

Hai chục năm qua mỗi dịp xuân,
Ba lê mặc khách họp quây quần,
Chung lưng vun bón vườn thơ Việt,
Gọt rũa từng câu, chọn lựa vần.
Tạm gác ngoài tai những chuyện đời,
Ưu tư, phiền muộn mặc đầy vơi.
Thả hồn bay bổng theo mây gió,
Cùng với Nàng Thơ xướng họa chơi.
Viễn ảnh chiến tranh luống ngậm ngùi.
Bao người lâm nạn mất niềm vui.
Thi nhân coi nhẹ trò tranh chấp,
Chú trọng chia đau, sẻ ngọt bùi.
Bao kẻ cầm quyền sính chiến chinh.
Oai phong phú quý bả hư vinh.
Nguyện cầu Thượng Đế xin soi sáng
Cho họ thay tâm tạo thái bình.
Chân thành cảm tạ các thi nhân
Đã đến Hồng Sơn trả nợ vần.
Nhân dịp xuân sang mừng chúc bạn
Tràn đầy sáng tác, hưởng nhiều ân.

Tiếp theo Thuý Hằng, Đỗ Bình ngâm bài thơ liên hoàn của Phương Du nhan đề

TÌNH TRẠNG MẬP MỜ
Lãnh tụ thơi nay thích biện minh
Khoe khoang lẽ phải thuộc về mình:
Ba-hoa ngụy biện, tà kêu chính,
Trơ-tráo càn ngôn, nhục bảo vinh.
Hò hét đối phương là ác quỷ,
Lặng nghe kình địch gọi hồ tinh.
Dân lành trước cảnh mập mờ diễn,
Khó biết chân hư để trọng khinh.
Khó biết chân hư để trọng khinh,
Biết ai là dại, biết ai tinh.
Dại mà ngay thẳng còn nên kính,
Tinh lại gạt lường chẳng đáng vinh.
Quân tử tề gia không vị kỷ,
Hiền nhân trị quốc dám quên mình.
Đấy là những vị ta nên trọng.
Công đức họ làm đủ chứng minh.

Buổi hội thơ được bế mạc bằng giọng ngâm của Phương Du theo điệu xẩm huê tình bài NON NƯỚC ƠI do ông sáng tác cách đây mười lăm năm.

Non nước ơi !
Kể từ khi ta dấn thân ra đi, lưu lạc chốn quê người,
Sầu chia ly, sao chưa cạn, mà cuộc đời buồn bã cứ qua trôi.
Hôm nay đây, lòng dạ quá bồi hồi
Trèo lên con rồng sắt ta ngồi
Lướt thẳng về viếng quê hương.
Non nước ơi !
Dân tình ta trông thật là đói rách thảm thương.
An chẳng đủ no, mặc không đủ ấm
Đau yếu thời thường chẳng có thuốc thang.
Vật giá ùmỗi ngày cứ lại một tăng,
Làm cho dân chúng ngỡ ngàng,
Kêu than đời sống mỗi ngày một quá gian nan.
Non nước ơi !
Chẳng lẽ nào ta chịu mãi cảnh lầm than,
Thực dân rồi cộng phỉ, họ làm nát tan nòi giống Tiên Rồng.
Hàng vạn người tránh nạn quỷ hồng
Đã phải đau lòng lữ thứ tha hương.
Non nước ơi !
Luồng gió tự do mai đây thổi tới sẽ quét sạch quỷ phường.
Hồi hương ta sẽ lên đường trở về kiến thiết quê Cha.
Cùng nhau tô điểm sơn hà
Toàn dân đoàn kết, sẽ hưởng an hoà
Yên sống vui tươi.
Non nước ơi!
Tương lai rồi sẽ sáng ngời.

Câu kết hát xong, mọi người ra về, thơ-thới hân hoan, đầy lòng tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp của giang sơn cẩm tú. Bên ngoài, bàu trời trong sáng, khí hậu ôn hoà dưới ánh nắng hồng của ngày đầu xuân chốn kinh thành hoa lệ.

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002