Đại Chúng số 112 - ngày 15 tháng 12 năm 2002

  Trang Bia

Thư Goi Qui Vi Doanh Gia

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Thien Duong Cong San

Chieu Thu Trong Cuoc Doi

Đọc báo dùm các bạn

Thử đọc tâm bút về Petrus Ky

1001 Chuyen Nho Quen

Bac Si Alexandre Yersin

Tan Mot Dem Thu

Van Xua Nguoi Xua

Khoa học & Y khoa

Chuyện huyền bí

Hoa Hau Viet Nam

Nấu ăn ngon cho chàng

Mưa bên này, nắng bên kia

Ban Tin Nhan Quyen

Moi Tuan Mot Bai

Trang thơ

Ca Si Thanh Hung

Những loài hoa dại

Mùa Hoa Cúc Lưu Vong

Tương Kính Tao Nhã

 

Tương Kính Tao Nhã, Giao Hảo Đậm Đà

TÂM TÌNH CHIA XẺ

- Bạch Cúc & Hải Bằng.HDB

Xin mời tham gia đề tài: "Đâu là những viên đá quí xây tòa hạnh phúc lứa đôi cho bền vững?"

VỢ CÓ NÊN TỰ COI "NGANG HÀNG" VỚI CHỒNG KHÔNG?

Hóa công tạo ra phái nam với hai đặc điểm vượt trội hơn phái nữ: thể lực và tính sáng tạo. Đàn ông có sức mạnh và tạo nòi giống. Ngoài ra phải kể là nam giới thông minh và khéo léo hơn nữ giới: riêng công việc nấu ăn hay may mặc thường là sở trường của nữ giới nhưng thực tế thì những nhà bếp hay thợ may giỏi đều là nam giới.

Phái yếu như thế không nên có ý nghĩ tự coi ngang hàng với nam giới về mọi mặt để rồi có những hành vi tỏ ra thiếu kính trọng chồng và làm gương xấu cho các con cái. Đàn ông kỵ nhất điều này và tình yêu đối với vợ sẽ nhạt dần khi sự kính trọng vơi đi. Ngày nay có một số không ít phụ nữ dựa vào sự bình đẳng giữa nam và nữ giới về phương diện pháp luật và đã tỏ ra lấn lướt hay coi thường chồng. Hậu quả là gia đình xào xáo, không vui, và có khi đưa đến gẫy đổ. Trong xã hội, trước pháp luật, nam nữ bình quyền, ngang hàng là tiến bộ. Nhưng trong gia đình, nên phải có một quan niệm đúng đắn về tôn ti trật tự giữa vợ chồng ngõ hầu hạnh phúc gia đình được thực sự bền chặt.

Trong cuộc sống lứa đôi, người nam cần sự kính trọng và yêu thương nơi người vợ; người vợ cần sự yêu thương và quí trọng nơi người chồng. Yêu thương không chưa đủ; mà cần phải có sự kính trọng hay quí trọng. Yêu thương mà thiếu kính trọng hay quí trọng thì chỉ là tình yêu đối với cỏ cây hay muông thú. Thiếu sự kính trọng, hay quí trọng, tình yêu giữa vợ chồng mất đi nhựa sống và sẽ tàn lụi. Tuy nhiên cũng cần phải xác định rõ mức độ kính trọng và quí trọng như thế nào hầu tránh hậu quả tai hại.

Nhiều các bà được hỏi "có nên tự coi mình ngang hàng với chồng không?" Đa số trả lời "không nên" với những giải thích khác nhau.

Bà T. là một giáo chức cho biết "trên thực tế, tôi nắm hết mọi chi phí trong gia đình và điều hành con cái vì tôi kiếm ra nhiều tiền hơn chồng tôi. Nhưng không vì thế mà tôi coi thường chồng, vì tôi tự nghĩ: gia đình cần phải có tôn ti trật tự và người chồng phải là người lãnh đạo được kính trọng; và nếu tôi thiếu sự kính trọng chồng tôi vì một lý do không chính đáng, thì chỉ là làm gương xấu cho con cái và dâu, rể. Tôi quan niệm rằng kính trọng chồng là một đạo đức của người vợ hiền để cho gia đình có hạnh phúc thực sự. Tôi biết một số bà ly thân hay li dị vì đã coi thường chồng với những lý do không chính đáng như chồng kém cỏi bạn hữu, chồng kiếm không ra tiền; hay chồng có một số tật xấu như làm biếng, khó tánh, cờ bạc, uống rượu, v.v. Họ đã thiếu kiên nhẫn hay chịu đựng. Một số không ít "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa" đã rơi vào hoàn cảnh thảm thương hơn."

Bà H. là một công nhân, nói: "Tôi lập gia đình với ông xã tôi khi ông này đã ly dị vợ. Tôi biết anh ấy lấy tôi vì anh ấy thấy tôi có sự kính trọng anh ấy. Bạn tôi nói "Đừng lấy cha đó. Nó đã bỏ cô vợ trẻ và có tiền. Mi ít tiền, ít học, và không trẻ đẹp bằng cô kia. Nó sẽ bỏ mi." Tôi đang cần có chồng để nương dựa và có chút con, vả lại tôi biết anh ấy đã bỏ vợ vì bị vợ coi rẻ chứ tính tình thì đàng hoàng. Tôi tự nhủ "phải tỏ ra kính trọng anh ấy". Tôi áp dụng chân lý đó và chiếm được tình yêu thật sự của anh ấy. Chúng tôi sống có hạnh phúc."

Bà K. mở tiệm cho biết: "Tôi quán xuyến cửa tiệm. Nhà tôi phụ thôi, thân phận tỏ ra có kém cỏi. Ông ấy có nhiều điều bất đắc chí nên buồn và ít nói, nhiều lúc làm tôi bực bội. Nhưng nhớ lại lời mẹ tôi dặn dò lúc lập gia đình là "phải tôn trọng chồng thì gia đình mới vui", tôi ráng giữ nét mặt và lời ăn tiếng nói để tỏ ra tôi vẫn kính trọng anh như ngày nào. Kết quả anh ấy bỏ dần mặc cảm tự ti dồn nén, trở lại cuộc sống bình thản, và gia đình vui hẳn lên."

Bà B. sống ở Mỹ lâu năm cho biết: "Vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sở thích của nhau. Nhà trường giáo dục tính công bằng. Tuy vậy, nếu người vợ trong cư xử hàng ngày biết tỏ ra kính trọng chồng hơn, thì chuyện xào xáo có lẽ sẽ bớt đi và gia đình sẽ vui hơn: vợ chèo, chồng lái; con cái vui hòa. Đa số chồng bỏ hay cách ly vợ đều có lý do thầm kín là vì vợ không còn kính trọng mình."

Mức Độ Kính Trọng Chồng và Tác Dụng

Kính trọng ở đây phát xuất từ những sự thực: chồng hơn vợ ở tuổi tác, sức mạnh, khôn ngoan, và là chủ gia đình. Người lãnh đạo nào cũng cần phải được tổ chức kính trọng. Những cảnh chồng chúa vợ tôi chỉ là cá biệt. Nền văn hóa Việt rực rỡ với những tinh hoa của Nho, Phật, và Đạo Giáo lấy tình thương, công bằng, và bác ái làm phương châm đã làm nổi bật lên nét đặc thù của nền văn hóa Việt là tinh thần quí trọng phụ nữ. Phụ nữ được luật pháp và tục lệ bảo vệ như chồng không thể vô cớ ruồng bỏ vợ; cưới vợ phải nạp sính lễ đàng hoàng. Nói không phải là để tự hào, thật sự trong xã hội Việt đã sản sinh ra rất nhiều vị nữ kiệt hơn hẳn các quốc gia khác trên thế giới như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái Hậu Dương Vân Nga, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Giang, và những nhà thơ như Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, và Hồ Xuân Hương v.v. Nổi bật nhất trong văn hóa Việt là hình ảnh đẹp của bà mẹ hiền với những đức tính quên mình, đảm đang, tận tụy, hết lòng với chồng và con. Tuy gặp phải một anh chồng cờ bạc, vợ vẫn cố chịu đựng:

Còn dăm ba thúng thóc với một vài cân bông

Em bán đi trả nợ cho chồng

Còn ăn, hết nhịn, cam lòng chồng con.

Và cũng không quên góp công giữ gìn đất nước:

Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh.

Kính trọng chồng không phải là sợ hãi mà là tỏ ra mình có giáo huấn. Như vậy, chỉ cần tỏ ra có lễ độ: nét mặt tươi cười, lời nói dịu dàng, và cử chỉ ân cần. Cả ba đức tính đó cần phải tu tập lâu mới đạt được. Nên hiểu rằng những tính đó chính là những gương tốt cho con cháu và có lợi cho sức khỏe cùng là uy tín của mình với những người xung quanh. Khi giận chồng nét mặt vợ thường nét mặt ụ ra, lời lẽ nhấm nhẳng, cử chỉ vùng vằng. Tình cảm xấu đó tạo ra các chất làm hại nội tạng như bao tử và não bộ; lâu ngày thành bịnh với hiện tượng như tóc rụng và da mặt nhăn nheo. Nên biết rằng mọi việc khó khăn nào cũng sẽ cũng giải quyết êm xuôi; chỉ cần ngồi xuống, nhìn thẳng vào mặt nhau, vui vẻ bàn thảo. Trong trận chiến lứa đôi, vũ khí quyết định nhất để chinh phục chồng là tươi cười, dịu dàng, và ân cần. Được vì nể, kính trọng, người chồng nào, người cha nào lại chẳng hết lòng yêu vợ thương con? Ông H. gốc quân đội, tâm sự: "Vợ tôi không kính trọng mẹ tôi và coi thường tôi, nên tôi phải xin ly dị tuy đã sống với nhau cả ba chục năm." Ông H. vốn là nhà giáo nói: "Vợ tôi coi thường tôi quá. Bây giờ tôi sống như một nhà tu." Bác tài xế D. cho biết: "Những năm xa nhà sang bên Thái, Miên, Lào làm ăn, tôi kiếm được rất nhiều tiền và có nhiều cô thương tôi. Nhưng mỗi lần nghĩ đến những ngày ở quê, trong cảnh nghèo khổ, vợ tôi vẫn một mực lo lắng cho tôi mọi thứ, nên tôi quyết định không xa ngã. Tôi đã mang về cho vợ tôi một món quà không ngờ là một số vàng để mua một căn nhà khang trang ở Phú Nhuận." Thế nên mới có câu "Trời nào phụ kẻ có nhân, có trí, có tín, có phần lễ nghi?"

Mức Độ Quí Trọng Vợ và Tác Dụng

Nói chung nam giới ai cũng muốn tỏ ra nịnh đầm và phụ nữ ai cũng thích được quí trọng. Nhưng quí trọng thái quá sinh ra kiêu căng. Nên nhớ câu ngạn ngữ tuy xưa mà còn ứng dụng "dạy con từ thủa còn thơ; dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về" và coi chừng cái thói "được đằng chân, lân đằng đầu". Nên hiểu rằng phụ nữ có những ý muốn bất chợt và thay đổi như chong chóng. Người chồng phải khéo léo thắng nó lại. Như vậy, quí trọng không nên hiểu là cưng chiều, vợ muốn cái gì là phải làm theo cái đó để xẩy ra tình trạng "lệnh ông không bằng cồng bà." Chồng cần phải tỏ ra có khí phách đàn ông là biết nói "không" đối với những đề xuất của vợ do tính gian tham, ganh, ghét, và ương ngạnh. Như vậy, quí trọng vợ nên giới hạn vào những thái độ lịch sự, cử chỉ săn đón, lời nói nhã nhặn, và hào phóng. Ông C. cho biết: "Tôi quá cưng chiều vợ. Vợ bảo gì nghe nấy, khiến cha mẹ, anh em, và họ hàng mất lòng và dần dần xa lánh. Vợ tôi thực sự chẳng mấy tỏ ra kính trọng tôi, nên tôi thực sự chẳng thấy vui gì. Gia đình không có bà con, họ hàng lui tới nên chẳng mấy hạnh phúc". Anh H. rất ngoan đạo, không nghe lời cha mẹ, lấy một cô gái trẻ đẹp, anh tâm sự: "Cháu lấy cô này vì cô ấy trẻ đẹp tuy nhà rất nghèo. Cháu nghĩ rằng giúp cô và gia đình cô ra khỏi cuộc sống bùn lầy, tối tăm, nghèo khổ thì cô ấy sẽ yêu thương cháu suốt đời. Cháu mắc phải lỗi lầm là đã quá cưng vợ để tỏ là mình hết sức thương vợ kể cả việc cô đòi ở riêng vì giận cha mẹ cháu và mê đánh bạc. Mọi việc trong nhà hầu như là cháu làm hết. Yêu thương và cưng chiều hết mức mà vợ vẫn coi thường, không hề kính phục. Cuối cùng sau nhiều năm đau khổ nhịn nhục vì các con, cháu đành phải chấp nhận ly dị. Cô ấy tỏ ra ăn năn thì đã muộn. Lỗi của cháu là đã cãi cha mẹ và quá mềm yếu." Cựu biện lý Đ. cho biết: "Tôi không chiều vợ lắm. Tôi quả có độc tài, thiếu săn đón đối với vợ. Kết quả vợ tôi cảm thấy buồn tủi và đem lòng yêu người khác khi có hoàn cảnh đẩy đưa. Lỗi cũng tại tôi: tự cao, tự đại, và không biết quí trọng vợ".

Tóm lại, yêu thương, kính trọng và quí trọng là chìa khóa mở cửa tòa hạnh phúc hôn nhân. Một gia đình vui không phải là gia đình có nhiều tiền bạc và địa vị xã hội cao mà là một gia đình trong đó mọi người sống có tôn ti, trật tự; trên kính, dưới nhường; ân cần nâng đỡ nhau, thường xuyên liên lạc với nhau, thành thật cùng nhau chia xẻ những vui buồn trong cuộc sống. Truyền thống đại gia đình chung sống của Á Đông vẫn là điểm son mà người Tây Phương thường ca ngợi và ít nhiều vẫn còn tồn tại trong một số gia đình Việt như đại gia đình ông bà Lê Quang Dật hiện nay gồm 24 người (ba thế hệ) vẫn chung sống hoa thuận và thân ái dưới cùng một mái nhà ở Santa Ana đã được báo The orange Register đăng và in hình trong số báo tháng 8 - 1999, nhân Lễ Vu Lan: Mùa Báo Hiếu.

*

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002