Đại Chúng số 122 - ngày 15 tháng 6 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Lễ Kỷ Niệm Báo Đại Chúng
Thế Giới và Bình Luận
Cuộc Chiến Chưa Tàn
Đừng Hỏi Tại Sao
Câu Chuyện Mần Ăn Tại Việt Nam
Phong Trào Lãng Mạn và Tuổi Trẻ
Đọc "Cô Bé Bên Giàn Hoa Bí Đỏ"
Giả Thuyết Bệnh SARS
Mỗi Tuần Một Trang Y Học
Còn Mãi Yêu Em
Yếm Vải Sứ Thanh
Cô Kiều với Phạm Quỳnh
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Đọc Báo Dùm Bạn
(tiếp theo kỳ trước)

Đọc Báo Dùm Bạn (bài 2)
Y Khoa va Y Học

Yếm Vải Xứ Thanh

Tác Giả:
Nhạc sĩ TRỊNH HƯNG

Kỳ 2

 

Sau đó ít lâu ở miền Bắc xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Trong đám Nhân Văn có cụ Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng bị kết tội rất nặng. Cụ Phan Khôi tuổi đã quá cao nên không bị bắt đi trại cải tạo như Trần Dần, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng. Nhưng cụ bị cô lập, không được tiếp xúc với ai, và người nào cũng sợ hãi không dám liên hệ với cụ vì cụ bị coi là kẻ phản động xấu xa, đến nỗi cụ bị chết đói!

Trong số những người liên can đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm, có tôi, anh Quang Dũng, và cả nhạc sĩ Văn Cao cũng dính líu vì có bài viết. Nhưng Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi chỉ bắt chúng tôi lên làm kiểm điểm. Sau đó, họ đuổi chúng tôi ra khỏi Hội Nhà Văn, nghĩa là bị treo bút không được đi làm. Cho nên, anh Quang Qũng sống trong cảnh nghèo đói, cho đến lúc chết chẳng bao giờ được hưởng một bữa cơm ăn độn cho no lòng. Anh Văn Cao cũng bị trừng phạt, nhưng anh ấy còn nhờ vả được vợ là chị Băng. Trước đó, chị thuộc con nhà tư bản ở Hà Nội nên còn dành dụm được một ít tiền bạc đem ra nuôi chồng con. Anh Văn Cao buồn rầu quá đâm ra nghiện rượu nặng. Riêng tôi được lệnh phải về quê để chịu an trí quản thúc, cấm không được liên hệ với bất cứ ai. Thế là hai vợ chồng lại lếch thếch bồng con về ngôi nhà cũ nát : Nhà mái lá, mỗi khi trời mưa, nước dột khắp nơi, nên ngày cũng như đêm, chúng tôi phải thay phiên nhau nằm chống tay lấy thân che cho đứa con nhỏ ngủ.

Lúc đó, nhờ còn trai tráng sức vóc, nên sáng sớm tôi đi đánh giậm kiếm vài con tôm con tép, mang bán lấy tiền, chỉ giữ một ít đem kho muối mặn chát ăn với cơm. Buổi chiều, tôi ngồi xe trâu đi thồ đá, đổi công lấy gạo và ngô. Tuy vậy, hai vợ chồng yêu thương nhau, sống rất hạnh phúc. Nhà tôi chịu cực rất nhiều, lại sinh đẻ cho tôi những đứa con. Khi đứa đầu 7 tuổi, đứa thứ hai 5 tuổi, và đứa thứ ba 3 tuổi, thì trong bụng bà ấy mang một đứa nữa sắp chào đời!

Trong thời gian ấy, ngoài Bắc gặp khó khăn trầm trọng, là thiếu gạo cho dân ăn. Mọi người sống bằng mì của Liên Xô viện trợ. Tiêu chuẩn mua gạo hàng tháng bằng tem phiếu. Nhưng đâu có được mua gạo đầy đủ. Có tháng mỗi đầu người chỉ mua được 30% gạo, còn 70% là mì Liên Xô. Nhà nước ra lệnh cấm ngặt không ai được dùng bột gạo làm quà bánh bán cho dân. Từ tỉnh thành đến thôn quê, người ta thèm ăn quà có bột gạo, nên con buôn đã làm "chui" các món quà có bột gạo để bán cho dân, như là bánh cuốn, bánh đúc, và các loại bánh khác. Công an và tụi quản lý chợ kiểm soát rất gắt gao. Ai bán hàng bột gạo "lậu" vô ý để công an bắt được, sẽ bị tịch thu hết hàng hoá và phạt tiền rất nặng. Thế là hết vốn ! Mặc dù vậy, nhưng vì cần phải sống nên người ta cứ phải liều lĩnh mà làm "chui" bán "chui".

Để có số thu nhập cho cuộc sống gia đình đỡ khổ một phần nào, vợ tôi cũng liều bắt chước người ta làm bánh cuốn mang ra chợ bán. Bà ấy nẩy ra một sáng kiến bán "chui", và thực hiện ngay. Bà đi mua "chui" gạo giá chợ đen. Ban ngày bà xay gạo ra bột. Đến khuya, lúc 2 giờ sáng, bà dậy tráng bánh để sáng ngày đem ra chợ bán. Biết dân đói khát thèm thuồng, bà tráng bánh bánh thật dầy và to, khác với bánh cuốn tráng mỏng và nhỏ như ở thành thị thời xưa. Làm xong, bà cho bánh cuốn cùng nước mắm chanh pha sẵn vào thúng, đậy lên bằng hai, ba cái mẹt nhỏ. Đoạn bà đội thúng bánh lên đầu, tay dắt theo hai con lớn, đứa bảy tuổi đứa năm tuổi. Mẹ con lần vào trong ruộng mía hoặc ruộng ngô um tùm kín đáo, từ bên ngoài không trông thấy được. Ở đó, bà lẳng lặng xếp bánh và nước chấm ra hai cái mẹt, mỗi mẹt chỉ có ba phần ăn thôi, rồi cho hai con đem vào chợ bán, còn bà ngồi lại chờ. Bà dặn dò hai con phải cùng nhau trông chừng công an và quản lý chợ ; đứa nàọ bán hết ba phần thì trở lại lấy tiếp bánh cuốn đem bán. Làm như vậy là để tránh việc đem đi nhiều, nhỡ công an bắt được là hết vốn. May Trời thương Thánh độ, và hai thằng bé cũng tinh khôn, nên không bị bắt lần nào ! Nhờ vợ tôi mà gia đình bớt khổ!

Bọn trẻ con mang bánh cuốn đi bán được các bà nhà quê đi chợ mua ăn. Họ rất thương mến hai đứa, còn bảo chúng :"Các cháu hãy về nói với mẹ là nên thêm vào trên mỗi cái bánh cuốn một ít hành mỡ. Bánh sẽ ngon hơn và bán được nhiều hơn." Nghe các con nhắc lại ý kiến khách hàng, vợ tôi thấy hợp lý nhưng khó khăn, vì "đường, gạo, thịt" là những loại hàng bị cấm.

Aáy thế mà bà ấy cũng chạy chọt mua "chui" được mỡ để trộn với hành cho bánh ngon hơn ! Tuy nhiên, có mỡ đã là khó rồi, đến lượt rán mỡ ra nước rồi phi với hành lại là vấn đề gian nan. Ở nhà quê không khí trong lành, hành mỡ phi vàng lên bốc mùi thơm bay đi rất xa. Công an hay du kích ngửi thấy mùi thơm của hành phi mỡ, sẽ đánh hơi tìm ra nơi mình làm bếp "chui" ngay ! Cho nên cứ phải đến 4 giờ sáng bà ấy mới nhóm bếp, kê chảo, cho hành thái nhỏ vào chảo phi lên. Trong lúc bà ấy làm, tôi có bổn phận ra ngoài cửa canh gác xa xa. Tôi định bụng nếu thấy bóng công an hoặc du kích đi tới là tôi sẽ bước ra ngăn chặn, kiếm cớ to tiếng cãi nhau, để trong nhà có thì giờ mang cái chảo hành mỡ ra vứt xuống cái ao bên cạnh bếp cho phi tang. Cũng may là không bao giờ xảy ra chuyện gây cấn đó cả!

Trong hai ba năm đầu bị đuổi về an trí quản thúc tại quê nhà, tôi thấy thương xót vợ con vất vả khổ cực nên nhiều đêm tôi trằn trọc thao thức không ngủ được. Tôi cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn, cố tìm ra lời giải đáp chính xác cho câu hỏi : Tại sao đảng lại an trí quản thúc đầy đoạ tôi tại quê nhà như thế này ? Tôi nghĩ đến các bạn trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, và tự đưa ra các câu hỏi

- Những người bị kết tội nặng đi tù đã đành, còn anh Quang Dũng, anh Văn Cao và tôi chỉ bị kiểm điểm vì mắc tội nhẹ, mà sao họ lại đuổi ba chúng tôi ra khỏi Hội Nhà Văn, treo bút, không cho công ăn việc làm ?

- Các anh Quang Dũng, Văn Cao không bị đuổi ra khỏi thành phố, không bị quản thúc tại quê nhà, mà chỉ mình tôi chịu hình phạt như vậy, là do nguyên cớ nào ?

Tôi cần biết rõ lý do để tự giải đáp thắc mắc cho mình. Tôi nghĩ là phải có một lý do đặc biệt nào đó nên họ mới đối xử với tôi như thế.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi kiểm điểm lại mọi thứ. Tôi nhớ lại thời gian tôi được đề cử làm Thư ký Hội Nhà Văn. Hàng ngày tôi gặp Chủ tịch Hội là ông Nguyễn Đình Thi. Ông ta chỉ trao đổi với tôi về các công việc của Hội thôi chứ không tỏ thái độ thân thiện, đôi khi còn có vẻ lạnh nhạt nữa. Còn người đỡ đầu ông Thi là ông Tố Hữu. Ông ấy có tuổi đảng và chức vụ cao. Mỗi lần gặp tôi, ông chỉ bắt tay sơ qua rồi quay đi, nét mặt ông tỏ ra rất khó chịu và có vẻ ghét tôi nữa. Tôi nghĩ có lẽ hôm họp đại hội nhà văn, tôi đã cả gan phê phán ông Hồ, nên vì thế mà ông ghét tôi chăng. Tuy vậy, vì tự trọng của một văn nghệ sĩ, tôi cũng chẳng cần săn đón để họ tưởng là mình nịnh bợ.

Rồi tôi chợt nhớ ra một chuyện xảy vào năm 1951 khi mà tôi còn ở quân đội khu 4. Tôi chợt hiểu rằng Tố Hữu không những ghét tôi mà còn thù tôi là khác. Hắn nhỏ nhen ích kỷ ghen tức với tôi vì hắn biết là vợ hắn yêu tôi đến độ say mê. Đã một lần cô ta doạ ly dị và nói cho hắn biết cô ta yêu tôi, sẽ đi tìm tôi để lấy tôi sau khi vợ thứ nhất của tôi mất mấy năm.

Vợ Tố Hữu tên là Thanh, gái Huế khá đẹp, con nhà danh giá. Có một thời gian cô ta học trường Collège tỉnh Thanh Hoá. Hồi đó tôi đã đậu xong Tú Tài Pháp, nhưng tôi không làm việc với Pháp mà trở về Thanh Hoá sống với gia đình, thay cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ các em, đồng thời đi dạy học tư cũng như kèm cho các em dự bị thi trung học.

Trong số các em đến nhờ tôi kèm luyện thi, có một số là nữ sinh gồm bảy, tám em tuổi chừng 16, 17. Mỗi tuần tôi dạy kèm ba buổi. Trong số có một em lớn hơn cả tên là Thanh. Nàng tỏ ra rất yêu mến tôi, chăm sóc tôi. Đặc biệt là Thanh năn nỉ tôi phải cho cô ta tới học mỗi ngày chứ không cách ngày như các em khác.

Tôi lúc đó là một thanh niên cao lớn, khoẻ mạnh, đẹp trai. Các em nữ sinh học tôi em nào cũng tỏ ra thương mến tôi. Nhưng bản tính tôi rất đứng đắn, hết sức tôn trọng các đức tính làm người như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, của Ông Cha truyền dạy. Nên tôi lúc nào cũng coi các nữ sinh học lớp tư của tôi như chính em gái ruột mình. Tôi luôn luôn nghiêm nghị, không hề có ý tưởng thấp hèn đối với họ. Do đó, các em rất nể phục tôi, coi tôi vừa là thầy giáo vừa là người anh của họ.

Một hôm, tôi thấy Thanh đến nhà tôi trước lớp học cả giờ. Nét mặt buồn thiu, Thanh nói :"Hôm nay em lại sớm vì em muốn mời anh đi ăn cơm và nói chuyện, chứ không học bài, và có lẽ mãi mãi em không còn được đi học cũng như gặp anh nữa !" Tôi hiểu là Thanh đang có tâm sự gì đau buồn, muốn gặp riêng tôi để giãi bày, nên đồng ý đi ăn cơm hiệu với cô ta. Đến một quán ăn, Thanh chọn chọn một bàn ở trong cùng. Hai thầy trò ngồi xuống, gọi nước uống trước khi bảo làm món ăn.

Lúc đó, Thanh khóc lóc bảo tôi :"Hôm nay, em mời anh ăn một bữa lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Sau đó, có lẽ không bao giờ em còn gặp lại anh nữa. Em sẽ phải giã từ bạn bè, mái trường, và cả cuộc đời ngây thơ của một nữ sinh nữa !" Thanh chấm nước mắt, nói tiếp :"Chiều hôm qua, có đứa em trai ở Huế được cha mẹ em sai ra đây đưa thư cho em, bảo em phải xin nghỉ học về Huế ngay để thu xếp cho kịp ngày đi lấy chồng… Trong thư, cha mẹ em còn cho em biết là người chồng em sắp lấy là con trai của người bạn đồng môn cũ. Hai bên đã hứa hẹn từ lâu rồi, và cũng là chỗ môn đăng hộ đối. Cha mẹ em nói thêm là chồng chưa cưới của em hiền lành, đã có bằng trung học Pháp. Bổn phận em là con gái phải vâng lời cha mẹ đặt đâu ngồi đó, nên em đành tuân theo. Chỉ vài hôm nữa em về Huế, nên phải đến gặp anh hôm nay để nói lời từ giã, cảm ơn anh đã tận tâm dạy em học trong thời gian qua ! "

Nhìn Thanh vừa khóc vừa nói, tôi xúc động và cảm thương cho thân phận Thanh, nhưng không biết phải nói gì để an ủi Thanh. Tôi chầm chậm nói vài ba lời khuyên :"Anh rất cảm thông cho nỗi buồn của Thanh. Nhưng việc vâng lệnh cha mẹ về lấy chồng của Thanh chứng tỏ rằng Thanh là người con gái ngoan, có hiếu, biết tuân theo lời cha mẹ. Đó là điểm son đáng quý ở người con gái Việt Nam. Hơn nữa, là trai hay gái, lớn lên trước sau cũng phải lập gia đình, đó là bổn phận của con người mà Tạo Hoá ban cho để nối tiếp giòng dõi. Và, nói cho cùng, mỗi con người sinh ra đều có một định mệnh do Trời dành cho. Đời con gái đi lấy chồng mười hai bến nước trong nhờ đục chịu. Anh cũng buồn lắm khi thấy em phải xa trường xa bạn, xa anh là thầy dạy kèm. Bây giờ anh chỉ mong em có đủ nghị lực làm tròn bổn phận người con ; mai sau, em có hạnh phúc là anh mừng rồi."

Thế là sau bữa ăn tiễn biệt, Thanh đã âm thầm ra về, và từ đó tôi không có tin tức gì về hoàn cảnh của Thanh nữa.

Vào đầu mùa Hè năm 1951, tôi đi làm về, ăn uống xong, ra nằm trên võng trước cửa nhà hóng mát, trong đầu nghĩ tới người vợ chết đuối mấy năm trước. Chợt tôi thấy một người đàn bà đầu đội nón sụp xuống che mất hẳn cái mặt đang đi từ ngoài ngõ vào và tiến về phiá tôi nằm. Tôi ngơ ngác chưa biết đó là ai thì người đàn bà đó đến chỗ tôi nằm, quỳ xuống ôm chầm lấy người tôi, vừa khóc vừa giở nón ra miệng nói :"Anh Hữu Loan ơi ! Anh còn nhận ra em không ? Em là Thanh trước học ở Collège Thanh Hoá, từng học lớp tư của anh rồi chia tay với anh về Huế lấy chồng đây nì !" Lúc đó tôi mới nhìn rõ ra Thanh, đúng là cô nữ sinh của tôi ngày xưa. Tôi vội vàng ngồi dậy. Thanh ngồi dưới đất gục đầu lên gối. Tôi đi vào nhà lấy cái ghế ra, đỡ Thanh ngồi lên. Nàng lả người vào mình tôi. Tôi vội bảo nàng :"Em có chuyện gì buồn, để thủng thẳng nói ra sau. Bây giờ em hãy nín đi, đừng khóc lóc nữa. Hãy ngồi thẳng người trên ghế đàng hoàng, kẻo lỡ có ai trông thấy em sát cạnh anh, họ hiểu lầm, là mất danh dự và xấu hổ lắm đấy

(Còn tiếp)
Tác giả : Nhạc sĩ
TRỊNH HƯNG

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002