Đại Chúng số 112 - ngày 15 tháng 12 năm 2002

Trang Bia

Thư Goi Qui Vi Doanh Gia

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Thien Duong Cong San

Chieu Thu Trong Cuoc Doi

Đọc báo dùm các bạn

Thử đọc tâm bút vềs Ky Petru

1001 Chuyen Nho Quen

Bac Si Alexandre Yersin

Tan Mot Dem Thu

Van Xua Nguoi Xua

Khoa học & Y khoa

Chuyện huyền bí

Hoa Hau Viet Nam

Nấu ăn ngon cho chàng

Mưa bên này, nắng bên kia

Ban Tin Nhan Quyen

Moi Tuan Mot Bai

Trang thơ

Ca Si Thanh Hung

Những loài hoa dại

Mùa Hoa Cúc Lưu Vong

Tương Kính Tao Nhã

   

 

 

 

THỬ NHẬN XÉT "TÂM BÚT" Phê Phán Petrus Ký

Nguyên Nguyên

(tiếp theo kỳ trước)

Nhận xét về lá thư của cậu thanh niên sôi bỏng tham vọng, tự xưng làm 'kẻ đầy tớ hèn mọn và vô dụng' Petrus Key, Jauréguiberry nhận định nội dung thư chẳng có gì đáng kể. Thực vậy, giống như Luật sư Trần Thanh Hiệp ghi nhận, văn chương trong thư tầm thường, tư tưởng hời hợt, nông cạn".

Qua đoạn văn này NV đã kết tội Petrus Ký bằng hai lẽ: Thứ nhất Petrus Ký chính là Petrus Key (hoàn toàn không có chứng minh, và sẽ được bàn rộng hơn ở phần 2), và thứ hai, Petrus Key không có yêu nước gì hết, nếu không nói đã mù quáng với tham vọng và nối giáo cho giặc Pháp xâm chiếm Việt Nam.

Trước hết xin mạn phép góp ý tổng quát về lịch sử và lòng yêu nước. Lịch sử theo thiển ý thường lấy đối tượng là lòng yêu nước. Lòng yêu nước thường được khơi động bởi ý niệm quốc gia. Yêu nước mình thường thường lại không đồng thuận nếu không nói chống lại tình yêu nước của người nước khác và đôi khi cũng nằm trong thế đối nghịch với người yêu nước cũng cùng chung dân tộc nòi giống với mình. Yêu nước và yêu địa phương do ý niệm quốc gia khơi động thường đưa đến mâu thuẫn với tình liên đới nhân loại, tình nhân bản. Rất khó mà đặt một tiêu chuẩn tuyệt đối, phổ quát hay vĩnh cửu cho tình yêu nước, bởi "quốc gia" vừa là một thực thể, nhưng cũng vừa là một ý niệm hết sức trừu tượng mơ hồ do ở chỗ ý niệm này chỉ được thể hiện bằng chính quyền, do một nhóm người cầm quyền trong tay.

Theo sách vở tàng trữ tại các văn khố ở Sàigòn Petrus Ký rời trường Penang vào khoảng đầu năm 1859. Ông hồi hương và về thẳng tới Cái Mơn, để tang cho Mẹ, rồi sáng làm việc nhà thờ chiều làm thầy giáo làng ở trường Cái Nhum. (Lói sống như vậy không thể gọi đầy sôi bỏng tham vọng được?) Ông ta vừa bắt đầu sống yên với thân phận thầy giáo làng dạy trẻ lớp Sơ Học và Đồng Ấu, thì có một buổi quan quân triều đình đi càn quét mấy vụ họp hành của các cha cố trong vùng. Petrus Ký được đồng bào trong làng báo động trước nên lẻn trốn và mò về Sàigòn tá túc ở nhà Giám Mục Lefebvre. Và chính giám mục Lefebvre này sau đó đã tìm "job" cho Petrus Ký làm thông ngôn cho quan ba hải quân Jauréguiberry. Quân Pháp lúc đó đã bắt đầu đánh chiếm nước Nam rồi chứ không đợi Petrus KEY mời mọc như NV viết. (Người đọc cũng không khỏi thắc mắc làm thế nào NV có thể biết quan Jauréguiberry nhận được thư của Petrus Key vào cuối tháng 3 năm 1859, từ một lá thư không đề ngày tháng, không chữ ký và cũng không có mộc đóng dấu ghi nhận "Received" như thời bây giờ). Sách lịch sử thường ghi Rigault de Genouilly đã chỉ huy, với sự trợ lực của quân Y Pha Nho (tức Tây Ban

Nha), bắn phá cửa Hàn hai lần, một lần năm 1843 và lần thứ hai năm 1858. Sàigòn thất thủ ngày 17 tháng 2 năm 1859 lúc Petrus Ký vừa về làng chưa biết gì tới mấy ông Quan Trên người Tây đó hết (!).

Điểm thứ hai, tác giả cho rằng thư đó là thư của Petrus Ký, nhưng không có đề ngày và lại ký tên là Petrus Key.

Thật lạ Nguyên Vũ có vẻ không có óc trinh thám - bởi ông có vẻ không để ý rằng khi người ta mới học cái gì mới, nhất là phong thói lịch sự Tây Phương thì người ta ưa cóp mấy cái hình thức trước khi chú trọng đến nội dung. Những ai đã qua ngưỡng cửa trung học ở Việt Nam cũng đều có thể nhớ rằng ở giờ học Việt văn các thầy cô thường giảng là khi bình luận một đoạn văn hay một bài văn, học sinh phải phân tích đoạn văn hay bài văn đó qua phần hình thức trước rồi mới đến nội dung. Petrus Ký, ngày nay ta nhìn lại chỉ mới đi du học phương xa về, tất nhiên phải viết thư rất thận trọng nhất là về hình thức - bởi nếu nội dung có dở cũng không sao chứ cú pháp hình thức mà sai thì người nhận thư có thể bỏ vào sọt rác! Nhất là đây là một loại thư xin việc hay tự giới thiệu mình trước khi nhận việc làm. Xin việc thì thời nào cũng vậy, phải viết cho trúng hình thức để gây ấn tượng người đọc. Viết cho trúng hình thức - có ngày tháng đàng hoàng. Tên cũng phải trúng nữa. Thời đó tên "cúng cơm" viết trúng rất quan trọng nhất là đó là résumé để xin việc làm thông ngôn. Thời đó cũng chưa được gọi tên hay đổi tên loạn xị như bây giờ, tỷ như tên Hiền biến thành Henry, tên Đạt biến thành David, Huyền là Helen, Mỹ là Monica, hoặc Nguyễn Cao Minh biến thành Wayne Minh (tên riêng biến thành họ và họ biến thành tên), v.v. Petrus Ký chỉ có tên rửa tội Jean Baptiste, tên "thêm sức" là Petrus và tên cha mẹ đặt Trương Vĩnh Ký mà thôi. Thành ra nếu Petrus Ký có biên thư hẹn ngày nhận việc hay xin việc chắc chắn ông ta sẽ rất cẩn thận biên tên mình cho thật đúng, y như mọi người xin việc ngày nay: Petrus Trương Vĩnh Ký, chứ không bao giờ là Petrus Key hết! Trong những bức thư Petrus Ký viết có đăng lại trong quyển sách tiểu sử Petrus Ký của Nguyễn Văn Trấn đều có đề ngày và ký tên (theo với hình thức) phía cuối thư là P. Trương Vĩnh Ký.

NV thêm vào 2 câu kế:

"...Jauréguiberry nhận định nội dung thư chẳng có gì đáng kể. Thực vậy, giống như Luật sư Trần Thanh Hiệp ghi nhận, văn chương trong thư tầm thường, tư tưởng hời hợt, nông cạn".

Ông Jauréguiberry nhận định về thư Petrus Ký với ai? Ông ấy phê trên thư là "chẳng có gì đáng kể" à? Rõ thật tác giả có đầu óc tưởng tượng khá phong phú, nv xin giở mũ chào khâm phục! Lại còn giống như nhận xét của Luật Sư Trần Thanh Hiệp nữa. Câu nhận xét này theo cú pháp và lối hành văn hiện đại có thể gây rất nhiều hiểu lầm, và tai hại (làm cháy) cho người bạn quý vong niên của tác giả là luật sư Trần Thanh Hiệp. Trước hết nó gây hiểu lầm rằng nhận xét của Luật Sư Trần Thanh Hiệp "sâu sắc" bằng ông tây Jauréguiberry hoặc hai người đó, ông Jauréguiberry và ông Trần Thanh Hiệp, có trình độ nhận xét về con người, về lối hành văn trong thư từ bằng tiếng Tây giống nhau. Người này có trình độ tiếng Tây tương đương với người kia, và chắc hẳn vượt xa tiếng Tây của Petrus Key. Cũng chẳng có gì lạ, nv có thể chấp nhận điểm này và tin rằng cũng ít ai sẽ đem vấn đề này ra tranh cãi. Vấn đề NV quên nêu ra là authenticity (tính xác thực) của bức thư đó. Từ đầu đến đuôi NV vô tình quên đặt câu hỏi then chốt là bức thư đó có đích thực của Petrus Trương Vĩnh Ký hay của một tên lính kín nào đó mang tên hay mạo tên Petrus Key. Tức NV đã không hề chứng minh rằng Petrus Key và Petrus Ký tuy hai mà một. (Điểm này sẽ được đề cập trở lại trong phần 2). NV có vẻ chỉ đơn thuần chú ý đến cách viết Francais của bức thư trên. Theo thiển ý khi tìm tòi tài liệu sử người nghiên cứu phải hết sức thận trọng và phải đặt để công tác ch?ng minh tính xác thực của dữ kiện lên hàng đầu.

Với một dụng ý rất tốt NV đề cập đến tên tuổi luật sư Trần Thanh Hiệp, nhưng vô tình đã "làm cháy" ông Hiệp bởi ông Hiệp không phải là một sử gia chuyên nghiệp nhất là về ngành suy tra, để phân biệt cái gì thực cái gì giả trong tài liệu và dữ kiện, và đó mới là mấu chốt của vấn đề đối người nghiên cứu chuyên nghiệp. Trong nhiều trang trong quyển Paris Nguyên Vũ có tâm tình rằng NV bắt đầu học luật vào năm 1997. Theo dõi sự nghiệp của một nhà văn tên tuổi người ta được biết NV đã tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ Luật tại đại học Houston vào năm 1999. Cả Nguyên Vũ lẫn luật sư Trần Thanh Hiệp do đó đều biết rõ rằng nhận xét của luật sư Hiệp nếu viết theo kiểu Nguyên Vũ, theo ngữ ngôn của ngành luật có thể được xem là hearsay (tức lời nói của người ngoài cuộc, "lời nghe nói") khó được nhận làm chứng cớ trong phiên xử ở toà. Những nhận xét đó cũng không có liên hệ gì đến tố trạng đó hết. Ngoài ra bất cứ ai cũng đều có thể đồng ý rằng một bức thư đánh máy không đề ngày tháng, không chữ ký, rất khó được nhận làm bằng chứng ở một toà án nào cả, ngay cả thứ bằng chứng vòng ngoài, trừ phi đó là một thứ toà án ở một quốc gia nhược tiểu dưới một chính thể độc tài.

Nguyên Vũ tạm kết thúc đoạn viết về Petrus Ký ở trang 71 như sau:

"Dẫu vậy, giáo viên và học sinh trường Trương Vĩnh Ký Sài-gòn lên tới hàng chục ngàn, nếu không phải hàng trăm ngàn. Họ nghĩ gì? Họ sẽ trách ông Trương Vĩnh Ký đã viết lá thư ra mắt Trung tá Jauréguiberry, viên quan cai trị đầu tiên Sàigòn, trước khi nhận chức thông ngôn, hay trách tôi, người tìm thấy lá thư đầu tiên?"

Đoạn này cho người đọc thấy NV đã bắt chước "Việt cộng" gọi giáo sư trường Petrus Ký là giáo viên. Thực ra nói theo ngữ ngôn thật chính xác người ta nói chỉ có giáo viên trường Lê Hồng Phong và giáo sư trường Petrus Ký chứ không hề có giáo sư trường Lê Hồng Phong hay giáo viên trường Petrus Ký. Không biết các thầy cô và các đàn anh đàn em nghĩ gì về khám phá của NV, chứ riêng nv hoàn toàn không hề trách cứ gì NV hết. Nv còn thầm phục nữa là khác việc NV đã bỏ nhiều công sức, thì giờ và tiền bạc để đi Tây lo tham khảo và nghiên cứu về lịch sử, đóng góp vào kho tàng sử học còn thiếu sót của Việt Nam. NV chỉ thi hành công tác của chức năng sử gia của mình mà thôi. Và công tác đó thực ra chỉ mới bắt đầu, bởi nó thiếu thốn phần "luận chứng" mấu chốt chứng minh rằng Petrus Key và Petrus Ký tuy tên đánh vần khác nhau nhưng chỉ một người, và có phải Petrus Trương Vĩnh Ký đã thực sự viết lá thư đó hay không.

2. Lá thư Petrus Key và việc chứng minh tính xác thực của dữ kiện

Trước khi thử khảo sát việc chứng minh lá thư NV tìm ra là của chính Petrus Key hay Petrus Key có thật hay không, hoặc Petrus Key và Petrus Ký tuy hai mà một, người viết xin kể lại một chuyện "ao thả vịt" động trời ở Tây Phương.

Đó là chuyện nhật ký của Hitler. Lúc đó vào khoảng cuối thập niên 1970. Một người nghiên cứu lịch sử nào đó tuyên bố rằng ông ta mới tìm ra được nhật ký của Hitler. Thế là những tờ báo lớn cử đại diện đến thương lượng với nhà sử học đó để xin mua lại bản quyền đăng báo và phổ biến cho các tờ báo lớn trên khắp thế giới. Hình như cuối cùng tờ báo lớn của Đức Stern (ngôi sao) mua lại được bản quyền thì phải, với giá khoảng hơn 10 triệu đô-la. Lâu năm nv không nhớ rõ mọi sự việc, nhưng hình như các báo lớn trên thế giới bắt đầu đăng tải quyển nhật ký "của Hitler" đó được một hai kỳ thì có một vài nhà nghiên cứu có thẩm quyền chứng minh rằng đó chỉ một thứ "vịt bịp" (hoax) chứ không phải nhật ký thật của Hitler gì hết. Tờ báo bị hố một vố khá nặng. Sự thật có lẽ người hùng của Đức quốc xã ngày đêm mãi lo chỉ huy hành quân tàn sát dân Do Thái và du dương với bà Eva nên chắc không có dư thì giờ để viết nhật ký.

Trong sinh hoạt nghề nghiệp của giới khoa bảng và nghiên cứu, cái thước để đo lường khả năng chuyên môn của những nhà nghiên cứu là những bài báo hoặc sách xuất bản đã được "duyệt chuẩn" (refereed) bởi những "bậc sư" trong ngành chuyên môn đó. Việc vinh thăng chức vụ ở đại học (từ phó giáo sư lên giáo sư chẳng hạn) cũng thông thường dựa trên những bài báo có chất lượng xuất bản ở những tạp chí khoa học hay văn khoa, sử học, kinh tế, v.v. có tầm vóc. Rất nhiều tạp chí mỗi khi nhận bài để đăng lên báo đòi hỏi bài xin dự đăng phải được duyệt chuẩn bởi ba vị có đầy đủ thẩm quyền trong ngành chuyên môn đó. Thành ra khi bài nghiên cứu của mình được nhận đăng như một refereed publication (bài báo được duyệt chuẩn), người nghiên cứu thường thấy hãnh diện vì công trình nghiên cứu đã được đền đáp xứng đáng và sung sướng bởi sự nghiệp đang trên đường thăng tiến đi lên. Điều này vẫn chưa có nghĩa rằng những phát minh hay những kết luận đăng trong bài sẽ đạt được giá trị chân lý vĩnh cửu, nhất là đối với những ngành thuộc khoa học nhân văn như sử học chẳng hạn. Rất tiếc ngày nay trong khi tại các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Phi Luật Tân, Inđô, Hongkong, v.v. giới nghiên cứu đã làm quen với sinh hoạt viết những bài nghiên cứu đăng báo có duyệt chuẩn, thì hình như tại Việt Nam và nhất là trong cộng đồng di tản Việt bên ngoài VN, sinh hoạt viết báo có duyệt chuẩn vẫn hãy còn xa lạ với giới nghiên cứu chứ đừng nói đến người đọc. Trên khía cạnh này nv xin ghi nhận tìm tòi của tác giả về lá thư Petrus Key chưa hề được thử lửa với các báo nghiên cứu chuyên môn có tầm vóc mà chỉ được đăng tải qua hai quyển tâm bút do chính nhà xuất bản Văn Hoá của tác giả xuất bản mà thôi. Dù vậy, nv cũng để ý tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu cũng đã có một bài báo đăng trên Journal of Asian Studies có duyệt chuẩn đàng hoàng, nhưng về một đề tài khác biệt.

Thuở sinh viên nv có dịp đi làm thêm ở một thư viện công cộng tại Tân Tây Lan. Công việc bán thời gian ở đó bao gồm việc lục ra sách báo hay tài liệu và đưa ra cho khách theo như yêu cầu ở quầy hàng. Điểm nhận xét quan trọng liên hệ đến vấn đề nòng cốt của bài là bất cứ tại thư viện nào trên thế giới - người xin mượn tài liệu nghiên cứu tại thư viện đều có thể "nhét" vào, hoặc để quên trong chồng tài liệu hay hồ sơ đó một tấm giấy lộn hay đã được soạn sẵn, xong rồi hoàn trả lại quầy hàng của thư viện mà người trông coi quầy hàng không hề hay biết gì hết. Việc đó rất dễ hiểu bởi người coi quầy hàng và những người có công soạn ra chồng tài liệu hay hồ sơ đó là những người khác nhau. Rất thông thường những người đúc kết ra những hồ sơ tài liệu đó hiện đã ra người thiên cổ hay đã về hưu rồi. Thí dụ ngay như bây giờ ai đó làm một bức thư giả mạo của một nhân vật lịch sử nào đó - xong rồi phơi xấy cho nó cũ kỹ ra, rồi đi qua Luân Đôn, vào thư viện trường nào nổi tiếng ở Anh quốc, mượn chồng hồ sơ chưá sử liệu liên hệ đến nhân vật đó, kiếm một bàn trống nhìn ra ngoài để được ngắm cảnh vật thơ mộng. Đọc qua hồ sơ đó. Trước khi trả lại hồ sơ, nhét tờ giấy lộn đó vào. Chắc chắn 5, 10 năm sau hay thế kỷ sau thế nào cũng có người đến nghiên cứu và suy tra về bức thư giả mạo đó. Presto.

Thế muốn chứng minh lá thư Petrus Key đó chính thật của Petrus Trương Vĩnh Ký - một điểm NV hoàn toàn chấp nhận rồi có vẻ bắt độc giả hay những người thích công kích Petrus Ký cũng chấp nhận theo - ta phải làm thế nào.

Theo thiển ý, trước hết ta thử tìm tòi qua văn phong của NV:

"Xúc động và ngỡ ngàng nhất là lá thư không đề ngày của Petrus Key - một loại "thày kẻ giảng" được các giáo sĩ Pháp giới thiệu vào thông ngôn đoàn của đạo quân viễn chinh Pháp-Espania. Thư đến tay Jauréguiberry cuối tháng 3/1859. Trong thư, Petrus Key -

tức Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký sau này"

Gạt ra ngoài một hai điểm có thể hơi sai trật như "một loại thày kẻ giảng", "được CÁC giáo sĩ Pháp", ta nên tập trung vào điểm then chốt: "Petrus Key - tức Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký sau này". Có cái gì lấn cấn trong mệnh đề ngắn ngủi đó: "Petrus Key - tức Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký sau này" hay không? Ta thử xem cho kỹ mệnh đề đó tương đương với những hiện tượng lô-gích nào? Nó tương đương với lô-gích cơ bản nhất, và đó là sự suy đoán. Suy đoán từ sự kiện A đến kết luận B. Ta hãy rọi kính hiển vi vào từ "tức" - Petrus Key tức Petrus Ký, . . . Nó có thể dễ dàng được xem tương đương với một kết luận rất quan trọng bắt buộc phải dựa trên những luận chứng tràng giang đại hải, mà ở đây đã hoàn toàn thiếu thốn. Người ta có thể đặt câu hỏi tác giả có quyền dùng chữ tức hay không khi tác giả không hề đưa ra chứng minh hay luận chứng gì hết để hỗ trợ cho việc xử dụng từ "tức" đó. Điều này cũng tương đương với việc một con bệnh đi bác sĩ khám bệnh, con bệnh hay thân nhân sẽ nghĩ sao khi bác sĩ không có chẩn bệnh gì hết mà đã bắt đầu loay hoay lo viết toa thuốc để làm cho lẹ hầu tiếp một bệnh nhân khác đang đợi ở phòng ngoài. Nó cũng giống như một phiên xử ở toà, công tố viện không cần phải đĂa ra bằng chứng kết tội gì hết và luật sư biện hộ im lặng từ đầu đến cuối phiên xử, rồi quan toà kêu bồi thẩm kéo vào phòng kín để quyết định chung cuộc cho bị can. Hệ thống pháp lý như vậy sẽ đi về đâu?

Trong ngành nào cũng vậy, từ ngành sửa chữa xe hơi, sửa Tivi, cho đến việc thông ống cống, chẩn mạch đông y, sửa chữa phi thuyền không gian đang bay gần đến Hoả Tinh, v.v. và v.v. muốn đi từ sự kiện A đến kết luận B ta cần phải qua một chuỗi trình lý luận dựa trên một số dữ kiện và sự kiện hỗ trợ nữa. Chuỗi trình lí luận đó thông thường đòi hỏi một sự học hỏi và huấn nghiệp chuyên môn. Học chương trình toán ở cấp trung học ở Việt Nam ngày xưa ta còn nhớ được những gì? Ta có thể nhớ được muốn dạy học trò một định lý nào đó các thầy cô phải chứng minh rõ ràng - và rất nhiều khi phải chứng minh cả định lý thuận và định lý đảo nữa. Tố trạng về Petrus Ký của NV đã hoàn toàn thiếu cái mục chứng minh Petrus Key là Petrus Ký. Thiếu cái móc giữa Petrus Key và Petrus Ký. Nếu có, cái móc đó chỉ làm bằng một sợi chỉ mỏng trong khi thực tế đòi hỏi cái móc đó phải được làm bằng chất thép bền và cứng. Móc đó chính là TỨC - Petrus Key tức Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký sau này. Cái lô-gích đó còn sai lầm ở chỗ: hay Trương Vĩnh Ký sau này. Tên Trương Vĩnh Ký phải là tên có trước, từ lúc mới ra đời, chứ làm sao SAU NÀY được?

y giờ ta thử đặt câu hỏi: Khi ta gặp tên một ông AA được đánh vần rằng AB muốn chứng minh AA chính là AB, hay muốn đi đến kết luận rằng AB tức là AA "sau này" ta phải làm sao? Câu trả lời chắc chắn không đòi hỏi một kiến thức siêu việt hay trình độ sau đại học. Theo thiển ý, ta chỉ cần tìm và xem xét một vài sự kiện sau đây.

Thứ nhất ta phải xem xem ngoài việc xưng hô thông thường là AA, nhân vật đó có khi nào tự xưng rằng mình là AB ở một nơi nào khác hay đối với một số người khác hay không. Thí dụ nhà thơ Nguyên Sa khi đi dạy Triết tại trường trung học nổi tiếng Chu Văn An được gọi Giáo Sư Trần Bích Lan; Hồ Chí Minh có tên khác là Lý Thụy xưng với người Tàu, tên khác Nguyễn Ái Quốc; nhà văn Chu Tử tên thật Chu Văn Bình; Dương Văn Minh có tên khác Big Minh hay Minh Cồ; nhà văn Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn có tên thật Trần Khánh Giư. Petrus Trương Vĩnh Ký người Việt Nam đầu tiên viết lách nhiều nhất bằng chữ quốc ngữ hay bằng tiếng Tây, theo thiển ý và với kiến thức eo hẹp của nv, chưa hề ký tên một bài báo nào bằng cái tên Petrus KEY lạ hoắc này hết! Trên thư từ gởi cho các quan trên người Pháp Petrus Ký vẫn thường xuyên ký tên P. Trương Vĩnh Ký như nhiều sách Việt có chụp phóng ảnh các bức thư đó.

Thứ hai, chắc ta cũng phải đi Paris một chuyến để xem xét trong mớ tài liệu NV đã nghiên cứu rằng ngoài lá thư ký tên Petrus Key đó có còn một lá thư hay một tấm giấy nào cũ cũ trong đó có đề cập hay ghi lại vội vàng một người nào đó mang tên Petrus KEY hay không. Nếu đó chỉ là lá thư duy nhất suốt trong giai đoạn Petrus Trương Vĩnh Ký còn sống mang cái tên Petrus Key thì nv, với ước muốn học đòi tinh thần khoa học phương Tây, bắt buộc phải ngờ vực và hoài nghi rằng Petrus Key, nếu có, và Petrus Trương Vĩnh Ký là hai người hoàn toàn khác nhau.

Thứ ba, như phiá trên đã đề cập, Petrus Ký mới đi du học về chắc chắn sẽ bắt đầu hăm hở thi thố tài năng và sở học của mình. Ông ta bắt buộc phải viết thư thật chính xác để nếu có tham vọng nóng bỏng như NV nói, viết một lá thư hay sẽ cho ông cơ hội lọt vào mắt xanh của mấy ông tây mũi lõ. Nếu tiếng Tây của ông ta còn yếu không đủ diễn tả tư tưởng "hời hợt" của mình ông ta ít ra cũng biết che đậy các sơ hở đó bằng một hình thức thật chuẩn, học "lóm" được ở Penang: Ông ta phải đề ngày tháng trên bức thư đàng hoàng, ký tên phía dưới, rồi nhét vào phong bì, đi xe kéo ra nhà dây thép ở gần nhà thờ Đức Bà, mua tem cò dán vào phong bì và bỏ vào thùng thơ gởi cho quan Jauréguiberry. Lá thư Petrus Key hoàn toàn không có ngày tháng và không có chữ ký của người mang tên Petrus Key. Tuy vậy người nghiên cứu thận trọng vẫn có thể lục soát chồng hồ sơ đó để tìm xem có thư nào của quan ba Jauréguiberry trả lời cho lá thư Petrus Key kia không.

Thứ tư, người nghiên cứu nghiêm túc bắt buộc phải nhận xét về văn phong của lá thư Petrus Key. Điểm này cần phải nhờ một nhà thẩm quyền về tiếng Tây, về Francais, cỡ trình độ giáo sư BXB, hay thạc sĩ PDK trở lên, hay tốt hơn nữa một giáo sư về tiếng Pháp, người Pháp chính cống. Giới thẩm quyền sẽ đem ra so sánh văn phong, lối hành văn, lối đánh vần, lối dùng chữ, văn phạm, cú pháp, v.v. viết trong lá thư Petrus KEY với tất cả những thư từ, bài báo Petrus Trương Vĩnh Ký đã viết trên Gia Định Báo chẳng hạn. Có thể những người thẩm định lại phải tập trung xem xét những thư từ Petrus Ký viết khi mới bắt đầu sự nghiệp hơn là những thư viết khoảng gần cuối đời.

Và thứ năm, với kỹ thuật phóng ảnh của máy điện toán thời nay ta chỉ cần đưa lá thư Petrus Key đó và một số văn thư của Petrus Trương Vĩnh Ký đã đánh máy chữ vào giai đoạn đó cho những nhà chuyên môn về pattern recognition (nhận kiểu dáng), hay gì gì đó trong các ngành kỹ thuật tân tiến hiện đại. Để xem xem kiểu chữ, kiểu phông (font) của máy đánh chữ cho bức thư Petrus Key đó có phải cùng một thứ với máy đánh chữ của Petrus T.V. Ký hay không, hay lại cùng một loại với máy đánh chữ của quan trên Jauréguiberry.

THAY LỜI KẾT

Một vài điểm nv cần phải minh định:

Trong bài này nv chỉ cố gắng trình bày một số quan điểm về kết luận của nhà văn Nguyên Vũ đã viết thành sách trong việc công kích Petrus Trương Vĩnh Ký qua lá thư Petrus Key, một lá thư gần như nặc danh thiếu thốn những định luật chủ yếu thông thường quy định tính chất xác thực của lá thư và của tác giả lá thư đó. Người viết cố gắng viết bài này trên quan điểm của một người tập tành viết lách và có một quá trình làm việc trong ngành nghiên cứu kỹ thuật. Hoàn toàn nv không có văn bằng nào về sử học hết.

  1. Người viết đã giở mủ nhiều lần với Nguyên Vũ khâm phục những công trình nghiên cứu sưu tra của tác giả với cương vị một nhà nghiên cứu sử học chân chính. Bằng chứng rằng NV đã có thể ký dùm cho Petrus KEY vào bức thư bất hủ đó, hoặc bôi chữ E ở giữa chữ Key, đề vào ngày tháng đàng hoàng xong rồi photocopy nó rồi mới công bố. Nhưng thầm phục NV đã không làm chuyện đó.
  2. Bài viết này chỉ đặt trọng tâm vào lá thư Petrus Key. Nó hoàn toàn không có khen hay chê cuộc đời và sự nghiệp của Petrus Trương Vĩnh Ký mà người viết hoàn toàn nhìn nhận chưa đủ thẩm quyền để thẩm định, hoặc chưa đủ thì giờ để bắt đầu điều nghiên về nhân vật dễ thu hút tranh luận này.
  3. Điểm chính yếu của bài này: nv xin "tâm bút" với NV rằng việc công kích Petrus Trương Vĩnh Ký bằng lá thư Petrus Key thiếu thốn sức thuyết phục, ít ra đối với nv.
  4. Những quan điểm trình bày trong bài này chỉ là quan điểm cá nhân, không liên hệ trách nhiệm với các thầy cô hoặc anh em cựu học sinh trường Petrus Trương Vĩnh Ký nơi nv đã được theo học trong suốt 7 năm trung học:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt

Tây Âu khoa học yếu minh tâm.

Sydney Mùa Đông 2002

Nguyên Nguyên

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002