Đại Chúng số 119 - ngày 15 tháng 5 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Tin Tức Thế Giới
Tin Cộng Đồng
Lễ ra mắt Liên Đoàn Võ Thuật
Nhân Quyền và Cộng Sản VN
Thế Giới và Bình Luận
Những anh hùng không tên tuổi
Phanh Phui Bí Mật Hacker VN
Trập Trùng
Hoa Kỳ Phản Bội Người Iraq
Đọc Báo Dùm Bạn
Y Khoa Và Khoa Học
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Ốc Đảo của Chủ Nghĩa Khoái Lạc
Goodbye Coca cola
Từ Vương Vũ đến Vương Thúy Kiều
Lồng Lộng Sắc Âm
Đông Y Thường Thức
Bệnh SARS
Phan Thanh Giản

Thay lời giới thiệu

Thúy-Kiều vì Hiếu long đong,
Còn Phan Thanh Giản đau lòng vì Trung.
Phạm Quỳnh sự nghiệp bão bùng :
Đời nay có Phạm Thị Nhung giãi bày,
Dày công khảo cứu đêm ngày,
Hiến đời đại tác phẩm này thiên thu,à
Bình Huyên

Cô Kiều với Phạm Quỳnh

(Bài thuyết trình ngày 20-12-1992)
của GS PHẠM THỊ NHUNG

 

Năm 1992, tính ra đúng một trăm năm ngày sinh cụ Phạm Quỳnh, một học giả uyên bác, xuất sắc Pháp văn, tinh thông Hán tự. Gần hai mươi năm hoạt động trên trường văn trận bút, cùng trên diễn đàn ngôn luận, cụ đã nuôi được một tinh thần quốc gia cho dân tộc, và có công lớn trong việc đắp xây nền tảng cho văn học mới nước nhà hồi đầu thế kỷ XX.

Để tưởng niệm học giả Phạm Quỳnh, ngày 20 tháng 12 năm 1992 tại vùng Paris, một số rất đông thân hữu cùng gia quyến cụ Phạm Quỳnh đã long trọng làm lễ kỷ niệm đệ nhất bách chu niên ngày sinh của cụ.

Tôi rất hân hạnh được mời tham dự với một bài thuyết trình. Tôi đã nhận lời ngay, vì tự coi đó là bổn phận của một nhà giáo, đã từng dạy Việt văn nhiều năm tại quê nhà ; mặc dầu sau biến cố 1975, tôi đã tự ý về hưu non, đến lúc ấy đã trên mười bảy năm. Tôi cũng phải thú thực rằng sau khi nhận lời rồi thì lòng không khỏi băn khoăn lo lắng, vì biết nói gì đây trong một ngày lễ kỷ niệm đầy ý nghiã này : trăm năm mới có một lần!

Rất may một hôm, tôi được một bà bạn sốt sắng dẫn đi Yerres, tới thăm thư viện của bà Phạm thị Ngoạn, tức nữ sĩ Liên-Trang, con gái của cố học giả Phạm Quỳnh, xem có cần tài liệu gì về ông cụ để bà Ngoạn cung cấp, vì tủ sách của bà có đầy đủ bộ Nam-Phong, từ số đầu đến số chót, cùng nhiều tài liệu khác nữa.

Hôm đó tôi đã được bà Ngoạn giới thiệu một cuốn sổ tay nhỏ ghi năm 1922 của cụ Phạm Quỳnh. Trong đó, khoảng thời gian cụ Quỳnh du thuyết ở Paris, tôi đọc được mấy hàng chữ ghi vắn tắt những cuộc gặp gỡ giữa cụ với một số nhân vật cách mạng Việt Nam đang hoạt động tại Pháp như:

Juillet - 13 Jeudi : ăn cơm an-nam với Phan văn Trường và Nguyễn AÔi Quốc ở nhà Trường (6 Villa des Gobelins)

Một trang khác :

Juillet - 16 Dimanche : ở nhà Trường, Ái Quốc và Truyền đến chơi.

Ngoài ra trong sổ tay còn ghi những cuộc tiếp xúc của cụ Phạm Quỳnh với một số chính khách và nhà báo. Tôi đoán họ là những người mà cụ Phạm Quỳnh đã nhờ vận động cho các buổi diễn thuyết dự tính được thành tựu.

Sau đó, bà Ngoạn còn giới thiệu tập di cảo của cụ Phạm Quỳnh, dầy bốn mươi tám trang vở học trò, ngoài bìa có hai dòng chữ lớn :

Kiến Văn Cảm Tưởng
Hoa-Đường Tùy Bút

Cả hai quyển này mầu giấy đã vàng úa (gần nửa thế kỷ rồi còn gì !). Tôi giở xem, đến gần trang cuối, thấy đề tựa "Cô Kiều với tôi ", thì thầm nghĩ ngay là bài này chắc ông cụ giốc hết bầu tâm sự đây, rồi vội vàng đọc một mạch à mới có ba trang giấy đã hết à bài viết còn dang dở, tôi ngẩn ngơ tiếc nuối.

Bà Ngoạn kể :"Trong tình cảnh gia biến bối rối, cha và chồng bị bắt đem đi vì lý do mời lên họp ở toà Khâm rồi không thấy về, lành dữ chưa biết ra sao. Nhà cửa bị lục soát, sau đó các phòng ốc của toà nhà chính đều bị niêm phong, cả đại gia đình bị dồn vào ở trong ba gian nhà nhỏ thuộc khu phụ cận à Chẳng còn nhớ khi nào và trong hoàn cảnh nào tôi đã tìm thấy được hai kỷ vật quí báu này của ông cụ, ở trang chót có cái bút Waterman còn chặn ngang trên trang giấy viết dở." (Xin đọc ba trang thủ bút của Phạm Quỳnh kèm theo bài này)

"Tâm sự thầy tôi khi trẻ giữ để bụng, lúc về chiều lại muốn thoát ra cho nhẹ, thì oan nghiệt của số phận đã bắt thác phải mang theo !"

(Thầy tôi, bài của Phạm thị Hoàn (con gái thứ của học giả Phạm Quỳnh), đăng trong AÔi-Hữu số 115, tháng 6 năm 1992, xuất bản tại Paris).

Đấy là lý do đã đưa tôi đến quyết định chọn đề tài "Cô Kiều với Phạm Quỳnh" để thuyết trình trong buổi đại lễ này.

Tôi muốn lật lại chồng sách báo cũ, tìm vào chính những bài viết, những lá thư hay những câu trả lời trong các cuộc phỏng vấn của học giả Phạm Quỳnh, cùng dựa vào những lời phê bình của một số giáo sư, một số phê bình gia, tiểu thuyết gia và một số độc giả về cả hai phương diện hoạt động văn hoá lẫn chính trị của họ Phạm, đặc biệt là những lời khen chê quanh vụ án truyện Kiều, cộng thêm với sự nhận xét của riêng mình, tôi thử giải thích xem đâu là những cảnh ngộ trớ trêu, đâu là nỗi lòng ưu uất của học giả Phạm Quỳnh, trong suốt cuộc đời hoạt động không ngừng, từ thời tráng niên đến lúc về ở ẩn tại biệt thự Hoa-đường, khiến họ Phạm đã có ý xem mình là kẻ "một hội một thuyền" với cô Kiều.

I. "Cô Kiều với tôi"

Mở đầu cho bài nói chuyện "Cô Kiều với Phạm Quỳnh", tôi xin được giới thiệu và phân tích bài tản văn "Cô Kiều với tôi " của học giả Phạm Quỳnh.

Đây là bài tuỳ bút thứ mười-một trong tập di cảo Kiến Văn Cảm Tưởng - Hoa Đường Tuỳ Bút mà Phạm Quỳnh - cựu Thượng thư bộ lại, kiêm Ngự tiền văn phòng đổng lý của vua Bảo Đại - đã thực hiện sau biến cố Nhật đảo chánh Pháp (tháng 3 năm 1945), khi ông rút lui khỏi chính trường về ở ẩn tại biệt thự Hoa-Đường, bên bờ con sông đào Phú-Cam, thuộc vùng An-Cựu, sát ngay thành phố Huế.

Đặc biệt đây là bài văn cuối cùng của học giả Phạm Quỳnh, bài văn viết còn dang dở trước khi ông bị một nhóm người cách mạng bắt đi ngày 23-8-1945, rồi hạ sát tại khu rừng Hắc-Thu, thuộc tỉnh Quảng Trị sau đó vài tuần (Tài liệu Introduction au Nam Phong, Phạm thị Ngoạn, Extrait du Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, Nouvelle série, Tome XLVIII, Nos 2 et 3, 2ème et 3ème trimestres 1973, page 209).

1) Phạm Quỳnh muốn xác nhận bốn câu thơ mào đầu, nói về tình cảnh của cô Kiều khi ra tu ở Quan-Âm Các, đã phản ảnh tâm sự của chính ông từ khi rời khỏi chính phủ lui về cuộc sống ẩn dật. Phạm Quỳnh viết :

"Nàng từ lánh gót vườn hoa
Dường gần rừng tiá, dường xa bụi hồng.
Nhân duyên đâu nữa mà mong
Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thời thôi à"

"Sao mà truyện Kiều có lắm câu thiết tha, thấm thiá như vậy ! à Tưởng giá tự mình than thở cũng than thở như thế mà thôi. Mà bất cứ câu nào đoạn nào ; hễ ngẫu nhiên thích hợp là có cái âm hưởng lạ lùng như vậy à "

2) Phạm Quỳnh là người có một tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn, và một trái tim đa cảm, rất dễ xúc động.

Ta hãy nghe ông kể : "Hồi tưởng từ thuở nhỏ, mỗi khi nghe đọc một câu thơ iều, dù chưa hiểu nghiã, đã thấy cái âm hưởng lạ lùng, nó vang động trong lòng. Rồi từ đó cứ văng vẳng luôn bên tai, càng ngày càng tha thiết, thấm thía, có khi âm thầm não nuột như tiếng gọi xa xăm của một âm hồn tri kỷ tự chín suối đưa lên."

Làm sao một cậu bé chưa hiểu được gì về ý nghiã của câu thơ Kiều mà đã bị cái âm hưởng, cái nhạc điệu của câu thơ quyến rũ, ám ảnh đến thế ? Nếu tìm hiểu tiểu sử Phạm Quỳnh ta sẽ bớt ngạc nhiên.

Cậu bé Phạm Quỳnh chào đời được chín tháng thì mẹ khuất bóng, được chín tuổi thì cha cũng qua đời.

Ta hẳn biết trong cuộc sống của đứa trẻ, không gì bất hạnh hơn là thiếu vắng tình âu yếm ngọt ngào, thiếu bàn taynâng giấc vỗ về của người mẹ, ca dao chẳng đã có câu :

Con ở với bà, bà không có vú,
Con ở với chú, chú là đàn ông.

đủ biết không ai có thể thay mẹ được.

Đã vậy, nếu lại mất cả cha thì dù có được sống đầy đủ vật chất, đứa bé vẫn cảm thấy hụt hẫng, mất nơi nương tựa về tinh thần, làm sao có thể sống hồn nhiên vô tư lự, hay yêu đời như những đứa trẻ bình thường khác ? Ca dao cũng đã có câu tả cảnh ngộ đáng thương này như sau :

Có cha có mẹ thì hơn,
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.

Đờn đã đứt dây thì làm sao còn lên tiếng ca hát được nữa !

Trong thời thơ ấu, Phạm Quỳnh đã bị mồ côi cả mẹ lẫn cha, lại không anh chị em nên dù được bà nội thương yêu, cậu bé nhiều khi vẫn cảm thấy buồn tủi, cô đơn ; giữa lúc đó, vô tình nghe đọc một câu thơ Kiều (bà nội đọc Kiều, hay tiếng một bà mẹ trẻ đang hát Kiều ru con từ hàng xóm vẳng sang ?), bản tính vốn đa cảm, dễ xúc động nên cái âm hưởng đặc biệt "véo von, réo rắt mà nhịp nhàng" đến lạ lùng, kỳ diệu của câu thơ lục bát Kiều kia đã có sức tác động mãnh liệt vào tâm hồn Phạm Quỳnh, nó vuốt ve, vỗ về, an ủi được cõi lòng bơ vơ buổn tủi của cậu.

Rồi từ đó những câu thơ Kiều trở thành nhu cầu cho đời sống tâm linh của Phạm Quỳnh, nó "cứ văng vẳng bên tai, càng ngày càng thiết tha, thấm thiá ", "như tiếng gọi xa xăm của một âm hồn tri kỷ tự chín suối đưa lên."

Theo với thời gian, Phạm Quỳnh càng trưởng thành, vào đời càng gặp nhiều éo le, oan trái, ông càng hiểu rõ ý nghiã thâm trầm, thắm thiết của những câu thơ Kiều hơn ; để rồi cũng từ đó, cô Kiều, nhân vật chính trong kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, linh hồn của những câu thơ Kiều càng trở nên gắn bó, bất ly phân với ông. Phạm Quỳnh cảm cô Kiều đến tưởng như cô "sống luôn luôn bên mình, hầu như chi phối cả đời tình cảm của mình, đoán định cả cuộc thân thế của mình."

Như thế, vô hình chung, Phạm Quỳnh đã xem định mệnh cô Kiều như định mệnh của chính ông.

3) Ngoài ra, Phạm Quỳnh còn cho ta biết, ông là người thứ nhất đem đối chiếu thân thế cô Kiều với thân thế Nguyễn Du mà nhận ra rằng :"Đoạn trường tân thanh là lời than vô cùng cảm động, vô hạn thiết tha của một văn sĩ có tài đau lòng vì cuộc đời ngang ngửa."

4) Còn đối với truyện Kiều, Phạm Quỳnh vì có cái tâm lý là người cùng cảnh ngộ với tác giả và người trong truyện nên ông đã phổ hết tình cảm vào đấy, cùng để nó bay bổng theo với tâm hồn lãng mạn của ông. Ông viết :"Lãng mạn cho đến đem cả chử nghĩa quốc gia căn cứ vào truyện Kiều ! Cho tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có quốc văn mới có quốc gia. Quốc văn ta thời tuyệt phẩm là truyện Kiều, trước sau chỉ có truyện Kiều, may có truyện Kiều, đáng quí báu vô cùng. Cho nên năm 1924, lần đầu tiên kỷ niệm cụ Tiên-Điền, trước hai ngàn người họp ở sân Hội Khai Trí, tôi trịnh trọng tuyên bố một câu :

"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có điều chi nữa mà ngờ à"

Và theo Phạm Quỳnh, câu đó chẳng phải là một lời vọng ngôn. Ông dẫn chứng : "Năm 1933, một văn sĩ Pháp nói về nước Ba-Tư làm lễ kỷ niệm thập bách chu niên thi hào Firdousi, tác giả sách Shahnameh (Đế-vương-lục), là một kiệt tác bằng tiếng Ba-Tư, nhờ sách đó mà tiếng Ba-Tư còn lưu truyền vang qua mấy mươi đời bị Ả-Rập đô hộ à"

Có điều nên nói thêm, trong bản ngã của Phạm Quỳnh, khuynh hướng nghệ sĩ lãng mạn, đa cảm như đã được giới thiệu ở trên, chỉ là một khiá cạnh của cuộc sống, vì ngoài nó, còn có một khuynh hướng thứ hai, chủ về lý trí, mãnh liệt hơn, sẽ được nói ở phần sau.

Tóm lại, qua mấy đoạn trong bài tùy bút "Cô Kiều với tôi" của học giả Phạm Quỳnh, chúng ta hẳn thấy, đây mới chỉ là những câu mở đầu của họ Phạm, nói tới các lẽ về tâm lý, về tình cảm đã đưa đến sự gắn bó giữa ông và cô Kiều ; Còn vì những lý do nào khiến Phạm Quỳnh có ý xem ông là kẻ "một hội một thuyền" với cô Kiều, thì ông ta chẳng bao giờ còn cơ hội để biện giải.

Đây chính là phần mà tôi sẽ cố gắng thử trình bày trong bài thuyết trình này.

(Còn tiếp)
GS PHẠM THỊ NHUNG

Xin đón đọc kỳ tới :

- Hoàn Cảnh Lịch Sử Xã Hội VN Từ Cuối Thế Kỷ XIX Đến Đầu Thế Kỷ XX
- Thân Thế, Chí Hướng, Hành Trang và Sự Nghiệp của Học Giả Phạm Quỳnh
- Thời Làm Việc Tại Trường Pháp Quốc Viễn-Đông Bác-Cổ (École Francaise d'Extrême-Orient)

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002